Bụi đường ca
Có những lúc dừng lại, nhìn quanh và tôi tự hỏi "Thế giới chung quanh chúng ta quá lớn hay những số phận con người li ti đã nhẫn nại gộp lại và tạo nên một thế giới cay đắng, vĩ đại này?"
Nắng, gió, cát, nước, lửa... tất cả mọi nơi đều có dấu vết của phận người với những câu chuyện khó tin, long đong đến mức huyền thoại. Quay nhìn về hướng Nam. Tôi lại cảm nhận hơn bao giờ hết những khốn khó của đời dân Việt. Những sinh linh cam chịu về cộng sản, tự do ở quá khứ và cả những hứa hẹn tương lai vô hồn, ma mị của hiện tại.
Và qua những lang thang đó, tôi nhìn thấy thế giới này, bắt dầu từ những điều tầm thường nhất. Nó huyền ảo hiện ra từ những làn khói bụi của sự ra đi và từ chối. Danh vọng hay quyền lợi... nó hiện thực điều tầm thường trước nỗi đau phận người.
Tôi nhìn thấy và chỉ còn biết hát lên trước những điều lạ lùng đó. Bạn hãy thử làm một cuộc ra đi – không cần đi xa đâu. Từ cửa ngỏ của đời mình đến số phận người khác rất gần nhưng xa vạn dặm. Và nếu bạn muốn nhìn thấy thật sự (hay sự thật), hãy bước đi, mở toang, sẽ thấy.
bài hát không có trong album, mà có lẽ sẽ chẳng có chế độ kiểm duyệt nào hiện tại ở Việt Nam cho phép phát hành nhưng sẽ là bài hát mở đầu cho một loạt các bài của tôi phát hành miễn phí (free download) dần dần theo hình thức từng album trên mạng...
47.8 là câu chuyện về một cô bé học lớp 5 (10 tuổi), tỉnh Đồng Tháp chỉ vì làm mất tiền quỹ lớp là 47.800 đồng, bị thầy của mình đưa lên công an khảo tra và làm điên loạn. Bài hát này cũng là lời phản kháng của tôi, hơn nữa là chính thức kêu gọi ông Nguyễn Thiện Nhân, Bộ truởng giáo dục của Việt Nam nên có tiếng nói trách nhiệm, từ chức đi. Bài hát chính thức phát đi vào 15.04.2007.
Tôi không nêu tên cô bé nạn nhân này, vì sau đó, hàng chục sự việc khác vẫn xảy ra về bạo hành, ngược đãi, xúc phạm học trò, sinh viên, trẻ nhỏ... cô bé lớp 5 đó chỉ còn là một hình ảnh tượng trưng một nền giáo dục và xã hội giỏi hô khẩu hiệu và cũng trốn tránh trách nhiệm như loài lươn, chuột. Đó cũng là một trong những lý do mà tôi quyết định cống hiến phần đời còn lại của mình cho dòng nhạc du ca underground: hát về hiện thực cuộc sống của mình, phát hành miễn phí để chia sẻ trên internet. Tôi chấm dứt việc luồn cúi, chấp nhận làm ra những bài hát được chứng nhận kiểm duyệt ngớ ngẩn của các SVHTT tại Việt Nam theo quan điểm phục vụ cung đình.
Giờ đây, khi tôi viết những dòng này, ông Nguyễn Thiện Nhân đã là phó thủ tướng của Việt Nam. Tuy vậy, tôi vẫn giữ nguyên suy nghĩ của mình và cho rằng ông ta là một người thiếu trách nhiệm, thiếu giá trị biểu đạt thực chất trước nhân dân, mà một người đang ở cương vị lãnh đạo cần có.
trãi nghiệm là một điều cần thiết để lớn lên, nhưng khi có nó, chiêm nghiệm, lại mang cho đời người những nỗi buồn bất tận. Nhất là khi những nỗi buồn mà mình chỉ có thể đứng nhìn, im lặng, bất lực
khi bắt đầu viết bài nhắm mắt, tôi vẫn hình dung về hình ảnh một con người quỳ xuống, lắng nghe mọi thứ chung quanh mình, nhắm mắt, cảm nhận mọi thứ xung quanh mình bằng cảm giác mong manh nhất. Cuộc sống với quá nhiều điều trình diễn trước mắt, những trò hề dối trá được tô son trát phấn khiến đôi khi ta chỉ còn nhìn thấy được bằng con tim của mình...
cũng như nhiều bạn trẻ khác, tôi lớn lên và nhìn cuộc đời thật lý tưởng khi được dạy dỗ cách sơn, phun màu hồng lên tất cả mọi thứ. Và may mắn thay, khi mở cánh cửa sổ, nhìn cuộc đời thật, tôi rùng mình trước những cơn gió lạnh và thấu hiểu thân phận, tôi chợt hiểu rằng không có hạnh phúc và khổ đau nào bằng được sống không vô tri...
đất nước tôi tràn ngập những lời dạy yêu thương. Ấy vậy mà, tôi cũng chứng kiến được những con người nghèo khó, những số phận oan khiên bị bỏ quên sau những tiếng hò reo về tình yêu thương một cách lố lăng. Bọn quan lại tham nhũng thì vẫn giàu sụ, phè phởn, và những con người, những số phận dân hèn cứ long đong. Khi nào thì những lời tung hô, hò reo yêu thương như khẩu hiệu thôi che lấp những giọt nước mắt thân phận âm thầm?...
đây là một bài hát mà tôi viết, với cách đối ngữ từ bài nhắm mắt. Nhưng vẫn có nhiều thứ mà tôi chất chứa trong đó về một buổi sáng thức dậy, mở mắt nhìn như nhìn lần đầu tiên, được thấy cuộc đời đúng của nó. Có thấp hèn, có núi cao, có người hiền và có đủ kẻ ác trên đường đời. bạn (và tôi) đã, hay sẽ là ai trong số đó?
tôi từng có nhiều bạn bè, anh chị em... thuở nghèo hèn vẫn mơ giấc mơ làm hiền nhân. Nhưng sớm mai nọ, khi nhận được quyền chức, danh lợi... đã đột trở mình thành vô lại. Điều này không khó tìm trong xã hội VN ngày nay. Ứa nước mắt. Lúc đó, ngôn ngữ con người hoá ra bất lực, chỉ còn biết bật lên tiếng hát
BỤI ĐƯỜNG CA & NGƯỜI NHẠC SĨ KHÔNG ĐEO"KÍNH MÁT"
Những ngày gần đây, cư dân mạng xôn xao (hay là chỉ mình tôi xôn xao cũng không biết) khi album của nhạc sĩ Tuấn Khanh được phổ biến. Một nhạc sĩ ra đĩa của mình và hát chính những ca khúc ấy không phải là hiếm. Hiếm hoi ở chỗ, người nhạc sĩ này làm 1 album free cho mọi người và hứa hẹn sẽ còn nhiều album khác như thế. Hiếm hoi ở chỗ đó không phải những bài ca với motif quen thuộc về tình yêu, về những cuộc chia tay dang dở…Những bài hát trong album”Bụi đường ca”được up free trên mạng bởi chính tác giả là những bài ca cho cộng đồng, những bài ca với con mắt của 1 người dân thường, nhìn thấy những nỗi đau và sự bất công nhan nhản trong cuộc sống thường ngày và không thể nào đứng ngòai cuộc mãi được. Xuyên suốt qua 8 bài hát là 1 cái nhìn, nhìn lại để nhận diện rõ hơn về cuộc đời, nhìn lại những bất công, những đau khổ, để lên tiếng và cũng bày tỏ một chút gì đó chua cay về 1 kiếp nhân sinh..”tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”(lyric nhạc TCS) trong thế giới “điêu ngoa” ngày hôm nay. Công danh và cơm áo gạo tiền khiến con người điên đảo ,biến chất , tha hóa, nhưng mấy ai thóat khỏi “kiếp nạn” ấy, những bài hát - tạm gọi là những ca khúc cho cộng đồng…dù ít dù nhiều, có chủ ý của tác giả hay không, viết để giải thóat cảm xúc cho chính mình hay chỉ như quà tặng cho cuộc sống - cũng đã phần nào làm thức tỉnh những góc khuất trong tâm hồn thính giả. Tôi tin thế!
Dễ dàng nhận thấy, ý tưởng và chất nhạc cũng như những ca từ phóng khóang trong lọat ca khúc Bụi Đường Ca có ảnh hưởng 1 phần bởi chất “du ca” của nhạc sĩ Lê Hựu Hà và band Phượng Hòang từng làm mưa làm gió 1 thời ở SG trước năm 1975 (Cũng dễ hiểu khi năm 1996, NS . Tuấn Khanh trở thành thành viên nhóm Du ca Phiêu Bồng của ns. Lê Hựu Hà. Nhóm nhạc unplugged cuối cùng này trong sự nghiệp của nhạc sĩ Lê Hựu Hà đã biểu diễn thành công ở nhiều nơi với hình thức Lê Hựu Hà (guitar, harmonica, hát), Hoàng Triều (guitar, hát) và Tuấn Khanh (flute, guitar, hát). Giai đoạn này cũng đánh dấu khoảng thời gian vô cùng thân thiết giữa nhạc sĩ Lê Hựu Hà và NS Tuấn Khanh-tư liệu từ web của NS)
“Đừng ngụy trang trong tiếng hát. Đừng cần mang đôi kính mát. Hãy lắng nhìn vào quê hương điêu tàn…Hãy khóc thầm dù nước mắt đã cạn.Hãy biết buồn, hãy biết thẹn vì non sông còn tối đen. Tôi không thể nào thản nhiên, tôi không thể nào im tiếng.Nên tôi thét vào thinh không lời nói hãi hùng hơn súng bom. Tôi không thể nào miệng câm, tôi không thể tai điếc, nên tôi khóc và tôi điên cho đến bao giờ đời bình yên”
NS Phạm Duy đã nói 1 điều như thế trong “Tôi không phải là gỗ đá” , và hôm nay, NS Tuấn Khanh đã không thản nhiên, không miệng câm và không tai điếc. Ông đã viết cho cuộc đời, đã nói thay cho nhiều người.
Thật lý thú khi thấy thấp thóang đâu đây chính là tư tưởng của 10 bài tâm ca của NS.Phạm Duy, nếu Phạm Duy viết 10 bài tâm ca để chất vấn chính mình, chất vấn cuộc đời trong thời buổi rối ren của những mâu thuẫn ý thức hệ, thì Tuấn Khanh viết 10 bài Bụi đường ca trong thời buổi rối ren giữa thiện ác, tốt xấu, giữa bức tranh mù mịt của những tâm hồn bị che khuất, giữa những điên đảo mà con người tự gây ra cho nhau, Cả 2 đã không còn là những NS vẽ vời nên “Những giấc mơ dịu dàng”(1 bài hát của NS.Tuấn Khanh do Lam Trường hát, mà tôi cũng rất thích) trong cuộc sống còn quá nhiều màu đen này, mà…họ đã ra đi, đã tìm kiếm 1 ẩn số chung để giải đáp bài tóan cuộc đời, 1 cuộc đời còn quá nhiều thứ cần thú tội, cần thức tỉnh , và cần nhận diện lại.
(sưu tầm)
No comments:
Post a Comment