Đài Việt Nam Exodus Trần Tường Thắng phỏng vấn Ông Trần Đông Phong
http://www.mediafire.com/file/feuofqjsm32qy23/MuoiNgayCuoiCungCuaVNCH_TranDongPhong_VNExodus_TranTuongThangphongvan1.mp3
http://www.mediafire.com/file/8o98fw287a2d6cm/MuoiNgayCuoiCungCuaVNCH_TranDongPhong_VNExodus_TranTuongThangphongvan2.mp3
http://www.mediafire.com/file/up7gi69ez3th2c2/MuoiNgayCuoiCungCuaVNCH_TranDongPhong_VNExodus_TranTuongThangphongvan3.mp3
http://www.mediafire.com/file/txxzs2051n940az/MuoiNgayCuoiCungCuaVNCH_TranDongPhong_VNExodus_TranTuongThangphongvan4.mp3
http://www.mediafire.com/file/o4q67fyu7d6e2f2/MuoiNgayCuoiCungCuaVNCH_TranDongPhong_VNExodus_TranTuongThangphongvan5.mp3
http://www.mediafire.com/file/z9tb9ord6jbrqrz/MuoiNgayCuoiCungCuaVNCH_TranDongPhong_VNExodus_TranTuongThangphongvan6.mp3
http://www.mediafire.com/file/m56ktut0m11ucag/MuoiNgayCuoiCungCuaVNCH_TranDongPhong_VNExodus_TranTuongThangphongvan7.mp3
http://www.mediafire.com/file/vr4d87yv265t8cw/MuoiNgayCuoiCungCuaVNCH_TranDongPhong_VNExodus_TranTuongThangphongvan8.mp3
http://www.mediafire.com/file/8u2atc3laax4upx/MuoiNgayCuoiCungCuaVNCH_TranDongPhong_VNExodus_TranTuongThangphongvan9.mp3
http://www.mediafire.com/file/h5nc7v6h3w7fsss/MuoiNgayCuoiCungCuaVNCH_TranDongPhong_VNExodus_TranTuongThangphongvan10.mp3
Hết
o0o
Việt Nam Cộng Hòa 10 ngày cuối cùng
Ký giả Oliver Todd: "CIA của Mỹ ở Sài Gòn tin rằng trong số những người thân cận của Tổng Thống Thiệu, có một gián điệp cao cấp của Hà Nội. Người đó là ai? Trung Tướng Đặng Văn Quang? Phó Thủ Tướng Nguyễn Văn Hảo? Hay là một người nào khác?"
Trong thời gian Tướng Kulikov đang viếng thăm Hà Nội và cam kết Liên Xô sẽ gia tăng viện trợ quân sự cho Bắc Việt, ngày 6 tháng 12 năm 1974, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã triệu tập một cuộc họp với các cấp lãnh đạo quân sự của VNCH tại Dinh Độc Lập nhằm ước đoán về những cuộc tấn công của Cộng sản Bắc Việt tại Miền Nam vào muà khô năm 1975. Trong phiên họp này, các nhà lãnh đạo quân sự miền Nam đã ước tính rằng Cộng sản Bắc Việt sẽ mở những cuộc tấn công trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và miền Cao nguyên Trung Phần, tuy nhiên sẽ không có tầm mức đại quy mô như các cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân hồi năm 1968 và Muà hè Đỏ Lưả 1972.
Hội nghị quân sự này cũng ước tính rằng các lực lượng quân sự của Cộng sản vẫn còn trong tình trạng yếu kém và chưa đủ khả năng để tấn công và chiếm giữ bất cứ một tỉnh hay thành phố lớn nào tại miền Nam Việt Nam. Trong vùng chung quanh thủ đô Sài Gòn, hội nghị này cho rằng Cộng sản sẽ mở các cuộc tấn công vào phiá tây tỉnh Tây Ninh, gần biên giới Việt-Miên, vào khoảng thời gian trước hay là sau Tết tức là vào đầu tháng 2 năm 1975 và sẽ tiếp diễn cho đến khi muà mưa bắt đầu vào khoảng tháng 6 năm đó. Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH cũng đã đi đến quyết định là sẽ không gia tăng phòng thủ vùng phiá tây Quân khu II và bắt đầu thiết lập một lực lượng trừ bị chiến lược để phòng thủ vùng vòng đai Sài Gòn.
Trong cuốn sách The Final Collapse được xuất bản vào năm 1983, Đại Tướng Cao Văn Viên, cựu Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cho đến ngày 27 tháng 4 năm 1975, đã cho biết về phiên họp này như sau:
"Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa chấm dứt năm 1974 với một thẩm định về tình hình quân sự. Một buổi họp cao cấp diễn ra vào ngày 6 tháng 12 năm 1974 dưới sự chủ tọa của Tổng Thống Thiệu, gồm có tư lệnh và các sĩ quan cao cấp của 4 Vùng Chiến Thuật và nhân viên của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia. Buổi họp kết luận rằng năm 1975 là năm Cộng sản sẽ tấn công Miền Nam để phá hoại cuộc bầu cử (tổng thống) của Việt Nam Cộng Hòa trong năm 1975 và gây tiếng vang trong cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ cho năm 1976. Cán cân quân sự đang nghiêng về phiá Cộng sản. Họ đã tích luỹ được một số dự trữ đủ để duy trì liên tục một cuộc tấn công quy mô trong 18 tháng như cường độ cuộc tổng tấn công năm 1972.
"Hình thức của cuộc tấn công mới sẽ là một kết hợp giưã lối tấn công năm 1968 và 1972 của Cộng sản: đánh vào thành thị và cắt đứt các thông lộ huyết mạch. Chúng ta đã dự liệu Cộng sản sẽ tấn công vào các thành phố Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng và Cần Thơ. Cộng sản Bắc Việt tin tưởng nếu các thành phố lớn bị chiếm, các thành phố nhỏ không cần đánh cũng sẽ đầu hàng. Vào những ngày cuối năm 1974, chúng ta có tin Cộng sản Bắc Việt chuẩn bị xâm nhập những sư đoàn tổng trừ bị 316, 312, 341 và 308 vào Nam.
"Ước lượng của ta là Cộng sản sẽ tấn công Vùng II để cầm chân và làm tiêu hao lực lượng tổng trừ bị của chúng ta trước khi mở các cuộc tấn công vào Vùng I và III. Vùng IV chỉ là nơi Cộng sản đánh nhử với các cuộc tấn công lẻ tẻ và đóng chốt trên các tuyến lưu thông. Mục tiêu chính của cuộc tổng tấn công là Cộng sản muốn thấy Việt Nam Cộng Hòa tạo ra một Hội Đồng Hòa Hợp Hòa Giải Dân Tộc và sau đó là chính phủ liên hiệp. Tháng 3 năm 1975, theo dự đoán của chúng ta, sẽ là tháng bắt đầu cuộc tổng tấn công của Cộng sản…" Trong phần chú thích, cựu Đại Tướng Cao Văn Viên nói thêm rằng "đây là một ước tính tình hình địch rất chính xác do Phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu đạt được. Từ sự ước tính này, Bộ Tổng Tham Mưu đã có những biện pháp đối phó, nhưng vì tương quan lực lượng hai bên nghiêng về phiá cộng sản, chúng ta không đủ quân để đạt được kết quả mong muốn."
Gián Điệp Cộng Sản Tại Dinh Độc Lập
Tuy nhiên, một điều mà Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cũng như các nhà lãnh đạo quân sự của VNCH lúc đó không hề hay biết là có một điệp viên của Cộng sản Bắc Việt hoặc là đã có mặt trong phòng họp, hoặc là đã đọc được biên bản của phiên họp này. Vào ngày 20 tháng 12 năm 1975, một bản phúc trình đầy đủ về phiên họp, về các sự thảo luận cũng như là các quyết định của các giới lãnh đạo quân sự miền Nam đã được chuyển đến tận tay giới lãnh đạo Bắc Việt cùng với Tướng Văn Tiến Dũng.
Theo nhà báo Oliver Todd, "CIA của Mỹ ở Sài Gòn tin rằng trong số những người thân cận của Tổng Thống Thiệu, có một gián điệp cao cấp của Hà Nội. Người đó là ai? Trung Tướng Đặng Văn Quang? Phó Thủ Tướng Nguyễn Văn Hảo? Hay là một người nào khác?"
Oliver Todd không phải là nhà báo ngoại quốc duy nhất nói đến người "gián điệp cao cấp của Cộng sản" bên cạnh Tổng Thống Thiệu.
Trong cuốn Decent Interval, Frank Snepp cũng cho biết rõ hơn về việc này, tuy nhiên Frank Snepp không có đề cập đến tên của Tướng Quang và Phó Thủ Tướng Hảo như Oliver Todd:
"Một điệp viên trong bộ tham mưu thân cận của Tổng Thiệu đã gửi một bản báo cáo tối mật về những kế hoạch và ước đoán của chính phủ Sài Gòn cho Bắc Việt. Theo báo cáo của tên gián điệp này thì vào hai ngày 9 và 10 tháng 12 năm 1974, có một phiên họp cao cấp về quân sự tại Sài Gòn nhằm vào việc thẩm định những dự tính của Hà Nội trong năm tới. Trong phiên họp này, các tướng lãnh cùng đồng ý với quan điểm của Tổng Thống Thiệu là trong những tháng sắp tới, Cộng sản sẽ "chiến đấu trên một bình diện đại quy mô" hơn trong năm 1974 tuy nhiên sẽ không tổng tấn công như hồi năm Mậu Thân 1968.
Tên điệp viên nói thêm rằng Tổng Thống Thiệu đã kết luận rằng các lực lượng Bắc Việt sẽ không có đủ khả năng để tấn công chiếm giữ và bảo vệ các thành phố lớn, Tổng Thiệu đã tiên đoán rằng Cộng sản sẽ nhắm mũi tấn công vào tỉnh Tây Ninh thuộc Vùng III Chiến Thuật và Cộng sản sẽ tấn công mạnh cho đến hết mùa khô vào tháng 6 (năm 1975) rồi sẽ ngưng các cuộc tấn công để dưỡng quân, tái tổ chức và trang bị. Tên điệp viên này cũng báo cáo thêm rằng căn cứ trên những ước tính này, Tổng Thống Thiệu đã quyết định sẽ không tăng viện cho Vùng II và sẽ tập trung các lực lượng trừ bị trong vùng phiá Nam mà thôi."
Vốn là một chuyên gia cao cấp về phân tích tình báo chiến lược (intelligence strategy analyst) tại Văn Phòng CIA ở Sài Gòn, Frank Snepp nhận định như sau về hậu quả do bản báo cáo của tên gián điệp Cộng sản này gây ra:
"Cũng chẳng có gì khó khăn để tưởng tượng ra được các nhà lãnh đạo Bắc Việt đã hồ hỡi, khoái chí như thế nào khi họ nhận được bản báo cáo này. Đó là một bản báo cáo vô giá. Trong quyết nghị về kế hoạch quân sự tại miền Nam năm 1975, giới lãnh đạo Bắc Việt còn chưa có quyết định tối hậu vì chưa có đủ yếu tố. Giờ đây, nhờ vào bản báo cáo này mà Hà Nội đã nắm đủ yếu tố, đã biết rõ ông Thiệu dự tính họ sẽ tấn công như thế nào và tương kế tựu kế, họ sẽ sưả đổi lại kế hoạch tấn công để qua mặt ông Thiệu.
"Nếu như ôngThiệu tiên đoán rằng Cộng sản sẽ tấn công vào Tây Ninh thì trước hết họ sẽ tấn công vào tỉnh Phước Long; nếu ông Thiệu nghĩ rằng Cộng sản sẽ không tấn công vào Vùng II thì họ sẽ tấn công vào vùng cao nguyên và đó cũng là nơi mà họ sẽ tập trung các lực lượng chính yếu để thôn tính toàn bộ vùng này; nếu ông Thiệu nghĩ rằng Cộng sản không có đủ khả năng tấn công và chiếm giữ các thành phố lơn thì họ sẽ làm y như vậy: tấn công Phước Long và kế đến là Ban Mê Thuột rồi thay vì phải rút lui họ sẽ chiếm giữ luôn những thành phố đó.
"Trong số những người đã đóng góp công trạng cho sự chiến thắng của Bắc Việt, tên gián điệp nằm vùng này trong bộ tham mưu của ông Thiệu phải là người có công lao lớn nhất. Cho đến giờ này thì tên tuổi của tên gián điệp này vẫn còn bí mật, chỉ có Hà Nội là biết rõ, nhưng vào thời gian y cung cấp tài liệu có giá trị vô giá này cho Bắc Việt vào cuối năm 1974 thì văn phòng CIA ở Sài Gòn có một bản danh sách gồm có 4 người trong bộ tham mưu thân tín của ông Thiệu bị tình nghi là có thể làm gián điệp nội tuyến cho Bắc Việt. Một trong 4 người đó là một sĩ quan đang giữ chức trưởng ban phản gián của Cục An Ninh Quân Đội, người này là bà con rất gần với một nhân viên cao cấp trong bộ tham mưu của Tổng Thống Thiệu.
"Dù rằng có đủ bằng chứng nhưng CIA vẫn không có thể làm gì được đối với họ vì cả bốn người đều là người tâm phúc thân cận với Tổng Thống Thiệu và trong đó có hai người, kể cả người phụ trách về phản tình báo của An Ninh Quân Đội, trớ trêu thay lại là cộng sự viên lâu đời của CIA. Nếu CIA mà làm tới và kết tội họ thì việc đó sẽ làm cho chính CIA bị bỉ mặt, do đó mà CIA đành phải làm ngơ."
Về chuyện nghe lén trong Dinh Độc Lập thì ông Trần Văn Đôn sau này có cho biết rằng không những người Mỹ mà cả Việt Cộng cũng đều có thể nghe được:
"Thì ra trong lúc Dinh Độc Lập được sưả chưã sau vụ ném bom năm 1962, trong mấy năm trời xây cất, Mỹ đã đặt máy vi-âm để nghe tất cả những gì xảy ra trong Dinh Độc Lập. Từ đó suy luận ra thì chắc chắn Việt Cộng đã cho cán bộ trà trộn làm công việc xây cất chỉnh trang và đã lén đặt máy truyền tin cũng như người Mỹ đã làm.
"Năm 1976, tôi bảo trợ cho gia đình ông Lê Ngọc An, thiếu úy cận vệ của Tổng Thống Thiệu. Tôi không biết ông An nhiều nhưng có người bạn điện thoại cho tôi biết ông An tìm người sponsor nên tôi đồng ý.
Sang đến Mỹ, ông An cho biết ngày Việt Cộng vào Dinh Độc Lập, chúng nhốt tất cả lại trong dinh trừ Tổng Thống Dương Văn Minh và Thủ Tướng Mẫu thì chúng chở đi nơi khác. Ông An thấy một người thợ điện làm việc trong dinh suốt 7 năm trời, lúc bấy giờ ló diện ra là cán bộ Cộng sản nằm vùng. Tên thợ điện đó dẫn cán bộ Việt Cộng đi hết mọi phòng và chỉ dẫn rất rành mạch. Vì vậy không những Mỹ nghe tin mật ở Dinh Độc Lập mà có thể Việt Cộng cũng nghe được."
Nghe lén là một trong những vũ khí quan trọng trong ngành tình báo và cũng rất có thể là một trong những cán bộ Cộng sản nằm vùng trong Dinh Độc Lập nhờ nghe lén mà đã phúc trình những tin tức có tầm quan trọng vô giá này cho Bắc Việt.
Trong binh pháp, người xưa đã dạy rằng "bí mật và bất ngờ là hai yếu tố quyết định cho chiến thắng" và Tôn Tử cũng có dạy "biết mình biết người, trăm trận trăm thắng," do đó, các tư lệnh chiến trường bao giờ cũng cố gắng tìm hiểu về các kế hoạch của đối phương trong khi che dấu, ngụy trang các kế hoạch hành quân của mình. Vào cuối năm 1974, các nhà lãnh đạo quân sự Cộng sản Bắc Việt đã nắm được những yếu tố chiến lược có tính cách quyết định tại chiến trường miền Nam qua những tin tức tình báo về buổi họp của các nhà lãnh đạo quân sự cao cấp tại Dinh Độc Lập trong bản phúc trình mà gián điệp Cộng sản đã gởi về Hà Nội. Nhờ những yếu tố mới này, Cộng sản Bắc Việt đã biết rõ những tiên đoán và kế hoạch đối phó của Việt Nam Cộng Hòa cho năm 1975 và do đó họ đã phối hợp những tin tức tình báo có tính cách chiến lược này với những yếu tố mà họ đã có từ trước để hoàn tất các kế hoạch tổng tấn công cho năm 1975 mà trước đó vẫn chưa được thành hình và chưa có quyết định tối hậu.
Kế hoạch đầu tiên là chấp thuận tấn công Phước Long.
TRẦN ĐÔNG PHONG (VNCH, 10 ngày cuối cùng)
Notes:
1 - Oliver Todd: Cruel Avril: 1975, La Chute de Saigon, Éditions Robert Laffont, Paris 1987. Trang 51: "La CIA est convaincue que, parmi les proches de Thieu, un agent renseigne Hanoi. Qui? Quang? Hao, ou un autre?"
2 - Cao Văn Viên: Những Ngày Cuối của VNCH, trang 96-97.
3 - Oliver Todd: Cruel Avril: 1975, La Chute de Saigon, Éditions Robert Laffont, Paris 1987. Trang 51: "La CIA est convaincue que, parmi les proches de Thieu, un agent renseigne Hanoi. Qui? Quang? Hao, ou un autre?"
4 - Frank Snepp: Decent Interval, Vintage Books, New York, 1978. Trang 133-135.
5 - Trần Văn Đôn: Việt Nam Nhân Chứng, Xuân Thu, California, 1989. Trang 498.
TRẦN ĐÔNG PHONG
No comments:
Post a Comment