Monday, March 20, 2017

Khám phá nhà thờ Thánh Tâm Montmartre Paris - Basilique du Sacré-Cœur


Basilique du Sacré-Coeur de MontmartreCC/Sebastian Bergmann

Audio


Để lên tới nhà thờ Thánh Tâm, cần phải đi hết 237 bậc thang, tương đương với một toà nhà hơn 10 tầng. Nhưng công sức bỏ ra được đền bù xứng đáng vì từ trên đỉnh đồi, du khách có thể chiêm ngưỡng toàn bộ thành phố Paris với những công trình nổi tiếng, và đặc biệt là cảnh hoàng hôn vào những ngày trời mùa hè nắng đẹp.

Nếu các bạn muốn giữ sức để đi thăm nhà thờ hay khu quảng trường nghệ cạnh nhà thờ Sacré-Cœur, các bạn có thể đi thang máy được xây dựng ngay từ năm 1901.
Ngự trên đồi Montmartre, nhà thờ Thánh Tâm (hay còn gọi là Vương cung thánh đường Sacré-Cœur, Basilique du Sacré-Cœur de Montmartre) được hoàn thiện vào đầu thế kỷ XX và hiện là một trong những công trình thu hút khách thăm quan nhiều nhất Paris.

Bối cảnh xây dựng nhà thờ Thánh Tâm Montmartre

Năm 1870, người dân Paris sống trong cảnh giới nghiêm sau khi Hoàng đế Napoleon III bại trận tại Sedan (02/09/1870). Tiếp theo là hàng loạt sự kiện bi thương khác, người Paris đói đến mức phải giết động vật trong vườn bách thú để sống qua ngày, sau đó là giai đoạn đẫm máu của Công xã Paris, với khoảng 30.000 người chết.

Giáo hội coi những sự kiện kinh hoàng này như sự trừng phạt của Chúa. Vì vậy, các con chiên liền tập hợp lại và tổ chức rước đức tin với lời hứa xây dựng một công trình ngợi ca thánh tâm của Chúa Jesus.

Để thực hiện dự án đồ sộ này, người ta kêu gọi quyên góp. Và chính người dân Paris đã tài trợ toàn bộ quá trình xây dựng nhà thờ bằng cách mua từ một đến ba viên đá với giá dao động từ 120 đến 500 franc mỗi viên.

Tổng giám mục Paris, Đức cha Guibert gửi tới Bộ trưởng Bộ Tôn giáo « Lời thỉnh cầu » (Vœu National) vào năm 1873 và yêu cầu nhà nước ủng hộ dự án bảo vệ thủ đô. Để công trình bảo vệ đạt hiệu quả và để mọi người đều chiêm ngưỡng được từ xa, người ta quyết định xây công trình trên một ngọn đồi cao. Đức cha Guibert có óc quan sát tuyệt vời khi ngài đi thăm đồi Montmartre và chọn nơi này vì từ đây có thể phóng tầm mắt khắp thành phố Paris.

Một cuộc thi tuyển kiến trúc sư thiết kế đã được tổ chức dưới sự chủ toạ của Charles Garnier, kiến trúc sư và là cha đẻ Nhà hát Opéra. Cuối cùng, ông chọn Paul Abadie với dự án xây dựng một toà nhà theo lối kiến trúc Roman-Byzantine, đặc trưng với các mái vòm tròn và nhô lên cao, như Đại đền Hồi giáo Sainte-Sophie ở Istanbul (hiện là một viện bảo tàng tại Thổ Nhĩ Kỳ). Trường phái này tạo thêm không gian bình yên trong nhà thờ. Ánh sáng và các chi tiết kiến trúc đều hướng tới thánh đường.


Được khởi công ngày 16/06/1875 và kéo dài cho tới năm 1910, công việc xây dựng bắt đầu khá chật vật vì đây là khu đất rỗng ruột, giống như nhiều khu vực khác tại vùng Paris. Kiến trúc sư Abadie buộc phải cho gia cố nền đất trước khi xây nhà thờ. Ông cho đào tổng cộng 83 hố sâu tới 33 mét, sau đó được gia cố để xây thành các cột trụ cho toà nhà. Nếu không có những cột trụ này, nhà thờ đã lún trong đất sét.

Kiến trúc sư Paul Abadie qua đời năm 1884 khi công trình còn chưa hoàn thiện. Sau đó, công việc thi công được giao cho Lucien Magne, tác giả của gác chuông nổi tiếng (cao 84 mét), và còn trải qua thêm năm lần thay đổi kiến trúc sư cho tới khi hoàn thành vào năm 1914.

Nét đặc trưng của nhà thờ

Nhà thờ rộng 85 mét, dài 35 mét, nóc vòm cao 83 mét. Phải leo thêm 300 bậc thang, không thang máy, để lên được tới nóc vòm. Sau lễ dâng Thánh, nhà thờ được nhận danh hiệu “ Vương cung thánh đường ” (Basilique), có nghĩa là nơi hành hương.

Màu trắng tinh khiết, có thể nhận ra từ xa, là nét đặc trưng của nhà thờ. Bất chấp bụi bẩn hay mưa gió, nhà thờ vẫn luôn giữ một màu trắng. Hiện tượng này có được là nhờ loại đá vôi có tên “ Château-Landon ” khai thác từ mỏ đá Souppes (tỉnh Seine et Marne). Loại đá này rất cứng và ngày càng trắng cùng thời gian và thời tiết mưa gió. Chính vì vậy, những phần không bị thời tiết bào mòn thường có mầu sẫm hơn.

Bức tranh ghép lớn nhất được làm từ năm 1900 đến 1922. Dàn đàn ống trong nhà thờ, được thực hiện vào năm 1898, là tác phẩm cuối cùng của nhà sản xuất đàn nổi tiếng Aristide Cavaillé-Coll trước khi qua đời. Giới chuyên gia nhận định đây là một trong những dàn đàn ống đáng chú ý nhất của Paris, cả nước Pháp và Châu Âu, nhờ chất lượng hiếm có và âm thanh mượt mà. Chính vì vậy, vào năm 1981, nhà nước Pháp đã xếp loại “ Công trình lịch sử ” dàn đàn ống của nhà thờ Thánh Tâm. Còn các ô cửa kính được lắp đặt từ năm 1903 tới 1920 nhưng sau đó bị bom phá huỷ vào năm 1944 và được làm lại vào năm 1946. Điều kỳ diệu là năm 1944, 13 quả bom dội xuống nhà thờ nhưng không ai thiệt mạng.


Quả chuông “ La Savoyarde ” được treo trên gác chuông nhà thờ Thánh Tâm là quả chuông nặng nhất thế giới, khoảng 19 tấn. Quả chuông được bốn giáo phận vùng Savoie tặng và do công ty Paccard, rất có tiếng vào thời đó, đúc vào năm 1895 tại Annecy. Công ty này đã tìm lại được những bí mật của các nhà luyện kim Flamand vào thời Trung Cổ để phối hợp sự hài hòa bên trong của những quả chuông. 28 con ngựa đã được huy động để kéo quả chuông về tới Paris, vào đêm 16/10/1895, đúng ngày Thánh Marguerite-Marie.

Nguồn: RFI / Thu Hằng

No comments:

Post a Comment