Thursday, February 28, 2019

Ý nghĩa lễ Phục Sinh




Ở các nước theo Chính Thống Giáo thì lễ Phục Sinh thường không cùng ngày như thế, vì họ không theo lịch Gregorian phổ quát mà vẫn duy trì lịch Julian.

Lễ Phục Sinh, người Do Thái gọi là Pâque (không có chữ s), tiếng Pháp là Pâques (có chữ s), tiếng Anh là Easter, nguồn gốc từ Eostre, tên của Nữ Thần mùa Xuân và Sinh sản.

Phục Sinh là lễ mừng Chúa Jésus sống lại sau ba ngày. Đây là đỉnh điểm của Tuần Thánh bắt đầu từ lễ Lá vào Chúa Nhật đầu tuần, qua hôm thứ Năm thì đánh dấu bữa ăn cuối cùng của Chúa Jésus với các tông đồ, và thứ Sáu là ngày Đức Chúa bị đóng đinh trên thập tự giá, chết để cứu chuộc tội lỗi cho nhân loại.

“Mẹ dưới chân thập tự” nhạc bản của Linh mục Paul Văn Chi, Anh Dũng hát …

Phục Sinh là trọng tâm của niềm tin trong Thiên Chúa Giáo. Người theo đạo Thiên Chúa tin rằng Chúa Jesus chết trên thập tự giá nhưng sau đó, từ cõi chết, Ngài đã sống lại và trở lên Thiên quốc trong khải hoàn ca. Do Chúa Jesus vượt qua được sự chết, và phục sinh nên tín đồ Thiên Chúa Giáo cho rằng chỉ Ngài mới có quyền năng đem lại cho họ đời sống vĩnh cửu. Và niềm tin đó là điều mà người theo Thiên Chúa Giáo cất tiếng xướng lên hằng năm trong lễ Phục Sinh, cũng như hằng tuần trong ngày Chúa Nhật.



Phục Sinh cũng là lễ của niềm hy vọng vì nhằm thời điểm mùa Xuân trở lại với muôn loài. Tạo Hóa thật là kỳ diệu, cây cành trơ trụi suốt mùa Đông lạnh lẽo vậy mà chỉ sau một buổi nắng ấm do nàng Xuân mang lại, các nụ con con, hay lá non đã nhu nhú trên nhành cây.

Ngày lễ Phục Sinh, trong nắng đầu Xuân, tín đồ Thiên Chúa Giáo lũ lượt kéo nhau đi lễ. Ai nấy đều mặc màu sắc nhẹ nhàng. Nhà thờ cũng đã cất đi các tấm khăn màu tím tang tóc, để trang hoàng tươi vui, mừng Chúa hồi sinh.

Gia Minh: Từ mấy tuần nay, tôi thấy các cửa tiệm trưng bày trứng, những cái trứng được vẽ màu sắc lên. Do đâu mà lễ Phục Sinh có phong tục này, hả Chị Thy Nga?

Thy Nga: À chuyện này thì Thy Nga cũng từng thắc mắc đấy. Đọc các tài liệu như tài liệu của Võ thị Diệu Hằng thì viết thế này, Thy Nga lược thuật anh nghe nhe: Trứng thể hiện cho sinh sản, cho sung túc. Tục lệ tặng nhau trứng vào đầu mùa Xuân có từ thời xa xưa, nghe đâu từ cả 5 thế kỷ trước. Người Ai Cập, người Ba Tư vào ngày Xuân Phân bắt đầu một năm mới, bạn hữu thường trao cho nhau các quả trứng tô điểm màu sắc.


Trứng nhuộm màu, hay sơn vẽ xuất hiện tại Âu châu từ thế kỷ thứ 8 để tặng nhau vào cuối mùa Chay. Từ thời Phục Hưng (Renaissance), trong các triều đình Âu châu, trứng gà được thay thế bằng trứng làm bằng kim loại quý, các loại đá quý, với tranh của các họa sĩ danh tiếng vẽ lên. Đỉnh cao là các quả trứng tuyệt vời do Fabergé sáng tạo cho vua chúa Nga vào cuối thế kỷ thứ 19.


Thời nay thì nhiều quốc gia có phong tục là phụ huynh dấu trứng Phục Sinh trong các bụi cỏ, bụi cây trong vườn cho trẻ em đi tìm. Trẻ lớn một chút thì tung tăng tìm kiếm, các em nhỏ cũng lúp xúp theo. Cảnh này rất vui và dễ thương lắm! Ngoài ra, trứng Phục Sinh cũng được làm bằng chocolat để trong giỏ màu sắc tươi vui, làm quà trao cho nhau.


Gia Minh: Các cửa tiệm cũng trưng bày những món quà mang hình con thỏ. Vậy, thỏ mang ý nghĩa như thế nào vào dịp lễ Phục Sinh?


Thy Nga: Theo người Tây phương thì thỏ là sinh vật biểu tượng cho sự mắn đẻ, sung túc. Hình ảnh thỏ chạy nhảy tung tăng cũng rất vui mắt.

Gia Minh: Còn hoa thì chắc là đủ các loài hoa mùa Xuân?

Thy Nga: Vâng, nhưng tiêu biểu là hoa Lys (Huệ loa) nở khi mùa Phục Sinh đến. Có một huyền thoại kể là khi Chúa Jésus đi ngang qua thì tất cả cây cối và sinh vật đều cúi đầu chào, trừ hoa Lys vốn quá đẹp nên trở thành kiêu ngạo. Tới khi thấy Chúa hy sinh trên thập tự giá, Lys mới cúi đầu, và từ đó Lys tiếp tục cúi đầu để biểu tỏ sự kính trọng.


“Chặng đường cứu chuộc” Hoàng Oanh hát ...

Về lễ hội thì ngoài những cuộc thi trang trí trứng gà, tại các quốc gia Bắc Âu như Thụy Điển, Na Uy, ... mùa Phục Sinh được chào đón với các hoạt động thể thao, leo núi, trượt tuyết. Các phim trinh thám nổi tiếng được chiếu trên truyền hình, trong khi các tạp chí đăng những câu chuyện trinh thám và mời độc giả tham gia đoán xem ai là thủ phạm.

Người Đức thì quây lại đốt lửa, tục lệ này mang ý nghĩa là tập hợp với nhau trong hơi ấm và ánh lửa xua đi mùa Đông lạnh lẽo. Lửa Phục Sinh là một trong những truyền thống của đạo Thiên Chúa.


Bằng cuộc Vượt Qua của mình, Chúa Jesus đã đẩy lùi quyền lực cái chết. Niềm tin nơi tín đồ Thiên Chúa Giáo vào sự phục sinh là cái neo vững chắc cho tâm linh giữa cuộc đời phong ba, nhất là vào thời buổi đầy khó khăn, bất trắc như hiện nay.

Trong niềm hân hoan tràn ngập của lễ Phục Sinh, Thy Nga mời quý vị cùng nghe ca khúc “Chúa luôn còn mãi” nhạc bản của Phanxicô do Gia Ân ca ...

Nguồn: RFA/ Thy nga

No comments:

Post a Comment