Friday, March 9, 2018

Chính sách giảm thuế dưới triều Vua Gia Long, Vua Minh Mệnh qua Châu Bản Triều Nguyễn

Châu bản triều Nguyễn là một bức tranh toàn cảnh về tình hình kinh tế, xã hội Việt Nam thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Các bản chiếu, chỉ, dụ, sắc dụ, công đồng truyền, bản kê… đã phần nào phản ánh được bức tranh về nền kinh tế không mấy khởi sắc của nước ta lúc bấy giờ. Sau cuộc nội chiến, tình hình kinh tế nước ta gặp rất nhiều khó khăn, hạn hán diễn ra liên miên. Đứng trước tình hình đó, vua Gia Long, sau đó là vua Minh Mệnh đã đưa ra nhiều chính sách để củng cố nền kinh tế, giúp dân ta thoát khỏi khó khăn.

Trong quá trình khảo cứu tài liệu Châu bản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, chúng tôi nhận thấy rằng các vua Gia Long và Minh Mệnh rất quan tâm đến đời sống nhân dân thông qua chính sách giảm thuế. Chúng tôi xin được thống kê một số văn bản điển hình như sau:












Đứng trước tình hình kinh tế thế kỉ XIX đến đầu thế XX đang gặp khó khăn như vậy, các vua Gia Long và Minh Mệnh đã đưa ra những chính sách miễn giảm thuế và chẩn cấp cho dân. Người nghèo có thể vay gạo, thóc sang vụ sau trả hoặc mua gạo với giá rẻ hơn bình thường không giới hạn về số lượng.

Triều vua Gia Long đã phân ra nhiều thứ thuế kèm theo các chính sách quản lý và miễn trừ thích hợp. Châu bản tờ 93, tập 2 năm Gia Long 12 (1813): “… Nay chuẩn ban xuống cho trong 7 năm từ Nhâm Tuất, Quý Hợi, Giáp Tý, Ất Sửu, Bính Dần, Đinh Mão, Mậu Thìn, phàm các loại thuế ruộng đất, các loại tiền thuế thóc, cũng với những sản vật nộp riêng khác của dân đinh mà bị thiếu, thì cho dân được xá miễn để hưởng ân mưa móc, vỗ về nạn dân”. Ngoài ra, thuế sẽ được giảm tùy theo mức độ tổn thất do thiên tai địch họa ở địa phương. Bên cạnh đó, nhà nào có người đi làm đường, đào sông, xây thành… cũng thuộc vào diện được miễn giảm thuế. Nếu đã nộp thuế sản vật thay vào đó sẽ cho miễn thuế đinh. Thuế dành cho các thương thuyền nước ngoài cũng được tính dựa trên kích thước thuyền đánh cá to hay bé để tạo cơ sở tính thuế.

Đến thời vua Minh Mệnh cũng có những chính sách miễn giảm thuế tương tự thời vua Gia Long. Người dân có thể nộp thuế bằng các hình thức khác nhau, chẳng hạn nếu giá thóc gạo lúc bấy giờ quá đắt đỏ thì có thể nộp thuế bằng tiền; Căn cứ vào từng thời điểm để thu và miễn giảm thuế cho thích hợp. Châu bản tờ 81 tập 10, Minh Mệnh 6 (1825) là một minh chứng như vậy.



Tạm dịch:

"Thượng dụ:
Địa phương Thừa Thiên vụ đông năm ngoái thời tiết ít mưa, công việc nhà nông không được thuận lợi. Tháng 2 năm nay, ruộng lúa bị khô hạn không thể trổ bông được hoặc nếu có trổ bông lại gặp gió bấc nên kết hạt không tốt, phủ ấy tấu báo đã giao cho bộ Hộ bàn bạc tâu lên. Nay chuẩn y lời bàn, chiếu tùy theo số phần bị tổn thất, gia ơn cho miễn giảm số thóc thuế các loại phải nộp vào năm Minh Mệnh 6 này. Phàm ruộng lúa bị tổn thất 4 phần mà tô thóc phải nộp 10 phần thì cho giảm 2 phần. Tổn thất 5 phần cho miễn giảm 3 phần, tổn thất 6 phần thì miễn giảm 4 phần, tổn thất 7 phần thì miễn giảm 5 phần, tổn thất 8 phần trở lên thì cho miễn toàn bộ. Số thóc thuế còn lại phải nộp là bao nhiêu chiếu theo lệ thu cho hết. Ngươi Bùi Tăng Huy, Vũ Doãn Đạo dốc hết sức làm theo lệnh của trẫm để dân chúng đều được hưởng ân huệ. Bọn Tổng mục, Lý trưởng, Tư lại, Khố tử không được dung cho chúng, nếu không chúng sẽ gây nhũng nhiễu ở dân. Kẻ nào làm trái ý nếu bị phát giác sẽ trị trọng tội không tha. Dụ văn này được niêm yết và sao ra 1 bản trên giấy vàng truyền xuống toàn thôn, xã, hạt được biết. Khâm mệnh. "

Các vua Gia Long và Minh Mệnh còn cho thực hiện chính sách giảm thuế trong nhiều dịp khác nhau như: nhân dịp đất nước mừng đại lễ, vua ban chính sách giảm thuế cho dân để dân cùng chung niềm vui của đất nước hoặc thời tiết không thuận lợi; Thiên tai địch họa xảy ra, triều đình cũng thực hiện chính sách giảm thuế cho dân bớt đi một phần khó khăn…

Thạc sĩ Hoàng Nguyệt

Tài liệu tham khảo:
  • Mục lục Châu bản triều Nguyễn ( tập 1) – Cục Văn Thư và Lưu Trữ nhà nước.
  • Châu bản tờ 93, tập 2 năm Gia Long 12. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.
  • Châu bản tờ 81 tập 10, Minh Mệnh 6. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.
Nguồn: Lưu Trữ Quốc Gia 

No comments:

Post a Comment