Nhà bình luận Trần Bình Nam (17/7/1933 - 11/3/2016)
Giọng đọc: Nhạc sĩ Đăng Khánh
Tôi vừa thực hiện một chuyến du lịch Trung quốc cùng với một đoàn đồng hành 30 người do công ty Voyage Saigon Inc. của ông Trần Chính tổ chức. Chúng tôi rời Los Angeles ngày 25 tháng 10, 2004 và trở về ngày 9 tháng 11. Cái may mắn của chúng tôi là chuyến đi được ông Trần Chính đích thân hướng dẩn. Trung quốc một đất nước vừa quen thuộc, vừa xa lạ đối với người Việt Nam. Quen thuộc vì không một người Việt Nam nào chưa đọc Đông Chu Liệt Quốc, Tam Quốc Chí, Thủy Hữ hay Hồng Lâu Mộng và biết những chuyện trong cung cấm của các vì vua chúa Trung quốc như Võ Tắc Thiên, Dương Quý Phi, Từ Hy Thái Hậu, những chuyện anh hùng Nhạc Phi, phản tặc Tần Cối cùng những chuyện đượm mầu sắc tôn giáo như chuyện thầy Đường Tam Tạng thỉnh kinh như là chuyện của chính nước mình. Nhưng xa lạ ở chỗ đa số người Việt Nam đều không nói và viết được chữ Tàu. Nếu bạn biêt tiếng Anh hay tiếng Pháp bạn có thể đoán biết chữ viết tại hầu hết các nước Âu châu nhưng nếu bạn không là cựu sinh viên viện Hán Học thì bạn sẽ mù tịt trước các bảng hiệu tại Trung quốc.
Chuyến du lịch 15 ngày của công ty Voyage Saigon Inc. đã đưa chúng tôi vào một hành trình đầy lý thú như chuyện Lưu Nguyễn lạc đào nguyên. Bạn đồng hành của tôi gồm đủ tầng lớp, bác sĩ, dược sĩ, tiến sĩ khoa học, chuyên viên, nhà văn, nhà báo, cựu quân nhân, viên chức chính phủ trong các ngành nghề, sinh viên và thợ thuyền, các bà, các chị, các em. Tất cả hòa nhập vào với nhau và đều tìm thấy sự thích thú qua một chuyến đi mà công ty Voyage Saigon Inc. đã nghiên cứu rất cẩn thận là giới thiệu đầy đủ một nước Trung quốc qua 6000 năm lịch sử từ đời vua Thang, vua Chu cho đến cuộc cách mạng đổi mới của Đặng Tiểu Bình. Chuyến đi được tổ chức chu đáo, nhưng nếu không có người hướng dẫn là anh Trần Chính với những câu chuyện đầy màu sắc, ly kỳ, pha lẫn chút huyền bí và đầy chi tiết được thuật lại một cách duyên dáng ngay trong khung cảnh lịch sử của nó thì thi vị của chuyến đi cũng mất đi nhiều phần hứng thú.
Thượng Hải
Từ khi đoàn du lịch đặt chân đến Thượng Hải cho đến khi đoàn rời Quảng Châu đi Hồng Kông chuẩn bị trở về Hoa Kỳ công ty Voyage Saigon sắp xếp một hướng dẫn viên người Trung quốc đi theo đoàn du lịch trong suốt hành trình. Vị này là viên chức cao cấp của sở du lịch Trung quốc có nhiệm vụ trông coi toàn bộ và quan hệ với chính quyền Trung quốc trường hợp có vấn đề cần giải quyết. Vị này dùng tiếng Anh trong giao tiếp với khách du lịch, và - tôi nghĩ - hiểu tiếng Việt mặc dù ông ta không dùng. Tại mỗi địa phương ông ta có một phụ tá cũng nói tiếng Anh thông thạo, nắm vững địa lý và lịch sử địa phương. So ra những gì họ nói cũng chỉ bằng một chút xíu những câu chuyện của anh Trần Chính, nhưng sự hiện diện của họ rất cần thiết cho việc sắp xếp phương tiện ăn ở và di chuyển cũng như sự an toàn của khách du lịch. Họ là những công chức mẫn cán của sở du lịch Trung quốc, kiên nhẫn, chịu khó và hiểu được sự quan trọng công việc của họ liên hệ đến kỹ nghệ du lịch và nền kinh tế nước nhà. Những người trong đoàn hướng dẫn thuộc lớp tuổi trung niên, từng trải qua những đắng cay của cuộc Cách Mạng Văn Hóa của họ Mao nên họ trân trọng cuộc đổi mới của ông Đặng Tiểu Bình. Tuy nhiên họ vẫn không dấu được sự bức xúc trước cuộc sống đổi thay, cảnh sống xô bồ sung túc của đô thị và những bấp bênh của ngày mai.
Từ khi đặt chân đến Thượng Hải du khách như bước chân lên một đoàn tàu luôn luôn di chuyển với cảnh sắc chung quanh thay đổi hằng phút hằng giờ. Đứng trên nhánh sông Hoàng Phố của sông Dương Tử nhìn phố Tây Thượng Hải không khác cảnh New York nhìn từ chân tượng Nữ thần tự do nếu không muốn nói cảnh sắc ở đây rộng hơn, huy hoàng hơn.
Hàng Châu
Ở Thượng Hải một đêm, chúng tôi đi Hàng Châu. 3 giờ xe buýt của công ty du lịch. Hàng Châu ở phía nam Thượng hải. Hàng Châu nổi danh bởi những bức tranh Hàng Châu liễu rũ hiễn hiện trước mắt khi du khách dạo thuyền trên Tây Hồ bát ngát ngăn cách bởi những chiếc đê nhân tạo trông thật huyền bí. Hồ Tây của Hà nội là một mẫu hình thu nhỏ lại của Tây Hồ. Phóng đại ra hai bức tranh giống nhau như một. Hàng Châu không hổ danh là thành phố đẹp nhất Trung quốc nhất là lúc chúng tôi đến thu đã sang lá cây bắt đầu ngả sang một mầu vàng đỏ. Đi trên những đường phố của Hàng Châu chúng ta không còn gặp những tay giang hồ kiếm khách như trong các chuyện võ hiệp, nhưng chúng ta gặp được Tống Nhạc Phi, người anh hùng đời Nam Tống và hai vợ chồng Tần Cối bất nhân hãm hại người trung nghĩa nay phải nghìn năm quỳ gối cho dân gian phỉ nhỗ trước mộ Nhạc Phi, chúng ta thấy được nơi tu hành của nhà sư hổ mang Lỗ Trí Thâm trong truyện Thủy Hử, và từ tầng thứ chín của Lục Hòa Tháp xây trên một đỉnh núi cheo leo để trấn thủy quái chúng ta thấy được cửa sông Tiền Đường quanh năm sóng dậy, nơi nàng Vương Thúy Kiều mệnh bạc trầm mình. Nơi đây phảng phất dấu chân của cụ Tiên Điền Nguyễn Du trên đường đi sứ Trung quốc. Hàng Châu là đệ nhất thắng cảnh vùng Giang Nam làm cho vua Càn Long nhà Thanh đã phải bốn lần dời gót ngọc thăm thú để tận hưởng cảnh đẹp của quê hương ông, những chuyến đi đã trở thành lịch sử trong tập truyện Càn Long du Giang Nam. Rời Hàng Châu thơ mộng đoàn du khách đi Nam Kinh.
Nam Kinh
Nam Kinh cách Hàng Châu 240 km. Nam Kinh còn có tên là thành Kim Lăng, kinh đô đầu tiên của nhà Minh (1368-1644) trước khi dời về Bắc Kinh, sau này là cái nôi của cuộc cách mạng Tân Hợi của bác sĩ Tôn Dật Tiên, và là thủ phủ của chính phủ dân chủ đầu tiên của Trung hoa Dân quốc. Thành Kim Lăng là nơi tướng Trương Phụ đã giải Hồ Quý Ly và con là Hồ Hán Thương về trình vua Minh Thành Tổ năm 1407 sau khi họ Hồ thua trận bị bắt tại Nghệ An. Theo sử, Hồ Quý Ly không bị giết, chỉ bị giáng làm lính tuần tại Quảng Tây. Bác sĩ Tôn Dật Tiên người chủ trương Tam Dân chủ nghĩa (dân tộc, dân chủ, dân quyền) chết năm 1925 tại Bắc kinh đã được mang về an táng trên một quả núi cao tại Nam Kinh năm 1929, hai năm sau khi Trung hoa Quốc Dân Đảng dẹp xong loạn sứ quân và thống nhất đất nước. Từ chân núi du khách leo gần 300 bậc thềm mới lên đến vòm chôn xác để nhìn hình hài của nhà cách mạng dân chủ Trung quốc chạm bằng đá cẩm thạch. Cạnh lăng của Tôn Dật Tiên là lăng cùa vua Minh Thái tổ người khai sáng nhà Minh. Cạnh lăng của Minh Thái tổ là lăng của Tôn Quyền, một trong ba vị vua của đời Tam quốc.
Sau Nam Kinh đoàn chúng tôi dùng máy bay dân sự của hãng China Eastern Airlines đi Bắc kinh. Chuyến bay dài 1 giờ 30 phút. Trung quốc có nhiều hãng hàng không dân sự. Ngoài China Eastern Airlines còn có Shenzhen Airlines, Air China, tất cả là hậu thân của cơ quan Hàng không Dân sự Trung quốc viết tắc là CAAC (Civil Aviation Administration of China), một hãng chuyển vận nội địa và quốc tế sau cuộc Cách Mạng Văn Hóa 1966-1976. CAAC nổi tiếng là hãng hàng không tệ nhất thế giới: nhân viên tại các quầy vé không biết cười là gì, vé mua rồi chưa chắc đã có chuyến bay, có chuyến bay chưa chắc đã có chỗ. Chuyến bay được hủy bỏ hay cất cách trễ không cần biết lý do. Máy bay dơ dáy và rác rưỡi. Phi công đều là quân nhân quen lái máy bay tác chiến, không thay đổi độ cao để tránh không khí nhiễu loạn và đáp xuống sân bay như viên đá tảng rơi xuống nền nhà, và nhất thiết không an toàn. Người nước ngoài từng gọi đùa CAAC là China's Airline, Always Cancelled. Hình ảnh đó bây giờ không còn nữa. China Airline có máy bay tốt, bay đúng giờ, phi công lành nghề, biết nhẹ nhàng khi qua vùng không khí nhiễu loạn cũng như khi lên xuống. Tiếp viên đẹp với nụ cười luôn nở trên môi, và thức ăn uống đầy đủ. Trên một mặt nào đó China Airline có tiêu chuẩn cao hơn các hãng máy bay nội địa Hoa Kỳ hiện nay sau khi các hãng này tiết kiệm ngân sách không còn dọn ăn cho hành khách ngay cả trên những đường bay dài 4 đến 5 giờ băng qua lục địa Hoa Kỳ, chưa nói đến những chuyến bay ngắn từ 1 giờ đến 1 giờ 30 phút như đoàn du lịch chúng tôi đi trên đất Trung quốc.
Quảng trường Thiên An Môn
Trên đường về khách sạn, người hướng dẫn cho chúng tôi chạy qua đại lộ Trường An con đường lớn nhất và dài nhất Bắc Kinh để quan sát quảng trường Thiên An Môn về đêm. Quảng trường Thiên An Môn là một khoảng đất rộng một trăm mẫu nằm trước cổng Thiên An Môn là cửa chính dẫn vào Thành nội và cung điện của các vì vua đời Minh và Thanh. Cung điện này gọi là Tử Cấm Thành và hiện nay được xem như là một khu bảo tàng dành cho du khách. Quảng trường Thiên An Môn được thế giới biết đến sau cuộc biểu tình đòi dân chủ hóa chế độ của sinh viên Bắc Kinh và bị đàn áp đẫm máu đêm 3 tháng 6 năm 1989.
Tây An
Rời Bắc Kinh chúng tôi đáp máy bay đi Tây An. Tây An còn có tên Kim Lăng là cựu thủ đô Trung quốc triều Tần Thủy Hoàng và triều Đường. Tây An nằm gần Trường An. Từ phi trường Tây An xe buýt chở chúng tôi đến vùng quần thể nơi an táng vua chúa, thân nhân, quan lại có công của các triều đại đời Đường. Xe buýt chạy qua miền quê của tỉnh Thiểm Tây. Miền quê Trung quốc đường sá được mở mang, sạch sẽ nhưng nhà cửa còn thô sơ và bề bộn chứng tỏ một sự phát triển quá nhanh. Vườn tược hai bên đường đầy trái cây, từ cây đào, cây táo, cây bưởi cây nào cũng nặng trĩu những trái. Nhưng nói đến trái cây phải chờ khi đến Quế Lâm thuộc tỉnh Quảng Tây mới là thiên đàng của cây ăn trái. Bất cứ một thứ trái cây nào tại chợ Sài gòn cũng có thể tìm thấy ở đây ngoại trừ măng cụt với chất lượng cao hơn và rẻ hơn nhiều.
Quế Lâm thuộc tỉnh Quảng Tây
Vị trí nổi bật nhất của quần thể lăng tẩm nhà Đường là nơi hợp táng của vua Đường Cao Tông và hoàng hậu Võ Tắc Thiên. Bà Võ Tắc Thiên trị vì Trung quốc suốt 51 năm (654-705) sau lưng vua Đường Cao Tông nhu nhược, và sau lưng con trai sau khi chồng chết và sau cùng duới danh nghĩa nữ hoàng đế. Bà hoạch định nơi chôn bà là ngọn núi Lương Sơn, có một khung cảnh thiên nhiên và hùng tráng. Từ trên xe buýt nhìn vào là một sườn đồi trải dài chừng hai cây số ẻo lả như thân một người phụ nữ nằm ngữa, phía trên là hai quả núi nhân tạo, phía dưới giữa hai sườn núi khác là một đỉnh đồi thứ ba thấp hơn và um tùm hơn. Theo ông Trần Chính, thì theo tương truyền trong dân chúng Trung quốc, hai quả đồi trên là nhũ hoa cùa Võ Tắc Thiên và quả đồi thấp thứ ba là âm hộ của bà nơi bà chôn hoàng đế Đường Cao Tông. Bước lên sườn đồi là con đường Linh Đạo lát bằng đá tảng có văn võ bá quan của triều đình đứng hầu. Cuối đường Linh Đạo nơi chân mộ vua là đầy đủ hình tượng của sứ thần các nước chư hầu đến dự tang lễ của vua Đường. Trong chư hầu có sứ thần của triều đình Việt Nam.
Tây An có suối nước nóng nơi Hoa Thanh Cung, cung điện mùa Đông của vua Đường Minh Hoàng và bà vợ cưng Dương Quý Phi. Tại đây người ta giữ lại hình khắc cũng như các bức họa của phụ nữ đời Đường cho thấy trong cung đình người phụ nữ Trung quốc đã rất tiến bộ trong cách ăn mặc. Họ mặc áo tay ngắn, cổ hở, tóc vấn cài hoa mẫu đơn không khác gì thiếu nữ Trung quốc hôm nay.
Hôm sau chúng tôi viếng mộ Tần Thủy Hoàng. Nếu đời Đường thịnh trị nhất về mặt văn chương thì đời Tần Thủy Hoàng trước đó tám thế kỷ là thời hùng mạnh nhất của Trung quốc về quân sự. Tiếc rằng triều đại của Tần Thủy Hoàng chỉ kéo dài được 15 năm từ 221 BC đến 206 BC. Lăng Tần Thủy Hoàng được khám phá mới đây khi người ta đào thấy nhiều hình tượng bằng gạch của một đội hùng binh hơn 5000 người ngựa lớn hơn người thật chôn gần một quả núi lớn. Quả núi lớn được các nhà khảo cổ ghi nhận chính là lăng của Tần Thủy Hoàng. Vì một lý do nào đó chính quyền Trung quốc chưa cho khai quật, nhưng người ta tin dưới ngọn núi là lâu đài và thành quách để cho vị vua nhiều tham vọng họ Tần an hưởng sau cuộc đời trần thế đầy sóng gió của ông như sử gia Tư Mã Thiên đã ghi lại trong bộ sử nổi danh của ông.
Tại Trường An gần Tây An chúng tôi viếng thăm lăng vua Cảnh Đế đời Hán. Một nông dân đào giếng trong một mùa hạn hán tìm thấy nhiều hình bằng đất nung nhỏ và nhờ đó khám phá ra mộ vua Hán Cảnh Đế dưới một ngọn núi đất. Triều Hán do Lưu Bang dựng nên và trị vì Trung quốc 4 thế kỷ từ 206 BC đến 220 AD. Chung quanh chân núi trải ra hằng chục cây số vuông bây giờ là vườn hoa đủ mầu sắc là nơi vua đã cho chôn hằng trăm ngàn hình nhân, người và ngựa để dùng bên kia thế giới. Chính quyền Trung quốc đang khảo cứu về ngôi mộ và chưa mở cửa cho du khách.
Sau hai ngày ở Thiểm Tây, chúng tôi rời Tây An bằng chuyến máy bay chiều đi Quế Lâm trong tỉnh Quảng Tây gần biên giới Việt Nam. Thành phố Quế Lâm cách Hà Nội 400 km và là nơi nhiều nhà cách mạng của Việt Nam Quốc Dân Đảng từng sang tá túc tìm đường chống Pháp. Từ Hà Nội có thể đến Quế Lâm bằng máy bay hay bằng xe lửa Hà Nội - Lạng Sơn - Nam Ninh rồi từ Nam Ninh dùng đường bộ đến Quế Lâm. Khi hậu Quế Lâm ôn hòa quanh năm như một mùa Xuân không dứt, và là đất của cây ăn trái. Bưởi, nhãn, trái vải, và táo rẻ như bèo vừa bán vừa cho. Bưởi ở đây lớn gấp đôi hay gấp ba buởi Biên Hoà và ngon ngọt không khác gì bưởi Biên Hòa hay Thanh Trà của Thừa Thiên. Trên đường từ phi trường về khách sạn hàng trái cây kéo dài từ góc đường này đến góc đường kia. Xe phải dừng lại cho khách du lịch mua dù trễ lịch trình. Lên xe ai cũng tay xách tay mang như đi Lái Thiêu vào mùa cây ăn trái của Sài Gòn.
Quế Lâm có nhiều sông hồ và có nửa triệu dân, nên thành phố thưa thớt rộng rãi. Chính quyền Trung quốc có kế hoạch biến Quế Lâm thành thành phố du lịch. Đường sá Quế Lâm sạch sẽ, ban đêm ánh đèn nhiều mầu sắc phối hợp với mầu cây lá chiếu sáng quanh bờ sông và bờ hồ tạo nên một cảnh trí êm dịu nhẹ nhàng và thanh thản nên thơ khác với cái khung cảnh lộng lẫy diêm dúa nhưng ngột ngạt của trung tâm thủ đô Bắc Kinh. Cuộc dạo thuyền trên sông Ly Giang gần Quế Lâm là một cuộc du ngoạn bằng thuyền máy khó quên vào những ngày cuối cùng của chuyến đi. Sông Ly Giang, đúng ra là một lạch nước lòng lạch được vét sâu len lỏi chảy qua những khe núi kéo dài bất tận. Nước sông trong vắt thấy được sạn trên lòng sông như một tấm thảm lót dưới đáy thuyền trải rộng và kéo dài ra tới hai bên bờ sông. Thuyền máy được thiết kế tầng thượng để du khách ngắm cảnh. Tầng dưới là ghế ngồi. Từ tầng thượng nhìn phía trước hay nhìn phía sau bạn thấy hằng trăm du thuyền nối đuôi nhau chạy hàng một như một hạm đội khổng lồ sẵn sàng đội ngũ. Hai bên bờ những trái núi thon nhỏ như những búp măng vươn thẳng lên bầu trời xanh ngắt với đủ mọi hình thù làm tôi nhớ đến quần thể cấu trúc núi non hai bên quốc lộ Bắc Giang - Lạng Sơn gần ải Chi Lăng. Ở đây những trái núi cao hơn, thon hơn và sát bờ sông hơn nên cho du khách một cảm giác huyền hoặc hơn. Tô điểm cảnh trí đó những hàng trúc tre cao lớn cành lá mềm mại rủ xuống hai bên bờ sông. Thấp thoáng sau hàng trúc, giữa khe núi đá ẩn hiện những mái nhà rêu phong cũ kỹ như gợi tò mò của du khách.
Một đêm với Quế Lâm, chúng tôi đi Quảng Châu chuẩn bị trở về. Quảng Châu, tỉnh lị của tỉnh Quảng Đông cách Quế Lâm một giờ bay. Quảng Châu thân thuộc với người Việt hơn Quế Lâm. Nhiều Hoa kiều sống tại Việt Nam có nguồn gốc ở đây. Tại đó - theo ông Trần Chính - có nhiều di tích của Triệu Đà, một tướng của Tần Thủy Hoàng. Triệu Đà chiếm và cai trị miền Âu Lạc năm 207 BC và được một số sử gia xem như là một trong những vị vua đầu tiên của Việt Nam. Ngoài ra có Trần từ đường, một thắng cảnh du lịch nơi chúng tôi đến viếng thăm và chưa ai nghiên cứu xem có liên hệ gì với con cháu họ Trần tại Việt Nam không. Cao điểm của Quảng châu là viếng mộ chí liệt sĩ Phạm Hồng Thái nơi đồi Hoàng Hoa Cương. Phạm Hồng Thái 29 tuổi hoạt động cách mạng chống Pháp tá túc với các đồng chí Quốc Dân Đảng Trung quốc (Kuomintang) tại Quảng Châu vào khoảng đầu thập niên 1920. Lúc đó Quảng Châu là căn cứ địa của Kuomintang sau khi tướng Viên Thế Khải manh tâm cướp thành quả của cuộc cách mạng 1911 để thiết lập lại đế chế. Nghĩa địa Hoàng Hoa Cương là nơi chôn các liệt sĩ Kuomintang bỏ mình trong cuộc đấu tranh cho nền dân chủ tam dân của Tôn Dật Tiên.
Năm 1923 toàn quyền Pháp tại Đông Dương Martial Merlin công du Nhật Bản và Quảng Châu để vận động Nhật Bản và Trung quốc cắt cầu các chiến sĩ phục quốc Việt Nam. Tại Quảng Châu khi Merlin đang dự tiệc tại khách sạn Victoria Phạm Hồng Thái đã lẻn vào khách sạn tung lưu đạn ám sát, nhưng toàn quyền Merlin thoát chết. Cảnh sát đuổi ông đến bờ sông Chiêu Giang, ông nhảy xuống sông tìm đường thoát, nhưng không may chết đuối. Kuomintang xem ông là người trung nghĩa và dành cho ông một chỗ trang nghiêm trên đồi Hoàng Hoa Cương, nghĩa địa của các chiến sĩ Kuomintang.
Nghĩa trang Hoàng Hoa Cương
Từ cổng vào chúng tôi lên đồi qua một con đường dốc dài và rộng bằng đá, hai bên cây lá um tùm, thấp thoáng bia và mộ của các chiến sĩ Kuomintang. Cuối dốc, là mộ và tấm bia cao của người liệt sĩ hướng thẳng lên bầu trời xanh ngắt. Bia được ghi bằng chữ Hán và chữ Anh. Lư hương lớn đầy ắp chân nhang. Chúng tôi chia nhau đốt nhang và dành một phút im lặng trước mộ bia. Trên đường thăm Trung quốc chúng tôi đi qua nhiều nơi và thấy nhiều dấu tích tàn phá của đoàn Vệ Binh Đỏ của họ Mao trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa, nhưng tuyệt nhiên họ không động đến Hoàng Hoa Cương do một chỉ thị đặc biệt của thủ tướng Chu Ân Lai. May cho liệt sĩ Phạm Hồng Thái nằm chung với các chiến sĩ chống đế chế.
Đoàn xe lửa cao tốc rời Quảng Châu hôm sau, một buổi sáng nắng thu thoi thóp, đưa chúng tôi ra Hồng Kông cách Quảng Châu 2 giờ xe. Vùng Quảng Châu - Hồng Kông là vùng phát triển cao độ. Xe lửa loại tân kỳ như xe lửa dùng ở các nước công nghệ chạy băng băng qua khu đại kỹ nghệ Thẩm Quyến, hai bên đường những hàng cây muồng đang mùa nở hoa một mầu vàng rực . Từ năm 1997 Hồng Kông thuộc Bắc Kinh nhưng Bắc Kinh đồng ý để nằm dưới một chế độ riêng biệt. Hồng Kông có tiền tệ riêng và có quy chế nhập cảnh riêng. Rời Quảng Châu là rời Trung quốc, và đến Hồng Kông chúng tôi phải làm mọi thủ tục như khi vào một quốc gia khác. Điều làm chúng tôi ngỡ ngàng là sau khi xong thủ tục nhập cảnh, bước ra nhà ga Hồng Kông chúng tôi thấy hình của ông Giang Trạch Dân bị những người theo giáo phái Pháp Luân Công (đang bị cấm truyền bá ở Trung quốc) gạch mặt trưng bày trước nhà ga. Tôi tự hỏi chừng nào thì các bạn Pháp Luân Công thay hình ông Giang bằng ông Hồ Cẩm Đào đây. Ngỡ ngàng khác là cô Wang, người hướng dẫn địa phương, một phụ nữ trung niên khá xinh, người hơi đẫy chào chúng tôi bằng lời chúc mừng chúng tôi trở về với thế giới Tây phương. Hông Kông đã nằm gọn trong bàn tay Bắc Kinh còn vậy, thế Đài Loan thì sao" Sẽ là một vấn đề gai góc cho thế giới.
Hồng Kông
Sau một đêm ở Hồng Kông, hôm sau chúng tôi đáp máy bay của hãng Asian Airlines trở về Hoa Kỳ, đến Hán Thành đổi sang chuyến bay số 204 trực chỉ Los Angeles. Sau một chuyến bay dài, chúng tôi đến Los Angeles vào trưa ngày 9 tháng 11. Thoải mái khi người sĩ quan di trú xem hộ chiếu xong trả hộ chiếu lại cho chúng tôi kèm lời chúc welcome back. Tôi nghĩ thầm, đã back home chưa đây!
Thăm Trung quốc không ai khỏi có cảm tưởng Trung quốc là một quốc gia có một sức sống tiềm ẩn và hai hình ảnh của Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình là hai hình ảnh đối nghịch nhau nhưng quyện lấy nhau. Có Mao mới có một nước Trung quốc thống nhất và có chủ quyền, và có Đặng mới có cơm ăn áo mặc và thế siêu cường trước mắt. Người ta không thấy tượng của Đặng nhiều như tượng của Mao, nhưng Đặng có một chỗ trong lòng mọi người. Mao có lăng tẩm đồ sộ ở Bắc Kinh, có tượng đài tại mỗi thành phố, nhưng chỗ của Mao trong lòng dân rất ít. Lăng to, huy hoàng, nằm giữa thủ đô ngay trên quảng trường Thiên An Môn, nhưng vẫn có một cái gì thô bạo hơn là lăng tẩm của các vì vua chúa các triều đại Trung quốc. Điều đặc biệt người dân Trung quốc không hạ bệ Mao nhưng không kính trọng Mao. Dưới thời đại của Mao Trung quốc không có luật, chỉ thị của Mao, đôi khi chỉ là một lời truyền, hay ghi nguệch ngoạc trên một miếng giấy nhỏ là luật, và tên của vị hoàng đế không ngôi họ Mao nếu được nhắc đến phải kèm theo một chuỗi dài tên tuổi, chức tước và công lao nếu không muốn bị xem là phạm thượng có thể bị tù tội, đáng đập và bị Vệ Binh Đỏ giết chết. Nhưng hôm nay người dân có thể nhắc đến Mao Trạch Đông như là Mao vắn tắt. Cô Đặng Dung (Deng Rong) con gái Đặng Tiểu Bình vừa viết cuốn Đặng Tiểu Bình và cuộc Cách Mạng Văn Hóa đã nhắc đến Mao như là Mao một cách trống rỗng. Cách xưng hô trong cuốn sách cho thấy cái nhìn của chính quyền hay của đảng Cộng sản Trung quốc đối với Mao. Mao không còn là thần tượng. Tuy vậy người ta không thể chối bỏ Mao, vì công khai chối bỏ Mao là chối bỏ tính chính thống của đảng Cộng sản Trung quốc.
Lấy mốc thập niên 1960, hơn mười năm sau cuộc cách mạng vô sản thành công cho dễ nhớ, Trung quốc còn nằm trong vòng tăm tối, thiếu ăn thiếu mặc, và đầy dẫy bất công. Bước Nhảy Vọt (1958-1960) để tiến lên xã hội chủ nghĩa được thực hiện một cách thiếu khoa học và duy ý chí của Mao đã mang đến sự mất mùa và thiên tai giết ít nhất 30 triệu người vì đói. Bất mãn nội bộ là nguyên nhân của cuộc Cách Mạng Văn Hóa (1966-1976) để Mao có cớ tiêu diệt tất cả những ai trái ý ông ta trên con đường cách mạng liên tục của ông. Cuộc cách mạng này đã nhận chìm 500 triệu người Trung quốc trong đói khỗ, ly tán gia đình và giết chóc lẫn nhau.
Thời kỳ hỗn loạn đó sản sinh cho Trung quốc một số nhân vật tiêu biểu. Giang Thanh, người đàn bà mưu mô nguy hiểm, Lưu Thiếu Kỳ khẳng khái chấp nhận chết không nhượng bộ nguyên tắc, Chu Ân Lai trung thành tuyệt đối với Mao để cứu đất nước và giúp bạn bè, Lâm Bưu thủ đoạn và tham vọng, Uông Đông Hưng đảm lược để cứu Trung quốc ra khỏi bàn tay thô bạo của Tứ nhân Bang, và có Đặng Tiểu Bình, người bất đồng ý kiến cách mạng liên tục của Mao, nhưng có đủ trí khôn biết chọn con đường sợ Mao để sống, và có đủ độ lượng để không trả thù những người đã hành hạ ông và gia đình ông sau khi trở lại quyền hành năm 1978. Sự khôn ngoan, chí lớn và sự độ lượng của ông Đặng đã cắt bỏ được những sợi giây oan nghiệt ràng buộc Trung quốc để Trung quốc có thể tung bay. Cô Đặng Dung thuật lại rằng trong hai lần bị Vệ Binh Đỏ của Mao đuổi gia đình vợ con ra khỏi nhà, lần thứ nhất về Quảng Tây làm thợ, lần thứ hai ở quanh trong vùng Bắc Kinh, Đặng đã nhiều lần viết thư cho Mao khéo léo nhận lỗi lầm và xin Mao đối đãi với ông thế nào cũng được nhưng xin đừng đuổi ông ra khỏi đảng. Vỉ đảng là Mao và Mao là đảng nên Mao cảm động chỉ thị cho Giang Thanh cầm đầu Vệ Binh Đỏ không được giết ông. Ông cố sống để cuối đời kéo đất nước và một thế hệ hàng trăm triệu con người ra khỏi vực thẳm của sự cuồng tín và mê muội. Ông Đặng có một chỗ vững chắc trong lòng người Trung quốc không phải vì ông giúp mang lại sự ổn định của đời sống vật chất mà do tấm gương khoan dung giữa con người một nước với nhau. Tấm gương này làm mọi người thù và bạn có thể nuốt nước mắt nhìn nhau mà sống. Ông Đặng biết còn nhiều việc phải làm cho Trung quốc, nhưng đời sống con người có hạn. Máu chảy ở Thiên An Môn chưa được lịch sử giải thích. Nhưng có lẽ với ông Đặng một người hiểu đất nước và đồng bào mình hơn ai cả ông có thể đã nhìn cảnh hãi hùng bắn giết đêm hôm đó như một tấm hình nhỏ in ghém bên góc một bức tranh máu lửa lớn hơn của loạn sứ quân từ đầu thế kỷ cho đến những ngày đất nước đảo điên trong loạn Vệ Binh trong đó cả triệu người đã bỏ mình.
Trung quốc là một đất nước đang lên. Nhưng lên thế nào và ảnh hưởng của Trung quốc đối với thế giới ra sao còn lệ thuộc vào những yếu tố bất định. Về phát triển nếu chúng ta đi qua những khu dành cho khách du lịch thì Trung quốc quả đang phát triển với một cái đà choáng mắt. Một con số tiêu biểu do người hướng dẫn Trung quốc tiết lộ: Trung quốc mua 17% số cần cẩu sản xuất trên thế giới mới đủ cho nhu cầu xây cất. Thế giới than phiền giá xăng lên cao vì Trung quốc xài nhiều xăng quá. Và nền kỹ nghệ sản xuất, không cần đồ tốt, mà hợp với túi tiền của dân thường thường bậc trung của Trung quốc đang áp đảo thị trường thế giới. Nhưng sự phát triển của Trung quốc không đồng đều và không thể đánh giá qua sự phát triển nơi các thành phố dành cho khách du lịch. Một snapshot của miền quê Trung quốc như đoạn đường 2 giờ xe từ phi trường Tây An đến lăng của vị vua khai sáng nhà Đường và hoàng hậu Võ Tắc Thiên cho thấy Trung quốc vẫn còn ở sau xa so với sự phát triển miền quê của Âu châu hay Nhật Bản.
Phát triển bền vững đòi hỏi một chế độ dân chủ. Chế độ một đảng hiện tại của Trung quốc có thể giúp mang lại ổn định nhưng không phải là điều kiện để phát triển bền vững. Chế độ độc tài nào cũng có bế tắc của nó. Tham nhũng, bệnh thâm căn cố đế của con người không có thuốc trị trong xã hội một đảng, nhất là khi cái đảng đó nắm cả quốc hội, nhà nước, quân đội, công an và tòa án. Tôi ăn cắp, tôi lại xử tôi thì chẳng bao giờ ra khỏi cái vòng tròn lẫn quẫn ma quái của tham nhũng.
Đi Trung quốc ai cũng biết là đi du lịch một nước cộng sản. Nhưng hai tuần lễ ở Trung quốc người du khách không thấy dấu vết gì của một chế độ cộng sản ngoài lá cờ đỏ chói với 5 ngôi sao màu vàng le lói bên góc trái và đây đó những bức tượng to nhỏ của ông Mao Trạch Đông. Những người guide địa phương thuộc sở du lịch quốc doanh là tai mắt của chính quyền, nhưng họ ráng làm nhiệm vụ để làm lợi cho kỹ nghệ du lịch nước nhà hơn là làm một cán bộ tuyên truyền.
Vậy Trung quốc có thể dân chủ hóa được không" Tôi không thấy cái khả năng đó trong cung cách sống của người dân. Họ chấp nhận một thứ chính quyền mạnh tay và một xã hội ổn định để quên đi những ngày sống dưới chế độ bất an tàn bạo và thiếu thốn của những năm tháng dưới Mao. Một phần nào họ tin vào sự kế thừa và sự bao dung Đặng Tiểu Bình để lại. Tôi không thấy họ có khả năng làm cách mạng dân chủ lúc này. Còn bộ máy cầm quyền, nói cách khác là đảng Cộng sản Trung quốc họ nghĩ gì" Họ đang lo cho hơn một tỉ dân có cái ăn cái mặc, họ đang nghĩ đến vị trí siêu cường của Trung quốc, họ đang nghĩ đến sự đương đầu với Hoa kỳ. Họ mở cửa đất nước, họ niềm nở với người nước ngoài nhưng không phải không có chút dè dặt. Trung quốc có một lịch sử lâu dài cung cấp cho họ đủ chất liệu để hiểu thế nào là độc tài, thế nào là dân chủ, nhưng tôi có cảm tuởng chính quyền cũng như dân Trung quốc chưa qua hết thời kỳ xáo trộn để làm một sự chọn lựa, ít nhất là một trật tự trong sự chuyển quyền hành chính trị.
Trong cái tâm lý chưa ổn định này những vấn đề tế nhị như vấn đề Đài Loan là một vấn đề nguy hiểm. Một tính toán sai lầm có thể dẫn tới chiến tranh và trật tự thế giới lại một lần thay đổi.
Trần Bình Nam (Nov. 17, 2004)
Nguồn: Bài viết từ Việt Báo (Ảnh Nora tìm từ google)
No comments:
Post a Comment