Tại miền Nam Việt Nam, sau 30 tháng 4 năm 1975, những cuốn sách quí lần lượt bị mang ra đốt, bị ném hố rác, cuốn nào may mắn thì được gói giấy dầu lại để chôn. Và chỉ trong chưa đầy 10 năm, đến năm 1985, dường như những đầu sách, những tên tác giả vốn từng quen thuộc với trí thức miền Nam trở nên vắng bóng và xa lạ với giới trẻ. Những cuốn sách quí tưởng như mất dấu và đi vào quên lãng lại xuất hiện đâu đó trong xó xỉnh Sài Gòn thời còn bị cấm cản, đến khi vấn đề kiểm duyệt văn hóa bớt gắt gao và sắt máu thì nó được nằm trên những kệ sách cũ, trong những tiệm sách cũ Sài Gòn.
Có một điều lạ là hầu hết những cuốn sách quí, văn học nước ngoài đều có thể tìm được trong các tiệm sách cũ trên đường Lê Thánh Tôn, quận 5 và đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Tân Bình, hay Nguyễn Oanh, Gò Vấp, Sài Gòn. Có những cuốn sách hiện tại vẫn bị cấm lưu hành, nếu là người mua sách thường xuyên và quen biết với chủ hiệu sách, những cuốn sách không tìm thấy trên kệ sách cũ vẫn có thể tìm được bởi sách được cất kĩ và bán cho người cần tìm.
Anh Lữ Như Hải, khách hàng mua sách cũ, chia sẻ: “Trước năm 1975 thì em thích những cuốn sách dạy ngữ văn như cuốn English for today đây, gồm 6 bộ.”
Bà Nguyễn Thị Hiền, chủ tiệm sách cũ ở quận 5, Sài Gòn, chia sẻ: “Nói chung bán từ hồi trải dưới đất ngoài đường. Sau này mướn nhà rồi vô đây bán.”
Cái hay của các cửa hàng sách cũ là các chủ cửa hàng kết nối với các nhà nghiên cứu, nhà sưu tập sách và tác giả để lưu giữ bản sách quí, nếu có người yêu một cuốn sách quí trước 1975 nào đó cất công tìm, nghĩa là sách đã tìm được bạn đọc, thì các nhà sưu tập, nhà nghiên cứu không ngần ngại chia sẻ cuốn sách của họ cho người đó với giá rất mềm, có trích một ít cho chủ hiệu sách. Dường như mối dây kết nối giữa sách và độc giả ở Sài Gòn vẫn chưa bao giờ đứt rời mặc dù có một thời sách trở thành mối nguy của trí thức.
Những đường sách cũ Sài Gòn như một dấu xưa, như một gạch nối giữa ký ức và hiện tại, giữa quá khứ bị lãng quên, thậm chí bị ruồng bỏ với hiện tại cuồng xoáy. Từ những cuốn sách được mua cân ký ở vỉa hè, giá rẻ hơn giấy lộn, người buôn sách đã tuyển chọn, lựa ra từng tác phẩm để tìm bạn đọc. Có thể nói rằng giá sách cũ ở Sài Gòn không hề rẻ, nhưng sách cũ Sài Gòn là nơi mà người ta có thể tìm được những cuốn sách quí trước 1975 sau khi đã đi mọi nơi để tìm.
Ông Hà Phước Hoàng, chủ tiệm sách cũ ở quận 5, Sài Gòn, chia sẻ: “Sách mà trước 75 thì sau một quảng thời gian giờ nó mai một nhiều, nguồn sách bây giờ không còn dồi dào như những năm 2000, chính xác là năm chín mấy.”
Bà Nguyễn Thị Hiền, chủ tiệm sách cũ ở quận 5, Sài Gòn, chia sẻ: “Nhiều tác giả hay lắm, mấy người trẻ hay tới tìm Nguyễn Nhật Ánh. Nhiều nhà văn hay lắm, nhiều đầu sách hay lắm nhưng mình đọc không hết được. Còn nguồn sách thì mình mua những người nhà họ không đọc nữa nên đem bán, còn cửa hàng mở được 20 năm rồi. Vốn thì ít ít, mình mua dần dần rồi mình bồi lên thành ra nhiều.”
Thời đại công nghệ mạng, độc giả có thể lướt web để tìm những tác phẩm cần, điều này dẫn tới hệ quả các tiệm sách giảm doanh thu đáng kể, và sách cũ không ngoại lệ. Nhưng với một số bạn đọc và nhà nghiên cứu, thú vui lục tìm sách cũ, nghe mùi giấy cũ và lần theo những trang sách xưa để nguộc dọc lịch sử, khám phá cái mới mẽ ngay trong cái tưởng như cũ rích vẫn là điều thú vị. Và có những đầu sách chỉ có ở tiệm sách cũ, bởi tác giả và dịch giả đã qua đời, việc hiệu đính hay tái bản nó khiến người ta không gần nó bằng những bản cũ.
Bà Nguyễn Thị Hiền, chủ tiệm sách cũ ở quận 5, Sài Gòn, chia sẻ: “Nói chung là nó mất một phần nhiều, hồi xưa người ta đọc sách nhiều nhưng giờ người ta lên mạng nên mình buôn bán khó khăn hơn.”
Ông Hà Phước Hoàng, chủ tiệm sách cũ ở quận 5, Sài Gòn, chia sẻ: “Triết học Tây phương hay văn học thì người ta vấn đang tìm tòi để phát huy văn hóa của thế hệ trước. Triết học Tây phương giờ vẫn có độc giả tìm tòi và người ta đọc rất nhiều, không phải là ít.”
Anh Lữ Như Hải, khách hàng mua sách cũ, chia sẻ: “Em thì thỉnh thoảng Thứ Bảy, Chủ Nhật mình đi kiếm sách, thú vui là ngày cuối tuần thư thái, nâng cao kiến thức. Như em kiếm sách giải trí như truyện tranh hoặc sách tiếng Anh, những cuốn sách này vừa giải trí vừa nâng cao kiến thức.”
Nếu như những năm cuối thập niên 1990 của thế kỉ trước, hình ảnh quen thuộc ở các tiệm sách cũ Sài Gòn vẫn là những nhà nghiên cứu, nhà sưu tập và một số rất hiếm hoi những sinh viên trẻ, thì hiện tại, hình ảnh đã hoàn toàn thay đổi. Hầu hết những người lục tìm sách cũ đều là các bạn trẻ, sinh viên. Họ tìm sách cũ, sách không được xuất bản và lưu hành trong thời đại họ đang sống để đọc và xem đó như một cánh cửa khác mở vào quá khứ trong hàng loạt cánh cửa mở ra ở thời đại công nghệ thông tin phát triển.
Một ngày cuối tuần hay một ngày nghỉ phép, ngày rảnh rỗi và cô đơn, băng qua những đường phố xe cộ ồn ào, tìm đến đường sách cũ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, đường Trần Huy Liệu hay đường Trần Nhân Tôn, đường Cách Mạng Tháng Tám… tha hồ lục lọi và có thể ngồi đọc cả ngày… Điều đó như một cách để người ta giảm stress, quên đi mọi nhọc nhằng hoặc tìm cho mình một cõi riêng, cõi của những ẩn dụ màu giấy úa và những tự tình tưởng đã đi vào quên lãng. Có thể nói rằng, Sài Gòn sẽ chẳng còn gì đẹp nếu như không còn ai giữ thói quen uống cà phê vỉa hè và lục tìm sách cũ.Nếu như những năm cuối thập niên 1990 của thế kỉ trước, hình ảnh quen thuộc ở các tiệm sách cũ Sài Gòn vẫn là những nhà nghiên cứu, nhà sưu tập và một số rất hiếm hoi những sinh viên trẻ, thì hiện tại, hình ảnh đã hoàn toàn thay đổi. Hầu hết những người lục tìm sách cũ đều là các bạn trẻ, sinh viên. Họ tìm sách cũ, sách không được xuất bản và lưu hành trong thời đại họ đang sống để đọc và xem đó như một cánh cửa khác mở vào quá khứ trong hàng loạt cánh cửa mở ra ở thời đại công nghệ thông tin phát triển.
Nguồn: RFA / Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam (2018-03-09 )
No comments:
Post a Comment