Thursday, August 31, 2017

Tủ lạnh nhà tôi


Hôm nay 31/8 đúng một tháng từ ngày tôi từ châu Âu về . Lần này tôi về quá mệt vì chuyện bếp

Trước khi tôi cất buớc lãng du , tôi chỉ mua ít thức ăn rau tuơi .  lau chùi sạch sẽ trong tủ lạnh,  để trống ngoài những chai gia vị .  Bên tủ đá còn nhiều thức ăn lắm , nhất là bánh trái thịt cá chả giò của tôi làm để sẵn, khi nào tôi muốn ăn là có nấu ngay .

Cuối tháng 7 tôi về, buớc vô bếp , có mùi lạ . Mở tủ lạnh , không khí trogn ấy nóng rang , mở sang tủ đá , toàn nước .  Nhìn lên đồng hồ trên bếp , những con số đỏ chớp liên tục . Chẳng biết quê tôi cúp điện khi nào  mà sao tủ lạnh lại cúp ngang như thế này .

Chuyến bay từ Luân Đôn về đến nhà 7 giờ rưỡi tối, tôi mệt quá , chỉ muốn về nhà là lên giường nằm ngủ cho lại sức.  Vậy mà khi về tới , thấy tủ lạnh như vậy , tôi lại phải cặm cụi lau chùi ,  đem hết thức ăn quăng vô bao rác , tôi quẳng đi đến 2 bao loại 30 gallons đầy thức ăn .  Xong việc bếp đã gần 11 giờ đêm , tôi mệt nhừ

Mấy hôm sau, tôi gọi anh Năm xem giùm, ảnh văn ảnh dán làm sao đó , tủ lạnh hoạt động trở lại, nhưng ưng thì nó chạy, không ưng thì nó đứng im .

 Nhà tôi người ta cất xong cuối 1997 , họ giao cho tôi vào đầu 1998 .  Tủ lạnh Kenmore của tôi cũng suýt soát 20 năm rồi còn gì .   Thôi cũng đến lúc good-bye nó là vừa rồi .  

Bốn tuần nay tôi sống như bên châu Âu, mua thức ăn vừa đủ hai ngày , hết rồi đi mua tiếp . Ăn uống vậy mà hay .

Chuyện tủ lạnh nhà làm tôi tự dưng nhớ lại những tủ lạnh của những nhà bên châu Âu mà tôi đã trọ qua .  Tủ lạnh bên ấy nhỏ hơn tủ lạnh bên Hoa Kỳ thật nhiều, phần ngăn đông lạnh lại càng nhỏ hơn .  Ngẫm cũng đúng thôi , vì chợ quán bên ấy không có loại xe đẩy (cart) đi chợ như bên Hoa Kỳ ,  nguời ta chỉ có cái xách nhựa nhỏ hơn một nửa so  với bên Hoa Kỳ .  Ngoài ra họ còn có loại xách nho nhỏ dễ thuơng cho mấy nguời chỉ mua một hai cái bánh , ống kem đánh răng ... nói chung phương tiện cho nguời đi chợ cái gì cũng nhỏ .  


Nguời ta đi chợ mua cũng ít chứ không nhiều như bên Hoa Kỳ - đấy cả xe đầy mặc dù nguời ấy chỉ là dân ăn welfare , chưa kể những nguời đi chợ ở Costco - nơi bán đồ sỉ ,  nguời ta còn mua táo bạo hơn nữa .  Thảo nào dân Hoa Kỳ mập quá là vậy và ngày nay đã xuất hiện những tủ lạnh khá lớn .  Thử hỏi người Hoa Kỳ đi chợ mua từng đó thức ăn, thì họ phải cần ít nhất hai cái tủ lạnh lớn mới chứa đủ

Dân Hoa Kỳ càng ngày càng béo phì ra, tôi nghĩ chắc là họ ăn quá độ .  Muốn ốm thì phải bắt đầu từ trong bếp mà ra , tủ lạnh chứa ít thức ăn thì may ra họ giảm cân đuợc.

Nhân dịp Lễ Lao Động này, tôi nhờ anh Năm đi xem tủ lạnh nào bền và rẻ mua giùm cho tôi một cái .  Ảnh xem hổm rầy , ảnh bảo : hông có cái nào bền hơn cái của em đang có .  Vì  mấy hãng sản xuất tủ lạnh ngày nay họ dùng refrigerant R134A , mà hễ máy lạnh chạy bằng R134A thì ít lạnh hơn , nhưng compressor phải làm việc bằng hai bằng ba so với R22 , thành ra cái compressor rất dễ mau hư.  Những loại máy lạnh dùng R22 rất tốt.

Năm 2017 này là năm cuối của các hãng sản xuất R22 .  Sang năm 2018 , họ sẽ đồng loạt ngừng sản xuất R22  vì mấy ông Phd nói là do sản xuất R22 nên tầng ozone (khí quyển) đã bị  ... lủng tơi tả .  Con người sẽ không tồn tại đuợc nếu tầng ozone rách như lá chuối 

Tôi nghe chuyện thiệt là buồn cười , nguời ta chế nào là hạt nhân, nào máy móc chạy lên vũ trụ ... vv . vv... mà trên đó hổng bị lủng thì tại sao do R22 nhỉ (?) .   Có khi nào mấy người ấy vẽ chuyện ra để làm sản phẩm ít bền hơn , thì nguời tiêu dùng có cớ để quăng cái cũ mà đi mua cái mới .  Hmmm ...

Anh tiếp: Mấy thằng trogn sở anh hay chuyện R22 lên giá, và nay mai có tiền mua cũng hông đuợc, nên nó chôm trong sở .  Hồi xưa sở anh, loại R22 để đầy ra đó, ai muốn lấy bao nhiêu cũng đuợc .  Từ ngày có nhiều nguời ăn cắp, nên mấy sếp đã khoá kho , ai cần thì đến ký tên mới đuợc lấy 

Chiều hôm nay , anh lại đi xem tủ lạnh cho tôi, anh còn nhắc khéo tôi rằng, nếu mua tủ lạnh thì phải mua luôn lò nấu và cái quạt hút hơi cho đồng kiểu đồng màu .  Whoahhh, kỳ này tôi tốn bộn tiền rồi , đương không lò nấu ngon lành lại đem quăng đi , quạt ngon lành thì lại gỡ dụt .  Còn mua mỗi tủ lạnh không thì trogn bếp nhìn như đôi đũa lệch nửa tre nửa nhựa thì xem sao cho đành , tôi phân vân quá , chẳng biết làm sao

Hungary, khởi điểm của sự sụp đổ bức tường Berlin


Cựu Thủ tướng Hungary Németh Miklós (trái), Thị trưởng Berlin Klaus Wowereit (giữa) và Thủ tướng Đức Angela Merkel, tại lễ tưởng niệm 25 phá vỡ bức tường Berlin, ngày 09/11/2014. 

Hungary là một quốc gia nhỏ ở Đông - Trung Âu không có biên giới với Đức, nhưng trong năm 1989 lịch sử, những biến chuyển dân chủ và một số quyết định của giới lãnh đạo cộng sản cấp tiến tại Hungary, vô hình chung lại có ảnh hưởng và tác động rất lớn đến quá trình phá bỏ bức tường Berlin và thống nhất nước Đức.

Vai trò trọng đại của Hungary và cựu thủ tướng Németh Miklós

Ký giả Thụy Sỹ Andreas Oplatka trong cuốn sách tựa đề “Vết rạn đầu tiên trong bức tường” đã nhận xét: quyết định của Hungary cách đây một phần tư thế kỷ đã khởi động một “phản ứng dây chuyền mang tính cách mạng”, dẫn đến sự thống nhất của nước Đức và khiến các quốc gia Đông Âu có cơ hội trở về với “mái nhà chung”, Liên Hiệp Châu Âu.

Đây cũng là ý kiến của thủ tướng Helmut Kohl trong diễn văn tại buổi lễ trọng thể ngày thống nhất nước Đức 03/10/1990. Ông nhấn mạnh với người Đức rằng: “Chúng ta hãy đừng quên rằng đất dưới Cổng Brandenburg là đất của Hungary.Người Hungary đã dỡ viên gạch đầu tiên của bức tường Berlin…”. Người đồng nhiệm của ông ở nước Đức cộng sản, Thủ tướng cuối cùng của Đông Đức là ông Lothar de Maiziere, trong một phát biểu cùng thời gian ấy, cũng thừa nhận: “Sự sụp đổ của bức tường Berlin khởi đầu ở Hungary".


Audio


Ở đây, các chính khách kể trên có ý nhắc tới một chuỗi động thái của chính phủ Hungary, diễn ra từ mùa xuân năm 1989 và kéo dài tới mùa thu năm ấy. Được thực hiện từ từ, từng bước một, nhiều khi phải theo hướng dò dẫm, nhưng rốt cục đây là sự lựa chọn sáng suốt những giá trị Châu Âu và nhân bản, dũng cảm gạt bỏ tư duy cũ kỹ, sáo mòn, để tiến bước trong thời đại hòa dịu và hội nhập. Phải kể đến những quyết định quan trọng và táo bạo nhất của Hungary, như dỡ bỏ “bức màn sắt” ngăn cách Áo - Hung thời Chiến tranh lạnh, mở cửa biên giới tạm thời và sau đó, trong thời gian dài cho chừng 60-80 ngàn người tỵ nạn Đông Đức tràn sang phía Tây, dẫn đến sự rạn nứt của bức tường Berlin sau đó ít ngày.

Trong những nỗ lực đó, cần ghi nhận nỗ lực của những người cộng sản theo hướng cải tổ của Hungary thời ấy, trong đó có ông Németh Miklós, Thủ tướng cuối cùng của Hungary thời cộng sản, đồng thời cũng là Thủ tướng đầu tiên của Đệ tam Cộng hòa Hungary kể từ cuối tháng 10/1989. Sinh năm 1948, được đào tạo để trở thành một nhà kinh tế học, nhưng tên tuổi của Németh Miklós được biết đến nhiều nhất là hoạt động chính trị của ông trong thời gian đứng đầu nội các Hungary thời kỳ 1988-1990. Từ năm 1991, ông rời chính trường Hungary để giữ cương vị Phó Chủ tịch Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu.

Với bản tính thầm lặng, công lao và vai trò nổi bật của Németh Miklós ít được biết tới hơn so với các chính khách thượng đỉnh khác cùng trong nhóm cải tổ của ông, đặc biệt là của cựu Ngoại trưởng Horn Gyula. Tuy nhiên, vào năm 2001, ông cũng đã được nhận Huân chương Chữ thập lớn của CHLB Đức cho công trạng mở biên giới Hung - Áo đối với người tỵ nạn Đông Đức.

Năm 2009, Németh Miklós là một trong hai cựu lãnh tụ Đông Âu (người kia là thủ lĩnh Nghiệp đoàn Đoàn kết, cựu Tổng thống Ba Lan Lech Walesa) có vinh dự được đẩy tảng dimono đầu tiên xuất phát từ Nhà Quốc hội Đức trong Lễ hội Tự do, kỷ niệm hai mươi năm sự sụp đổ của bức tường Berlin. Mới đây, trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn Quốc gia Hungary MTI, cựu Thủ tướng Hungary đã có một hồi tưởng dài về những quyết định mà ông và nội các đã đưa ra cách đây một phần tư thế kỷ. Đồng thời, một bộ phim tư liệu cũng được thực hiện về ông và công chiếu ra mắt tại Đức một ngày trước đại lễ kỷ niệm 25 năm ngày bức tường Berlin sụp đổ.

Hungary “không cần xin phép Matxcơva” dỡ bỏ “bức màn sắt”

Đó là khẳng định của ông Németh, theo đó, vào thời điểm ấy, mọi thứ đều thuận lợi cho những chuyển đổi ôn hòa, đặc biệt là trên chính trường thế giới khi ấy đã có với những gương mặt lớn, làm việc cùng nhau một cách tin cậy và trên tinh thần hợp tác, như người đứng đầu Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev, Thủ tướng CHLB Đức Hemut Kohl, Tổng thống Mỹ George Bush và cố Đức Giáo hoàng Phao-lồ Đệ nhị. Theo ông, đó là điều mà trong cả một thế kỷ, chỉ có thể diễn ra một hoặc hai lần!

Tuy nhiên, “không cần xin phép” không có nghĩa là mọi việc tự đến, mà Németh Miklós và nội các ông của ông đã phải liên tục “thử phản ứng” của Matxcơva trong mọi nỗ lực dân chủ theo hướng mới của mình. Chẳng hạn, khi ông muốn dỡ bỏ “bức màn sắt” phân cách Đông - Tây một cách nhân tạo, vào thời điểm đó đã quá lạc hậu kể cả về mặt kỹ thuật.Là người trước sau đều phản đối việc gìn giữ biên giới theo cách dựng một “bức màn sắt” như thế, Németh Miklós chủ trương phải giải quyết vấn đề theo cách mới, phù hợp với bước tiến của thế giới. Cuối năm 1988, ông quyết định từ bỏ ý định trùng tu và gia cố lại “bức màn sắt”, vì những lý do đạo đức và thực tiễn (khó khăn về kinh tế và tài chính).

Do đó, ngay sau khi nhậm chức thủ tướng, trái với “thông lệ” là cần sang Liên Xô trong chuyến công du ngoại quốc đầu tiên, Németh Miklós đã qua Vienna vào đầu năm 1989 để gặp Thủ tướng Áo Franz Vranitzky và trình bày “sáng kiến” dỡ bỏ “bức màn sắt”. Theo hồi tưởng của ông, người đồng nhiệm Áo đã “bất ngờ, nhưng mừng vui” vì ý tưởng ấy. Bước tiếp tới, Németh Miklós sang Moscow hội kiến với lãnh tụ Mikhail Gorbachev vào đầu tháng 03/1989. Theo lời kể của ông, ông đã không đi để xin phép, mà để thông báo về chuyện cuối thể kỷ 20, sự tồn tại của một “bức màn sắt” như thế trong lòng Châu Âu là “bất đồng điệu”, do đó Hungary sẽ “giải quyết vấn đề bảo vệ biên giới theo cách khác”.

Ngoài ra, thời đó Budapest có dự định cùng Vienna đăng cai kỳ Triển lãm Thế giới năm 1995, và Thủ tướng Hungary muốn tránh việc ngoại quốc coi nước này như một xứ sở nằm sau “bức màn sắt”. Gorbachev cám ơn thông tin đó và quay sang nói ngắn gọn với người cố vấn: “Miklós sẽ giải quyết việc này”, với hàm ý để cho Hungary tự làm theo ý của mình. Trong cuộc hội kiến giữa hai nhà lãnh đạo, dự kiến trong 20 phút nhưng đã được kéo dài tới hai tiếng, Németh Miklós còn nhắc tới ý định của ông trong việc xây dựng một hệ thống chính trị đa nguyên đa đảng ở Hungary, cũng như sự cần thiết của việc rút các đạo quân Liên Xô đồn trú tại Hungary về nước.

Németh Miklós thuật lại rằng trên cương vị thủ tướng, lần đầu tiên ông được biết rằng tại đất Hungary còn những tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Liên Xô, khi ấy đang hướng về phía Bắc nước Ý. Trong cuộc trao đổi, Gorbachev đập tay xuống ghế và nói, “Miklós, chừng nào tôi còn ngồi ở chiếc ghế này, thì những chuyện nhục nhã như 1956 sẽ không tái diễn!”. Đây là một “khoảnh khắc nổi tiếng” như hồi tưởng của Németh Miklós, vì ông đã đạt được mong muốn của mình và thử phản ứng người đồng nhiệm, xem vị thế của Gorbachev cũng như “hảo tâm” của ông ta đối với Hungary bền vững tới mức nào. Quyết định dỡ “bức màn sắt” được phía Budapest đưa ra!

Cuối tháng 03/1989, chỉ trong vòng gần hai tuần, một đoạn của “bức màn sắt” đã được dỡ ở vùng Rakja và Đại sứ Liên Xô tại Hungary không có phản ứng gì và “đường dây nóng” từ Matxcơva cũng không. Bước thử tiếp tới, ngày 20/05/1989, tại cửa khẩu chính Hegyeshalom ở biên giới Hung - Áo, Budapest chính thức tuyên bố trước thế giới về việc dỡ bỏ “bức màn sắt”, và cũng không bị phía Liên Xô phản đối.

Tất cả những “phép thử” đó cho phép Hungary thực hiện một trong những sự kiện được báo chí quốc tế đánh giá là ngoạn mục nhất trong mùa hè 1989: ngày 27/06/1989, Ngoại trưởng Hungary Horn Gyula cùng người đồng nhiệm Áo dùng kìm cộng lực cắt “bức màn sắt” trước sự hiện diện và đưa tin nhanh chóng của đại diện báo chí, truyền thông ngoại quốc.

"Hungary chấm dứt Chiến tranh lạnh, hòa dịu Đông - Tây"... là tựa đề vô số bài báo mà Phương Tây đã đăng kèm ảnh trong ngày hôm sau, nhưng ít ai biết rằng tính đến lúc đó, “bức màn sắt” đã được dỡ hết trên đoạn biên giới ấy, nên người ta đã phải dựng lại một đoạn chừng 30m để phục vụ cho buổi lễ trọng đại này!

“Quyết định lựa chọn Châu Âu”: mở biên giới cho người tỵ nạn Đông Đức

Được cổ vũ bởi những biến chuyển dân chủ tại Hungary, mùa hè 1989, chừng 60-80 ngàn người Đông Đức đã tràn sang Budapest, chầu chực trước các tòa đại sứ nước ngoài - đặc biệt là Tòa Đại Sứ CHLB Đức - để tìm cách sang phương Tây. Việc Budapest dỡ bỏ “bức màn sắt” càng là một cú hích cho các công dân CHDC tìm đường đến tự do theo ngả Hungary.

Để giải quyết vấn đề người tỵ nạn Đông Đức, Németh Miklós đã thai nghén một phép thử được ông coi là lớn nhất đối với Ban lãnh đạo thượng đỉnh Liên Xô: cùng phía Áo tổ chức một hoạt động mang tên “Picnic Toàn Âu” tại biên giới Hung - Áo và trong đó, biên giới sẽ được mở một cách tượng trưng trong vòng ba giờ. Được dự định vào ngày 19/08/1989, tức một ngày trước Quốc khánh Hungary, Németh Miklós đã đề nghị Bộ Nội vụ, cơ quan biên phòng và cảnh sát hỗ trợ ông trong công việc tổ chức. Theo hồi tưởng, càng đến thời điểm của cuộc dã ngoại, dân tỵ nạn Đông Đức càng tập trung hết sức đông đảo trên trục đường dẫn tới biên giới Hung - Áo.

Thậm chí, còn có cả tờ rơi hướng dẫn đường tới địa điểm diễn ra cuộc picnic, khả năng là do tòa đại sứ Tây Đức ở Budapest thực hiện. Trong vòng bán kính 5km, Németh Miklós ra chỉ thị cho quân đội rút về các doanh trại và chấm dứt tuần tra, còn lực lượng biên phòng thì chỉ cần cử tới hiện trường một lượng người đủ để kiểm tra hộ chiếu. Trong vòng ba tiếng đó, hàng ngàn người tỵ nạn Đông Đức đã qua biên giới Hung - Áo và không có gì đáng tiếc xảy ra. Đây là cuộc “tổng diễn tập” cho sự kiện 11/09/1989, khi biên giới Hung - Áo chính thức được mở trong thời gian dài, một quyết định mà Ngoại trưởng CHLB Đức Hans-Dietrich Genscher đánh giá là “một hành động dũng cảm, cho thế giới thấy nghị lực và lòng nhân đạo, phản ánh nghệ thuật trị nước”.

Vốn vẫn được coi là “tác phẩm” của cố Ngoại trưởng Hungary Horn Gyula, nhưng trong thực tế đây là quyết định chung của một vài thành viên trong Ban lãnh đạo thượng đỉnh Hungary, trong đó vai trò quyết định thuộc về Thủ tướng Németh Miklós, người đã suy ngẫm và đưa ra quyết định trong dịp “Picnic Toàn Âu”. Ngay sau khi lần mở biên giới tạm thời diễn ra trót lọt, Németh Miklós đã đề xuất một cuộc hội kiến với Thủ tướng Đức Helmuth Kohl, với sự hiện diện của các vị Ngoại trưởng hai nước. Trong dịp đó, như hồi tưởng của cựu Thủ tướng Hungary, Helmuth Kohl đã khóc khi người đồng nhiệm của ông trình bày ý tưởng mở biên giới cho người tỵ nạn Đông Đức.

Trong cuộc gặp mặt, ông Helmuth Kohl nhiều lần hỏi phía Hungary yêu cầu Đức điều gì cho quyết định lớn đó, nhưng Németh Miklós đáp rằng đây không phải là chuyện mua bán con người. Thủ tướng Hungary chỉ đề nghị phía Đức giúp đỡ Hungary trong quá trình xích lại gần Cộng đồng Châu Âu, và ủng hộ Budapest nếu phía Liên Xô ngừng chuyên chở khí đốt và dầu lửa. Cùng lúc đó, phía Đông Đức khi biết về quyết định của Hungary, đã tìm mọi cách để ngăn chặn. Ngoại trưởng Hungary Horn Gyula được cử sang Berlin để thông báo cho ban lãnh đạo CHDC Đức về quyết định mở biên giới, và theo hồi tưởng của ông, đôi bên đã to tiếng với nhau đến mức chỉ thiếu chút nữa thì nảy sinh ẩu đả.

Hungary và Tây Đức thỏa thuận với nhau rằng thời điểm mở biên giới sẽ do Bonn đề xuất. Phía Tây Đức cho rằng việc tiếp nhận 50-150 ngàn người tỵ nạn Đông Đức là hết sức khó khăn, do đó Bonn sẽ chuẩn bị và “nhắn sau” cho Budapest khi mọi việc đã xong xuôi. Thoạt đầu, ngày được lựa chọn là 06/09/1989, tuy nhiên, nó đã bị làm lộ bởi một số chính khách của đôi bên. Do đó, sau khi bàn bạc với cố vấn của Thủ tướng Helmut Kohl, Németh Miklós quyết định dời thời điểm mở biên giới sang rạng sáng 11/09, nhưng lần này ông giữ bí mật đến mức ngay Ngoại trưởng Horn Gyula cũng chỉ biết trước đó nửa ngày, khi ông nhận nhiệm vụ thông báo trước truyền hình Hungary cho thế giới về biến cố trọng đại này.

Một quyết định mang tính nhân bản

Trả lời câu hỏi trong thực tế, điều gì đã dẫn dắt cựu Thủ tướng Hungary tới quyết định mở biên giới, ông Németh Miklós đáp rằng, trước hết ông đã suy nghĩ và hành động trên cơ sở của sự nhân bản và ông đã tuyên bố điều này với người đồng nhiệm Helmuth Kohl trong các cuộc bàn thảo. Cựu Thủ tướng Hungary cũng nhắc lại rằng, ngay từ cuối năm 1988, khi trả lời báo chí nước ngoài, ông đã khẳng định rằng ông hy vọng Hungary sẽ được bước vào thế kỷ 21 trong một Châu Âu thống nhất, và ông bày tỏ mong muốn nước Đức sẽ thống nhất trong một khoảng thời gian không lâu.

Đồng ý với nhận định của quốc tế, rằng với việc mở biên giới Hung - Áo, nước Hung đã góp phần đáng kể vào sự sụp đổ của bức tường Berlin và sự thống nhất của nước Đức sau đó một năm, nhưng Németh Miklós cũng nói thêm rằng, ông không thể nói rằng mình đã thấy trước tất cả những điều này, cũng như, không ai có thể tiên đoán trước những sự kiện khi đó, kể cả Helmuth Kohl. “Sẽ là nói dối nếu ai đó cho rằng họ đã thấy trước mọi điều”, Németh Miklós khẳng định, và ý kiến này của ông cũng trùng với quan điểm của Thủ tướng Áo thời đó, ông Franz Vranitzky, trong một phát biểu nhân dịp này.

Trong dịp công chiếu ra mắt bộ phim tư liệu về mình tại thủ đô Berlin, khi nhắc đến những quyết định được thế giới ca ngợi của mình cách đây một phần tư thế kỷ, Németh Miklós nói rằng đó không phải là công lao của mình ông, mà là của cả dân tộc Hungary. “Và đây là điều tất cả mọi người Hung cần tự hào sau 25 năm”, ông nhấn mạnh.

Điều đó cũng phù hợp với nhận định của một ký giả, rằng trong thời gian đó, “Nếu nước Hungary quyết định khác đi, nếu chính phủ Hungary không đủ quả cảm và cứng cáp, nếu xã hội Hungary không hoàn toàn đồng thuận với quyết định của chính phủ, lịch sử của toàn Châu Âu sẽ đi theo một hướng khác. Từng có một khoảnh khắc mà Hungary đã cống hiến cho Châu Âu và Châu Âu không quên điều đó”.

Nguồn: RFI /Hoàng Nguyễn, Thanh Hà (đăng ngày 10/11/2014)

Hungary, cuộc cách mạng dân chủ mùa thu 1956 đẫm máu


Cách mạng Hungary 1956. Trong ảnh, tượng Staline bị hạ bệ trên đường phố Budapest. Wikipedia

Audio


Ngày 23/10/2016 , Hungary kỷ niệm lần thứ 60 cuộc cách mạng dân chủ mùa thu 1956. Một sự kiện mà như lời đánh giá của một nhân sĩ nổi tiếng đương thời của nước Hung, ông Bibó István - “Dân Hung đã đổ máu đủ nhiều để chứng tỏ cho thế giới thấy ước nguyện tự do và công lý của họ”. Lễ kỷ niệm năm 2016 được gọi bằng cái tên như "Năm của tự do Hungary".

Từ khoảng cách sáu thập niên, nhìn lại, vẫn có thể bình tâm mà tán đồng với nhận định sau của tổng thống Mỹ John F. Kennedy dành cho Hungary: “Tự thuở khai thiên lập địa đến nay, chưa hề có một giờ khắc nào lại chứng tỏ rõ ràng hơn sự kiện năm 1956, rằng ước vọng tự do của con người là vĩnh cửu và bất diệt, cho dù nó phải đứng trước một kẻ thù mạnh hơn gấp bao nhiêu lần đi nữa...”.

Lần đầu đứng lên chống lại thể chế Stalinist

23/10 là thời điểm bùng nổ của cuộc cách mạng và cuộc chiến đấu giành tự do cho dân tộc Hungary vào năm 1956, một sự kiện trọng đại của nước. Hung và thế giới thế kỷ 20. Từ năm 1990, mốc 23/10 trở đi được ghi vào Hiến pháp như một trong ba quốc lễ thường niên của nước Hung, và được vinh danh như một trang sử kiên cường và chói lọi thời hiện đại của quốc gia Trung Âu này.

Đây là cũng là cuộc nổi dậy có quy mô toàn quốc đầu tiên tại một nước cộng sản, chống lại mô hình độc đoán của cộng sản Stalinit, ngự trị và chiếm lĩnh hoàn đời sống chính trị, xã hội, kinh tế... tại các quốc gia Trung Âu từ những năm 1948-49 trở đi. Về mức độ đòi hỏi dân chủ và độ quyết liệt, 1956 của Hungary đã vượt xa những cuộc xuống đường trước đó ở CHDC Đức (1953) và Ba Lan (hè 1956).

Yêu sách của cuộc cách mạng - mà tác nhân chính thoạt tiên là các sinh viên trường Kỹ thuật, sau đó được sự hưởng ứng của cư dân thủ đô - gồm 16 điểm, rất mạnh mẽ, như quân đội Liên Xô phải tức khắc rút khỏi Hungary; đảm bảo quyền tự do ngôn luận, báo chí và các quyền công dân khác; tổ chức lại cơ cấu kinh tế Hung; tổ chức những cuộc bầu cử tự do, đa đảng...

Cuộc biểu tình và xuống đường hôm 23/10/1956, với sự tham dự của 200 đến 300 ngàn người, thoạt tiên chủ yếu là sinh viên trường Bách Khoa, sau đó được sự hưởng ứng của đông đảo cư dân thủ đô, trong đó có nhiều đảng viên cộng sản, còn đưa ra các đòi hỏi về nhân sự, như phế truất những lãnh tụ cộng sản có nhiều sai lầm và đưa họ ra tòa, thành lập một chính phủ mới đứng đầu bởi Nagy Imre.

Đó là một chính khách cộng sản yêu nước và có tinh thần dân tộc theo xu hướng cải tổ, người khi lên nắm quyền, sau vài ngày đầu cân nhắc và lưỡng lự cho sự lựa chọn của Hungary, về sau đã hoàn toàn đồng tình với nguyện vọng của người dân và trở thành vị thủ lĩnh cách mạng. Ông đã ra chỉ thị giải tán cơ quan mật vụ chính trị, công bố đại ân xá và tái lập thể chế đa đảng ở Hungary.

Đọc thêm : Imre, người cộng sản Hungary yêu nước
Đồng thời, Nagy Imre đòi quân đội Nga Xô phải tức khắc rút khỏi Hungary, cũng như chủ trương tiến hành đàm phán để nước Hung rời khối Hiệp ước Warszawa và trở thành một quốc gia trung lập. Với sự xuất hiện của các đạo quân Liên Xô, thoạt đầu được điều động từ các tỉnh về Budapest và sau đó, ồ ạt xâm chiếm Hungary, biến cố 1956 trở thành một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

Cuộc cách mạng tinh khôi và giàu tính nhân văn

Đó là đánh giá của hậu thế về sự kiện 1956, tạm coi như chỉ diễn ra trong vòng chục ngày, và kết thúc với lời cầu cứu của Thủ tướng Nagy Imre tại Nhà Quốc hội vào rạng sáng 4/11, khi chiến xa Nga đã bao vây Budapest tứ bề. Trong phát biểu đó, thủ tướng Hung tuyên bố về cuộc tấn công bội phản của Liên Xô nhằm đè bẹp nền dân chủ Hung, và rằng quân đội, chính phủ Hungary vẫn ở vị trí chiến đấu.

Dầu chỉ vỏn vẹn vài câu ngắn ngủi gửi nhân dân thế giới nhưng những lời của ông Nagy Imre từng được liệt vào hàng những diễn văn có sức mạnh và tầm ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20, là chỉ dấu bi thương về cuộc cách mạng Hungary, một cuộc cách mạng lãng mạn và trong sáng hiếm thấy trong lịch sử thế giới. Trước hết, đó là một cuộc chiến hoàn toàn không cân sức với niềm hy vọng ngây thơ, bồng bột.

Người dân Hungary, trước việc nước Áo trước đó một năm được tách khỏi tầm ảnh hưởng của Nga - Xô và trở thành quốc gia trung lập, cũng mơ ước một kết cục như vậy cho đất nước mình, và họ đã từng hy vọng vào sự bênh vực của Phương Tây cho nỗ lực độc lập và dân chủ ấy. Đó là một mong mỏi đẹp đẽ nhưng hoàn toàn bất khả thi giữa cảnh rối ren cùng cực của chính trường thế giới đương thời.

Trong cuộc chiến "trứng chọi đá" ấy, giới trẻ ở độ tuổi dưới 25 chiếm vai trò rất quan trọng và chính họ đã trở thành những anh hùng dân tộc. Theo thống kê, 44% những tổn thất trong thời kỳ diễn ra cuộc cách mạng và chiến đấu giành độc lập dân tộc năm 1956 thuộc về “những chàng trai Pest”. Nếu tính đến những người bị thiệt mạng, 21% ở độ tuổi 19 hoặc trẻ hơn, 4% ở ngưỡng 16 hoặc chưa tới.

Theo những hồi tưởng, do không vướng bận những toan tính chính trị, những băn khoăn ý thức hệ, thế hệ trẻ Hungary thời ấy sẵn sàng xuống đường và cầm vũ khí hơn những bậc cha, anh của họ. Hơn 80% những chiến sĩ ở khu Corvin - nơi diễn ra chiến sự ác liệt nhất - chỉ mới chạc 20 tuổi. Bom xăng và những vũ khí tự chế của họ đã trở thành nỗi kinh hoàng của chiến xa Liên Xô tại mỗi góc phố, mỗi ngôi nhà.

Với "động cơ" cầm súng rất trong sáng như thế, những chàng trai, cô gái Pest đã trở thành "Nhân vật của năm 1956", theo sự tôn vinh của tạp chí "Time". Cũng cần nhớ, mong ước tạo dựng một thứ CHXH mang bộ mặt nhân tính của Thủ tướng Nagy Imre, 12 năm sau cũng chính là mục tiêu của nhóm cộng sản cải tổ Tiệp Khắc, đứng đầu là Tổng bí thư Alexander Dubček, trong nỗ lực dân chủ "Mùa xuân Praha 1968".

1956 và làn sóng tỵ nạn "thế kỷ" của người Hung

Chừng 200 ngàn người Hung phải rời quê hương sau khi cách mạng 1956 bị đàn áp, chính là cuộc thử lửa đầu tiên cho Công ước Liên Hiệp Quốc năm 1951 về vị thế của người tỵ nạn, và khởi đầu cho hoạt động cứu giúp người tỵ nạn trên quy mô toàn thế giới. Nhưng chính quyền Hung hiện tại, khét tiếng với chính sách bài xích dân tỵ nạn, dường như đã quên đi điều này trong những tuyên truyền thô bạo thời gian qua.

Cho dù, cách đây tròn 1 năm, Tổng thống Hungary Áder János bày tỏ lòng biết ơn đối với “những dân tộc yêu chuộng tự do” đã mở lòng tiếp nhận người tỵ nạn Hung phải rời bỏ quê hương trốn chạy sự đàn áp chính trị sau khi cuộc cách mạng 1956 bị dìm trong biển máu. Ông còn cho rằng ngay đất nước tiếp nhận tỵ nạn cũng tiếp nhận luôn cả công lý và tự do mà dân Hung đã lao tâm khổ tứ và chiến đấu để có nó.

Tổng thống Hung khẳng định quốc gia nhận người tỵ nạn Hung năm 1956 "trở nên mạnh mẽ hơn, tự do hơn, chân chính hơn”, trong khi nội các cánh hữu Hungary thì lại cực lực chống đối chương trình tái định cư người tỵ nạn do Liên Âu đang chủ trì. Cần nhắc lại một thực tế lịch sử: nước Áo sau biến cố 1956, đã tiếp nhận và coi là người tỵ nạn đối với tất cả những ai ra đi từ Hung, bất kể lý do và "động cơ" của họ là gì.

Gần 200 ngàn người tỵ nạn Hung đã được gần 40 quốc gia Phương Tây - đặc biệt là Áo, Đức, Pháp, Canada và Hoa Kỳ - và thế giới hào hiệp tiếp nhận với một tinh thần nhân đạo, tương ái chưa từng thấy. Đổi lại, như lời xiển dương của Tổng thống Bush trong chuyến viếng thăm lịch sử tại Hungary năm 2006, ông tự hào vì cộng đồng người Hung di tản thời 1956 đã góp phần vào sự phát triển và phồn vinh của Hoa Kỳ.

Cũng trong tinh thần ấy, cách đây 6 năm, Canada vinh danh người tỵ nạn Hung 1956 như một "sự kiện góp phần làm thay đổi chính sách nhập cư" của nước này. Theo một tuyên bố năm 2010 của nội các Canada, sự xuất hiện của gần 38 ngàn người Hungary di tản "đã góp phần hình thành nên mô hình của Canada trong việc đón nhận người tỵ nạn và giúp Canada có được thái độ chấp nhận cởi mở hơn đối với dân tỵ nạn”.

Làn sóng di tản của Hungary năm 1956 chỉ là một trong những đợt di cư lớn của quốc gia này, khởi đầu từ những năm 20 thế kỷ trước khi Vương quốc Hungary bị chia cắt, và tiếp diễn trong thời kỳ trước Đệ nhị Thế chiến, khi người Do Thái Hung ồ ạt di tản để tránh nạn Holocaust. Là một xứ sở từng chịu nhiều đau đớn và luôn có nhiều người phải ra đi lánh nạn, lẽ ra chính giới Hung cần bình tâm hơn trong vấn đề này.

Có lẽ, đó cũng là một thông điệp đặc biệt của sự kiện 1956 trong năm nay, mà giới truyền thông bị định hướng của Hungary ít thấy nhắc đến...

NguỒn: RFI/ Hoàng Nguyễn (đăng 19/10/2016)

Hungary hạ bệ tượng Các Mác


Tượng Các Mác đại học Corvinus-Budapest. Ngày xưa gọi là "Trường đại học Các Mác".

Tồn tại được 25 năm sau (2014) ngày chủ nghĩa cộng sản sụp đổ (bức tường Bá Linh sụp đổ ngày 9/11/1989) , bức tượng nổi tiếng của nhà tư tưởng Các Mác tại khuôn viên đại học Corvinus -thủ đô Budapest bị cho vào quên lãng.


Tổng thống Bush là người tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên thăm Hung Gia Lợi 7/12/1989

Tổng thống Bush thăm truờng đại học Các Mác 😊 tháng 7, thì hai tháng sau đó bức tường Bá Linh bị đạp đổ .  Mời bạn nghe kỹ lời Tổng thống Bush nói chuyện nhé 

Tuần trước, chính phủ của thủ tướng Orban ra lệnh hạ bệ bức tượng của nhà cách mạng nổi tiếng Các Mác. Đó là một bức tượng đồng, cao 4 thước, đã trở nên quá quen thuộc với người dân Budapest từ hơn nửa thế kỷ qua. Tác phẩm này được coi là một trong những bức tượng cuối cùng của Mác trên thế giới.

Đối với viện trưởng của đại học Corvinus tháo gỡ bức tượng của cha đẻ chủ nghĩa cộng sản là một hình thức để khẳng định thêm bản sắc của trường. Thực ra trường Corvinus trước năm 1990 từng mang tên nhà bác học người Đức này, Karl Max University. Ngày nay đại học ở thủ đô Budapest không phải là thành trì của những phần tử vẫn ngưỡng mộ Mác hay là nơi tập hợp của những người "hoài cổ" nuối tiếc thời kỳ vàng son dưới chế độ cộng sản. Dù vây rất  nhiều sinh viên được hỏi lấy làm tiếc là bức tượng đồng nổi tiếng nói trên bị hạ bệ.

Hình dáng một nhà bác học ngồi suy tư ngự tọa ngay giữa sảnh chính của trường đại học, một tay cầm cuốn sách dày, có thể là cuốn « Tư bản» như đã ăn sâu vào ký ức của biết bao nhiêu thế hệ sinh viên Hungary. Hàng năm vào mùa khai trường những sinh viên mới đều chụp hình lưu niệm dưới chân Các Mác.Học xong, trước khi rời nhà trường, họ cũng đến chia tay với bác Mác.

Đối với những thế hệ trẻ không bị bức màn sắt ám ảnh, thì bức tượng của nhà cách mạng người Đức này đơn giản là một điểm hẹn lý tưởng của giới sinh viên trong trường.

iệc chính quyền của thủ tướng Orban ra lệnh hạ bệ tượng Các Mác gây xôn xao trong dư luận Hungary. Một số nhà trí thức tại Budapest cho rằng ông Viktor Orban muốn « xóa toàn bộ quá khứ cộng sản » của Hungary để chứng tỏ rằng đất nước ông đang thực hiện một « cuộc cách mạng theo hướng dân chủ tự do ».

Nhà sử học Andra Mink thuộc đại học Trung Âu Budapest thậm chí còn cho rằng ông Orban đang theo gót Putin : tất cả những chương trình sửa đổi hiến pháp, các đạo luật do ông ban hành có khuynh hướng bóp nghẹt tự do báo chí, chà đạp quyền tự do cá nhân. Thậm chí theo giới phân tích luật pháp do nội các của thủ tướng Hungary soạn ra phần lớn là để thâu tóm các quyền lợi kinh tế. Từ mùa xuân năm nay nhiều tổ chức phi chính phủ trong tầm ngắm của cảnh sát Hung. Nói cách khác dù là thành viên Liên Hiệp Châu Âu, nhưng nước Hungary của thủ tướng Viktor Orban lại rất gần gũi với nước Nga của ông Vladimir Putin.

Nguồn: RFI / Thanh Hà (đăng ngày 18-09-2014)


Cách Mạng Hung Gia Lợi (Hungary) 1848 và thi phẩm xuất thần “Bài ca Dân tộc”


Thi hào Sandor đọc "Bài ca dân tộc" ngày 15/03/1848 tại Budapest. (Khuyết Danh)

Audio


«
Vùng lên người Hung
Tổ quốc vẫy gọi
Thời cơ là đây
Giờ, hay không bao giờ
Sẽ là nô lệ 
Hay người tự do 
Câu hỏi là đây 
Bạn hỡi, lựa chọn! 
»
Đó là khổ thơ mở đầu trong “Bài ca Dân tộc”, thi phẩm được biết đến nhiều nhất của đại thi hào Hungary Petőfi Sándor, có vị trí hàng đầu trong nền thi ca ái quốc của đất nước này, một bài hịch có sức mạnh không kém gì những đạo quân mà những thông điệp, tới giờ, vẫn còn hết sức mang thời sự tính, cho dù gần 170 năm đã trôi qua.

Được sáng tác và truyền bá hết sức rộng rãi trong cuộc cách mạng và cuộc chiến vì tự do của người dân Hungary năm 1848-1849, mà điểm khởi đầu, ngày 15/3, hiện nay là một trong ba quốc lễ thường niên của nước Hung, “Bài ca Dân tộc” được coi là hiệu kèn chiến đấu thúc giục mọi người dân Hung đứng lên vì nền độc lập dân tộc.

Tên tuổi của Petőfi Sándor đã được đưa vào hàng những văn sĩ lớn của Châu Âu thời bấy giờ, những người mang trong mình ngọn lửa dân chủ như Byron (Anh), Pushkin (Nga), Heiné (Đức), Mickiewicz (Ba Lan) và Victor Hugo (Pháp). Nếu chỉ hạn chế trong khuôn khổ văn học, tất cả những gì diễn ra sau đó trong nền thi ca Hung đều có khởi nguồn và xuất xứ từ ông!

Bằng thi phẩm này và sự lựa chọn đứng vào hàng ngũ những chiến sĩ một cách dứt khoát, Petőfi Sándor đã đi vào lịch sử của Hungary như một ca nhân vĩ đại của tình yêu và tự do, như lời thổ lộ của ông trong một bài thơ ngắn nổi tiếng “Tự do và ái tình - Vì các người, ta sống”. Bài thơ cũng là sự vinh danh cho cuộc cách mạng 1848, trang sử hào hùng của nước Hung.

Cuộc chiến giành tự do cho dân tộc

1848 được biết đến trong lịch sử thế giới như một mốc thời gian, mà tại nhiều quốc gia Châu Âu, làn sóng phản kháng và nổi dậy đã làm rúng động các thế lực cai trị. Nhưng xét cho cùng, chỉ tại Hungary, làn sóng ấy mới trở thành một cuộc chiến dai dẳng và cam go cho nền độc lập. Cuộc chiến kéo dài hơn 1 năm, và chỉ chịu thất bại khi đại quân Nga Hoàng vào cuộc.

Tính tới thời điểm ấy, nước Hung đã nằm dưới sự quản lý và cai trị của Đế quốc Áo từ vài thế kỷ, và cho dù Hungary được hưởng nền tự trị hơn hẳn các dân tộc khác của nền quân chủ Habsburg, nhưng ước vọng độc lập luôn nung nấu trong lòng dân Hung, và chỉ chờ dịp để bùng phát. Những đòi hỏi cải tổ và thay đổi bắt đầu được đưa ra từ cuối năm 1847.

Đầu năm 1848, sau gần hai chục năm thai nghén, bên cạnh những lãnh tụ của cuộc cách mạng trong tương lai đã hình thành nhóm thanh niên, sinh viên trẻ, trong số đó có chàng trai Petőfi Sándor 25 tuổi. Petőfi Sándor là một trong hai chục ngàn gương mặt của giới trẻ thủ đô Budapest, vào ngày 15/3 đã đứng lên đòi Đế chế Áo phải thực hiện bản yêu sách gồm 12 điểm.

Mang tên “Dân tộc Hung muốn gì? Hãy mang lại hòa bình, tự do và đồng thuận”, bản yêu sách 12 điểm đòi hỏi Hungary phải có tự do báo chí, nền kiểm duyệt phải bị bãi bỏ, dân Hung phải được bình đẳng trên tư cách công dân và tôn giáo, tù chính trị phải được phóng thích, không đưa lính Hung ra nước ngoài, và quân đội ngoại quốc phải rời khỏi Hung, v.v...

Cuộc tuần hành của giới trẻ Budapest đã gặt hái được những thành công vang dội ngay trong buổi chiều 15/3/1848: theo lời kể của nhà thơ Petőfi Sándor, một trong những gương mặt sáng giá nhất của ngày hôm đó, đại diện của vương triều Habsburg tại Hungary “mặt tái mét và run rẩy”, rồi “sau khoảng năm phút bàn bạc, đã chấp thuận tất cả”.

Dưới sức ép của cuộc cách mạng, triều đình Áo buộc phải chấp nhận những đòi hỏi của phái đoàn đàm phán Hungary. Một chính phủ mới được thành lập tại Hung, và độc lập với hoàng đế Áo. Nội các này chỉ chịu trách nhiệm trước các dân biểu Hungary. Tuy nhiên, nỗ lực dân chủ và tự do của người dân Hungary chỉ được đáp ứng trong thời gian ngắn.

Cuối hè 1848, triều đình Vienna phản công và cuộc chiến quân sự ác liệt nổ ra, và quân dân Hungary đã anh dũng chiến đấu chống lại kẻ thù với những chiến thắng quân sự đáng kể. Đầu tháng 05/1849, Áo phải cầu viện tới Nga Hoàng. Với gần 200 ngàn lính Nga, rốt cục liên minh Áo - Nga đã đè bẹp cuộc khởi nghĩa của Hungary vài tháng sau đó.

Cuộc cách mạng và chiến đấu giành độc lập dân tộc của Hungary 1848-1849 là một sự kiện trọng đại của lịch sử nước Hung, đồng thời cũng là cuộc chiến nổi tiếng nhất của quốc gia này kể từ thời lập quốc. 1848 cũng đọng lại như một nền tảng của bản sắc dân tộc Hung, là sự khởi đầu của những chuyển biến và cải tổ xã hội theo hướng dân chủ tư sản.

Đặc biệt, những mong mỏi của người dân Hung được ghi lại trong yêu sách 12 điểm, về sau, cũng được lặp lại về cơ bản trong hai biến chuyển lịch sử lớn nhất của nước Hung trong thế kỷ XX: cuộc cách mạng 1956, và biến chuyển dân chủ 1989. Và nếu không có 1848, cũng sẽ không có nửa thể kỷ hòa dịu của nền quân chủ Áo - Hung, khởi đầu sau đó gần 20 năm.

Bài ca thúc giục lòng ái quốc

Mỗi cuộc cách mạng thường gắn liền với một hay nhiều tác phẩm nghệ thuật mang tính tiêu biểu, và đời sau thường nhớ tới sự kiện ấy không chỉ qua những giờ lịch sử, mà còn qua sự khắc họa nghệ thuật. Đối với biến cố 1848, gắn liền với đó là thi phẩm xuất thần “Bài ca Dân tộc” mà Petőfi Sándor đã sáng tác hai ngày trước mốc khởi đầu 15/03.

Áng thiên cổ hùng văn ấy được viết trên một tờ giấy gập làm bốn, và được nhà thơ trao cho nhóm thanh niên yêu nước Budapest vào đêm 14/3. Ngày hôm sau, cùng với bản yêu sách 12 điểm, “Bài ca Dân tộc” là sản phẩm đầu tiên của nền báo chí tự do, khi nó được in thành nhiều ngàn bản để phát cho đoàn tuần hành, và nó đã được tác giả đọc ít nhất 3 lần trong ngày.

Mang ngòi bút xuống đường cùng nhân dân, nhà thơ Petőfi Sándor đã rực sáng trong ngày hôm đó - mà sau này hậu thế còn gọi bằng cái tên “Ngày Petőfi”, và theo một đánh giá, thi phẩm đó “quả thực đã định ra một ranh giới trong thi nghiệp của Petőfi. Đây là cái ngưỡng mà thông qua đó, mộng ước và lòng mong muốn của nhà thơ đã bước sang địa hạt của hành động”.

Với 6 khổ thơ, khổ nào cũng kết thúc bằng lời hiệu triệu: “Thề với Thượng đế của người Hung - Xin thề sẽ thôi kiếp tôi đòi”, “Bài ca Dân tộc” đưa ra hình ảnh đối lập giữa quá khứ điêu tàn và thực tại thôi thúc, giữa cảnh nô lệ đớn đau và niềm vui tự do xán lạn, và trở thành khúc ca lãng mạn và bi hùng, hừng hực niềm khát khao tự do của tinh thần quật khởi Hungary.

«
Bao lâu nay ta sống đời nô lệ
Tổ tiên ta cam chịu thiệt thòi
Chết tự do không chịu sống tôi đòi
Không yên nghỉ khi tự do chưa có.

Hỡi những kẻ vô loài đểu cáng
Tổ quốc cần sao không dám xả thân?
Cuộc sống mi giẻ rách tồi tàn
Sao quý hơn đất nước mình danh dự.

Thanh gươm sáng hơn nhiều lần xiềng xích
Nâng tay ta sang trọng bội phần
Thế mà ta vẫn mang xiềng xích!
Bỏ đi anh, tay nắm lấy gươm thần!

Như ngày xưa cái tên Hung lại đẹp
Xứng danh cùng liệt tổ, tiền nhân
Bao thế kỷ ấn tay ta giao phó
Rửa sạch đi ô nhục mấy lần.

Bao nấm mồ đùn lên cao ngất
Con cháu ta kính cẩn vái quỳ
Trước mộ phần kiêu hãnh thế hệ ta
Chúng cầu nguyện để chúng ta phù hộ
Kêu tên ta đầy thiêng liêng mến mộ.
»

Mang tính hành khúc, viết cho một dịp nhất định, nhưng “Bài ca Dân tộc” đã vượt qua được mọi hạn chế của những tác phẩm thời cuộc, để trở thành bài ca tự do của các dân tộc không chịu lùi bước trước bạo quyền. Riêng đối với Hungary, thi phẩm là một bản “Tuyên ngôn Độc lập”, và chính tác giả cũng coi đó là tác phẩm ông ưng nhất trong thi nghiệp gần 900 bài thơ.

Sống một cuộc đời ngắn ngủi nhưng trọn vẹn với 26 năm trên dương thế, Petőfi Sándor đã ra đi trên chốn sa trường, hoặc bị bắt và phải sống cuộc đời mòn mỏi nơi xa xứ như một giả thuyết khác. Luôn tâm niệm không thể chết trên giường ấm đệm êm khi dân tộc còn trong vòng nô lệ, Petőfi đã sống và chết như một nghệ sĩ, một nhà ái quốc chân chính.

Nhạc điệu chắp cánh cho những vần thơ

Ý thơ của “Bài ca Dân tộc”, sau này đã là cảm hứng để các nhà thơ Andrei Mureşanu (Romania) và Ján Botto (Slovakia) có những vần thơ mang âm hưởng tương tự cho những cuộc cách mạng ở xứ sở họ. Nhưng cần phải nói, ước vọng tự do ấy còn mãi vang vọng tới bây giờ, một phần cũng nhờ bài thơ đã được phổ nhạc một cách xuất thần vào năm 1973.

Tác giả phần nhạc là ca - nhạc sĩ Tolcsvay László. Đây là một tên tuổi lớn và đa tài của nền nhạc nhẹ Hungary. Năm 1973, khi mới 23 tuổi, Tolcsvay László đã có ý tưởng tận dụng một cuộc vận động của chính quyền đương thời nhằm phổ nhạc cho thơ Petőfi để nói lên tiếng nói phản đối và giận dữ của thế hệ mình trước sự độc đoán và chuyên quyền của nhà nước cộng sản.

Hồi tưởng lại chuyện gần 45 năm trước, nhạc sĩ cho hay, khi bài hát được ông đưa ra giới thiệu trước một hội đồng, ông cảm thấy “thật đáng sống cho khoảnh khắc ấy”. Khi nghe xong, các thành viên hội đồng mặt mày tái xám, và tìm cách giải thích, biện bạch rằng một bài thơ lớn và kinh điển như thế, thì không nên phổ nhạc theo hơi hướng Rock.

Ngay tối hôm đó, nhạc sĩ Tolcsvay László đã trình diễn ca khúc cùng ban nhạc của ông trong CLB thanh niên, và như lời ông kể, “lập tức cách mạng bùng nổ”. Chính quyền Hungary, trước sức mạnh biểu cảm của âm nhạc và ca từ, lập tức cấm bài hát và trong vòng 8-9 năm sau đó, ca khúc không hề được vang lên một cách chính thức và không được thu băng, đĩa.

Chỉ tới khi cần quay một bộ phim hội tụ những anh tài của nền nhạc trẻ Hungary vào năm 1981, “Bài ca Dân tộc” mới được phép cất lên, và người ca - nhạc sĩ sững sờ khi thấy cả cầu trường đều thuộc giai điệu bài hát, và cùng hát với ông. Hóa ra, giới trẻ đã thu vào cassette bài ca khi nó được hát “nội bộ” trong các CLB sinh viên và chuyển cho đài Châu Âu Tự Do.

Qua làn sóng phát thanh, ca khúc đã được phát thường xuyên, và trở thành một bản quốc ca không chính thức của Hungary thời thay đổi thể chế. Tolcsvay László thổ lộ rằng, đối với một nghệ sĩ, không còn vinh dự gì hơn khi ước vọng tự do của mình thể hiện trong bài hát được 70 ngàn người tập trung trước Dinh Tổng thống ở Budapest tán thưởng hát cùng.

Sức mạnh huyền diệu của bài thơ, và ca khúc là ở chỗ nó đi vào lòng người dân, đánh thức tinh thần dân tộc và niềm mong mỏi yêu tự do, độc lập có khi đã nguội lạnh. Không phải ngẫu nhiên mà “Bài ca Dân tộc” luôn được vang lên trong những sự kiện chính trị cấp thời, khi người dân cảm thấy chính quyền đã không thực hiện, hay chà đạp “khế ước xã hội” do cử tri ủy nhiệm.

Những câu thơ thấm đẫm tinh thần ái quốc của bài thơ “Sẽ là nô lệ - Hay người tự do - Câu hỏi là đây - Bạn hỡi, lựa chọn!” cũng đã xuất hiện trong bài phát biểu lịch sử, gây nhiều tiếng vang mà tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush đã đọc để biểu dương cuộc cách mạng 1956 của Hungary, nhân dịp kỷ niệm nửa thế kỷ biến cố lịch sử trọng đại đó vào năm 2006.

Gần đây nhất, câu thơ “Hãy thành nô lệ - Hay người tự do?” còn được khắc trên tượng đài Bức màn sắt đặt tại đại lộ chính Andrássy của thủ đô Budapest, nhân kỷ niệm hai mươi năm ngày “bức màn sắt” ngăn cách biên giới Hungary - Áo được dỡ bỏ, mở đường cho sự thống nhất của nước Đức và đặt nền móng cho một Châu Âu thống nhất, không biên giới.

Đó là sức mạnh vĩnh cửu của “Bài ca Dân tộc”, khúc ca của một dân tộc nhỏ, nhưng quả cảm, can trường và luôn nuôi dưỡng trong lòng tình yêu tự do bất diệt.

Nguồn: RFI/ Hoàng Nguyễn, Thùy Dương

Dạ Vũ Nhớ - Dạ Lan CD1



Bản 1 - 6


Bản 7 - 12


(sưu tầm từ internet)

Wednesday, August 30, 2017

Hoà tấu ChaChaCha - Asia 86 - Cassette



Sad Without You - Don Hồ - Thúy Nga 68 - Cassette



Ga Tây - Budapest, một kiệt tác kiến trúc của Trung Âu thế kỷ 19


Nhà ga Budapest-Nyugatia, do Auguste de Serres thiết kế và công ty Eiffel thi công

Audio


Bốn mươi năm nay, sừng sững bên đại lộ Vòng Cung Lớn, trung tâm Budapest, là Ga Tây, một kiệt tác kiến trúc và xây dựng không chỉ của Hungary, mà còn mang tính đại diện và biểu tượng cho cả khu vực Trung Âu thế kỷ 19. Với diện tích 615m2, đó là nhà ga xe lửa quốc tế lớn nhất của Đế chế Áo - Hung vào thời điểm đó, và nếu điểm qua đội ngũ kiến trúc sư đã tạo dựng ra nó, có thể nói không quá rằng, đây là nơi hội tụ của những anh tài.

Đặc biệt, Ga Tây gắn liền với Gustave Eiffel, tên tuổi lớn của nền kỹ nghệ Pháp, lừng danh với những giải pháp kỹ thuật tiên phong đương thời, 15 năm trước khi người kỹ sư này hoàn tất tác phẩm để đời: ngọn tháp mang tên ông tại Paris. Đáng ngạc nhiên là dù vậy, nhiều tình tiết về hoàn cảnh ra đời kỳ thú, cũng như những con người xuất chúng đã gây dựng nên nhà ga, tới giờ vẫn không được biết đến nhiều ngay cả trong giới chuyên môn.

Khởi đầu từ Auguste de Serres

Năm 1877 - 10 năm sau khi thành lập, nền “song quốc quân chủ” Áo - Hung ở vào thời kỳ cực thịnh xét về mọi mặt. Đó là một liên minh tồn tại 51 năm, lãnh thổ trải dài bên dòng Danube gồm Đế quốc Áo và Vương quốc Hungary. Cho đến Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914), đế chế này đứng thứ hai Châu Âu kể về diện tích, thứ ba về dân số, và là nơi tụ hội của 13 dân tộc, xứng đáng với danh hiệu tiền thân đầu tiên của Liên Âu.

Hơn nửa thế kỷ ấy của nền quân chủ Áo - Hung, về sau đi vào lịch sử và tâm thức người dân Hungary như những năm tháng hạnh phúc và hòa bình, sau nhiều thế kỷ chinh chiến liên miên. Đặc biệt, trong thời gian đó, Budapest được hợp nhất bởi ba phần thành phố nằm bên hai bờ sông Danube (năm 1873) đã trở nên một đô thị tầm cỡ ở Châu Âu, với những công trình lớn kế chân nhau ra đời, xứng đáng với tên gọi “Tiểu Paris ở Đông Âu”.

Liên tục, những đại lộ lớn với nhà cửa khang trang được thiết kế và thi công, tạo dựng diện mạo đô thị của Budapest, trong đó có đại lộ Vòng Cung Lớn được xây dựng trong vòng 24 năm (1872-1896), là tuyến đường chính yếu và quan trọng vào bậc nhất của thủ đô Hungary. Năm 1887, tuyến tàu điện đầu tiên tại Hungary đã được khởi động ở đây, và tới giờ nó vẫn là một trong các tuyến tàu điện sầm uất nhất Châu Âu với 200 ngàn lượt hành khách mỗi ngày.

Một trong những điểm thiết yếu về giao thông của đại lộ này, từ nửa đầu thế kỷ 19 đã là nơi tọa lạc của một ga tàu mang tên Ga Pest. Năm 1846, chuyến tàu đầu tiên trong lịch sử đường sắt Hungary khởi hành từ nhà ga này nối Budapest với thành phố Vác cách đó hơn 40km. Tuy nhiên, khi khởi xây đại lộ, các nhà thiết kế nhận thấy cần phải dỡ bỏ ga cũ, xây một ga mới bề thế và phù hợp hơn với cảnh quan và nhu cầu giao thông.

Chủ sở hữu nhà ga, hãng Đường Sắt Quốc Gia Áo, giao công việc thiết kế ga mới cho kiến trúc sư, giám đốc xây dựng Auguste de Serres. Là một chuyên gia Pháp giàu kinh nghiệm, chính ông là người đã có sáng kiến vẫn giữ nguyên sảnh của ga cũ để đảm bảo giao thông trong thời gian xây dựng sảnh mới, rồi sau đó mới cho tháo dỡ. Đề án của ông được coi là mang nặng dấu ấn của nhà ga Vienna thời ấy, với hai cánh đối xứng và tráng lệ.

Đến sự dự phần của Gustave Eiffel

Chỉ tới gần đây nhất, khi nhiều tư liệu đương thời được “bạch hóa”, giới nghiên cứu lịch sử kiến trúc mới xác định được một cách tương đối chuẩn xác Gustave Eiffel và các đồng sự có vai trò cụ thể gì trong việc xây dựng nhà ga gắn liền với tên tuổi ông. Bao nhiêu phần trăm là công lao của ông, và bao nhiêu thuộc về nhà thiết kế de Serres, đồng hương của ông, người được khắc tên chính thức tại nhà ga trên cương vị nhà thiết kế chính?

Câu hỏi này rất khó trả lời, vì các bản thiết kế gốc đặt tại Bảo tàng Giao thông Budapest đã biến mất sau Thế Chiến Đệ Nhị, và bản lẽ ra có thể còn lưu ở Paris, thì tới giờ cũng không ai tìm thấy. Chỉ biết, một cuộc đấu thầu để tìm nhà thầu chính cho việc xây dựng nhà ga theo mẫu của Auguste de Serres đã được tổ chức, và công ty Eiffel trúng thầu. Khả năng là chính de Serres cũng đã có liên hệ với Eiffel khi bắt tay vào công việc thiết kế.

Tuy nhiên, không dừng lại ở chỗ đơn thuần chỉ thực hiện theo bản thiết kế cũ, công ty Eiffel còn có nhiệm vụ hoàn thiện hóa và phát triển nó để đưa ra giải pháp tối ưu. Ở đây, Eiffel và các kỹ sư của ông đã giữ lại những kiến trúc hoàn hảo và hoa mỹ của bản nguyên thủy, và tập trung vào những điểm thuộc sở trường, như kết cấu vòm sắt và kim loại, những họa tiết tân kỳ đòi hỏi kỹ thuật đúc thép ở tầm vóc lớn, hệ thống chịu lực, v.v...

Giới nghiên cứu cho rằng, không thể coi nhẹ những công lao to lớn của giám đốc de Serres (Eiffel cũng thừa nhận điều này trong một ấn bản do công ty ông in năm 1878, và nói rằng mái vòm chính là tác phẩm của đồng nghiệp), nhưng vẫn có thể khẳng định được rằng Ga Tây chủ yếu là tác phẩm của văn phòng Eiffel, hơn thế nữa, là một trong những công trình thành công nhất của họ. Đặc biệt, toàn bộ cấu trúc sắt của sảnh nhà ga được đúc tại Pháp.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, Ga Tây may mắn được kiến tạo bởi sự hội ngộ của hai anh tài đương thời, để trở thành một trong những nhà ga nổi tiếng nhất Châu Âu thời bấy giờ. Bên cạnh đó, nó còn là một trong số ít những công trình còn lại cho tới giờ của Gustave Eiffel, mà vẫn giữ chức năng ban đầu, trong khi nhiều công trình khác hoặc đã bị dỡ hoặc tàn hại bởi thời gian, hoặc đã chuyển hẳn mục tiêu sử dụng.

Biểu tượng của một thời

Một trong những nhà ga tối tân nhất của hậu bán thế kỷ 19 được xây dựng trong vòng 3 năm (1874-1877), và khánh thành ngày 28/10/1877. Thoạt đầu, nó mang cái tên đơn giản Ga Budapest, nhưng rồi từ năm 1891 chuyển sang tên gọi quen thuộc bây giờ - Ga Tây. Không nhiều người biết, không phải vì nó nằm phía Tây hay là điểm xuất phát của các chuyến tàu đi về hướng Tây, mà đơn giản vì tên của hãng đầu tư xây dựng là như vậy.

Trong những thập niên sau đó, Ga Tây trở thành một tâm điểm của giao thông Budapest, và đi đầu trorng quá trình hiện đại hóa ngành đường sắt Hungary. Những con tàu chạy điện - phát minh của kỹ sư, nhà khoa học tên tuổi Kandó Kálmán khởi hành đầu tiên từ ga này, và cái tên Nyugati (Tây), trùng hợp thay, gợi nhớ Phương Tây trong nhiều năm Hungary dưới thể chế cộng sản, và quảng trường nhà ga thì bị đặt theo tên Karl Marx.

Cũng rất mang tính biểu tượng, khi đúng vào ngày Hungary gia nhập Liên Âu (1/5/2004), một buổi lễ lớn đã được tổ chức tại nhà ga này. Dưới nền nhạc của Dàn Giao Hưởng Đường Sắt Hungary, một con tàu mang tính tượng trưng khởi hành chở khách vào Châu Âu. Và, trong buổi lễ trọng thể ấy, có sự hiện diện của hai người chắt của Eiffel, cũng theo nghề kỹ sư, và đó là lần đầu tiên gia đình Eiffel tới thăm công trình của cha ông mình.

Tương lai nào cho Ga Tây?

Với thời gian, sự hình thành của các nhà ga khác, cũng như việc tái cơ cấu giao thông đường sắt ở Budapest khiến lưu lượng hành khách quốc tế của Ga Tây sụt giảm, và hạn chế về kinh phí trùng tu khiến nhà ga trở nên điêu tàn. Hơn 10 năm trước, từng có dự án “khai tử” ga để biến cả khu vực thành những văn phòng chính phủ, nhưng rồi kế hoạch bị đình chỉ, và Ga Tây vẫn tồn tại, đón du khách, chờ ngày được khoác lên mình bộ áo mới.

Những người hoài cổ đau xót khi thấy phòng chờ Hoàng Gia của nhà ga - vốn nổi tiếng với kiến trúc kiêu sa và tinh tế, nơi năm xưa dành riêng cho Hoàng đế Franz Joseph và Hoàng hậu Elizabeth, người phụ nữ đẹp nhất Châu Âu nửa cuối thế kỷ 19, giờ đóng cửa im ỉm vì không đủ tiền tu bổ. Nhà hàng lộng lẫy của Ga Tây, may thay được hãng McDonalds thuê lại, thì trở thành... tiệm bán đồ ăn nhanh đẹp nhất nhì thế giới theo các bình chọn.

Số phận của nhà ga cổ nhất ở thủ đô Budapest, nơi Eiffel đã thi thố những giải pháp kỹ thuật nổi trội đương thời, tới giờ vẫn chưa được định đoạt. Mới đây nhất, một đề án cải tạo cả khu vực ga trở thành công viên cây xanh, cơ sở văn hóa, thể thao, đường đi dạo... được đề xuất, và nhà ga phải đóng cửa để tu chỉnh trong vòng hai năm. Chưa biết sẽ ra sao, và liệu không biết “hồn xưa” có còn được bảo tồn với sự can thiệp của thời hiện đại?

Nguồn: RFI / Hoàng Nguyễn - Thu Hằng

Trại cải huấn trẻ hư hỏng tại Pháp 1748-1953: "Một thảm kịch nhân loại"



Audio


Tại Pháp, trẻ con hư hỏng hay có hành vi sai lệch trước đây bị trừng phạt như thế nào ?. Ngay từ thế kỷ XVIII, đế chế Pháp gởi những đứa trẻ bị xem là có cách xử sự sai lệch vào những trại cải huấn. Phải đợi đến tận những năm 1950, nước Pháp mới áp dụng sắc lệnh ban hành năm 1945 liên quan đến trẻ phạm tội, nhằm đóng cửa hoàn toàn các nhà trừng giới, những nhà tù khổ sai thật sự dành cho trẻ nhỏ.

Vào thời Chế độ cũ, tại Vương quốc Pháp, người ta đã bắt đầu đặt ra câu hỏi phải xử lý ra sao những đứa trẻ hư hỏng, có hành vi sai lệch. Đối với giới lãnh đạo, cũng như xã hội Pháp thời bấy giờ, đó là một việc không thể chấp nhận. Do đó, một đứa trẻ hư hỏng, không được dạy dỗ đến nơi đến chốn, phạm phải một tội gì, như đơn giản chỉ là ăn cắp một món đồ cần phải bị trừng phạt ngay lập tức, như bị treo cổ chẳng hạn.

Sử gia Michel Pierre trên làn sóng RFI Pháp ngữ, trong chương trình La Marche Du Monde (Bước Tiến Nhân Loại) ngày 24/06/2017 và cũng là tác giả tập sách « Le Temps du bagne, de 1748-1953 » (tạm dịch Thời của trại tù khổ sai, giai đoạn 1748-1953), nhắc lại rằng quan niệm khắc nghiệt này về trẻ phạm tội vốn dĩ đã có từ xa xưa, từ thời Cổ Đại, xem trẻ nhỏ chẳng khác nào như một thú hoang cần được kềm kẹp nghiêm ngặt

« Điều này đã có từ thời Cổ Đại, từ thời thánh Augustin, rằng trẻ nhỏ phải được nghiêm khắc chỉ bảo, ít nhất trong những năm đầu đời. Do đó, dạy bảo một con thú quỷ quyệt thì cần phải siết cương, kềm kẹp con thú. Vì thế, các luật lệ được đưa ra nhằm giám sát sao cho trẻ nhỏ phải sống theo đúng các quy định và thật sự phải được dạy dỗ để có ích cho xã hội ».

Chính trong chiều hướng nghĩ rằng "Đứa trẻ phải tuân phục, phải chấp nhận dạy bảo", do đó, theo ông Michel Pierre, nạn nhân đầu tiên trong các trại tù thế kỷ 18-19, không ai khác chính là những trẻ em gia đình nghèo khó. Ông khẳng định : « Tệ hơn cả người nghèo là trẻ con nghèo ». Bởi vì, chúng như những "con ngựa bất kham" khó kềm kẹp và không chấp nhận một điều gì cả.

La Petite Roquette : « Nhà thương điên của thế kỷ »

Thế nhưng các hình phạt mà trẻ em tội phạm phải hứng chịu vào thời kỳ Chế Độ Cũ lại quá tàn bạo. Vào thời kỳ Cách Mạng 1791, rồi giai đoạn Hiệp Ước 1792, người ta bắt đầu nghĩ đến vấn đề này. Đến đầu thế kỷ 19, năm 1810, luật Napoleon quy định về tội phạm trẻ em mới ra đời. Và đến năm 1824, những phòng giam đầu tiên giành riêng cho trẻ con mới được hình thành, theo sắc lệnh của hoàng gia ban hành năm 1819.

Tuy có những thay đổi đáng kể về điều kiện giam giữ, nhưng hình phạt hay án tù dành cho trẻ em phạm tội vẫn còn rất nặng nề. Thái độ nghiêm khắc đó của xã hội Pháp lúc bấy giờ đối với những đứa trẻ được cho là có hành vi sai lệch, theo ông Michel Pierre, một phần là do xã hội Pháp khi đó theo chế độ phụ hệ. Một xã hội của nam giới, do nam giới lãnh đạo.

« Trên toàn nước Pháp vào thời kỳ đó, các thẩm phán đều là đàn ông. Cần phải nhớ rằng trong vấn đề hình sự, đặc biệt là đối với trẻ vị thành niên, đó là cả một thế giới đàn ông, tư sản, chủ sở hữu và không hề có bóng dáng phụ nữ. Ví dụ, cho đến trước năm 1945, không hề có đàn bà trong số các quan tòa.

Đó là một xã hội của đàn ông, của những người đàn ông độc đoán, những ông chủ tài sản, thẩm phán, những người đưa ra các phán xét, mà đa số những người này đều thuộc tầng lớp tư sản, chủ sở hữu ».

Thế rồi cùng với đà công nghiệp hóa tại Pháp, một tầng lớp lao động mới được hình thành, đó là những trẻ em công nhân. Những đứa trẻ vừa bất kham, hung dữ, vừa u mê nữa. Bị dồn trong những cơ sở sản xuất, sống trong khu nhà ngủ nội trú, một dạng cộng đồng trẻ nhỏ và thiếu niên được hình thành, phát triển và chúng bắt chước người lớn. Điều này đã làm nảy sinh một số tập quán, dẫn đến những cuộc nổi dậy và gây lo ngại cho giới lãnh đạo lúc bấy giờ.

« Do đó, người ta tìm cách quản lý lao động trẻ em vì vấn đề đạo đức và vì những lý do khác. Có nghĩa là những đứa trẻ này gần như là tội phạm, sống trong những điều kiện mà sức khỏe của chúng rất mong manh. Và những đứa trẻ không có sức khỏe thì không được chuẩn bị để trở thành những người lính tốt và xã hội thì muốn có luật lệ và trật tự.

Nếu như một số sự việc xẩy ra dẫn đến sự hình thành cộng đồng trẻ nhỏ, thiếu niên, nơi không có luật lệ và trật tự, người ta đã phải tìm cách cải thiện điều kiện làm việc của những đứa trẻ, tức là tìm cách cải thiện điều kiện cải tạo giáo dục. Những đứa trẻ không tôn trọng luật pháp thì sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. »

Trong mối bận tâm này, đến năm 1836, lấy ý tưởng từ Hoa Kỳ, một nhà tù dành riêng cho trẻ thiếu niên phạm tội đã ra đời: La Petite Roquette với khoảng 500 buồng giam. Ít nhiều mang ảnh hưởng tôn giáo, với nỗi ám ảnh làm sao cho trẻ nhận thức được về những tội phạm phải và phải biết đi vào con đường hối cải, phương pháp biệt giam, cô lập và bắt giữ im lặng đã được áp dụng triệt để tại nhà tù La Petite Roquette.

Điều kiện giáo huấn khắc nghiệt đã khiến những trẻ nào không chịu được đã nổi điên. Cùng với vệ sinh tồi tàn và bệnh tật, tỷ lệ tử vong tại La Petite Roquette ở mức cao ngất ngưỡng (10%/năm), ngang bằng với mức tử vong của tù nhân ở Guyane, trại tù khổ sai dành cho người lớn vài thập niên sau đó.

Mettray: Trại cải huấn khổ sai của trẻ em


Bên cạnh giải pháp biệt giam, một mô hình cải huấn khác cũng dần xuất hiện trong những năm 1840: Trại cải tạo lao động do nhà nước, tư nhân hay các chủng viện quản lý. Điển hình nhất là nông trại Mettray, nằm cạnh thành phố Tour (miền trung nước Pháp). Đây là trại cải tạo tập trung đông trẻ tội phạm nhất.

Tại đây, trẻ bị xem có hành vi sai lệch bị cách ly hoàn toàn với gia đình. Với quan điểm "Đất đai cải hóa con người và Con người cải thiện đất đai", những đứa trẻ phải thức dậy từ 5 giờ sáng, cả ngày ngoài đồng, làm quần quật 13 tiếng một ngày. Đổi lại chúng chẳng được gì, ngoài sự cô lập, những cánh đồng bát ngát, sức lao động bị vắt kiệt, những vết cắt từ những nông cụ, sự im lặng, lạnh giá...

Trong vòng một thế kỷ, Mettray được xem như là một hình mẫu cho mọi cơ sở tư nhân, vốn dĩ xem đấy như là một nguồn nhân công rẻ mạt. Từ những văn bản được tham khảo, sử gia Michel Pierre nhận thấy là, cũng giống như La Petite Roquette, cách sắp xếp và tổ chức cuộc sống cho trẻ phạm tội trong các trại nông nghiệp tư nhân hay nhà nước đều được dựa trên nền tảng tôn giáo.

"Cũng nên hiểu rõ là Cơ Đốc giáo, Thiên Chúa Giáo vẫn còn ảnh hưởng sâu nặng trong việc giáo dục trẻ nhỏ, nhằm tạo dựng ý thức tôn giáo, tinh thần gia đình và trật tự kỷ cương quân sự. Như vậy, chúng ta lại thấy hình ảnh biểu tượng tôn giáo như cây thánh giá, rồi cái cày và thanh kiếm…

Người ta cho rằng những yếu tố trật tự này như tôn giáo, dân sự và quân sự có thể góp phần biến những đứa trẻ, ít nhiều phạm tội, và đôi khi chỉ là những tội nhỏ, trở thành người lớn, những con người ý thức được quyền và nghĩa vụ, và không để cho chúng quay trở lại con đường tội lỗi chống lại xã hội và đức tin của đa số".

Không chỉ phải lao động nặng nhọc, ăn uống nghèo nàn, điều kiện vệ sinh tồi tàn (cứ mỗi 15 ngày chỉ được phép rửa chân một lần, hay như chỉ được tắm nước nóng hai lần trong năm), trẻ trong trại cải huấn còn phải hứng chịu nhiều sự hành hạ về thể xác. Đó là những trận đòn phạt từ những người giám sát, những trận ẩu đả giữa những bạn trại, hay những lần bị bỏ đói, bị trói, bị xiềng xích, ... Và hiện tượng "ấu dâm" cũng xuất phát từ đây.

Số liệu sử học thống kê cho thấy từ năm 1840-1930, 17 000 trẻ từ 5-21 tuổi đã trải qua Mettray. Theo một nhân chứng, từng nếm mùi tại Mettray từ năm 1922-1927, cách duy nhất để trốn tránh một cách hợp pháp nỗi hãi hùng là tham gia quân đội.

Đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, xã hội Pháp có những thay đổi quan trọng. Nhờ vào việc trường học bắt buộc từ năm 1882, trình độ dân trí được nâng cao, họ có điều kiện tiếp cận nhiều với báo chí. Những vụ tai tiếng, ban đầu chỉ ở cấp địa phương, sau được nhiều tờ báo lớn phanh phui. Dư luận bắt đầu biết đến "những trại cải huấn ngục tù" qua những chiến dịch truyền thông trong những thập niên 1930-1940, dưới sự ủng hộ của giới điện ảnh, nhiều nhà trí thức, văn đàn.

Và cuộc nổi dậy của những tù nhân khổ sai nhỏ tuối tại Belle-Ile-en-Mer, trên một đảo nhỏ vùng Bretagne đã thật sự làm dấy lên nỗi bất bình. Nhưng thật sự phải đợi đến những năm 1950, nước Pháp mới áp dụng sắc lệnh 1945 liên quan đến trẻ tội phạm thiếu niên, đóng cửa hoàn toàn các trại cải huấn, mà Mettray là nạn nhân đầu tiên, khép lại một thời kỳ đen tối trong lịch sử nước Pháp.

Nguồn: RFI / Minh Anh

Luân Đôn: Đồng hồ Big Ben lặng tiếng chuông kể từ ngày 21/8/2017



Audio


Video
BBC News - Big Ben's Last Regular Chimes until 2021 (21 August 2017)

Đến thăm Luân Đôn trong những ngày này, nhiều du khách chắc sẽ ngơ ngác vì không còn nghe thấy tiếng chuông đồng hồ Big Ben ngân nga nhắc nhở từng 15 phút và cứ mỗi giờ lại dõng dạc điểm từng tiếng chuông trầm vang xa. Trong vòng 4 năm tới, tháp chuông này ngừng hoạt động để tu sửa.


Khi nói đến Big Ben, hầu như ai cũng nghĩ ngay đến nước Anh và ngược lại cứ đến Luân Đôn là người ta phải chụp ảnh với kiến trúc 158 tuổi mang tên Big Ben, nay đã là biểu tượng của cả nước Anh.

Thực ra, đây là một quần thể gồm ba hạng mục rõ rệt. Thứ nhất là tháp chuông ngay bên cạnh tòa nhà quốc hội Westminster, bên cạnh sông Thames. Thứ hai là chiếc đồng hồ trên đỉnh tháp mà các bộ phim về thủ đô Luân Đôn của nước Anh đều phải có trong cảnh quay. Khán giả Việt Nam hâm mộ Thành Long chắc chắn còn nhớ đến cảnh đánh nhau trên chiếc kim đồng hồ trong bộ phim Hiệp sĩ Thượng Hải - Shanghai Knight. Thứ ba là bộ chuông tạo ra âm thanh vang xa trong toàn bộ khu vực trung tâm Luân Đôn. Chuông Big Ben nặng 13,7 tấn, cao 2,2m. Búa gõ nặng 2 tạ. Còn tòa tháp chuông cao 96m, gồm 11 tầng.

Thực ra thì chữ Big Ben chỉ là tên gọi của chiếc chuông to nhất nặng trên 12 tấn dùng để điểm số giờ. Big là to, còn Ben là cách gọi tắt của tên người Benjamin, mà giới nghiên cứu cho rằng có thể là tên của người đã đúc chuông, được khắc tên lên trên đó, hoặc tên một võ sĩ nổi tiếng thời bấy giờ, dáng vóc cũng to khỏe giống như vậy.

Từ khi được đúc và cho đến khi treo lên tháp vào giữa thế kỷ 19, quả chuông này luôn là tâm điểm chú ý để cư dân hiếu kỳ ở Luân Đôn kéo tới xem. Đầu tiên người ta đúc một quả chuông to nhưng vừa treo lên, đánh thử thì đã vỡ. Sau đó, người ta đúc lại một quả chuông khác, nhưng rồi chuông cũng bị nứt sau một thời gian. Tuy nhiên, người ta không thay mới mà chỉ sửa bằng cách làm thêm một vành đai xung quanh để gia cố, đồng thời giảm một nửa trọng lượng của búa gõ.

Ngoài ra, do yếu tố kỹ thuật là thời gian kéo búa lên rồi thả xuống quá dài cho nên phải lắp hai búa ở hai vị trí khác nhau. Do vậy mà hôm nay cùng một tiếng chuông trầm nhưng gõ vào chuông ở khoảng cách khác nhau đến chỗ bị nứt mẻ sẽ tạo ra hai âm thanh hơi khác nhau một chút, mà nếu sống lâu ở Luân Đôn thì người ta sẽ nhận ra ngay lập tức.

Chia tay tiếng chuông Big Ben

Dân chúng Anh từ nhiều nơi đã đổ về trung tâm Luân Đôn để chia tay tiếng chuông cuối cùng hôm 21/08 vừa qua. Tiếng chuông Big Ben để điểm giờ đã trở thành giai điệu quen thuộc không chỉ đối với người đến Luân Đôn du lịch, mà ngay cả nhiều người Việt Nam vì họ vẫn thường được nghe trong nhạc hiệu của các chương trình thời sự của Anh, hay các loại đồng hồ cổ không nhất thiết cứ phải sản xuất ở Anh.

Giới nghiên cứu cho rằng tiếng chuông Big Ben xuất phát từ giai điệu bài thánh ca nổi tiếng của nhạc sĩ người Anh gốc Đức Georg Fredrick Handel xưng tụng lòng tin vào sự sống của Chúa cứu thế: I know that my Redeemer Liveth, mà hôm nay vẫn tiếp tục được các giọng ca solo nổi tiếng thể hiện. Câu kết của violon được cho là đã dùng làm giai điệu cho tiếng chuông đồng hồ để nhắc nhở người nghe về sự hiện hữu của Chúa cứu thế qua tiếng đàn violon kết thúc bài nhạc.

Lời tuyên xưng Chúa cứu thế trong giai điệu của tiếng chuông được nối tiếp bằng dòng chữ tiếng Latin ghi trên mặt đồng hồ DOMINE SALVAM FAC REGINAM NOSTRAM VICTORIAM PRIMAM, tức là cầu mong Chúa hãy bảo trợ cho nữ hoàng Victoria đệ nhất. Đây cũng là ý của câu kết trong bài quốc ca của Anh là Chúa hãy bảo trợ cho nữ hoàng đang trị vì nước Anh.

Từ năm 2012, tháp chuông đồng hồ Big Ben, mà trước đó chỉ gọi đơn giản là tháp chuông, chính thức được gọi tên là Tháp mang tên nữ hoàng Elizabeth đệ nhị. Như vậy, Big Ben không chỉ là biểu tượng của nước Anh đối với thế giới, mà còn là biểu tượng của nữ hoàng Anh Quốc đối với thần dân của mình. Với một vai trò quan trọng như vậy thì không có gì khó hiểu tại sao các đại biểu Quốc Hội phải ngưng họp để ra ngoài chia tay với tiếng chuông Big Ben. Bà thủ tướng Theresa May đang đi công cán ở xa cũng phải lên truyền hình thổ lộ sự tiếc nuối và không thể chấp nhận nổi thời gian vắng quá lâu tiếng chuông này, theo dự kiến là trong suốt 4 năm tới.

Lời chỉ trích của bà thủ tướng ngay lập tức khiến cho các nghị sĩ Quốc Hội phải tổ chức phiên điều trần để xem lại kế hoạch sửa chữa tòa tháp đồng hồ, tại sao lại phải ngưng đánh chuông lâu như vậy. Nhưng ít nhất thì nước Anh cũng sẽ không biến mất trên truyền hình thế giới trong lễ hội tường thuật đêm giao thừa, vì chuông đồng hồ Big Ben theo dự kiến sẽ được khởi động để đánh chuông trong buổi đêm đặc biệt đó, tiếng chuông đã trở thành di sản văn hóa trong con tim của hàng triệu khán giả quốc tế.

Thực ra trước đây, vì một số lý do, Big Ben cũng đã nhiều lần tạm ngưng gõ chuông, chẳng hạn vào các năm 1934, 1956, 1979, 1983. Năm 2003, tiếng chuông Big Ben cũng tạm dừng trong lễ tang của bà Margaret Thatcher, nữ thủ tướng đầu tiên của Anh Quốc. Vào năm 2005 và 2007, ban quản lý cũng cho ngưng đánh chuông Big Ben trong các đợt kiểm tra và bảo dưỡng.

Lần này, kiến trúc sư phụ trách việc tu sửa tháp Elisabeth đệ nhị, ông Adam Watrobski, giải thích: “Chúng tôi đã nghiên cứu nhiều giải pháp, chúng tôi đã lên kế hoạch tu bổ này từ nhiều năm nay. Đồng hồ phải ngưng hoạt động vì chúng tôi phải dỡ hẳn đồng hồ khỏi tháp, quả chuông cũng không còn gắn liền với đồng hồ nữa. Thêm vào đó, chúng tôi cũng không thể để các công nhân làm việc trên dàn giáo cao gần 100m mà phải chịu đựng trong suốt nhiều tháng âm thanh cường độ cao phát ra từ quả chuông cứ mỗi 15 phút.”

Cô Lelia là người Ireland, sống ở Luân Đôn. Cô thích di dạo gần tháp chuông. Mặc dù thất vọng vì khi công việc tu bổ bắt đầu, cô sẽ không còn được nghe tiếng chuông Big Ben trong vòng 4 năm, nhưng cô Lelia cũng sẵn lòng chờ đợi. Cô tự nhủ rằng, sau đợt tu bổ này, sẽ có nhiều người được ngắm nhìn vẻ đẹp của Big Ben hơn nữa.

Nguồn: RFI /   Lê Hải - Thu Hằng

Băng nhạc Sóng Vàng 1 - Trầm Tử Thiêng & Nhật Ngân - Reel



Mặt A


Mặt B


(sưu tầm từ internet)

Tiếng hát Anh Ngọc (truớc 1975) - Reel



Mặt A


Mặt B

Tuesday, August 29, 2017

Lãng du thăm nhà thờ Chapel of Reconciliation bên Bức tường Bá Linh


Xem xong nơi Checkpoint , tôi lái xe đến thăm nhà thờ Chapel of Reconciliation
Đây là một căn nhà của dân , tôi đoán thế , bên hông của nó được sơn như thế này. Chắc có lẽ những người dân vùng này gần bức tường Bá Linh đã chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh dân từ phía Đông trèo trốn sang phía Tây
Nơi đây trông thật tiêu điều
- Đàng xa xa kia , bên trong hàng rào "tre" là cái gì nhỉ  ?  Tôi hỏi hai vợ chồng già

Ông già từ tốn trả lời:  "Cái đám cộng sản vô thần, nó giựt sập nhà thờ nguyện của dân .  Tụi nó không thờ ông bà cha mẹ đâu , cái đám thất học etc ... " Rồi tự nhiên ông già nóng máu chưởi cộng sản om sòm .

Tôi can ngăn : "Thưa Bác  , dạ cho cháu hỏi, bên nào là Đông Đức, còn bên nào là Tây Đức , thưa Bác ? "

Ông bảo : Cháu không thấy sao, cộng sản nó cho nổ nhà thờ thì đuơng nhiên bên này là Đông , còn phía bên kia cọc sắt sét rỉ là Tây .

- Oh, thế hả Bác .  Trông gần quá nhỉ .  Vậy mà hồi nào giờ cháu cứ tưởng nó giống như vùng DMZ , mà thường vùng DMZ có khoảng cách khá rộng , cấm dân hay quân sự không được cư ngụ trong vùng DMZ .  Nếu hai bên gần như thế này thì mình dễ vượt biên , phải không Bác ?

Ông buồn rầu không nói gì .  Tôi cảm ơn ông rồi rẽ hướng khác . Nhờ ông nói chuyện nên tôi đã biết đâu là Đông và đâu là Tây Đức
Chapel of Reconciliation
Trước khi tới Chapel , du khách phải đi ngang qua một khoảnh lúa mạch cùng hoa poppies . Bên trong khoảnh lúa ấy có một Thánh giá đã bị cong quẹo .
Đọc qua tôi mới biết, Thánh giá này là từ nhà thờ cũ Chapel of Reconciliation bị phía cộng sản bên Đông Đức giựt cho sập , mặc dù nhà thờ này đứng trên vùng đất không thuộc về phía nào "No Man's Land" . Nhà thờ cũ được khánh thành vào cuối thế kỷ 19 (1891)

Hãy cầu nguyện cho nhau
Đây là nền móng cũ của nhà thờ

Ngày 9 tháng 11 năm 1989, bức tường Bá Linh bị đập vỡ , dân chúng hai bên Đông Tây thông thương .  Người dân Tây Đức góp tiền để xây lại nhà thờ mới vẫn giữ tên cũ Chapel of Reconciliation

Năm 1990 , họ bắt tay xây dựng , và nhà thờ mới khánh thành ngay sau đó

Đây là bên trong của nhà thờ mới.  Tôi bước vào đây có cảm giác thật lạ , tôi cảm thấy mình đang trong cõi hư vô , hình như có một sức mạnh nào đó đang quyện lấy linh hồn tôi.  Tôi khấn vái một chút rồi đi ra .
Ngay tại cửa có người đàn ông Đức già , trông phúc hậu , ông đang xếp giấy tờ . Tôi hỏi ông xin góp chút vào thùng phước xương , và tôi có mua ủng hộ 1 CD được thu âm trực tiếp trong nhà thờ mới này
Cái hộp gì kia nhỉ ?
À, đó là những chiếc chuông từ nhà thờ cũ, được giữ lại nơi đây để ghi nhớ công phá sản của Đông Đức
Tôi đang hướng về phía bên kia tường sắt nâu đỏ . Chiếc xe tôi đang nằm đàng kia kìa
Trạm gác bên Đông Đức. Nơi đây người ta xây bức tường khá cao , không ai chụp hình bên trong được , chỉ có khe hở chút xíu mình nhìn cũng chẳng thấy gì
Tôi quay về nơi đậu xe
Trông những song sắt rỉ đang đứng kia , gây xúc động trong tôi . Không biết đã có bao nhiêu người Đông Đức chết nơi đây nhỉ ? Nhưng so sao bằng với đồng bào miền Nam nước Việt của tôi . Chúng tôi vượt biển vượt biên để sang bên xứ tự do , chúng tôi gặp muôn trùng nguy hiểm ở ngoài khơi, trong rừng sâu , đã hơn 1 triệu người chết ngoài biển khơi , hàng trăm ngàn người chết trong ngục tù . Nói đến đảng cộng sản thì thật là một thảm họa cho nhân loại
Tôi lái xe dọc theo thành Bá Linh , bây giờ thì tôi biết tôi đang ở phía Tây Đức
Tại sao có phần tường có cement, lại có phần tường chỉ là song sắt nhỉ ?
Tới nơi đây , tôi không còn phân biệt được đâu là Tây, và đâu là Đông ?
Xin chào tạm biệt Berlin
Viết vài giòng gửi nguời thân  .  Và đây tôi gửi vài bản nhạc đuợc thu âm tại nhà thờ mới Chapel of Reconciliation => Album nhac.



Xem tiếp =>

Lãng du thăm Checkpoint Charlie - nơi kiểm soát giữa phe đồng mình Hoa Kỳ, Anh , Pháp, Liên Xô tại Berlin sau Đệ nhị Thế Chiến

Xem lại => Thăm tòa Quốc hội Parliament House của Đức, Berlin

Tôi lái xe đi đến Checkpoint Charlie vì tôi không biết dùng tram hay bus để đến. Cũng may nơi này khá vắng vẻ có rất nhiều chỗ đậu xe. Các shops nhìn thấy điêu tàn quá , cỏ mọc đầy lối đi . Chắc có lẽ nơi đây ít dân ở hay sao đó .
Một sculpture trông lạ mắt , tất cả nồi niêu xoong chén , ghế , đều cột lại , thêm chiếc thang nữa .
Chắc có lẽ ý nghĩa của nó là dân Đông Đức gói gém đồ đạc để vượt bức tường Bá Linh chăng . Hay là dân Đức đang sống tình trạng bất ổn giữa các phe đồng mình Anh Pháp Hoa Kỳ và Liên Xô , nên dân Đức bó sẵn, hễ có nguy biến là chạy

Phố xá nơi Checkpoint Charlie trông buồn tênh
Chúng tôi hỏi thăm khách đi đường để thăm nơi Checkpoint Charlie. Từ nơi Loreal bước ra Checkpoint Charlie khoảng độ 2 phút . Ra đến ngoài này mới thấy người qua lại , còn 1 block đường bên trong giống như thành phố chết
Tại sao nơi đây có những đường ống dẫn màu tím sen như thế nhỉ ?
Từ đàng xa , tôi thấy người ta , du khách tụ tập rất đông , tôi đoán chắc là Checkpoint của Hoa Kỳ kia rồi 
Tôi chụp một tấm dọc để bạn thấy cho trọn
Tôi không biết đây là lính giả hay lính thiệt của Hoa Kỳ . Trông họ giống giả quá, vì mỗi người / gia đình vô chụp hình lưu niệm thì họ phải trả tiền . Nếu là lính thật thì người ta đâu có làm vậy, bị phạt , bi đuổi là cái chắc . Vậy thì mấy ông lính giả này dám ngang nhiên cầm cờ , áo quần của lính , đứng tại trạm Checkpoint của Hoa Kỳ mà làm tiền trắng trợn như thế kia, họ không bị phạt sao nhỉ
Ngay tại điểm checkpoint Charlie này, người ta đông vô kể , chỉ trên 2 - 3 blocks đường này thôi . Vì tôi đã bị móc túi từ mấy hôm trước, nên tôi đã học thuộc bài "Coi Chừng Bị Móc Túi " . Hôm nay tôi trông cảnh người khác bị mất , khóc bù lu bù loa, tôi cười . 😊
Toi chụp gần một tấm
Lạ nhỉ ? Có tên Putin mà sao lại là cờ đỏ búa liềm là sao ? Tại sao không phải là cờ hiện nay của Nga nhỉ ?
"Set the whole of Ukraine free " . Are you kidding me ?

Tôi nghe những người bạn Ukraine của tôi tại Hoa Kỳ, họ thù ghét lính Nga , nhất là Putin tại vì Putin đem quân qua chiếm đảo chia cắt đất nước họ . Vậy mà tại nơi Checkpoint Charlie này thì bảo là "Set Free "
Một bàn bán hàng rong trông vui mắt

Xem tiếp =>