Saturday, December 29, 2018

Đất nước Bhutan


Kho tàng vô giá ở Bhutan


Từ rất lâu tôi đã nghe danh Bhutan, một xứ nằm vắt vẻo dọc theo dãy núi Hy Mã Lạp Sơn, được mệnh danh là một “Vương Quốc hạnh phúc nhất thế giới”. Nước này, còn có tên là “Rồng Sấm”, nằm lọt thỏm trong gọng kềm giữa hai quốc gia to lớn là Ấn Độ và Trung Hoa (nơi biên giới của Tây Tạng), mà không hề hấn gì, quả là lạ.”. Hạnh phúc đã là một kho tàng vô giá ở đất nước nhỏ bé này. Tôi cũng là một người theo đuổi hạnh phúc, tôi chọn xứ sở xa lắc này để ghé thăm và xem họ đã theo đuổi hạnh phúc và đạt nó như thế nào?

Tuy nhiên việc đi vào một nước để xem thần dân của họ có được hạnh phúc không, bạn phải trả một giá phải nói là khá đắt, so với các chuyến du lịch sang mấy quốc gia khác. Để có 1 ngày được sống và trải nghiệm tại Bhutan, bạn phải chi trả phí tổn khoảng 250 đô la một ngày cho một người, bao gồm chi phí ăn ở, đi lại và hướng dẫn viên. Chi phí này đã làm chùn chân nhiều du khách và ai cũng hỏi, Bhutan có đáng để đi du lịch hay không? Theo tôi, Bhutan là một quốc gia rất đáng để bạn ghé thăm, không những chỉ để thấy hương hạnh phúc của họ mà bạn còn được sống với những cảnh quan thiên nhiên trong lành và tuyệt đẹp. Nơi đây xứng đáng với danh xưng được tặng “Cõi Tây Phương cực lạc cuối cùng” (The last Shangri-la). Sở dĩ có qui luật này vì Bhutan cố tình hạn chế số khách du lịch vào xứ sở của họ. Họ không muốn nền văn minh vật chất toàn cầu hóa của thế giới làm hư đi và xáo trộn nếp sống vốn êm đềm và trong lành của dân họ.

Ngồi trên máy bay của hãng Bhutan Airlines có hình vẽ con cá hoá long ở đuôi phi cơ, khi sắp tới Paro, chúng tôi có dịp thưởng ngoạn dãy núi Hy Mã Lạp Sơn phủ băng và đỉnh núi cao nhất thế giới Everest mây giăng qua khung cửa sổ. Nếu bạn thích phiêu lưu mạo hiểm, bạn sẽ được trải nghiệm những giờ phút thật hồi hộp và ú tim khi nhìn phi công đáp xuống phi trường Paro, Bhutan. Giống phi trường Lukla, Nepal, sân bay Paro nổi tiếng là 1 trong 10 phi trường thơ mộng và nguy hiểm nhất thế giới, rất khó cất và hạ cánh, hãng máy bay Boeing đã công nhận như vậy. Nó bị kẹp giữa hai dãy núi Himalaya dài hơn 18 ngàn bộ. Muốn hạ cánh phi công phải luồn lách qua các ngọn núi (với gió núi rất mạnh) và trên nóc các căn nhà, để cuối cùng hạ cánh trên một đường băng nhỏ, rộng chỉ 6 ngàn 500 bộ. Máy bay chỉ được phép hạ cánh vào ban ngày, với điều kiện mắt nhìn thấy được trong tình trạng thời tiết tốt nhất. Vì sự nguy hiểm vô cùng ấy, theo luật định, chỉ 8 phi công thật giỏi, thuần thục và đủ khả năng được cấp chứng chỉ bay, hạ, cất cánh. Cho nên nếu bạn thăm Bhutan, chuẩn bị sẵn để đối đầu với chuyến bay bị trễ hay dời lại vì thời tiết xấu. Thế mà nguy hiểm không làm chùn chân du khách, mỗi năm có khoảng 30 ngàn du khách(được phép) đến viếng Bhutan.


Phi trường Paro

Vừa bước xuống phi cơ, chân chạm mặt đất nhìn xung quanh tôi bỗng thấy ngẩn ngơ. Phi trường Paro thật không giống bất cứ một phi trường nào trên thế giới. Chung quanh là núi, trước mặt là toà nhà được gọi là phi trường, xa xa là một Dzong tức tu viện xây theo kiểu một pháo đài, Nó đẹp và thơ mộng lạ lùng. Đặc sắc nhất là các hoa văn truyền thống của Bhutan được vẽ hay chạm khắc, khắp nơi trong, ngoài phi trường tạo nên những nét đặc thù. Nó trông như một cái chùa hay đền đài hơn là một phi trường của một quốc gia. Sau này, khi đã thăm thú giải non sông gấm vóc Bhutan, tôi khám phá ra nhà cửa, tu viện, hay bất cứ kiến trúc nào, họ cũng xây rập khuôn theo một mẫu thiết kế nhất định. Bức hình chụp to lớn trên vách tường là tụ điểm cho khách du lịch muốn chụp hình lưu niệm cùng vị vua và hoàng hậu của họ.


Bên ngoài phi trường

Bên trong phi trường, khách không phải xếp hàng dài đợi thủ tục hải quan, vì chúng tôi, vỏn vẹn trên trăm người, vừa đáp xuống trong một chuyến bay chiều, mà có lẽ là chuyến cuối trong ngày! Vào đây bạn có cảm giác lạc vào một thế giới khác, một bộ lạc hay đất nước riêng biệt nào đó mà làn sóng văn minh, chưa hề chạm tới vì toàn dân đều mặc quốc phục(bắt buộc).


Bên trong phi trường

Qua sáu ngày sống và trải nghiệm những tháng ngày thong dong, an lạc ở đây tôi dần dần hiểu ra bí quyết cuộc sống hạnh phúc của người dân Bhutan. Kho báu hạnh phúc này không phải môt giờ một ngày mà có, nó đã là sự tu tập tinh tấn và ý chí thực hành kiên định trải qua nhiều thế hệ của toàn dân xứ Rồng Sấm. Các quốc gia trên thế giới dùng GDP là chỉ số cơ bản để đánh giá sự phát triển kinh tế giàu mạnh của một nước, trong khi Bhutan không đặt căn bản sự phát triển quốc gia mình bằng kinh tế mà dùng chỉ số GNH để tính toán Tổng Hạnh phúc Quốc nội (Gross National Happiness.). Bhutan là quốc gia duy nhất trên thế giới này lập hẳn ra một bộ tên là Bộ Hạnh Phúc, chỉ để đảm bảo rằng người dân của vương quốc nhỏ bé này cảm thấy hạnh phúc về mọi mặt của cuộc sống.

Đây là những chia sẻ về cuộc sống hạnh phúc của họ.

Nói đến thuế lợi tức, nông dân không phải trả thuế nhưng nếu lợi tức trên 700 ngàn một tháng, chúng tôi chỉ trả rất thấp khoảng 5 hoặc 6 % lợi tức thu nhập hoặc ít hơn. Nếu rất cao như 1 triệu đô 1 tháng phải trả độ 35% thuế. Tuy nhiên nếu bạn vào đây làm thương mại, bạn phải trả thuế rất cao, như thuế xe hơi là 35%. Lợi tức người dân trung bình khoảng 1800 đô mỗi tháng không nhiều, chỉ đủ dùng cho một gia đình. Nếu có dư, chúng tôi cúng cho chùa hay chia sẻ với người túng thiếu. Hầu hết tất cả mọi người dân trong nước đều làm vậy. Nếu bạn kiểm soát tiền trong băng họ, bạn sẽ thấy họ không có đủ tiền để bỏ băng vì có dư chút nào họ đều giúp người khác hay làm từ thiện. Chúng tôi cũng thực hành ý nghĩa của một câu chuyện cổ của Phật Giáo Tây Tạng về sự sống chung hoà hợp và chia sẻ. Chuyện của một con Voi, Thỏ, Khỉ và Gà Gô chung sống cùng nhau trong một khu rừng rậm. Bốn con vật này rất yêu thương và tử tế với nhau. Giáo lý này cũng dạy chúng ta cách sống chuẩn mực trong xã hội giữa người trẻ và người già: Người già nên thương yêu người trẻ còn người trẻ nên kính trọng người già.


Bức tranh Phật Giáo

Chúng tôi quan niệm đời sống ngắn ngủi hãy tận hưởng và vui vẻ hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại và cả tương lai nữa. Chúng tôi được dạy không tham lam, tiền bạc là vật ngoại thân nên người dân không tàng trữ tiền làm gì. Ngày giờ có rảnh họ đi chùa, tu học và làm việc thiện. Chúng tôi sống trong khung cảnh rừng núi đẹp đẽ, không khí tinh khiết, không bụi bặm ô nhiễm, ăn chay, không sát sinh. Bhutan là quốc gia duy nhất trên thế giới có lệnh cấm hút thuốc và bán thuốc lá. Xứ chúng tôi không có trộm cắp, bạo lực, hiếp dâm hay mãi dâm, ma túy. Ngoài ra chúng tôi cố gắng bảo tồn và phục hồi truyền thống, không để văn minh hiện đại phá hủy giá trị phong cách lâu đời của dân tộc. Sống sao cho đơn giản là châm ngôn của chúng tôi.


Gian nhà bếp truyền thống

Dân số của Bhutan khoảng hơn 700 ngàn người và đạo Phật là quốc giáo với tỷ số 98% trên toàn quốc. Là một quốc gia lấy kim chỉ nam Phật Giáo làm gốc, đạo Phật ở Bhutan chịu ảnh hưởng của Phật Giáo Tây Tạng Kim Cương Thừa(Quốc giáo). Ở đây, Phật giáo chia làm hai nhánh, một được gọi là Ninh Mã (Nyingma) do ngài Liên Hoa Sinh (Padmasambhava) là giáo chủ, hai là Tây Tạng Truyền Thống Cách Lỗ(Kagyu) do Tôn Khách Ba làm giáo chủ(giáo phái này là giáo phái của đức Đạt Lai Lạt Ma.

Ở Bhutan, các bé trai trong độ tuổi từ 6 - 9 đã bắt đầu cuộc sống tu hành trong các ngôi chùa, nơi các nhà sư được học ngôn ngữ cổ của kinh Phật, ngôn ngữ gốc của Bhutan, và tiếng Anh. Sau này, các em có thể chọn lựa cho mình một trong hai con đường: học giáo lý nhà Phật và trở thành tu sĩ hay sadi, hoặc trở lại sống cuộc sống bình thường (đa số)với đức tin và sự thấm nhuần triết thuyết nhà Phật và lập gia đình nếu muốn (phái Ninh Mã). Luật lệ bên phái Cách Lỗ khe khắt hơn, nếu là sadi phải làm sadi suốt đời tu hành, không được lập gia đình.


Hai chú tiểu

Có gần gũi với người dân xứ này mới thấy họ hiền lành, vui vẻ, hiếu khách và không ngần ngại tiếp xúc với du khách. Tôi thấy nụ cười cởi mở của họ nở ra ở khắp nơi, góc mái hiên nhà, trên triền núi, giữa bến sông hay một khoảng sân chùa. Ngay cả thú vật hình như cũng vui cười bay nhảy nơi đây, vì dân chúng không ăn thịt, chỉ ăn rau. Chim chóc và chó chỗ nào cũng có. Thật kỳ diệu, người, thiên nhiên và vạn vật chung sống hoà bình thật an lành, hạnh phúc.


Một gia đình Bhutan


Một điệu múa truyền thống


Khám phá Bhutan và Thiền Viện Hang Cọp

Nếu bạn yêu phong cảnh sông núi thì nơi này chính là chốn dừng chân lý tưởng nhất. Không biết từ lúc nào người Bhutan đã hiện diện tại đây từ 2000 năm trước Thiên Chúa Giáng Sinh. Đạo Phật được truyền bá mạnh mẽ vào đây từ thế kỷ thứ 7 sau Thiên Chúa Giáng Sinh và dần dà gây ảnh hưởng sâu xa đến chính trị tôn giáo và văn hoá, cũng như cuộc sống của người dân. Lịch sử Bhutan có ghi lại các cuộc nội chiến tương tàn dành quyền lực rồi cuối cùng đã được thống nhất bởi vị lạt ma Ngawang Namgyal là thủ lĩnh quân sự người Tây Tạng. Bây giờ Bhutan theo chế độ Quân Chủ Lập Hiến. Do đó khi viếng thăm, bạn sẽ thấy còn rất nhiều dấu vết các pháo đài được gọi là dzong tồn tại. Các Dzong ngày nay còn là tu viện, nơi học hỏi và nghiên cứu Phật pháp. Dân số vào khoảng 700 ngàn người với 20 tỉnh, mỗi tỉnh có một tu viện(Dzong). Tu viện luôn được chia làm hai nơi, một bên đặt văn phòng hành chánh, phần còn lại dành cho các tu sĩ.


Tu viện(Dzong)


Bên trong tu viện

Khi thăm các tu viện, đền thờ hay chùa chiền các nơi, sông núi, chỗ nào tôi cũng thấy các lá cờ đủ màu giăng ngang dọc. Tôi hỏi và được biết thêm rằng, trong đạo Phật có 5 màu chính, xanh lục, xanh dương, trắng, đỏ, vàng. Xanh dương tượng trưng cho sông, trắng cho nước, vàng cho đất, đỏ là lửa và xanh lục cho cây cối. Do đó chúng ta thấy nhiều lá cờ 5 sắc giăng gần núi hay sông, cầu, là biểu tượng của sự sống, cho môi trường tốt lành và không khí thanh sạch trong đời này và những đời khác. Còn các cây phướn trắng tượng trưng cho người đã khuất.


Sông nước Bhutan

Du khách đến đây được đi thăm các tu viện và được hướng dẫn viên cắt nghĩa đầy đủ về lịch sử, văn hoá cũng như tôn giáo của họ. Tượng phật ngồi bằng đồng Dordenma lớn nhất thế giới đang được xây cất ở Thimphu là thắng cảnh nổi bật hấp dẫn du khách. Phật tử, và dân bản xứ tụng kinh, sinh hoạt bên dưới pho tượng đông vô kể. Tượng cao 173 ft(53m), bên trong rỗng nhưng có đặt 125 ngàn tượng Phật bằng đồng cỡ nhỏ. Pho tượng khổng lồ lớn hơn tượng Phật Bảo Liên ở Hồng Kông và tượng ở Nara bên Nhật. Tượng ngự trên cao, khắp thành phố, bất cứ đi đâu cũng nhìn thấy, hệt như pho tượng Giê Su giang tay ở Rio De Janeiro bên Ba Tây vậy. Dự án này khoảng 100 triệu đô, hơn 50 triệu đã bỏ ra cho đến giờ vẫn chưa xong. Ngân sách dự án này do người Hoa ở Bhutan đi quyên góp phật tử ở khắp nơi, nhiều nhất là các nhà giàu ở Trung Quốc. Người Bhutan đã tự hào mình không chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, nhưng không biết họ có thấy được một âm mưu ẩn tàng nào của Trung Quốc trong việc đặt một “tượng Phật ngồi” với tiền của Trung Quốc giữa thành phố Thimphu là thủ đô của Bhutan?. Bài học của Việt Nam, Lào, Miến Điện, và Sri Lanka, không biết Bhutan có biết không?


Tượng Phật Dordenma

Bạn có biết thành phố gồm khoảng 95 ngàn dân này không có lấy một ngọn đèn xanh, đỏ để kiểm soát trục lộ giao thông. Thế mà chẳng có tai nạn xảy ra. Đời sống và lối suy nghĩ của họ có lẽ đặt căn bản trên sự đơn giản và tự giác nên người dân cảm thấy càng đặt nhiều luật lệ giao thông càng phiền hà, rắc rối. Ngay trung tâm thành phố chỉ có 1 trạm cảnh sát duy nhất với các nhân viên cảnh sát thay nhau hướng dẫn giao thông.

“Cái đẹp nhất được để dành vào phút chót”. Vào những ngày cuối ở Bhutan chúng tôi được dẫn đi xem Đền Tiger’s Nest còn được gọi là Thiền Viện Hang Cọp. Trên triền dốc, gần đỉnh ngọn núi cao, Tu viện Taktshang treo lơ lửng giữa mây trắng và bầu trời xanh trong vắt đã là một biểu tượng của Bhutan lôi kéo đôi chân du khách khắp thế giới về đây.


Thiền viện Hang Cọp bên vách núi

Chuyến đi là một kỷ niệm mà tôi nghĩ khó ai có thể quên cuộc hành trình thích thú và đầy cam go này. Sở dĩ tôi nói cam go vì trong quá trình lên núi đã có nhiều người bỏ cuộc, ở bất cứ nơi nào trong chặng đường leo núi khó khăn này. Ngoài ra điều kiện thời tiết rất bất thường, không may gặp mưa, đường trơn trợt khó đi, cũng là một trong những nguy hiểm bất trắc cản đường khách hành hương. Thời gian mới chính là mấu chốt rắc rối lớn trong suốt chuyến đi. Hướng dẫn viên bảo đoàn chúng tôi chỉ có 3 tiếng đồng hồ để lên núi và 2 tiếng để xuống núi, dù chúng tôi khởi hành từ rất sớm để đến chân núi lúc mặt trời vừa lên. Vấn đề là tu viện nằm vắt vẻo trên một khoảng đất nhỏ nên không có nhiều chỗ để du khách ngủ qua đêm. Chúng tôi phải xuống núi trước khi trời sập tối nếu không sẽ không thấy đường để xuống. Đường lên và xuống núi gập ghềnh, dốc cao, khó đi, xuống dốc mà gặp mưa trơn trợt thì té lăn quay là chuyện thường. Mùa đông lạnh thì đầy tuyết đóng băng nên rất trơn. Người leo phải tự lượng sức khoẻ mình có đi nổi hay không mới dám đi vì đã lên rồi phải xuống, mà khi xuống còn trơn và dễ té hơn khi lên. Hơn nữa, khi leo núi bạn không thể nhờ vả vào ai được, không ai có thể giúp bạn ngoại trừ sức lực chính mình. Người già không nên leo. Tôi thấy có người thuê ngựa nhưng ngựa chỉ giúp mình đi một đoạn ngắn trên con đường đi lên thôi, phần còn lại phải tự leo lấy vì đường mỗi lúc một hẹp, lại rất dốc, ngựa quá to không đi được. Người dẫn đường khuyên chúng tôi không nên thuê ngựa vì khi ngựa bị trượt chân thì mình cũng bay theo ngựa xuống núi, thà tự leo, tự kiểm soát còn hay hơn.

Ai leo núi cũng cần có một cây gậy, không có, bạn có thể thuê ở chân núi khoảng 1 đô, có người thuê cả hai cây gậy. Gậy để chống lấy sức lúc leo lên và giữ thăng bằng lúc leo xuống. Ỷ y mình đã từng đi hiking leo núi đã quen, nhưng thấy hướng dẫn viên khuyên, nên tôi cũng thuê một cây. Ban đầu tôi tay máy ảnh, tay cầm gậy không chống mà đi tung tăng vừa đi vừa chụp hình, nhưng càng lên cao, đường càng hẹp, và khi bắt đầu quá mệt mới thấy sự hữu dụng của gậy. Khi xuống núi, tôi cảm thấy như sau lưng có một lực đẩy phăng phăng, kéo mình tuột xuống, mới biết không có gậy chắc chết, vì không biết bám vào đâu. Lúc mới leo, tôi hầu như dẫn đầu đoàn, nhưng vì mê cảnh đẹp dọc đường và mải chụp hình, càng ngày tôi càng bị bỏ lại phía sau. Sợ bị lạc, tôi bắt đầu leo nhanh hơn và hậu quả là tôi bắt đầu thở dốc. Dừng lại nghỉ, kiểm soát hơi thở và đi từ từ, tôi khoẻ và tiếp tục leo. Tuy nhiên vì thời giờ có hạn, cứ vừa leo vừa xem giờ, nhìn chung quanh chẳng còn thấy ai trong đoàn, tôi bỗng hồi hộp vì ý nghĩ mình đã bị bỏ lại. Trên đường đi, tôi chứng kiến hai vợ chồng già, người Âu Châu, mỗi người hai cây gậy mà vẫn té. Còn có người leo trước té vào người leo sau, may ông kia đỡ kịp không thì cả hai cùng ngã.


Đường núi lên Thiền Viện

Dọc đường, chưa bao giờ tôi được chứng kiến cảnh núi non đẹp như vậy, dù tôi đã từng leo núi ở Mỹ và cảnh núi ở đây rất khác. Ánh nắng ban mai của thần Thái Dương rọi xuyên qua cây cỏ tạo nên rừng cây những màu sắc kỳ ảo tuyệt đẹp. Loại dây leo Spanish Moss lóng lánh sương, chỉ sống ở độ núi cao, giăng đầy trên các cây cổ thụ chắc cũng cả ngàn tuổi, khiến phong cảnh nên thơ vô ngần. Có những loại cây cỏ chỉ mọc ở dãy Hy Mã Lạp Sơn nhìn rất khác. Những chiếc lá dương sỉ thay màu từ xanh qua vàng đỏ, xuất hiện rất nhiều, tô vẽ cho bức tranh sơn thủy những màu nóng, lạnh tương phản, quyến rũ hồn tôi. Không dằn được cảm xúc, chốc chốc tôi dừng lại làm một pô hình, rồi leo tiếp. Cứ thế, cuối cùng tôi cũng đến nơi mà thấy dường như mình vừa trải qua con đường thiên lý vạn dặm.


Rừng, Spanish Moss và lá Dương Sỉ đỏ

Đứng trên triền cao nhìn xuống ngọn thác đổ và phía bên dưới là con đường vòng vèo mình đã qua mà nhiều người đang leo lên, tôi bỗng rùng mình. Phần thưởng của tôi là Tu viện Taktshang, “trú xứ của hổ” sừng sững đứng tựa bên vách núi, những hàng lá phướn kéo dài suốt từ đỉnh núi tu viện đến chân mình đang tung bay trong gió. Lòng tôi dịu hẳn xuống, con ngươi mở rộng nuốt cảnh thần tiên vào mắt để sẵn sàng cho cuộc thám hiểm thế giới tu hành và khe núi, nơi ngày xưa chúa tể sơn lâm đã từng đặt chân đến. Thăm thiền viện xong, tôi hít một hơi thở sâu, rồi từ tốn thở ra, sửa soạn cho cuộc hành trình xuống núi, tuy nhanh hơn nhưng cũng nguy hiểm hơn, đang chờ tôi ở phía trước. Tôi lẩm bẩm lòng dặn lòng “Đã đi là phải đến, mà đến rồi phải trở ra cho bằng được”, vì không ai dắt, bồng hay dìu mình xuống dùm, dù thế nào cũng phải tự lực mà đi.

Trịnh Thanh Thủy

Nguồn: Việt Báo

1 comment: