Wednesday, January 31, 2018

“Cơn Mê Chiều” của Nguyễn Minh Khôi và Huế của Mậu Thân Khói Lửa


Chiều nay không có em, mưa non cao về dưới ngàn
Đàn con nay lớn khôn mang gươm đao vào xóm làng
Chiều nay không có em, xác phơi trên mái lầu
Một mình nghe buốt đau, xuôi Nam Giao tìm bóng mình

Đường nội thành đền xưa ai tàn phá ?
Cầu Tràng Tiền bạc màu loang giòng máu
Hương Giang ơi! Thuyền neo bến không người qua đò
Một lần thôi nhưng còn mãi ...
Và chiều nay không có em, đường phố cũ chân mềm

Tôi là người khai hoang đi nhặt xác mình, xác người
Cho ruộng đồng xanh màu, cho đám mới lên cao
Và người ơi xin chớ quên, người ơi xin chớ quên

Đừờng vào thành, hàng cây trơ trụi lá
Đồi Ngự Bình thịt xương khô sườn đá
Kim Long ơi, bờ lau ngóng, chuông chùa tắt rồi
Một lần thôi nhưng còn mãi
Và chiều nay  không có em, đường phố chẳng lên đèn

Tôi là người trong đêm, mang ngọn đuốc về nội thành
Xin làm người soi đường đi xoá hết đau thương
Và người ơi xin chớ quên, người ơi xin chớ quên.


Giọng ca Thái Thanh thu âm truớc 1975 tại Sài Gòn 

Hình như người Việt nào đã sống qua thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước cũng không thể quên được biến cố Tết Mậu Thân. Đó là mùa xuân năm 1968. Ngày đó, chiến tranh còn đang thảm khốc. Cuộc nội chiến giữa hai ý thức hệ ngày càng lan rộng và khốc liệt hơn. Tuy vậy, hai bên giao tranh cũng đồng ý với nhau một thỏa ước ngừng bắn để người dân được ăn Tết Nguyên Đán, theo đúng truyền thống của dân tộc Việt Nam.


Có người gọi cuộc chiến Tết Mậu Thân là “cuộc tổng tiến công và nổi dậy thần thánh của dân quân miền nam”. Người ta ca ngợi nó như là một điều cần phải làm để “giải phóng người dân miền nam ra khỏi ách cai trị của ngoại bang”.


Nhưng nhiều người đã trải qua cơn khói lửa đó lại nghĩ khác. Đối với họ, đó là một sự vi phạm lệnh hưu chiến, đã được ký kết giữa hai bên Quốc-Cộng, rồi xua quân vượt vĩ tuyến 17, là biên giới đã được phân ranh giữa hai miền nam-bắc, để xâm lược miền nam.



Giọng ca Duy Trác thu âm truớc 1975 tại Sài Gòn

Bị tấn công bất ngờ, cả miền nam chìm trong khói lửa. Thành phố Huế, với 25 ngày nổ súng, được coi là một trọng điểm của biến cố này. Bắt đầu từ rạng sáng ngày 31 tháng 1 năm 1968, tức là đêm Giao Thừa chuẩn bị cho Tến Mậu Thân, đến ngày 22 tháng 2 năm 1968, hơn 7600 thường dân bị chết hay mất tích.


Huế chìm trong khói lửa. Huế mịt mù trong màu khói tang nghi ngút. Nhạc sĩ Nguyễn Minh Khôi đã viết lại những điều này, một cách thật sâu sắc qua ca khúc “Cơn mê Chiều” của ông.

“Chiều nay không có em, mưa non cao về dưới ngàn
Đàn con nay lớn khôn, mang gươm đao vào xóm làng”

Mưa non cao” đổ về ngàn. Đó là biển mưa của nước mắt! Lời mở đầu của ca khúc như báo trước một tại họa sắp xảy ra do những đứa con, nay đã lớn khôn từ trên rừng mang về.


“Cơn Mê Chiều” là một ca khúc viết về Huế với đầy đủ những địa danh quen thuộc. Những cái tên rất thân thương và lẽ ra phải mang cho người nghe một cảm giác lãng mạn và thơ mộng. Đây là Nam Giao, là thành nội, là cầu Tràng Tiền bắc qua dòng Hương Giang đang lững lờ trôi. Kia là đồi Ngự Bình, là Kim Long, là những con đường đã từng vẽ nên một thành Huế thơ mộng trong lòng dân Việt. Nhưng Huế trong “Cơn Mê Chiều” là Huế của tang thương, và khói lửa. Nó như một cuốn phim về chiến tranh mà không có một tiếng súng hay tiếng bom đạn nào.


Thậm chí, không có một âm thanh nào. Ngay cả tiếng chuông chùa cũng đã tắt! Ôi tiếng chuông chùa! Tiếng chuông chùa là một biểu tượng của Huế thanh bình và cổ kính. Tiếng chuông đã tắt cũng như Huế đang liệm người trong tang tóc, thê lương. Huế đã chết trong 25 ngày khói lửa, trong mưu toan để thay đổi sắc cờ.




Giọng ca Lệ Thu thu âm sau 1975 tại Hoa Kỳ



Không có âm thanh nhưng Huế của “Cơn Mê Chiều” lại đầy ắp những màu sắc và hình ảnh chết chóc, tang thương.

Chiều nay không có em, mưa non cao về dưới ngàn
Đàn con nay lớn khôn mang gươm đao vào xóm làng
Chiều nay không có em, xác phơi trên mái lầu
Một mình nghe buốt đau, xuôi Nam Giao tìm bóng mình

Đường nội thành đền xưa ai tàn phá ?
Cầu Tràng Tiền bạc màu loang giòng máu
Hương Giang ơi! Thuyền neo bến không người qua đò
Một lần thôi nhưng còn mãi ...
Và chiều nay không có em, đường phố cũ chân mềm

Tôi là người khai hoang đi nhặt xác mình, xác người
Cho ruộng đồng xanh màu, cho đám mới lên cao
Và người ơi xin chớ quên, người ơi xin chớ quên

Đừờng vào thành, hàng cây trơ trụi lá
Đồi Ngự Bình thịt xương khô sườn đá
Kim Long ơi, bờ lau ngóng, chuông chùa tắt rồi
Một lần thôi nhưng còn mãi
Và chiều nay khg có em, đường phố chẳng lên đèn




Giọng ca Vũ Khanh thu âm sau 1975 tại Hoa Kỳ

Về nhạc thuật, “Cơn Mê Chiều” có một bố cục đơn giản với hai phiên khúc, được xen kẽ bởi hai điệp khúc. Ông lại dùng âm nhạc Ngũ Cung cho giai điệu của bài hát, mang đến cho người nghe một cảm giác chênh vênh, bồi hồi. Nhạc sĩ Nguyễn Minh Khôi kể lại những điều mình thấy trong hai phiên khúc rồi dùng điệp khúc để nói lên lòng mình-tâm tình của một người con Huế trước cảnh tan hoang, đổ nát của đất mẹ thân yêu. Đó là cái nhìn của một người dân, đi góp nhặt lại hình ảnh của thành phố sau 25 ngày bị chiếm đóng. Trong “Cơn Mê Chiều” không có “phe ta hay phe địch”; cũng không có “hận thù để trả”. “Cơn Mê Chiều” chính là hình ảnh thực tế mà người dân Huế đã thấy và đã trải qua trong 25 ngày kinh hoàng do chính những đứa con của Huế, từ trên rừng, “nay lớn khôn, mang gươm đao vào xóm làng”.


Những năm gần đây biến cố Tết Mậu Thân lại được nhắc tới nhiều. Người ta cố gắng để sửa đổi lịch sử, rồi quy trách nhiệm cho người Mỹ đã gây ra nhưng tang thương cho “Huế Mậu Thân”. Nhiều người còn hô hào “quên” chuyện cũ để cùng toàn dân tộc hướng tới xây dựng tương lai. Nhưng muốn quên thì trước tiên người ta phải biết điều mình muốn quên là gì. Rồi nhờ đó mà không nhắc tới nữa. Quên mà không biết điều mình muốn quên thực chất chỉ là chạy trốn sự thật và không dám nhìn thẳng vào những hậu quả từ những sự việc do chính mình đã gây ra.


“Cơn Mê Chiều” của Nguyễn Minh Khôi lại kêu gọi mọi người nên nhớ! Nguyễn Minh Khôi không kích động hận thù. Ông tình nguyện làm người đi trong đêm giữa Huế hoang tàn, mang ngọn đuốc nhân bản đi xóa hết đau thương để làm cho “ruộng đồng xanh màu, cho đám mới lên cao”. Ông kêu gọi mọi người, những người con của Huế, của đời sau, hãy chớ quên. Vâng! “Người ơi xin chớ quên” để đừng lập lại điều kinh hoàng này cho dân Huế tội tình!

Tôi là người trong đêm, mang ngọn đuốc về nội thành
Xin làm người soi đường đi xoá hết đau thương
Và người ơi xin chớ quên, người ơi xin chớ quên.


Chu Văn Lễ
Viết để nhớ Huế Mậu Thân - 1968-2018



No comments:

Post a Comment