Đoàn Chuẩn - Từ Linh, tình bạn tri kỷ trong âm nhạc
Mời bạn nghe
Giữa khung cảnh ấy, có lẽ không gì thú vị cho bằng lặng nghe những tình khúc mùa Thu của Đoàn Chuẩn - Từ Linh, đôi bạn nghệ sĩ đã nắm bắt được những rung động của thiên nhiên để làm xao xuyến bao trái tim người nghe.
“Gửi gió cho mây ngàn bay” … Trần Thái Hòa và Quang Tuấn cùng hát …
Mục “Âm nhạc cuối tuần” này, trong vài chương trình, Thy Nga đã có gửi đến quý thính giả những ca khúc tuyệt vời ấy, cũng như viết về nhạc sĩ Đoàn Chuẩn nhưng vẫn còn nhiều điều chưa nói hết…
Cuộc hạnh ngộ Đoàn Chuẩn – Từ Linh
Trong các năm đầu kháng chiến, Đoàn Chuẩn gặp Từ Linh trong trường hợp như sau:
Thoạt tiên, Đoàn Chuẩn quen người anh nhưng rồi hợp với người em vì chú này tình tình cũng nghệ sĩ, lại có chút kiến thức về âm nhạc, thích nhiếp ảnh, yêu thiên nhiên. Hơn 4 tuổi tuy nhiên, Đoàn Chuẩn thân thiết ngay với chú em này.
“Chàng công tử Hà Thành” mang đàn đi kháng chiến, và giữa thời ly loạn, chàng không hề rũ bỏ tính chất lãng mạn của mình mà viết các nhạc bản chan chứa tình yêu.
Sáng tác đầu tay là vào mùa Thu 1947 đề tặng cô hàng cà-phê một quán trên đường tản cư.
Trong một cuộc phỏng vấn sau này, Đoàn Chuẩn cho biết là viết xong, ông liền đưa cho chú em đó xem để bàn thảo, rồi ký tên chung. Nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha thuật lại về sự xuất phát cái tên “Từ Linh”:
Thực ra, ông ấy tên là Tư. Theo như nhạc sĩ Đoàn Chuẩn nói thì ông ấy có cái tình rất lì, từ hồi bé. Bạn bè hay gọi là “Tư lì”. Độ thân của hai người này đến mức Đoàn Chuẩn rất muốn sự đóng góp đó hiện diện, và các ông nghĩ ra một cái tên rất đẹp là “Từ Linh”.
“Tư lì” thành ra “Từ Linh”.
Kể từ đấy, tên ghép Đoàn Chuẩn - Từ Linh ra đời, đầu tiên là trên nhạc bản “Tình nghệ sĩ”
“Tình nghệ sĩ” qua giọng hát Hồng Nhung …
Những sáng tác bất hủ
Kế đến, các sáng tác (mà sau, trở nên các nhạc phẩm bất hủ) liên tiếp ra đời: “Đường về Việt Bắc” viết cho người vợ trong những ngày ly tán, Vũ Tuấn Đức và Nguyên Khang cùng hát …
Đã có vợ con tuy nhiên, chàng nhạc sĩ đa tình vẫn xao xuyến trước những bóng hồng. Chàng ghi lại tình cảm bằng các nhạc bản, đề tặng đối tượng tình yêu của mình (các tên viết tắt thành ra người khác phải đoán mò)
“Lá thư” mời quý vị nghe Đoàn Chính, con trai ông hiện ở Canada trình bày …
Tiếp theo “Thu quyến rũ”, là “Chuyển bến” (âm thanh thâu vào năm 1970, giọng hát Mộc Lan, người ca sĩ mà Đoàn Chuẩn say mê, gửi tặng bao nhiêu là bó hoa, như lời ca trong bài “Dạ Lan Hương”
“Từ một nơi xa xôi cách bao núi rừng suối đồi Anh gửi mấy cánh hoa về người yêu Hoa Lan hương màu trắng như duyên em thầm kín Trong hương Thu màu tím buồn …”
Kèm với nhạc bản “Gửi gió cho mây ngàn bay” nhưng rồi “Lá đổ muôn chiều” khi nghe tin Nàng lấy chồng, chàng nhạc sĩ đa tình viết bài “Dang dở” (tức “Tà áo xanh”), “Chiếc lá cuối cùng”, “Vàng phai mấy lá”, “Tâm sự”, và “Gửi người em gái miền Nam”. Nạc bản này, Đoàn Chuẩn viết vào mùa Xuân 1957 (tức là đặc biệt khác những bài mà ông viết trước đó, đều vào mùa Thu). Nàng vào ở trong Nam mà miền Bắc đã khép lại sau tấm màn sắt, chia cắt đôi ngã.
“Gửi người em gái” qua giọng hát Trần Thu Hà …
Lúc này, thời cuộc đã khiến đời sống của Đoàn Chuẩn bị thay đổi nghiêm trọng. Mời quý vị nghe tiếp phần sau vào kỳ tới.
Thời cuộc đã biến đổi… Năm 1956, cơ ngơi do mẹ cha để lại, bị tịch thâu hết, Đoàn Chuẩn cùng với vợ và đàn con rút lại ở một căn nhà nhỏ bé. Tất cả các nhạc bản của ông thì bị qui là “nhạc vàng” cấm hát, và phát trên làn sóng. Con trai trưởng của ông là Đoàn Chính kể lại:
“Gia sản là bị tịch thâu đấy. Nhưng mà giai đoạn giữa cái lúc tịch thâu đó thì ông cụ có sáng tác một bài nữa, là bài “Gửi người em gái miền Nam”. Bài đó thì được đưa lên đài phát thanh một, hai lần rồi sau bị qui là “nhạc vàng” họ không cho phát, không cho hát nữa.”
Phải thay đổi lối sống, Đoàn Chuẩn dạy đàn cho qua ngày. Từ Linh cũng phải bỏ công ty xuất nhập cảng, quay sang làm nhân viên cửa hàng bách hóa, và kiếm thêm bằng việc chụp ảnh đám ma, đám cưới. Thực ra thì cả hai gia đình đều trông nhờ vào sự tần tảo buôn bán của hai bà vợ.
Đoàn Chuẩn, Từ Linh… nói chung là giới văn nghệ sĩ miền Bắc phải chịu đựng hoàn cảnh nghiệt ngã như vậy mãi tới năm 1986, mới thấy tia hy vọng nhờ chính sách “đổi mới” của nhà cầm quyền. Nhà thơ Vân Long thuật lại:
“Tôi còn nhớ rất rõ trạng thái “hồi sinh” của Đoàn Chuẩn. Đó là một buổi sáng mùa Thu sau “Đổi mới” ít lâu, chiếc cassette của khách sạn Đường Sắt bất ngờ cất lên bài “Thu quyến rũ”.
Không ai bảo ai, gần hết những khách ngồi quanh đấy đều hướng mắt về Đoàn Chuẩn, tôi vươn tay qua bàn siết chặt tay ông. Còn ông, ông ngồi đờ ra, đắm chìm vào một quá khứ xa xôi nào…
Khi bài hát chấm dứt, tôi mới thấy đôi mắt ông có ánh nước, mấy người thân với ông trong quán đến bắt tay ông, chúc mừng, phá tan bầu không khí vừa chết lặng theo ông …”
“Thu quyến rũ” Tuấn Ngọc hát …
Quá khứ ấy, ngoài những bóng hồng kiều diễm mà nhạc sĩ đem lòng cảm mến, có hình ảnh người bạn tri âm đã khuất xa. Đầu năm đó, Từ Linh đã từ trần. Tiếc cho Từ Linh không còn trên cõi đời để mà nghe các bản nhạc ông soạn thảo với Đoàn Chuẩn, được phép hát lại.
“Cánh hoa duyên kiếp” qua giọng hát Anh Dũng …
Sau 31 năm buộc phải ngưng đọng dòng nhạc, vào năm 1987, Đoàn Chuẩn soạn nhạc trở lại.
Nhà thơ Vân Long thuật lại là do thiếu vắng Từ Linh, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã đi tìm các thi sĩ để phổ thơ của họ. Đầu tiên là bài “Khuôn mặt em” từ ý thơ Văn Cao. Và trường hợp với ông thì nhà thơ Vân Long kể là
“Cái năm đầu đổi mới, không khí hào hứng ào vào trong giới văn nghệ. Tôi tham gia bài thơ “Thu cảm” trong buổi “Đêm thơ mùa Thu”. Sáng hôm sau, cái rưng rưng của đêm trước vẫn còn thì tôi gặp nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Ông thích bài thơ ấy, đặc biệt là câu “Vồng ngực ai căng, đợi lúc tỏ bày” nên phổ thành nhạc bản “Đường thơm hoa sữa gọi”.
Nhà thơ Vân Long nói ông không dè là người tiếp nối Từ Linh cho việc Đoàn Chuẩn viết nhạc.
Theo gót Nàng Thu...
Từ năm 1992 thì Đoàn Chuẩn lâm bệnh. Cuối Thu 2001, ông qua đời. “Nhạc sĩ của mùa Thu” nổi tiếng là đa tình, chắc hẳn theo gót Nàng Thu sang thế giới mộng mơ mà ông hằng ấp ủ.
Buồn cho tài năng của Đoàn Chuẩn và Từ Linh bị bóp nghẹn chứ không thì dòng nhạc tuyệt vời của đôi bạn nghệ sĩ còn đến với người đời nhiều nữa.
Thật đáng tiếc cho nền âm nhạc nước nhà! Giai đoạn bi thảm đó của lịch sử Việt Nam đã làm thui chột tinh hoa nhiều người.
Trường hợp các nhà thơ Hữu Loan, Quang Dũng, Hoàng Cầm, các nhạc sĩ Văn Cao, Dzoãn Mẫn,… Thy Nga đã thuật lại cùng quý thính giả qua các chương trình trong mục này.
Sau hơn ba mươi năm bị đọa đày, các nghệ sĩ ấy đã được nhà cầm quyền dần dần cho phổ biến lại tác phẩm, và phục hồi tên tuổi.
Tuy thế, nhiều người nhận xét là sự việc này không do thực tâm, mà cốt là để khoa trương, và khoa trương quá mức! Đoàn Chính cũng nhận định như vậy.
Anh cho biết là vào ngày 4 tháng 11 vừa qua, đài truyền hình VTV3 tại Hà Nội có tổ chức chương trình về Đoàn Chuẩn - Từ Linh, trong đó nhiều nhạc phẩm được trình bày, lồng với những câu chuyện về đôi bạn nghệ sĩ này.
Tham gia chuyện trò, có con trai trưởng của Từ Linh là Hà Thạch An, và các con của Đoàn Chuẩn là Đoàn Đính và Đoàn Đức Liêm.
Người con út là Đoàn Châu do về đám tang mẹ, thành ra có mặt trong buổi đó nhưng không được nhắc tới: Chắc hẳn nhóm tổ chức chương trình đã nhận chỉ thị là phải tránh né sự kiện Đoàn Châu đã vượt biển ra sống ở hải ngoại. “Khúc ruột ngàn dặm” này không được nhìn nhận cả trong buổi vinh danh người cha!
Đoàn Chính: “Ngay cả người ngồi đó, họ cũng không nhắc đến tên, họ coi như là không phải trong gia đình nữa. Thế đấy, Chị thấy có những vấn đề như vậy, họ trốn tránh những cái về chính trị. Nhà cầm quyền tuy là nói cởi mở với văn hóa nhưng vẫn không muốn những cái ảnh hưởng không lợi đối với họ.”
Góp ý kiến cho chương trình, còn có một số nhạc sĩ, thi sĩ, nhà nghiên cứu nghệ thuật cho biết nhận định của họ về dòng nhạc Đoàn Chuẩn - Từ Linh, cũng như bàn về cái tên ghép ấy. Đây là điều mà rất nhiều người yêu nhạc Đoàn Chuẩn - Từ Linh vẫn lấy làm thắc mắc, từ sự giao du giữa hai chàng nghệ sĩ, đến việc viết nhạc: người ta muốn biết Từ Linh góp phần ra sao trong những nhạc phẩm ấy?
Phải chăng Từ Linh đặt lời cho nhạc Đoàn Chuẩn? Có người lại nói: Đoàn Chuẩn vì rất đỗi quý mến bạn mà đề tên chung?
Anh Hà Thạch An kể lại: “Có lần nghe băng cassette xong, Bác Đoàn Chuẩn nói với bố tôi “Kể ra thì Chú có cách thể hiện những ý tưởng của mình lạ lùng đấy!” đó là chi tiết tôi nghĩ là khá rõ về công sức của Từ Linh trong các bản nhạc với Đoàn Chuẩn.”
Về câu hỏi: Sau khi Từ Linh qua đời, tại sao các nhạc bản vẫn mang tên ghép Đoàn Chuẩn - Từ Linh? Anh An cho đó là để kỷ niệm tình bạn: “Hai người kề cận nhau 12, 13 tiếng / một ngày, và tình bạn ấy trải theo thời gian 50 năm đến tận cuối đời.”
Anh Đoàn Đức Liêm thì nói: “Về cái tên ghép, có lần tôi hỏi thì Bố tôi bảo là ông không giả lời nhà báo, và cũng không giả lời con đâu.”
Thuật lại với Thy Nga, anh Đoàn Chính tóm lược các nhận định đưa ra trong chương trình hôm đó: “Sau mỗi sáng tác, luôn luôn Đoàn Chuẩn hát cho Từ Linh nghe để Từ Linh góp ý kiến trong vấn đề ca từ cũng như về âm nhạc. Người nghe đầu tiên là Từ Linh, và Từ Linh có những đóng góp nhất định nào đó…
Và kết luận là hai người trong cuộc muốn đề tên chung như thế, thì chúng ta hãy nhớ đến họ theo cái tên ấy.
“Màu nắng có bao giờ phai đâu” Đoàn Chuẩn viết vào mùa Thu 1989 nhắn gửi đến một hình bóng đã xa từ lâu. Đây là nhạc bản cuối cùng của ông.
“Màu nắng có bao giờ phai đâu” qua giọng hát Lê Dung … Thy Nga xin kết thúc chương trình … chào tạm biệt quý thính giả.
Nguồn: RFA/Thy Nga (2007)
No comments:
Post a Comment