Ảnh Bảo Huân
Giọng đọc: Hoàng Tín
Chuyện thằng Nam mê cánh tay con Giao Chỉ không phải chỉ có bà con chòm xóm nơi hai đứa sinh ra và đua nhau lớn lên biết mà cả chợ Mới, nơi gia đình con Giao Chỉ có sạp trái cây ba đời truyền lại cũng đều biết.
Cánh tay con Giao Chỉ, thằng Nam nói, là thứ trái cây có một không hai trên đời. Trái cây này trắng hồng, vừa dịu vừa giòn, vừa thơm vừa ngọt, vừa thuôn vừa lẳn mà còn kỳ diệu ở chỗ khi nào trời nóng nực thì nó mát rười rượi, khi nào trời mưa lạnh thì nó lại tỏa ra hơi ấm nồng nàn y như là cái máy điều hòa không khí vậy đó. Ðêm nào ngủ thằng Nam chẳng mơ thấy trái Giao Chỉ đong đưa trong mộng khiến nó thèm nhỏ dãi, chỉ muốn chộp lấy, cắn một miếng cho đã miệng. Nếu có ai hỏi sờ thử chưa mà biết tay Giao Chỉ vừa mát lại vừa ấm, thằng Nam đáp: “Xì, cần chi phải sờ, ngó sơ qua thôi cũng biết rồi.” Ðó là thằng Nam chưa dám nói ra điều nó mới phát hiện gần đây. Trái Giao Chỉ của nó có lông!
Trời đất, mọc hồi nào vậy hổng biết nữa! Ngày nào nó chẳng nhìn mà sao bây giờ mới thấy vậy kìa? Chẳng lẽ trong một đêm, lông ở đâu xổ ra từng đó? Thằng Nam thấy khó chịu trong người, tựa như mấy sợi lông kia đâm chọt cổ họng nó vậy. Mất ăn mất ngủ cả tháng trời, cuối cùng, chịu không nổi nữa, nó quyết đi hỏi chuyện con Giao Chỉ.
“Sao tự nhiên mọc lông tùm lum vậy?”, suýt nữa thì Nam buột miệng khi giáp mặt Giao Chỉ ở đầu xóm. Ðêm về ôm gối ngủ, nghĩ lại, nó thấy mừng đã kềm chế được. Nó dám chắc, hỏi ra, Giao Chỉ mắc cỡ sẽ về kiếm lưỡi lam cạo đi sạch bách thì Nam càng điêu đứng hơn bởi vì tuy rất ngạc nhiên, nó thấy quá thích lớp lông xanh xanh yểu điệu phủ rợp cánh tay mịn trân như bánh bèo của Giao Chỉ.
Hình như Giao Chỉ mắc cỡ thiệt. Thằng Nam chỉ được ngắm cánh tay dậy thì kia đâu chừng đôi ba lần thì thôi. Giao Chỉ đổi cách ăn mặc, đi học có áo dài che đậy không nói làm chi, buổi chiều và cuối tuần ra chợ phụ má bán trái cây, nó cũng bận áo tay dài, cài khuy cẩn thận. Thằng Nam loay hoay. Nó thấy khổ sở vì không được nhìn thấy cánh tay Giao Chỉ. Lúc đầu, nó tự an ủi không thấy ban ngày thì thấy ban đêm vậy. Không được thực thì đành mơ. Ðêm nào nó chẳng tha thiết nhớ cánh tay hết sức dễ thương kia. Nhớ đến đỗi cánh tay chưa bao giờ ngưng luồn vào giấc ngủ, vuốt ve, ôm ấp nó, và, dạo gần đây, nói nghe kỳ, cánh tay có lúc còn mân mó vài chỗ trên thân thể khiến nó toát mồ hôi tứ tung đến phải giật mình thức giấc khi trời còn chưa sáng.
Càng bị cánh tay Giao Chỉ hành hạ, thằng Nam càng khao khát phép lạ nào cho con Giao Chỉ xắn tay áo lên như cũ. Nhiều bữa, nó chỉ muốn xé toạc cái tay áo giáo già kia ra cho hả. Nó giận đến đỗi cặp mắt hận sầu của nó bị con Giao Chỉ phát giác :
– Anh Nam sao vậy?
– Có sao đâu!
– Làm gì nhìn tui như muốn ăn tươi nuốt sống?
– Giao Chỉ không nực hả?
– !
– Nóng chảy mỡ mà làm gì kín cổng cao tường dữ vậy?
– Kệ tui!
Giao Chỉ trả lời vậy nhưng vài bữa sau đã thấy nó mặc áo tay cụt trở lại. Nam mừng quýnh. Nó tìm cách xáp lá cà để thăm cho đỡ nhớ món trái cây thần thoại. Nhưng nó thất vọng đến chảy cả mặt. Lông biến đâu mất tiêu! Vậy là Giao Chỉ cạo đi rồi. Trời ơi, sao mà ngu quá vậy không biết nữa. Nam hối hận. Phải chi nó đừng nói gì để những sợi lông yêu vẫn ở đâu yên đó. Dù nó không được ngắm nhưng nhìn tay áo, tưởng tượng sự giấu giếm thẹn thùng bên dưới lớp vải kia cũng thấy khoái. Ðã được nhìn thấy cánh tay lợp lông, đã quen sống với hình ảnh xum xuê mạnh mẽ, đùng một cái trơ nhẵn, thằng Nam thấy thế nào đó. Giống như nó vừa mất đi một cái gì quý báu vô cùng. Nó bóp đầu bóp trán tìm cách. Phải làm sao cho Giao Chỉ để lông trở lại mới được.
Thằng Nam vẫn đang nghĩ mãi chưa ra thì bỗng bất chiến tự nhiên thành, trời năm đó đổ mưa liên miên làm lũ, áp thấp nhiệt đới quét qua quét lại, Giao Chỉ bắt buộc phải mặc áo tay dài luôn cho đỡ lạnh. Thằng Nam vái ông Trời lạnh hoài để Giao Chỉ mặc áo tay dài. Mặc chừng một tuần lễ thì em sẽ thấy chẳng cần phải cạo lông làm gì nữa và Nam sung sướng với ý nghĩ những sợi lông của nó dần trở về vị trí.
Trời chiều lòng thằng Nam nhưng khốn thay, càng đẹp dạ chuyện lông lá bao nhiêu, thằng Nam càng khổ cực thân xác bấy nhiêu vì bão dữ quá, bao nhiêu hoa màu trồng trọt được trong vùng đều bị mưa gió tàn phá. Gia đình thằng Nam vốn cũng có sạp lê-ghim ngoài chợ Mới lâm vào cảnh khốn khó như bao nhiêu gia đình trồng trọt và buôn bán hoa quả khác. Cha Nam quyết định tìm cách giao dịch với đám thương lái ngoài nước. Và vì là con lớn trong nhà, Nam phải bỏ lửng chuyện học, theo cha đi lơ.
***
Giao Chỉ thành hình trên sạp trái cây mà cha mẹ cô thừa hưởng từ bà ngoại do bà cố cô gầy dựng nên từ hồi di cư. Ban ngày bày chuối, nhãn, bưởi bòng vừa buôn bán vừa cơm nước ngay ra đó, ban đêm giăng mùng ôm nhau ngủ. Không phải vô gia cư. Nhà họ nằm trong khu xóm sau lưng chợ. Khổ nỗi, căn nhà thuộc diện quy hoạch đô thị, một ngày đẹp trời, nhận lệnh báo cắt vô năm thước. Căn nhà mươi thước dài, năm thước rộng cho một cụ già và hai vợ chồng bị thẻo còn có 5 mét x 5. “Thì vuông vắn chứ sao!” cô nhân viên sở nhà đất trả lời vậy khi cha Giao Chỉ cầm giấy lên kêu khóc. Chẳng làm sao khác được, cha mẹ Giao Chỉ bèn nhường cái hộp vuông vắn kia cho mẹ già. Phần họ, đem nhau ra sạp trái cây mà sống. Lạ thay, ở trong nhà cửa kín cổng cao tường năm này tháng nọ mãi chẳng được mụn con nào, vừa ra sống cảnh màn trời chiếu đất chẳng bao lâu thì đậu ngay Giao Chỉ!
Giao Chỉ nằm trong bụng mẹ, suốt chín tháng được nếm bao nhiêu trái cây ngon lành nên sinh ra thơm và sạch như một lọn mía lau, mẹ Giao Chỉ nói vậy. Cô chào đời cũng ngay trên sạp trái cây này. Mẹ cô giữa đêm chuyển dạ không một dấu hiệu nhỏ nào báo trước, đau bụng đột ngột, bể nước ối xong là cái đầu đứa nhỏ thòi ra tức thì. Chính tay cha Giao Chỉ đỡ con. Ông đưa hài nhi ra, chùi nhớt, đặt lên bụng vợ, đẩy mấy buồng chuối lại tấn chung quanh chỗ hai mẹ con nằm xong chạy đi tìm xe chở sản phụ và hài nhi vô nhà thương cho người ta cắt rún. Hơi thở đầu đời, Giao Chỉ hít đầy nhóc hai buồng phổi mùi chuối cau chín cây. Từ ấu thơ lại được nuôi dưỡng chủ yếu bằng hoa quả, mồ hôi tiết ra vị ngọt và mùi hương lìm lịm. Ðiều này Nam cũng nhận biết nhưng vì quá mê mệt đôi cánh tay Giao Chỉ, anh dồn hết ý tứ và ngôn ngữ có được vào đấy.
Cha mẹ Giao Chỉ không bao giờ nói ra, nhưng ông bà biết mình sở hữu một kỳ quan. Ông bà vẫn tự hào là người bán trái cây «chảnh» nhất chợ. Thứ trái cây nào cũng được ông vào tận nhà vườn, mua hẳn cây và đưa trái về cho người tiêu dùng khi trái đã chín cây, cùng lắm là trái sắp chín đưa về giú khạp gạo chứ không thèm giao dịch qua mối lái hay bán buôn thứ trái cây giú khí đá. Ðiều này thì ông vỗ ngực. Làm vậy kém lời và hao sức, tại sao làm? Ai có hỏi vậy, ông cười hả dạ, xem như một lời khen. “Dân mình khổ quá. Chiến tranh liên miên mà. Bởi vậy, tui muốn cho bà con hưởng chút hạnh phúc thái bình ăn thứ trái cây ngon ngọt tự nhiên. Những chủ vườn tôi chọn không xài phân hóa học. Họ bón thúc toàn bằng phân bón tự nhiên thôi. Cho nên trái cây sạp tui không mấy đẹp mã nhưng ăn quả ăn luôn cả vỏ mà không sợ liếm phải bã hoá học.”
Giao Chỉ càng lớn càng thơm tho mơn mởn lạ thường khiến người làm cha mẹ vừa cảm thấy sung sướng vô ngần vừa không khỏi lo âu. «Nó là thứ trái cây có một không hai trên đời.» Cha Giao Chỉ nói với mẹ cô như thế. Nam tình cờ đi đâu ngang sạp nghe được, khoái chí bốc ngay lấy, dành làm câu của mình. Biết Giao Chỉ có nhan sắc và mùi hương cuốn hút, ông bà không muốn con gái lui tới chỗ chợ đông nhưng vì khách khứa tấp nập không kịp bán, một mình mẹ Giao Chỉ xoay không xuể đành để con ra phụ sau buổi học về.
Từ ngày Giao Chỉ ra phụ mẹ buôn bán, sạp trái cây như hũ mật thần kỳ thu hút bướm ong. Khách quen đã đành, khách vãng lai ở đâu cũng tụ đến nườm nượp. Cha Giao Chỉ hăng nghề, giao phó hàng họ cho hai mẹ con, chịu khó đi tìm chủ vườn mới, cốt sao đem về hoa quả đặc sắc. Buồn thay, ông Trời nhiều khi hình như không có mắt thật, người hiền lương như cha Giao Chỉ một bữa đang lái xe từ nhà vườn về bị cam nhông tông nứt sọ rồi dông tuốt. Ông vào Chấn Thương Chỉnh Hình nằm hôn mê chờ ngày mổ xẻ. Mẹ Giao Chỉ buông sạp trái cây cho bà mẹ già đã ngoài tám mươi và đứa con gái chưa tròn mười bảy quán xuyến, ngày đêm túc trực trong nhà thương nuôi cái xác vật vờ nửa sống nửa chết của chồng.
Hai bà cháu, một người dày dạn kinh nghiệm nhưng mắt mờ tai điếc tay yếu chân run, một người thừa sức bẻ gãy sừng trâu và không ít tham vọng thành công nhưng ngu ngơ khờ khạo cặp kè nhau gánh vác giang sơn.
– Cũng may có anh Nam ha ngoại, Giao Chỉ nói.
– Ờ, thằng đó được việc. Nhưng tao thấy nó cứ xúi quẩy mày lấy hàng Trung Quốc hoài. Hổng được nghe Giao Chỉ.
– Thì có sao đâu ngoại? Trái cây lão Tam chào tươi tốt hơn hẳn những bạn hàng khác. Mình cứ cóc ổi hoài sao phất nổi hả ngoại ? Bây giờ người ta văn minh, ăn lê, táo, nho, đào không hà.
– Lão Tam là ai?
– A, con quên nói với ngoại, lão là chủ vựa mới của gia đình anh Nam. Bữa hổm, anh Nam đưa về, giới thiệu cho con. Lão chào trái hồng. Quả to bóng, ăn mát miệng lắm ngoại à, mà hổng có chát chút nào hết. Giá cũng rất mềm.
– Thôi dẹp đi. Cha mày mà nghe làm ăn với Ba Tàu, nó đập mày tao can hổng nổi đâu.
Giao Chỉ nghe ngoại nhắc cha thì im. Nhưng những trái hồng lộng lẫy lão Tam đưa mời không biến mất khỏi đầu óc của cô chủ kinh doanh trẻ tuổi. Cô định bụng sẽ dùng chiêu nước chảy đá mòn, thuyết phục cho tới khi nào bà ngoại xiêu lòng mới thôi. Chừng mua may bán đắt rồi, cha cô có tỉnh lại cũng khó lòng trừng phạt cô. Nhưng phải liên lạc với Tam gấp để lão yên bụng giữ hàng tốt cho mình. Nghĩ vậy, Giao Chỉ len lén bấm số. Cô gái mừng rỡ nghe ông chủ vựa bên kia đầu dây hứa hẹn: “Lược, lược. Ngộ lể cho. Người lẹp mà.”
***
Trong cái phúc có cái họa, trong cái họa có cái phúc. Câu này, Nam cũng nghe được từ miệng cha Giao Chỉ vào một dịp nào đó chẳng nhớ. Chỉ biết, người đàn ông miền Nam hào sảng, ăn to nói lớn như một hảo hớn thứ thiệt từ Thủy Hử truyện bước ra ảnh hưởng Nam còn nhiều hơn cha đẻ của anh. Câu nào ông nói, Nam cũng thấy hay, việc gì ông làm, Nam cũng thấy đặng. Ðặng nhất, hay nhất chính là đứa con gái ông sinh thành mà Nam tin chắc như đinh đóng cột là để dành cho anh.
Nam tìm thấy cái phúc của mình trong cái họa giáng xuống gia đình Giao Chỉ khiến cô phải buông bỏ học hành, long đong nơi phố chợ. Nhờ vậy mà anh được gần gũi, có dịp đỡ đần tay chân, thân cận với người con gái anh mơ. Ðưa lão Tam đến với gia đình Giao Chỉ, Nam biết anh đang làm trật ý vị hảo hớn anh ngưỡng mộ nhưng trời phụ lòng người, giông bão khiến trái cây quanh vùng đứt lứa hết, không đào đâu ra mà bán. Giao Chỉ lại nôn nóng thành công, còn anh thì nôn nóng giúp cô thành công. Gặp thời thế thế thời phải thế, ba à, Nam thì thầm khi cầm bàn tay hôn mê của ông già vợ tương lai, câu này ba ưa nói đó, con đành phải vậy thôi. Rời nhà thương, anh để lại cho bà già vợ tương lai một túi «kỳ hoa dị thảo» Bắc phương gồm lê, hồng, đào, táo. Quả nào quả nấy chẳng những ú nu ú nần mà còn thần kỳ ở chỗ mẹ Giao Chỉ ăn không hết, để lây lất trong cái tủ sắt đầu giường bệnh của chồng cả tháng trời mở ra vẫn y nguyên, không hề kém tươi!
Những trái cây thần kỳ đó đang được bày bán nhan nhản khắp nơi, trừ sạp trái cây của gia đình Giao Chỉ. Bà ngoại Giao Chỉ cương quyết bảo vệ cây nhà lá vườn dù hàng họ khan hiếm và cứ còi cọc dần. Giao Chỉ rầu rĩ, “Làm sao bây giờ đây, anh Nam?” là câu hỏi duy nhất trên cửa miệng người con gái đang lớn biết thèm muốn cái phồn thịnh của người và sốt ruột với cái nghèo kém của mình. “Ngoại à, nhìn trái cây người ta kìa, chỉ cần nhìn thôi là muốn mua rồi. Hay mình thử một lần đi ngoại!” Trăm lần như một, cặp mắt đục nhờ của bà cụ trợn ngược, con ngươi gom lại thành hai viên đạn thép bắn vào mắt cô cháu: “Không được!”
Bà cụ ngoài mặt cứng với cháu nhưng trong bụng thì lo âu khôn tả. Thấy Giao Chỉ buồn rầu quá, bà la rầy buổi sáng, dịu giọng buổi chiều: “Ngoại sẽ đưa thêm lòng mứt từ vườn của ông cậu con dưới Cái Bè lên bán. Có thứ trái cây này, sợ gì vắng khách.”
– Nhưng ba con cần tiền để mổ. Nhà mình buôn bán như châu chấu đá voi, biết ngày nào mới đủ tiền?
Bàn tay bà cụ đang bận bịu với cây kim băng cài cái hầu bao xẹp lép đựng vài tờ bạc thu được trong ngày nghe cháu nói vậy thì ngửa ra bất động. Bà tụt xuống khỏi sạp, bỏ về nhà để khỏi phải trả lời con cháu lì lợm mà hình như càng ngày càng có lý này. Còn lại một mình với đôi ba nải chuối luộc còm cõi, một hai trái mãng cầu xiêm đầu teo đít thẹo và mấy miếng dứa xẻ nằm khô héo eo sèo bên dĩa muối ớt, Giao Chỉ thút thít khóc. Tủi thân, xót cha, thương mẹ. Nước mắt đoanh tròng không ai dỗ dành. Cô gái ngồi bó gối nghe mấy đứa con nít trong xóm chạy xa xa chọc ghẹo “Chuối đây, chuối ế đây!” Nỗi âu sầu cắm chặt cô xuống tấm ván gỗ lót sạp đến tê cả đôi chân mà không hay như thế cho đến khi chiếc gắn máy sạt ngang hông sạp thắng két bắt gương mặt ủ dột của cô ngước lên.
Lão Tam mang bộ mặt không cần phải giới thiệu cũng biết ngay gốc người ở đâu. Lần đầu tiên Nam đưa lão đến, Giao Chỉ mới nhìn thấy đã hết hồn hết vía. Lão có một cái miệng thật hung bạo. Cái miệng ấy ngang nhiên lấn đất cái mũi sần sùi trông chẳng khác gì quả ổi bị sâu đục trên gương mặt tròn phính, bóng nhẫy. Khi lão nói chuyện, Giao Chỉ luôn có cảm tưởng hàm răng bự chảng của lão sắp nhào ra khỏi cặp môi dày cui, lao tới ngoạm mặt cô. Lão nói tiếng Việt không giống người Việt nhưng trí óc tinh ranh hiển hiện qua cặp mắt giúp lão chọn lựa một số từ ngữ cần thiết, ráp nối lại cốt mua lòng người. Lưỡi lão ngắn. Cổ lão cũng ngắn. Tay chân lão, lưng bụng lão đều ngắn. Nam bỏ nhỏ với Giao Chỉ: “Ngũ đoản đó” “Thì sao hả, anh Nam?” “Ðâu biết, nghe cha anh nói đó là tướng quý nhơn” Giao Chỉ bán tín bán nghi. Cô thấy cái tướng ngắn ngủn toàn phần của lão có vẻ làm phiền lão và người phải tiếp chuyện với lão. Sự cụt ngủn của thân thể khiến lão cứ rướn người lên liên hồi khi muốn phát biểu. Tay chân huơ huơ còn nước bọt thì bắn ra phù phù, nhiều đến đỗi chính lão phải dùng bàn tay chè bè của lão chùi bớt nhớt trên hai thớt má bọng bệu thời gian. “Giao Chỉ đừng để ý bề ngoài của lão làm gì. Chỉ nên chú ý hàng lão chào thôi. Cha anh làm ăn với vựa lão. Vựa lão lớn lắm, thầu cả lê-ghim lẫn trái cây”, Nam bảo bạn. “Biết rồi, anh Nam.” Giao Chỉ đáp vậy, nhưng cô tìm cách nhích ra xa và quay mặt xeo xéo để đỡ bị nhộn nhạo trong bao tử khi lão Tam rướn người về phía cô.
– Người lẹp!
– Ủa, bá Tam!
– Coi ngộ chở lến cái gì cho em lè.
Lão xuống xe, phạc chống rồi dùng vai đỡ cho cái cần xế to xụ buộc dây chằng chéo phía sau bớt nghiêng ngả. Giao Chỉ tỉnh hẳn người. Cô hăng hái nhảy xuống phụ lão gỡ mớ dây. Dây buộc chắc quá, cô cong cúi, cố dùng sức kéo cái móc sắt khỏi yên xe. Lão Tam vòng tay gỡ phụ. Cánh tay lão hôm nay bỗng dài ra đột xuất như sợi râu bạch tuộc khổng lồ quấn trọn thân thể nhỏ bé của Giao Chỉ. Nhưng bàn tay lão thì vẫn ngủn ngẳn, chẳng những thế, cứ lóng ngóng, kéo mãi chẳng tháo ra cái móc. Miệng lão thở vào tóc, vào gáy, vào vai cô gái. Bụng lão hít chặt vào lưng, vào mông, eo. Ðùi lão. Cặp đùi to thù lù của lão táng tới. Giao Chỉ la lớn :
– Bá buông tay đi, để tui gỡ cho.
– Hầy, hầy, xắp lược dồi.
Lão dùng cả thân người ngũ đoản của lão ịn lên Giao Chỉ làm như muốn tiếp sức nhưng bàn tay lão lại láng ngáng cản trở, Giao Chỉ không cách nào đẩy cái móc đi được.
– Bá bỏ ra tui mới có thế.
– Hầy!
Giao Chỉ bị lợm giọng. Hơi thở lão Tam y mùi chuột chết. Cả một núi chuột chết đang đè lên người cô, hầm hè chôn sống.
– Bá dang ra đi. Trời ơi!
Lão Tam tiếp tục há miệng phà ra những tiếng hầy hầy hổn hà hổn hển. Giao Chỉ thấy hàm răng dầy bựa của lão sờ ót mình. Tô canh bún ăn ban chiều với ngoại chưa kịp tiêu òng ọc dội ngược từ bao tử lên cổ họng cô, trào toé ra ngoài. Lão Tam giựt mình, buông tay.
– Hầy!
– Xin lỗi bá. Ðể tui lấy khăn lau.
– Hông có xao. Hề hề, người lẹp yếu quá dị!
Giao Chỉ ngồi phịch xuống nền nhà, lưng tựa thành hồ, tay nâng bụng. Chửa chưa quá mặt bao nhiêu nhưng là chửa dưới nên bụng trụt thấp. Bào thai trì kéo bắt cô phải nghỉ luôn. Cái hồ xi măng xây cao vượt cô hai ba mái đầu. Hình thù và màu sắc của nó lúc đầu làm Giao Chỉ rợn người tưởng tượng những huyệt mộ thường thấy trong mấy cuốn phim kiếm hiệp. Riết rồi quen, Giao Chỉ không mấy sợ nữa, chỉ thấy buồn lả người. Lão Tam chở hàng ra khỏi nhà từ hôm qua. Lão dặn sớm lắm nửa tháng nữa mới về. Trước khi đi, lão vuốt bụng cô, cười tí tởn, kêu “Hảo, hảo.”
Mọi chuyện xảy ra hơn cả chớp nhoáng. Giao Chỉ không hiểu tại sao số mạng lại chớp nhoáng với mình đến thế. Chớp nhoáng như cần xế trái hồng cô bán được vào buổi chiều đầu tiên lão Tam chở hàng đến. Chớp nhoáng như cái gật đầu không suy nghĩ của cô khi lão hẹn nửa đêm trở ra sạp nhận hàng mới. Chớp nhoáng như những cú tống ấn điên cuồng ép mười bảy năm thiếu nữ chảy nhoe nhoét thành đàn bà. Số mạng đốn mạt. Thứ trái cây có một không hai trên đời của Nam bị quẳng lên giằng xuống trên chính gian sạp nơi cô cất tiếng khóc oe oe chào đời, bị lột truồng trong chớp nhoáng, bị xâm nhập, giày xéo không thương tiếc. Bàn tay lão Tam vừa có sức mạnh của một con đười ươi đã nắm được thì chết cũng không thả, vừa mang móng vuốt sắc bén của một con chim cắt đang lao tới, chực quào nát mắt mũi, chọc thủng yết hầu con mồi. Ðã thế, lão Tam còn mọc thêm tay chân. Tay chặn họng, tay khóa tay, tay xé áo, tay tụt quần, chân đạp, chân kềm… Dương gian dường như bị một sức mạnh kỳ lạ nào đó làm cho bất động. Cả khu chợ Mới im bặt từng sạp hàng trống không. Cả xóm giềng nín thinh như nghĩa địa. Không một âm thanh sống nào, kể cả tiếng chó sủa. Chỉ có những “Hầy, hầy” phát ra không phải chỉ từ lỗ miệng mà từ cả lỗ mũi, lỗ tai, lỗ rún, lỗ khu con thú dữ mang mùi chuột chết. Không phải chỉ riêng lão Tam, cả một bầu trời đêm đen kịt đã toa rập với tội ác, chụp xuống cô, quắp cô đi.
Nam chết đứng khi ngoại Giao Chỉ lật tấm mền lên cho thấy chân tay bầm giập, mặt mũi rách bươm của đứa cháu gái: “Nhìn đi, Nam! Nhìn đi, Nam ơi, mày thấy gì không? Có thấy gì không? Trời ơi! Giao Chỉ, con ơi, sao không cho ngoại hay? Có ngoại thì làm gì nên nỗi? Cháu tôi đi đêm gặp ma rồi! ”
Nam ôm đầu bỏ chạy. Anh phóng về nhà, đút đầu vào lu gạo suốt buổi chiều. Buổi tối, anh đi tìm lão Tam với một con dao găm trong tay. Tìm không thấy, anh ra quán nhậu nơi cha con anh và lão Tam thường uống với nhau ngồi chờ. Anh chờ trả thù. Vừa chờ vừa uống. Cứ một ly ực vào, anh lại gầm lên trong đầu: “Tao cắt cu mày!” Khi những vỏ chai bia đã được xếp đầy hai két nhựa thì tiếng gầm không giữ được trong đầu nữa. Nam la hét. Anh gầm gừ rồi anh gào rú. Nhưng chỉ được một lát, tiếng gào rú chuyển thành tiếng lè nhè xen tiếng nấc cụt. Anh khật khưỡng mãi cho tới khi lão Tam bước vào quán. Vừa trông thấy lão, Nam lấy hết sức hô lớn “Cắt cu” xong lăn quay cu đơ trước khi ợ một tiếng rõ to như tiếng trống chầu sau chót đệm cho một câu hát dằng dai khiến mấy tay bợm bàn khác vỗ háng cười ầm. Chính lão Tam là người vác anh về nhà, thả anh xuống đất như hất bỏ một túi cám mốc meo vô tích sự. Tỉnh dậy, Nam không nói chuyện trả thù rửa nhục nữa. Cũng không đi tìm Giao Chỉ. Không giúp cha buôn bán. Anh la cà từ quán nhậu qua tiệm karaoke ca hát và say xỉn để giải sầu tiêu hận. Giữa một cơn say, anh thấy cánh tay lỗ chỗ bầm tím của Giao Chỉ căm phẫn nhào tới bợp tai anh. Cánh tay túm lấy ngực áo anh hỏi tội cõng rắn cắn gà nhà. Ngón tay run rẩy chỉ vào trán anh mắng “Ðồ hèn! Ðồ hèn!” Anh khóc, van xin nó hãy nắm lấy tay anh, kéo anh dậy, cứu vớt linh hồn anh. Anh càng khóc, những sợi lông trên cánh tay ấy càng mọc dài ra, ngoằn ngoèo quấn quanh cổ anh, kéo đầu anh, dìm vào hũ rượu không đáy, lôi xuống, sâu mãi xuống cho đến khi anh tắt hơi.
“Úi xười, cái đồ ban ngày bán miệng nuôi trôn, đêm về bán trôn nuôi miệng.” Có tiếng đáp như vậy khi có lời khen dành cho gian hàng trái cây của Giao Chỉ. Nghe thấy hết nhưng cô chỉ lặng thinh nép mình sau những tháp quả. Chỉ cần hơn chục triệu nữa là cô có đủ số tiền đưa cha lên bàn mổ. Giao Chỉ nhắm mắt tưởng tượng ngày cha khoẻ lại. Ông sẽ bước xuống khỏi cái giường như một tấm ván hòm nghiệt ngã đeo cứng lưng ông mấy tháng nay, sẽ đá tung mớ chăn mền bèo nhèo đáng sợ, vung tay cười sảng khoái. Ông sẽ giơ ngón tay cái lên cao, khen con gái “Số một!” Cha mẹ cô sẽ rời khỏi cảnh địa ngục giữa trần gian, trở về nhà sống đời sống bình thường. Họ sẽ tiếp tục mua may bán đắt và cô sẽ trở lại trường học, sẽ gặp lại bạn bè nô giỡn vui đùa, sẽ không phải đổ mồ hôi sôi nước mắt giữa chợ đời đa sự, và trên hết, trời ơi, trên hết, sẽ không còn phải trân mình chịu trận lão Tam nữa.
“Ngộ thích em. Chịu ngộ, ngộ pảo pọc, cung phụng” đó là những lời lão Tam rù rì vào tai Giao Chỉ sau khi kéo quần lên, cái đêm tận thế ấy. Không phải đường mật, lão nói thật. Ngay sáng hôm sau, khi Giao Chỉ rệu người trong chăn tính chuyện tự sát, bà ngoại Giao Chỉ bệu bạo khóc bên thân thể tả tơi của cháu, Nam ôm đầu chạy trốn cơn ác mộng thì lão Tam tự ban cho mình trọng trách mới. Lão về vựa, lựa ra những giỏ trái cây tươi tốt nhất xong vô phố Hải Thượng Lãn Ông, hốt mười thang thuốc thập toàn đại bổ, mua vài ve dầu nóng, đáo qua chợ vải Soái Kình Lâm sắm thêm mấy khúc lụa, tất cả chất lên xe, trực chỉ chợ Mới.
Ðúng như lão đoán, sạp nhà người đẹp bỏ không. Lão hỏi thăm, tìm vô trong xóm. Bà ngoại Giao Chỉ khi đó đã rời nhà ra phường tìm rước bác sĩ về cho cháu. Bụng dạ trăm mối, đầu óc đãng thần, cụ đi quên khép cửa. Lão Tam tìm vào đến nơi, gọi mấy tiếng chẳng ai đáp, bèn đẩy cửa bước vào. Lão lúm khúm bày ra giường mớ lễ vật như thể đàng trai giao nạp sính lễ cho đàng gái. Giao Chỉ co rúm người, kéo mền lên cao, trùm kín đầu trốn những tiếng “Hầy, hầy” tởm lợm. Dỗ mãi không xong, lão đứng dậy đánh cú chót :
– Chái cây ngon nhức lước, ngộ chở lến dồi. Nếu như mà chịu thì ngộ da goải phụ pày hàng. Còn lây là chút pạc lể em lo cho pa.
Nói xong, lão giở mền, nhét một cọc dày cộm vô tay Giao Chỉ rồi bỏ đi. Chờ lão đi khỏi, Giao Chỉ hé mắt nhìn mớ “lễ vật”. Cô tung hê. Cô khóc rống. Cô gọi cha ơi, mẹ ơi! Rồi cô nằm vật ra giường. Cô vẫn còn cảm thấy khối thịt nặng mùi chồn cáo của lão Tam trên bụng. Cô huơ tay đạp chân muốn đẩy nó đi nhưng nó cười ngạo nghễ: “Dễ gì, dễ gì!” Giao Chỉ quào mạnh chăn chiếu. Cọc tiền lão Tam để lại có chân. Nó lăn ra, bò tới, nằm ngoan ngoãn sát bên cô. Nó ngước lên nhìn cô. Nó xòe từng mép giấy mới cáu cạnh ra, phe phẩy cho cô mát. Nó khều nhè nhẹ vào tay cô làm thân, và nó chợt phát ra tiếng nói. Tiếng nói của nó vừa êm ái phủ dụ vừa uy lực chỉ đạo. Ngôn ngữ nó dùng đơn giản không gì bằng. Ý tứ nó trình bày cả đứa con nít còn bú mẹ cũng hiểu thì làm sao Giao Chỉ lại không hiểu cho được. Chỉ có ngoại Giao Chỉ là không tài nào đoán ra phép lạ nào xốc nách con cháu bà mới đó như cọng bún thiu lại có thể đứng phắt dậy, đằng đằng Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng: “Con ra chợ đây, ngoại”
***
Ảnh Thắm Nguyễn
Giao Chỉ chống tay xuống nền gạch, uể oải đứng dậy. Ðứa nhỏ trong bụng đâu đã nặng đến thế. Chắc chắn không phải đứa nhỏ đì cô lụn bại. Cô ngước nhìn trần nhà. Xám. Cô cúi xuống mặt đất. Xám. Bốn bức tường chung quanh xám. Cái hồ xi măng cô đang tựa lưng vào cũng xám. Ngó lại mình, Giao Chỉ ngao ngán, trên người cô cũng một bộ đồ xám xì xám xịt. Nhìn ra sân, Giao Chỉ thầm nghĩ không biết thế giới ngoài kia màu gì, đồng bào của chồng cô mặt ngang mũi dọc ra sao… Ở đây, cô thật đơn độc. Nếu không có tiếng chó, tiếng gà thỉnh thoảng ho hen cho biết cô đang ở cõi sống, Giao Chỉ ngỡ mình đã chết. Mà thật ra, cô xem như mình đã chết rồi vào cái ngày cha cô sống dậy. Ông dùng tất cả sức lực có được của một người vừa hồi sinh bóp cổ đứa con gái mà ông gọi là đồ Mỵ Châu phản quốc. Giao Chỉ tức tưởi kêu khóc:
– Ba ơi, con có thương nó đâu, con là nạn nhân mà ba!
– Nạn nhân hả? Ở đâu có thứ nạn nhân đêm đêm tự nạp mạng cho giặc như mày?
– Ba ơi, con khổ lắm, Ba ơi!
Cha Giao Chỉ thở hồng hộc. Ông chỉ muốn bóp chết đứa con phản nghịch ngay tức khắc, nhưng bàn tay ông không chịu nghe lời ông sai khiến. Vớ được cái chổi chà, ông quật túi bụi vào người Giao Chỉ. Nếu không có lão Tam ở đâu xồng xộc lao vào nhà, dang tay che chắn, ông sẽ trừng phạt báu vật ông yêu thương nhất trên đời cho đến khi sức cùng lực kiệt:
– Lừng có uýnh!
– Tao dạy con tao, mày là thằng nào? Cút đi!
– Pa lừng uýnh. Ló có mang!
– Hả?!!!
Giao chỉ bò lại, nắm chân cha :
– Con khổ lắm, ba ơi!
– Ðồ hư thân trắc nết! Ðồ bất hiếu vô nghì! Người làm cha vừa rống lớn vừa giẫy đạp đứa con ra xa.
– Pa lừng lập ló chớ! Hổng có ló, pa li chầu Chời dồi.
– Thằng giặc cướp! Tao giết mày!
Lão Tam né người tránh cây chổi chà. Lão vẫn đứng trước, che chắn Giao Chỉ và nói :
– Pa hông thương duộc thịt của pa, nhưng ngộ thương duộc thịt của ngộ. Ló pây giờ là người của ngộ dồi.
– Pa pa mồ tổ mày! Mày cút lẹ đi, vừa nói, ông già đau khổ vừa chộp lấy con dao chém chuối. Ông dùng hết sức bình sinh phóng tới.
Lão Tam kéo Giao Chỉ bỏ chạy. Vừa chạy, lão vừa la lớn :
– Lị chém diếc con cháu, tội cùng chời đất. Ngộ dẫn ló đi.
– Mày mới là thằng tội cùng trời, đồ ăn cướp!
Trong khi hai người đàn ông dùng võ khí và khẩu khí đấu đá nhau, ba người đàn bà thuộc ba thế hệ gồm bà ngoại Giao Chỉ, mẹ cô và cô chỉ có những giọt nước mắt đổ xuống như mưa. Cô cắn răng «về nhà chồng» mãi tận quê cha đất tổ của lão Tam sau nửa năm lây lất trong các nhà trọ gần nhà tìm cách vuốt giận cha bất thành. Vu quy âm thầm với tội nợ máy đạp trong bụng và nước mắt đầm đìa trên má. Dòng lệ ê chề chưa bao giờ ngưng chảy như lòng cô chưa bao giờ ngưng mừng cha hồi phục và khao khát trở về nép mình trong vòng tay gia đình.
***
Lão Tam không hề trễ nải việc dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về. Rước Giao Chỉ về nhà, “hợp cẩn” thỏa thuê xong, lão đưa ra một loạt lệnh cấm, mà đầu tiên là cấm tiệt chuyện bước chân ra khỏi cửa.
– Bá khỏi lo. Tui ra đường làm chi. Nhưng bá đi, đừng khoá cửa. Cho tui hít thở một chút. Nhà bá cái gì cũng xám ngoét và vuông chành chạch như quan tài.
– Hầy, ở lâu dồi quen.
Giao Chỉ e ngại liếc nhìn cái hồ xi măng. Lão Tam nhìn thấy nhưng lờ đi, không nói gì. Hưởng phúc với vợ vài hôm thì lão đi, nói là đi đánh hàng. Trước khi đi, lão dặn ở nhà làm gì thì làm, tuyệt đối không được léo hánh đến cái hồ xi măng. Giao Chỉ lấy làm lạ nhưng cô thấy sợ, chỉ dám đứng xa xa ngó tới mặc dù trong đầu đầy thắc mắc. Chẳng lẽ lão chôn người trong ấy làm mắm? Cô nào có nghe mùi gì đặc biệt ngoài cái mùi cô đã quá biết toát ra từ người lão. Hay lão xây mộ ngay trong nhà? Ghê quá. Giao Chỉ lắc đầu không dám tưởng tượng tiếp nữa. Cô tập khâu vá như lão khuyên bảo và tập dượt chuyện gọi lão khác đi thay vì tiếp tục cái chữ «bá» không giống ai khiến lão khó chịu đến đỗi phải hầy hầy cả chục tiếng trước khi cất lời phiền trách :
– Làn pà Diệc Lam gọi chồng da làm xao, em hông piếc hả?
Giao Chỉ vẫn đang loay hoay mãi chưa biết xưng hô với lão thế nào thì đã thấy lão đánh cam nhông về, lái thẳng vào sân, đậu xoay đít vô nhà. Lão cùng thằng nhỏ phụ việc khiêng từng giỏ cần xế từ trên xe xuống, thay nhau đẩy vào, xếp dọc chân cái hồ xi măng. Cô bê bụng, lê chân lại gần, tiện tay, giở miếng vải bố ra coi. Nhìn mớ trái hồng, cô sững người kêu lớn một tiếng “Ủa”. Lão Tam lờ đi, làm như không nghe, tiếp tục hối thằng giúp việc làm cho xong còn về nghỉ sớm. Chờ Lão quay lưng, Giao Chỉ giở thêm giỏ hồng thứ hai, lần này, cô kinh ngạc không thể nào kềm được:
– Bá lấy hàng gì kỳ vậy?
– Hầy, cái gì kỳ mà kỳ?
– Người ta nói kỳ cái gì mà kỳ chứ hổng có ai nói cái gì kỳ mà kỳ như bá.
– Hầy!
– Tui hỏi bá lấy đồ trâu bò này bán cho ai?
– Làn pà piếc cái gì lôi thôi! Lão Tam quắc mắt. Cặp mắt ti hí của lão không đủ làm Giao Chỉ sợ nhưng giọng điệu lão khiến cô giật mình nhớ tới hai đấng sinh thành. Cha cô cũng thường gầm lên với mẹ cô y chang như thế mỗi lần ông muốn quyết định mà không muốn giải thích. Ông và lão Tam thù ghét nhau, chưa hề chung sống, cặp kè với nhau ngày giờ nào nhưng cái tánh coi khinh đàn bà thì thật, chẳng ai dạy ai, rập khuôn như đúc. Buồn bực, cô ôm bụng bỏ vào bếp.
Bữa cơm tối trôi qua nặng nề với sự im lặng của Giao Chỉ, mặc lão Tam huyên thuyên kể chuyện mua may bán đắt bằng thứ tiếng Việt ba trợn bốn trạo của lão. Ðêm vào giường, tiếp tục làm như không có gì xảy ra, làm như không hề biết mẹ của đứa con yêu đang tức tối ba nó, lão Tam thò tay, mân mó lưng quần Giao Chỉ. Không có phản kháng. Không hề có một phản kháng nào cho dù có những lúc lão thừa biết Giao Chỉ đang buồn rũ vì nhớ nhà hay căm tức vì cãi cọ với lão. Sự xếp ve của Giao Chỉ khiến lão hài lòng ra mặt. Nó sợ mình chết khiếp. Thế mới ngoan chứ. Nhưng, hả dạ chán rồi, có khi, lão lại thấy phải chi cô vợ bé bỏng của lão đùn đẩy một tí cho vui. Phải giằng co mới kích thích chứ. Ðằng nào lão chẳng thắng. Nghĩ vậy, lão Tam tự nhủ phải tìm cách chọc giận để đánh thức tính bạo động của Giao Chỉ. Lão nhớ lại hôm cô phụ lão gỡ cái dây buộc chiếc cần xế. Nét mắc cỡ, thẹn thò, sự sợ hãi lộ rõ và những cử chỉ tự vệ của cô làm gã thích quên chết. Cứ nhớ đến lần ấy là lão lại thấy hưng phấn trong người. Ðêm, lão đánh thức Giao Chỉ dậy nhiều lần, nghĩ bụng bị phá quấy, cô sẽ đâm bực, xô đẩy như lão mong muốn. Nhưng không. Giao Chỉ thõng tay, mặc lão muốn làm gì thì làm. Bản năng bảo vệ đứa nhỏ trong bụng cũng đôi khi khởi trận khiến cô muốn co người lại, đá văng lão đi. Nhưng rồi một thứ bản năng khác, rất kỳ lạ, không biết là gì lại đè cô xuống. Mặc kệ, đời cô tiêu tùng từ lâu vào tay gã rồi, chống trả thì thoát sao? Rửa sạch hết nhơ nhuốc sao? Trở lại tinh nguyên từ đầu được sao? Ðứa nhỏ tội nợ này, tống được ra khỏi bụng thì càng khỏe. Cô có muốn nó đâu! Nghĩ đoạn, cô nói thầm: “Mày cứ hiếp tao nữa đi. Hiếp cật lực vào đặng trục cái của nợ kia ra cho tao dễ liệu.”
Gần sáng, lão Tam chán nản, lầm bà lầm bầm trong họng rồi kéo mền lên quá cổ, ngủ khò. Giao Chỉ nghĩ thầm, lão chồng ngoại bang này, không ngờ có khi nói tiếng mẹ đẻ của mình hay đến bất ngờ! Lão nói : “Hầy, hợp tác không hợp tác, phản lối không phản lối, chán chếch mẹ!”
***
Cái hồ xi măng xám càng ngày càng ám ảnh Giao Chỉ ghê gớm, nhất là khi lão Tam đã ra khỏi nhà. Cô ráng khép mình trong gian buồng ngủ khâu khâu vá vá, trốn vào gian bếp xào xào nấu nấu hoặc có khi thò cẳng ra ngoài sân ngóng ngó bâng quơ để cố quên đi nấm mồ khổng lồ nằm chình ình ngay giữa nhà kia. Trong đó có gì? Lão Tam giấu gì mà không cho cô léo hánh tới gần? Lão giấu của chăng? Lão làm gì giàu có đến thế! Cô biết rồi có lúc chịu không nổi nữa, cô sẽ tự bắc ghế, leo lên dòm vô bên trong coi bí mật nằm bên dưới mấy tấm ván đậy kín mặt hồ kia là cái gì. Cô cảm thấy, sáng hôm nay, tay chân cô sẽ khó nhịn thêm. Cô chờ lão đi. Lạ thay, lão Tam không vội ra khỏi nhà. Lão nấn ná bên những giỏ trái cây vừa đưa về, tìm cách xê dịch như muốn dọn chỗ. Giao Chỉ mon men lại gần. Cô kéo tay gã, hỏi:
– Bá có muốn tui phụ một tay không?
– Hầy, pụng pự dồi, phụ làm xao lược mà phụ!
– Bá cứ nói thử coi, việc nhẹ thì cho tui làm. Tui ở nhà ăn không ngồi rồi miết, ớn hơi quá rồi.
Lão Tam do dự… Giao Chỉ bồi thêm : “Phải vận động thì đẻ mới dễ, tui nghe nói vậy.” Lão Tam gãi đầu, tiếp tục do dự. Lão hầy hầy thêm vài tiếng nữa thì quyết định để còn đi cho kịp vì thằng nhỏ phụ việc đến chờ lão từ sáng sớm đã lăn quay ra thềm mà ngủ. Lão không điên đến độ nuôi cơm nó để cho nó ngủ. Thế là lão gật đầu với Giao Chỉ. Lão đẩy một chiếc ghế dài lại bên cái hồ xám, lôi từ trong hầm kho lên một chiếc vợt như vợt vớt cá loại to chảng. Trước cặp mắt kinh ngạc của Giao Chỉ, lão leo lên ghế, thọc vợt vào hồ, vớt lên những trái hồng to bóng, căng tròn, cho vào chiếc cần xế trống để sẵn đấy. “Hiểu chưa? Làm như dị ló. Cầm cái lày mà múc lên. Hết thì chiều dề, ngộ cho mớ kia dô.” Vừa nói lão vừa chỉ tay vào những giỏ trái cây mà hiền nội của lão gọi là đồ cho trâu bò ăn.
Bước xuống, lão đỡ Giao Chỉ lên, nhét cán vợt vào tay cô. Giao Chỉ ngó vô. Bên trong lòng hồ không phải là những cái đầu lâu trắng hếu hay những thây ma trương phình thối rữa như cô thấy trong những cơn ác mộng, cũng không phải những thỏi vàng bốn số chín sáng choang như cô có lúc tưởng tượng mà là những quả hồng trôi nổi bềnh bồng.
– Làm thử li!
Giao Chỉ khua vợt. Cây vợt có cán dài khiến cô bị mất thăng bằng, lảo đảo muốn té. Lão Tam bước lại đỡ vợ.
– Hầy, hổng có lược. Thôi, xuống cho dồi li!
– Không, không, tại tui chưa quen thôi. Ðể tui thử lại.
Giao Chỉ bặm môi khoành rộng vòng tay. Lóng ngóng mãi, cô mới vớt lên được một trái. Vậy mà bỗng thấy vui. Trái hồng ú nu ú nần nằm ngoan ngoãn trong lòng vợt coi mới vui mắt làm sao! Thích chí, cô kêu ầm lên :
– Coi nè! Coi nè!
Lão Tam thấy Giao Chỉ cười cũng há miệng cười theo. Cô xua tay :
– Thôi, bá đi lo chuyện của bá đi.
– Hảo, hảo.
Lão đi rồi, Giao Chỉ tiếp tục khua khoắng. Lúc đầu hăm hở, cô chỉ một mực chú tâm vớt trái. Sau dần quen, cô bắt đầu nghĩ ngợi. Ghê thiệt, ai mà tưởng tượng nổi từ những trái hồng còi cọm, trắng nhỡn thâu về đầy sân ngoài kia, lão chồng phù thủy của cô có thể biến chúng thành thứ thành phẩm loại nhất này. Không biết nước ngâm này là nước gì mà thần kỳ đến thế! Chà, như vậy là cả táo, cả lê, cả quýt, cả đào, những hoa quả xinh tươi, to đẹp như mộng mà bạn hàng cô bày bán cũng đều được “xử lý” như vầy sao? Không biết nước này là nước gì, nếu mà nó biến trái cây từ nhỏ ra lớn, từ héo ra tươi, từ tái ra hồng, từ xấu ra đẹp như vầy thì chắc lấy một miếng bôi lên da mỗi ngày, từ từ da cũng tươi đẹp, khỏi phải tốn tiền đi tắm trắng… Nghĩ đoạn, Giao Chỉ cao hứng quẳng vợt, thò cả hai tay vào hồ mà vọc. Vọc chán, cô dùng tay bốc trái. Nhất cử lưỡng tiện, vớt thế này vừa nhanh lại vừa đẹp da tay… Ðứa nhỏ trong bụng dường cũng vui lây, nó cũng huơ chân múa tay và nó hát nữa thì phải. Nó rủ mẹ nó cũng hát với nó: “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao… “
Giao Chỉ không biết tình yêu là gì. Có nong nóng trong người khi Nam nhìn cô. Có lúng túng đến quíu cả tay chân khi cô đụng phải ánh mắt lửa cháy của anh. Có man mác vui khi anh đến gần, nâng dùm cái cân, đỡ hộ tấm bạt che mưa. Không biết những cái đó có phải là tình yêu hay chưa? Bây giờ anh đang làm gì hả Nam? Anh có bao giờ đặt câu hỏi em đi về đâu? Ðời em ra sao rồi? Anh có còn nghĩ tới em không? Có muốn đi tìm? Ngày lão Tam đem em đi, anh ở đâu? “Blộp, blộp”, đứa nhỏ đạp. Cô bực mình đập ngay vào chỗ nó vừa đạp cô. “Cha mày, im đi, mày có im đi cho tao nhờ hay không?” “Blộp” “Im ngay!” “Blộp, blộp” Giao Chỉ điên tiết. Cô đập bình bịch vào bụng như người ta vỗ quả dưa hấu xem nặng nhẹ thế nào. Cô cần gì phải biết của nợ này nặng nhẹ ra sao, trai hay gái, khoẻ hay yếu… Cô đập nó, đánh nó, nhiếc móc, oán hờn, chửi bới nó. Cô nhảy từ trên ghế xuống đất. Leo lên, nhảy xuống, leo lên, nhảy xuống. Cứ như vậy cả chục lần. “Biến đi, biến khỏi đời tao! Tất cả là tại mày! Tại mày, tao mới mất cha mẹ, xứ sở, người yêu.”
Nhưng bào thai kia không hề suy suyển. Ðây có phải lần đầu mẹ nó nhảy nhót kiểu này đâu. Chẳng những đã quen với những cơn giận dữ, nó còn khoái trá trò nhảy ghế của mẹ nó. Nó blộp, blộp, blộp nhịp theo. Giao Chỉ càng nhảy nó càng blộp hăng. Hai bên đấu nhau cho đến khi Giao Chỉ mệt phờ người, phải ngồi phệt ra mà thở. Vừa thở vừa khóc tấm tức. Ðứa nhỏ im lặng. Nó cũng mệt hay nó nhạy cảm với tiếng khóc? Nó ngưng blộp. Im ru cho đến khi mẹ nó không khóc nữa. Ngay cả khi mẹ nó chạm tay vào thăm chừng, nó cũng không nói năng chi. Giao Chỉ dạng chân, ngó xuống,”Hay nó chết rồi?” Cô bất chợt rùng mình. Cô ôm lấy nó, lắc lắc. Không dấu hiệu. “Chắc nó chết thật rồi!” Giao Chỉ bàng hoàng. Cô cuống cuồng xoa nắn. Ðứa nhỏ mới đó blộp blộp như cá đói đớp mồi bây giờ bặt tăm. Trời ơi! Trời ơi! Cô lại nấc lên. «Ðừng chết, bé ơi. Ðạp đi con! Ðừng bỏ má lại một mình!» Cô khóc lóc, van nài đứa bé. Nhưng nó nhất định không lên tiếng nữa. Nỗi tuyệt vọng đạp Giao Chỉ ngã xuống. Mắt cô không còn thấy gì ngoài những bức tường sừng sững xám.
***
Thoạt tiên là những sợi lông. Như cỏ thiếu nước, chúng khô héo dần, gãy ngọn và chuyển màu từ xanh mướt sang vàng vọt. Rồi rất nhanh, chúng gãy gốc, lìa bỏ làn da bánh bèo, để lại những lỗ chân lông trỗng không. Chúng ra đi không gây lo âu gì cho Giao Chỉ bởi tâm trí cô bận dồn vào thai nhi ngày một quẫy đạp mạnh mẽ trong bụng. Cô thậm chí còn lấy làm mừng khi nhận ra sự trơ gốc trụi cành của hai cánh tay mình. Càng khỏe, khỏi mắc công lưỡi lê lưỡi lam một tháng hai ba lần. Chúng làm khổ cô, chúng khiến bọn đàn ông con trai, nhất là Nam cứ chú mục vào khiến cô mắc cỡ muốn chết. Cô thấy chúng dị hợm và rừng rú. Chúng làm cô chẳng giống ai. Chị em trong xóm, ngoài chợ và các bạn gái ở trường chẳng ai nhiều lông tay như cô. Chúng bạn cười chê mà bảo “Ðàn ông không lông vô nghì, đàn bà không vú lấy gì nuôi con…, đàn ông mới cần lông, mày là đàn bà mà lại thừa lông thiếu vú…” Bây giờ thì không lo nữa. Càng gần ngày sản, hai vú càng căng vồng khiến Giao Chỉ thấy vui. Mặc cảm mình không giống đàn bà bình thường bỗng chốc được bôi xóa. Bây giờ cô vừa có vú vừa không lông. Vú càng phồng cô càng vui, thấy mình đẹp ra, thấy hãnh diện có vú nuôi con. Ðứa con tội nợ này, rút cuộc, đời cô còn gì ngoài nó? Những tín hiệu sống nó gửi cho cô làm cô bớt buồn rầu. Mỗi cú đạp chòi là một thúc nhắc người mẹ trẻ nghĩ đến tương lai. Dù cho tương lai đó có ra thế nào thì vẫn có một con người mới toanh nằm sẵn đấy, cùng cô chia sẻ.
Niềm vui của thai phụ như ngọn nến nhỏ nhoi giữa mùa giông bão. Một buổi sáng, khi cô đưa tay đón chiếc mằn thầu lão Tam trao cho, một cử chỉ âu yếm lão ưa làm dạo gần đây, sau khi trông thấy những lượn sóng sống động trên bụng vợ, báo hiệu sự lớn mạnh của thai nhi, thì bỗng nghe bàn tay ngứa ngáy râm ran. Ăn xong chiếc bánh, lại càng khó chịu lạ kỳ, cô phát bực, lên tiếng gắt gỏng:
– Bá để cái giống gì vô bánh mà tui cầm thấy ngứa như đụng nhằm lông mắt mèo vậy?
Lão Tam ngạc nhiên:
– Lể cái gì? Ngộ cầm có xao lâu?
– Vậy chắc bá làm bánh mà không rửa tay kỹ.
– Hầy dà!
Lão Tam cho nốt miếng mằn thầu cắn dở vào miệng xong đứng dậy bỏ đi. Lão không muốn đôi co chi cho mệt. Lão cần để giành thời giờ và sức lực để lao động cật lực đặng có nhiều tiền đón huyết nhục của lão. Lão ra khỏi nhà sau bữa đỉm sấm và gắng về nhà cho kịp bữa cơm tối. Lão không đi đánh hàng xa nữa, sợ Giao Chỉ chuyển dạ không ai lo. Cô vợ xinh xẻo của lão dạo này hay nóng giận, nhưng lão không lấy vậy làm buồn bực. Ngược lại, lão thấy vui thích. Nhìn Giao Chỉ nhăn mặt nhíu mày và nghe cô cao giọng vẫn hơn phải đối diện với cái phẳng lặng bằn bặt từ ngày cô theo lão. Vả, đàn bà chửa đẻ nặng nề, khó chịu cũng là chuyện bình thường. Chỉ có điều, nếu lão không nhìn lầm thì bàn tay Giao Chỉ khi đưa ra gãi gãi trước mắt lão sáng nay dường như có điều bất thường thật. Lão Tam vừa lái xe vừa nghĩ ngợi. Không biết nó có dùng vợt mà vớt trái đúng như mình căn dặn chăng… Bất an trong bụng, đã ra gần tới chợ, lão chớp đèn, quẹo ngược đầu trở lại.
Cảnh tượng lão nhìn thấy đầu tiên khi bước vào nhà khiến lão kinh hoàng. Vợ yêu đang chổng mông quơ từng mớ quả ôm vào lòng. Hai cánh tay thoăn thoắt, cặp mắt ngời ngời. Ðó là cặp mắt của kẻ lạc vào kho tàng, say mê vơ của, nào hay cửa ra đã bị đóng kín bởi mãnh lực vô hình. Lão Tam sợ đến không nói được tiếng nào, cứ nghệt người ra mà nhìn. Ðó là lần đầu tiên, lão thấy Giao Chỉ hạnh phúc. Hình ảnh lão mơ ước được nhìn thấy bao lâu nay, trớ trêu thay lại là một chiếc gương hai mặt. Lật qua là bồng lai, lật lại là địa tỳ. Lão vừa muốn đứng mãi mà nhìn gương mặt rạng rỡ kia, vừa muốn la ầm lên, kéo Giao Chỉ rời khỏi bể thuốc. Túng ta lúng túng mãi chẳng biết phải làm sao, lão đứng như trời trồng. Cứ đứng trơ trơ mãi như thế cho đến khi cô vợ mỏi cẳng, tự động leo xuống.
Bữa cơm tối, lão chăm chăm ngó vào tay Giao Chỉ khiến cô đâm nhột, cất lời xin lỗi :
– Hồi sáng, tui hơi khó ở trong người.
– Ờ, ờ. Pây giờ còn ngứa ngái hông?
– Hết rồi. Ủa, mà bá hỏi tới thì tự dưng tui muốn ngứa lại đây nè.
Mà ngứa thiệt. Cơn ngứa đến bất ngờ như một cái hắt xì nhưng lại kéo dài vô tận khiến Giao Chỉ phải quẳng đũa ra mâm mà gãi. Tay nọ gãi tay kia, một lúc thì cô chà cả hai tay lên đùi mà gãi, chưa đã ngứa, cô đá ghế, lao lại phía cái bể xi măng, xát tay vào thành bể sần sùi. Cô gãi tận lực. Lão Tam sợ quá, chạy đến ôm ghì cô lại nhưng đang cơn, Giao Chỉ xô lão chồng ra xa, mài sâu da thịt mình vào thành xi măng, răng cắn môi. Máu túa.
Cơn đau đẻ đến cùng đêm hôm ấy. Giao Chỉ oằn người như một con giun bị xéo. Hai bàn tay nát bấy bấu lấy cánh tay lão Tam cầu cứu, màu đỏ trây đầy khăn giường. Hai bàn tay thọ thương mà nắm chặt đến nỗi lão Tam phải thét lên vì đau!
***
“Ðây rồi!”, cùng tiếng hô lớn, bà mụ làm động tác kéo ra dứt khoát. Từ trong bụng Giao Chỉ, máu mủ, dây nhợ ùa ra khiến lão Tam tối mặt tối mũi. Máu đâu mà lắm thế không biết, bắn tóe thành vòi, phun cả vào mặt, vào người lão. Lão đến sợ, lật đật lùi lại tránh và đưa cùi chỏ lên chùi mặt. Chùi mãi sao chẳng hết, lão rủa thầm “Vợ ơi, người vợ bé mà sao máu vợ nhiều thế!” Chừng thấy bớt vấy rồi, lão mới giựt mình nhớ ra, sao không nghe tiếng khóc hài nhi nhỉ?! Lão đảo mắt tìm bà mụ, chẳng thấy đâu, chỉ thấy vợ lão nằm banh lòng, hỏi chi cũng không nói, chỉ lấy tay chỉ chỉ ra ngoài. Lão quýnh quáng chạy ra khỏi phòng. Hành lang bệnh viện tối thui. Nhà thương gì y như nhà mồ, không một tiếng động nào báo hiệu sự sống. Tất cả các cánh cửa đều đóng im ỉm. Không bóng người. Lão Tam sợ quá, chân nọ đá chân kia, lão chạy quàng xiên, miệng lầm bầm “Con yêu của cha, con đâu rồi?” Lão chạy mãi, chạy mãi, đến một lúc thì nghe tiếng khóc con nít phát ra từ một gian buồng nhỏ. Mừng quýnh, lão đâm đầu về phía ấy.
Trong buồng chỉ có một chiếc nôi duy nhất. Từ ngoài cửa, lão đã nhìn thấy tên con lão niêm yết bằng chữ đỏ chói lòa. Ôi, chữ đỏ như son, viết lớn tên con vàng con ngọc. Lão ùa đến bên nôi, ngó vào.
Ít phút sau, lão bỗng thấy mình nhẹ hẫng, chân cẳng chẳng còn mặt đất nữa, không cánh mà bay lượn chập chờn. Lão ngó xuống chân, thấy chiếc nôi ngay bên dưới nơi mình lơ lửng chẳng bao xa. Trong đó, giọt máu của lão đang oe oe gào sữa. Sao lại như thế này? Con lão là trai hay gái? Nó không giống lão mà cũng chẳng giống mẹ nó. Nó chẳng giống người. Nó là một chiếc mằn thầu bự chảng, trọc lóc, mặt mũi nhúm nhíu, không tay chẳng chân. Một cái bọc thịt. Lão đáp xuống gần nôi để nhòm cho kỹ. Lão muốn ẵm hài nhi lên đặng xem cho rõ nòi giống mình. Nhưng lão chẳng thể nào làm được như ý lão muốn. Lão đảo mắt tìm con chim be bé xinh xinh ở giữa hai đùi đứa bé mà lão hằng mơ ước nhưng chẳng thấy đâu. Ðùi còn không có, có chi chim! Lão hoang mang quá. Lão bay sang buồng vợ.
Giao Chỉ vẫn thoi thóp giữa vũng lầy máu mủ. Lão Tam tính cầm lấy tay cô mà lay thì kinh hoàng nhận ra hai cánh tay ấy đang thối rữa. Từng mảng da thịt tựa như bị tùng xẻo, rơi rớt dần, bày loang lở xương. Lão thét lớn : “Má ló ơi, dậy, dậy! Con ló lói xữa kia kìa! Dậy cho ló pú!”Ðáp lời lão, hai dòng sữa từ bầu vú sản phụ lặng lẽ xuôi chảy. Màu sữa y chang màu nước thuốc lão dùng ngâm trái hồng trong bể nhà lão. Lão bưng mặt khóc hu hu. Sao lại thế này? Lão nhìn quanh. Tôi đang ở đâu? Có ai không, cứu dùm tôi với! Dứt lời kêu, lão thấy có một người, hai người, rồi ba bốn năm người, một chục, một trăm, rồi cả một đám đông vô kể lừ lừ tiến về phía lão. Cách họ di chuyển cũng giống như lão hiện giờ. Họ tiến đến, chào hỏi, người nói tiếng mẹ đẻ của lão, kẻ nói tiếng Việt. Họ thay nhau nói, một lúc thì lão hiểu ra lão đã chết. Ðứng tim mà chết ngay khi trông thấy hình hài đứa con đẻ. Bây giờ lão đã ra ma nên mới lơ lơ lửng lửng như thế này. Lão hỏi: “Mấy ông mấy bà là ai?” “Chúng tôi cũng như lão. Chết cả rồi.” “Vậy chớ chết lâu chưa? Làm sao mà chết?” Lũ ma đồng loạt đáp : “Ung thư.” “Tôi ung thư gan, bà này ung thư ruột già, ông anh đây ung thư cổ họng, bà chị kia ung thư bao tử.” “Ôi, sao toàn là ung thư! Cứ như quý vị chết vì đại dịch ung thư vậy!” Lũ ma ồ lên: “Chúng tôi đều ăn quả nhà lão đấy!” “Ối trời!” Lão Tam kêu lên rồi quay lưng chạy trốn. Ðược một đoạn thì va vào giường đẻ của vợ, đau điếng. Lão lồm cồm bò dậy. Mà đau thật. Ðã ra ma sao còn biết đau nhỉ? Ðịnh thần một lúc, lão hiểu ra lão vừa té lăn quay từ trên giường xuống đất sau một cơn ác mộng. Trên giường, vợ lão vẫn say ngủ với cái bụng ột ệt. Mừng quá, lão rú lên, ôm chầm lấy Giao Chỉ mà khóc. Chỉ là mớ thôi. Vợ con lão vẫn nguyên vẹn đây mà. Hầy dà, cơn mơ sao mà độc địa, dã man! Mừng thoát chết, lão lật bật chạy đi mở đèn. Cần phải bật hết đèn đuốc lên cho sáng cái sự thực hạnh phúc. Giao Chỉ đang ngủ say bị phá giấc, ngồi dậy dụi mắt, càu nhàu:
– Bá làm khỉ khô gì vậy?
Lão Tam cứ ôm lấy cô mà rên xiết: “Ôi, vợ yêu, vợ yêu!” Xong thò tay xoa xoa bụng cô: “Ôi, quý tử, quý tử!” Giao Chỉ ngạc nhiên:
– Bá khùng rồi hả? Ðang đêm hôm giở trò nhảm nhí! Người ta ngứa ngáy từ hồi chiều tới giờ, mới chợp mắt được một chút thì lại bị phá đám!
Lão Tam cười hềnh hệch, khoành cánh tay ngủ đoản ra sau, vuốt lưng vợ. Lão mở miệng, bắt đầu kể vợ nghe giấc mộng kinh hoàng nhưng Giao Chỉ nào có nghe được gì. Cơn ngứa vừa trở lại bắt cô phải gãi. Cô kéo tay áo lên cho rộng chỗ mà gãi. Móng tay cào cấu vùng da thịt chẳng còn vuông tấc nào lành lặn./.
Mạch Nha
No comments:
Post a Comment