Giọng đọc: Nam Phong - Phượng Dung
Năm Giáp thân (1344) niên hiệu Thiệu phong thứ IV đời Trần Dụ Tông, tại kinh đô có mở hội xem hoa vào dịp lễ Nguyên Tiêu, nhà nào nhà nấy treo đèn kết hoa, cảnh tượng thực là rực rỡ, dân chúng tự các phường lân cận đổ về kinh kỳ dự hội đông như nước chảy.
Sao lại có một thư sinh, dáng tư lự, thơ thẩn đi ra khỏi kinh thành?
Chàng thư sinh đó, nguyên họ Đặng, quê ở Trưòng An (Ninh Bình). Cha chàng trước đây làm quan thái thú ở Hồng Châu (Hải Dương), bị quan trên vây hãm, hạ nhục cả nhà, Sau một năm giam cầm, ông uất mà chết ngay trong ngục. Vừa khi đó có một viên quan họ Lý đổi về Hồng Châu. Lý công vốn người cương nghị chuyên coi về hình án. Vừa tới nhậm chức, ông xét lại bản án họ Đặng và rõ ngay nỗi oan khuất, vì vậy Đặng sinh cùng mẹ được thoát cảnh ngục trở về quê. Mùa xuân năm Quý Mùi, Đặng sinh xin phép mẹ lên du học kinh sư. Việc ăn tiêu giữa chốn phồn hoa đô hội quá tốn kém, nên mới sang đầu xuân năm sau, vừa một năm qua, tiền lưng đã hầu cạn. Vì vậy trong khi mọi người hớn hở chảy về kinh đô vui xuân, chàng ngược dòng dân chúng mà thơ thẩn đi sâu vào các vùng quê lân cận. Cứ như vậy chàng đi khỏi kinh đô chừng năm dặm, gặp một trang trại thật rộng, gần như bỏ hoang, Bên cạnh trại là một xóm nhà thưa thớt, chung quanh có lũy tre bao bọc. Trại cùng xóm nhà đều ở sát bờ sông Nhị.
Đặng sinh vào nhà một bà cụ già trong xóm hỏi chuyện, được biết nơi đây thuộc phường Tiên Lập, và trại hoang trước kia là nhà dưỡng lão của quan thị lang họ Phùng, Khi vị này bị đổi đi làm quan thái thú tại trấn Tuyên Quang thì dinh cơ đó được bán cho một viên quan trong xóm. Thương gia này bận việc phương xa, nay đây mai đó luôn, nên trại tuy mua đã trên mười năm rồi mà chẳng hề tu sửa gì cả. Cụ già nói thêm cho Đặng sinh biết thương gia mới từ phương xa về được mấy ngày, có lẽ mai lên đường sớm.
Đặng sinh ngỏ ý muốn đến tìm thương gia để thuê trại đó, vì chàng nghĩ mình nên chọn ở nơi này thanh vắng xa chốn kinh kỳ, vừa để dùi mài kinh sử vừa đỡ tốn kém trong việc chi tiêu. Chàng kính cẩn cúi đầu chào bà cụ, toan quay ra, chợt thấy bóng một nữ nhân vừa khuất dạng sau vườn dâu gần đấy. Đặng sinh linh cảm rằng mỹ nhân đứng nhìn trộm từ lâu, khi thấy chàng sắp quay ra mới vội lẩn đi, chàng chỉ thoáng kịp thấy vạt áo màu thiên thanh của nàng phất lại phía sau. Tuy chưa nhìn rõ mặt, nhưng Đặng sinh tự nhiên thấy lòng xúc động. Điều này khiến chàng tin rằng nàng đẹp lắm.
Chàng băn khoăn tự hỏi : Quái, nơi thôn dã này sao có người con gái mặc màu áo quyền quý thế.
Đặng sinh bèn nán lại, khéo gợi chuyện, được biết thêm về gia thế bà cụ gồm chồng và một đứa con trai đã lớn, ngày nào cũng thả thuyền đánh lưới theo ven sông từ sớm đến xẩm tối mới về, còn bà cụ ở nhà chuyên việc giồng dâu, chăn tằm, dệt cửi. Không thấy bà cụ nói có con gái, mà muốn hỏi thêm e bất tiện, Đặng sinh đành cúi chào bà cụ rồi đến thẳng cuối xóm tìm thương gia để thương lượng việc thuê trại.
Có lẽ thấy vẻ chàng khôi ngô tuấn tú rõ ra người hậu vận thành đạt lớn, thương gia ân cần mời chàng đến ở trại vừa đèn sách học hàng vừa trông nom giúp, không hề đòi tiền thuê.
° ° °
Đáng lẽ ngay hôm sau chàng cùng tiểu đồng dời kinh sư đến chồn ở mới, nhưng bị anh em đồng song giữ lại đến đêm xem đốt cây bông bên bờ sông, rồi thết tiệc tiễn biệt tại một quán treo đèn kết hoa rực rỡ nhất kinh đô. Tiệc tan, chàng say mèm phải vịn một người bạn mà về. Vừa ra khỏi quán chàng thoáng thấy tà áo màu thiên thanh lướt qua. Đúng là tà áo người con gái vườn dâu !
Chàng vội đứng thẳng người nhìn theo, tiếc thay vì quá say, đầu váng mắt hoa, chỉ lờ mờ nhận thấy bóng người con gái áo thiên thanh có quay lại nhìn chàng rồi lẩn vào đám đông.
Hôm sau Đặng cùng tiểu đồng đến trại phường Tiên Lập từ sớm. Cảnh trại bỏ hoang bấy lâu thực tiêu điều. Tường, hiên ẩm mốc ; hồ bán nguyệt trước sân, nước váng màu rêu với vài tầu sen tàn tạ. Quamh nhà những đào, những mai lá trút tơi bời. Giây bìm từ các bờ dậu leo vương khắp ngả với những chùm hoa tím mới nở, còn bỡ ngỡ với nắng gió đâu xuân. Duy mấy cây mai trước cửa là bớt tiều tụy vì đương mùa hoa nở, cây nào cây nấy trắng xoá đến đầu cành. Khoảng đầu hồi cánh tả trông ra bờ sông có nhiều loại hoa khác đang mọc chen nhau như tường vi, thạch lựu, hồng cẩm, kim tiền ; chính giữa là một cây cao hơn cả, lá xanh biếc, hoa lốm đốm trắng như hoa ngâu. Đặng sinh vạch cành, rẽ lá tới nơi nhận ra đó là cây dạ lý lan, cành lá sum sê rủ sát đất. Đứng bên cây dạ lý lan, chàng nhìn thấy thửa vườn dâu bên kia xóm, nơi lần đầu tiên chàng gặp tà áo màu thiên thanh. Chàng tự hứa thầm, khi nơi ăn chốn ở đã yên tất, chàng sẽ gặp mỹ nhân bằng được.
Cùng tiểu đồng nỗ lực dọn dẹp đúng một ngày, chỗ ở mới tạm được quang đãng đôi chút. Chàng thu xếp phòng học bên gian trái, trước mặt có cửa sổ nhìn ra hồ bán nguyệt.
Vừa chập tối hương dạ lý lan toả đến ngạt ngào. Đêm hôm đó, mở tập ‘’Tình Sử’’ đọc đến mấy câu thơ đắc ý, chàng tưởng như hương dạ lý lan bốc lên từ những chữ quý giá đó, và chàng mơ đến một khuôn mặt mỹ nhân ‘’nhân diện đào hoa tương ánh hồng’’.
Hai ngày sau Đặng sinh học khuya hơn. Trăng hạ tuần lên được một lát, chàng rời phòng học, đi quanh ra dãy hành lang giữa, bước xuống thềm.
Có cơn gió thổi mạnh. Mấy đóa hoa mai rụng xuống nền cỏ gần chỗ chàng đứng. Khi chàng cúi xuống nhặt một bông, chợt có tiếng dế nỉ non như ai oán đâu đây.
Lòng thơ lai láng, chàng trở về phòng lấy bút thảo mấy vần cổ phong, rồi cất tiếng ngâm, giọng trầm và buồn :
Cành hoa lả lướt, chừ như tơ mong manh
Trước sao óng chuốt, chừ giờ sao tan tành !
Hoa rơi trên cỏ, chừ gió lốc làm xe
Than khóc năm xưa, chừ tiếng dế bên hè.
Cùng lúc giọng ngâm vừa dứt, một bóng người – mà là người con gái mặc áo thiên thanh - xuất hiện ngay trước cửa sổ.
Bốn mắt rán nhìn nhau không chớp.
Tiết xuân ấm áp, ánh trăng muộn màng nhưng tươi đẹp, người con gái xuất hiện tuy bất ngờ nhưng vẻ nàng diễm lệ hệt như chàng đã tưởng tượng trong mấy ngày gần đây, bởi vậy chàng coi như nàng đã là người quen thuộc.
Nàng vẫn đứng yên đối diện, nét yêu kiều lồ lộ. Có lẽ nàng chỉ khẽ cử động là đã thành khúc múa nghê thường rồi.
Chàng đứng dậy quờ tay ra khung của sổ . . . Nàng lùi về phía sau.
Chàng rảo bước đi quanh tới gian giữa . . . Nàng vùng chạy !
Và khi chàng ra tới ngoài, đứng vào chỗ nàng đứng, thì quanh thềm chỉ còn tiếng lá xao xác. Bóng giai nhân hầu như tan thành ánh trăng quạnh quẽ đương giãi trên vườn khuya. Chàng tiến mấy bước ra đầu hành lang : những cây hoa kim tiền, tường vi, thạch lựu, hồng cẩm ngả nghiêng, mờ nhạt, lẫn lộn ; duy cây dạ lý lan cao vút thành một khối đậm vừa chững chạc, vừa uyển chuyển dưới làn gió nhẹ đẫm sương khuya. Mùi hoa dạ lý lan đồng thời thơm sức nực.
Đặng sinh bèn xuống thềm tiến về phía đó. Bốn bề vắng lặng, tịnh không có bóng ai ! Nhìn vào gốc da lý lan, chàng chỉ thấy cành cây bốn phía rủ xuống sum sê. Chàng đành quay về phòng ngồi lặng lẽ cho đến khi quá mệt ngủ gục trên bàn.
Ngày hôm sau Đặng sinh thơ thẩn cả buổi sáng bên cây dạ lý lan. Lắm lúc chàng thần người như muốn nhập điệu vào hồn cây mà tìm cho ra nguyên ủy việc mỹ nhân xuất hiện, khi định thần lại vẫn chỉ thấy cành lá xanh um, trắng điểm muôn đoá hoa ngà nhỏ xinh. Tịnh không một mùi hoa thoảng đến. Hồn hoa còn mải vui tận chốn non bồng nước nhược nào ! Nhân thấy cành lá đằng Đông có phần rậm rạp, Đặng sinh tiến lại gần. Chàng chỉ thấy cành lớn cành nhỏ bị dàn bìm hoa tím đè chĩu xuống. Dây bìm còn lan xuống đất che kín một khoảng cỏ lớn nữa. Một vài cành gai khô vương vãi đó đây.
Buổi chiều, Đặng sinh thẳng đường vào xóm qua nhà bà cụ nghe có tiếng dệt cửi, nhìn sang vườn dâu không có bóng ai. Tiếng dệt cửi bỗng ngừng. Đặng sinh nhíu lông mày toan tiến lên, rồi không hiểu sao lại thôi. Chàng lẳng lặng quay về. Kể từ ngày đến kinh kỳ du học chàng đã được nghe kể biết bao chuyện lạ lùng.
Nào chuyện chàng lái buôn ở thiên trường (nay là phủ Xuân Trường, Nam Định) dan díu với một tuyệt sắc giai nhân tại một nơi lầu hồng gác tía. Tới khi vị đạo sĩ trao cho một tấm bùa thì, ôi ghê rợn, chàng thấy mình nằn dưới gốc cây ngọc lan gần nhà mồ trong có quàn chiếc áo quan bên trên đề mấy chữ : ‘’Linh cữu của Lan nương’’.
Nào chuyện chàng thư sinh ở phủ Thường Tín, xứ Sơn Nam, đêm đêm ngồi học, thường có ba giai nhân đến chọc ghẹo tự xưng là họ Đào, họ Liễu, họ Lý. Chàng đã từng cùng với ba nàng hưởng niền hoan lạc mười phần thoả mãn. Rồi một đêm kia cả ba nàng cùng đến khóc mà vĩnh biệt chàng. Đêm đó mưa to gió lớn, sấm sét rung chuyển giời đất. Sớm hôm sau chàng thư sinh ra thăm vườn thấy dàn thiên lý, cây đào, cây liễu bị sét đánh bật gốc, hoa lá tơi bời khắp vườn. Lúc đó chàng mới biết từ lâu mình đã làm bạn với những con tinh của cây hoa.
Còn biết bao nhiêu chuyện lạ lùng quái đản khác.
Đặng sinh nghĩ đến chuyện mình, nghĩ đến cây dạ lý lan cao vút, nghĩ đến hương dạ lý lan thơm ngát đưa vào phòng lúc chập tối . . .
Đêm hôm đó Đặng sinh cắm cúi đọc kinh ‘’Xuân Thu’’ để khỏi suy nghĩ vẩn vơ . . .
Trăng lên muộn . . .
Nhưng . . . khi trăng vừa nhô lên khỏi lùm cây phía trước, Đặng sinh bỗng dùng mình. Vì ánh trăng chênh chếch cùng lùa vào với làn gió mạnh làm tắt ngọn đèn dầu, đồng thời một bóng người in lên bàn, che khuất trang sách : Mỹ nhân xuất hiện !
Đặng sinh giữ được bình tĩnh ngay, từ từ ngước mắt. Mỹ nhân vẫn mặc áo thiên thanh, đăm đăm nhìn chàng, đôi mắt dịu hiền mà say sưa.
° ° °
Đặng sinh biết lắm, chàng chỉ khẽ làm dáng động đậy là mỹ nhân biến thành ánh trăng như đêm qua. Chàng lẳng lặng cúi xuống cố dẹp băn khoăn, xao xuyến và nhận thấy đôi tay búp măng ngà ngọc của mỹ nhân vịn ở thành cửa. Chàng đưa tay nắm lấy. Mỹ nhân để yên. Lòng ngưỡng mộ dạt dào, chàng vô tình đứng dậy nhưng chưa kịp ngẩng đầu, mỹ nhân đã rút tay chạy ra phía hành lang chàng thấy như mỹ nhân vút về phía cây dạ lý lan.
Chàng rảo bước tới nơi, ngơ ngác nhìn quanh, chỉ thấy cành lá sum sê đưa đẩy theo chiều gió, xung quanh lặng ngắt.
Đêm hôm sau chàng rắp tâm ngồi chờ người đẹp.
Trăng muộn đã nhô khỏi lùm cây. Âm thầm và cô đơn như chàng. Mỹ nhân không lại. Đặng sinh vẫn ngồi nguyên, tựa án thiu thiu. Tiếng gió đêm thoảng, hoa lá rụng nhiều khi khiến chàng thức giấc, tưởng đấy là hơi thở nhẹ, là bước chân lén của nàng. Hy vọng mỏng manh của đêm đợi chờ nhạt nhoà dưới anh bình minh. Tia nắng vàng đầu tiên như xuyên thẳng vào trái tim Đặng sinh khiến chàng nhói buốt. Suốt ngày hôm đó chàng hết ngồi lại nằm, dáng thất thểu bơ phờ, rõ là người ốm tương tư. Nhưng, chiều đến khi hương dạ lý lan toả ngát trong phòng, chàng bắt đầu tỉnh táo.
Chàng nghĩ : đêm nay – đêm hai mươi - phải đầu giờ Tý trăng mới lên. Rồi ngồi chờ. Chàng cố mở quyển sách trước mặt làm vẻ chăm chú nhìn nhưng kỳ thực không đọc. Khoảng giữa giờ Hợi, chàng ngẩng nhìn ra ngoài. Bốn bề tối đen như mực ; một ngôi sao lấp lánh ở chính Đông như thiên sứ báo tin vui. Chàng khêu lại bấc ở đĩa đèn dầu và khi vừa cúi nhìn trang sách, chàng cũng vừa giật mình trong hồi hộp, trong vui mừng vui sướng : đôi tay ngà đã thấy vịn trên bờ cửa sổ, cổ tay bị màu vải thiên thanh che lấp. Đặng sinh ngẩng nhìn với một dáng điêu quen thuộc và đầy vẻ trách móc. Mỹ nhân hầu như thấu hiểu nỗi lòng chàng nên cũng nhìn lại âu yếm thiết tha bội phần. Đặng sinh nắm lấy tay nàng sợ vùng biến mất, mà giữ chặt đôi tay mềm mại, thanh tú thì quả không nỡ nào.
Giọng chàng cất lên như êm như mơ :
- Nương tử có lòng hạ cố đến đây, xin đừng quản ngại. Tôi theo học đạo Nho, ngày ngày đọc sách thánh hiền, quyết giữ tình cho vằng vặc như trăng rằm sáng tỏ. Nương tử hãy dừng gót ngọc cho tôi đàm đạo đôi lời.
Rồi cầm lòng không đậu, chàng đứng dậy. Quả nhiên nàng rút vội tay, vùng chạy. Đặng sinh không quành theo lối giữa như mọi khi mà băng mình qua khuôn cửa sổ hẹp. Mỹ nhân thoăn thoắt theo lối mòn chạy về phía cây dạ lý lan. Chàng rượt theo nhanh như vừa mọc cánh. Tới nơi nhìn quanh, chàng thấy phía cành um tùm bên Đông như có tiếng động khả nghi.
Chàng định thần nhìn kỹ khoảng đó. Vẫn là những cành dạ lý lan chĩu toả sát đất, với những cây bìm ngổn ngang. Tay chàng quờ phải một giây bìm lớn, tiện thể kéo lại phía mình và nhận thấy cả khối bìm dưới đất cùng xê dịch với tiếng cọ xát của những cành lá gai khô. Chàng kéo mạnh thêm chút nữa, thấy hiện ra một miệng hố. Trái tim như ngừng đập chàng tưởng sắp được chứng kiến cảnh một con chồn thành tinh trắng toát đuôi xoè nhẩy vọt từ dưới hố lên. Nhận thấy có gì thấp thoáng ở dưới, chàng kéo mạnh thêm. Cả miệng hố lộ ra sau cùng với một bóng người ở dưới. Chàng tiến lại. Tuy hố ngập đầy bóng cây chàng cũng nhận ra nàng. Nhìn bóng giai nhân luống cuống ở bên dưới, nỗi vui mừng của chàng không biết lấy chi so sánh cho cân. Nàng không phải là yêu tinh. Nàng là người thật ! Lần này quyết nàng không thể chạy thoát đi đâu được nữa . . . Chàng cúi xuống giơ tay cho nàng vịn rồi kéo lên.
Không ! Không ! Quả thực nàng không phải là ma. Chàng ôm vội lấy nàng trong vòng tay.
Vẻ vô cùng hốt hoảng, nàng lùi lại cố vùng hai tay ấn chàng ra xa và – Ôi ! lần đầu tiên từ ngày gặp gỡ, chàng được nghe tiếng nàng nói với chàng bằng một giọng nghẹn ngào xúc cảm :
- Xin chàng chớ quên lời nói ban nãy : chàng là người theo đạo Nho, ngày ngày đọc sách thánh hiền, lòng chàng đẹp như gương nga, cao quí như sen hồng.
Ngượng ngùng, Đặng sinh cố nén nỗi lòng bồng bột chỉ khẽ nắm lấy tay nàng hỏi :
- Nàng phải chăng là người con gái tôi thoáng thấy bên vườn dâu bà cụ hàng xóm ?
Nàng gật đầu :
Chàng dắt nàng ra khỏi gốc cây dạ lý lan um tùm, hỏi tiếp :
- Nàng có phải là con gái bà cụ ?
Nàng lắc đầu :
- Vậy nàng từ đâu đến đây, vì sao lại ở nhà bà cụ ?
Tiếng nàng rất khẽ trong đêm khuya tĩnh mịch, Đặng sinh cố lắng tai nghe :
- Thiếp họ Lý, quê ở Đông Ngạn thuộc Kinh Bắc. Cha thiếp từng làm quan coi về hình án ở Khoái Châu rồi Hồng Châu
Đặng sinh nhớ ngay ra viên quan họ Lý bèn hỏi :
- Có phải phụ thân nàng về nhậm chức ở Hồng Châu vào đầu mùa thu năm Quý Dậu (1333)?
Nàng gật đầu.
Đặng sinh ôm chặt lấy hai cánh tay nàng, vẻ vô cùng thâm cảm :
- Thế thì chính phụ thân nàng đã giải tỏ hàm oan cho thân phụ tôi. Chính nhờ thân phụ nàng mà những người còn lại trong gia đình tôi khỏi phải vùi oan mạng trong ngục thất.
Đặng sinh yêu cầu nàng nói tiếp chuyện nàng.
Tiếng người con gái hiền thục làm bóng tối bâng khuâng của vườn khuya bớt vẻ âm thầm mà thêm hương vị say sưa :
- Năm thiếp mười ba tuổi thì cha thiếp mất. Thiếp theo mẹ về Kinh Bắc ngụ tại quê nhà. Vì thiếp thông hiểu chữ nghĩa và âm luật, năm sau được tuyển vào cung theo hầu Hoàng Hậu. Mỗi khi mở tiệc vui thiếp thường được Hoàng Hậu cho đến chầu hầu.Thường khi gặp dịp vua lãng ngâm, thiếp ngầm giúp Hoàng Hậu ứng khẩu nối tiếp câu thần, vì vậy rất được Hoàng Hậu khen ngợi. Nguyên thiếp từng kể với Ngài thuở ấu thời có thầy số tiên đoán rằng đến năm mười sáu tuổi thiếp sẽ kết duyên cùng một bậc tài mạo phong tư rất mực, bước thanh vân sớm hiển đạt hơn người, Hoàng Hậu hứa khi thiếp đến tuổi đó sẽ cho về quê . . . Sang năm nay thiếp vừa đôi tám. Vào ngày thượng nguyên đức vua cùng Hoàng Hậu cho bày tiệc rồi thả thuyền chơi trên sông Nhị. Thuyền trôi dần xuống tận bến Đông Bộ Đầu. Lúc ngược về thiếp được lệnh cùng mấy cung nhân múa hát hầu bàn tiệc. Về khuya gió bỗng xoay chiều thổi mạnh. Sóng sông lớn, thuyền bỗng tròng trành, thiếp vô ý trượt chân tự mạn thuyền ngã xuống, bị nước cuốn băng không kịp cứu. Theo con nước thiếp giạt vào cụm lau gần bờ. May sao gặp được khúc sông đương bồi nước nông, thiếp tuy loạng choạng mà cũng lên được bờ, rồi tìm vào một gia đình trong xóm. Thiếp không muốn trở lại nơi cung cấm, bèn nói thác với mọi người là nhân đầu năm, xuống tìm người nhà ở Đông Bộ Đầu không gặp, khi ngược thuyền về chẳng may bị ngã.
Thiếp phải ở nán lại nhà bà cụ mấy ngày, định sớm hôm sau sẽ tìm đường về Đông Ngạn quê nhà. Buổi chiều hôm đó, đứng nấp ở vườn dâu thấy chàng về đây, rồi dự định thuê trại vắng vẻ này để dùi mài kinh sử, thiếp tự nhiên nảy ý lạ kỳ, bèn xin cụ bà cho ở lại vài ngày nữa, nói thác là để lên kinh sư dò tìm một người thân khác mà hiện nay chưa biết ở phường nào. Rồi ngay chiều hôm ấy thiếp lần sang trại này. Thiếp để ý đến cây dạ lý lan xanh tốt. Thiếp nhận thấy dưới khoảng cành lá um tùm nhất của cây dạ lý lan có cái hố sâu. Y hẳn là hố mà trước đây gia nhân quan thị lang họ Phùng đào để đánh bẫy giống cáo hay vào trại để bắt gà. Thiếp bèn kéo giây bìm cùng ít cành cây khô lấp kín mặt hố. Ngay đêm hôm đó thiếp lẩn theo dân chúng đến kinh sư xem hội hoa đăng và gặp chàng cùng các bạn đồng song ở quán rượu. Rồi chàng cùng tiểu đồng dọn đến trại này. Hai hôm sau thiếp cố ý xuất hiện bất ngờ, như một hồ ly tinh trước cửa sổ phòng học, để trêu chàng.
Đặng sinh ngắt lời :
- Ngộ tôi đưổi kịp, bắt được nàng thì sao ?
Nàng đáp :
- Thiếp nghĩ trong khi chàng phải chạy quanh lối cửa giữa, thì thiếp đã kịp chạy tới gốc dạ lý lan để ẩn mình dưới hố kín.
Đặng sinh nói :
- Ngay sớm hôm sau buổi gặp gỡ bên cửa sổ, tôi có lần vào trong xóm.
- Thiếp biết chàng có đến !
- Lúc đó trong nhà có tiếng dệt cửi.
- Chính thiếp đương dệt cửi giúp bà cụ. Thoáng thấy chàng, thiếp ngừng vội để lẩn vào buồng.
- Sao quý nương lại làm vậy ?
- Thiếp cũng không hiểu.
- Vì sao nàng lại có ý đêm đêm xuất hiện bất ngờ trước phòng tôi ?
Mỹ nhân cúi xuống không đáp.
Chàng khẩn khoản thiết tha hỏi đi hỏi lại nhiều lần, mãi sau nàng đành chịu thổ lộ :
- Thiếp vẫn không quên lời thầy số tiên đoán, nên khi gặp chàng lần đầu được trôm ngắm dung nhan ngọc bội, thiếp tự thấy như duyên trời đưa lại để thiếp không còn là bông hoa vô chủ nữa. Ngặt vì thân gái, lẽ đâu thiếp dám tỏ tình với chàng. Tâm linh sai khiến thiếp tìm cách xuất hiện như hồn hoa, như hồ ly, những mong sự gần gũi đó mà tiền duyên sáng tỏ, biết đâu chẳng có dịp khắng khít giải đồng.
Đặng sinh nghĩ thầm : Ta vẫn nghe con gái Kinh Bắc có tiếng là đẹp, đa tình và thông minh, nay mới được gặp thật quả như lời.
Ngay lúc đó trăng hạ tuần vừa nhô khỏi lùm cây, long lanh như gương bạc.
Chàng cúi xuống, thiết tha nói bên tai nàng :
- Đôi ta không mối lái mà gặp nhau, quả thực duyên trời. Ngay từ khi mới thoáng thấy áo thiên thanh, lòng tôi đã nặng u hoài. Sau này tôi quyết tìm người mối lái để cùng nàng kết duyên cầm sắt đến già. Giờ đây bướm đã gặp xuân xin nàng chớ ngại chút tình keo sơn gắn bó.
Nói đoạn, chàng vừa định ôm lấy người đẹp thì nàng vội quỳ xuống, mặt hoa đẫm lệ mà rằng :
- Được đấng quân tử thương đến hoa hèn, có khác chi chốn thâm u cùng cốc được ánh xuân quang soi tới, nhưng thiết nghĩ từ xưa thiếp vẫn phòng thu khoá kín, nhụy thắm còn phong, say này quả được chàng đoái thương đón thiếp theo nghi lễ, thì đạo tòng phu thiếp há chẳng thẹn cùng chàng trong đêm đuốc hoa hay sao ?
Sinh nghe lời hoa ý gấm bèn buông tay để nàng về. Sớm sau chàng sang xóm cũ tìm người yêu và khuyên nàng trở lại cung thất kể sự tình với đức Vua cùng Hoàng Hậu rồi xin về quê. Như vậy sẽ không lo mắc tội khi quân sau này.
Nàng vâng lời. Cả hai cúi đầu tạ ơn bà cụ rồi thẳng đường lên kinh sư.
Ngay hôm sau người con gái họ Lý gặp được đức Vua và Hoàng Hậu. Nàng tâu lại chuyện ngã xuống sông, may giạt vào bờ lau, rồi lên nương nhờ tại một gia đình phường Tiên Lập và gặp gỡ Đặng sinh. Nàng cúi xin đức Vua cùng Hoàng Hậu cho về Kinh Bắc thăm mẹ rồi cùng Đặng sinh kết tóc se tơ. . .
Thấy cặp tình nhân ngộ nghĩnh đáng yêu, Vua cùng Hoàng Hậu định, rồi cho lịnh nàng cung nhân họ Lý về Kinh Bắc, Đặng về Trường An, cả hai cùng đón mẹ lên kinh sư. Hoàng Hậu sẽ làm chủ hôn lễ.
Đúng ngày cưới, đức Vua ban cho hai vợ chồng một đôi chiếu dát trúc, mười hũ rượu hạt hạnh cùng trăm cây bạch lạp để làm lễ tơ hồng.
Tuy son phấn tình nồng mà bút nghiên không hề lãng chí, hai năm sau chàng trai họ Đặng đỗ Thái học sinh. Lập tức chàng được nhà Vua cho phụng nhậm chức Đông-lộ yên-phủ-sứ ngay tại kinh sư.
Quan Đông lộ bèn điều đình với người thương gia ở phường Tiên Lập mua lại căn trại cũ. Những khi việc quan nhàn rỗi, quan Đông lộ thường cùng phu nhân về đó xướng hoạ để ca ngợi những cảnh mây chiều, gió sớm, trúc biếc, hoa vàng. Những bài thơ như vậy nhiều lắm không sao kể xiết. Để kỷ niệm cuộc hạnh ngộ xưa, quan Đông lộ thường gọi đùa phu nhân họ Lý là Dạ Lý Lan phu nhân. Chẳng bao lâu thành tên thật.
Ngày Đinh Hợi tiết trọng xuân, năm Mậu Tý (1348) Dạ Lý Lan phu nhân mặc áo thiên thanh đến chùa Tháp Bảo Thiên dâng hương lễ Phật. Trước cảnh nắng mới chan hoà, mồ hôi làm thẫm màu áo, nhìn cánh bướm chập chờn như say hương xuân muộn, phu nhân bỗng thấy sầu xuân nặng chĩu, tự nghĩ : ‘’Bốn mùa thay đổi khiến giang sơn như viên ngọc bích họ Hoà muôn màu kỳ diệu, lẽ nào cứ để hồn thơ của chồng ta bị giam lỏng mãi trong áng lợi danh, mà phụ tình với bao nước tú non kỳ ?!’’
Ngay năm đó, quan Đông lộ dâng sớ xin Vua cho được từ quan, rồi cùng phu nhân dùng mái chèo thẳng về thăm quê nhà, trước khi đi du ngoạn khắp các danh lam thắng cảnh, mở hồn thơ vô tận hoà với sông biển mênh mông hay với gió núi trăng ngàn.
No comments:
Post a Comment