Mai Hoa (SBS) phỏng vấn nhân chứng trốn thoát trong cuộc thảm sát dân Huế Tết Mậu Thân 1968 dưới tay cộng sản
"Khi người cán binh cộng sản đi đến gần, tôi nói với mẹ tôi 'Mẹ ơi con đi' thì mẹ tôi nói 'Con đừng đi. Con đi là tụi nó giêt con mât. Con nằm xuông mẹ che cho. Mẹ sống với tụi nó bao lâu mẹ biêt rõ'. Tối đó, bạn bè của tôi tổng cộng 70 người học lớp từ Đệ Ngũ, Đệ Tam, có người nhỏ hơn nữa bị bắt đi và không về trong tổng số 324 người bị bắt và giết ở Khe Đá Mài."
Đó là lời kể của một trong hai người may mắn trốn thoát khỏi việc bị bắt đem đi vào tối Mùng 4 rạng sáng Mùng 5 Tết ở Nhà Thờ Phú Cam.
Vào sáng ngày 30 tháng 1 năm 1968, Bắc Việt tấn công đồng bộ vào các thành phố ở miền Nam - một cuộc tổng tấn công được lên kế hoạch và chuẩn bị kỹ lưỡng vào tất cả các mục tiêu chọn lựa.
Với nhiều người lính Nam Việt Nam nghỉ phép như thỏa thuận ngưng bắn đón xuân giữa hai bên tham chiến, lực lượng Cộng Sản đã thấy đây là một cơ hội để đánh úp lật đổ chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.
Người đứng đầu Ban Lịch sử Quân sự tại Nhà Tưởng niệm Chiến tranh Úc, Ashley Ekins nói, "Trong suốt 50 năm qua nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam luôn tuyên truyền Mậu Thân là một chiến thuật tài tình dẫn đến thắng lợi, rằng họ thực sự giành được chiến thắng trong cuộc tổng tấn công này."
Trong thực tế, các con số nói lên tất cả.
Quân lính miền Bắc thiệt hại khoảng từ 45 đến 50.000 người, chiếm gần như 50% thương vong trên tổng số quân tham gia vào cuộc tấn công này.
Thiệt hại của Mỹ là khoảng 1.100 và của quân đội VNCH có thể tăng gấp đôi.
Tuy nhiên con số thường dân bị giết trong thời gian quân Bắc Việt và Việt Cộng đánh vào các thành phố là hàng ngàn người, riêng tại Huế con số người bị giết trong các tài liệu khác nhau cũng từ 4000 đến hơn 6000 người.
Tại những nấm mồ chôn tập thể này khi khai quật và được ghi lại thì người ta thấy các xác chết "nào là đứng, nào là nằm, nào là ngồi, lộn xộn. Các thi hài khi đào lên, thịt xương đã rã ra. Trên thi hài còn thấy những dây lạt trói lại, cả dây điện thoại nữa, trói thành chùm với nhau. Có lẽ, họ bị xô vào hố thành từng chùm. Một số người đầu bị vỡ hoặc bị lủng. Lủng là do bắn, vỡ là do cuốc xẻng” như tường thuật của ông Võ Văn Bằng, Nghị viên tỉnh Thừa Thiên và cũng là Trưởng Ban Truy Tìm và Cải Táng Nạn Nhân Cộng Sản Tết Mậu Thân.
Đã có nhiều nhiều mồ chôn tập thể của nạn nhân Cộng Sản ở Tết Mậu Thân mà riêng ở Khe Đá Mài thì phần lớn là dân làng Phú Cam, môt làng công giáo thuần thành.
Vào tối Mùng 1 khi súng nổ vang rền, dân làng Phú Cam tìm đến nhà thờ Phú Cam để tránh bom đạn.
Tối mùng 4 rạng ngày mùng 5, một số quân lính Bắc Việt cùng một số du kích cán binh Cộng Sản tay đeo băng xanh đỏ của Mặt Trận Giải Phòng Miền Nam vào Nhà Thờ bắt đưa đi.
Một năm sau thảm sát Mậu Thân tại Huế, nhờ vào một số người chiêu hồi mà chính quyền Việt Nam Cộng Hòa tìm ra được khu mộ tập thể ở Khe Đá Mài.
Đây là một địa danh nằm trên Núi Bân, còn có tên là núi Ba Tầng, cách thành phố Huế khoảng 15 km về phía Nam.
Số hài cốt tìm được trong vụ thảm sát Khe Đá Mài theo tin Ngũ Giác Đài nêu ra tại thời điểm ban đầu là 250 bộ hài cốt, nhưng Douglas Pike, chuyên gia của Phòng Thông tin Mỹ điều tra về vụ việc đưa ra con số sau đó vài tháng là 428.
Chuyện gì xảy ra vào tối mà cán binh Cộng Sản vào nhà thờ và bắt người đi? Chuyện kể từ người trốn thoát.
Nguồn: SBS/ Mai Hoa và nhân chứng
Mời quý khách nghe thêm từ đài RFA
👉 Huế Mậu Thân 1968: 40 năm sau, vết thương vẫn chưa lành (phần 1)
👉 Huế Mậu Thân 1968: 25 ngày kinh hoàng của 40 năm trước (phần 2)
👉 Huế Mậu Thân 1968: Khăn Tang và Nước Mắt đường lên Ba Đồn (phần 3)
👉 Huế Mậu Thân 1968: Những nhạc phẩm ra đời trong bối cảnh Mậu Thân (phần 4)
👉 Huế Mậu Thân 1968: “Ai Đã Giết Người Dân Huế?” Câu Hỏi 40 Năm Chưa Trả Lời (phần 5)
No comments:
Post a Comment