Wednesday, January 23, 2019

Nhìn lại 10 năm qua (2000 - 2010) những ca nhạc sĩ đã ra đi vĩnh viễn






Mười năm qua, khu vườn ca nhạc Việt Nam có nhiều mất mát. Chúng ta hãy cùng nhìn lại để tưởng nhớ những giòng nhạc, những tiếng ca đã không còn nữa.

Mười năm là quãng thời gian đáng kể trong đời người. Như lá rụng rơi, nhiều nhạc sĩ đã rời xa …

Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng


Khi mọi người trên thế giới mới bước vào tân thiên niên kỷ thì nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng lặng lẽ ra đi vào ngày 25 tháng Giêng dương lịch 2000 để lại cho đời trên 200 nhạc khúc gồm các đề tài g tới Hoa Kỳ, định cư tại Quận Cam, Nam California. Năm 87, viết bài “Đêm nhớ về Saigon”.

Cùng với nhạc sĩ Trúc Hồ, Trầm Tử Thiêng sáng tác nhiều trong thể loại nhạc đồng ca như các bài “Bước chân Việt Nam”, “Việt Nam niềm nhớ”, “Một ngày Việt Nam”, “Cảm ơn anh”, …

Bài “Bên em đang có ta” Trầm Tử Thiêng viết cho những trẻ em sống trong các trại tỵ nạn.

“Bên em đang có ta” hợp ca Asia ...

Và bài “Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng” viết vào tháng 8, 1996 khi nghe tin một làng Việt Nam được xây dựng ở Philippines cho người Việt lưu vong.

Nhạc sĩ Thu Hồ



Thu Hồ, người nghệ sĩ rất sùng đạo được Thiên Chúa gọi về vào chiều 19 tháng 5, 2000. Thu Hồ tài năng đa dạng, thoạt tiên là ca sĩ, kế đến là nhạc sĩ với sáng tác đầu tay là bài “Quê mẹ”.

“Quê mẹ” Hoàng Oanh ca ...

Hai đề tài mà ông chú trọng là quê hương và tôn giáo. Ngoài ra, Thu Hồ còn làm thơ, hoạt động trong lãnh vực kịch nghệ và điện ảnh.

Ca sĩ Sĩ Phú


Giọng hát ấm áp tình cảm của chàng pilot Sĩ Phú không còn cất lên nữa từ ngày 19 tháng 7, 2000 để lại nhiều tiếc nhớ cho những người ái mộ.

“Khi người yêu tôi khóc” Sĩ Phú trình bày ...

Nữ ca sĩ Mỹ Thể


Nữ ca sĩ Mỹ Thể, giọng hát ngọt ngào một thời. Mỹ Thể đi hát từ năm 1963, khởi đầu là cộng tác với những chương trình văn nghệ quân đội và được ưa chuộng qua các ca khúc “Tình anh lính chiến”, “Chiều hành quân”, “Ngày em về thăm quê tôi”, … Kế đến, cộng tác với những chương trình ca nhạc phát thanh, truyền hình, các phòng trà, vũ trường, đại nhạc hội, ... nổi tiếng với các bài “Ai lên xứ hoa đào”, “Bài thơ hoa đào” của Hoàng Nguyên.

“Bài thơ hoa đào” Mỹ Thể hát …

Tháng Ba 1980 Mỹ Thể một mình vượt biển trót lọt đến Thái Lan. Chỉ ít lâu sau, là sang Cali để tiếp tục sự nghiệp ca hát.

Đến năm 89, lập gia đình lần thứ hai với một viên chức ở Pháp. Qua Pháp, Mỹ Thể tiếp tục đi hát và lưu diễn. Tới năm 96 thì trở lại Mỹ và nghỉ hát luôn.

Mỹ Thể từ trần ngày 8 tháng 10, 2000.

Qua năm 2001 thì ngay mấy tháng đầu, giới yêu nhạc trong và ngoài nước đã mất đi 2 nữ ca sĩ ở độ tuổi tương đối còn trẻ, đó là Lê Dung 47 tuổi, và Ngọc Lan 44 tuổi.

Nữ ca sĩ Lê Dung


Lê Dung, nghệ sĩ solo của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, và là ca sĩ Việt Nam đầu tiên tự tổ chức một đêm tại Nhà Hát Lớn Hà Nội với 21 bài hát từ Aria trong nhạc kịch “Cô Sao” của Đỗ Nhuận, tới “Thiên thai” của Văn Cao.

Lê Dung mất vào ngày 29 tháng 1, 2001.

Nữ ca sĩ Ngọc Lan


Ngọc Lan, người nữ ca sĩ mà có thể gọi là hiện tượng trong làng ca nhạc hải ngoại. Thời đó (khoảng giữa thập niên 1980) mới bắt đầu có Vidéo, Ngọc Lan hát và trình diễn đã làm biết bao khán thính giả từ hải ngoại về tới trong nước say mê.

“Mưa trên biển vắng” Ngọc Lan hát ...

Với giọng hát dịu êm tình cảm, và nhất là dáng vóc thanh cao, Ngọc Lan chiếm ngay được sự ái mộ của khán thính giả. Nhiều người cũng mến cô vì tính tình khả ái. Tuy nhiên, có lẽ:
“Mỹ nhân tự cổ như danh tướng. Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”

Ngọc Lan ra đi ngày 6 tháng 3, 2001 để lại bao luyến tiếc. Một số nhạc sĩ đã viết ca khúc tưởng nhớ cô.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn


Chưa hết bàng hoàng vì sự ra đi của Ngọc Lan thì giới yêu nhạc lại nghe tin Trịnh Công Sơn từ trần vào ngày 1 tháng Tư. Thoạt đầu, có người đã không tin, nhưng thật vậy, nhạc sĩ họ Trịnh đã rời bỏ cõi tạm này, ra đi (hay trở về?)

“Một cõi đi về” qua giọng hát Thanh Lam …

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc

Nguyễn Đình Phúc nhạc sĩ, họa sĩ và là nhà thơ. Về nhạc, sáng tác đầu tay của ông là bài “Cô lái đò” phổ thơ Nguyễn Bính.

“Cô lái đò” Đình Nguyên hát ...

Ông cũng sáng tác khí nhạc, và là một trong các nhạc sĩ viết nhạc phim đầu tiên của Việt Nam.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc qua đời ngày 28 tháng 5, 2001.

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ


Hoàng Thi Thơ tài năng đa dạng cùng với óc sáng tạo phong phú:
- sáng tác trên 300 nhạc bản với đủ mọi tiết điệu, thể loại, đề tài.
- sáng tác trường ca, xây dựng nhạc cảnh, nhạc kịch.
- tổ chức, dàn dựng các chương trình vũ.
- đạo diễn phim ảnh, vidéo.
Đoàn Văn Nghệ Việt Nam do ông dẫn dắt, từng đi lưu diễn các nước Á châu. Ông cũng là trưởng đoàn Ca Vũ Nhạc Kịch Maxim’s ở Saigon.
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ qua đời vào ngày 23 tháng 9, 2001 tại Nam California.

“Đường xưa lối cũ” Họa Mi hát ...

Nhạc sĩ Anh Hoàng

Hai ngày sau thì từ Toronto, Canada, tiếng kèn Anh Hoàng cũng lịm tắt.
Anh sử dụng được nhiều nhạc cụ nhưng nổi tiếng nhất là kèn nên được bạn bè gọi là “Hoàng kèn”. Tiếng kèn Saxo của Anh Hoàng từng làm say mê không khí các vũ trường ở Saigon; sau này, tiếp tục cất lên ở Montréal và Toronto bên Canada.

Nhạc sĩ Ngọc Bích


Một tuần sau khi dự đám tang nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ thì nhạc sĩ Ngọc Bích bị nhồi máu cơ tim và qua đời.

Thoạt tiên, với nghệ danh Kim Ngọc ông đi hát, qua cả Côn Minh bên Trung Quốc trình diễn. Năm 1942, ông đàn trong tiệm khiêu vũ đầu tiên chơi nhạc sống tại Hà Nội.

Ngọc Bích bắt đầu sáng tác từ năm 1947, là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên sử dụng nhịp điệu Swing và Blues.

Các nhạc bản lần lượt ra đời: “Hương tình”, “Trở về bến mơ”, “Mộng chiều xuân”, “Dưới trăng thề”, …

Năm 54, vào Nam, Ngọc Bích tiếp tục sáng tác, và sinh hoạt âm nhạc tại các đài phát thanh và đại nhạc hội.

Do có cảm tình với ông Ngô Đình Diệm, Ngọc Bích soạn bài “Vè Bảo Đại”. Sau khi Ngô Đình Diệm trở nên tổng thống thì Ngọc Bích cùng với nhà văn Thanh Nam sửa lại lời bài vè ấy thành bài “Suy tôn Ngô Tổng Thống”.

Năm 75, sang định cư ở Hoa Kỳ, nơi đây Ngọc Bích tham gia nhóm AVT. Đến năm 88 thì cùng với nhạc sĩ Nguyễn Hiền lập ra ban nhạc chơi giúp vui cho đồng hương.

Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn


Vào cuối Thu 2001, “Nhạc sĩ của mùa Thu” Đoàn Chuẩn bỏ lại những nhạc phẩm bất hủ để tìm đến mùa Thu vĩnh cửu.

"Thu quyến rũ" Ngọc Bảo hát ...

Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết


Qua năm 2002, làng ca nhạc trong nước từ biệt Nguyễn Hữu Thiết, người nhạc sĩ rất được quần chúng mến chuộng. Còn nhớ những năm 1950, 60 với hình ảnh hiền hòa của đôi song ca Ngọc Cẩm-Nguyễn Hữu Thiết trên các sân khấu miền Nam: Nguyễn Hữu Thiết đàn guitar và hát cùng với vợ những bài ca về đời sống dân lành.

“Gạo trắng trăng thanh” …

Trong một cuộc phỏng vấn, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết kể:

“Khó thể quên được khi đĩa hát của chúng tôi phát hành bán chạy như tôm tươi. Đại lý các tỉnh hàng ngày đến chen nhau mua, chỉ gọi tắt tên của ca khúc như "Bán cho 200 đĩa “Trăng rụng”, 200 đĩa “Gạo trắng". Đó là thời điểm vàng son trong sự nghiệp của tôi và bà xã. Một hãng ghi âm tặng chiếc xe hơi Consul để chúng tôi là ca sĩ độc quyền cho họ.”

Đôi vợ chồng này sát cánh bên nhau trong ca nhạc, và tạo dựng một gia đình êm ấm.
Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết mất vào ngày 31 tháng 10, 2002.

“Đêm đông” qua giọng hát Elvis Phương …

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương


Tác giả nhạc phẩm này, Nguyễn Văn Thương là một nhạc sĩ thuộc thế hệ tiên phong của tân nhạc Việt Nam.

Sáng tác đầu tay là vào năm 1936, Nguyễn Văn Thương 17 tuổi, viết nhạc bản “Trên sông Hương” là một trong các tác phẩm tân nhạc đầu tiên tại Huế, nơi ông sinh trưởng.

Năm 1939, ra Hà Nội học. Đêm Giao Thừa năm đó, không có tiền để về Huế, Nguyễn Văn Thương đi lang thang qua những con phố ở Hà Nội, và đó là hoàn cảnh viết nên nhạc bản “Đêm đông” …

Nguyễn Văn Thương là một trong các nhạc sĩ đầu tiên soạn nhạc cho các điệu múa chuyên nghiệp. Ông từng giữ chức Giám đốc Nhạc Viện Hà Nội, và đưa hệ Trung cấp Âm nhạc cổ truyền lên hệ Đại học.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương qua đời vào ngày 5 tháng 12 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Ca sĩ Hoài Trung


2002 cũng là năm từ giã ca sĩ Hoài Trung của ban Thăng Long, ban hợp ca do Hoài Trung cùng các em là Thái Hằng, Hoài Bắc và Thái Thanh thành lập sau khi vào Nam năm 1951. Trên sân khấu, Hoài Trung rất vui nhộn, và đặc biệt là khi trình diễn bài “Ngựa phi đường xa” ông làm các động tác như phi ngựa. Hồi đó, làm gì có xảo thuật âm thanh mà dẫu có sound effects như thời nay thì cũng không hay bằng tiếng Hoài Trung làm ngựa hí, quý vị nghe nhé.

“Ngựa phi đường xa” nhạc bản của Lê Yên, ban hợp ca Thăng Long trình bày …

2003 là một năm u ám đối với làng âm nhạc Việt Nam, nhiều ca nhạc sĩ qua đời vào năm đó.

Ca nhạc sĩ Duy Khánh


Duy Khánh, giọng ca đặc biệt qua những bản chứa chất tình tự dân tộc, hay ca ngợi tình bằng hữu, tình đồng đội.

Người ca nhạc sĩ được nhiều mến mộ này, từ trần ngày 12 tháng 2 tại Quận Cam.

Nhạc sĩ Vô Thường



Cũng từ thủ phủ người Việt tỵ nạn tại Nam California, Hoa Kỳ, tiếng đàn guitar tay trái của nhạc sĩ Vô Thường không còn gảy lên nữa. Anh đã chọn 30 tháng Tư, cái ngày nghiệt ngã của lịch sử dân tộc, để trở về với cát bụi.

Nhạc sĩ Lê Hựu Hà



Từ thành phố Saigon thời xưa thì vào ngày 11 tháng 5, 2003 tin tức cho biết là nhạc sĩ Lê Hựu Hà đột ngột qua đời, hình như là từ 2 ngày trước đó, anh lịm chết trong căn phòng đơn độc, không ai hay biết.

“Tôi muốn” quý vị và các bạn đang nghe qua giọng hát Elvis Phương, là một trong các nhạc bản của Lê Hựu Hà. Tiết điệu và lời ca trong bài này mang nét đặc trưng của Phong trào Nhạc Trẻ Việt Nam mà Lê Hựu Hà là một thành viên cột trụ.

Nhạc sĩ Trần Đình Quân



Trong năm 2003, Phong trào Du Ca cũng mất một thành viên sinh hoạt tích cực, đó là nhạc sĩ Trần Đình Quân, tác giả nhiều bài hát cộng đồng.

Nhạc sĩ Trần Hoàn



Tin trong nước cho biết nhạc sĩ Trần Hoàn đã ra đi vĩnh viễn. Từng giữ chức Bộ Trưởng Văn hóa Thông Tin trong chính quyền Hà Nội, Trần Hoàn là tác giả một số nhạc bản mà phổ biến là các bài “Lời người ra đi”, “Sơn nữ ca” viết trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Ca sĩ Anh Tú



Lại trở qua Nam Cali ... Sau một thời gian mang bệnh, ca sĩ Anh Tú lìa đời vào ngày 3 tháng 12, 2003.

Anh Tú thuộc gia đình thuần túy nghệ sĩ: bố là Lữ Liên, mẹ là nghệ sĩ Thúy Liễu. Chị Bích Chiêu, rồi đến Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Lưu Bích, Lan Anh đều theo nghề hát.

Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn



Sang năm 2004 mới 9 ngày thì nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn ra đi vĩnh viễn.

Lê Trọng Nguyễn ở trong số vài trường hợp có nhạc bản thành công tột độ, tới nỗi người ta chẳng cần biết tác giả là ai nữa, và nó làm lu mờ tất cả những nhạc bản khác của tác giả. Đó là bài “Nắng chiều” phổ biến không những ở trong nước mà được cả các quốc gia khác đặt lời bằng tiếng nước họ để đàn hát.

“Nắng chiều” Ngọc Lan hát …

Nhạc sĩ Nhật Bằng


Tiếp sau sự ra đi của Lê Trọng Nguyễn, là nhạc sĩ Nhật Bằng lìa trần vào đêm 7 tháng Năm.

“Thuyền trăng” Nhật Bằng soạn nhạc, lời của nhà văn Thanh Nam ...

Nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu



Kế đến, là nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu. Sang Mỹ định cư năm 1994, ông tiếp tục sinh hoạt mạnh mẽ, dựng lại Phong trào Du Ca, phong trào hát cộng đồng; dựng nhóm hát Hùng Sử Ca; thúc đẩy ca nhạc Phật giáo; góp sức viết ca khúc cho các trung tâm Việt ngữ; và giữ phần mục rất được thương mến “Chúng ta đi mang theo quê hương” trên đài phát thanh VNCR tại Quận Cam.

Nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu qua đời ngày 17 tháng 8.

Nhạc sĩ Hoàng Lang



Cuối tháng 11, 2004 thì nhạc sĩ Hoàng Lang từ trần tại Thụy Sĩ, nơi ông đến vào năm 1972 rồi định cư luôn. Hồi còn ở trong nước, Hoàng Lang hợp tác với các ban Vô Tuyến Quốc Gia, Hoàng Trọng, Văn Phụng, và “Cổ kim hòa điệu Dương Thiệu Tước” tại đài phát thanh Saigon; phụ trách chương trình nhạc “Hương Xưa”, chương trình “Thi nhạc giao duyên Vương đức Lệ” trên đài Tiếng Nói Quân Đội. Hoàng Lang cũng cộng tác với các hãng đĩa và đài truyền hình Việt Nam. Ngoài ra, ông còn mở các lớp dạy nhạc, đào tạo nhiều nhạc sinh mà người nổi tiếng nhất sau này, là nhạc sĩ Lam Phương.

Nhạc sĩ Khánh Băng



Vừa mới bước vào năm Ất Dậu 2005, làng âm nhạc Việt Nam đã nhận tin buồn về nhạc sĩ Khánh Băng lìa đời vào mùng 1 Tết tại Saigon. “Sầu đông” kéo tới, lấp cả tia nắng buổi tân niên.

“Sầu đông” Nguyễn Hưng đang trình bày, là một trong các ca khúc nổi tiếng của Khánh Băng ...

Ca-Nhạc sĩ Nhật Trường-Trần Thiện Thanh



“Tưởng chừng trong mơ” Nhật Trường hát …

Ca sĩ Nhật Trường đồng thời là nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, tác giả bài “Tưởng chừng trong mơ”. Là người viết nhiều bài hát ca ngợi sự hy sinh của những chiến sĩ, làm cho tên tuổi của họ trở nên bất tử qua các ca khúc như “Người ở lại Charlie”, “Anh không chết đâu anh”, .. Nhật Trường Trần Thiện Thanh từ giã bạn bè, ra đi vĩnh viễn ngày 13 tháng 5, 2005.

“Tôi đi tìm tôi” phổ thơ Miên Du, giọng ca Hương Giang …

Nhạc sĩ Hiếu Anh



Do nếp sống trầm lặng, nhạc sĩ Hiếu Anh không được nhiều người biết đến, dù rằng ông có trên 200 nhạc bản.

Tối Chúa Nhật 27 tháng 11, 2005, đang trả lời một cuộc phỏng vấn thì bỗng dưng ông gục xuống. Cái chết xảy đến quá đột ngột khiến mọi người khó lòng tin nổi. Và trong nỗi bàng hoàng, ai nấy mới cảm nhận sâu xa hơn về sự phù du của đời người, có đó mất đó, chỉ trong phút giây.

Tiếng sáo trúc của Nguyễn Đình Nghĩa …

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa



Tiếng sáo Nguyễn Đình Nghĩa mà nhạc sĩ Phạm Duy từng gọi là “Tiếng sáo thần”. Tiếng sáo trầm bổng trong những chương trình thi ca hồi trước 1975. Sau biến cố, ông quay sang nghiên cứu về nhạc cụ. Tháng Bảy 1984, ông cùng vợ con sang Hoa Kỳ định cư.

Ban nhạc gia đình Nguyễn Đình Nghĩa sử dụng nhạc cụ dân tộc Việt Nam trình tấu tại các viện âm nhạc cổ điển, nhạc đồng quê, các trường đại học, trung tâm giáo dục, các cộng đồng, hội chợ quốc tế, tại hàng trăm hí viện ở Mỹ và Canada được khán thính giả tán thưởng nhiệt liệt. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa qua đời ngày 22 tháng 12, 2005 tại Maryland, Hoa Kỳ.

“Mái tóc dạ hương” Vũ Khanh hát …

Nhạc sĩ Nguyễn Hiền



Nhạc sĩ Nguyễn Hiền đã “từ giã hoàng hôn” ngày 23 tháng 12. Nguyễn Hiền sử dụng được nhiều nhạc cụ, năm 1950 ông đã là nhạc trưởng ban nhạc “Hotel de Paris” tại Hà Nội. Sau khi đất nước bị chia đôi, Nguyễn Hiền vào Nam và từng giữ chức vụ Chủ sự phòng Chương trình Đài Phát Thanh Sài Gòn, Phụ tá Giám đốc Đài Truyền Hình Việt Nam đặc trách về chương trình. Năm 1988, ông cùng gia đình sang Hoa Kỳ định cư. Nơi đây, ông hăng hái tham gia sinh hoạt cộng đồng, tổ chức các lễ giỗ truyền thống dân tộc, cố vấn Hội “Cổ Nhạc miền Nam Việt Nam hải ngoại” nên được giới chức thành phố Westminster, nơi ông cư ngụ, mời làm Ủy viên Văn Hóa.

“Phố đêm” của Tâm Anh qua giọng ca Hương Lan và Mạnh Quỳnh …

Qua năm 2006, các nhạc sĩ qua đời gồm có Tâm Anh, Xuân Lôi, Mạnh Bích, Từ Huy, danh ca Ngọc Bảo, ...

Nhạc sĩ Từ Huy



Khi biến cố tháng Tư 1975 xảy tới thì Từ Huy đang là Trưởng Ban Văn Nghệ trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn.

Sau đó là quãng thời gian hụt hẫng mọi thứ. Nhằm thúc đẩy dòng nhạc trẻ vươn lên, năm 1991, Từ Huy cùng với các nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Thanh Tùng, Nguyễn Ngọc Thiện và Nguyễn Văn Hiên lập ra nhóm “Những người bạn”.Có mặt trong Ban Chấp Hành Hội Âm Nhạc thành phố Hồ Chí Minh, Từ Huy đứng lên tranh đấu cho quyền lợi của giới nhạc sĩ chống nạn sử dụng và trả tác quyền một cách tùy tiện của nhiều đơn vị kinh doanh âm nhạc. Từ Huy lìa trần ngày 10 tháng 9, 2006.

Ca sĩ La Sương Sương



Tiếng hát La Sương Sương như lời ngậm ngùi chia tay với gia đình, bạn hữu và người yêu, khi cô phải chịu thua số mệnh, ra đi lúc tuổi đời còn xanh màu ước vọng. Kiệt sức sau 2 lần thay gan, hậu quả cuộc ghép thận, La Sương Sương từ trần vào sáng sớm ngày 24 tháng Giêng 2007.

“Biệt ly” qua giọng hát Ý Lan …

Nhạc sĩ Doãn Mẫn



Nhạc bản này, Doãn Mẫn viết khi mới 20 tuổi. Ông thuật lại là nhà ở cạnh Ga Hàng Cỏ, sân ga thời đó liên tục những chuyến tàu chở thanh niên Việt đi làm thợ hoặc lính cho Pháp tại các nơi xa xôi, không hẹn ngày về. Những cảnh chia ly đau xót đã tác động mạnh đến tâm cảm của Doãn Mẫn. Ông dạy thêm về đàn Guitar. Một trong các nhạc sinh của ông có mối tình bị cha mẹ ngăn cấm, chàng trai này buồn bã, đi kháng chiến và hy sinh, không hề biết rằng mối tình của mình đã gây xúc cảm cho Doãn Mẫn viết nên nhạc bản bất hủ ấy.

Từ năm 1945, bài hát lãng mạn này không được phép trình diễn ở miền Bắc. Mãi tới năm 1988 tức là 43 năm sau, nhờ chính sách đổi mới, “Biệt ly” mới được hát trở lại … Nhạc phẩm này đã vượt thời gian nhưng đối với tác giả của nó cũng như mọi người ở cõi trần, đời sống chỉ hữu hạn. Vào trung tuần tháng Tư 2007, dưới làn mưa nhẹ, người hâm mộ dòng nhạc Doãn Mẫn đã đứng hàng dài trước nhà tang lễ để tiễn ông ra đi vĩnh viễn. Ca sĩ Quốc Việt

Bên trời Cali thì ca sĩ Quốc Việt bỏ cuộc chơi khi mới 39 tuổi. Đến tháng 10, 2007 thì nhạc sĩ Lê Mộng Bảo lìa đời.

“Trở về” Hồng Nhung ca …

Nhạc sĩ Châu Kỳ



Qua năm 2008 mới 6 ngày thì có tin nhạc sĩ Châu Kỳ từ biệt mọi người, trở về với người mẹ đã khuất. “Trở về” là sáng tác đầu tay, viết trong tình cảnh là sau trận bão năm ấy, Châu Kỳ đang theo học ở Hà Nội, vội vã trở về quê tại Thừa Thiên - Huế thăm mẹ nhưng mẹ đã bị lũ cuốn trôi mất.

Nhạc sư Nghiêm Phú Phi



Sáng sớm ngày 16 tháng Giêng dương lịch 2008, trong khi sửa soạn đi đám tang người bạn thân là tài tử Lê Quỳnh thì nhạc sư Nghiêm Phú Phi ngã trong buồng tắm. Ông ra đi, để lại sự tiếc nuối cho gia đình, bạn bè nghệ sĩ, và nhạc sinh nhiều thế hệ. Công trình nhạc sư để lại cho đời là sáng tác hoặc hoà âm 5 trường ca và hơn một ngàn nhạc khúc các loại.

Nhạc sĩ Anh Việt



“Bến cũ” qua giọng hát “vượt thời gian” Thái Thanh, là một trong các nhạc bản của Anh Việt viết vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Nhà báo Sao Biển nhận định về dòng nhạc Anh Việt như sau: “làm dịu cơn đau, khỏa lấp sự kinh hoàng của chiến cuộc. Giống như “Một thời để yêu và một thời để chết” của nhà văn Erich Remarque khi nhìn thấy một cặp tình nhân gửi hồn nhau trong đáy mắt trên đường hành quân ngược xuôi”. Anh Việt cũng là tác giả các nhạc bản “Bến Kiên Giang”, “Chiều trong rừng thẳm”, “Lỡ chuyến đò” và đặc biệt là bài “Thơ ngây” với lời ca được mọi người mến yêu. Nhạc sĩ Anh Việt qua đời ngày 15 tháng Ba 2008 tại San Jose, Hoa Kỳ.

Tin từ Sài Gòn ngày 8 tháng Tư 2008 cho biết nghệ sĩ Kim Chung “Tiếng chuông vàng thủ đô” không còn vang lên nữa.

Nhạc sĩ Trịnh Hưng



Bên Pháp thì Trịnh Hưng, tác giả những nhạc bản đượm tình quê hương, từ trần ngày 10 tháng Năm tại vùng ngoại ô Paris.

“Lối về xóm nhỏ” …

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ



Năm 2009, tác giả bài “Bông hồng cài áo” nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ qua đời ngày 16 tháng Giêng tại Sài Gòn.

Nhạc khúc này phổ ý thơ Nhất Hạnh, gây xúc động cho bất cứ người nào nghe, và trở nên bài ca không thể thiếu trong mỗi dịp Vu Lan. Phạm Thế Mỹ còn nổi tiếng về bài “Tóc mây” và các nhạc bản nói về người lính chiến Việt Nam Cộng Hòa như “Những ngày xưa thân ái”, “Trăng tàn trên hè phố”, ...

Nghệ sĩ Trường Kỳ



Nghệ sĩ Trường Kỳ, người được xưng tụng là “Ông Vua Nhạc Trẻ”, “Chúa Hippy” qua đời một cách đột ngột ngày 22 tháng Ba tại Toronto trong chuyến anh đến làm phóng sự về buổi ra mắt Album đầu tiên của bé Tường Vi.

Nhạc sĩ Tùng Giang



Sau đó chỉ hơn 2 tháng thì người bạn trong Phong Trào Nhạc Trẻ ngày nào, nhạc sĩ Tùng Giang cũng theo chân Trường Kỳ tới cõi trẻ mãi không già.

Nhạc sĩ Bảo Phúc



Từ trong nước thì tin cho biết nhạc sĩ Bảo Phúc lìa trần ngày 31 tháng 5; nghệ sĩ lừng danh Phùng Há qua đời ngày 5 tháng Bảy; nhạc sĩ Ưng Lang ra đi ngày 17 tháng 8.

Nhạc sĩ Nguyễn Túc



Trở sang Hoa Kỳ … chúng ta giã biệt nhạc sĩ lão thành Nguyễn Túc ra đi sáng 3 tháng Bảy 2009 tại vùng ngoại vi Hoa Thịnh Đốn.

Ca sĩ Thanh Hùng



Đến cuối năm ngoái thì làng thơ mất giọng ngâm tuyệt vời của Thanh Hùng vào ngày 25 tháng 11. Ra Giêng, Thy Nga sẽ gởi đến quý thính giả chương trình thi ca về Thanh Hùng.

Bây giờ thì chỉ còn mấy ngày nữa là Tết, hãy khép lại mọi chuyện buồn.

Thy Nga hẹn tái ngộ quý vị trong chương trình ca nhạc mùng 1 Tết Canh Dần.

Nguồn: RFA / Thy Nga thực hiện


No comments:

Post a Comment