Monday, March 13, 2017

Hồi ức 30/4/1975 - Chuyện tượng đài Hai Thủy Quân Lục Chiến trước Hạ viện Việt Nam Cộng Hoà



Năm 1967, nền Đệ nhị  Cộng hòa tại miền Nam đã xây dựng tượng đài hai quân nhân Thủy quân Lục chiến (TQLC) trước Hạ viện, hay còn gọi là tòa nhà Quốc hội, nay là Nhà hát Thành phố. Tượng hai người lính TQLC có độ cao 9 mét, trong tư thế xung phong, mũi súng hướng về trụ sở Hạ viện.

Ngay sau khi bức tượng được đặt ở một vị trí quan trọng nhất thủ đô đã có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Một số người cho rằng quân đội “thao túng” các dân biểu Hạ viện bằng hình ảnh hai người lính cầm súng đại liên đe dọa sinh hoạt dân chủ của miền Nam.

Quân đội lại giải thích những người lính bảo vệ Quốc hội khi họ hướng mũi súng vào tòa nhà thay vì hướng ngược lại… Lại có một giải thích khác, mũi súng thực ra thì hướng về Khách sạn Continental nằm phía phải Hạ viện, nơi được coi là “hang ổ” của các lực lượng phản chiến, trong số đó có cả những dân biểu.

Chuyện “bảo vệ” hay “đe dọa” còn tùy thuộc vào chính kiến của mỗi người. Bài viết này sẽ không đi vào việc phân tích “đúng” hay “sai” của vị trí hướng súng. Tác giả chỉ có tham vọng viết lại chuyện bức tượng và những diễn biến quanh hai người lính TQLC vào ngày 30/4/1975.

Việc xây dựng những bức tượng kỷ niệm khắp các điểm nổi bật ở thủ đô Sài Gòn đã được “Nội các Chiến tranh” của Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ thực hiện trên một quy mô lớn. An Dương Vương, thánh tổ Pháo binh, được đặt tại công trường Diên Hồng, trước Thượng viện, đường Bến Chương Dương. Phù Đổng Thiên Vương, thánh tổ Thiết giáp, nằm tại bùng binh Ngã 6 Sài Gòn. Trần nguyên Hãn, thánh tổ Truyền tin, tại bùng binh Quách Thị Trang, trước cửa chợ Bến Thành. Phan đình Phùng, thánh tổ Quân cụ, tọa lạc trước bưu điện Chợ Lớn. Trần Hưng Đạo, thánh tổ Hải Quân, tại công trường Mê-Linh…

Bên cạnh những danh nhân lịch sử, các binh chủng còn có tượng đài kỷ niệm như tượng Thiên sứ Micae, thánh tổ binh chủng Nhảy Dù gần bệnh viện Sùng Chính, quận 5. Biệt Động Quân có tượng 3 người lính tại ngã sáu Lý Thái Tổ. “Tổ quốc Không gian” của Không quân trước mặt Tòa Đô Chánh và, đặc biệt hơn cả, là bức tượng TQLC trước Hạ viện.

Việc xây dựng tượng TQLC cũng gặp nhiều trục trặc. Ban đầu, Thiếu tá Huỳnh Huyền Đỏ (thuộc bộ Tổng Tham Mưu), đưa ra phác thảo mẫu với hính tượng ba người lính. Thiếu tá Đỏ là điêu khắc gia xuất thân trường Mỹ thuật Gia Định. Trong khi đang thực hiện công trình này thì vì một lý do nào đó Thiếu tá Đỏ không thể tiếp tục được nữa nên giao công việc đang còn dang dở cho Bộ tư lệnh TQLC.

Trước áp lực phải hoàn thành đúng thời hạn để kỷ niệm ngày chấp chánh, TQLC giao cho Thiếu úy Đinh Văn Thuộc tiếp tục công việc với sự góp ý và hướng dẫn của hoạ sĩ Lê Chánh (Bộ tư lệnh TQLC) và Lương Trường Thọ (Trung tâm Huấn luyện TQLC).

Thiếu úy Thuộc, đại đội trưởng đại đội Công vụ TQLC, tuy không là hoạ sĩ hay điêu khắc gia mà chỉ là “tay ngang” nhưng ông cùng anh em đại đội Công vụ đã nhận lãnh trách nhiệm. Họ làm việc liên tục 24/24 và cuối cùng, đã hoàn thành nhiệm vụ.

Khi hai người lính TQLC xuất hiện trước công chúng, một số người “trong nghề” phê bình những khiếm khuyết của bức tượng như nòng súng đại liên quá ngắn nếu so với kích thước thật, trong khi đó “cặp mông” của hai chiến sĩ lại quá to… Nếu hiểu rõ bức tượng đã được hoàn thành bởi những người “lính thợ tay ngang” nhiều người tỏ ra thông cảm với những nỗ lực của TQLC.

Những hình ảnh dưới đây được trích từ video clip do các phóng viên người Pháp thực hiện ngày 30/4/1975. Diễn biến cuộc “bức tử” hai người lính TQLC ngay sau khi Đại tướng Dương Văn Minh tuyên bố “đầu hàng” đã được ghi hình, Chúng tôi trích lại như sau:


Một thanh niên “băng đỏ” leo lên đầu bức tượng người lính TQLC trước Quốc hội. Với một chiếc búa, anh ta đập vành nón sắt của người lính để bắt đầu cuộc “bức tử” pho tượng.


Thanh niên “băng đỏ”, hay còn gọi là “cách mạng 30/4”, đứng trên vai bức tượng người lính. Anh tiếp tục dùng búa giáng lên đầu bức tượng


Cuối cùng, anh ta giơ hai tay lên trời làm dấu hiệu… “chiến thắng”.


Bức tượng sau đó được buộc dây do một số người đứng ở dưới đất kéo xuống


Hai người lính TQLC từ từ ngả về phía tòa nhà Quốc hội. Khi bức tượng chạm đất, một đám bụi mù bốc lên giữa sự chứng kiến của một số phóng viên nước ngoài.


Một thanh niên “băng đỏ” leo lên đống đổ nát của bức tượng, trên tay cầm lá cờ “Giải phóng Miền Nam”

Ngoài việc lá cờ vàng với 3 sọc đỏ bị hạ xuống tại dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 để thay bằng cờ của Mặt trận Giải phóng miền Nam, người ta không thấy xuất hiện lá cờ đỏ sao vàng của miền Bắc dù bộ đội chính quy của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tràn ngập Sài Gòn.

Khi miền Nam thất thủ, lịch sử ghi nhận có 5 trường hợp tuẫn tiết. (1) Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ, Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh, tự sát lúc 11g ngày 30/4; (2) Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư Lệnh Quân Ðoàn 4, tự kết liễu đời mình lúc 11g30; (3) Chuẩn tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Phó Quân Ðoàn 4, tuẫn tiết lúc 8g45 tối ngày 30/04; (4) Chuẩn Tướng Trần Văn Hai, Tư Lệnh Sư Ðoàn 7 Bộ Binh, tự sát vào đêm 30/4; (5) Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Ðoàn 2, đã ra đi tại nhà vào cùng ngày.

Biến cố ngày 30/4/1975 đánh dấu sự chấm dứt của miền Nam và điều đáng ghi nhớ, đó cũng là ngày mà bức tượng TQLC bị “bức tử”, bị giựt sập trước tòa nhà Hạ viện. VNCH đã cáo chung nhưng hai anh lính TQLC không ra đi trong cô đơn vì vài giờ trước khi bị “bức tử” đã có một anh hùng khác cũng thác theo Sài Gòn ngay dưới chân các anh.

Người tự sát dưới chân tượng đài sáng ngày 30/4/1975 là Trung tá Cảnh sát Nguyễn Văn Long, Chánh Sở Tư Pháp Vùng I Chiến thuật, người mới từ Đà Nẵng di tản về Sài Gòn.


Trung tá Nguyễn Văn Long yên nghỉ dưới chân bức tượng hai người lính TQLC


Trung tá Nguyễn Văn Long sinh tại Phú Hội, Huế ngày 1/6/1919. Ông ra đi năm 1975, lúc đó 56 tuổi, là người cao niên nhất trong số các vị tuẫn tiết. (Ảnh của Jacques Pavlovsky)

Phải rất nhiều năm sau biến cố 30/4/1975 người ta mới lần tìm ra tung tích của Trung tá Nguyễn Văn Long. Năm 2003, nhà văn Giao Chỉ đã liên lạc được với một người con gái thứ 3 của ông tại San Jose:

“Bà Nguyễn thị Tâm năm nay ngoài 60, đã có cháu nội cháu ngoại nhưng mãi mãi vẫn là cô nữ sinh Đồng Khánh. Bằng một giọng nói xứ Huế pha tiếng Saigon, bà Tâm nói chuyện tuôn trào trôi chảy và đầy hãnh diện khi nhắc đến người cha anh hùng…”

Gia đình ông Long rất đông con, có tất cả 13 anh chị em, 6 trai 7 gái. Con trưởng là Thiếu úy biệt động quân Nguyễn Công Phụng (1942-1968) hy sinh tại Quảng Tín. Trong số 6 người con trai (Phụng, Hoàng, Minh, Tiến, Quang, Hội) có đến 5 người đi lính: 2 người vào Không quân, 1 Thiết giáp, 1 Cảnh sát và 1 Biệt động quân. Trong số 7 người con gái (Đào, Tâm, Thiện, Hòa, Hảo, Hiền, Huê) chỉ có 3 chị em ở Hoa Kỳ, số còn lại đều sống tại Việt Nam. Bà Tâm kể về những ngày cuối cùng:

“Lúc đó vào cuối tháng 3/75 ở Đà Nẵng ba vẫn làm việc trong trại, không về nhà. Hai cậu em không quân, một ở Đà Nẵng, một ở Biên Hòa. Một cậu đưa cả nhà vào sân bay Đà Nẵng chờ di tản. Nhưng rồi cũng không đi được. Vào ngày cuối cha về nhà không thấy gia đình. Ông nghĩ rằng vợ con có thể đã đi thoát trong phi trường. Ông xuống bãi và ra đi bằng tàu về Sài Gòn…”

Vào đến Sài Gòn đã có cô con gái lớn đón ông về ở tạm, lúc đó mới biết vợ con còn kẹt ở Đà Nẵng, ông Long vào trình diện Tổng nha Cảnh sát. Trưa 30/4/75 khi radio phát thanh lời Tổng thống kêu gọi đầu hàng, Trung tá Long, chỉnh tề trong bộ cảnh phục, đến bức tượng TQLC trước Quốc hội… Một  phát súng được bắn vào thái dương, ông ngã xuống và buông khẩu súng nhỏ theo lệnh Tổng thống! Khẩu súng tùy thân Trung tá Long vẫn mang theo từ Huế, Đà Nẵng vào đến Sài Gòn.
Nguyễn Ngọc Chính

**************************************************************************

Những đoản văn trích từ "Mùa Biển Động - Chương 157 " của Nguyễn Mộng Giác nói về  Trung tá Nguyễn Văn Long tuẫn tiết dưới chân bức tượng hai người lính Thuỷ Quân Lục Chiến:
Người Sài Gòn và cả người nước ngoài ngỡ ngàng trước cái chết của Trung tá Nguyễn Văn Long ngày 30/4/1975

Trên nóc Tòa Thị sảnh, một lá cờ Mặt trận thật lớn phất phới thay cho lá cờ vàng ngự trị ở đó từ bao nhiêu năm. Thiên hạ trước rạp Rex đang lóng ngóng nhìn tấm chân dung Hồ Chí Minh đang từ từ được kéo lên gắn choán hết phần lầu chóp của tòa công thự có kiến trúc cổ điển lai Pháp này. Các quán ăn, cửa hàng giải khát tại khu trung tâm thành phố đều mở cửa, khách khứa nườm nượp. Dân Sài gòn sợ chẳng bao lâu tiền cũ không xài nữa nên đua nhau vung tiền qua cửa sổ, nhậu nhẹt lu bù. Có người nghe đồn Cách mạng chủ trương sống khắc khổ cần kiệm, bây giờ không ăn nhậu cho đã sau này lại tiếc. Quán Givral không còn một ghế trống. Hai anh em thấy hàng người đứng chờ bên ngoài còn dài, nên chán nản bỏ qua ngồi ở cái ghế đá công viên trước Quốc hội. Pho tượng hai Thủy quân lục chiến vẫn tiếp tục chỉa họng súng vào cái nhà hát vắng đào kép. Ngữ trỏ lên ngọn cây muồng trước Quốc hội bảo em:

- Nếu những cây này biết nói và viết, thì chắc chúng là những tay viết sử tài ba.

Không nghe Lãng nói gì, Ngữ khó chịu quay nhìn em. Lãng đang mải chăm chú theo dõi cử chỉ hành động một người đàn ông khoảng bốn mươi tuổi mặc áo mưa xanh đậm loại của Không quân đang từ phía Tòa Thị chính băng qua đường, qua công viên Lê Lợi, tiến gần tới chỗ hai anh em ngồi. Qua khỏi cái ghế đá, người đàn ông tiến tới chỗ bục đặt tượng, ngước nhìn hai anh lính Thủy quân lục chiến một lúc.

Lãng khôi hài:

- Chắc là một "người anh em" từ Bắc vào. Hắn vào tới đây vẫn còn ớn binh chủng của em, anh thấy không?

Ngữ hỏi:

- Sao mày biết?

Lãng đáp:

- Trời nóng chảy mỡ thế này mà mặc áo mưa là một sự lạ. Loại áo nhà binh này, dân Sài gòn lo vứt đi đốt đi cho mau mà hắn còn mặc, là hai sự lạ. Chỉ có mấy anh Vẹm vừa vào mua được cái áo tốt quá, mừng húm, ninh vào liền để đi khoe. Anh thấy đúng không?

Hai anh em cũng cười. Ngữ phục thằng em út thông minh, rồi từ đó cả hai anh em lặng lẽ quan sát "người anh em".

Ông ta đứng nhìn hai pho tượng khá lâu, rồi nhìn quanh như có ý chờ đợi ai. Nét mặt ông ta khắc khoải, lo lắng. Ngữ đoán có lẽ "người anh em" từ rừng về lạ nước lạ cái đã đi lạc, không biết đường về cơ quan. Nếu không có lòng tự ái của kẻ thua trận, có lẽ Ngữ đã tiến tới gần chỉ dẫn giùm lối về cho ông ta rồi. Nhưng làm thế thì còn mặt mũi nào! Họ mới vào có hai ngày đã phải sợ sệt quỵ lụy như thế sao.

Người đàn ông nhìn quanh quất một lúc, rồi đứng nghiêm, nhìn thẳng về phía Quốc hội. Ông ta mở cái gói giấy từ lúc đầu vẫn kẹp ở nách bên phải ra trải trên cái ghế đá gần đó. Hình như bàn tay ông hơi run. Ngữ và Lãng càng tò mò hơn. Đang cúi xuống mở nút dây buộc, đột nhiên người lạ ngước lên nhìn thẳng về phía hai anh em Ngữ. Ánh nhìn thảng thốt, ngờ vực. Sợ ông ta khó chịu, Ngữ quay mặt đi, giả vờ như đang mải nhìn cảnh xe cộ chen chúc trên đường Tự do.

Lúc Ngữ quay lại, chàng đã thấy người lạ đội cái mũ két sĩ quan lên đầu và đang đứng thẳng cởi nhanh hàng nút áo mưa.

Lạ thật! Ông ta điên hay sao? Người đàn ông cởi áo mưa thật nhanh, và khi ông vất cái áo mưa xuống đất, Ngữ sững sờ: ông ta mặc nguyên bộ lễ phục của sĩ quan cảnh sát.

Không để cho hai anh em Ngữ ngạc nhiên lâu hơn, người đàn ông đứng thẳng người, mắt nhìn thẳng vào hướng Quốc hội, rồi rút súng lục từ túi quần ra tự bắn vào đầu. Tiếng súng nổ nhỏ thôi, nhưng hai anh em Ngữ đều bàng hoàng sợ hãi. Ngữ bật đứng dậy. Viên Sĩ quan Cảnh sát ngã ngửa ra, nằm thẳng, đầu hướng về phía Quốc hội. Thân người ông oằn lên một chút rồi nằm trở lại thế ngửa, hai chân dang ra. Hình ảnh cuối cùng Ngữ thấy được là hai chân người hấp hối cố gắng... cố gắng hết sức để khép lại, cho đúng thế nghiêm.

Người hai bên phố ùn ùn kéo đến. Ngữ và Lãng sợ rắc rối nên chạy qua phía Givral, cố tìm một chỗ trong quán kem để vừa giải khát cho đỡ hồi hộp vừa quan sát tiếp chuyện sắp tới.

Bên kia tấm vách kính tiệm kem sang trọng, hai anh em chỉ thấy toàn lưng với lưng. Có tiếng xe cứu hỏa hú còi. Đám đông bên công viên Lê Lợi sợ hãi chạy giạt ra xa chỗ hai pho tượng. Nhờ thế, Ngữ thấy xác viên sĩ quan cảnh sát đã được phủ bằng một tấm vải trắng. Tấm vải hơi ngắn, chỉ phủ được thân người và cái đầu. Đôi chân người chết ló ra ngoài. Hai mũi giày da đã khép chặt lại nhau, mũi giày thẳng đứng lên trời đúng theo thế nghiêm.

**************************************************************************
Nhà văn Duyên Anh trong “Sài Gòn Ngày dài nhất” viết về Trung tá Nguyễn Văn Long như sau:



Chương 7

Tôi không hiểu, trong Dinh Độc Lập, Dương Văn Minh và bọn hàng thần lơ láo đến mức độ nào trước ống kính xấc xược của bọn phóng viên Cộng Sản và trước những câu hạch hỏi hỗn láo của bộ đội giải phóng cấp tá. Họ có nghe những tiếng súng danh dự, trách nhiệm, tổ quốc của lính văn nghệ diệt T-54 ở cầu Thị Nghè, của lính nhẩy dù cách cổng Dinh Độc Lập chẳng bao xa? Chúng tôi vào trung tâm thành phố. Dân chúng đang bu kín công viên dựng hai người chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam họng súng nhắm thằng vào Hạ Viện. Những chiếc loa gắn trên cây cao đã oang oang giọng nói mới chào mừng giải phóng miền Nam. Bài hát “Tiến vào Sàigòn ta quét sạch giặc thù” muốn rung chuyển thành phố. Nhưng trời vẫn thiếu nắng. Cộng Sản đã tiếp thu Đài phát thanh, Bưu điện… Giọng nói cầy cáo của Lý Quý Chung và ca khúc “Nối vòng tay lớn” không còn nữa.

Chúng tôi lách đám đông. Dưới chân tượng đài của Thủy Quân Lục Chiến, xác một người cảnh sát nằm đó. Máu ở đầu ông ta chảy ra tươi rói. Người sĩ quan cảnh sát đeo lon trung tá. ông ta mặc đồng phục màu xanh. Nắp túi ngực in chữ Long. Trung Tá Cảnh Sát Long đã tự sát ở đây. Cộng Sản để mặc ông ta nằm gối đầu trên vũng máu. Phóng viên truyền hình Pháp quay rất lâu cảnh này. Lúc tôi đến là 14 giờ 30. Dân chúng đứng mặc niệm Trung Tá Long, nước mắt đầm đìa. Những người không khóc thì mắt đỏ hoe, chớp nhanh. Tất cả im lặng, thây kệ những bài ca cách mạng, những lời hoan hô bộ đội giải phóng.

Trung Tá Long đã chọn đúng chỗ để tuẫn tiết. Tướng giữ thành Sàigòn là Tổng Trấn Sàigòn đã đào ngũ. Tướng giữ thành Sàigòn là Đô Trưởng Sàigòn đã đào ngũ. Tướng giữ thành Sàigòn là Tổng Giám Đốc Cảnh Sát quốc gia đã đào ngũ. Không có Hoàng Diệu, ở những trạng lịch sử chó đẻ của thời đại chúng ta. Và trên những tiểu thuyết đấu tranh, những hồi ký chiến đấu của những con người tự nhận sống hùng mọi hoàn cảnh, người ta không thấy một dòng nào viết về cái chết tuyệt vời của Trung Tá Cảnh Sát tên Long. Cộng Sản đã chẳng ngu dại phong anh hùng, liệt sĩ cho quốc gia. Họ độc quyền anh hùng, liệt sĩ. Ở những cuộc đấu thầu anh hùng, liệt sĩ quốc gia tại hải ngoại, chưa thấy một nén tâm hương tưởng mộ Trung Tá Long. Có lẽ, liệt sĩ đích thật không lãi lớn bằng liệt sĩ giả vờ thế thì thời đại chúng ta đang sống là cái thời đại gì nhỉ? Nó không chịu, không thích vinh tôn cái thật, đã đành, nó còn nhận chìm cái thật và vấy bẩn lên cái thật một cách thô bạo, ẩn ý và lạnh lùng. Khi cái thật bị nhận chìm, bị vấy bẩn, cái giả nổi bật, sáng giá và chói lọi, thơm tho. Như vậy, mọi giá trị về tinh thần, về đạo nghĩa bị nhận chìm theo. Rốt cuộc, bọn giả hình sống với cái giả của chúng, huyễn hoặc mọi người bằng cái giả với bạo lực của quyền uy hợp pháp và cả quyền uy ảo tưởng hậu thuẫn. Và người công chính thụ động, buông xuôi. Cuối cùng, con cháu chúng ta sẽ chỉ biết liệt sĩ đất sét, anh hùng gian dối, vĩ nhân phường tuồng.

Tôi muốn biểu dương Trung Tá Long như Hoàng Diệu hôm nay, Hoàng Diệu của Sàigòn. Ông ta đang nằm kia, dưới chân tượng đài Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam anh dũng. Máu Trung Tá Long đã thấm xuống lòng đất mẹ. Cái chết của Trung Tá Long nếu chưa thức tỉnh được sự u mê của thế giới tự do thân Cộng, của bọn phản chiến làm dáng thì, ít ra, nó cũng biểu lộ cái khí phách của một sĩ quan Việt Nam không biết hàng giặc. Tôi không mấy hy vọng cái chết của Trung Tá Long lay động nổi cái bóng tối vô liêm sỉ trùm đặc tâm hồn những ông tướng đào ngũ. Chúng ta hãnh diện làm người Việt Nam lưu vong vì chúng ta còn Trung Tá Long không đào ngũ, không đầu hàng giặc và biết chết cho danh dự miền Nam, danh dự của tổ quốc.

– Tôi chứng kiến tự phút đầu.

– Ông nói sao?

– Tôi nhìn rõ ông ta rút súng bắn vào thái dương mình.

– Thật chứ?

– Đáng lẽ tôi phải nói dối.

– Tại sao?

– Vì nói thật lúc này không có lợi.

Tôi nghe hai người Sàigòn nói chuyện. Và tôi được nghe “Huyền sử một người mang tên Long” do một trong hai người kể. Truyện như vầy: 10 giờ 30, Dương Văn Minh đọc lệnh đầu hàng, quân đội và cảnh sát tuân lệnh Tổng Thống, lột quần áo, giầy vớ, nón mũ, vất súng đạn bỏ chạy về nhà mình hay nhà thân nhân của mình. Một mình Trung Tá Long không lột chiến bào, không phi tang tích huân chương, không liệng súng đạn. Trung Tá Long từ nơi nào đến, chẳng ai rõ. Ông xuất hiện ở công viên trước Hạ Viện hồi 12 giờ. Ngồi trên ghế đá, ông ta trầm ngâm hút thuốc. Rồi ông ta nhìn trước, nhìn sau, ngó ngang, ngó dọc. Rồi ông ta đưa tay ôm lấy đầu, cúi thấp. Khi ấy, Sàigòn đã ồn ào tiếng hoan hô Cộng Sản giải phóng. Bất chợt, ông ta đứng dậy, chậm rãi bước gần chân tượng đài. Trung Tá Long đứng thẳng. ông ta ngẩng mặt. Thản nhiên, ông ta rút khẩu Colt, kê họng súng vào thái dương mình bóp cò. Tiếng đạn nổ trùm lấp tiếng hoan hô Cộng Sản. Trung Tá Long đổ rạp.

– Đó, diễn tiến cái chết của Trung Tá Long.

– Ông có mặt ở đây trước lúc Trung Tá Long xuất hiện?

– Phải. Tôi tuyệt vọng, không thiết về nhà nữa.

– Rồi sao?

– Dân chúng bu quanh xác Trung Tá Long. Cộng Sản chưa có thì giờ kéo xác ông ta đi. Phóng viên truyền hình Pháp thu cảnh này kỹ lắm. Chỉ tiếc họ đã không thu được cái oai phong lẫm liệt của Trung Tá Long. Họ đến quá chậm và họ chỉ quay phim một xác chết. ông hãy nhìn cho kỹ. Trung Tá Long tuẫn tiết cùng chiến bào, cùng cấp bậc, cùng tên mình.

Tôi đã nhìn kỹ. Lịch sử của chúng ta đã có những vị anh hùng chỉ có tên mà không có họ. Như Đô Đốc Tuyết, Đô Đốc Long… Hôm nay, chúng ta có thêm Trung Tá Long. Những ai sẽ viết lịch sử? Và liệu sử gia đời sau có soi tỏ niềm u ẩn của Trung Tá Long chảy máu mắt nhìn quê hương lạc vào tay quân thù mà bất lực cứu quê hương, mà chỉ còn biết đem cái chết tạ tội quê hương, dân tộc. Đã hàng tỉ tỉ chữ viết về những chuyện khốn nạn, viết về những tên khốn kiếp, viết về những sự việc khốn cùng. Dòng chữ nào đã viết về Trung Tá Long? Người ta đã viết cả pho sách dày cộm để nguyền rủa xác chết. Người ta cũng đã viết cả pho sách dầy cộm để suy tôn xác sống. Người ta ồn ào. Người ta vo ve. Dòng chữ nào đã viết về Trung Tá Long? Ai đã làm công việc sưu tầm lý lịch đầy đủ của vị liệt sĩ đích thực này? Than ôi, lịch sử đã hóa thành huyền sử. Cho nên người ta nhìn quốc kỳ mà không cảm giác linh hồn tổ quốc phấp phới bay. Chúng ta đang bị sống trong cái thời đại của những ông tướng đào ngũ, của những ông tổng trưởng đào nhiệm không hề biết xấu hổ. Thời đại của chúng ta còn đòi đoạn ở chỗ, kẻ sĩ và kẻ vô lại đồng hóa trong “lý tưởng” nguyền rủa xác chết và suy tôn xác sống.

Xưa, Hàm Nghi 8 tuổi, hỏi cận thần:

– Tay bẩn lấy gì rửa?

Cận thần đáp:

– Nước.

Hàm Nghi hỏi thêm:

– Nước bẩn lấy gì rửa?

Cận thần ngơ ngác:

– Tâu bệ hạ, thần không hiểu.

Hàm Nghi nói:

– Nước bẩn lấy máu mà rửa!

Trung Tá Long đã lấy máu rửa một vết ô nhục 30-4. Lính nhẩy dù đã lấy máu rửa một vết ô nhục 30-4. Lính văn nghệ đã lấy máu rửa một vết ô nhục 30-4. Những kẻ tạo ra ô nhục 30-4 lấy gì nhỉ? Họ đang cầm ca, cầm đĩa xếp hàng ngửa tay lấy cơm, lấy nước ở đảo Guam. Biết đâu chẳng xẩy ra tranh cơm như tranh quyền bính. Và biết đâu chẳng bị ông quân cảnh Mỹ đen tặng một vài cái tát xiếc! Những kẻ này vẫn thừa thãi vô liêm sỉ để họp bàn, hiến kế cứu nước. Lịch sử lại thêm vài phụ trang chó đẻ.

Giải phóng quân đã đổ đầy trước thềm Hạ Viện. Cỏ đuôi chó hoan hô tưng bừng. Dân chúng chiêm ngưỡng Trung Tá Long tản mạn. Trung Tá Long nằm nguyên chỗ ông ngã rạp cho máu rửa nhục Sàigòn. Giã từ liệt sĩ! Vĩnh quyết liệt sĩ. Xin hãy phù hộ tôi kéo dài cuộc sống hèn để có ngày được viết vài dòng về Trung Tá.

Đặng Xuân Côn và tôi qua Hạ Viện. Ở đây, chỉ có bộ đội của Mặt trận giải phóng miền Nam mà người ta quen gọi là quân giải phóng. Quân giải phóng mặc quần áo bà ba, quấn khăn rằn, đội mũ tai bèo, chân mang giép râu. Nhiều người mặc quần xà lỏn. Bộ đội miền Bắc mặc đồng phục, đội nón cối, mang giép râu luôn. Quân giải phóng treo cờ Mặt trận, thay thế cờ vàng ba sọc đỏ. Khi lá cờ của Việt Nam Cộng Hoà bị vất xuống, cỏ đuôi chó bày tỏ lòng căm hờn Mỹ-Ngụy, xúm nhau giành giật, xé nát. Có đứa dẵm dí dưới chân mình. Có đứa quấn quanh hạ bộ. Bây giờ, tôi đã nhận diện cỏ đuôi chó. Chúng nó là sinh viên ồn ào xuống đường tranh đấu năm xưa. Chúng nó là mấy thằng ký giả thân Cộng Sản. Chúng nó cách mạng hơn cách mạng. Chúng nó giải phóng hơn giải phóng. Truyền hình Tây Đức thu hết cảnh tượng này. Cỏ đuôi chó ôm quân giải phóng hôn hít thắm thiết, đưa thuốc lá mời mọc vồn vã, chuyện trò thân mật. Tôi cố gắng quan sát và chỉ quan sát giải phóng quân.

Trên thềm Hạ Viện, một gã giải phóng quân béo tròn trùng trục. Anh ta để ria. Mặt mày nở nang, phấn khởi. Mặc quần xà lỏn, chân đất, anh ta đeo hai giây đạn tréo trước ngực như Django. Chưa đủ, anh lính giải phóng máng hai khẩu Colt trễ xuống gần đầu gối. Trông anh ta hề như Fernando Sanchoz. Đó là hình ảnh người lính giải phóng không đội mũ tai bèo. Rõ ràng một thứ thảo khấu. Giải phóng quân vào thành phố còn đeo lá cây ngụy trang. Tôi nhìn những quả đạn B-40, B-41, những quả đạn này đã thụt sập nhiều nhà cửa, đã sát hại vô số lương dân hồi Mậu Thân. Người Sàigòn chưa quên một đám tang tập thể. Những chiếc quan tài khiêng qua khắp đường phố. Lúc này, người Sàigòn đứng đây, ngẩn ngơ nhìn cỏ đuôi chó “ôm hôn thắm thiết” những kẻ đã âm mưu giết mình.

Tôi vừa hiểu tại sao hôm nay Sàigòn không có nắng. Nếu tôi có thể có mặt ở khắp đầu đường, góc phố, xó chợ, gầm cầu Sàigòn hôm nay? Không ai có thể có cái có thể này. Tự nhiên, tôi cảm giác mình được an ủi vì đã được sống với Sàigòn từng phút giây buồn bã của Sàigòn 30-4. Tự nhiên, tôi cảm giác trời đất cũng chia xẻ nỗi buồn Sàigòn. Có tiếng la hét ở công viên nơi Trung Tá Long tuẫn tiết. Chúng tôi chạy sang, đứng trước cửa Sàigòn ngân hàng.

***

Một nhánh cỏ đuôi chó, tên lính sư đoàn 304, leo lên tượng đài Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam. Nó buộc hai sợi giây cáp vào cổ hai pho tượng. Nó siết chặt, kỹ lưỡng. Nó dùng cái búa bổ mạnh trên đầu pho tượng cao nhất. Cỏ đuôi chó hồ hởi phấn khởi reo hò. Ống kính điện ảnh của Cộng Sản thu kỹ cảnh này, cảnh mà họ đã dàn cảnh. Phóng viên truyền hình Pháp, Mỹ, Đức, Nhật… quay không tiếc phim. Phía dưới, cỏ đuôi chó, búa dài, búa ngắn chuẩn bị đập phá tượng đài. Xác Trung Tá Long đã được kéo lết ra xa. Vũng máu bất khuất của ông chưa kịp khô. Khi tên cỏ đuôi chó ở trên tụt xuống, cỏ đuôi chó ở dưới xúm nhau lại đập nát chân hai pho tượng Cộng Sản thuyết minh là “nhân dân Sàigòn đã biểu lộ lòng căm thù Mỹ-Ngụy cao độ.” Rồi tất cả cỏ đuôi chó kéo hai sợi giây cáp Pho tượng Thủy Quân Lục Chiến từ từ ngã rạp. Cỏ đuôi chó vỗ tay, hoan hô Cộng Sản. Truyền hình Pháp diễn giải: “Biểu tượng của miền Nam sụp đổ.”

Vỗ vai tôi, Côn nói:

– Đi chỗ khác, Long.

Tôi hỏi:

– Đi đâu?

– Đi đâu không có cảnh ô nhục này.

– Phải ở đây mà nghiến răng nuốt nhục.

Tôi không biết đã có người lính Thủy Quân Lục Chiến nào chứng kiến cảnh tượng này. Tôi cũng không biết ông tướng Lê Nguyên Khang, ông tướng Bùi Thế Lân đã xem những thước phim giật đổ tượng đài Thủy Quân Lục Chiến mũi súng nhắm thẳng Hạ Viện chưa. Rất bất bình với tượng đài khi người ta dựng lên. Thủy Quân Lục Chiến, những người lính của dân tộc, của tổ quốc, của quê hương như tất cả lính của các binh chủng khác, đã bị bọn ngu xuẩn nịnh bợ chế độ quân phiệt độc tài dùng làm bình phong đe dọa lập pháp, chế ngự dân sự. Tại sao họng súng nhắm thằng Hạ Viện? Lúc này, 16 giờ thiếu 10 phút, đứng ngắm hai pho tượng ngã gục, nứt vỡ, tôi quên bất bình cũ. Và cứ tưởng những nhát búa bổ xuống đầu pho tượng là những nhát búa bổ xuống đầu mình.

– Đã có những ông tướng đào ngũ nuốt nhục giùm mày bên Mỹ.

– Bọn bất tri vong quốc hận ấy nuốt gì? Chúng nó đã nuốt máu xương của lính, chúng sẽ tiếp tục nuốt tiền bán xương máu lính.

Lảng chuyện, Côn hỏi tôi:

– Trong Dinh Độc Lập có gì lạ?

Tôi dịu giọng:

– Có gì lạ? Tôi đang muốn biết đây…

HÀNG THẦN VÀ HÀNG THẦN BẤT ĐẮC DĨ

Cuốn phim tài liệu của Cộng Sản nhan đề Tháng 5, những khuôn mặt do Đỗ Chu* viết lời thuyết minh, chiếu ở các rạp Sàigòn ngay trong tháng 6-1975 đã khiến dân Sàigòn buồn nôn. Nó mở ra bằng cảnh trống vắng của phòng họp của Hội đồng An ninh Quốc gia trong Dinh Độc Lập. Nó vào bằng cảnh triều đình Dương Văn Minh quy hàng. Rồi nó bung ra những xóm lao động tăm tối trước tháng 4-1975. Nó giới thiệu đầy đủ khuôn mặt cỏ đuôi chó buổi sáng một tháng 5-1975. Những chủ báo nào vác cờ đỏ sao vàng. Những nhà văn nào căng khẩu hiệu chào mừng cách mạng… Mẩu bài này chỉ viết về những khuôn mặt hàng thần bất đắc dĩ.

Khuôn mặt thứ nhất là tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, phó Thủ Tướng đặc trách Kinh Tế, Tài Chính kiêm Tổng Trưởng Canh Nông của nội các Trần Thiện Khiêm. Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo đã mất hết chức tước từ khi Nguyễn Văn Thiệu thoái vị, nhường ngôi cho thầy giáo Trần Văn Hương. Nội các Nguyễn Bá Cẩn không có tiến sĩ Hảo. Nội các Vũ Văn Mẫu không có tiến sĩ Hảo. Ông tiến sĩ họ Nguyễn đã quá xa “chính quyền” bằng hai đời… tổng thống. Tại sao ông ta lại có mặt trong đám hàng thần lơ láo ở Dinh Độc Lập trưa 30-4-1975?

Truyện kể rằng, tiến sĩ kinh tế Nguyễn Văn Hảo và thống đốc ngân hàng Lê Quang Uyển đem bầu đoàn thê tử leo lên nóc ngân hàng Việt Nam Thương Tín, đường Hàm Nghi, từ sáng 29-4. Đây là điểm hẹn của người Mỹ. Tiến sĩ Hảo và thống đốc Uyển tin chắc người Mỹ không thể, không nỡ bỏ rơi hai ông. Hai ông kiên nhẫn chờ đợi. Sáng qua, trưa tới, tối đến… Trực thăng Mỹ vẫn chưa đến. Sao không thấy em lại? Tiến sĩ Hảo và thống đốc Uyển chơi một đêm không ngủ trên nóc ngân hàng Việt Nam Thương Tín. 9 giờ ngày 30-4, biết chính xác bị người Mỹ cho đi tầu suốt, hai ông dắt díu bầu đoàn thê tử xuống đường. Thống đốc Lê Quang Quyền về nhà lo sợ biển máu. Rồi ông trình diện học tập cải tạo. Trại cuối cùng của ông là Hàm Tân Z30D. Ở đây, thống đốc Uyển đã nổi tiếng là người phá kỷ lục ăn thịt chuột. Ông ăn đủ các loại chuột. Chẳng hiểu sự ăn chuột có giúp ông soi sáng nghĩa đời hôm nay, khi ông hiển vinh tại Kuweit? Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo không về. Ông bảo bà Cao Thị Nguyệt về căn nhà đầu đường Miche, gần nghĩa địa Mạc Đĩnh Chi và bà vợ nhỏ về căn nhà đường Yên Đổ. Còn ông tiến sĩ Hảo chạy vô Dinh Độc Lập làm hàng thần lơ láo.

Mưu của tiến sĩ Hảo rất cao. ông sẽ thoát biển máu vì quốc tế chứng kiến ông “hàng” ở Dinh Độc Lập. Cộng Sản khó thủ tiêu ông ta. Có thể, Cộng Sản còn đánh giá cao cái thiện chí… hàng của tiến sĩ Hảo. Y trang. Tiến sĩ Hảo, nhờ khuôn mặt nghiêm túc trong những thước phim Tháng 5, những khuôn mặt mà sau 30-4 lại phom phom mặc sơ-mi hoa hòe hoa sói lái DS-19 chạy rông trên nỗi quằn quại của Sàigòn. ông ta tiếp tục chơi ten-nít ở sân quần vợt Duy Tân, Hồng Thập Tự. Rồi ông ta ra Bắc “tham quan” và nghiên cứu tình hình kinh tế xã hội chủ nghĩa. Rồi cùng tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh, ông ta giúp Võ Văn Kiệt “mở bung kinh tế” thành phố Hồ Chí Minh. Rồi ông ta leo lên Air France… di tản – cũng có thể gọi là tỵ nạn chính trị – và được phép mang theo cả trăm chiếc áo dài thêu sẵn làm vốn lưu vong.

Hàng thần lơ láo “tỵ nạn chính trị” bên Pháp có Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Hảo. Dương Văn Minh còn biểu diễn xé giấy thông hành qua cửa phi trường Tân Sơn Nhất do Cộng Sản cấp phát khi máy bay của Air France sắp đáp xuống Charles de Gaulle! Nguyễn Văn Hảo thì tiết lộ Nguyễn Văn Thiệu đã ăn cắp vàng của quốc gia mang theo. Tự nhiên, hàng thần lơ láo đổi màu như kỳ nhông, biến thành những người yêu nước chống Cộng. Nguyễn Văn Hảo tình nguyện làm hàng thần lơ láo thì được, vì ông ta đã từng là phó thủ tướng. Nhưng nghị sĩ Nguyễn Văn Huyền sao cũng cam đành làm hàng thần? Ông ta do dân bầu. Dân đâu có hàng giặc. Dân đâu có thua trận. Nghị sĩ Huyền mình hạc vóc mai không thể leo lên hàng rào phi trường Tân Sơn Nhất được. Ông ta trở về. Thay vì đợi số phận mình chìm trong biển máu hay đem tấm thân già tạ lòng cử tri, ông ta vẫn tham sinh bon chen vào đám hàng thần. Rồi ông ta cũng đã chết già, chết bệnh. Cái chết của ông không để lại một ý nghĩa sống nào cho đời sống kế tiếp. Rốt cuộc, những vạt nắng óng lên trong hoàng hôn của lịch sử hiu hắt Sàigòn chỉ là máu lính văn nghệ cầu Thị Nghè, máu lính nhẩy dù đại lộ Thống Nhất, máu Trung tá cảnh sát Long dưới chân tượng đài Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam.

No comments:

Post a Comment