Tuesday, December 11, 2018

Noël hóa thân trong đèn lồng động vật ở Vườn Bách Thảo Paris

Cổng dẫn vào triển lãm đèn lồng "Espèces en voie d'Illumination" trong Vườn Bách Thảo và Vườn thú Paris.

Nhìn từ sông Seine, sáu con khủng long cao cổ kết thành cổng chào dẫn vào Vườn Bách Thảo Paris (Jardin des Plantes). Chào mừng quý khách đến « Công viên kỷ Jura », phiên bản đèn lồng !


Khi những con thú thật bắt đầu đi ngủ, những con thú đèn lồng tiếp tục đón khách tham quan từ 18 đến 23 giờ hàng ngày nhân dịp lễ cuối năm, từ 16/11/2018 đến 15/01/2019. Lần đầu tiên tại Paris, khách tham quan có thể tận hưởng không khí thần tiên của Giáng Sinh, trong sắc mầu lung linh của những chiếc đèn lồng khổng lồ đượm chất Á Đông.

Không gian trở nên tĩnh lặng lạ thường dù ngoài kia dòng xe vẫn rộn rã, trời thêm lạnh hơn vì lất phất mưa phùn, thế nhưng rất nhiều người, kể cả trẻ em, đều xuýt xoa, rồi reo lên thích thú khi bước qua chiếc cổng khủng long. Bên kia cổng là ba chú khủng long (T-rex, Velociraptor, khủng long ba sừng) thuộc kỷ Jura há miệng chờ khách tham quan.

Sống lại thời khủng long cách đây hơn 65 triệu năm

Thế giới động vật được bắt đầu như vậy, từ cách đây hơn 65 triệu năm, khi những con khủng long bị tuyệt chủng vì biến đổi khí hậu, bị thiên thạch rơi và núi lửa phun trào vào cuối Kỷ Phấn Trắng (kỷ Creta). Khu trưng bày được chia thành bốn khu vực nhỏ : những loài động vật bị tuyệt chủng cách đây 65 triệu năm ; những loài động vật mà con người là thủ phạm hủy diệt ; những loài có nguy cơ bị diệt vong và sự đa dạng động vật hiện nay.


Trả lời đài BFMTV (19/11/2018), ông Bruno David, chủ tịch Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Pháp (Muséum national d’Histoire naturelle), giải thích :

« Thông điệp của chúng tôi khá đơn giản, đó là cho công chúng thấy những loài vật bị tuyệt chủng cách đây rất lâu, như con T-rex biến mất cách nay 65 triệu năm, dù loại khủng long bạo chúa này rất lớn. Ngoài ra, còn có nhiều con vật khác cũng bị tuyệt chủng khi con người bắt đầu xuất hiện trên thế giới, như là loài voi ma mút, hoặc đang bị đe dọa biến mất do tác động của con người. Sau đó, khách tham quan có thể tản bộ ngắm sự đa dạng của hệ sinh thái với những chú hươu cao cổ, gia đình nhà voi, những chú tê giác, hà mã, cá sấu, gấu trúc…

Đây cũng là mong muốn khích lệ mọi người đến dạo chơi Vườn Bách Thảo vào dịp lễ Noël để thưởng thức phong cảnh tuyệt vời. Có hơn 100 con vật được chiếu sáng. Người xem sẽ có buổi đi dạo đặc biệt ở trong công viên, cũng như trong vườn thú (Ménagerie). Đây thật sự là khoảng khắc dễ chịu chung vui của cả người lớn lẫn trẻ nhỏ ».

Sau kỷ Jura, dọc con đường chính của Vườn Bách Thảo, khách tham quan tiếp tục ngược dòng thời gian, như bị cuốn theo những khối đèn lồng có kích thước lớn, tái hiện một số loài động vật bị tuyệt chủng như những chú ma mút, chim Dodo, hổ răng kiếm, ngựa vằn Quagga…

Tại mỗi khu vực, một tấm biển giải thích lý do tuyệt chủng, do hoạt động săn bắt của con người hoặc làm thay đổi môi trường sống của chúng, và nguy cơ đang rình rập một số loài động vật khác (gấu trắng Bắc Cực, rùa biển, loài nhện khổng lồ…). Ông Bruno David giải thích tiếp :

« Chúng tôi muốn cho công chúng thấy những loài vật đặc biệt, dĩ nhiên được lý tưởng hóa, nhưng chúng rất đẹp, rất sáng và chúng kể lại một câu chuyện, lịch sử của sự đa dạng sinh học trên Trái đất, với những loài động vật đã tuyệt chủng từ cách đây rất lâu.

Triển lãm này là cơ hội để truyền tải một thông điệp, một lời báo động mới về đa dạng sinh học, về mối nguy hiểm đang rình rập hệ sinh thái. Ngoài ra, đây cũng là dịp để người dân thư giãn, thưởng thức không khí thần tiên của dịp Giáng Sinh qua khu vườn tuyệt vời này ».

== Vườn thú đèn lồng

Để sang khu vực IV thể hiện sự đa dạng sinh học với những loài thú vẫn tồn tại, khách tham quan phải bước vào hàm cá mập, dài gần 30 mét, đi xuyên qua bụng con cá mập trắng, và thích thú dừng lại chụp ảnh vì khó cưỡng lại được vẻ đẹp kỳ ảo từ ánh sáng thường xuyên đổi từ mầu xanh lơ sang hồng.

Một gia đình nhà voi chào đón khách tham quan ngay lối vào Sở thú Paris (Ménagerie). Đôi chỗ dọc con đường bao quanh sở thú được trang trí bằng những bức tường thân cây và những chú chim kết từ đèn lồng. Chỗ này là một gia đình nhà gấu đang trèo cây, nhà hươu nhẩn nha gặp cỏ, bên kia là gia đình chuột túi ngóng người qua lại, trong tiếng côn trùng kêu và tiếng rì rầm của những con vật chưa ngủ.

Ấn tượng nhất là cả đại gia đình nhà gấu trúc, con đứng, con nằm, con ngồi bên cạnh những gốc trúc xanh. Và không xa là đàn hồng hạc, sinh động như những chú hồng hạc thật trong vườn thú. Một con cá sấu dài, nằm trên cỏ, mắt liếc về phía khách tham quan với miệng mở rộng nhưng chẳng làm ai sợ. Hầu hết những con thú thật sống trong Vườn thú Paris đều có « sosie » đèn lồng trước cửa chuồng. Kết thúc chuyến đi xuyên rừng thẳm, khách tham quan gặp họ hàng nhà khỉ, sống động như thật.



Ông Bruno David, chủ tịch Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, giải thích với đài truyền hình BFM TV về nguồn gốc của những con thú đèn lồng :

« Những chiếc đèn lồng này đến từ Trung Quốc vì họ là chuyên gia lành nghề về đèn lồng. Chúng tôi đặt họ sản xuất những chiếc đèn lồng phù hợp với bảo tàng, mang một thông điệp cụ thể của viện bảo tàng với những loài động vật từng tồn tại như khủng long bạo chúa, nhưng bị tuyệt chủng, hoặc những loài động vật thật, vẫn sống trên Trái Đất và tôi mong rằng chúng tiếp tục tồn tại lâu dài trên hành tinh ».

Đứng đầu dự án « Espèces en voie d’illumination » (tạm dịch : Những loài vật đang tỏa sáng, mượn từ cụm từ « Espèces en voie de disparition » - Những loài vật đang có nguy cơ biến mất) là ông Michel Saint-Jalme, giám đốc Vườn thú Paris. Để hoàn thiện dự án đèn lồng này, công ty China Light Festival (chi nhánh của Sichuan Tianyu Culture), chuyên tổ chức liên hoan văn hóa đèn lồng Trung Quốc tại châu Âu, mất năm tháng làm việc. Ông Michel Saint-Jalme giải thích trên kênh CNews (17/11/2018) :

« Đầu tiên, những con vật này được vẽ mẫu. Sau đó, chúng được kết khung bằng những sợi thép và được phủ lớp vải bên ngoài, rồi sơn mầu. Bên trong mỗi con vật là những dây đèn LED để chiếu sáng ».

Tổng cộng có 60 loài thú với 100 khối đèn lồng lớn nhỏ khác nhau được trưng bầy nhân dịp này với mong muốn của các nhà tổ chức là « chạm đến sự nhạy cảm của con người » thông qua việc gợi lên sự đa dạng sinh học trong quá khứ và hiện tại.













Nguồn: RFI / Thu Hằng (đăng ngày 07 tháng 12 năm 2018)

No comments:

Post a Comment