Phụ nữ biểu tình đòi tham gia bầu cử, tháng 7/1908 tại Luân Đôn.LSE Library / Wikimedia Commons
« Công dân hạng hai »
Chế độ bầu cử tại Anh quốc dưới thời nữ hoàng Victoria trị vì là theo mức thuế, chủ yếu dành cho nam giới và cho những ai có thể chứng minh được sở hữu nhà ở liên tục trong vòng 12 tháng tính đến ngày 15/7 của năm hiện hành. Thân phận phụ nữ trong giai đoạn này chỉ như là những « công dân hạng hai », chẳng có nhiều quyền gì hơn so với trẻ em hay một tên tội phạm.
Phụ nữ không được quyền sở hữu tài sản, dù là của thừa kế, không được quyền học đại học hay tiếp cận các ngành nghề được trả lương cao. Theo thông tín viên Lê Hải tại Luân Đôn, thân phận của phụ nữ Anh lúc bấy giờ trái ngược hoàn toàn với hình ảnh một nữ hoàng đầy quyền uy.
« Thân phận của người phụ nữ Anh vào thế kỷ XIX là một bức tranh hoàn toàn trái ngược với hình ảnh nữ hoàng Victoria, một người đàn bà quyền lực, có quyền sinh sát đối với đàn ông là thần dân của mình. Trong suốt thời kỳ này, phụ nữ Anh vẫn luôn bị coi là tài sản của người chồng, tức là có bổn phận thỏa mãn sinh lý cho người chồng, tất cả những gì bản thân tạo ra bao gồm cả con cái cũng thuộc về quyền sở hữu của người chồng, hàng ngày phải lo cơm nước quần áo và nếu có đi làm thì tiền đó cũng do người chồng quyết định sẽ chi tiêu vào khoản nào.
Mỗi cô gái Anh khi lớn lên thì lo lắng với chuyện không có ai chịu cưới, mà ngày nay trước tên gọi vẫn còn vết tích của việc phân biệt này là quí cô Miss hay quí bà Mrs. Nếu có của hồi môn thì sẽ dễ tìm được ai đó chịu quản lý khối tài sản mà người cha khi dắt tay con gái đến nhà thờ gả cưới coi như là trao toàn bộ, rồi sau đó vật lộn với việc giữ gìn khối tài sản đó không bị người chồng đem đi cho tình nhân hay tiêu pha hoang phí vào những cuộc chơi vô bổ. Đây là cốt truyện rất thường gặp trong các tác phẩm văn học viết về giai đoạn Victoria ở Anh. »
Phụ nữ và trẻ em : Nguồn nhân công rẻ mạt
Thế kỷ 19 là giai đoạn phát triển công nghiệp ở nước Anh, khi mà nhu cầu về người lao động ngày càng cao. Do phân biệt đối xử nên lương trả cho trẻ em và phụ nữ rất thấp. Giới chủ đương nhiên là thích thuê công nhân lương thấp, dễ sai bảo, và có thân phận thấp hèn không đòi hỏi gì.
« Đại văn hào Charles Dickens từng đi làm từ khi 12 tuổi. Đây là một chuyện rất bình thường ở Anh, vì có những em thậm chí 5 tuổi đã phải đi làm, và đến khi trưởng thành thì thất nghiệp vì không ai trả lương cao để thuê nữa.
Trong bối cảnh chênh lệch về công sức đóng góp chung cho cuộc sống gia đình và quyền lợi được hưởng, thì dễ hiểu tại sao dư luận xã hội dần bắt đầu điều chỉnh bằng cách giới hạn việc thuê mướn nhân công trẻ em, và tăng dần quyền lợi cho lao động nữ.
Nhiều cuộc đấu tranh nho nhỏ bắt đầu diễn ra từ năm 1866, từ ở nơi làm việc để chống bị áp bức mà đặc biệt là người chủ nam giới lạm dụng tình dục, cho đến việc các chị em phụ nữ giúp nhau bỏ trốn khỏi sự ngược đãi của người chồng ở nhà, đòi quyền được li dị, và mạnh hơn nữa là chính thức đòi quyền lợi ở quốc hội, cơ quan quyền lực chính trị cao nhất ở Anh.
Năm 1867 triết gia John Stuart Mill đề nghị quốc hội thông qua luật cho phép phụ nữ đi bỏ phiếu giống như cánh mày râu, nhưng kết quả là 194 phiếu chống trên 73 phiếu thuận. Năm 1888 phụ nữ được quyền bầu cử ở cấp địa phương.
Tiếp tục tranh đấu suốt 30 năm nữa thì những phụ nữ từ 30 tuổi trở lên và đã lập gia đình sẽ được quyền bỏ phiếu bầu quốc hội, vào tháng Hai năm 1918. Và hôm nay nước Anh kỷ niệm 100 năm sự kiện quan trọng này. »
"Suffragettes" và "suffragist"
Và thế là hai phong trào đấu tranh của phụ nữ Anh đòi bình quyền thời bấy giờ được gọi chung là Suffrage đã được hình thành. Một bên là tổ chức suffragist « National Union of Women’s Suffrage (NUWSS) tập hợp đa số thành phần nữ giới trung lưu, có học thức, có tư tưởng cấp tiến, đấu tranh ôn hòa công khai và sử dụng các mối quan hệ chính trị.
Bên kia là phong trào suffragettes Women’s Social and Political Union (WSPU), một tổ chức có đông đảo tầng lớp phụ nữ bình dân, không ngại tham gia các hoạt động bạo lực.
« Các phong trào đấu tranh của phụ nữ Anh đòi bình quyền được gọi chung là Suffrage, và được chia thành hai nhóm. Những người phụ nữ mà đa số là giới trung lưu, đấu tranh ôn hòa công khai và sử dụng các mối quan hệ chính trị, thì gọi là suffragist, còn nhiều phụ nữ bình dân không ngại tham gia các hoạt động bạo lực bí mật thì gọi là suffragettes. Các nhóm suffragist công khai bắt đầu nhen nhúm và lên tiếng từ giữa thế kỷ 19, còn lực lượng ngầm suffragettes bắt đầu hoạt động từ khoảng năm 1903.
Giáo trình môn sử ở bậc phổ thông tại Anh giải thích là giới phụ nữ trung lưu tranh đấu công khai tin rằng nếu tạo ra được một bộ mặt đại diện cho phụ nữ là những người biết suy nghĩ và hành xử không thua kém đàn ông sẽ dễ dàng thuyết phục dư luận công nhận quyền cho mình. Còn phong trào vận động quần chúng đi kèm bạo lực lập luận rằng phương pháp này giúp huy động thêm phụ nữ tham gia và ủng hộ cho phong trào, đồng thời dễ tác động vào đám đông đàn ông là chồng con, anh em hay bố của họ.
Lãnh tụ của phong trào bạo động Emmeline Pankhurst ban đầu cũng là một thành viên của nhóm công khai ở Manchester, nhưng sau đó quyết định tách ra đi theo hướng riêng. Sau đó nhóm này lại bị chia rẽ do các mâu thuẫn nội bộ, và số lượng người ủng hộ có thể ghi nhận qua số lượng 20.000 bản in mỗi tuần của tờ báo mang tên Lá phiếu cho phụ nữ. Các Mác lúc sinh thời cũng là một người ủng hộ cho phong trào phụ nữ ở Anh, khi theo dõi tình hình thời sự này.
Vào năm 1913, một người phụ nữ Luân Đôn đã lao đầu vào trước con ngựa của vua Anh ở trường đua Epson Derby và chết sau đó. Cô Emily Wilding Davison đã vượt mọi cấm cản lúc bấy giờ để học đại học, rồi bỏ nghề giáo viên để dành trọn thời gian cho phong trào nữ quyền. Cô thường xuyên bị bắt bỏ tù về tội quấy rối trật tự công cộng, mà đặc biệt là phong trào đốt thùng thư công cộng, hay ném đá vào xe bộ trưởng.
Cái chết thương tâm ngay trước ống kính truyền hình và đặc biệt là câu chuyện cuộc đời của Davison đã gây chấn động nước Anh và trở thành đề tài để người ta bàn tán và suy ngẫm trước khi cho phép phụ nữ được tham gia bỏ phiếu ở tuổi 30.
Cũng đạo luật đó giảm tuổi đi bầu của nam giới xuống còn 21, và thực sự thì phải đến năm 1928 thì 15 triệu phụ nữ Anh đến tuổi đi bầu mới hoàn toàn có quyền bỏ phiếu trong điều kiện giống hệt nam giới. »
Chiến tranh : Thời cơ để phụ nữ chứng tỏ tài năng
Thế rồi chiến tranh xảy ra. Đàn ông được huy động ra chiến trường. Các cuộc đấu tranh tạm ngưng. Nhưng giới đấu tranh cũng nắm lấy cơ hội này để chứng tỏ rằng phụ nữ có thể nỗ lực tham chiến. Đồng thời họ cũng đe dọa rằng : Nếu quyền bỏ phiếu không được chấp nhận, phụ nữ lại xuống đường.
« Chiến tranh thế giới lần thứ nhất thì mọi hoạt động chính trị tạo ra bất ổn bên trong nước đều phải tạm dừng, bởi vì sẽ bị ghép vào tội phá hoại và trừng phạt nặng nề. Nhưng chiến tranh thế giới lần thứ hai thực sự là cơ hội để phụ nữ Anh củng cố vị trí của mình trong xã hội và thể hiện tài năng. Khi đàn ông phải ra trận thì hàng loạt các vị trí nơi công sở và nhà máy phải do phụ nữ đảm nhiệm. Người ta khuyến khích phụ nữ tập trung về các khu nhà máy sản xuất bom đạn, hình ảnh phụ nữ đứng máy tiện rồi lái máy bay từ nhà máy đến các sân bay tiền tiêu để giao sản phẩm, hay phụ nữ làm cứu thương và lái xe hậu cần vẫn còn in đậm vào tâm trí của người dân Anh cho đến ngày hôm nay.
Hình ảnh của người phụ nữ không còn là phái yếu cần được che chở, mà là người đứng bên cạnh đàn ông trước nguy hiểm, chia sẻ phần công việc có khi còn nặng nhọc hơn. Rồi một loạt các tiểu thuyết trinh thám, câu chuyện thực về người nữ điệp viên, hay các đội du kích ở châu Âu, tất cả đều đề cao hình ảnh của người phụ nữ trong xã hội mới. Đến thời người đàn bà thép Magaret Thatcher lãnh đạo nước Anh, cùng với tổng thống Mỹ Ronald Reagan điều phối thế giới, thì người ta không còn nghi ngờ gì nữa về vai trò của phụ nữ trên thế giới.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận rằng cho đến tận ngày nay thì lương trung bình của phụ nữ vẫn thấp hơn so với cánh đàn ông và người ta vẫn phải tiếp tục nhắc nhở về sự bất bình đẳng giữa phụ nữ và đàn ông nơi công sở. Ngoài ra, ở châu Âu, Phần Lan đã đi trước cả nước Anh về quyền bầu cử cho phụ nữ, từ năm 1906, và như ở Thụy Sĩ thì mãi đến tận năm 1971 mới công nhận quyền này. Chiến tranh cũng không thực sự đem lại quyền lợi cho phụ nữ ở các nước Ả-rập, như là Ả-rập Xê-út đến tận 2015 mới cho phụ nữ quyền đi bỏ phiếu. »
Các hoạt động kỷ niệm
Câu chuyện tròn 100 năm thắng lợi ban đầu của Suffrage được nhắc tới trên báo chí trong suốt một tuần qua, khi dư luận phần nào đã nói đến chuyện này nhiều từ sau ngày trình chiếu bộ phim nổi tiếng về phong trào này.
« Một số bảo tàng cũng xây dựng chương trình triển lãm đặc biệt, như British Museum trưng bày đồng tiền xu ngày xưa bị người ta đóng lên dòng chữ đòi quyền bầu cử cho phụ nữ để thể hiện quan điểm. Nhân dịp này, cháu gái của lãnh tụ Pankhurst, là tiến sĩ trong điều kiện xã hội đã coi quyền đến trường của phụ nữ là điều bình thường, đã được mời đến kho bạc nhà nước để in đồng 50 xu đặc biệt kỷ niệm sự kiện, khắc nổi bức phù điêu những người phụ nữ trên đường tranh đấu.
Chính phủ Anh dành khoản ngân sách 2,5 triệu bảng để tổ chức nhiều hoạt động khác. Tuy nhiên, các chương trình kỷ niệm dù đại trà nhưng không rầm rộ, cũng giống như tính cách của người Anh khi nhắc lại quá khứ, vì rằng điều đó là để mỗi người dân Anh ngày hôm nay ý thức được rằng quyền lợi của mình không tự nhiên mà có, và hãy tự phấn đấu cho tương lai, hơn là cứ phải nhớ ơn ai đó rồi lại tiếp tục chờ sung rụng sau này.
Cùng thời điểm với việc giải phóng phụ nữ cách nay 100 năm cũng là quyết định mở rộng quyền đi bỏ phiếu cho nhiều thành phần ngay trong chính đàn ông, mà trước đó phải từ 30 tuổi trở lên và thường là tầng lớp trung lưu thì mới được phép. »
Quyền bầu cử của phụ nữ Việt Nam
Nghe chuyện người mà ngẫm chuyện ta. Phụ nữ Việt Nam lần đầu được cầm lá phiếu vào năm 1945. Thế nhưng, thông tín viên Lê Hải lấy làm tiếc rằng chi tiết này lại không mấy được nhiều chị em phụ nữ ngày nay biết đến.
« Ở Việt Nam người ta nhắc nhiều đến cuộc bỏ phiếu sau ngày cách mạng tháng Tám năm 1945. Sự kiện đó thực sự là lễ hội của toàn dân, khi hầu hết các nhân vật trí thức và mọi đảng phái bao gồm cả cựu hoàng đế Bảo Đại cũng có mặt trong chính phủ, dù rằng sau này bộ máy tuyên truyền của đảng Cộng Sản chỉ coi đây là thắng lợi của riêng mình. Khi đó thì tất cả phụ nữ Việt Nam đến tuổi đi bầu đều có quyền bầu cử và ứng cử ngang bằng nam giới. Cũng cần ghi nhận rằng sắc lệnh về quyền bầu cử bình đẳng cho phụ nữ ở Việt Nam vào năm 1945 không tạo ra sự chú ý đặc biệt, ngay cả đối với giới nghiên cứu lịch sử.
Khi tôi đặt câu hỏi trên facebook xem phụ nữ ở Việt Nam có quyền đi bầu cử trước năm 45 hay không thì hầu như không có mấy người nhắc đến điều gì khác hơn là bài học tuyên truyền hiện nay, ngoại trừ một nhận xét nói rằng phụ nữ Pháp chỉ có quyền bầu cử từ 1944, cho nên luật này sau đó mới có hiệu lực ở thuộc địa.
Tuy vậy, nhìn từ góc độ văn hóa, thì một trong số những tờ báo có ảnh hưởng mạnh nhất ở Việt Nam đầu thế kỷ 20 là tờ Phụ nữ Tân Văn, với những bài báo dành cho độc giả nữ từ năm 1929. Hồi ký Phạm Duy ghi lại ấn tượng của ông về phong trào phụ nữ chạy xe đạp ở Hà Nội, mặc quần như nam giới, hay ở miền nam đến bây giờ vẫn còn câu chuyện về các đội bóng đá của phụ nữ, mặc quần ngắn chạy trên sân.
Ngoài ra, cũng khó mà đánh giá quyền của phụ nữ Việt Nam trong hệ tọa độ châu Âu, nếu chúng ta nhớ rằng khu vực Đông Nam Á ảnh hưởng mạnh của chế độ mẫu hệ, mà ngày hôm nay khi đi chùa chúng ta vẫn luôn gặp tên của bốn người phụ nữ tượng trưng cho quyền lực của vũ trụ là pháp Vân, pháp Vũ, pháp Lôi và pháp Điện, tức là Mây, Mưa, Sấm, Chớp, hay câu chuyện lịch sử về hai bà Trưng Trắc và Trưng Nhị. »
Nguồn: RFI / Minh Anh, Lê Hải
No comments:
Post a Comment