Saturday, March 17, 2018

Nằm Chơi - Võ Phiến

Hôm rồi tôi tình cờ xem đuợc một đoạn video phóng sự về Nam Hàn làm giấy Hanji từ vỏ cây mulberry  làm tôi chợt nhớ đến đến câu chuyện Mạ kể về miền Trung Việt Nam, họ làm võng bằng vỏ cây . Họ cũng ngâm vỏ trong nuớc sông cho đến khi mềm ra , họ đập và giũ  cho hết những phần xanh xám còn bám chung quanh sợi .  Sau đó phơi khô nhưng giữ làm sao cho sợi còn dẻo .  Đến khi họ làm võng họ lấy từng sợi nhỏ , se lại, và từ đó họ thắt võng .

Võng làm từ vỏ cây, nằm rất mát,rất tốt và rất hiền

Đêm nay tôi có chút thời gian đi tìm video clip xem thử người xưa thắt võng ra sao .  Không ngờ là người dân xứ Quảng này dùng võ cây Ngô Đồng để làm võng .  Whoahh hồi nào giờ tôi đâu có biết , tôi chỉ thường nghe khi tiết trời sang thu thì nguời ta lại nói với nhau : Ngô đồng nhất lạc diệp . Thiên hạ cộng tri thu



Và cũng thật may tìm đuợc bài viết hay của nhà văn Võ Phiến viết về cái võng.  Nora xin mạn phép mang về gửi đến bạn đọc của blog 

***

Nằm Chơi

 Nhà văn Võ Phiến (20/10/1925 - 28/9/2015)

Hồi xưa, khi vừa biết chữ võng (Hán tự) có nghĩa là cái lưới, tôi liền hoan hỉ thấy công việc tầm nguyên chữ nghĩa xem ra thoải mái quá. Cái võng do cái lưới mà ra: Đích rồi. Mặt võng khác gì mặt lưới? Giằng ra bắt chim bắt thú, gọi là lưới; còn treo nó lên để nằm đu đưa thì gọi là võng. Cũng nó thôi.

Thừa thắng xông lên, tôi phăng ngay ra quê quán của chiếc võng. Lại gốc từ phương bắc nữa đây. Tiếp xúc với văn minh Trung Quốc có nhiều cái lợi; ít nhất là cái lợi cho thuở bé nằm bú sữa mẹ, và khi lớn lên thỉnh thoảng được nằm toòng teng về nhà ngoại.

Tôi hài lòng về sự học hỏi của mình, và xếp vấn đề qua một bên, cái bên những chuyện đã được giải quyết thoả đáng.

Đến khi gặp bài thơ ‘Tức sự’ của Cao Bá Quát liền nhận ra sự lố lăng của mình. Cao Bá Quát mở đầu:
Nhãn khan cao điểu độc phàn lung
Tự ỷ thằng sàng bất ngữ trung

Hoá ra cái võng nó không hề là cái lưới bao giờ cả; nó là ‘thằng sàng’, là cái giường dây!


Một bà cụ đang thắt võng từ vỏ cây ngô đồng, Cù Lao Chàm, miền Trung

Giường dây là cái quái quỉ gì lạ vậy? Văn thơ của Siêu của Quát, nó “vô Tiền Hán” có phải do chỗ này chăng? Trong vô vàn thơ phú từ đời Hán đời Đường đời Tống để lại, đâu có thơ nào có ‘thằng sàng’? Thua họ Cao là cái chắc. Thậm chí đi ngược lên tới thời cổ đại xa xưa, lục soát các câu hò câu hát của dân gian do cụ Khổng sưu tầm, e cũng không tìm ra cái giường dây.

Các cụ ta xưa kia vung tay viết lách, hễ cái gì Tàu nói thì ta nói, Tàu không nói thì ta cho qua luôn. Tuyết, liễu, con chim oanh, con phượng hoàng, cây phong, lầu hồng, gác tía v.v… đầy dẫy trong thơ ta. Còn cái võng, cái áo tứ thân, tiếng sáo diều v.v… thì không thấy trong văn thơ cổ điển của ta bao giờ, mặc dù hằng ngày chúng sờ sờ ngay bên mình. Ông Cao đưa luôn cái võng vào câu thơ: ông tả chân, ông cách mạng, ông táo bạo quá.

Trước ông Cao, Hải Thượng Lãn Ông lên kinh bốc thuốc, trông thấy cái võng trong phủ chúa, có kể lại. Nhưng đó chẳng qua là ký sự, là ghi chép sự việc thôi, không cốt ở văn chương. Tôi không biết trong nguyên bản Hán văn Lãn Ông dùng tiếng gì để gọi cái võng. Ngày nay, trong sách báo Trung Hoa, có nơi người ta gọi nó là điếu sàng, có nơi là bố sàng. Giường dây, giường treo, giường vải là… giường cả. Ối, võng là một thứ giường! Công việc loay hoay tìm đặt một cái tên cho loại giường kỳ cục nọ, nhọc nhằn thay, vất vả thay.

Như vậy rõ ràng là ở Tàu võng không có tên, không có mặt. Người Tàu khi cần nói đến nó, phải tìm cách phiên dịch tiếng nước ngoài. Thế là cái võng mất quê quán ở phương bắc.

Không sao. Sách Tây mách: Quê nó ở Nam Mỹ. Ngay chuyến đi tân thế giới đầu tiên, trông thấy cái võng, nằm thử, ông Kha Luân Bố lấy làm khoái, rước ngay nó về Âu châu. Cây hamack cung cấp chất liệu làm ra nó, Tây và Mỹ gọi nó là hamac, là hammock, là hamaca…

Claude Lévi-Strauss nói gọn: Dân Indian ở Nam Mỹ phát minh ra cái võng.

Đã có công ‘phát minh’, tất họ xài kỹ. Mọi giống Indian vùng nhiệt đới Mỹ châu đều nằm võng, ngoại trừ giống Nambikwara. Nhóm dân này toàn loã lồ nằm lăn ngay ra đất mà ngủ, sát cạnh bếp lửa cho được ấm; sáng ra mình mẩy lấm lem. Như thế thật tồi tệ, thật thảm hại. Nambikwara, có nhóm dân khác gọi họ là tụi ‘ngủ đất’ (uaikoakoré). Ngủ đất là biểu hiện cái nghèo khổ đến chỗ tuyệt mức, là một trình độ sinh sống đáng chê.

Trong bài ‘Tiếng võng đưa’ có câu:
…Tiếng võng nhà ai ru trẻ
Nặng nề chậm chạp đong đưa…
Nặng nề chậm chạp đong đưa…
Cót ca cót két nhịp thơ muôn đời.

Lại có câu:
Dân tộc Việt Nam
Lớn trong tiếng võng
Trong bài ‘Quê tôi’ có câu:
Đêm dài, nhịp tiếng võng đưa
Lời ru ời ợi ngàn xưa vọng về…

Kẻ đề tựa cho tập Tiếng võng đưa là ông Lê Văn Siêu, một học giả từng có những công trình nghiên cứu về văn hoá, về văn minh, của nước Việt Nam văn hiến. Trong bài tựa có lời rằng: “Tiếng võng đưa kẽo kẹt ấy, vẫn là tiếng ngân dài của năm nghìn năm lịch sử trong lòng người con dân đất Việt.”


‘Muôn đời’, ‘ngàn xưa’, rồi ‘năm ngàn năm’, rồi lại dân tộc ‘lớn trong tiếng võng’. Nghe ra vẫn chưa mấy đích xác. Chỉ biết võng là cái cố cựu, là mật thiết với dân tộc. Còn cái đích xác thì hãy chờ thôi…

Võ Phiến

No comments:

Post a Comment