Wednesday, February 7, 2018

Chuyện Một Chiếc Ải (Nam Quan) Đã Mất - Trần Gia Phụng


Ải Nam Quan của Việt Nam nay đã thuộc về Tàu


Giọng đọc: Vĩnh Thiên - Hoài Hương

1. ẢI NAM QUAN

Theo Ðại Nam nhất thống chí, do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn xong dưới triều vua Tự Ðức (trị vì 1847-1883), ải Nam Quan cách tỉnh thành [Lạng Sơn] 31 dặm về phía bắc, thuộc châu Văn Uyên, phía bắc giáp châu Bằng Tường tỉnh Quảng Tây nước Thanh, tức là chỗ mà người Thanh gọi Trấn Nam Quan. Cửa nầy dựng từ năm Gia Tĩnh nhà Minh,[1] đến năm Ung Chính thứ 3 [1725] nhà Thanh,[2] án sát tỉnh Quảng Tây là Cam Nhữ Lai tu bổ lại có tên nữa là Ðại Nam Quan, phía đông là một dải núi đất, phía tây là một dải núi đá, đều dựa theo chân núi xây gạch làm tường, gồm 119 trượng [3], cửa quan đặt ở quãng giữa có biển đề Trấn Nam Quan, dựng từ năm Ung Chính thứ 6 [1728] triều Thanh, có một cửa, có khóa, chỉ khi nào có công việc của sứ bộ mới mở. Bên trên cửa có trùng đài, biển đề 4 chữ Trung ngoại nhất gia, dựng từ năm tân sửu [1781] đời Càn Long nhà Thanh.[4] Phía bắc cửa có Chiêu đức đài, đàng sau đài có Ðình tham đường (nhà giữ ngựa) của nước Thanh; phía nam có Ngưỡng đức đài của nước ta, bên tả bên hữu, có hai dãy hành lang, mỗi khi sứ bộ đến cửa quan thì dùng chỗ nầy làm nơi tạm nghỉ.(5)

Sau khi mô tả ải Nam Quan, các sử quan nhà Nguyễn đã đưa ra nhận xét như sau: Trấn Nam Quan không rõ bắt đầu từ triều đại nào, trong Nam sử cũng như Bắc sử đều không có minh văn. Khoảng đời Lê Cảnh Hưng, [6] đốc trấn Lạng Sơn Nguyễn Trọng Ðang sửa lại Ngưỡng đức đài, lập bia ghi việc đại lược nói: Nước Việt ta có Ngũ Lĩnh, quan ải trước ở đâu không rõ, là vì diên cách thế nào không ghi đủ. Gần đây, lấy địa giới châu Văn Uyên trấn Lạng Sơn làm cửa quan, cửa quan có Ngưỡng đức đài không rõ dựng từ năm nào, có lẽ bắt đầu từ đời Gia Tĩnh nhà Minh. Văn bia ấy nay vẫn còn.(7)

Dựa theo văn bản trên đây, ải Nam Quan gồm hai phần kiến trúc: Thứ nhất, phần kiến trúc do chính quyền Trung Hoa xây dựng từ thế kỷ 16 gồm có cửa quan và những cơ sở phụ thuộc phía bắc ải. Thứ nhì, phần kiến trúc do chính quyền Ðại Việt xây dựng phía nam ải, gồm có Ngưỡng đức đài và hai dãy hành lang tả hữu, và có bia được lập vào thế kỷ 18 ghi địa giới hai nước.

Danh từ Nam Quan do triều đình Trung Hoa đặt, có nghĩa là cánh cửa mở xuống hay đi xuống phía nam. Như thế, khi xây dựng cửa ải Nam Quan, triều đình Trung Hoa chính thức xác nhận đây là biên giới phía nam của nước Trung Hoa, giống như Nhạn Môn Quan (8) là cửa ải cực bắc Trung Hoa. Mỗi lần sứ quan một trong hai nước bước qua cửa ải là tiến vào địa phận nước bên kia.

Dưới chế độ cộng sản, Mao Trạch Ðông đổi tên ải Nam Quan thành Mục Nam Quan (cửa nhìn xuống phía nam), còn Hồ Chí Minh thì gọi là Hữu Nghị Quan (cửa hữu nghị), nhưng hữu nghị như thế nào, ngày nay vừa mới có câu trả lời qua Hiệp ước về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc ngày 30-12-1999.


2. VỊ TRÍ QUAN TRỌNG CỦA ẢI NAM QUAN

Những nhà cầm quyền Trung Hoa nhiều lần đưa quân sang xâm lược nước ta, nhất là trong những lúc nước ta loạn lạc, suy yếu. Quân đội xâm lược Trung Hoa tiến sang nước ta bằng hai đường: đường biển và đường bộ.

Trên biển, năm 938, vua Nam Hán (9) là Lưu Cung sai con là Hoằng Tháo mang chiến thuyền vượt biển, theo đường sông Bạch Ðằng,(10) đã bị Ngô Quyền phục binh chận đánh. Hoằng Tháo tử trận; Lưu Cung phải ra lệnh thu quân về.

Trên bộ, núi non trùng điệp giăng ngang biên giới giữa hai nước. Chỉ có một cuộc hành quân duy nhất dọc duyên hải do Mã Viện (Ma Yuan, 14 TCN 49) thực hiện năm 41, khi ông vâng lệnh Hán Quang Võ (Han Kuang-wu, trị vì 25-57) đem quân sang đánh Hai Bà Trưng. Mã Viện đi dọc theo bờ biển Quảng Ðông, xuống cổ Việt, xuyên qua núi non vùng Ðông Triều, tiến về phía tây, tấn công Hai Bà Trưng tại Mê Linh, Châu Diên (vùng Phúc Yên, Sơn Tây ngày nay).(11)

Con đường nầy xa mà không tránh được núi non, nên về sau các nhà quân sự Trung Hoa chọn con đường tương đối thuận lợi là các thung lũng chạy dọc theo các dòng sông, từ Trung Hoa qua Việt Nam giữa biên giới hai nước.

Có hai con đường chánh: Thứ nhất, từ Tư Minh, Bằng Tường (Quảng Châu, Trung Hoa), theo thung lũng các sông nhỏ như Bằng Giang, Kỳ Cùng, vào Lạng Sơn, xuống thung lũng sông Thương, đến Bắc Ninh, tiến qua Thăng Long. Thứ nhì, từ Vân Nam, theo thung lũng sông Hồng, xuống Thăng Long. Ðường thứ nhì núi non hiểm trở, dài hơn và khó đi hơn đường thứ nhất, nghĩa là đường thung lũng sông Hồng không thuận tiện bằng đường thung lũng sông Thương.

Như thế, Lạng Sơn nằm ngay trên con đường chiến lược quan trọng chính của những cuộc hành quân xâm lăng của Trung Hoa tiến vào Việt Nam. Muốn tiến vào Lạng Sơn, quân đội bắc phương phải tiến ngang qua một ngọn đèo, và trên ngọn đèo đó là ải Nam Quan. Ải Nam Quan nằm ở địa đầu của Lạng Sơn, là tiền đồn ngăn chận những cuộc xâm lăng từ bắc phương và cũng là chiến địa của những trận giao tranh đẵm máu, ghi dấu những chiến tích lẫy lừng của quân dân Việt Nam.

Xin hãy chú ý đến cách mô tả địa thế ải Nam Quan trong Ðại Nam nhất thống chí: ... phía đông là một dải núi đất, phía tây là một dải núi đá, đều dựa theo chân núi xây gạch làm tường... Hai bên là hai dãy núi, ở giữa là lối đi qua ải, phía bắc chính quyền Trung Hoa xây công sự, phía nam, là các công trình kiến trúc nước ta. Ðó là con đường đèo chật hẹp, nếu chận ngay tại đường đèo nầy, nghĩa là chận ngay cửa ải, thì bắc phương rất khó tiến quân.

Cuộc tiến quân xâm lăng bằng đường Lạng Sơn đầu tiên diễn ra năm 981. Nguyên vào năm 979, Ðinh Bộ Lĩnh (trị vì 968-979) bị ám sát, con là Ðinh Tuệ, mới 6 tuổi lên ngôi tức Ðinh Phế Ðế (trị vì 979-980). Nhận thấy tình hình Ðại Cồ Việt xáo trộn, năm 980 vua Trung Hoa là Tống Thái Tông (trị vì 976-997) phong cho Hầu Nhân Bảo làm Giao Châu thủy lục chuyển vận sứ, còn các tướng Tôn Toàn Hưng, Trần Khâm Tộ, Lưu Trừng, Giả Thực làm binh mã đô bộ thự; tất cả sửa soạn quân lương lên đường sang xâm lấn Ðại Cồ Việt. Quân Tống chia làm hai đường thuỷ bộ tiến vào nước ta năm 981 (tân tỵ). Ðường bộ do Hầu Nhân Bảo cùng Tôn Toàn Hưng tiến theo ngả Lạng Sơn, còn đường thủy do Trần Khâm Tộ và Lưu Trừng từ mặt biển tiến vào bằng đường sông Bạch Ðằng.

Nhân cơ hội nầy, Lê Hoàn tổ chức đảo chánh, tự mình lên làm vua (trị vì 980-1005). Nhà vua tự làm đại tướng cầm quân chống giặc, cũng chia quân làm hai hướng để ngăn cản đường tiến quân của nhà Tống. Sử sách chỉ viết rằng Hầu Nhân Bảo bị phục kích ở ải Chi Lăng (Lạng Sơn). Trước khi muốn tiến đến Chi Lăng, có thể phải qua ải Nam Quan. Hầu Nhân Bảo trúng kế trá hàng, bị bắt giết. Quân Việt phản công mạnh mẽ, quân Tống thiệt hại nặng, hai bộ tướng của Hầu Nhân Bảo là Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân bị bắt. Sau trận Chi Lăng, các lực lượng thủy bộ của nhà Tống đều rút lui.

Việc giao thiệp giữa Ðại Việt và Trung Hoa căng thẳng trở lại khi tể tướng nhà Tống là Vương An Thạch (1021-1086) muốn mưu tìm một chiến công ở ngoài biên cương để hỗ trợ chính sách cải cách ở trong nước của ông ta. Triều đình nhà Lý ở Ðại Việt dò biết được những chuẩn bị của Trung Hoa, gởi thư sang hỏi nhà Tống, thì bị dìm đi. Do đó, triều đình Ðại Việt quyết định cử Lý Thường Kiệt (1019-1105) và Tôn Ðản đem mười vạn quân theo hai đường thuỷ bộ tấn công trước, đánh phá Khâm Châu và Liêm Châu (thuộc Quảng Ðông ngày nay), Ung Châu (tức Nam Ninh thuộc Quảng Tây ngày nay), lấy của rồi rút lui.

Tháng chạp năm bính thìn (qua đầu năm 1077), vua Trung Hoa là Tống Thần Tông (trị vì 1067- 1085) sai Quách Quỳ làm Chiêu thảo sứ và Triệu Tiết làm phó chiêu thảo sứ, đem quân sang trả thù, đồng thời ước hẹn với Chiêm Thành và Chân Lạp (Chen-la tức Cambodia) cùng một lần đem quân đánh Ðại Việt từ hai mặt. Các bộ chính sử không viết rõ, nhưng theo giáo sư Hoàng Xuân Hãn trong sách Lý Thường Kiệt, có thể Quách Quỳ đã qua đường Nam Quan, xuống Chi Lăng để tấn công thủ đô Thăng Long.(12)

Lý Thường Kiệt chận quân Tống ở sông Như Nguyệt (sông Cầu chảy qua xã Như Nguyệt, Bắc Ninh). Quách Quỳ chuyển quân đến khúc sông Phú Lương (sông Hồng ở Thăng Long). Lý Thường Kiệt tiếp đánh nhưng thế giặc rất mạnh; máy bắn đá của địch phá nhiều chiến thuyền, và làm cho hàng ngàn binh sĩ nước ta tử trận. Sợ binh sĩ nãn lòng, Lý Thường Kiệt phao tin có thần nhân báo mộng cho bốn câu thơ:

"Nam quốc sơn hà nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư."

Hoàng Xuân Hãn dịch:
"Sông núi nước Nam vua Nam coi,
Rành rành phân định ở sách trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,
Bay sẽ tan tành chết sạch toi."

Quân lính nghe được những câu thơ nầy đều hăng hái đánh giặc. Lực lượng nhà Tống bị chận đứng. Hai bên cầm cự với nhau bất phân thắng bại. Triều đình nhà Lý đề nghị bãi binh. Nhà Tống thấy khó thắng, đồng thời binh sĩ ở lại lâu không hạp thủy thổ, đành chấp thuận.

Làm chủ toàn bộ Trung Hoa sau khi vị vua cuối cùng của nhà Tống là Quảng Vương (trị vì 1278-1279) tự tử năm 1279, Hốt Tất Liệt (Qubilai) tức Nguyên Thế Tổ (trị vì 1260-1294) muốn mở mang đế quốc, tìm đường chinh phục các nước Ðông Nam Á. Quân Nguyên đã ba lần xâm lăng Ðại Việt, trong đó hai lần quân Nguyên tiến qua ải Nam Quan.

Lấy cớ mượn đường xuống Chiêm Thành, ngày 12-7 năm giáp thân (24-8-1284), Nguyên Thế Tổ cử thái tử là Trấn Nam Vương Thoát Hoan (Toyan), với sự phụ tá của tướng A Lý Hải Nha (Ariq-Qaya), cầm quân đánh Ðại Việt. Quân Nguyên tấn công Ðại Việt bằng ba hướng khác nhau. Thứ nhất, Thoát Hoan dẫn bộ binh tiến vào nước ta bằng đường Lạng Sơn, nhắm chiếm Thăng Long. Thứ nhì, tướng Nạp Tốc Lạt Ðinh (Nasirud-Din) dẫn bộ binh từ Vân Nam theo đường sông Chảy đi xuống, và thứ ba, Toa Ðô (Sogatu) dẫn thủy quân từ bờ biển Chiêm Thành đánh lên Ðại Việt. Ba cánh quân Nguyên tạo thành thế gọng kèm, giáp công ba mặt, ép quân Việt vào ở giữa.

Trước sức chống trả mãnh liệt của quân dân Ðại Việt, quân Nguyên thất bại, Thoát Hoan rút lui cũng bằng đường bộ, qua Vạn Kiếp,(13) thì bị tướng Nguyễn Khoái đổ quân ra tiêu diệt. Các tướng Nguyên phải dùng đồ đồng bao bọc Thoát Hoan, rồi bỏ ông ta lên xe đẩy về biên giới, lại bị tướng Trần Quốc Nghiện phục binh lần nữa, mới thoát thân.

Nguyên Thế Tổ rất căm giận, ra lệnh động binh trở lại vào tháng 2 năm mậu tuất (1287). Tổng chỉ huy quân Nguyên vẫn là Trấn Nam Vương Thoát Hoan, dưới quyền có các tướng Áo Lỗ Xích (Auruyvci), Ô Mã Nhi (Omar), Trình Bằng Phi (một viên tướng nhà Tống đầu hàng nhà Nguyên), Phàn Tiếp, Trương Văn Hổ. Lần nầy, quân Nguyên cũng tấn công nước ta bằng đường bộ và đường biển. Trên bộ, quân Nguyên chia làm hai cánh: Thoát Hoan từ Quảng Tây tiến xuống Lạng Sơn, và Ái Lỗ (Aruq) từ Vân Nam theo đường sông Hồng tràn qua. Ðường biển, Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp dẫn quân đi trước, Trương Văn Hổ chuyên chở lương thực theo sau.

Không khác gì lần trước, quân Nguyên lại thất bại, thủy quân vận lương bị đánh tan ở Vân Ðồn (Quảng Yên), Thoát Hoan rút quân bằng đường bộ. Tại cửa ải Nội Bàng,(14) tướng Phạm Ngũ Lão phục binh làm nhiều đoạn, đổ quân ra đánh đuổi Thoát Hoan. Các tướng Trương Quân, A Bát Xích, Trương Ngọc tử trận; chỉ có Thoát Hoan, Trịnh Bằng Phi và Áo Lỗ Xích trở về được Trung Hoa.

Năm 1407, gia đình Hồ Quý Ly, Hồ Nguyên Trừng, Hồ Hán Thương bị quân Minh bắt ở Hà Tĩnh. Quân Minh không giết cha con Hồ Quý Ly mà chỉ giải về Trung Hoa. Trong số những vị quan bị giải theo gia đình Hồ Quý Ly, có Nguyễn Ứng Long, tức Nguyễn Phi Khanh, thân phụ của Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi bịn rịn đưa tiễn cha lên tận ải Nam Quan. Tại đây, Nguyễn Phi Khanh nói với con: Con phải về nhà mà lo trả thù cho cha, rửa thẹn cho nước, chứ đi theo mà khóc lóc làm gì.(15) Sau đó, Nguyễn Trãi đã giúp Lê Lợi kháng chiến chống quân Minh và đạt được thành công năm 1428.

Tháng 6 năm đinh mùi (1427), nhà Minh cử Quảng Tây Chinh Nam Ðại tướng quân Trấn Viễn Hầu Cố Hưng Tổ đem 5 vạn quân từ Quảng Tây sang cứu viện quân Minh đang thất bại trước sức phản công của nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo. Cố Hưng Tổ đi vào cửa ải Nam Quan (Pha Lũy), bị hai tướng Trần Lựu và Lê Bôi đánh tan phải chạy về.

Nhà Minh liền cử Tổng binh An Viễn Hầu Liễu Thăng đem 10 vạn tinh binh vượt ải Nam Quan (Pha Lũy) tháng 9 cùng năm. Trần Lựu liệu thế không chống nổi, phải rút lui về ải Chi Lăng. Tại đây, tướng Lê Sát sai Trần Lựu cầm quân ra trận, rồi giả thua bỏ chạy. Liễu Thăng rượt theo, lọt vào ổ phục binh, bị nghĩa quân giết chết ở núi Mã Yên (tức núi Yên Ngựa).(16)

Tháng 8 năm canh tý (1540), Thái Tông Mạc Ðăng Doanh (trị vì 1530-1540) qua đời, con là Phúc Hải lên thay tức Mạc Hiến Tông (trị vì 1540-1546) . Cuối năm đó, nhà Minh cử Cừu Loan và Mao Bá Ôn đem quân đến cửa ải Nam Quan, buộc họ Mạc phải tự đến cửa ải đầu hàng.

Lúc đó, thượng hoàng Thái Tổ Mạc Ðăng Dung (trị vì 1527-1529) thay cho cháu (vua Mạc Hiến Tông) lên ải Nam Quan thương thuyết vào tháng 11 năm canh tý (1540). Nội dung cuộc hòa hội nầy không được ghi chép cụ thể, nhưng chắc chắn trong thế yếu, Mạc Ðăng Dung phải chịu nhượng bộ và hối lộ để Mao Bá Ôn chịu thỏa hiệp lui quân.

Về vấn đề biên giới, trong tờ trình lên triều đình nhà Minh ngày 20 tháng 10 năm tân sửu (1451), Mao Bá Ôn viết rằng Mạc Ðăng Dung đồng ý trả lại đất bốn động đã chiếm.(17) Theo lối nói của Mao Bá Ôn, có nghĩa là bốn động đó vốn thuộc Trung Hoa, bị Ðại Việt chiếm đóng, nay nhà Mạc chịu trả lại. Tuy nhiên, mục Bản kỷ tục biên bộ Ðại Việt sử ký toàn thư lại viết khác, cho rằng Mạc Ðăng Dung đã dâng các động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, An Lương, La Phù của châu Vĩnh An, trấn Yên Quảng, xin cho nội thuộc vào Khâm Châu.(18) Dầu đã cắt bốn hay năm động của thổ dân giao cho Trung Hoa, nhà Mạc vẫn giữ ải Nam Quan thuộc về Ðại Việt.

Năm 1788, theo lời cầu viện của mẫu thân của Lê Chiêu Thống (trị vì 1786-1789), vua Trung Hoa là Thanh Cao Tông tức Càn Long (Chien-lung, trị vì 1736-1795) cử tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sĩ Nghị cầm đại quân sang Ðại Việt, đi bằng ba ngả: Tôn Sĩ Nghị cùng Hứa Thế Hanh vào cửa Nam Quan, qua Lạng Sơn đi xuống, Sầm Nghi Ðống đi qua đường Cao Bằng, và đề đốc Vân Nam Ô Ðại Kinh vào đường Tuyên Quang.(19) Ðoàn quân viễn chinh nhà Thanh bị vua Quang Trung (trị vì 1788-1802) đánh tan tác, phải chạy về vào đầu năm kỷ dậu (1789).

Từ ngày 17-2-1999, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa tung trên 200.000 quân tấn công Việt Nam ở sáu tỉnh biên giới: Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh, và đã chiếm được các thị xã Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn. Bộ binh Trung Hoa qua Lào Cai bằng thung lũng sông Hồng, qua Cao Bằng theo thung lũng sông Bằng (Bằng Giang), và qua Lạng Sơn theo thung lũng sông Kỳ Cùng, vào ải Nam Quan. Sau khi rút quân ngày 5-3-1979, quân Trung Hoa vẫn chiếm giữ vùng đất phía nam ải Nam Quan, và trạm hải quan (quan thuế) của Việt Nam phải dời xuống phía nam ải nầy, sâu trong lãnh thổ nước ta.
Như thế, cho đến cuối thế kỷ 20, ải Nam Quan là cửa ải chính thức phân chia ranh giới giữa hai nước Việt Nam và Trung Hoa. Những cuộc xâm lăng của các triều đình Trung Hoa đều bị đẩy lui. Ải Nam Quan trở thành biểu tượng độc lập thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Quốc lộ 1 xuyên suốt từ bắc xuống nam nước ta, bắt đầu từ ải Nam Quan xuống mũi Cà Mau. Khi xây dựng quốc lộ 1, cột mốc đầu tiên đặt ở Nam Quan, được đánh dấu là cột mốc số 0. Những bài học lịch sử hay địa lý Việt Nam đều mở đầu bằng câu: Nước Việt Nam trải dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau.

3. HAI HIỆP ƯỚC VỀ BIÊN GIỚI

Từ tháng 5-1975, nước Việt Nam do đảng Cộng Sản (CS) cai trị. Ðảng CS tổ chức và điều khiển nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN).(20) Từ khi đảng CSVN doc Hồ Chí Minh thành lập ở Hương Cảng năm 1930, đảng CSVN dựa vào hai thế lực hậu thuẫn chính: đảng CS Liên Xô và đảng CS Trung Hoa (CSTH). Trung Hoa nằm sát biên giới Việt Nam nên đảng CS nước nầy đã giúp đỡ hữu hiệu cho đảng CSVN, nhưng lợi bao nhiêu thì cũng sẽ hại bấy nhiêu.

Sau khi chiếm được lục địa Trung Hoa, Mao Trạch Ðông tuyên bố thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (CHNDTH) ngày 10-10-1949. Từ đó, CHNDTH chẳng những gởi cán bộ, quân đội, vũ khí sang giúp CSVN, mà còn cho quân đội CSVN chạy trốn sang biên giới Trung Hoa khi bị quân đội Quốc Gia và quân đội Pháp truy đuổi trong cuộc chiến tranh 1946-1954.(21)

CSTH dần dần đưa người đến định cư và tràn lấn qua biên giới Việt Nam. Việt Minh cộng sản đồng lõa với hành động trên, để dễ trà trộn, lẫn trốn khi lâm nguy. Từ đó, người Hoa hiện diện càng ngày càng đông dọc theo biên giới Hoa Việt. Theo tiết lộ của ông Vũ Khoan, Bộ trưởng Bộ Thương mại Hà Nội, trong bài viết Mốc mới trong quan hệ Việt Nam Trung Quốc, đăng trên tạp chí Cộng Sản, số Tết Canh Thìn (2000) thì ngay từ lúc đó (1949), đã có một số lần ... trao đổi y kiến, đàm phán về vấn đề biên giới.(22)

Sau khi cưỡng chiếm được miền Nam năm 1975, cộng sản Hà Nội không còn theo chính sách ngoại giao đu dây thăng bằng giữa Liên Xô và CHNDTH, mà ngã hẳn về phía Liên Xô. Ngày 3-11-1978, Lê Duẩn (1907-1986, bí thư thứ nhất đảng Lao Ðộng từ 1960 đến 1975, tổng bí thư đảng CS từ 1976-1986) sang Liên Xô và ký với Leonid Brezhnev (1906-1982, bí thư thứ nhất đảng CSLX 1964-1966, tổng bí thư 1966-1982) , Hiệp ước Hai mươi lăm năm Hỗ tương và Phòng thủ giữa hai nước.

Dựa vào hậu thuẫn cuả Liên Xô, cộng sản Việt Nam xua quân xâm lăng Cambodia, chiếm thủ đô Phnom Penh ngày 7-1-1979. Việc làm nầy của CSVN nhắm hai mục đích: đối ngoại là bành trướng ảnh hưởng qua Cambodia để mưu làm bá chủ Ðông Dương, và kiếm đường đánh xuống Thái Lan; đối nội là tung các sư đoàn miền Nam qua Cambodia. Các sư đoàn nầy gồm những thanh niên mới tuyển nghĩa vụ quân sự ở miền Nam sau 1975. Tung thanh niên miền Nam qua Cambodia để làm tiêu hao tiềm lực miền Nam, khiến cho dân chúng miền Nam phải lo chuyện chiến tranh, mà không chống đối chính sách thất nhân tâm của Hà Nội.

Nhà cầm quyền Cambodia lúc đó do đảng CSTH đỡ đầu. Viện cớ Việt Nam xâm lăng Cambodia, CHNDTH quyết định trả đũa và dạy cho Việt Nam một bài học. Bài học nầy không phải thuần tuý vì vấn đề Cambodia. Bài học nầy còn liên hệ đến hiệp ước Việt Xô năm 1978, vì khi bỏ CHNDTH chạy theo Liên Xô, tập đoàn lãnh đạo CS Hà Nội đã mặc nhiên bỏ luôn những cam kết ngầm với CSTH khi nhận những viện trợ to lớn của Trung Hoa để tiến hành hai cuộc chiến 1946-1954 và 1954-1975, mà con số nầy lên đến 20 tỷ Mỹ kim. (xin xem sau)

Ngày 17-2-1979, CHNDTH đưa trên 200.000 quân tấn công CHXHCNVN ở sáu tỉnh biên giới. Có nơi quân CHNDTH tiến sâu vào nội địa Việt Nam 40 cây số. Sau khi phá nát vùng nầy,(23) quân Trung Hoa rút về ngày 5-3-1979. Ðiều đáng nói là trong khi đánh nhau, quân CHNDTH đã phá hủy những cột mốc biên giới có từ thời Pháp thuộc, rồi dựng lại những cột mốc biên giới mới. Trong khi dựng lại, quân cộng sản Trung Hoa đã dời nhiều cột mốc biên giới sâu vào lãnh thổ Việt Nam. Sau khi chiến tranh chấm dứt, quân đội CSTH vẫn chiếm giữ một số địa điểm hiểm trở chiến lược trong nội địa Việt Nam. Nói cách khác, quân đội CSTH đã nới rộng biên giới Trung Hoa về phía nam, cũng có nghĩa là Việt Nam mất đi một số đất đai đáng kể. Vì vậy, tại tỉnh Lạng Sơn, trụ sở mới của hải quan (quan thuế) biên giới của Việt Nam phải dời về phía nam Hữu Nghị Quan (ải Nam Quan) khoảng hơn nửa cây số.

Tình hình thế giới xoay chuyển mạnh vào cuối thập niên 80, đầu thập niên 90. Chế độ cộng sản tan rã ở các nước Ðông Âu vào năm 1989 và 1990 như Ba Lan, Hung Gia Lợi, Bảo Gia Lợi, Tiệp Khắc, Ðông Ðức, Nam Tư ... Sau đó, chế độ cộng sản Liên Xô, hậu thuẫn vững vàng của CHXHCNVN, cũng bị sụp đổ vào năm 1991.

Lúc đó, các nhà lãnh đạo đảng CSVN liền thay đổi chính sách ngoại giao: một mặt cầu thân trở lại với CHNDTH và mặt khác kiếm cách giao hảo với Hoa Kỳ, là nước mà trước đây CSVN đã tố cáo là tên đế quốc đầu sỏ trên thế giới, để làm đối trọng với CHNDTH. Ðồng thời do những khó khăn về kinh tế, CSVN đưa ra chủ trương mở cửa, trở lại nền kinh tế thị trường, nhưng vẫn cương quyết theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tổng bí thư đảng CSVN là Nguyễn Văn Linh (giữ chức từ 1986-1991), cùng Phạm Văn Ðồng (1906-2000), Ðỗ Mười, bí mật sang CHNDTH thương thuyết vào tháng 9-1990. Sau đó Ðỗ Mười giữ chức từ 1991-1998), mới lên thay Nguyễn Văn Linh làm tổng bí thư, cùng Võ Văn Kiệt, thủ tướng CSVN, sang Bắc Kinh ngày 5-11-1991 chính thức tái lập bang giao giữa hai nước. Bài học mà Ðặng Tiểu Bình đã dạy cho CSVN nay mới hiệu ứng.

Ðang là đồng chí với nhau, hai bên xích mích đánh nhau, lại trở lui cầu thân thì phải xuống nước, nhượng bộ. Ðảng CSVN và nhà cầm quyền CSVN có gì trong tay để nhượng bộ, ngoài một vấn đề mà từ lâu nay tất cả những nhà cầm quyền Trung Hoa, chứ không riêng gì CSTH, luôn luôn nhắm đến, đó là việc lấn biên, giành đất, giành biển.

Ở thế bí, lại thêm trước đây Hồ Chí Minh (1890?-1969) đã từng đồng lõa để cho CSTH tràn lấn miền biên giới, Phạm Văn Ðồng đã từng nhìn nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh hải Trung Hoa, rồi cuộc chiến 1979 đã tiêu hủy toàn bộ vùng Cao Bằng, Lạng Sơn, nên ban lãnh đạo mới của đảng CSVN đành phải thuận cắt đất theo sự áp đặt của CSTH để sống còn và duy trì địa vị. Nhân cơ hội nầy, CHNDTH gây sức ép càng ngày càng lớn đối với CHXHCNVN. Kết quả của sức ép nầy là hai hiệp ước về biên giới ra đời trong vòng một năm.

Ngày 30-12-1999, tại Hà Nội, bộ trưởng Ngoại giao CHXHCNVN là Nguyễn Mạnh Cầm và bộ trưởng Ngoại giao CHNDTH là Ðường Gia Truyền (Tang Jianxuan) cùng ký Hiệp ước về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Hiệp ước nầy được quốc hội Bắ Kinh thông qua ngày 29-4-2000 và quốc hội Hà Nội thông qua 9-6-2000. Ðặc biệt là khi thông qua hiệp ước biên giới nầy, chỉ một số lãnh đạo cao cấp trong quốc hội Hà Nội mới đọc được nội dung hiệp ước, còn đại đa số dân biểu không biết gì cả, chỉ thông qua theo lệnh của đảng CSVN.(24)

Việc chọn lựa Hà Nội làm địa điểm ký kết hiệp ước còn nói lên một sắp đặt ngấm ngầm về ngoại giao, để cho bên ngoài thấy rằng CSVN tình nguyện mời CSTH đến tận nhà (Hà Nội) để ký kết hiệp ước, chứ CSTH không thúc ép CSVN phải qua Bắc Kinh để làm việc nầy.

Ngày 25-12-2000, tại Bắc Kinh, đại diện hai nước Việt Nam và Trung Hoa (chưa tiết lộ danh tánh) đã ký Hiệp ước phân định lãnh hải, phân chia quyền lợi trên vịnh Bắc Việt, dưới sự chứng kiến của chủ tịch CHXHCNVN là Trần Ðức Lương và chủ tịch CHNDTH là Giang Trạch Dân.(25) Hiệp ước nầy chưa được đưa ra quốc hội hai nước để thông qua.

Ngày 27-12-2001, thứ trưởng Ngoại giao Hà Nội là Lê Công Phụng cùng với đại sứ CHNDTH tại Hà Nội, đến thị trấn Mông Cái (cửa ngõ Mông Cái - Ðông Hưng) thuộc tỉnh Quảng Ninh làm lễ xây CỘT MỐC đánh dấu biên giới mới trên đất liền mà hai bên đã ký kết ngày 30-12-1999. Cùng lúc đó, thứ trưởng ngoại giao CHNDTH là Wang Yi tham dự một buổi lễ tương tự tại thị trấn Ðông Hưng thuộc Trung Hoa.(26) Hai nhà cầm quyền dự tính sẽ đóng khoảng 1500 cột mốc dọc biên giới mới giữa hai bên.(26)

Ðiểm đặc biệt nữa là các nhà lãnh đạo đảng CSVN đã giấu kỹ không cho dân chúng biết nội dung các hiệp ước trên đây trước khi ký, trong khi ký, và sau khi ký, cũng không cho biết ai đã đứng ra ký kết hiệp ước. Phía CHNDTH tiết lộ là ông Nguyễn Mạnh Cầm đã ký kết Hiệp ước về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, chứ phía Việt Nam không nói gì hết. Cho đến nay, ngoài những kẻ lãnh đạo đảng CSVN, chưa có người Việt Nam nào đọc được văn bản cụ thể về hai hiệp ước đó.(27)

Sự giấu diếm nầy chứng tỏ có điều gì man trá đàng sau cuộc thương thuyết để phân chia lãnh thổ và lãnh hải. Chắc chắn sự man trá nầy liên hệ đến quyền lợi riêng tư của một thiểu số lãnh đạo đảng CSVN, mới không công bố cho toàn dân biết.

4. ẢI NAM QUAN ÐÃ MẤT

Tuy nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội không cho dân chúng biết nguyên văn hai hiệp ước, nhưng công việc sửa soạn các chi tiết để thi hành hiệp ước, như đóng cột mốc, thông báo cho các đơn vị chuyên môn và hành chánh địa phương vẽ lại bản đồ, đã để lộ ra ngoài một số tin tức quan trọng:

Trước Ðại hội 9 đảng CSVN (từ 19 đến 22-4-2001), ông Ðỗ Việt Sơn, một đảng viên CS lão thành (54 tuổi đảng, 78 tuổi đời), ở số 26/14-125 đường Tô Hiệu, Hải Phòng, đã gởi thư vào tháng 2-2001 công khai đặt vấn đề Việt Nam nhượng bộ quá nhiều cho Trung Quốc trong hai hiệp ước trên, và yêu cầu Quốc hội và Ðại hội đảng CSVN công khai thảo luận vấn đề nầy. Thư nầy được phổ biến hạn chế, về sau được nhắc lại trong kháng thư ngày 18-11-2001 của 20 cử tri gởi các chức quyền Việt Nam.

Ngày 18-11-2001, 20 cử tri cùng ký một kháng thư gởi cho các chức quyền trong nước phản đối việc ký kết các hiệp ước trên. Kháng thư mang cữ ký của những đảng viên kỳ cựu như Trần Ðộ, Hoàng Minh Chính, Phạm Quế Dương, Nguyễn Thanh Giang, Hoàng Tiến, Trần Dũng Tiến, Trần Quang Lê, Nguyễn Ngọc Diệp, Bùi Long...Ða số đều trên 50 năm thâm niên trong đảng CSVN. Kháng thư cho biết Hiệp ước về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, phía Việt Nam đã nhượng cho Trung Quốc 720 km2 ở hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, và Hiệp ước phân định lãnh hải Vịnh Bắc Việt như sau: 53,23% cho Việt Nam, và 46,77% cho Trung Quốc.(28)

Trong một bản điều trần trước Viện Pháp Á (Institut Franco-Asiatique), bác sỹ Trần Ðại Sỹ, Giám đốc Trung Hoa sự vụ Viện Pháp - Á ở Paris, cho biết rằng sau khi hai bên ký kết hiệp ước trên đất liền ngày 30-121999, thì vào ngày 9-1-2000, ông được hai người bạn là hai ký giả Trung Hoa thông báo cho ông biết rằng theo tinh thần hiệp ước mới ký kết, Việt Nam nhượng cho Trung Quốc 789 km2, thuộc hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn (chứ không phải 720 km2). (29)

Nếu tính theo diện tích của toàn thể Việt Nam là 330.000 km2 (số tròn), thì diện tích đất mà CSVN đã nhượng cho CSTH (789 km2) lên đến khoảng trên 0.2% (trên 2 phần ngàn). Nếu tính theo diện tích của toàn tỉnh Lạng Sơn là 8.178 km2, thì số đất nhượng gần 1/10 diện tích tỉnh Lạng Sơn. Ðường biên giới giữa Việt Nam và Trung Hoa dài khoảng 1.300 cây số, trong đó đường biên giới giữa Lạng Sơn và Trung Hoa dài 253 cây số. Nếu tính dọc theo toàn bộ đường biên giới tỉnh nầy, thì CSVN nhượng cho Trung Hoa trung bình 3 cây số sâu vào nội địa Việt Nam. (253 km X 3 km = 759 km2).
Dần dần, những tin tức được tiết lộ trên đây đã được kiểm chứng cụ thể:

Trong một chuyến công tác cho Viện Pháp Á vào tháng 8-2001, bác sĩ Trần Ðại Sỹ đã về Việt Nam. Ông lên vùng biên giới và xin đi thăm ải Nam Quan, nhưng bị nhà cầm quyền Việt Nam cấm đi. Ông phải qua Trung Hoa, rồi mới đến ải Nam Quan. Ông tận mắt thấy ải Nam Quan nằm sâu trong đất liền của Trung Hoa 5 km. Ông Trần Ðại Sỹ đã sáng tác một bài thơ bằng chữ Nho, đề ngày 6-9-2001, khắc trên bia đá và đặt tại sườn núi ải Nam Quan, mở đầu bằng những câu như sau:

Thử địa cựu Nam Quan,
Biên địa ngã cố hương.
Kim thuộc Trung Quốc thổ,
Khấp, khốc, ký đoạn trường...

(Ông Trần Ðại Sỹ tự dịch thành thơ như sau:
Ðất nầy xưa gọi Nam Quan,
Vốn là biên địa cố hương của mình.
Hiện nay là đất Trung nguyên,
Khóc chảy máu mắt, đoạn trường ai hay.)(29)

Dù nhà cầm quyền CSVN chưa tiết lộ nội dung hiệp ước về biên giới, việc bác sĩ Trần Ðại Sỹ đến thăm tận nơi ải Nam Quan, chứng kiến tận mắt cửa ải nầy nay nằm sâu trong lãnh thổ Trung Hoa 5 cây số, là bằng chứng cụ thể hiển nhiên và rõ ràng rằng vùng đất Nam Quan đã thật sự ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Ngoài ra, nếu ải Nam Quan nằm sâu trong đất liền CHNDTH 5 cây số, có nghĩa là hầu như vùng đất phía bắc sông Kỳ Cùng và Bằng Giang đã thuộc CHNDTH.

Thời đại ngày nay là thời đại nguyên tử, vũ khí chiến tranh tối tân, hiện đại. Tuy nhiên, trong những cuộc đụng độ địa phương, và nhất là trong trận địa chiến, địa hình chiến sự vẫn giữ một vai trò quan trọng trong cách bố trí chiến đấu. Như trên đã nói, qua cách mô tả trong Ðại Nam nhất thống chí, địa thế ải Nam Quan rất hiểm trở, chỉ có một đường đèo nhỏ hẹp, nằm giữa hai bên là hai dãy núi. Ải Nam Quan và vùng đất hiểm trở phía bắc sông Kỳ Cùng là vị trí và địa thế quân sự chiến lược như là một tiền đồn vững vàng ở địa đầu đất nước để chống lại những cuộc hành quân trên bộâ từ phía bắc xuống, hay ít ra cũng làm chậm lại bước tiến của địch thủ.

Trong cuộc chiến năm 1979, quân CHNDTH tấn công 6 tỉnh biên giới, nhưng chỉ tràn ngập đông đảo chiếm 3 thị xã Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn vì ba vùng nầy có thung lũng chạy dọc theo các dòng sông nên dễ chuyển quân. Trong ba thị xã trên đây, Lạng Sơn gần Hà Nội nhất và dễ xuống Hà Nội theo đường sông Thương. Ðường bộ từ tỉnh lỵ Lạng Sơn về tới Hà Nội dài dưới 160 km. Với phương tiện giao thông ngày nay, vượt qua đoạn đường nầy chỉ cần vài giờ đồng hồ. Nếu chuyển quân với trang bị đầy đủ cũng chẳng tốn nhiều thời gian. Do đó, vị trí chiến lược ải Nam Quan vô cùng quan trọng cho sự phòng thủ Hà Nội. Nay nhà cầm quyền Trung Hoa chiếm được cửa ải Nam Quan, nghĩa là chiếm được đoạn đèo thông thương bắc nam tại vùng nầy. Như thế, họ đã loại bỏ được chướng ngại đầu tiên khi xâm nhập nước ta, mà tổ tiên họ đã phải tốn bao nhiêu xương máu để vượt qua, nhưng không có cách gì giữ được, và cuối cùng đều bị đẩy lui về phía bên kia cửa ải.

Theo hiệp ước Pháp Hoa ngày 26-6-1887, đường ranh giới hải phận (Zone Économique Exclusive) giữa Việt Nam và Trung Hoa tại vịnh Bắc Việt được phân định theo kinh tuyến Greenwich 108 độ 03 phút 18 giây, tính ra Việt Nam được 62% và Trung Hoa 38% vịnh Bắc Việt.(30)
CHNDTH không chấp nhận đường phân chia nầy, vì cho rằng hiệp ước 1887 bất công, và đòi phân chia lại vịnh Bắc Việt. CHXHCNVN vì yếu thế đành nhượng bộ. Xin hãy nghe người trong cuộc, ông Lê Công Phụng, trưởng đoàn thương thuyết CSVN, kể lại: Trong quá trình đàm phán, hai bên đã vận dụng các nguyên tắc như sau để giải quyết: một là căn cứ vào quy định của công ước Luật biển 1982 của Liên Hiệp Quốc [31] cũng như các nguyên tắc luật pháp quốc tế và tập quán được công nhận rộng rãi; hai là hai bên tính đến cac đặc thù của vịnh Bắc Bộ như sự hiện diện của các đảo, chiều dài bờ biển v.v...; ba là, việc giải quyết vấn đề phân định phải xuất phát từ thực trạng cũng như nhu cầu phát triển quan hệ giữa hai nước; bốn là bảo đảm nguyên tắc công bằng và chiếu cố lợi ích của nhau. Về diện tích, phía Trung Quốc kiên trì chủ trương đại thể chia đôi,[32] thừa nhận ta có thể nhỉnh hơn nhưng không đáng kể. Ta chủ trương giải pháp công bằng phải phù hợp với các hoàn cảnh hữu quan trong vịnh như sự hiện diện của các đảo của ta,[33] chiều dài bờ biển của ta lớn hơn v.v.... (Bài trên tạp chí Cộng Sản đã dẫn.)

Cuối cùng rồi CSVN phải thuận theo những áp đặt của CSTH. Kết quả là phân chia hải phận mới không còn là đường thẳng cũ, mà là một đường gãy khúc nối liền bởi những đường thẳng ngắn dọc theo các hải đảo. So với đường kinh tuyến 108 độ 03 phút 18 giây, thì đường phân chia mới nầy, phía bắc đảo Bạch Long Vỹ lấn một ít về phía Trung Hoa, nhưng từ đảo nầy trở xuống thì lấn khá nhiều qua phía Việt Nam.

Vịnh Bắc Việt rộng 126.250 km2. So với cách phân chia lãnh hải ngày 26-6-1887 thời Pháp thuộc (Việt Nam được 62%), cách phân chia lãnh hải ngày 25-12-2000 (Việt Nam được 53,23%) đã làm cho Việt Nam mất trên 8% diện tích vịnh Bắc Việt, tương đương với khoảng trên 10.000 km2.

Theo đường phân chia mới trên vịnh Bắc Việt, đảo Bạch Long Vỹ chỉ còn cách hải phận CSTH 15 hải lý. Ðảo nầy rộng khoảng 3 km2, tuy nhỏ nhưng Bạch Long Vỹ rất quan trọng về kinh tế cũng như về quốc phòng.

Về kinh tế, vùng biển khu vực Bạch Long Vỹ có nhiều hải sản, nhất là bào ngư, có giá trị dinh dưỡng cao mà người Việt rất thích dùng. Hiện nay, người ta được biết đáy biển vùng nầy có nhiều tiềm năng về chất đốt mà chưa được khai thác.

Về quốc phòng, Bạch Long Vỹ giữ vị trí chiến lược tiền tiêu để bảo vệ Bắc Việt. Thời Pháp thuộc, Pháp đã đặt một đơn vị hải quân ở đây kiểm soát tàu bè đi lại trên vịnh Bắc Việt. Theo tuyên truyền của CSBV, trong thời gian chiến tranh trước năm 1975, quân và dân đảo đã bắn rơi 23 máy bay Mỹ, đánh đuổi 3 tàu chiến xâm phạm chủ quyền của ta.(34)

Trong bài viết của mình, ông Lê Công Phụng cũng nêu rõ điểm nầy: Phần vịnh phía ta có khoảng 1300 hòn đảo ven bờ, đặc biệt có đảo Bạch Long Vỹ nằm cách đất liền nước ta khoảng 110 km, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 130 km. Vịnh có vị trí chiến lược quan trọng đối với Việt Nam và Trung Quốc về an ninh và quốc phòng... (bài đã dẫn).

Ðảo Bạch Long Vỹ vừa nhỏ, vừa chơ vơ nằm ngoài biển cả, cách nước ta khoảng 110 cây số và cách hải phận Trung Hoa theo hiệp ước mới chỉ có khoảng 15 hải lý, nghĩa là nằm trong mối đe dọa thường trực của hải quân CSTH. Vị trí chiến lược nầy sẽ rơi vào tay CSTH dễ dàng nếu xảy ra tranh chấp giữa hai bên.

Một phần vì tin tức đã bị tiết lộ ra ngoài, một phần vì liên hệ đến tàu thuyền quốc tế qua lại trên biển, nên do sự thúc bách của CHNDTH muốn công khai hóa sự thừa nhận chủ quyền lãnh hải của Trung Hoa, ông Lê Công Phụng, thứ trưởng Ngoại giao CSVN, đã viết bài Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ và hiệp định hợp tác nghề cá giữa Việt Nam Trung Quốc trong vịnh Bắc Bộ, tiết lộ cho biết một số điểm trong hiệp ước nầy trên tạp chí Cộng Sản, số 2 tháng 1-2001. Ông nầy trình bày lại tiến trình đàm phán và không cho biết gì nhiều hơn những điều báo chí đã viết ra, và mỉa mai nhất là ông ta cho rằng CHXHCNVN đãø thắng lợi vì Ta hơn Trung Quốc 6,46% tức khoảng 8205 km2.

5. TRÁCH NHIỆM TRƯỚC LỊCH SỬ

Một câu hỏi được đặt ra là tại sao nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội đã nhượng đất cho CHNDTH một cách dễ dàng như vậy?

Theo lý luận của các đại diện CHNDTH trong cuộc thương thuyết về lãnh hải, khi Pháp ký hiệp ước với triều đình Mãn Thanh, Pháp đang ở thế mạnh, còn Trung Hoa đang yếu thế và bị các cường quốc Âu Châu xâu xé, nên phải chấp nhận bản đồ lãnh thổ cũng như lãnh hải do Pháp đưa ra. Thật ra, trước kia, các triều đại Trung Hoa cho rằng vịnh Bắc Việt, mà họ gọi là Giao Chỉ Dương (Chiao-Chih Ocean), là của Việt Nam, họ không lý tới. Thậm chí, các triều đình Trung Hoa cũng chẳng mấy quan tâm đến đảo Hải Nam. Cho đến thời nhà Thanh, ngoài các hòn đảo nhỏ và ngành đánh cá, người ta chưa biết gì về tiềm năng dưới lòng biển, nên không thấy sự quan trọng của vịnh Bắc Việt. Do đó, khi Pháp cắt một phần đất thuộc tỉnh Lai Châu đền bù một cách bất hợp pháp cho Trung Hoa, nhà Thanh liền ký kết hiệp ước năm 1887 với Pháp. Nhà Thanh đã nhập phần đất nầy vào tỉnh Vân Nam.(35) Nếu CHNDTH đặt lại vấn đề lãnh hải vịnh Bắc Việt, tại sao CHXHCNVN không đặt lại vấn đề lãnh thổ Lai Châu mà Pháp đã cắt đi một cách bất hợp pháp cho nhà Thanh?

Trên đất liền, không nghe một giải thích nào cụ thể từ nhà cầm quyền hai nước tại sao phải phân chia lại biên giới? Dư luận báo chí ở Trung Hoa cho rằng CHXHCNVN nhượng vùng đất phía bắc sông Kỳ Cùng và Bằng Giang cho CHXHCNVN để đổi lấy viện trợ xây dựng những dự án kỹ nghệ trong lãnh vực thuỷ điện, hơi đốt, khai thác quặng mỏ, đồng thời gia tăng việc giao dịch buôn bán giữa hai nước.

Câu hỏi đặt ra là những viện trợ kể trên có thật tối cần thiết, thúc bách đến độ phải đem di sản thiêng liêng do tiền nhân để lại, ra trao đổi với các viện trợ đó và nhượng bán cho bắc phương không? Hơn nữa, nếu những viện trợ kể trên thật sự ích lợi cho toàn dân, tại sao đảng CSVN không công khai vấn đề và tham khảo ý kiến của toàn dân qua một cuộc trưng cầu dân ý? Ðất đai do tổ tiên để lại là tài sản chung của toàn dân, chứ không phải của riêng đảng CS, do đó chỉ có toàn dân Việt Nam mới có quyền quyết định về những vấn đề liên quan đến lãnh thổ và lãnh hải bằng cuộc trưng cầu dân ý rộng rãi, tự do và dân chủ.

Mới đây, trong khi trả lời Ðài phát thanh Little Sài Gòn Radio ở Orange County, California trong ngày thứ Năm 24-2(1?)-2002, ông Nguyễn Thanh Giang, một nhà hoạt động chính trị trong nước, cho rằng các lãnh tụ đảng CSVN đã bị CHNDTH lừa khi ký hiệp định về biên giới Việt Hoa. Ông Giang nói: Trung Cộng xảo quyệt giả vờ đưa ô dù cho Lê Khả Phiêu. Vì lợi riêng, ông nầy đã hiến đất cho Trung Cộng để được bảo trợ.(36)

Vấn đề không đơn giản ở chỗ chỉ một mình ông Lê Khả Phiêu (tổng bí thư 1998-2001) bị đánh lừa và hiến đất. Việc thương thuyết để ký kết hai hiệp ước trên không phải chỉ diễn ra giữa hai người, hoặc chỉ diễn ra trong một vài giờ, hay một vài ngày, mà nói rằng CHNDTH đã lừa được ông Phiêu? Ðây là kết quả của một quá trình lâu dài bắt đầu từ thời Hồ Chí Minh cho đến ngày nay. Chính một nhân vật cộng sản quan trọng, ông Vũ Khoan đã từng viết trên Tạp chí Cộng Sản, số Tết Canh Thìn (2000) rằng ngay từ năm 1949, đã từng có một số lần ... trao đổi ý kiến, đàm phán về vấn đề biên giới. (đã dẫn ở trên).

Trước hết, như trên đã nói, ngay từ thời chiến tranh 1946-1954, Hồ Chí Minh và lãnh đạo đảng Lao Ðộng Việt Nam đã làm ngơ cho quân CHNDTH tràn sang biên giới. Sau đó, trong cuộc chiến xâm lăng miền Nam (1954-1975), để được CHNDTH viện trợ quân sự, nên khi Chu Ân Lai (Chou En-lai, 1898-1976) công bố ranh giới biển 12 hải lý từ bờ biển ngày 4-9-1958, thì mười ngày sau, Phạm Văn Ðồng, thủ tướng Bắc Việt cộng sản, đương nhiên với sự đồng ý của Hồ Chí Minh và Bộ chính trị đảng Lao Ðộng, tiền thân của đảng CSVN, đã ký quốc thư ngày 14-9 nhìn nhận ranh giới biển nói trên của CHNDTH, nghĩa là gián tiếp công nhận chủ quyền của CHNDTH trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Như thế Hồ Chí Minh, Phạm Văn Ðồng và đảng CSVN đã chính thức dâng đất cho CHNDTH mà tổ tiên đã dày công xây dựng và bảo vệ.

Khi cần dồn quân xuống đánh miền Nam, Bắc Việt cộng sản đã mời quân đội CHNDTH vào bảo vệ an ninh từ khu Việt Bắc xuống tới Hà Nội, và giao cho CHNDTH in bản đồ địa lý Việt Nam loại chi tiết với tỷ lệ 1/1000.(37) Ðưa 300.000 quân đóng từ Việt Bắc, nghĩa là từ biên giới Việt Hoa, xuống tới Hà Nội, CHNDTH đã hoàn toàn kiểm soát vùng nầy, và chắc chắn họ đã thực hiện những động tác cần thiết để chuẩn bị lấn biên, giành đất, ví dụ họ đưa thêm dân đến sinh sống dọc theo biên giới,(38) hoặc có thể sửa đổi vài chi tiết trên bản đồ biên giới ...

Trong cuộc chiến Việt Hoa (1979), quân đội CHNDTH lại tiến thêm một bước nữa, di dời các cột mốc vùng biên giới tiến sâu vào đất Việt Nam ở nhiều nơi.

Khi cầu thân trở lại với CHNDTH sau cuộc chiến, CSVN và nhà cầm quyền CHXHCNVN đang ở trong thế yếu kém, phải xin liên minh với CHNDTH để tồn tại cũng như duy trì và bảo vệ quyền lực, là cơ hội tốt cho nhà cầm quyền Bắc Kinh áp đặt việc biên giới trên bộ và trên biển, bằng một hiệp ước công khai chính thức, và hiệp ước đó ra đời cuối năm 1999 và cuối năm 2000.

Trong bài báo đã dẫn trên của ông Lê Công Phụng, đăng trên tạp chí Cộng Sản số tháng 1-2001 và đã được chính cộng sản đưa lên mạng lưới thông tin quốc tế, thì: Vào các năm 1957, 1961 và 1963 hai nước có ký các thỏa cho phép thuyền buồm của hai bên được đánh bắt trong vịnh... Trong các năm 1974 và 1977-1978, hai nước tiến hành 2 vòng đàm phán về phân định... Hai nước đã ký Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày 19-10-1993... Thực hiện thỏa thuận đó, từ 1993 đến năm 2000, hai bên đã triển khai 7 vòng đàm phán cấp chính phủ, 3 cuộc gặp giữa hai Trưởng đoàn đàm phán cấp chính phủ và 18 vòng đàm phán cấp chuyên viên... Trong các chuyến thăm Trung Quốc vào năm 1997 của đồng chí tổng bí thư Ðỗ Mười và tháng 2-1999 của đồng chí tổng bí thư Lê Khả Phiêu, lãnh đạo cao cấp hai nước đạt được thỏa thuận là khẩn trương đàm phán để giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền trước năm 2000 và hoàn thành việc phân định để ký hiệp định vịnh Bắc Bộ trong năm 2000...

Như thế, theo những gì các nhà lãnh đạo đảng CSVN cho phép ông Lê Công Phụng tiết lộ, thì vấn đề thương thuyết biên giới tái tục từ năm 1993. Chúng ta đừng quên câu viết ngoại giao rất mơ hồ của ông Lê Công Phụng: ... việc giải quyết vấn đề phân định phải xuất phát từ thực trạng cũng như nhu cầu phát triển quan hệ giữa hai nước.... Thực trạng cũng như quan hệ giữa hai nước CHNDTH và CHXHCNVN hiện nay như thế nào? Những người cộng sản thường hay dùng nhóm chữ các nước xã hội chủ nghĩa anh em , nhưng thực chất quan hệ giữa CHNDTH và CHXHCNVN hiện nay là quan hệ giữa kẻ mạnh và kẻ yếu, nếu không muốn nói là quan hệ thực dân và thuộc địa kiểu mới, hay quan hệ giữa chủ nợ và con nợ, trong đó con nợ đã từng muốn vỗ nợ (xù nợ) khi theo Liên Xô năm 1978, nên phải nhận lãnh bài học của ông Ðặng Tiểu Bình (Deng Xiao-ping, 1904-1997), nhân vật quyền thế nhất CSTH sau khi Mao Trạch Ðông (Mao Zedong, 1893-1976) qua đời.

Có lẽ cần nhắc lại trong thời gian bang giao giữa hai bên căng thẳng, ngày 30-7-1979, một viên chức ngoại giao CHNDTH tiết lộ cho biết từ 1954 đến 1971, 300.000 binh sĩ CHNDTH đã chiến đấu bên cạnh binh sĩ Bắc Việt, trong đó hàng ngàn người đã tử trận và hàng chục ngàn người đã bị thương. Ông ta còn xác định số lượng vũ khí CHNDTH viện trợ cho cộng sản Việt Nam từ 1950 đến 1977 lên đến 2.000.000 súng hạng nhẹ, 27.000 đại pháo, 270 triệu băng đạn, 18 triệu đạn đại pháo, 179 máy bay và 145 chiến hạm.(39) Người Trung Hoa tính rằng số viện trợ nầy tương đương với khoảng 20 tỷ Mỹ kim theo thời giá lúc đó.

Như thế, việc nhượng đất và nhượng biển là một tiến trình liên tục từ Hồ Chí Minh qua Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Ðỗ Mười, đến Lê Khả Phiêu, Nông Ðức Mạnh (tổng bí thư từ 2001), vì quyền lợi và tham vọng riêng tư của đảng CSVN, hay của những cá nhân lãnh đạo đảng, có tính toán kỹ lưỡng lâu dài, chứ không phải dễ dàng bị đánh lừa như ông Nguyễn Thanh Giang đã viết.

Ðây chính là kết quả của chính sách do Hồ Chí Minh và tập đoàn lãnh đạo đảng CSVN theo đuổi, đi theo con đường cộng sản quốc tế, làm tay sai cho ngoại bang, liên tục gây ra chiến tranh ý thức hệ,(40) khiến cho nhân dân lầm than, đói khổ, bây giờ lại mất đất vào tay người đồng chí cộng sản phương bắc. Ðiều nầy cho thấy chủ nghĩa quốc tế cộng sản chỉ là cái áo khoác bề ngoài của chủ nghĩa dân tộc bá quyền mà thôi.

Ðứng về phía Trung Hoa, chiếm được ngọn đèo chiến lược có ải Nam Quan, cửa ngõ đi xuống phía nam, là kết quả một cuộc đầu tư lâu dài và bền bĩ của tình đồng chí chiến đấu giữa hai đảng CS anh em. Những cuộc tấn công vũ bão của vua chúa Trung Hoa ngày trước cũng như của Ðặng Tiểu Bình năm 1979 không mấy thành công bằng kế hoạch tàm thực (41) rất tinh vi, ẩn náu trong lớp vỏ bọc chủ nghĩa quốc tế cộng sản. Kế hoạch tàm thực rất nguy hiểm, vì sau ải Nam Quan, CHNDTH sẽ từ từ lấn xuống đến một lúc nào đó sẽ nuốt trọn tỉnh Lạng Sơn rồi xuống châu thổ Hồng Hà.

Lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam là di sản do tổ tiên để lại cho toàn thể dân chúng Việt Nam, và là tài sản của toàn dân Việt Nam, có tính cách thiêng liêng, bất khả phân, bất khả nhượng. Ca dao chúng ta có câu:

Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang,
Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu.

Trong nông nghiệp, mỗi tấc đất là mỗi tấc vàng, nhưng trong lịch sử dân tộc, mỗi tấc đất không phải là mỗi tấc vàng. Mỗi tấc đất là mỗi di sản, là mỗi kỷ vật, mang hình ảnh bi hùng của bao nhiêu công khó, bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, bao nhiêu xương máu, tim óc của tiền nhân qua hàng ngàn năm, để chúng ta có được tấc đất nầy ngày hôm nay.

6. KẾT LUẬN

Tóm lại, câu chuyện ải Nam Quan lọt vào tay CHNDTH và sự ký kết Hiệp ước về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc (30-12-1999) và Hiệp ước phân định lãnh hải (25-12-2000) cho thấy:

Vì tham vọng quyền lực cá nhân, Hồ Chí Minh và một số thuộc hạ du nhập chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam, hoạt động cho quyền lợi của Ðệ tam Quốc tế Cộng sản, chẳng những gây chiến tranh, đói khổ cho đồng bào, mà còn làm tiêu hao tài sản tổ tiên, nhượng đất cho ngoại bang để đổi lấy súng ống, vũ khí nhắm bành trướng chủ nghĩa, và bám lấy địa vị lãnh đạo độc tôn cá nhân.

Ðảng CSVN cai trị đất nước một cách độc tài, xem thường pháp luật, thiếu tự do dân chủ. Ðiều 4 hiến pháp Hà Nội năm 1992 cho phép đảng CSVN đứng trên pháp luật, nên quyền hạn của thiểu số lãnh đạo cộng sản quá lớn. Thiểu số nầy làm việc gì cũng nhân danh đảng, lợi dụng chức vụ để hành động tùy tiện, không bị hiến pháp hay luật pháp chế tài. Vì vậy, khi cần thực hiện một mưu đồ riêng tư, họ tự ý hành động mà không cần tham khảo ý kiến của bất cứ ai. Họ đặt quyền lợi và tham vọng cá nhân lên trên quyền lợi của đất nước, mà trường hợp hai bản hiệp ước trên đây là ví dụ điển hình nhất.

Từ trước đến nay, đảng CSVN luôn luôn tuyên truyền giành lấy chính nghĩa, luôn luôn tự hào rằng họ là lực lượng dân tộc tiến bộ yêu nước, và kết tội tất cả những thành phần đối lập từ năm 1945 cho đến nay là Việt gian, phản quốc, tay sai ngoại bang, ngụy quyền, ngụy quân ... Nay nhà cầm quyền cộng sản CHXHCNVN nhượng đất và nhượng biển qua hai hiệp ước trên, là bằng chứng cụ thể không thể biện minh và không thể chối cãi được tội lỗi phản quốc bán nước của đảng CSVN và nhà cầm quyền CHXHCNVN. Ðây là tội lỗi lớn nhất trong lịch sử Việt Nam của tập đoàn lãnh đạo đảng CSVN, lớn hơn tất cả tội lỗi của những tên tuổi đã bị lịch sử lên án phản quốc như Trần Di Ái, Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống ... Những nhà lãnh đạo đảng CSVN phải chịu trách nhiệm trước dân tộc và trước lịch sử hành vi nhượng đất, nhượng biển cho ngoại bang, đã bị cấm ngặt theo điều 74 của bộ Quốc triều hình luật đã được ban hành từ thời vua Lê Thánh Tông (trị vì 1460-1497).(42)

Từ lâu, đảng CSVN đã bị rạn nứt, nhiều đảng viên kỳ cựu đã bỏ đảng. Chắc chắn, sự kiện ải Nam Quan lọt vào tay Trung Hoa sẽ làm rất nhiều đảng viên nữa thức tỉnh để quay trở về với đại bộ phận dân tộc. Chắc chắn không ai muốn phục vụ cho một đảng chính trị bán nước, chỉ trừ một thiểu số vì muốn được hưởng một chút quyền lợi, địa vị nhất thời mà quên đi lương tri dân tộc, mới chạy theo đảng CSVN.

Một trong những điều kiện giúp các đảng CS trên thế giới nói chung, và đảng CSVN nói riêng có thể lộng hành, là họ luôn luôn bí mật hành động, giấu diếm hành tung, lại dùng bộ máy thông tin tuyên truyền che đậy và ngụy trang một cách kín đáo, rồi tự ý giải thích, tuỳ thích tung hỏa mù, gây nhiễu xạ, làm cho không ai biết được sự thật ở đâu.
Cộng sản đã tận dụng một bí quyết tâm lý mà triết gia Sigmund Freud (1856-1939) đã từng đề cập đến: nói láo được lập đi lập lại nhiều lần, lúc đầu có thể bị nghi ngờ, sau người ta tưởng là thật, và cuối cùng người ta tin rằng đó là sự thật, vì có quá nhiều người nói, quá nhiều lần nói. Chẳng những thế, chính người nói láo cũng nhập tâm và tin đó là sự thật.

Ngày nay khoa học kỹ thuật tiến bộ vượt bậc, nhất là ngành truyền thông viễn liên, nên các đảng CS nói chung và đảng CSVN nói riêng không còn có thể che giấu những hành động đen tối gian trá được nữa. Mọi sự thật được phơi bày nhanh chóng trước công luận. Dân chúng không còn dễ bị lừa phỉnh như trước. Ví dụ việc CSVN nhượng đất ải Nam Quan với những tin tức, hình ảnh cụ thể loan truyền nhanh chóng và đầy đủ trên mạng lưới thông tin quốc tế, không còn có thể che giấu hay chối cãi.

Chính sự phát triển của ngành truyền thông giúp thế giới bên ngoài và cả dân chúng trong các nước cộng sản biết rõ tình hình và diễn tiến chính trị tại các nước Ðông Âu, theo dõi, cổ võ và hỗ trợ các cuộc biểu tình địa phương, đưa đến sự sụp đổ của các chế độ cộng sản tại đây vào cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90.

Chắc chắn rồi đây điều đó sẽ tái diễn trên các nước CS còn lại, trong đó có Việt Nam. Chỉ có sự giải thể chế độ cộng sản hiện nay ở Việt Nam, thay thế bằng một chính quyền dân chủ, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân, mới có thể tạo sức mạnh dân tộc tổng lực, đểå đặt lại và đòi lại vùng đất Nam Quan và hàng ngàn cây số trên mặt biển Bắc Việt trở về với tổ quốc.

TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, 1-2-2002)


Thị xã Đồng Đăng nhìn từ đỉnh cao của trạm quan trắc, nơi đóng quân của một đội trưởng bộ binh bản xứ và một trung úy Pháp. Ảnh: Imbert Edgard (cuối 1906 trang Ecpad )

Ga Đồng Đăng, ga cuối trên biên giới của tuyến đường sắt đường sắt Hà Nội - Vân Nam. Ảnh: Imbert Edgard (cuối 1906).

Một trong những bức ảnh của tạp chí LIFE về Việt Nam thời thuộc Pháp. Hình ảnh chuột Mickey cầm súng đứng gác giúp ta ước đoán bức ảnh được chụp vào những năm 30, khi hình tượng chuột Mickey trở nên nổi tiếng khắp thế. Bảng chỉ dẫn mang dáng hình cửa ải ghi rõ khoảng cách từ Đồng Đăng đến Nam Quan là 4 km. Hoạt động canh giữ cửa khẩu biên giới thể hiện qua số lượng binh sĩ và các xe quân sự


Chỉ dẫn ghi trên tường: Đường sang Trung Hoa qua cửa Nam Quan


Ảỉ Nam Quan nhìn từ phía Đồng Đăng

Đồng Đăng - Đồn canh của Pháp trên đường biên giới. Nhìn về phía Ải Nam Quan. Đã hiện ra vệt mờ của bức tưòng thành trên sườn dốc của ngọn núi bên phải dẫn tới điểm cao nơi đặt đồn canh của Pháp


Đồn Pháp nhìn từ Ải Nam Quan


Cảnh tổng quát tại Đồng Đăng

Bên trái là Trấn Nam Quan của Trung Hoa với tường rào chạy dài vắt qua đỉnh núi, Bên phải là cửa ải Nam Quan của VN, tường rào hai bên chỉ xây một đoạn ngắn.


Của ải và tường thành Trung Hoa tại Nam Quan

Một phái đoàn nhà Thanh đi qua cửa ải Nam Quan của VN. Phía bên phải là cửa ải Trấn Nam Quan của Trung Hoa. Hai cửa ải này đều xây dựng sau khi cửa ải cũ (chỉ là một bức tường đơn giản có trổ cửa) đã bị quân lính Pháp phá sập trong trận chiến Lạng Sơn năm 1885


Thung lũng tại ải Nam Quan

Toàn cảnh Ải Nam Quan nhìn từ phía Đồng Đăng. Đã thấy rõ hai cửa quan: cửa của Việt Nam nhỏ bé, khiêm nhường, một tầng mái, cửa của Trung Hoa lớn hơn, hai tầng mái. Một dải tường thành chạy lên núi từ hai bên cửa quan Trung Hoa. Trên con đường chạy về cận cảnh bức ảnh có một số nhân vật đang di chuyển. Rõ ràng, mặc dù về mặt tự nhiên đây là vùng rừng núi, nhưng cả người Pháp và nhà Thanh đều chủ ý để khu vực cửa khẩu trơ trọc nhằm theo dõi mọi biến động.


1907 ải Nam Quan, mặt phía Trung Hoa


(1860-1929). Trấn Nam Quan, cửa ải của TQ. Hình trên là mặt quay về phía VN.


1906 Ga Đồng Đăng, trạm xe lửa cuối cùng trước biên giới Việt-Hoa


1906 - Vợ chồng ông bà Imbert, với binh lính Trung Quốc hộ tống, đã được đưa tới ngôi làng Lou Kan Tiap.

1906 - Vợ chồng Imbert trước ngôi nhà của người chỉ huy tên Sen, tại làng Lou Kan Tiap. (đúng ra là ông bà Imbert gặp người chỉ huy tên Sen trước ngôi chùa ở làng Lou Kan Tiap, nơi họ được hướng dẫn tham quan ngôi chùa và một nhà hát ở làng Lou Kan Tiap--Theo bài viết kèm theo những hình ảnh này.)


Ngôi chùa ở làng Loc Hang Thiap (TQ) trên đường từ Nam Quan đi Long Châu.


Ga Đồng Đăng


Ga Đồng Đăng


Đồn canh của Pháp cạnh biên giới


Đồng Đăng

No comments:

Post a Comment