Monday, January 22, 2018

Ảo Ảnh Phú Quí - Ngô Viết Trọng



Giọng đọc: Hoàng Tín


Hồi tôi mới đến Mỹ, Sửu - một người bạn cũ ở thành phố S. rủ tôi về nhà hắn chơi vài ngày. Sửu sang Mỹ sớm nên cuộc sống lúc đó đã khá ổn định. Nhà Sửu ở một khu nhà mới xây dựng, gần một công viên khá lớn. Nhờ thế, cả nhà Sửu đều coi công viên này như nơi tập thể dục, chơi đùa hay nghỉ ngơi của mình.

Khi vợ chồng Sửu hỏi thăm về cuộc sống của tôi lúc ấy, tôi thành thật nói:

- Mình mới đến Mỹ vài tháng, ăn trợ cấp cả nhà. Hai vợ chồng mình đều vụng về, con cái lại còn nhỏ. Không biết rồi khi bị cắt trợ cấp gia đình sẽ ra sao đây.

Sửu cười cười rồi nói:

- Lo gì chuyện đó. Mỹ là đất nước của cơ hội cho người giỏi mà. Tánh mày siêng năng chăm chỉ đâu thua ai. Cứ kiên trì học hành một thời gian để hoàn chỉnh ngôn ngữ cho sẵn, công việc sẽ không thiếu chi đâu. Còn bọn trẻ chúng tiếp thu nhanh lắm, chỉ cần coi chừng đừng để chúng đi sai đường là được. Biết đâu một thời gian sau mày sẽ thành triệu phú đấy!



Ba tiếng “thành triệu phú” khiến tôi bật cười. Nhưng Sửu lại nói:

- Mày không tin ư? Tao kể cho mày nghe. Ở đây có ông Bảo, ông vượt biên với bốn đứa con trai nhỏ. Đến Mỹ chỉ với hai bàn tay trắng, ông ta vừa chạy vạy nuôi con vừa tự học. Thế mà một thời gian sau ông ta đã trở thành một chuyên viên địa ốc rất thành công. Bây giờ thì ông ta đã thành một đại gia có tiếng trong cộng đồng người Việt. Bốn đứa con ông ta đều học hành khá, cũng sắp thành kỹ sư bác sĩ cả đấy.

Vợ Sửu cũng cười nói thêm:

- Để chứng tỏ nói có sách mách có chứng, ngay chiều nay tụi tôi mời anh Mẫn đến gặp mặt con người thành công ấy cho biết! Anh có thể đối diện ông Bảo để hỏi bí quyết mà áp dụng.

Tôi tức cười vội xua tay:

- Xin bái chị Sửu đi! Mới gặp mà đường đột hỏi bí quyết chắc ông ta đuổi ra khỏi nhà gấp!

Sửu cũng tức cười nói tiếp:

- Không phải bà xã tao nói đùa với mày đâu. Thật sự ông đại gia ấy có mời vợ chồng tao đến dự tiệc mừng “thôi nôi” đứa con gái ổng chiều này. Mày đến đây hôm nay cũng hên, chiều nay đi với vợ chồng tao tới dự cho vui. Ông Bảo có mời cả một ban văn nghệ gồm nhiều nghệ sĩ danh tiếng ở hải ngoại đến trình diễn giúp vui. Nghe đâu chỉ vụ đó cũng ngốn hơn chục ngàn đô rồi.

- Vậy mình phải mua vé sao?

- Không, chủ nhân chỉ mời những người thân tình thôi. Khách được mời cứ tùy hỉ tặng quà chứ vé viếc gì! Nhà tao cũng có nhiều ân tình với ổng. Mày là bạn của tao đến dự đâu có sao.

- Chơi sang vậy sao? Tiệc mừng “thôi nôi” một bé gái mà tổ chức rềnh rang đến thế à? Hay người ta kết hợp với một sự việc nào khác nữa?

Lần này chị Sửu nói với giọng hơi mỉa mỉa:

- Ông thích thì ông làm chứ kết hợp gì. Làm ra tiền như nước, tiêu một việc nhỏ này đâu nhằm nhò gì. Họ mời mình đi ăn thì cứ việc đi anh Mẫn ơi. Anh đừng ngại, không đi cũng uổng thôi.

Tôi thật chưa hiểu chi cả. Nhưng nếu Sửu bảo đi thì cứ đi. Chuyện của người ta thắc mắc làm gì. Thế là ngay chiều ấy tôi theo vợ chồng Sửu đi dự tiệc.

Khi bước vào nhà hàng tôi thấy người ta đã chuẩn bị sẵn sàng cả. Một nhóm nhạc công đang dợt đàn với trống trên sân khấu. Quanh tường cũng thấy treo sẵn mấy màn hình để chiếu “slide show”. Ban tiếp tân là một toán thanh niên ăn mặc lịch sự, thay nhau đón khách dẫn đến từng bàn. Bàn nào cũng có chưng bình hoa cùng những chai rượu nhiều loại và xếp sẵn ly chén. Về thức ăn thì khách tự đến quày phục vụ để chọn lấy các món sở thích ít nhiều tùy sức.

Khi người điều khiển chương trình tuyên bố lý do tổ chức bữa tiệc cũng là lúc các ca sĩ và diễn viên đến. Đoàn nghệ sĩ này khoảng trên mười người. Đây là lần đầu tiên tôi được thấy con người thật của các danh ca Thanh Tuyền, Trường Vũ… và cả danh hài Vân Sơn.

Mở đầu là mục vợ chồng chủ nhân ra chào mừng quan khách. Ông Bảo, là một người đàn ông trung niên, dáng tầm thước nhưng có vẻ chững chạc, cung cách từ tốn, ăn nói lưu loát, nhỏ nhẹ. Trong khi ông Bảo chào mừng thực khách thì trên các màn hình bên tường cũng chiếu những hình ảnh đứa bé gái lần lượt từ lúc lọt lòng mẹ cho đến hôm đó. Hình ảnh nào cũng đẹp đẽ, dễ thương. Người vợ chủ nhân tay bồng đứa bé, ăn mặc trông lộng lẫy và trẻ hơn chồng nhiều. Bà không phát biểu lời nào mà chỉ nở những nụ cười duyên dáng khi chào khách.

Sau đó tới phần văn nghệ, mục nào cũng được khán giả nhiệt liệt tán thưởng.

Về phần ẩm thực, ai cũng khen đồ ăn thức uống dồi dào, có nhiều món lạ miệng, hấp dẫn. Riêng tôi chẳng quen biết ai ngoài vợ chồng Sửu nên rất ít chuyện trò, cứ việc ăn uống lai rai và xem văn nghệ. Nói chung, hôm đó tôi đã được thưởng thức một bữa tiệc tuyệt vời.

Sau bữa tiệc, khi về nhà xong, vợ Sửu hỏi tôi:

- Anh Mẫn thấy bữa tiệc thôi nôi con gái của ông Bảo tổ chức như vậy có được không?

Tôi không hiểu chị hỏi với ý gì nên đáp:

- Sang lắm, không chê vào đâu được.

Vợ Sửu cười cười:

- Không chê vào đâu được? Anh không nghe người ta xầm xì gì cả sao?

Thật sự cũng có nghe thiên hạ xì xào bàn tán nhưng tôi không quan tâm nên nói:

- Tôi chỉ nghe người ta khen hát hay, diễn đẹp, bia rượu đầy đủ, thức ăn món nào cũng hấp dẫn thôi.

- Tại anh lạ mặt nên không ai nói với anh thôi. Tội nghiệp cho ông Bảo, đã bỏ ra bao nhiêu tiền để mời người ta ăn uống và thưởng thức một buổi văn nghệ tuyệt vời như thế mà vẫn bị người ta chê cười. Dư tiền mà xài không đúng cách cũng khổ!

Nghe câu nói mỉa mỉa ấy, hình ảnh chênh lệch về tuổi tác giữa vợ chồng ông Bảo hiện ngay ra trong đầu óc tôi. Phải chăng đó là một nguyên nhân khiến ông Bảo phải tổ chức bữa tiệc thôi nôi rềnh rang ấy? Nghĩ vợ chồng Sửu biết nhiều về vụ này, tôi thả một câu để tìm hiểu thêm:

- Người ta quí con, người ta lại làm ra của, bỏ một ít của ra lo cho con thì có gì là quá đáng đâu?

Quả nhiên chị Sửu lên tiếng ngay:

- Anh chưa rõ chuyện đâu! Một đứa con gái, lại là con của cô vợ sau trong khi chủ nhân đã có bốn đứa con trai thì quan trọng nỗi gì? Lại nữa, mới khoảng nửa năm đây thôi, bà mẹ ông Bảo từ Việt Nam sang thăm ở lại mấy tháng mà ông ta có tổ chức được gì ra trò cho bà mẹ thỏa mãn đâu? Bất quá ông lén dúi cho mẹ được một ít tiền!

Thấy vợ hơi quá lời, Sửu chận lại:

- Đèn nhà ai nấy sáng! Mình người ngoài làm sao rõ được chuyện trong gia đình họ. Biết đâu ông ta cũng muốn tổ chức gì đó cho bà mẹ mà mẹ ông ta lại không chịu thì sao? Có phải vậy không Mẫn?

Tôi ngại làm phật lòng chị Sửu, lúng túng chưa đáp kịp thì Sửu tiếp:

- Có thể như vậy lắm chứ. Chẳng lẽ…

Chị Sửu nóng nảy cắt ngang:

- Thôi đi ông ơi! Ông ta muốn lấy lòng con vợ trẻ rành rành như vậy mà cứ cãi bướng! Anh còn chẳng lẽ… gì nữa?

Sửu cũng lộ vẻ bực mình:

- Mình thì khi nào cũng chủ quan! Muốn kết án ai cũng phải tìm hiểu cho cạn lý mới khỏi oan ức người ta chứ! Chẳng lẽ một người rất biết điều, luôn nghĩ về giòng họ, bà con, rất chu đáo về việc thờ phụng tổ tiên lại hẹp hòi với mẹ đẻ của ông sao? Mình đừng nên nhìn bề ngoài mà kết luận vội vã như thế.

Chị Sửu nói với giọng chế nhạo:

- Luôn nghĩ đến giòng họ, bà con! Chu đáo với việc thờ phụng tổ tiên! Tốt phước thật đó! Chẳng qua là nhờ hồi đó ổng chưa gặp con nhỏ ấy thôi! Nếu gặp nó sớm hơn vài năm liệu ổng có lo nổi cái gì cho giòng họ, cho bà con ổng không?

Rõ ràng là chị Sửu đang chĩa mũi dùi vào người vợ trẻ của ông Bảo. Tôi cười xòa:

- Nếu vậy ông Bảo cũng làm đầy đủ bổn phận rồi, chẳng có gì để phải ân hận! Ông cũng phải mưu tìm hạnh phúc cho cá nhân ông nữa chứ! Sao mình lại không thông cảm cho ông ta? Nhưng ông ta đã làm được gì cho giòng họ, bà con ổng vậy?

Sửu thủng thẳng kể:

- Công tâm mà nói, ông Bảo là một người đầy bản lĩnh và tốt bụng. Ông cần mẫn siêng năng khó ai theo kịp. Vợ mất sớm, ông vượt biên qua Mỹ với bốn đứa con trai còn nhỏ. Trong tình cảnh ấy ông đã vừa tự học thêm, vừa chạy vạy nuôi con. Đứa nào cũng được đến trường đàng hoàng. Một thời gian sau ông chợp được cái nghề địa ốc. Khi có đồng vô đồng ra, ông đã không ngần ngại giúp đỡ cho bà con xóm giềng ở trong nước. Chính tao nhiều lần thấy ông gởi hàng ngàn đô về Việt Nam. Tao hỏi gởi làm gì nhiều thế thì ông cho biết khi dựng nhà thờ, khi xây lăng mộ. Ngoài ra ông còn bảo lãnh cho ba bốn đứa cháu qua đây làm ăn nữa. Chính mấy đứa cháu của ổng cũng xác nhận việc xây nhà thờ, xây lăng mộ cho tổ tiên và giúp đỡ bà con của ông Bảo là có thật. Trời đãi người có lòng nên lúc này việc làm ăn của ông ngày càng thịnh vượng thêm. Nghe đâu hiện nay ông ta đang làm chủ cả chục ngôi nhà đủ loại. Mấy đứa con ông đứa nào tương lai cũng đầy hứa hẹn…

- Thế ông ta cưới cô vợ nhỏ này lâu chưa?

- Mới chừng hai năm nay thôi. Gà trống nuôi con suốt mười mấy năm, đàn ông như vậy thử hỏi đời nay tìm được mấy người? Còn đòi hỏi gì ở ông ta nữa?

Vợ Sửu lại chen vào:

- Ông Bảo là thần tượng của ông xã tôi nên còn che đậy cho ông ấy nhiều điều. Để tôi kể tiếp cho anh Mẫn nghe. Trước kia tuy làm ăn thành công và rộng rãi trong việc giúp đỡ thân nhân ở quê nhà nhưng đối với cuộc sống gia đình ông Bảo lại hết sức chừng mực. Ông luôn bận rộn với công việc, mấy đứa con thì chăm lo học hành, không đua đòi, không chưng diện. Ít khi thấy ông dẫn con cái đi mua sắm hay tổ chức tiệc tùng ở nhà. Thế nhưng từ ngày ông về nước thăm mẹ rồi rước cái của nợ ấy qua, nhà ông lại luôn tiệc tùng và gần như tuần nào ông cũng phải dẫn con nhỏ đi shopping. Con mẹ tham lam và ham diện lắm…

Sửu nổi nóng to tiếng:

- Cái bà này giỏi thiệt. Cái gì trong nhà người ta bả cũng biết hết!

- Dù ông Bảo có nhiều ưu điểm đáng quí thật nhưng thiên hạ cũng có quyền chê cười khi ông ấy xài tiền hoang phí không đúng cách chứ! Ông ấy để cho con nhỏ ấy xỏ mũi mới làm như thế chứ! Tôi nghĩ sẽ có ngày ông ấy phải ân hận cho coi!

Đã mỏi lưng, lại thấy không khí trong nhà Sửu cũng hơi căng, tôi đánh trống lảng:

- Thôi, khuya rồi, chủ nhà cho tôi ngủ chỗ nào đây?

*

Năm nay tôi lại đến nhà Sửu một lần nữa. Sửu vẫn ở ngôi nhà chỗ cũ. Lần này tôi cũng ở lại chơi với Sửu vài hôm trước khi cùng Sửu đi dự lễ cưới đứa con trai của một người bạn chung lớp ngày xưa.

Buổi sáng ấy Sửu bận chở vợ đi bác sĩ. Ở nhà một mình thấy buồn buồn nên tôi rảo bộ qua công viên chơi. Lúc đó đẹp trời, người đi bộ quanh quanh công viên cũng khá đông. Tôi cũng hòa nhập với họ.

Khi đi qua cụm bàn ghế để khách nghỉ ngơi tôi bỗng nghe ai đó đang nói chuyện bằng tiếng Việt. Giọng đàn ông, tuy khàn khàn hơi yếu nhưng vẫn nghe được. Hình như ông ta đang phân trần, hờn trách người nào về một chuyện gì đó. Tôi quay lại nhìn - chỉ có một người đang ngồi ở một băng ghế, tay phải đang nắm lại đưa ngang vành tai. Nghĩ là ông ta đang nói phone, tôi lại đi tiếp.

Khoảng hai mươi phút sau, khi vòng trở lại chỗ cũ, tôi vẫn thấy ông này tiếp tục nói chuyện. Nhưng hình như ông ta vẫn lập lại những lời lẽ tương tự lần trước. Tôi linh cảm như có điều gì khác thường. Động tính tò mò, tôi vờ vô tình tiến lại gần rồi ngồi nghỉ cùng băng ghế với ông ta. Thấy tôi đến, ông ta chỉ quay lại gật nhẹ đầu ra vẻ chào tôi một cái rồi nhích ra xa một chút, tiếp tục nói chuyện với ai đó.


Tôi lén quan sát ông ta kỹ hơn. Đó là một ông già ốm o hốc hác, áo quần lôi thôi, râu tóc bờm xờm. Bên cạnh ông có để một cây gậy. Ông già đang phân trần điều gì với ai bằng một giọng từ tốn, nỉ non. Tôi càng ngạc nhiên hơn nữa khi nhận ra ông già này chỉ độc thoại! Tuy ông làm như cầm phone để bên tai nhưng kỳ thực ông chỉ có một nắm tay không. Hóa ra đây là một ông già mất trí!

Qua những phút ngồi ở đó tôi chỉ nghe ông già lập đi lập lại những lời đại khái như:

“… Anh nghĩ tôi nói thế có đúng không? Nhà thờ nhánh tôi cũng bỏ tiền ra tu sửa rồi! Bao nhiêu mồ mả tổ tiên ông bà tôi cũng bỏ tiền ra để qui gom lại một khu, xây đắp cao ráo đàng hoàng cả rồi! Những ngày chạp giỗ con cháu đâu còn vất vả như trước? Nay còn trách móc, đòi hỏi chi tôi nữa? Con cái thì đứa nào tôi cũng dựng vợ gả chồng cho cả rồi, đứa nào tôi cũng cho một số vốn để làm ăn. Làm cha làm mẹ như vậy là hết lòng rồi tại sao chúng còn nỡ trách móc tôi?...”

Nhìn nét mặt hiền khô, buồn chảy của ông già, dù chưa biết hoàn cảnh thật của ông ra sao tôi cũng không sao khỏi ngùi ngùi trong lòng…

Nghe chán, tôi đứng dậy định ra về. Vừa bước được mươi bước tôi gặp một người Việt khác đang đi bộ tới. Người này chủ động hỏi tôi:

- Ông ở đâu mới đến đây chắc, thấy lạ lạ?

- Vâng, tôi mới đến thăm một người bạn nhà ở gần đây. Có lẽ ông ở đây lâu rồi?

- Không, tôi cũng mới tới ở đây chừng nửa năm.

- Chắc ông đi bộ ở đây thường lắm?

- Cũng không thường lắm, ngày đi ngày không. Rảnh khi nào đi khi ấy, sáng, chiều, có khi cả buổi tối nữa không chừng.

Đang nói chuyện tôi chợt thấy ông già mất trí đang tấp lưng rời khỏi công viên. Tôi chỉ tay theo hỏi người mới gặp:

- Ông có biết gì về ông già kia không?

- Biết sơ thôi. Hình như ngày nào ông ta cũng đến đây một hai lần. Không phải ông ta đi bộ mà chỉ đến ngồi một chỗ nào đó, nói lảm nhảm một hồi, đôi khi kéo dài một hai giờ, rồi ra về. Đặc biệt là ông ta hiền khô, không phá phách chi, không làm phiền ai. Nghe vài người nói trước kia ông ta giàu có lắm. Sau vì làm ăn sa sút sao đó, con bỏ, vợ bỏ khiến ông thất chí mà sinh ra như vậy. Nghe ông ta đang ở với một người cháu nhà cũng gần đây. Tôi đến đây chưa bao lâu nên cũng chỉ biết có thế…

Khi vợ chồng Sửu đi bác sĩ về, tôi kể lại những gì mình đã gặp ở công viên cho họ nghe. Vợ Sửu thản nhiên cười lớn:

- Anh không nhớ ông già ấy sao?

- Tôi biết gì ông ta đâu mà nhớ với không!

Sửu cũng nhìn tôi cười:

- Ông Bảo chuyên viên địa ốc mày từng đến dự tiệc mừng thôi nôi đứa con gái năm xưa đó chứ ai! Mà mày không nhớ cũng phải. Mười lăm mười sáu năm rồi, ông ta lại thay đổi từ trong ra ngoài như thế, thánh cũng không nhớ nữa chứ mày!

Tôi hết sức kinh ngạc:

- Trời đất! Ông Bảo thật đấy ư? Vợ con ông ấy đâu? Sao lại ra nông nỗi như thế chứ?

Vợ Sửu lắc đầu:

- Thời đã hết thì phải chịu thôi! Cuộc đời ông Bảo cũng là một tấm gương mà người Việt ở hải ngoại nên soi lắm!...

Thấy chị Sửu ra vẻ muốn kể chuyện, Sửu ngăn lại:

- Em không được khỏe, mới chích thuốc mạnh, lo đi nghỉ đi. Bác sĩ dặn rồi mà! Để anh kể cho Mẫn nghe cũng được.

Vợ Sửu đứng dậy đi nghỉ. Sửu châm trà thêm rồi bắt đầu kể:

- Ông Bảo thông minh giỏi giang, đã lướt thắng nhiều hoàn cảnh khó khăn, tự tạo cho mình được một thời huy hoàng. Nhưng tao nghĩ sự thành công lớn trên doanh nghiệp của ông nhờ vào vận hên hơn là do tầm mắt nhìn xa thấy rộng. Hồi đó rất ít người Việt làm nghề địa ốc mà dân Á châu tị nạn lại bắt đầu phất lên! Hầu hết người Việt và cả người Lào, người Miên, người Hmong ở đây muốn mua bán nhà cửa đều cậy tay ông ấy cả. Do vậy ông Bảo trở nên giàu có mau chóng cũng phải thôi! Điều đáng nể là dù đã thành công, ông Bảo vẫn không kiêu kỳ, vẫn hòa đồng với mọi người, vẫn rất chừng mực trong cuộc sống.

Con cái của ông cũng thành công đáng nể! Cả bốn đứa đều rất thông minh, chăm chỉ, biết răm rắp nghe lời cha dạy bảo. Nhờ vậy mà khi chúng còn nhỏ ông dễ dàng gởi gắm chỗ này chỗ khác để bớt gây trở ngại cho công việc làm ăn của ông. Chỉ một năm sau bữa tiệc thôi nôi mà mày có dự đó, hai đứa con lớn đỗ đạt một lượt. Đứa con đầu ra bác sĩ y khoa, đứa thứ hai ra dược sĩ. Cả hai đều có việc làm ngay. Năm kế tiếp, đứa con thứ ba lại tốt nghiệp kỹ sư điện và cũng có việc làm ngay. Riêng cậu út quyết định nối gót cha làm nghề địa ốc!

Trước sự thành công rực rỡ của gia đình ông Bảo, mấy ai dám nghĩ đến ông ấy sẽ có một ngày thân tàn ma dại như bây giờ?

Hồi ấy gia đình tao cũng thuê nhà của ông Bảo. Đó là một ngôi duplex. Tao chỉ thuê một bên gồm hai phòng, bên còn lại gia đình ông Linh thuê. Tao ở đó cũng vài năm trước khi mua được ngôi nhà này. Cũng do ông Bảo mua cho tao thôi. Tao làm nghề cắt cỏ nên khi cần cắt cỏ bất cứ đâu ông Bảo đều kêu tao cả. Tao đã cắt cỏ ở nhà ông ta suốt mười mấy năm nay. Do sự liên hệ đó nên tao cũng khá rõ về gia đình của ông ấy. Khi thấy ông rước về một người đàn bà còn rất trẻ lại có một vẻ ngoài hơi khác lạ tao đã giựt e cho ông rồi. Ông kín đáo, nhưng qua vài lời than thở vô tình của ông, tao cũng đoán được bà vợ kế ấy quá kiêu căng, quá chuộng bề ngoài gây xáo trộn nguyên tắc sống giản dị của ông không ít. Tao cũng biết sơ bà ấy đã sớm để lộ lòng tham lam ích kỷ, không hòa hợp được với lũ con của chồng. Sự lạnh nhạt, nghi kỵ, và cả tranh chấp quyền lợi giữa đôi bên ngày càng nẩy nở. Cuối cùng, ngoại trừ cậu út, lũ con ông lần lượt cất cánh bay xa cả. Sự xáo trộn trong cuộc sống đã làm ông Bảo vô cùng thất vọng. Mệt mỏi, chán nản, ông quyết định chuyển giao công việc lại cho cậu út để nghỉ ngơi! Sau đó, ông thảnh thơi cùng vợ với đứa con gái nhỏ làm một chuyến thăm quê cũ dài ngót ba tháng.

Khi trở lại đất Mỹ ông Bảo có vẻ như sống ẩn dật, ít giao thiệp với ai, ít khi đi đâu. Một lần đến nhà cắt cỏ gặp ông, tao hỏi thăm thì ông nói: “Chuyến về vừa rồi tôi cũng làm được nhiều việc cho bà con. Phía tôi, phía bà xã và cả phía bà trước nữa, nơi nào tôi cũng gắng thỏa mãn ít nhiều nhu cầu của họ! Phần ở Việt Nam của tôi như vậy coi như đã xong. Còn bên này, đứa con nào tôi cũng đã chia cho một phần để làm vốn. Phần con bé tôi đã giao cho mẹ nó giữ. Mình già rồi, chỉ cần giữ lại đôi chút đủ sống và phòng lúc đau yếu thôi. Riêng thằng út dù đã được chia phần nhưng thấy nó là đứa hiếu hạnh nết na nhất nhà nên tôi cũng giao luôn cơ nghiệp cho nó coi sóc. Từ nay tôi sẽ lấy việc chăm sóc cây cỏ trong vườn cùng đàn cá trong hồ làm vui đủ rồi!”

Hai tuần sau, khi tao trở lại nhà ông cắt cỏ thì không gặp ông mà chỉ gặp thằng út. Nó tính sổ tất cả công cắt cỏ còn lại của tao xong trả hết cho tao một loạt rồi nói:

- Từ nay, nếu con không gọi lại thì chú khỏi đến cắt cỏ ở đây nữa nhé. Con tự lo được rồi.

Nó cúp việc mình đột ngột mà không cho biết lý do, tao giận lắm nhưng không nói gì. Từ đó tao không lui tới nhà ông Bảo nữa. Bẵng đi chừng ba năm, tình cờ gặp ông Linh láng giềng cũ, tao hỏi thăm về ông Bảo không thì ông Linh có vẻ bùi ngùi nói:

- Anh không biết gì cả sao? Bây giờ ông Bảo có còn gì nữa đâu! Ngôi nhà ông đang ở nghe đâu cũng sắp bị nhà băng kéo. Ông ta quá tin tưởng thằng con út, giao cả cơ nghiệp cho nó coi sóc. Có lẽ một phần do ông đã thấm mệt, phần khác vì ông muốn tránh bớt sự khai thác quá hăng của mụ vợ trẻ. Ông đâu ngờ thằng út của ông đã trở thành đệ tử trung thành của thần đổ bác! Sau khi phá tan nát cơ nghiệp của bố nó không biết nó đã cao chạy xa bay đến phương nào rồi. Còn mụ vợ trẻ liệu thế không thể khai thác thêm cái mỏ bạc ấy nữa cũng cuỗm một mớ rồi dắt con bé đi mất! Mấy đứa con lớn đều đã có gia đình, lại ở xa nên rất ít khi về thăm cha. Lúc này ông lại hay đau yếu lắm. May còn một thằng cháu gọi ông bằng cậu do ông bảo lãnh qua Mỹ ở gần đây hay lui tới với ông thôi! Không biết rồi đây ông ấy sẽ ra sao!

Sau khi gặp ông Linh, tao về nhà tìm số phone của ông ta gọi ngay. Nhưng cả phone nhà lẫn phone tay đều chẳng có ai bắt. Tao bèn cùng bà xã đến nhà ông xem tình trạng ra sao. Bấm chuông đến ba bốn bận vẫn chẳng ai mở cửa. Khi định về lại thấy ông đang chống gậy bước ra. Gặp vợ chồng tao ông mừng rỡ lắm. Đưa bọn tao vào phòng khách, ông chỉ tay vào một két nước chai để bên góc phòng, giọng yếu ớt:

- Xin lỗi, tay tôi bị đau, anh chị khát cứ tự nhiên.

Tao ngại không dám hỏi chuyện gia đình ông mà đi thẳng vào vấn đề trước mắt:

- Tay ông sao thế?

- Bị phỏng rồi bị làm độc. Tưởng là nhẹ nhưng không ngờ nó kéo dài cả tháng… Nhiều lúc nhức nhối lắm. Nhờ uống thuốc trụ sinh nên nay cũng hơi bớt. Khổ nhất là khi ăn cơm, vì chỉ dùng được một tay nên cơm cứ đổ vung vãi.

- Ông đã ăn cơm chiều chưa? Ai lo cho ông?

- Định bày ra ăn thì nghe chuông. Mỗi ngày vợ chồng thằng cháu kêu bằng cậu lại ghé một hai lần mang đồ ăn đến và giúp tôi một vài việc nhỏ rồi đi. Chúng nó không có nhiều thì giờ. Gần cả tháng này tôi đã sống như vậy đó.

- Mấy cậu con có hay về thăm ông không?

- Chắc anh chị cũng rõ chuyện gia đình tôi rồi chứ! Chúng nó rất ít khi về thăm tôi. Nhưng không sao. Tôi cũng chẳng trách đứa nào, mỗi đứa một hoàn cảnh riêng cả.

Bà xã tao bỗng chen vào:

- Ông chưa ăn cơm chiều mà nghe ông nói mỗi lần ăn vất vả lắm, giờ nhân tiện tôi giúp ông việc đó được không? Có việc chi cần nữa ông xã tôi giúp cho luôn?

Mắt ông Bảo sáng rỡ lên:

- Thế thì còn gì quí bằng! Thú thật tôi đang đói bụng đây. Rất cám ơn anh chị Sửu. Đồ ăn của tôi để kia kìa, nhờ chị Sửu giúp cho.

Bà xã tao lấy đồ ăn ra dùng thìa đút cho ông ăn. Ông ăn rất ngon lành và ăn khá nhiều. Trong lúc đó tao lấy chổi và khăn làm sạch sẽ mấy chỗ ông đã làm vương vãi cơm nước. Ăn xong ông lộ vẻ sảng khoái tươi cười:

- Cám ơn chị Sửu, tôi ăn được lắm chứ. Nhưng mấy ngày nay cứ mỗi lần ăn là một cực hình nên không bữa nào được no như lần này. Ước chi có ai giúp việc này cho tôi trong thời gian này. Khi nào cũng sẵn cơm canh bên cạnh, cũng thèm ăn mà vẫn đành chịu đói. Đôi khi lạt miệng muốn tự pha một tách trà cũng quá vất vả, phát sợ.

- Thế vợ chồng cậu cháu không giúp ông việc này sao?

- Ngày nào tụi nó cũng mang cơm nước cho tôi. Dọn dẹp gì trong nhà cũng nhờ tụi nó cả. Thấy làm phiền tụi nó quá nhiều tôi cũng ngại, không ưng, nên chẳng dám yêu cầu. Tụi nó định năm ba ngày nữa đưa tôi về ở nhà tụi nó đấy. Tôi bây giờ ở một mình không tiện mà ngôi nhà này ngân hàng cũng sắp lấy. Thôi, thế cũng xong, sao thì sao.

Nghe ông tâm sự, tao bất giác thở dài:

- Cuộc đời… ai mà ngờ được.

- Thôi anh ơi, trời khiến sao chịu vậy, số phận cả. Tôi cũng chẳng trách ai! Tất cả đều là ảo ảnh, ảo ảnh công danh, ảo ảnh phú quí… không có gì tồn tại cả. Tôi cũng đã từng thấy nhiều người kinh doanh như tôi một thời làm ăn hưng vượng tưởng như mua trời cũng nổi bây giờ vẫn ở nursing homes. Ảo ảnh cả…

Trước khi từ giã, tao có xin địa chỉ của người cháu ông nơi ông sẽ đến ở và hứa sẽ đến thăm ông. Vì bận rộn nên hơn một tháng sau tao mới tìm địa chỉ trên để hỏi thăm. Hóa ra nhà người cháu của ông cũng không xa nhà tao và cũng kế cận khu công viên mày vừa đến thôi. Khi tao đến trước cổng ngôi nhà người cháu ông thì thấy ông đang chống gậy đi trong sân. Tao vui mừng vội kêu lớn:

- Kính chào ông Bảo. Ông khỏe không?

Cứ ngỡ ông sẽ rất mừng, nào ngờ thấy tao ông chỉ hờ hững gật đầu chào một cái rồi bỏ vào nhà đóng cửa lại. Tao ngạc nhiên đứng lặng một hồi rồi tới trước nhà bấm chuông. Trong giây lát người cháu của ông bước ra mời tao vào nhà. Không thấy bóng ông Bảo đâu cả, có lẽ ông đã vào phòng riêng nằm rồi.

Người cháu đem nước ra mời tao rồi hỏi:

- Ông chắc quen biết với cậu Bảo tôi? Tôi chỉ mới sang Mỹ hai năm nên chưa biết được ông.

- Vâng, tôi quen biết gần gũi ông ấy ngót hai mươi năm rồi. Cách đây hơn một tháng tôi cũng có tới thăm ông ấy ở nhà cũ. Không hiểu ông giận gì mà hôm nay vừa thấy tôi ông lại ngoảy bỏ đi một mạch. Có gì xảy ra cho ông ấy không?

Người cháu buồn rầu nói:

- Thưa ông, cậu tôi khổ lắm. Ông bị bệnh lẩn thẩn gần tháng nay rồi. May là chúng tôi đưa ông về đây kịp trước khi bệnh ông phát nặng. Khi dọn đồ đạc của ông về đây, thấy ở bàn giấy của ông có một số thư gởi từ Việt Nam đã bóc ra nằm ngổn ngang, tôi đọc thử mấy cái thì thấy toàn là thư của những người thân kể khổ đòi hỏi ông giúp đỡ cả. Mà thật tình giờ này cậu tôi còn gì đâu! Chuyện xảy ra cho cậu tôi ở Mỹ bên Việt Nam đâu đã biết? Tôi nghĩ cái mớ thư từ ác ôn đó tác dụng không ít cho căn bệnh bây giờ của cậu tôi.

- Việc đó tôi cũng thừa hiểu. Thật tội nghiệp cho ông ấy. Ông mới qua Mỹ chưa bao lâu mà bây giờ gia đình phải đèo bòng thêm ông cậu như thế cũng khổ!

-Thưa, khổ thì có khổ không đến nỗi. Rất may là cậu tôi không phá phách, không la hét, không gây mất vệ sinh, chỉ lẩn quẩn quanh nhà hoặc ngồi một chỗ nói lảm nhảm một mình. Một điều may khác nữa là vợ tôi cũng rất kính nể, biết ơn ông ấy. Gia đình tôi được qua Mỹ cũng là nhờ ông ấy. Ông không phải chỉ là cậu tôi mà còn là bạn thân của nhạc gia tôi nữa. Trong chuyến về Việt Nam lần đầu, hồi đó tôi chưa cưới vợ, gặp lúc ông già vợ tôi đang bệnh nặng, ông đã không ngần ngại giúp đỡ bạn chạy chữa đến lành bệnh. Chính cái nhân cao đẹp đó khiến vợ tôi cũng khuyến khích tôi quyết định đưa cậu tôi về đây lúc này.

Sửu kể đến đây thì nghe tiếng vợ Sửu gọi:

- Kể chuyện ảo ảnh phú quí xong chưa? Cơm đã sẵn sàng rồi, xin mời. Chuyện chưa xong thì ăn xong kể tiếp.

Ngô Viết Trọng

No comments:

Post a Comment