Monday, January 8, 2018

Người Việt xưa vui Xuân qua tranh của Henri Oger đầu thế kỷ XX


Henry Oger là người Pháp, sinh năm 1885, tình nguyện nghĩa vụ quân sự hai năm ở Hà Nội (1907-1909), học ở Trường Thuộc địa, được bổ nhiệm làm quan chức hành chánh vào năm 1912 và trở về Pháp năm 1914. Ông có bằng tiếng Việt và tiếng Trung Quốc. Năm 1915 ông trở lại Việt Nam và đến tháng 6 năm 1919, ông được cho hồi hương vì mang bệnh. Trong thời gian ở Hà Nội, ông dẫn theo một thợ vẽ người Việt đi khắp phố phường Hà Nội ghi chép mọi khía cạnh cuộc sống của người dân, của cộng đồng, của nghề buôn, của công nghiệp và các kỹ thuật. Hơn 4.000 tài liệu thu thập, nhưng không ai chịu in ấn. Sau đó có người tài trợ, ông thuê 30 thợ khắc gỗ cho khắc hơn bốn ngàn tư liệu. Thế là tập Technique du peuple Annamite (Kỹ thuật của người An Nam) ra đời vào năm 1909 (cách đây hơn 100 năm), gồm hai tập với hơn 4 nghìn hình vẽ và chỉ in được 60 bản. Năm 2009, sách được sưu tầm trở lại và được nhà xuất bản Thế Giới, Hà Nội cho in ấn thành 3 tập với 3 thứ chữ : Anh, Pháp, Việt và in lại đầy đủ hơn 4 nghìn hình khắc.

Qua những tranh khắc đó, ta tìm thấy người xưa chơi Xuân như thế nào, những trò chơi vui Tết cách đây hơn một thế kỷ mà hôm nay có một ít được lưu giữ lại, còn đa số không thấy được tổ chức.

Du Xuân Đồ

Bức tranh chơi xuân, vẽ cảnh hai quan ngồi trong điện thưởng thức ca trù, do một người hát quỳ cạnh bàn, vừa hát, vừa đánh phách, dâng rượu và người đàn đứng cạnh. Bên cạnh có bốn câu thơ chữ Nôm : Thời bình mở hội xuân / Nô nức khắp xa gần / Nhạc dâng ca trong điện / Trò thưởng cuộc ngoài sân. Ngoài sân, một cặp trai gái đang chơi trò “quàng vai bắt chạch” với câu chữ Nôm : Hai ta quyết lấy giải làng. Chạch loại cá trông giống như lươn, da rất trơn. Trò chơi bắt chạch trong chum đòi hỏi phải có hai người trai và gái cùng bắt. Không phải tay của cặp này thò vào chum để bắt chạch mà còn bắt buộc phải quàng vai nhau, một tay trai phải ôm ngực cô gái, như thế mới thực hiện đúng lệ hèm của Thần Thành Hoàng làng. Đó là trò diễn lại sinh hoạt, sự tích của vị thần thờ trong đình làng.

Chơi câu đối

Hình vẽ ông đồ đang quỳ trên nền đất để viết câu đối Tết cho hai người khách hàng về dán, treo, trang trí trong nhà, “câu đối đỏ” đối với “bánh chưng xanh” cho nhà có không khí Tết.

Đánh bài Tam Cúc

Tranh vẽ 4 người ngồi chơi bài. Tam cúc là lối chơi bài dùng 32 quân như quân cờ tướng.

Đánh bài Tổ Tôm

Tổ tôm là trò chơi bằng bài lá có 120 quân, chia làm 6 phần, một phần để bốc nọc, 5 phần chia cho 5 người chơi. Trong tranh vẽ có bài thơ bằng chữ Nôm : Ngày xuân thong thả tổ tôm chơi / Ai được ai thua cũng chớ cười / Cao cũng có bài thì mới đặng / Thấp mà gặp nước hóa ra người.

Chơi bài phu

Trò chơi tổ tôm để người du xuân giải trí và là trò chơi đấu trí, một cuộc tranh tài tập thể.  Bức tranh diễn tả trò đô vật và chơi bài phu (tên khác của Tổ tôm) gồm bốn người ngồi chơi, hai người chạy cầm bài, giữa là bình đựng thẻ bài. Bốn người ngồi chơi ngồi ở 4 cửa có tên Bính, Giáp, Đinh, Ất . Mỗi cửa có 2 câu thơ nôm trình bày diễn tiến của ván bài :

Cửa GIÁP :
Bán chi không đánh nhất văn
Bát văn cầm kết muôn phần giá cao

Cửa ẤT :
Bài tôi ăn thưởng không thang
Lục văn cũng nghĩ kết ngang chẳng cầm

Cửa BÍNH :
Tam khôi bắt kiệt tưng bừng
Tinh thần đứng dậy tâm trường múa lên

Cửa ĐINH :
Hàng văn làng hãy còn nhiều
Cầm chơi một ván đánh liều thử xem.

Chơi xóc dĩa

Dùng bốn đồng tiền, một mặt bôi vôi cho trắng, một mặt bôi mực cho đen. Người làm cái bỏ vào đĩa lấy chén úp lại rồi xóc. Trước mặt cái chia hai bên, bên chẵn và bên lẽ. Bốn đồng tiền đen cả, hay trắng cả, hay 2 trắng hai đen là chẵn. Nếu trắng một đồng hay đen một đồng là lẽ. Tranh vẽ quang cảnh quanh sòng xóc đĩa. Hai vợ chồng chủ nhà ngồi trên sập. Nhà cái là người đàn ông mập ngồi trước đĩa có chén úp. có chữ CÁI BÁN CHẴN.Cạnh bên sập có ghi 4 câu thơ : Bốn đồng trong đĩa khéo thiêng thay / Bán bán, mua mua suốt tháng ngày / Kẻ rượu, người chè, giầu (trầu) mặc thích / Có thua, có được mới càng hay.

Xung quanh là những người chơi, có những chữ Ù MẤY – NÀY LẺ - CÒN ÍT. Hàng dưới là hình vẽ cô gái bán rượu, người uống rượu đưa ấm CHO HỒ NỮA, người hút thuốc hỏi BÁC CÒN TIỀN ?

Chơi đánh vật
Tại các hội xuân miền Bắc thường tổ chức đánh vật. Người đánh vật đóng một chiếc khố, ôm lấy nhau mà vật. Người đấu nào bị vật ngã ngửa, lấm lưng hoặc bị đối phương đội bổng lên là thua.

Chơi đá gà
Gà đem đấu phải được nuôi riêng với chế độ chăm sóc đặc biệt. Thời gian thi đấu theo độ tàn của cây nhang được đốt lên từ đầu trận. Đá gà có cá độ giữa hai người chơi và những người ngồi xem. Tranh vẽ một “võ sĩ gà” đang giẫy chết trước một “địch thủ” lợi hại.

Thi thổi cơm

Những người dự thi ngồi xếp hàng trước những bếp lò trên đặt những chiếc nồi nấu cơm, bên cạnh là củi, rơm để đun. Cơm nấu làm sao cho thơm ngon, không bị cháy, khê, nhão .. là đạt. Trong tranh, ta thấy những giải thưởng được treo : tấm vải, phong pháo …

Thi đua thuyền

Thi đua thuyền là vừa là nghi thức của lễ cầu mưa, cầu mùa của cư dân nông nghiệp mà cũng vừa thể hiện tinh thần thượng võ. Trên thuyền, ngoài những người bơi chèo ở hai bên, còn có người cầm lái và người cầm hai cây gỗ ngắn gõ nhịp để điều khiển những người chèo, chèo đều tay đều nhịp, hợp sức tạo thành sức mạnh cho thuyền đi nhanh. Đầu thuyền khắc đầu rồng, khi thuyền di chuyển, nhấp nhô trên sông nước trông giống như con rồng đang bay lượn.

Thi đá cầu


Cầu là một đồng tiền xưa có lỗ chính giữa, gắn vào đó là chiếc lông gà lớn. Người chơi tung cầu sao cho lên thật cao. Chơi cầu thường chơi từ hai người trở lên để có sự tranh đua, ai giữ cầu lâu, số lượng đá nhiều là người đó thắng. Chơi cầu cũng là để luyện tập sự nhanh nhẹn của chân, của mắt, là một môn thể thao bổ ích.

NVB

(sưu tầm)

No comments:

Post a Comment