Wednesday, October 11, 2017

Tầu bưu điện ngầm ở Luân Đôn: Một "kỳ tích" của ngành đường sắt Anh Quốc



Audio


Big Ben tạm lắng tiếng chuông trong vòng 4 năm để trùng tu. Như để bù đắp Luân Đôn mở cửa đường tầu bưu điện ngầm cho khách tham quan. Sau ba năm khôi phục, kể từ đầu tháng 9 năm 2017, du khách có thể ngồi xe đưa thư tham quan đường tầu bưu điện ngầm đầu tiên trên thế giới.Theo tính toán của những kỹ sư giỏi nhất thời bấy giờ, sử dụng đường hầm để chở thư sẽ bảo đảm cho toàn bộ hệ thống hoạt động thông suốt và tiết kiệm thời gian so với phải chuyên chở bằng hệ thống giao thông bình thường. Đó là chưa kể các con tàu đều được tự động hóa để không cần phải có người lái mà vẫn di chuyển như con thoi giữa các trạm trung chuyển.

Tầu bưu điện ngầm, hầm trú ẩn lý tưởng thời chiến sự

Và thế là người ta bắt tay xây dựng tuyến đường sắt đặc biệt này vào năm 1914. Một năm sau, dự án tưởng chừng phải bỏ dở. Công trình buộc phải tạm ngưng do tình trạng khan hiếm vật liệu và nhân công khi Đệ Nhất Thế Chiến nổ ra. Dù vậy, dự án xây đường tầu bưu điện ngầm này cũng được hoàn tất và được đưa vào sử dụng năm 1927. Trên thực tế, đường tầu ngầm này đã giúp giảm đi rất nhiều thời gian giao chuyển thư giữa các trạm phân thư từ nhiều giờ xuống còn 30 phút.

Trong vòng 76 năm, con tầu bưu điện này chạy 22 giờ mỗi ngày, đi khắp dưới lòng thủ đô Luân Đôn. Thậm chí trong suốt chiến dịch Blitz, chiến dịch dội bom tăng cường của không quân Đức trong Đệ Nhị Thế Chiến cũng không làm gián đoạn hoạt động của đường tầu.

Nhiều đoạn đường hầm tầu đôi khi còn là nơi cất giấu lý tưởng các tác phẩm nghệ thuật trong suốt chiến dịch không kích đó, đặc biệt là phiến đá Rosette của British Museum. Đây là một mẩu tấm bia thời Ai Cập cổ đại cho phép các nhà khảo cổ giải mã các sắc lệnh được ban hành ở Memphis năm 196 TCN, nhân danh nhà vua Ptolemy V.

Điều đặc biệt là trong vòng gần một thế kỷ tồn tại, ít có người dân Luân Đôn nào nói riêng và cả nước Anh nói chung biết đến sự hiện diện của đường tầu điện đó.

Nay được mở cho công chúng, người xem được ngồi trên chiếc toa tầu rộng chừng 70 cm, vận tốc khoảng 6,4 km/giờ, chuyên dùng để chở thư và bưu phẩm, đi khám phá một thế giới khác tuy không lộng lẫy nguy nga như cung điện Wesminster, cầu tháp TowerBridge, tháp đồng hồ Big Ben, hay giáo đường Saint Margaret…nhưng cũng không kém phần hấp dẫn.

« Kỳ tích kỹ thuật » của các kỹ sư Anh

Đó là những đoạn đường hầm rỉ sét, những khu nghĩa địa đường sắt hay những trạm xử lý thư từ, ngày nay đã bị hư hỏng nặng. Người tham quan được nghe chính những người từng làm việc ở đây hướng dẫn, giới thiệu về tuyến đường hầm đặc biệt này.

« Toàn bộ hệ thống bắt đầu từ trung tâm phân thư ở phía Tây là khu Paddington rồi chạy dài sang phía đông đến khu White Chaple, với chiều dài trên 10km, gồm tổng cộng là 8 trạm chuyển giao thư tín và bưu phẩm, mà mỗi ga là một kết cấu chuyển nhận khác nhau, như có nơi trực tiếp đưa hàng từ xe goòng sang xe tải chạy ngoài đường. Hệ thống đường sắt kích thước nhỏ như chúng ta thường thấy trong các hầm mỏ, nhưng thực sự là những bước tiến rất xa trong ngành đường sắt, đều được ứng dụng vào tuyến đường này, một di tích đầy tự hào của ngành bưu điện Anh quốc.»

Ông Adrian Steel, giám đốc Bảo tàng Bưu điện, tự hào cho rằng đường tầu ngầm bưu điện này là một « kỳ tích kỹ thuật » của ngành thiết kế đường sắt. Hệ thống đường sắt này giờ là một phần của bảo tàng bưu điện nước Anh, bên cạnh rất nhiều bảo tàng nổi tiếng khác. Thông tín viên Lê Hải, một cư dân ở Luân Đôn, giải thích về tầm quan trọng và vai trò của tuyến đường sắt này.

« Chưa nói gì đến du khách nước ngoài, chỉ riêng du khách người Anh thôi có lẽ đã đủ khiến người ta phải đăng ký chờ đợi từ rất lâu mới có thể mua vé vào xem trong ngày khai trương tuyến đường du lịch này. Nước Anh nổi tiếng với các câu lạc bộ qui tụ người yêu thích ngành đường sắt, mà hình ảnh người ta túm tụm cầm ống nhòm và máy chụp hình đứng ở các ga để ngắm các loại xe lửa là chuyện rất bình thường ở Luân Đôn. Bây giờ một tuyến đường sắt nổi tiếng như vậy, trước nay chỉ vận hành nội bộ, nay lại mở cửa cho khách tham quan, thì rõ ràng là một sự kiện không thể vắng mặt.

Nhìn từ góc độ khác, thì cuộc cách mạng đường sắt đã làm thay đổi hoàn toàn thế giới của chúng ta đang sống, và những gì được bảo tàng giữ lại đều là vật thể quan trọng để giúp không chỉ con cháu chúng ta mà ngay chính bản thân chúng ta hiểu thêm về quá khứ. Người ta có thể mường tượng cách đây 100 năm, khi nói đến một con phố thì ở rất nhiều nơi trên thế giới còn là điều gì đó rất là xa lạ, vậy mà hồi năm 1911 ngành bưu điện nước Anh đã phải họp bàn giải pháp để làm sao cho thư từ không bị chậm trễ do nạn tắc đường ở Luân Đôn.

Thêm nữa, vào thời đó ở Việt Nam muốn ra kinh đô để giải quyết việc gì người ta phải đi rất là lâu. Vậy mà ở nước Anh, lượng thư tín cần phải phân phối đã nhiều đến mức phải xây riêng cho ngành bưu điện một tuyến đường ngầm. Tương tự vậy, năng lượng điện hiện vẫn còn là điều xa lạ với nhiều vùng đất thì từ năm 1926 hệ thống đường sắt ngầm của bưu điện nước Anh đã dùng động cơ điện và không lâu sau đó là lái tự động bằng máy. Sau Luân Đôn thì một số thành phố khác cũng xây dựng hệ thống tương tự như Munich ở Đức, Zurich ở Thụy Sĩ, và Chicago bên Hoa Kỳ. »

Tầu bưu điện ngầm : Điểm khảo cổ học đô thị

Theo ước tính, hệ thống đường ngầm bưu điện ở Anh đã xử lý trung bình mỗi ngày 4 triệu thư tín. Nhưng đến một lúc nào đó, chi phí vận hành tính ra lại quá cao so với chở bằng xe tải. Người ta tính toán và thấy rằng chi phí đó cao gấp 3-5 lần bình thường và do vậy đã ra quyết định đóng cửa tuyến đường này vào năm 2003. Những người làm việc trên tuyến đường này ghi nhận một sự thay đổi rất rõ ràng trong thói quen của người dân Anh. Công nghệ và Internet phát triển, thư từ có thể trao đổi qua mail. Bưu điện giờ chỉ dùng để chuyển bưu kiện và hàng hóa là chính.

Phương thức liên lạc thay đổi khiến cho các phương tiện như hệ thống đường sắt dưới lòng đất trở thành lạc hậu, và bị gạt bỏ. Cuộc sống và phương tiện đã tiến về phía trước, vậy còn những người lao động đã từng gắn bó cuộc đời với đường tàu ngầm bưu điện này thì sao? Một số người đã cố gắng lưu giữ lại một phần của lịch sử và giúp các lứa sinh viên nghiên cứu.

Giờ đây, sau gần 15 năm đóng cửa, bưu điện Anh đã quyết định đưa tuyến đường này vào hoạt động trở lại, chuyển công năng thành phục vụ nhu cầu khám phá cho khách du lịch. Và theo thông tín viên Lê Hải, sự kiện này cũng nằm trong xu hướng chung tại Anh, biến những địa điểm công ích cũ xưa thành những điểm du lịch, bảo tồn di sản văn hóa-lịch sử.   Chính vì điều đó mà trước ngày khai trương chính thức, đã có trên 15.000 người đã đặt mua vé sẵn từ trước để vào tham quan tầu điện ngầm ngay ngày mở cửa.  

« Như vậy là nghiên cứu khảo sát của nhiều khóa sinh viên trường Đại học Cambridge đã kết thúc bằng một dự án thành công là phục hồi tuyến đường sắt chở thư và mở cửa bảo tàng bưu điện. Đây mới thực sự là điều có thể khiến thính giả ở Việt Nam suy nghĩ. Trong lúc nhiều nơi coi các quần thể kiến trúc cũ là cái cần phải phá đi để tạo ra bộ mặt mới gọi là phát triển, thì trên thế giới đang có một xu hướng rất rõ ràng được gọi là khảo cổ đô thị, hay khảo cổ công nghiệp, tức là không đào bới đâu xa vào quá khứ, mà lên kế hoạch giữ lại một phần của quá khứ ngay trong chính những gì chúng ta đang có, được xây dựng từ thời hiện đại tức là trong Thế kỷ 20.

Rất nhiều công trình giá trị đã bị phá nát mà không hề được nghiên cứu khảo sát để ghi lại bất kỳ điều gì từ quá khứ, như khu nhà xưởng Bason ở Sài Gòn, hay nhà máy dệt Nam Định từng là biểu tượng in trên tiền . Ở nước Anh này, tất cả những di tích kiểu như vậy, giống như là khu xưởng dệt hay sản xuất dây thừng giống như nhà xưởng của Engel mà Các Mác từng mô tả trong bộ Tư bản luận của ông, hay các khu cảng và hệ thống kênh đào vận tải, tất cả đều được các tổ chức và nhóm hội của người Anh cố gắng giữ lại một phần bên cạnh những công trình mới, hoặc thay đổi công năng thành phục vụ du lịch để giữ lại toàn phần. Nhìn từ góc độ đó, thì tuyến đường sắt ngầm chở thư tín ở Luân Đôn chính là một trong số những điểm đến quan trọng nhất cho giới lãnh đạo và tri thức trẻ Việt Nam trong chuyến du lịch Anh. »

100 năm lịch sử không chỉ của nước Anh mà cả thế giới được lưu lại trong một quần thể vô cùng độc đáo này chắc chắn sẽ là điểm đến cho những ai quan tâm đến lịch sử công nghiệp và khảo cổ học đô thị.

Nguồn: RFI / Minh Anh - Lê Hải

No comments:

Post a Comment