Sunday, January 7, 2018

Lá thư của hoạ sĩ Nguyễn Minh Thành gửi Bộ chính trị cộng sản Việt Nam




Giọng đọc: Phương Hoa - Duy Trác

Kính thưa ngài,

Tôi tên là Nguyễn Minh Thành, một họa sỹ Việt nam. Tôi viết thư này với hy vọng lớn nhất rằng nó sẽ đến được tận tay ngài và ngài sẽ đọc nó. Tuy nhiên, theo những phỏng đoán của tôi, thì thường những thư như thế này rất khó đến được tay ngài và cũng ít cơ may được các quí Bộ trưởng đọc nó. Tôi cũng đã lưỡng lự nhiều lần, song lại nghĩ dầu thế nào cũng cứ viết tâm sự của mình và gửi tới ngài, còn duyên may đến đâu là ngoài tầm tay của mình.

Mặt khác, đây là lá thư mà tôi muốn trò chuyện về văn hoá của nước ta hiện nay, đó cũng là câu chuyện chung mà càng nhiều người chia sẻ và công luận thì càng tốt. Nên đồng thời gửi đến ngài Bộ trưởng, người mà tôi mong muốn nhất sẽ đọc nó, tôi cũng gửi cho các bạn bè và người quen qua e-mail. Như thế, cho dù vì lí do nào mà ngài không đọc được nó thì cũng có nhiều người đọc nó. Và chí ít nó cũng minh chứng một điều đơn giản thường thấy là ai nghe được tiếng nói người dân hay chỉ lại là chính người dân?


Tôi xin kể vắn tắt câu chuyện này:

Hồi đầu tháng 8 năm 2005, chúng tôi gồm 10 hoạ sỹ lên đường đi Côn Minh Trung Quốc tham dự một chương trình trao đổi với các nghệ sỹ bên đó. Đây là chuyến đi hoàn toàn tư nhân của chúng tôi và chúng tôi cũng xin visa theo mục du lịch. Chúng tôi không hề có ý muốn đại diện công gì cho tư cách Quốc gia. Những gì chúng tôi sinh hoạt đều là cá nhân bình thường, tuỳ ý, chứ không với một trách nhiệm đại diện gì cho ai. Nhưng khi chúng tôi đến cửa khẩu làm thủ tục xuất cảnh thì bị giữ lại và kết quả sau 5-6 tiếng chờ đợi là: Không được xuất cảnh! Những băng đĩa tư liệu cũng bị giữ, niêm phong và gửi về Bộ Văn hoá tại Hà nội. Chúng tôi nhận được lời giải thích về việc thu băng đĩa là: Vì chưa có giấy phép. Còn về không được phép xuất cảnh là không có lời nào. Mấy viên chức cửa khẩu nói họ chỉ làm theo lệnh từ trên.

Sau chúng tôi mới vỡ lẽ một phần là, các công an an ninh văn hoá, đã theo dõi và có đủ mọi thông tin về chuyến đi của chúng tôi. Câu chuyện nhỏ này là lý do chính mà tôi muốn tham khảo ý kiến Bộ trưởng và mọi người về những điều sau đây:

1-Việc chúng tôi không được xuất cảnh này đến giờ cũng chẳng biết lý do và chẳng ai đứng ra giải thích, như vậy có phải là điều bình thưòng không? Nêú là chuyện thường thì chúng ta sẽ phải đánh giá sự thường tình này như thế nào đây? Nếu không bình thường thì tại sao chúng tôi lại phải nhận sự đặc biệt này?

2- Bộ Trưởng có thấy rằng việc trên đây làm tổn thương chúng tôi và có một tổn thương nào đó trong cả bầu văn hoá chung của chúng ta không? Nếu là có thì đâu là nguyên nhân và ai là người gây ra? Nếu là không thì mọi thứ đều ổn thoả, bộ trưởng cứ việc ngủ ngon trong cơ đồ ổn thoả này.

3-Mọi thứ ở Việt nam dường như rất quy tắc và luôn cần được xin phép. Và phần lớn những lần tôi làm triển lãm đều rất mệt mỏi vì xin phép. Có thể nói, hầu như ai cũng thấy thế. Quỹ đạo hành chính và luật lệ vẫn như thế, tôi càng ngày càng thấy chẳng được dễ dãi hơn chút nào. Và đây là câu hỏi rằng: Có cái cây hay con thú hay thế lực phản động nào ngăn cản việc sống dễ dãi hơn của chúng ta hay không? hay chỉ còn lại chúng ta với nhau, công dân và nhà nước, nhưng chúng ta, như hai kẻ vùa điên, vừa ngờ nghệch, vật lộn với nhau trên đất nước bình yên và tươi đẹp này?

Chúng ta vốn sinh ra để được sống hạnh phúc và hạnh phúc hơn kia mà! Hay bộ trưởng và các quan chức thấy đời phải là bể khổ nên cứ phải gây ra khó khăn để cho đúng nghĩa ấy? Mười họa sỹ chúng tôi vừa rồi với tất cả hứng khởi đi Côn minh vì sẽ được tiếp xúc, được trao đổi và được học hành thêm từ bên ngoài. Vậy mà chúng tôi không được phép. Trong khi nhà nước chẳng hề cấp kinh phí gì, chúng tôi phải tự túc gắng công lắm mới xin được tài trợ cho chuyến đi. Khi hiểu về điều này tôi đã hiểu rằng mọi điều xảy ra đều là do con người gây ra và con người hèn hạ tồi tệ mới gây ra điều tồi tệ. Ở đây là những công an văn hoá nọ, đã rắp tâm kìm hãm chuyến đi này. Tôi cũng thấy chẳng cần bắt vạ Bộ trưởng vì những con người tồi tệ, vì mặc nhiên Bộ trưởng cũng chẳng thể làm gì được. Việc nhân cách là do một nền văn hoá sinh ra chứ không phải Bộ trưởng sinh ra, nhưng đây là vấn đề: Rằng chúng ta có vấn đề lớn về văn hoá.

Và đó mới là vấn đề tôi muốn nói với một Bộ trưởng bộ văn hoá. Tôi nói rằng văn hoá của nước Việt nam ta hiện nay thẫm đẫm giả dối. Từ trung ương đến địa phương, từ nông thôn đến thành thị, từ gia đình đến xã hội, từ người giàu đến người nghèo... đều thấm đẫm giả dối. Nguyên nhân của sự giả dối cao đến mức như thế này là do, vốn văn hoá phong kiến trong truyền thống nước ta đã nặng về hình thức ( một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp) lại công thêm 60 năm tư tưởng của nhà nước Cộng sản, còn xô đẩy người ta vào tư thế luôn phải giả dối. Nói vậy Bộ trưởng và nhiều người sẽ nghĩ thế thì láo quá! phủ nhận tất cả mọi thứ ư? nhưng tôi xin nhắc lại công lao của tư tưởng cộng sản để lại cho nhà nước ta hiện nay chỉ là sự giả dối mức độ cao như hiện nay nếu không nói là quá cao.

Và nếu tôi có láo vì nói vậy thì cũng là sự thật đấy. Cũng nói thêm rằng công lao có vẻ như được khẳng định chắc chắn nhất là: Đảng cộng sản giành lại độc lập cho Việt nam, nhưng hãy bình tâm suy xét một chút thôi, thì quan niệm về công lao này cũng sẽ bị lung lay đấy. Đó là: nếu không phải Đảng cộng sản và những người thế hệ ấy giành độc lập, thì luôn sẽ có những người khác làm việc đó, mặc dù là muộn hơn, nhưng muộn hay sớm không phải là vấn đề và cũng không phải là mục đích, mà là bằng cách nào, ra sao.

Hãy xem Ấn Độ giành độc lập sau nước ta và họ không cần quân đội và vũ khí để làm việc đó và hãy xem giờ đây họ là một nước như thế nào? Có thể nước ta giành độc lập bằng cách khác và với tư tưởng khác thì cũng không biết được có tốt hơn, hay xấu hơn những người cộng sản và cách mà họ đã làm, nhưng đó cũng không phải là điều cần bàn hiện nay vì nó chưa xảy ra, mà hiện nay điều phải dũng cảm nhìn vào là không có chỗ trong sự thật cho sự khẳng định rằng: Đảng cộng sản đúng và lại còn "hoàn toàn đúng" như nhà nước vẫn luôn dạy nhân dân. Thực ra điều tôi nói này không mới mẻ gì nhưng tại sao giờ này vẫn chưa nói ra được cũng chỉ là vì giả dối và tự lừa dối. Và Đảng ta là giả dối đấy. Tôi không tin được là Đảng ta thực thà đâu, đừng bắt tôi tin nữa. Việc bắt người ta không tin, phải tin điều gì đó, thì giống như tước bỏ cuộc sống của người ta mà thôi. Niềm tin không có ép được cũng như tình yêu vậy.

Khi nghe về tham nhũng ai nấy lắc đầu ngán ngẩm! chắc cả Bộ trưởng cũng vậy thôi. Nhưng tham nhũng là gì? Tham nhũng chính là kết quả của dối trá mà thôi. Những nước ít tham nhũng hơn ta thì chắc chắn rằng xã hội của họ, văn hoá của họ ít giả dối hơn ta. Vậy thì văn hoá hoàn toàn góp phần vào chống tham nhũng được đấy chứ, đâu phải chỉ có Tư pháp và luật pháp. Nhà nước nghĩ được ra luật chống tham nhũng mà không nghĩ được rằng bề sâu của vấn đề là văn hoá thì luật ấy chẳng bao giờ có hiệu quả đâu và mọi người cứ xem, thời gian sẽ cho thấy điều đó. Giờ đây tôi xin chỉ rõ điều bao bọc che chở cho sự giả dối đang lớn lên quá cỡ như hiện nay là: Chế độ kiểm duyệt văn hoá và tư tưởng.

Chế độ kiểm duyệt được duy trì như hiện nay tưởng là an toàn cho quốc gia, nhưng là ngây thơ lắm. Sức công phá của cái bọc giả dối này đang đến gần và nó mạnh lắm đấy. Chúng ta đang được an toàn như ở trong cái nhà chứa thuốc nổ vậy. Nếu biết tháo gỡ nó dần dần thì vẫn không sao.

Nhưng tại sao một số nước vẫn duy trì chế độ kiểm duyệt? Vì cũng từ trong văn hoá mà ra. Văn hoá của người Việt là: bố mẹ lo tương lai cho con cái, nghĩa là lo lấy vợ lấy chồng và xây nhà cửa cho con cái rồi nhắm mắt mới yên lòng. Nếp nghĩ này có từ rất lâu nên nó cũng khắc rất sâu trong văn hoá người Việt. Trước hết, nếp nghĩ này sẽ tiêu huỷ mọi ý tưởng phát minh và sáng tạo. Con cái sinh ra, lớn lên sẽ chỉ ở yên dưới sự chỉ đạo và điều hành của bố mẹ cho đến khi lập gia đình xong.

Một số con cái làm trái ý bố mẹ thì bị coi là mất dạy và sẽ phải bị bắt buộc phục tùng. Và nếu nó không quy thuận thì sao? thì số đông là xã hội sẽ lên án. Và như thế từ nhà ra tới ngoài xã hội đều thống nhất một quan điểm nó là đứa mất dạy và đương nhiên mọi cơ hội để nó là nó, là tự phát triển đều không có, hoặc có rất ít. Điều này giải thích tại sao cho đến giờ Việt nam, Văn học, Toán học, Vật lý, Hoá học... chưa có giải Nobel, hay là những nhân tài lừng lẫy thế giới. Văn hoá này cũng dẫn đến rất nhiều tuỳ tiện và áp chế từ phía người có quyền hành. Không phải bố mẹ nào cũng lo được cưới xin và nhà cửa cho con cái như nhau, nên con cái hãy yên phận với những gì cha mẹ có thể làm được và đừng tủi hổ than phiền về điều đó, đó cũng là đức hạnh lớn lao được xã hội đề cao.

Một đứa bé lớn lên chẳng mấy chốc trở thành những người kế tục và chúng cũng phải lặp lại y nguyên những gì cha mẹ làm với chúng. Xã hội mà chúng ta đang sống hiện nay là đang thừa hưởng văn hoá ấy. Thế thì đại biểu quốc hội, quan chức nhà nước và Bộ chính trị đi nữa, thì cũng là những con người ấy những con người từ nhân dân mà ra và được ướp trong nếp nghĩ sâu xa ấy. Thế là chúng ta có một chính quyền của nhân dân và do dân, vì dân theo nghĩa ấy, đó là lo lắng và sắp đặt mọi thứ mà người dân không nên tự lo hay không được phép lo. Dân muốn gì thì phải xin nhà nước. Tôi đoán rằng hiếm có nước nào chữ "đơn xin, giấy xin phép" được dùng nhiều như ở chế độ hành chính của ta.

Tôi thấy như một trò hề là thậm chí nhà nước thiết kế cả mô hình làng văn hoá và mọi nơi cứ đua nhau "xây dựng làng văn hoá" hay "khu văn hoá" với những tấm biển to ngoài cổng, Lại còn cấp cả bằng chứng nhận gia đình văn hoá nữa! Cũng như các bậc cha mẹ thường hay nói:"bác à, cháu nó thế thôi, nhưng mà được cái ngoan đáo để, có hiếu lắm..." Và lần này với 10 họa sỹ chúng tôi cũng vậy, các cô, các cậu tự đi tham khảo, trao đổi, học hành làm gì? cứ ở yên đấy, nhà nước sẽ lo liệu cho các bạn mọi thứ tốt đẹp, còn ít ra nếu có thăm thú tìm hiểu cái gì cũng phải xin phép nhà nước hay các cấp "có thẩm quyền" coi có tốt đẹp không đã.

Còn nếu ai hỏi xem, hoạ sỹ của Việt nam vẽ gì thế ? Thì các quan chức sẽ trình bầy rằng: đây này, bạn xem triển lãm mỹ thuật toàn quốc của chúng tôi đi, họ vẽ yêu nước lắm, ca ngợi lắm, "có hiếu" lắm...Có phải vậy không thưa bộ trưởng? Nếu không được tự do đi ra ngoài nước thì làm sao chúng ta có nghệ sỹ nổi tiếng thế giới? Thưa bộ trưởng! Hay là chẳng cần thiết là danh hoạ thế giới, cứ ở nhà phấn đấu rồi bộ văn hoá sẽ trao bằng khen cho? Tôi phải thốt lên với thế giới rằng có công dân nước nào được nhà nước lo chăm như chúng tôi không? Hỡi các bạn quốc tế, đến đây mà ganh tỵ với chúng tôi!

Nước Việt nam có một bờ biển dài, nhưng lịch sử cho thấy, hàng hải của chúng ta từ xưa đến nay luôn kém nhất trong khu vực. Điều ấy nói lên khả năng phiêu lưu của người Việt là kém. Điều ấy cũng nói lên một nỗi sợ hãi nào đó với thế giới bên ngoài trong văn hoá của chúng ta. Và nhìn chung, người Việt thích an toàn. Và càng thích an toàn bao nhiêu thì càng sợ nổi loạn bấy nhiêu. Vì thế mà đến cả văn hoá cũng cần phải có một ban tư tưởng văn hoá trung ương và một cục của công an lo về bảo vệ an ninh văn hoá. Tôi hiểu những năm qua chính quyền của nhà nước xã hội chủ nghĩa này chịu rất nhiều phê phán và chống phá từ bên ngoài nhất là ngoại kiều thất trận, đương nhiên, nếu không có chế độ bảo vệ kiểu đó thì chính quyền cũng gặp nhiều nguy nan. Nhưng đó là vấn đề của chính quyền chứ không phải vấn đề của người dân. Nhưng cũng vì chỉ lo bảo vệ chính quyền mà người dân cũng bị xếp chung trong chế độ kiểm duyệt và đương nhiên là bị hạn chế nhân quyền.

Vấn đề ở đây cần được làm rõ là: chính quyền cần được bảo vệ chứ không phải người dân, nhưng chính quyền lại nép vào phía người dân để được che chở. Việc chính quyền có bị đe doạ, là không liên quan đến tôi, còn nói nó có liên quan đến tôi để tôi phải cùng trách nhiệm là không đúng, điều này cần được xem lại. Chỉ có một phần nhỏ dân số của đất nước là liên hệ có quyền lợi với chính quyền, còn lại nếu xét đúng ra thì người dân luôn phải nuôi chính quyền. Nhưng cái hay ở Việt nam là ở chỗ, đa phần người dân rất sợ chống chính quyền, đó là cái hay đáng thương tôi cũng rất sợ. Tôi không dám chống đâu, mặc dù tôi không thích cái chính quyền này. Tôi yêu đất nước này nhưng tôi không yêu cái chính quyền này. Điều ấy là thực. Chắc cũng xuất phát từ cái văn hoá thích an toàn, yên ổn. Và đến đây thì chúng ta tìm thấy cái giống nhau là: cả hai, chính quyền và người dân đều thích yên ổn, nhưng điều khác nhau ở chỗ: người dân vì yên ổn nên không muốn làm gì chống lại, còn chính quyền thì làm mọi cách để đạt được an toàn cho dù có xâm hại đến người dân.

Thưa bộ trưởng, tôi luôn mơ ước có một chính quyền tốt hơn cho dù là đảng nào cũng được và tôi biết, không ít người cũng nghĩ như vậy. Thêm nữa về cái bọc giả dối của chúng ta là: Mấy năm gần đây cứ nói thật hồn nhiên trên thông tin đại chúng về "Tư tưởng Hồ Chí Minh". Tôi thấy nực cười vì tôi tìm mãi cũng chả thấy nêu lên được cái gì gọi là tư tưởng cả! Những điều mà Đảng, nhà nước tuyên truyền ấy tìm đâu chả thấy. Một người có ăn học bình thường cũng có thể nói lên được những điều ấy, hay cứ bảo bất kỳ một người ở một nước phát triển, có bằng tiến sỹ thời bây giờ là họ sẽ viết ra còn đầy đủ và tiến bộ hơn những điều mà các nhà triết học Mác-Lênin của chính phủ nói về "Tư tưởng Hồ Chí Minh". ấy vậy mà tốn biết bao giấy mực và thời gian, công sức truyền thông về cái gọi là tư tưởng ấy. Ngay cả phát động những cuộc thi tìm hiểu về tư tưởng ấy nữa, hãy thành thực mà nói với nhau rằng đó là hình thức và giả tạo. Hơn nữa, cái thế giới này đã chẳng còn cần đến tư tưởng của một ai nữa, vì tư tưởng nào cũng có, nhưng có đưa người ta đến đâu đâu, vẫn cứ sống cùng nhau trong khó khăn và thách thức như hiện nay, như muôn đời.

Tôi cũng rất tôn trọng chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng đừng lầm lẫn tôn trọng và mê tín. Nhà nước không nên bảo hộ tư tưởng và văn hoá như vậy, hãy dành quyền đó cho người dân. Bộ trưởng có biết rằng dân ta sợ nhà nước tới mức nào không? Họ sợ tới mức không dám suy tư về những tư tưởng nữa. Văn nghệ sỹ cũng hầu hết rất sợ đả động hay liên quan đến chính trị, đến tư tưởng. Và thành một thông lệ được tự quy ước trong đầu mỗi người là: nếu có nói về chính trị hay đến Đảng thì chỉ được phép nói tốt. Còn nói xấu chắc Bộ trưởng và mọi người cũng đã từng chứng kiến, hậu quả như thế nào sẽ xảy ra. Vì thế nên trong thanh niên ở ta hiện nay, tâm lý, triết học và quan niệm chính trị, kể như không có trên đời. Tôi còn nghe nhiều phàn nàn và phê phán rằng thanh niên ta thời nay không có mấy lý tưởng sống. Điều đó đúng đấy, nhưng những người phê phán phàn nàn ấy, hãy xem họ là ai? chắc chắn số đông là thế hệ già. Và lý tưởng mà họ muốn nói ấy là gì? Thực ra là những lời phàn nàn sáo rỗng và giả dối nữa. Chính thế hệ đã gây ra tình trạng băng giá trong tinh thần thanh niên ngày nay lại phàn nàn về chính điều đó. Tôi xin bảo đảm rằng chừng nào giả dối mất đi, chừng đó lý tưởng mới nảy sinh. Và lý tưởng là gì? là niềm say xưa đến với cái đẹp đẽ của cuộc đời này. Muốn thế cần tình yêu, bao nhiêu năm nay tôi chưa được nghe người cộng sản nào nói được về tình yêu cả, hình như họ chỉ đơn giản bắt người ta phải yêu Đảng cộng sản thì đúng hơn.

Thế hệ trẻ ngày nay không phải họ bị biến chất đâu, và cũng không phải bị ảnh hưởng xấu từ bên ngoài đâu, lạy Chúa, nếu được ảnh hưởng từ bên ngoài lại còn là may đấy! Nhưng họ bị thui chột tinh thần ngay từ bên trong kìa, đó là gia đình, là thế hệ cha anh chú bác, họ mất lòng tin nơi thế hệ đi trước. Tôi biết nói vậy biết bao người sẽ không hài lòng tý nào, nhưng đó cũng chẳng gì hơn ngoài sự thật. Thời bao cấp, thời xã hội chủ nghĩa, đã tước đoạt biết bao tình yêu và chân thật, đó là một vết thương lớn trong văn hoá và thế hệ ngày nay và sau nữa còn phải chịu ảnh hưởng bởi di chấn của nó. Tôi xin nói rằng những thế hệ trước là những thế hệ có lỗi với thế hệ trẻ ngày hôm nay chứ không phải ngược lai, trong khi cách cư xử hiện thời là, cứ dường như thế hệ trẻ là có lỗi và gây nên mọi xấu xa cho dân tộc này. Tôi muôn vàn lần nài xin, hãy đừng lẫn lộn và đừng vô cảm thế. Và sự thực cho đến nay chưa hề có lời xin lỗi nào từ phía những người đi trước, mà chỉ nghe toàn thấy những lời tuyên thệ của các em học sinh noi theo, biết ơn cha ông và những người đi trước. Các em còn biết bao trong sáng, ngây thơ mà ở trường những bài học đầu tiên đã là những bài học về vô cảm, sáo rỗng và giả dối. Như vậy làm sao tình yêu nảy sinh được. Con em chúng đa đang bị nhiễm độc nặng trong bầu khí giả dối này. Giả dối không đứng cùng với tình yêu.

Sau hết, với thành tâm và hiểu biết của tôi, tôi xin khuyên rằng hãy bỏ cố chấp đi. Đảng cộng sản hiện nay đang là cố chấp, đang lún sâu vào hơn bãi lầy cố chấp. Sớm muộn gì mọi quốc gia nếu muốn phát triển và văn minh hơn, đều phải đa đảng như nhũng nước tiên tiến hiện nay. Kể cả Trung Quốc hay Cu Ba hay Bắc Triều Tiên thì cũng sẽ phải vậy. Vấn đề hơn nhau là ở thời gian thôi. Những người vì quá sợ hãi thay đổi, thì luôn tìm kiếm các mô hình có vẻ giống mình để được cảm thấy an tâm và khỏi phải thay đổi. Nhưng giờ là lúc nếu người lạc quan có thể cho phép mình nghĩ là vẫn còn chưa muộn để lo thu xếp việc thay đổi. Để càng lâu thì việc chỉ càng khó khăn hơn và khủng hoảng chỉ càng lớn hơn, đau đớn càng lớn hơn mà thôi.

Nhưng trước khi bắt tay thay đổi, hãy chuẩn bị tâm lý cho một nỗi sợ hãi lớn. Chỉ có dũng cảm để làm được. Dũng cảm cần nỗ lực, còn sợ hãi và nhút nhát chả cần nỗ lực gì, nó luôn dư thừa có đó trong mỗi người và nó bám víu người ta dai dẳng hơn bất cứ cái gì. Sau nỗi sợ là sự tức giận. Sợ hãi sẽ dẫn tới bạo hành, luôn là như vậy. Nhưng hãy nghĩ: sinh ra và sống trên đời này là quí nhất và thiêng liêng vô cùng. Thế nên chả có gì cần phải nóng giận mà hãy đón nhận mọi phê phán và chỉ trích. Tôi nghĩ nếu vì ý thức về sự thiêng liêng của con người thì, quá trình thay đổi từ hiện nay sang đa đảng cũng hoàn toàn tránh được đau đớn. Nếu thông minh thì cũng thu xếp bảo vệ được nhiều quyền lợi. Nhưng được điều quan trọng hơn là giải phóng cho dân tộc mình khỏi bạc nhược và buồn bã như hiện nay.

Kính thưa Bộ trưởng, tôi còn nhiều tâm sự thế này lắm, bức thư này chỉ phần nào nói lên những gì tôi nghĩ thế thôi, kẻo làm mất nhiều thời gian của Bộ trưởng. Tôi hy vọng nếu có điều kiện, còn có thể giãi bày tâm sự và trao đổi cùng Bộ trưởng và mọi người nhiều hơn về con người chúng ta và văn hoá chúng ta.

Với thư này tôi không dám có ý đấu tranh hay chống lại gì nhà nước đâu. Quan điểm riêng của tôi là thuyết phục và cổ vũ lòng chân thành. Còn sự thực và lẽ phải luôn thường trực bên chúng ta, nếu chúng ta nhận ra và sống với nó, thì lo chi không tràn ngập tình yêu hạnh phúc và bình an nữa. Tôi cũng xin là: đừng kết tôi vào tội gì khác ngoài tội mô tả sự thật. Nhà nước cũng hay kết nhiều người tội phản động và tôi sợ từ "phản động" vô cùng. Tôi nói thật, tôi sợ lắm!

Lời cầu nguyện của tôi là: Xin tình yêu, ở nơi tình yêu, chúng ta tin tưởng hoàn toàn và cuộc đời này thật đẹp biết bao!

Xin kính chúc Bộ trưởng và quý vị sức khoẻ cùng những điều tốt đẹp nhất.

Xin kính chúc năm mới an lành.

Hà nội ngày 09 tháng Giêng năm 2006

Nguyễn Minh Thành

Kính thư

Tái bút: Tôi cũng rất mong nếu được hồi âm. Địa chỉ của tôi là: Nguyễn Minh Thành-P6A1-149/1194-Đường Láng, Đống Đa, Hà Nội.
e-mail: thanhmiin@yahoo.com.au

1 comment:

  1. Lâu lắm mới đọc được 1 bức tâm thư hay và có ý nghĩa như thế này. Không lo chi Chính nghĩa sẽ thắng Hung tàn cộng sản trong 1 ngày gần đây. Cám ơn Nora mất công kiếm bài hay cho người đọc.

    ReplyDelete