Bánh xà phòng Aleppo, ngoài mầu nâu nhạt, trong xanh lá ô liu
Nhắc đến Syria, điều đầu tiên người ta nghĩ đến là « cuộc nội chiến » kéo dài từ 7 năm qua. Hơn 350 ngàn người chết, đất nước hoang tàn, và một nền kinh tế lụn bại. Dù vậy, trong đống đổ nát đó, vẫn còn một ngành sản xuất đang « vật vã tìm sự sống » : ngành chế biến xà phòng Aleppo, có truyền thống từ hơn 3.000 năm lịch sử, một dòng sản phẩm biểu tượng của đất nước Trung Đông này.
Sản phẩm dưỡng da « sinh thái »
Mẫu mã thô kệch thoạt nhìn trông giống như những bánh xà phòng « đá » Việt Nam ngày xưa, nhưng tại châu Âu nói chung và Pháp nói riêng, xà phòng Aleppo lại rất được ưa chuộng và được xếp vào một trong những dòng sản phẩm « bio » cao cấp, dùng để chăm sóc và dưỡng da hay tóc, bên cạnh tinh dầu argania.
Trên lý thuyết, xà phòng Aleppo được chế biến một cách thủ công từ những hương liệu thực vật hoàn toàn tự nhiên, theo như giải thích của ông Samir Constantini, chủ doanh nghiệp Alepia, có nhà xưởng tại một vùng ngoại ô Paris, trong một phóng sự ngắn của RFI :
« Những bánh xà phòng mà người ta mua trên thị trường hiện nay nhìn chung được chế biến với mỡ. Đó là loại mỡ động vật mà các nhà chế biến xà phòng thu gom được từ các lò giết mổ động vật. Xà phòng Aleppo được chế tạo từ dầu ô liu, nên khác hẳn. Bởi vì đây là một thành phần có nhiều đặc tính tốt, và ngoài ra còn có tinh dầu quả nguyệt quế nữa ».
Dầu ô liu giầu axit béo như omega 6 và 9, axit palmitic cùng nhiều loại khoáng chất khác có lợi cho việc chăm sóc và dưỡng da, chống viêm nhiễm hay tái tạo tế bào da. Dầu hạt nguyệt quế được biết đến với những ưu điểm lành tính, làm mềm da, sát trùng và tẩy khuẩn.
Đây còn là thành phần được cho « mầu nhiệm » nhất trong xà phòng Aleppo. Tỷ lệ dầu hạt nguyệt quế càng nhiều (có khi chiếm đến 40% thành phần chế biến), hiệu quả dưỡng da càng cao, nhưng cũng vì thế giá xà phòng Aleppo càng đắt. Với những ưu điểm này, xà phòng Aleppo còn được khuyến nghị dùng cho trẻ sơ sinh do việc xà phòng không có chứa chất tạo mùi thơm, chất bảo quản hay tạo mầu sắc.
Từ bốn thành phần chính dầu ô liu, dầu quả nguyệt quế, nước và natri cacbonat thực vật, bánh xà phòng Aleppo, ngoài mầu nâu nhạt, trong có mầu xanh lá ô liu, lại đòi hỏi rất nhiều thời gian chế biến : Ba ngày để nấu hỗn hợp dầu đó thành xà phòng, nhưng phải mất từ 9-12 tháng để phơi khô.
Du nhập vào châu Âu vào cuối thiên niên kỷ đầu tiên nhờ vào các mối liên hệ dày đặc giữa thế giới Ả Rập với Tây Ban Nha và đảo Sicilia, và nhất là nhờ vào các cuộc Thập Tự Chinh, xà phòng Aleppo đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng châu Âu.
Nạn nhân của chiến tranh
Thế nhưng, Aleppo, tây bắc Syria, cái nôi của bánh xà phòng « bio » đó, từ năm 2014 đã bị chiến tranh tàn phá. Là thủ phủ kinh tế của Syria, trước khi xảy ra chiến sự, Aleppo cung cấp cho thị trường xà phòng tại Trung Đông, chủ yếu là Irak và châu Âu mỗi năm 20.000 tấn xà phòng (số liệu năm 2010).
Tuy chưa bao giờ ngừng hoạt động nhưng sản lượng đã tụt giảm thê thảm chỉ còn vài chục tấn mỗi năm. Cuộc nội chiến đã làm phân tán các nhà sản xuất. Họ lần lượt bỏ xứ do nhà xưởng bị tàn phá đến những nơi khác có điều kiện khí hậu tương tự cho việc sản xuất, như vùng Afrin (bắc Syria), nam Thổ Nhĩ Kỳ, Liban, Tunisia hoặc xa hơn nữa là tại Pháp.
Dù vậy, vẫn có những con người tâm huyết cố bám trụ tại Aleppo, như lời khẳng định của ông Hisham Jbeili, chủ tịch Ủy ban bảo vệ ngành chế biến xà phòng Aleppo, thuộc Phòng Công Nghiệp Aleppo, với phóng viên kênh truyền hình France 24 :
« Trong suốt giai đoạn khủng hoảng, chúng tôi vẫn tiếp tục sản xuất chừng vài chục tấn mỗi năm trong một gian hầm dưới trang viên của tôi ở Aleppo và tại nhiều xưởng chế biến nhỏ khác. Xà phòng Aleppo cũng giống như là sô-cô-lat Thụy Sĩ, dầu hỏa Ả Rập Xê Út, sẽ không bao giờ ngừng sản xuất tại đây ! ».
Ông Hisham Jbeili cũng có cái may mắn là trong suốt bốn năm chiến sự dữ dội giữa phe nổi dậy và quân chính phủ Damas, nhà xưởng của ông ở Aleppo không bị chiến tranh tàn phá. Do đó, khi chế độ tuyên bố lấy lại được kiểm soát vùng Aleppo, Hisham Jbeili đã có thể nhanh chóng mở cửa hoạt động trở lại.
« Vì cần rất ít đến máy móc để chế biến xà phòng, do đó không cần đầu tư gì nhiều nếu như các nhà chế biến công nghiệp mong muốn trở về. Con đường đến cảng Lattaquié, cho phép xà phòng có thể xuất khẩu sang châu Âu giờ cũng an toàn hơn, kể từ khi chế độ nắm lại quyền kiểm soát vùng Aleppo ».
Tị nạn
Nhưng với những ai đi tị nạn lại có nguy cơ đối mặt với việc dội giá thành. Chi phí sản xuất xà phòng ở phía nam Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là tại Antioche cao gấp mấy lần sao với tại Aleppo, theo như lời kể của ông Fouad Fansa, xuất thân từ một gia đình chuyên sản xuất xà phòng từ thế kỷ XIX.
« Thuế TVA tại Thổ Nhĩ Kỳ là 18%, lạm phát phi mã, giá nhân công cao hơn 60% và chúng tôi còn phải trả 20.000 đô la/năm tiền thuê kho bãi, trong khi mà tại Syria chúng tôi sở hữu đất đai. Mặt khác, tại Syria, giá dầu ô liu chỉ ở mức 900 đô la/tấn, ở Thổ Nhĩ Kỳ ít nhất phải là 1450 đô la ».
Nhiều người trong số họ còn chọn đi tị nạn xa hơn. Nếu như một số người chọn đến các nước khác trong khu vực, số khác không ngần ngại đến mở hẳn doanh nghiệp tại châu Âu như Pháp chắng hạn.
Trong phóng sự của RFI, ông Hassan Harastani, một trong những bậc thầy về chế biến xà phòng Aleppo cho biết ông được học nghề này từ cha, một kỹ nghệ có từ 3.000 năm lịch sử. Sau khi nhà xưởng của bị phá hủy năm 2012, ông đến tị nạn tại Liban, rồi tham gia vào doanh nghiệp Alepia năm 2014.
Tuy nhiên, Samir Constantini, lưu ý mặc dù thành phần xà phòng không thay đổi, nhưng cách chế biến của doanh nghiệp Alepia có phần được công nghiệp hóa hơn so với truyền thống :
« Điểm khác biệt duy nhất là sản lượng ở Pháp thấp hơn nhiều. Thay vì đổ trực tiếp bánh xà phòng còn nóng lên sàn đất như cách làm tại Aleppo, thì chúng tôi đổ chúng vào khuôn có kích cỡ vừa phải hơn ».
Bảo đảm chất lượng và nguồn gốc sản phẩm
Theo thẩm định của ông Didier Chehadeh, một trong số những nhà sản xuất xà phòng Syria đến định cư tại Thổ Nhĩ Kỳ, thì chiến sự bùng nổ dữ dội tại Aleppo từ năm 2014 đã gây thiệt hại cho lĩnh vực này mỗi năm khoảng 10 triệu đô la.
Ngoài những thiệt hại về kinh tế, các nhà sản xuất giờ còn phải đối mặt với việc bảo vệ uy tín chất lượng và nguồn gốc sản phẩm. Bởi vì, giấy chứng nhận đăng ký chỉ dấu địa lý do Cục Bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp và thương mại cấp, chỉ có giá trị hành chính tại vùng Aleppo.
Mặt khác, vì Syria không tham gia vào Hiệp ước Lisboa về bảo vệ nguồn gốc xuất xứ và thương hiệu sản phẩm, việc không tồn tại một tên xuất xứ cần được bảo vệ hay được kiểm soát trên bình diện quốc tế đã mở rộng cửa cho các hoạt động làm hàng nhái.
Đó là chưa kể đến một sự cạnh tranh dữ dội giữa các nhánh trong cùng một dòng họ, cũng như là các hãng bào chế mỹ phẩm lớn chuyên về các dòng hàng « bio », nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn hơn về các sản phẩm làm đẹp « sinh thái ».
Nguồn: RFI / Minh Anh
No comments:
Post a Comment