Bảng chỉ đường ở Bhutan . (Ảnh của Trịnh Thanh Thủy )
Tự ngàn xưa có một số tôn giáo trên thế giới tin tưởng vào các phép thuật dùng để trừ tà ma, bảo vệ an lành cho con người. Việt Nam ta ngày nay vẫn còn giữ một số phong tục và phép tắc kiêng kỵ vào ngày Tết để giữ điềm hên, cầu an và mang lại điều lành cho làng xã.
Mỗi năm vào rằm tháng Giêng, người dân ở xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn lại tổ chức lễ hội Ná Nhèm (tiếng Tày có nghĩa là "mặt nhọ") để cầu an, cầu mùa màng tươi tốt đầu năm mới. Điều đặc biệt là lễ vật cúng tế lại là vật mô phỏng "của quý" của các ông để thể hiện sự sinh sôi nảy nở và cầu phước. Lễ hội được tổ chức từ rạng sáng đến tối với nhiều nghi thức lễ tế, cúng rước long ngai, bài vị thần từ đình Làng Mỏ lên miếu Xa Vùn. Bên cạnh đó còn mô phỏng lại cảnh luyện binh, đánh giặc, đấu gươm của các binh sĩ thời xưa. Trò chơi dân gian như đánh đu, các bà then múa trầu truyền thống...
Lễ rước của quý ở Lạng Sơn (Ảnh của báo PL/Kênh 14)
Khi được viếng thăm Bhutan, tôi cũng chứng kiến một cảnh tương tự, nhưng lại có điểm khác. Chưa bao giờ tôi thấy "của quý" các ông được trưng bày lồng lộng như thế khắp thành phố một quốc gia bé nhỏ có nét kiến trúc đặc thù như ở Bhutan. Nó hiện diện trên tường một ngôi nhà thuờng dân, nơi mái nhà, đầu một cầu thang gác, treo tòng teng nơi cửa ra vào hay được thay cho ống thoát nước được làm bằng sắt sơn đỏ cứng cáp, to đùng.
Bạn đã từng được nghe Bhutan là một vương quốc hạnh phúc nhất thế giới hay đó là cõi Tây Phương Cực Lạc cuối cùng. Tuy nhiên có đến nơi, đi sâu vào cuộc sống, thăm viếng mọi chốn từ đô thị, đền đài cho đến các căn nhà dân dã của người Bhutan, bạn mới khám phá ra họ vẫn duy trì những phong tục bảo thủ cố hữu. Một trong những thứ họ gắng gìn giữ là xem trọng và thờ phụng cái "của quý" của phái nam.
Tự ngàn xưa, sự sùng bái và tôn thờ sinh thực khí nam như thần thánh đã có mặt trên thế giới từ Âu sang Á từ thời Ai Cập cổ đại cho tới Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, Cambodia..v..v... Hiện nay, ở thế kỷ này, vẫn có vài nơi xem của quý ấy như một tôn giáo và duy trì những nghi lễ thờ cúng và tiếp tục tìm cách bảo tồn không cho nó mai một. Các nhà sử học đã tìm thấy điều này trong các quốc gia ở trung và đông Á như Ấn Độ, Nhật, Việt Nam(Lạng Sơn), Bhutan và trong những nhà thờ St. Priapus ở Montreal, Quebec của Canada và San Francisco, Texas và New York của Hoa Kỳ.
Riêng ở Bhutan, sinh thực khí nam không những có mặt ở các đền thờ mà còn hiện diện khắp mọi nơi và được trang trí dưới nhiều hình thức, kích cỡ to nhỏ như tranh tường, hình tượng, quà lưu niệm, vật dụng hàng ngày, thậm chí thay thế cho một mũi tên chỉ đường. Điều lý thú là dưới dạng tranh vẽ chúng được trang trí một cách dễ thương hơn với những giải lụa khi màu xanh, lúc màu đỏ, thắt ngang uốn lượn vòng vèo như mây vần vũ, hoặc rồng bay phượng múa, tạo cho người xem cái cảm tưởng "của quý" đang baỵ.....trên tiên giới.
Trên tường nhà ở Bhutan . (Ảnh của Trịnh Thanh Thủy )
Một phụ nữ Mỹ lớn tuổi lúc vừa xuống xe buýt để bước vào đường phố của thung lũng Punakha đã vội bịt miệng kêu "Lạy chúa tôi" khi thấy chính mình bị bao vây bởi hình ảnh những cái của quý sừng sững khắp nơi trong dãy Hy Mã Lạp Sơn tuyệt đẹp.
Thoạt nhìn ai cũng dễ bị sốc nhất là phụ nữ hay trẻ em, nhưng khi quen rồi, người ta thấy vui mắt như một thứ trang trí nghệ thuật hơn là một cảm giác thô tục, thiếu thanh tao.
Ngoài niềm tin tôn giáo, người Bhutan cho rằng của quý mang đến sự bảo vệ khỏi quỷ dữ và xua đuổi tà ma, nó còn là biểu tượng của sự sinh sôi nảy nở mà đất nước này vốn khuyến khích người dân có thêm con vì đất nước có nhu cầu cần gia tăng dân số. Ngược lại người dân không muốn có nhiều con vì chi phí nuôi dạy trẻ con rất cao nên 1 gia đình trung bình chỉ có 1 cho tới 2 con thôi.
Tuy Bhutan cố ngăn chặn lượng du khách ngày càng đông với ước muốn thăm viếng vương quốc đặc biệt này nhưng nguồn thu nhập của du lịch mang lại số tài chánh đáng kể khiến Thủ tướng Jigme Thinley đã chủ trương tăng gấp ba lượng khách du lịch vào Bhutan mỗi năm. Điều này khiến một số người dân trở nên lo lắng đối với việc thờ phượng của quý vì họ sợ dòng chảy của khách du lịch đến ốc đảo bị cô lập này sẽ làm suy yếu bản chất đặc thù của Bhutan - Đó là phong tục sùng bái Dương Vật ở khắp nơi trong nước từ làng quê tới thành thị.
Dưới hình thức quà lưu niệm Bhutan . (Ảnh của Trịnh Thanh Thủy )
Sự hiện diện của khách du ngoại quốc đã làm suy giảm sự suy tôn biểu tượng "của quý" một cách rõ rệt qua sự kiểm duyệt của hội đồng thành phố trong việc trang trí đô thị bằng các bức tranh vẽ hay chạm khắc bằng gỗ những chiếc "của quý" có thắt nơ trông như ớt đỏ. Nhất là những nơi hay thành phố có các công trình xây cất mới mẻ, hình dáng quen thuộc của "của quý" đầy quyền lực của phái nam thiếu vắng hẳn.
Ở đầu cầu thang Bhutan . (Ảnh của Trịnh Thanh Thủy )
Tương tự như các du khách viếng thăm Bhutan, tôi được người dẫn đoàn du lịch của chính phủ đưa đến tu viện Chimi Lhakhang. Đường đi đến tu viện là một hành trình cuốc bộ trên những con đường đồi có cảnh đẹp và xanh mướt cỏ cây. Đến nơi ai cũng mệt nhoài, phải ngồi nghỉ chân dưới một cây cổ thụ có tàng xanh thật lớn trước khi vào trong tu viện.
Đây là nơi hàng trăm cặp vợ chồng người Bhutan không có con đã thực hiện những cuộc hành hương đến "đền thờ sinh đẻ", để một nhà sư chúc phước cho họ bằng một cái sinh thực khí nam bằng gỗ. Không chỉ những người dân Bhutan hiếm muộn tin tưởng đến đây cầu phước mà cả những người nước ngoài cũng tìm đến để được ban phước và được như nguyện, theo lời thuật lại của người dẫn đoàn.
Tu viện Chimi Lhakhang được sáng lập bởi một tu sĩ kiêm thi sĩ có tên là Drukpa Kunley(1455-1529).
Tu viện Chimi Lhakhang Bhutan . (Ảnh của Trịnh Thanh Thủy )
Ông được sinh ra trong nhánh của gia tộc quý tộc Gya. Ông được biết đến với những phương pháp điên rồ trong việc khai sáng những sinh mệnh khác, chủ yếu là phụ nữ. Ông được người ta gọi là "Vị thánh của 5.000 phụ nữ". Ông ban phước cho các phụ nữ dưới hình thức tình dục. Chủ trương của ông là phụ nữ có thể được giác ngộ, được ông truyền đạt sự giác ngộ, mà vẫn có một cuộc sống tình dục rất lành mạnh. Ông có sáng kiến và kỳ công trong việc thực hiện các bức tranh vẽ sinh thực khí nam ở khắp nơi của Bhutan và đặt các hình tượng chạm khắc ấy trên mái nhà để xua đuổi tà ma. Dương vật của Kunley được gọi là "Thần sấm thông minh" và bản thân anh ta được gọi là "vị thánh sinh sản" vì người ta tin rằng triết lý sức mạnh "của quý" đã giác ngộ con người. Do đó, phụ nữ từ khắp nơi trên thế giới đã đến thăm tu viện của ông để tìm kiếm phước lành từ ông.
Khi đoàn chúng tôi được tiếp xúc với vị tu sĩ Phật Giáo trong tu viện đang đọc các tin nhắn ở điện thoại của ông. Tôi thấy ông đang kiểm tra email trên máy tính. Ông nói "Nhiều người hỏi thăm nơi này để tìm đến chữa bệnh vô sinh". Ông thêm "60 đến 70 phần trăm các trường hợp đều đạt kết quả khả quan sau khi được ban phước ở đây".
Thiếu nữ Bhutan giải thích tục thờ trong vườn nhà Bhutan . (Ảnh của Trịnh Thanh Thủy )
Ông giải thích " Trong môn Chiêm Tinh Phật Giáo, vô sinh được giải thích như là một sự không tương hợp trong sự kết hợp các yếu tố giữa các cặp vợ chồng. Ít nhất hai trong năm yếu tố của mỗi người không được tương hợp. Tỷ như: năng lượng cuộc sống, sức khoẻ thể chất, tài chính, thành công xã hội và sự tự tin về tinh thần cũng chính là năm yếu tố phổ quát: gỗ, lửa, đất, kim loại và nước. Phần còn lại có thể được điều chỉnh bằng những lời cầu nguyện, lễ nghi và phước lành. Vô sinh dường như là một vấn đề về sức khoẻ thể chất, hoặc "lửa" trong cặp vợ chồng. Không có gì mà một chút giác ngộ bởi "Pháp thuật sấm sét của trí tuệ rực lửa" không thể sửa được."
Nguồn: Việt Báo / Trịnh Thanh Thủy
No comments:
Post a Comment