Monday, February 25, 2019

Những ca khúc phổ thơ Nguyễn Bính


Thi sĩ Nguyễn Bính


Mời bạn nghe


Nhạc “Bướm trắng” …

Vào ngày 29 tháng 12, 2008 tại Hà Nội, Hội Nhà Văn Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh của nhà thơ Nguyễn Bính.

Viết về Nguyễn Bính thì có lẽ, cả cuốn sách cũng chưa đề cập hết những khía cạnh trong thơ và đời ông. Nguyễn Bính đã khuất, ông ra đi một cách đột ngột ngày 20 tháng Giêng năm 1966 nhằm 29 Tết, ngày cuối cùng của năm Ất Tỵ. 48 năm cuộc đời không nhiều, tuy nhiên Nguyễn Bính đã sống hết mình, yêu hết mình. Khối tình lớn nhất, ông dành cho thi ca và thôn làng qua những bài thơ mang mang hồn quê.

Yêu hết mình, thì như Nguyễn Bính bày tỏ bằng lời thơ, người đọc có thể thấy là ông đem lòng yêu rất nhiều. Có khi chỉ là tình cảm mông lung với cô hàng xóm, có khi là thầm yêu trộm nhớ nhưng không kém đắm say.

“Tương tư” Hồng Vân diễn ngâm …

Sống lang bạt, ông trải qua đủ hương vị cuộc đời, cùng với lắm mối tình. Ký vào giấy tờ thì có 2 cuộc hôn nhân trong Nam, và 2 hôn nhân ở miền Bắc.

Thơ Nguyễn Bính có duyên với âm nhạc, khá nhiều nhạc sĩ đã phổ thơ ông, điều này chỉ có với rất ít nhà thơ. Do đó, Thy Nga soạn thành chương trình thi ca, để chia sẻ với quý thính giả.

Quý vị đang nghe Hồng Vân ngâm bài thơ “Người hàng xóm” Anh Bằng phổ thành ca khúc “Bướm trắng”, Chế Linh hát …

Nguyễn Bính chào đời tại làng Thiện Vịnh, Nam Định. Mới ba tháng thì mẹ từ trần. Cha làm nghề dạy học vì thế, Bính học tại nhà. Rồi cha bước đi bước nữa, Bính được các bác mang về nuôi dưỡng. Với tài thiên phú về thơ, Nguyễn Bính khi mới 13 tuổi, đã chiếm giải nhất trong một cuộc thi hát trống quân đầu xuân. Theo tài liệu thì hôm ấy, Bính gà thơ cho bên nam đối đáp với bên nữ, và thắng dù rằng người gà thơ cho bên kia là một cụ bảy chục tuổi.

Năm 14 tuổi, Bính rời làng nơi chôn nhau cắt rốn, theo người anh qua nhiều vùng quê. Bước đường kế tiếp là theo bạn lên mạn ngược kiếm sống; sau đó, thì đến Hà thành.

Nguyễn Bính bắt đầu được chú ý đến là vào năm 1936 với bài thơ “Cô hái mơ” đăng trên tuần báo “Tiểu thuyết thứ Năm”. Nhạc sĩ Phạm Duy ghi là đi vào âm nhạc với bài thơ này, phổ thành ca khúc vào năm 42.

“Cô hái mơ” Vũ Khanh hát …

Năm 1937, Nguyễn Bính được nhóm “Tự lực Văn đoàn” trao giải khuyến khích về tập thơ “Tâm hồn tôi”.

Từ tập thơ “Lỡ bước sang ngang” thì tên tuổi Nguyễn Bính mới thật sự nổi tiếng.

“Lỡ bước sang ngang” Song Ngọc phổ nhạc, Như Quỳnh trình bày …

Ở nước ta thời đó, nữ giới không được có ý kiến gì cho hôn nhân của mình. Nguyễn Bính cảm thông với tình cảnh ấy để viết lên những câu thơ bi thiết như trong bài “Lỡ bước sang ngang”. Về sau, chính bài này gắn liền với tên tuổi Nguyễn Bính trong sự nghiệp gồm cả ngàn bài thơ và các thể loại khác như chèo, truyện thơ, kịch thơ, …

Thời gian ấy, có phong trào thơ mới với ảnh hưởng của thơ Pháp, nhưng Nguyễn Bính quyết gắn bó với thể thơ bảy chữ, hay lục bát, chan chứa tình dân tộc. Ông đưa ra bài “Chân quê” như một tuyên ngôn.

“Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thày u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua, em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”

“Chân quê” Hồng Vân ngâm thơ …

Lời thơ Nguyễn Bính mang vần điệu như ca dao, và gần gũi với nếp sống bình dị của thôn làng.
Nguyễn Bính viết một cách dễ dàng, và người nghe, dù là dân quê, cũng dễ nhớ, dễ thuộc thơ ông.

“Chân quê” Song Ngọc phổ thành nhạc khúc “Hương đồng gió nội” Vũ Khanh hát … 

Qua bài thơ này, Nguyễn Bính nói lên ý chí giữ gìn thể thơ truyền thống dân tộc, giữa lúc nhiều người ham thích thể thơ Tây phương, hoặc làm thơ phá cách. Tuy vậy, không phải là Nguyễn Bính không có tư tưởng mới. Thời đó, đã mấy người dám diễn tả những tình cảm thầm kín của mình, như ông? Hay nói lên tâm tư của cô gái mới lớn qua những câu thơ bạo dạn như trong bài “Gái xuân”?

“Gái Xuân” Hà Phương hát …

“Lòng xuân lơ đãng, má xuân hồng
Cô gái xuân mơ chuyện vợ chồng
Đôi tám xuân đi trên mái tóc
Đêm xuân, cô ngủ có buồn không?”

và như bài thơ tựa là “Thời trước”, Nguyễn Bính diễn tả nỗi lòng người vợ trẻ khuyên chồng gắng học để mai này vinh hiển, nở mày nở mặt với xóm làng. Văn Phụng phổ thành ca khúc “Trăng sáng vườn chè” Xuân Sơn hát sau đây

“Tôi hằng khuyên sớm khuyên trưa
Anh chưa thi đỗ thì chưa động phòng …
Đêm nay mới thật là đêm
Ai đem trăng giải lên trên vườn chè”

thêm nữa, Nguyễn Bính có bài thơ độc đáo tựa đề là “Ghen”. Độc đáo vì đến nay, tức là đã hơn nửa thế kỷ, chưa nhà thơ Việt Nam nào diễn tả sự ghen tuông một cách tài tình tới như vậy.

“Ghen” Trọng Khương phổ nhạc, Đức Tuấn trình bày …

Các năm đầu thập niên 1940, Nguyễn Bính nhiều lần lang bạt vào miền Nam, đó là thời gian có các bài “Hành phương Nam”, “Tặng Kiên Giang”, “Từ độ về đây”, …

“Từ độ về đây, sống rất nghèo
Bạn bè chỉ có gió trăng theo
Những thằng bất nghĩa xin đừng tới
Hãy để thềm ta xanh sắc rêu”

Năm 1947, Nguyễn Bính tham gia kháng chiến chống Pháp.

Năm 1955 thì tập kết về Bắc. Sau khi đã ở trong Nam 13 năm, miền đất thịnh vượng, dân tình cởi mở; nay trở lại Bắc, ông thấy xã hội miền Bắc khác nhiều! Điều này, Nguyễn Bính ghi lại trong bài thơ “Tỉnh giấc chiêm bao” mà tới nay, vẫn chưa được phép xuất hiện trong các tập thơ của ông.
Hồng Vân diễn ngâm
“…thư rằng: “Thôi nhé đôi ta
Tình sao không phụ mà ra phụ tình
Duyên nhau đã dựng Trường đình
Mẹ em đã xé tan tành gối thêu …”
Sắc hương muôn nẻo tuôn trào
Tiếc mà chi giấc chiêm bao một mình”

Ở Hà Nội, Nguyễn Bính được bố trí phục vụ trong Hội Nhà Văn. Qua năm sau, ông lập ra báo “Trăm hoa”.

Cũng như các văn nghệ sĩ sống dưới chế độ, Nguyễn Bính phải viết theo mục tiêu chỉ định vì vậy, có các bài xem như lắp ráp những từ ngữ vào cho đủ, và chẳng khác nào bài vè.

Thế nhưng, lại có một số bài mà chính quyền cho rằng Nguyễn Bính “còn mang tính mơ hồ trong lập trường tư tưởng”.

Báo Trăm Hoa xuất bản được 15 kỳ thì không kham nổi chi phí, phải ngừng. Sau đó, Nguyễn Bính có mấy bài thơ viết về những oan khuất, tàn tệ trong cuộc cải cách ruộng đất.

Đến năm 1958 thì ông phải chuyển về tỉnh nhà Nam Định, làm việc tại Ty Văn Hoá Thông Tin dưới sự kềm kẹp của Trưởng Ty và quan chức địa phương. Nguyễn Bính chịu sự gò ép như vậy, tới khi qua đời (năm 1966).

34 năm sau đó, tức là vào năm 2000 thì Nguyễn Bính được Nhà nước xét lại, và truy tặng giải thưởng Hồ-Chí-Minh về Văn học Nghệ thuật.

Bài thơ “Cô lái đò” Bảo Cường ngâm
“…Vắng bóng cô em từ dạo ấy
Để buồn cho những khách sang sông”

Chương trình về nhà thơ Nguyễn Bính kết thúc nơi đây.  Thy Nga tạm biệt quý thính giả.

Nguồn: RFA/ Thy Nga

Mời bạn nghe thêm chuong trình của VOVN rất hay 👉  Giai thoại về thi sĩ Nguyễn Bính (1918–1966)

No comments:

Post a Comment