Thursday, February 7, 2019

Nhạc sĩ Trường Sa và các tình khúc





Qua cuộc đổi đời, tác giả tình khúc ấy là Trường Sa vẫn tiếp tục sáng tác. Thy Nga điện thoại sang Toronto, Canada nơi nhạc sĩ định cư từ 17 năm nay, hỏi chuyện về sinh hoạt của ông hiện nay, mời quý vị nghe tâm tình cùng với các nhạc bản cũ và mới của ông.

“Bài tình ca cho kỷ niệm” qua giọng hát Loan Châu …


Gia nhập Hải Quân

Trường Sa chào đời tại Ninh Bình. Thời niên thiếu ở chỗ này chỗ kia do hoàn cảnh cha là quân nhân: Vào Nha Trang năm 1954, đến năm 57 thì gia đình định cư tại Thủ Đức. Tới năm 62, không thể tiếp tục cuộc sống dân sự vì cường độ chiến tranh, ông gia nhập Hải Quân khoá 12. Sau khi tốt nghiệp, người sĩ quan trẻ này đã cùng với đồng đội trải qua nhiều hiểm nguy, nhưng ông nói là rất hãnh diện đã sống một phần đời đáng sống.

“Một lần xa bến” qua giọng hát Tâm Đoan …

Sau những cuộc hành quân mà cái chết luôn chực chờ, ông vẫn dành thời giờ cho niềm đam mê âm nhạc, viết các ca khúc thời chiến như “Một lần xa bến” quý vị vừa nghe, như “Hành trang giã từ”, “Chuyện người đan áo”, … Là Hạm Phó chiến hạm tuần dương Trường Sa nên để kỷ niệm, ông lấy tên Trường Sa làm bút hiệu.

Nhạc sĩ Trường Sa:
“Thưa Chị Thy Nga, tôi đến với âm nhạc là do sở thích. Hồi còn trẻ, tôi tìm sách, tôi học về ký âm pháp. Sau đó, nghiên cứu bộ Traité Dubois gồm có những phần hòa âm thuận, hòa âm nghịch, ký âm đối điểm, tôi dựa vào những tài liệu đó, Tôi cũng gặp gỡ những bạn như Anh Việt Thu chẳng hạn, và chúng tôi thường thảo luận về hòa âm này kia.”

Sáng tác tình ca

Nhạc sĩ Từ Công Phụng là người khích lệ Trường Sa viết tình ca, và năm 1967 từ một cuộc tình đành đoạn, Trường Sa viết những nốt nhạc đầu tiên của bài “Rồi mai tôi đưa em” mà phải 2 năm sau, mới hoàn tất.

“Xin còn gọi tên nhau” là ca khúc tiếp theo, và cũng trong năm 1969, “Mùa Thu trong mưa” là nhạc bản mà do cảm hứng dâng tràn, ông viết chỉ trong vài tiếng đồng hồ.

“Mùa Thu trong mưa” với Lệ Thu, giọng hát trình bày nhạc bản này đầu tiên. Hầu hết những tình khúc của Trường Sa cũng thế, Lệ Thu là ca sĩ trình bày đầu tiên và hay nhất …

Ba nhạc bản đó được đưa ra liên tiếp, chẳng khác nào đợt sóng lãng mạn từng lớp ập đến với người nghe.

Nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên nổi tiếng về tình ca, ghi lại là khi nghe ba bài ấy, ông đã “yêu ngay cái nét nhạc dịu dàng như dòng suối nhỏ lượn quanh khu vườn yên tĩnh, rồi bất chợt trổi lên như cơn bão nổi, ngập tràn đau thương”.

Vẫn theo nhận định của nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên thì “lời ca của Trường Sa sâu lắng, man mác buồn, chau chuốt nhưng không kiểu cách, không làm dáng”.

Sang thập niên 1970, Trường Sa tiếp tục viết nhạc mà nổi nhất là bài “Một mai em đi” viết vào năm 1973 khi đóng quân tại căn cứ Trà Cú trên sông Vàm Cỏ Đông.

Các nhạc bản khác ra đời tại Trà Cú là “”Ru em một đời”, “Sầu muộn sầu”, “Như hoa rồi tàn”. Riêng “Sầu biển” thì phổ biến rộng rãi trong hàng ngũ Hải Quân để gom tiền ủy lạo gia đình Trung tá Ngụy Văn Thà tử trận trong trận chiến Hoàng Sa năm 1974.

Thy Nga: Những ngày cuối tháng Tư 1975 thì anh khi đó ở đâu ạ?

Nhạc sĩ Trường Sa: Khi đó, tôi là Chỉ huy trưởng cái đoàn hộ tống công-voa các thương thuyền của các nước đi tiếp tế cho chính quyền Lon Nol tại Campuchia. Ngày 29 thì tôi ở Vàm An Long trên sông Cửu Long. Khi mà tôi liên lạc với các cấp chỉ huy của tôi thì người ta đi hết rồi, thành ra đêm hôm đó, tôi dùng một chiếc tàu nhỏ trở về Saigon nhưng không vô được bên trong nữa. Và từ đó, tôi gặp chiến hạm từ Saigon đi ra, tôi lên chiến hạm, đi tới đảo Guam luôn. Khi lên tàu, tôi tìm khắp trên các chiến hạm đang di tản, không có gia đình tôi.

Thy Nga: Thế rồi suy nghĩ thế nào mà anh lại trở về bằng tàu Việt Nam Thương Tín?

Nhạc sĩ Trường Sa: Không liên lạc được với gia đình, vợ con tôi ở Saigon. Tôi không bỏ rơi gia đình trong cảnh khó khăn như thế. Khi đến đảo Guam thì tôi xin Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc can thiệp cho tôi trở về Việt Nam. Hoàn cảnh nào, tôi cũng chấp nhận hết.

Thy Nga: Về Việt Nam thì chuyện gì xảy ra?

Nhạc sĩ Trường Sa: Tàu Việt Nam Thương Tín trở về Việt Nam thì người ta đưa tàu ra Nha Trang, bắt tôi lên Ty Cảnh Sát cũ tại Nha Trang ở đó 2 tháng, rồi chuyển ra trại A 20 Phú Khánh. Một thời gian ngắn sau thì chuyển ra Bắc, trại Nghệ Tĩnh đến năm 1984.

Thy Nga: Như vậy là mất cả thảy 9 năm! Chỉ vì đã ra đi, rồi lại trở về.

Nhạc sĩ Trường Sa: Vâng. Năm 86 thì tôi đi, bị bắt. Từ cửa biển vào Mỹ Tho, dọc đường tôi bị đánh dữ lắm. Họ giam tôi 45 ngày trong xà-lim tối, sau đó, họ cho ra lao động. 2 năm sau thì thả tôi về. Đến tháng Tư 1989, tôi tiếp tục đi nữa.

Thy Nga: Lần này, chuyến vượt biển thành công, Trường Sa cùng 3 con đến Pulau Biđông, phải chờ 28 tháng, mới được Canada nhận vào.

Trên miền đất tự do, Trường Sa viết nhạc trở lại sau 15 năm gián đoạn. Và ngoài việc làm tại một công ty xe hơi, ông sinh hoạt thường xuyên trong hội Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa tại Canada, và sinh hoạt văn nghệ, như ông thuật lại:

Nhạc sĩ Trường Sa:
“Thưa Chị, tôi vẫn tiếp tục sáng tác, gửi bài cho các trung tâm. Sinh hoạt về văn nghệ với các nhóm nghệ sĩ ở Montreal. Tôi đóng góp bài, có khi họ bắt, yêu cầu tôi hát nữa.”

Năm 1992, vợ cùng với đứa con gái lớn sang đoàn tụ.

Gia đình sum vầy được 4 năm thì vợ ông chẳng may bị tai nạn chết trong chuyến trở lại Việt Nam thăm thân nhân.

“Những mùa Thu qua trên cuộc tình tôi” là tâm sự của Trường Sa trong những năm dài sau đó …
Rồi thì do bạn giới thiệu, Trường Sa gặp gỡ một người trong tình cảnh tương tự. Ông cho đó là “niềm hạnh phúc cuối đời” cho mình.

Chắc hẳn, niềm hạnh phúc tìm thấy này đã đem lại sinh động để ông hoàn thành việc mà bao năm qua mãi lần khân, đó là gom tác phẩm của mình lại thành tuyển tập.

Tháng Bảy 2007, Trường Sa ra mắt tuyển tập nhạc gồm 26 tình khúc tức là khoảng phân nửa số nhạc bản của ông.

Trường Sa không còn điều chi để mơ ước hơn nữa. Những mùa Thu lẻ loi đã qua đi, người nhạc sĩ này hiện sống êm ả trong cảnh hưu trí và niềm hạnh phúc nhỏ bé của mình.

“Xin còn gọi tên nhau” …

Với ca khúc “Xin còn gọi tên nhau” Lệ Thu hát, Thy Nga xin kết thúc câu chuyện về nhạc sĩ Trường Sa … Hẹn tái ngộ quý thính giả trong chương trình kỳ tới.


****************



Nhạc sĩ Trường Sa tên thật là Nguyễn Thìn và Trường Sa là bút hiệu được ông chọn trong thời gian ông đảm nhiệm chức vụ hạm phó tàu tuần duyên Trường Sa. Ông tốt nghiệp khóa 12 Sĩ quan Hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Cấp bậc cuối cùng là Hải quân Thiếu tá, Chỉ huy trưởng Liên đoàn 3 Tuần Thám kiêm Chỉ huy trưởng đoàn Hộ tống các thương thuyền ngoại quốc tiếp tế cho chính phủ Lon Nol.

Ngày 29/04/1975, ông ở Vàm An Long trên sông Cửu Long và không liên lạc được với Bộ Tư lệnh Hải quân do các chiến hạm đã lên đường di tản. Từ biên giới Châu đốc, ông đưa tàu ra biển và tháp tùng Hạm đội Hải quân VNCH qua Subic Bay , Philippines. Từ Phi, ông theo thương thuyền Mỹ tới đảo Guam ngày 05/5/1975. Khi đến đảo Guam, không tìm thấy gia đình, ông xin Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc can thiệp để được theo tàu Việt Nam Thương Tín trở về Việt Nam.

Khi tàu về đến Việt Nam, nhà cầm quyền Cộng sản đưa tàu ra Nha Trang, giam ông tại Ty Cảnh Sát cũ 2 tháng, rồi chuyển ra trại A 20 Phú Khánh. Một thời gian ngắn sau, ông bị chuyển ra Bắc, ở trại Nghệ Tĩnh cho đến năm 1984.  Chỉ vì ra đi rồi lại trở về, ông đã mất 9 năm cuộc đời trong lao tù Cộng sản.

Nhìn lại quá khứ, nhạc sĩ Trường Sa cho biết, ông không ân hận với quyết định trở về: “Tôi không thể ra đi một mình bỏ lại gia đình trong thời buổi vô cùng khó khăn, quyết định về dù chính quyền Việt Nam có giết hoặc tù đày tôi chấp nhận, như thế lương tâm tôi mới thanh thản. Tôi không cho rằng việc tôi bị tù đày 9 năm (hơn 1 năm trong Nam và hơn 7 năm ngoài Bắc) là ngoài sự ước đoán vì tôi tự biết tôi là người Bắc di cư 1954 , đạo Công giáo , và là sĩ quan cấp Tá”. 

Sau khi “tốt nghiệp đại học máu” (cụm từ nhà văn Hà Thúc Sinh gọi “trại cải tạo”), năm 1986, ông vượt biên nhưng bất thành, bị tù 2 năm.

Tháng 4 năm 1989, ông cùng ba con vượt biên lần nữa, thành công và được người em ruột bảo lãnh nhập cư Canada vào cuối tháng 8 năm 1991, sau 28 tháng tạm dung trên đảo Pulau Bidong, Mã Lai.
Năm 1992, vợ cùng với cô con gái lớn sang đoàn tụ. Gia đình sum vầy được 4 năm, định mệnh vẫn theo đuổi ông, vợ ông chẳng may bị tai nạn qua đời trong chuyến trở lại Việt Nam thăm thân nhân.

Nói về 13 năm trong quân ngũ, cựu thiếu tá Nguyễn Thìn cho biết ông rất hãnh diện đã được phục vụ trong quân đội VNCH, đã sống một phần đời đáng sống.  Sau những cuộc hành quân, dù mỗi ngày phải đối diện với hiểm nguy, nhưng ông vẫn dành thời giờ cho niềm đam mê âm nhạc, viết các ca khúc thời chiến như “Một lần xa bến”, “Hành trang giã từ”, “Chuyện người đan áo”.

 Đầu thập niên 70, nhạc sĩ Trường Sa chuyển sang sáng tác tình ca và trở nên nổi tiếng với ba ca khúc bất hủ “Xin Còn Gọi Tên Nhau”, “Rồi Mai Tôi Đưa Em “và “Mùa Thu Trong Mưa”. Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên nhận định về ba sáng tác này: “Chỉ với ba bản tình ca này, vườn hoa âm nhạc Việt Nam đã có thêm một bông hồng tuyệt đẹp”.

Ngoài tình ca, nhạc sĩ Trường Sa còn viết về tình yêu của người lính biển: "Hành trang giã từ", "Chờ em trên bến", "Sầu biển"… đặc biệt bài Sầu biển – sáng tác trong thời điểm Hải quân Việt Nam Cộng hòa tham dự trận hải chiến Hoàng Sa chống Trung Cộng bảo vệ lãnh hải Việt Nam. Bài ca này rất phổ biến trong quân chủng hải quân.

Sau 15 năm gián đoạn, trên vùng đất tự do, nhạc sĩ Trường Sa, với niềm đam mê vẫn còn rực lửa, đã trở lại với âm nhạc: “Trong mười lăm năm mất đi đó, phải kể là giai đoạn hoàn hảo của một đời người vì hoàn cảnh đất nước và số phận con người không thoát ra khỏi dòng nghiệt ngã, đau buồn.

Nhìn lại quá khứ khi phải sống cuộc đời viễn xứ, phải xa quê hương mến yêu cùng với những người thân, bạn bè và cả một thời yêu dấu trong chiếc nôi vô cùng êm ấm mà đau xót. Từ những niềm ưu tư đó, tôi đã viết ra một số ca khúc hướng về Sài Gòn như "Những Mùa Thu Qua Trên Cuộc Tình Tôi", "Sài Gòn Ơi Tôi Còn Em Đó", "Giấc Mơ Nghìn Trùng", "Từ Một Ước Mơ" và nỗi cô đơn trong buổi chiều cuộc đời khi nhìn về phía quê nhà như ca khúc "Đường Chiều Một Bóng”

Sau này, nhạc sĩ Trường Sa đã gặp gỡ một người có hoàn cảnh tương tự. Ông cho đó là “niềm hạnh phúc cuối đời”.  Một trong những sáng tác mới của ông có nhạc phẩm “Xin Ơn Nhau Cuộc Đời” với ca từ:“Lửa nào trong tim giờ xin thắp lại tình ngườiCòn đời cho nhau dìu cuộc sống này”.  Và đó có lẽ là lời hẹn trăm năm của ông sau những gian nan, đổ vỡ đã trải qua trong đờiNhạc sĩ Trường Sa, sau 13 năm chiến đấu trong vai trò người lính của sông biển, tuy không thường xuyên xuất hiện trong các sinh hoạt Cộng đồng nhưng ông chọn một góc riêng, thích hợp với tuổi tác, tiếp tục sáng tác để duy trì văn hóa dân tộc, phát triển và đa dạng hóa nền âm nhạc Việt Nam.

No comments:

Post a Comment