Tuesday, February 13, 2018

Nhà hát Lớn Hà Nội : Biểu tượng của di sản kiến trúc, nghệ thuật Pháp


Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh trong cuốn hướng dẫn du lịch của L. Bonnafont, 1919, nhà in Extrême-Orient.


Nhà hát Lớn Hà Nội (Théâtre municipal de Hanoi) là công trình quy mô nhất, lộng lẫy nhất ở Viễn Đông vào đầu thế kỷ XX. Sau gần 110 năm chỉ phục vụ biểu diễn nghệ thuật và các sự kiện quan trọng, Nhà hát Lớn Hà Nội, từ ngày 06/09/2017, có thêm hoạt động mới: Đón khách tham quan.


Hình vẽ bên hông Nhà hát Lớn Hà Nội. Annuaire général de l'Indochine française (Niên bạ Đông Dương), năm 1899.

Như vậy, khách tham quan đã có thể được ngắm một trong những công trình nghệ thuật độc đáo và “là nơi chứng kiến những cuộc “tiếp xúc” đầu tiên giữa Việt Nam với văn hóa, nghệ thuật phương Tây, cụ thể là âm nhạc và sân khấu”, theo đánh giá của nhà sử học Dương Trung Quốc.


Mặt tiền Nhà hát Lớn Hà Nội.

Xây nhà hát để mở rộng phục vụ công chúng


Phòng khán giả bên trong Nhà hát Lớn Hà Nội.

Đầu thế kỷ XX, công chúng Pháp và một bộ phận tri thức Việt thường lui tới nhà hát Takou (ở phố Hàng Cót ngày nay), nhưng Takou dần bị quá tải, đặc biệt là vào mùa đông, khi đoàn kịch từ Pháp sang biểu diễn ở Hà Nội và Hải Phòng. Hội đồng thành phố Hà Nội đề xuất với toàn quyền Đông Dương tạm quyền lúc đó là Fourès (1896-1897) xây một nhà hát lớn hơn để có thể đáp ứng nhu cầu. Đề xuất của thành phố cũng phù hợp với dự án phát triển Hà Nội thành thủ đô xứ Đông Dương của toàn quyền Paul Doumer (1897-1902), cùng với nhiều công trình khác làm thay đổi sâu sắc bộ mặt thành Thăng Long xưa.


Nhà hát Lớn Hà Nội về đêm.

Đợt tuyển chọn thiết kế được Hội đồng Thành phố Hà Nội tổ chức vào năm 1899 và giải nhất thuộc về bản vẽ của kiến trúc sư Knosp nhưng sau đó bị Ủy ban kỹ thuật bác bỏ vì không khả thi. Cuối cùng, ông Babonneau, kiến trúc sư quản lý công chính thành phố Hà Nội được giao nhiệm vụ nghiên cứu sơ bộ. Việc lập dự án được giao lại cho kiến trúc sư Victorin Harley, phụ trách công trình đô thị thuộc Sở quản lý Đường bộ, và cuối cùng được thống sứ Bắc Kỳ thông qua ngày 30/03/1901.

Theo cuốn Ville de Hanoi (Thành phố Hà Nội, xuất bản năm 1905), suốt năm 1900, thành phố lên kế hoạch xây móng và lập hồ sơ đấu thầu. Đồ họa thiết kế từng bước được điều chỉnh cùng lúc với việc thăm dò khu đầm lầy để xây công trình, nằm ở đầu phố Paul Bert (Tràng Tiền ngày nay).

Phiên đấu thầu diễn ra ngày 25/04/1901, công ty của hai doanh nhân Charavy và Savelon, gần phố Thợ Nhuộm, trúng thầu toàn bộ công trình và bắt tay khởi công ngày 07/06/1901, dưới sự giám sát của kiến trúc sư công trình Victorin Harley. Công ty của hai ông Charavy và Savelon, trước thuộc về ba nhà thầu Fournier, Trelluyer và Levaché, là đối tác quen thuộc và được chính quyền thuộc địa tín nhiệm, vì đã xây rất nhiều công trình lớn ở Bắc Kỳ như nhà tù Hỏa Lò, nhà ở của quan chức, lô cốt, doanh trại pháo binh, ga Phủ Lạng Thương, bờ kè ở cảng Hải Phòng...

Vì khu vực được chọn là bãi sình lầy, mới được lấp, nên việc xây móng đặc biệt được chú ý. Người ta đóng đến 35.000 cọc tre để ổn định nền đất sau đó đổ một tấm đan bê tông dầy 0,90m để làm nền. Có thể hình dung ra được quy mô đồ sộ của công trình thông qua thống kê trong cuốn Ville de Hanoi : khoảng 12.000m3 vật liệu gồm 12 triệu viên gạch và 570 tấn gang và sắt đã được sử dụng ; 300 thợ nề miệt mài lao động hàng ngày và hoàn thiện công trình mà không để xảy ra bất kỳ tai nạn nghiêm trọng nào.

Tòa nhà được xây bằng gạch. Nền được làm từ gạch trát vữa xi măng và phần còn lại trát bằng vữa trộn từ vôi, móng được xây từ đá khai thác trong nước, bên trong sân khấu được phủ lớp gạch chịu lửa phòng cháy. Mái được làm từ đá đen có họa tiết trang trí bằng kẽm mạ vàng. Nguyên vật liệu đều được khai thác trong nước, từ gạch đến đá cẩm thạch, từ vôi đến xi măng, từ gỗ đến men... trừ mỗi sắt được uốn và rèn tại chỗ. Chính quyền thành phố tự hào vì sử dụng triệt để các loại nguyên vật liệu khác ngoài gỗ, để tránh nguy cơ bị thiêu rụi trong trường hợp hỏa hoạn như những công trình cổ ở Việt Nam.

RFI / Thu Hằng (ngày 12 tháng 2 năm 2018)

*********************************************************************

Công trình được khởi công ngày 7 tháng 6 năm 1901 theo đồ án thiết kế của hai kiến trúc sư người Pháp Broyer và V. Harley. Hình ảnh nhà hát lúc đang xây

Trong quá trình xây dựng có sự tham gia sửa chữa của kiến trúc sư Francois Lagisquet. Có thể nhận ra những thay đổi trong thiết kế giữa bức ảnh này với ảnh trước

Với kinh phí lên đến 2 triệu franc, dự án Nhà hát thành phố ở Hà Nội đã gây nên những tranh cãi trên một số báo chí tại Pháp thời kỳ đó

Trừ bức ảnh thời kì đang xây dựng, trên mặt tiền nhà hát có đắp dòng chữ THEATRE MUNICIPAL

Một số bức bưu thiếp ghi chú thích Nhà hát mới (Nouveau Theatre) để phân biệt với rạp hát Takou trên phố Hàng Cót


Các bồn hoa xung quang nhà hát được quy hoạch gọn ghẽ

Sau 10 năm xây dựng, Nhà hát thành phố được khánh thành vào đêm 9/12/1911. Lễ khai trương nhà hát bắt đầu với vở hài kịch bốn hồi Chuyến đi của ông Perrichon (Le Voyage de monsieur Perrichon) của Eugène Labiche và Édouard Martin. Số tiền thu được từ buổi biểu diễn được nhóm kịch Philarmonique ủng hộ cho những trẻ em lai sống lang thang trên phố.


Cờ Pháp treo trước nhà hát

Nhà hát là nơi biểu diễn các loại hình nghệ thuật cố điển như Opera, nhạc thính phòng, kịch nói… phục vụ người Pháp và một số ít người Việt giàu có. Lịch biểu diễn thời đó một tuần có 4 lần vào thứ ba, thứ năm, thứ bảy và chủ nhật.

Với 870 chỗ ngồi, Nhà hát Lớn Hà Nội là một công trình mang quy mô rất lớn nếu so với dân số Hà Nội khi đó. Đây cũng là địa điểm biểu diễn lý tưởng cho các đoàn kịch, ban nhạc từ Pháp và châu Âu tới lưu diễn

Sau Đại chiến I một tượng đài được dựng trên quảng trường trước Nhà hát lớn. Tuy nhiên, do ít giá trị thẩm mỹ, và làm vướng mặt tiền nhà hát nên nó bị dẹp bỏ. Thời gian tồn tại của tượng đài này rất ngắn, bằng chứng cho điều này rất hiếm gặp hình ảnh tượng đài này trong vô số các bức ảnh chụp phố Tràng Tiền.


Những cây cau vua trồng thay thế trong khuôn viên nhà hát tồn tại đến ngày nay


NHÀ HÁT LỚN HÀ NỘI thay THEATRE MUNICIPAL trên mặt tiền nhà hát


Từ phía sau của Nhà hát lớn nhìn sang phía Đông dọc theo trục đường Rue Paul Bert


Khu vực Nhà hát lớn Hà Nội


Nhà hát Lớn ngày nay


(sưu tầm)

No comments:

Post a Comment