Audio
Video
BBC News - Big Ben's Last Regular Chimes until 2021 (21 August 2017)
Đến thăm Luân Đôn trong những ngày này, nhiều du khách chắc sẽ ngơ ngác vì không còn nghe thấy tiếng chuông đồng hồ Big Ben ngân nga nhắc nhở từng 15 phút và cứ mỗi giờ lại dõng dạc điểm từng tiếng chuông trầm vang xa. Trong vòng 4 năm tới, tháp chuông này ngừng hoạt động để tu sửa.
Khi nói đến Big Ben, hầu như ai cũng nghĩ ngay đến nước Anh và ngược lại cứ đến Luân Đôn là người ta phải chụp ảnh với kiến trúc 158 tuổi mang tên Big Ben, nay đã là biểu tượng của cả nước Anh.
Thực ra, đây là một quần thể gồm ba hạng mục rõ rệt. Thứ nhất là tháp chuông ngay bên cạnh tòa nhà quốc hội Westminster, bên cạnh sông Thames. Thứ hai là chiếc đồng hồ trên đỉnh tháp mà các bộ phim về thủ đô Luân Đôn của nước Anh đều phải có trong cảnh quay. Khán giả Việt Nam hâm mộ Thành Long chắc chắn còn nhớ đến cảnh đánh nhau trên chiếc kim đồng hồ trong bộ phim Hiệp sĩ Thượng Hải - Shanghai Knight. Thứ ba là bộ chuông tạo ra âm thanh vang xa trong toàn bộ khu vực trung tâm Luân Đôn. Chuông Big Ben nặng 13,7 tấn, cao 2,2m. Búa gõ nặng 2 tạ. Còn tòa tháp chuông cao 96m, gồm 11 tầng.
Thực ra thì chữ Big Ben chỉ là tên gọi của chiếc chuông to nhất nặng trên 12 tấn dùng để điểm số giờ. Big là to, còn Ben là cách gọi tắt của tên người Benjamin, mà giới nghiên cứu cho rằng có thể là tên của người đã đúc chuông, được khắc tên lên trên đó, hoặc tên một võ sĩ nổi tiếng thời bấy giờ, dáng vóc cũng to khỏe giống như vậy.
Từ khi được đúc và cho đến khi treo lên tháp vào giữa thế kỷ 19, quả chuông này luôn là tâm điểm chú ý để cư dân hiếu kỳ ở Luân Đôn kéo tới xem. Đầu tiên người ta đúc một quả chuông to nhưng vừa treo lên, đánh thử thì đã vỡ. Sau đó, người ta đúc lại một quả chuông khác, nhưng rồi chuông cũng bị nứt sau một thời gian. Tuy nhiên, người ta không thay mới mà chỉ sửa bằng cách làm thêm một vành đai xung quanh để gia cố, đồng thời giảm một nửa trọng lượng của búa gõ.
Ngoài ra, do yếu tố kỹ thuật là thời gian kéo búa lên rồi thả xuống quá dài cho nên phải lắp hai búa ở hai vị trí khác nhau. Do vậy mà hôm nay cùng một tiếng chuông trầm nhưng gõ vào chuông ở khoảng cách khác nhau đến chỗ bị nứt mẻ sẽ tạo ra hai âm thanh hơi khác nhau một chút, mà nếu sống lâu ở Luân Đôn thì người ta sẽ nhận ra ngay lập tức.
Chia tay tiếng chuông Big Ben
Dân chúng Anh từ nhiều nơi đã đổ về trung tâm Luân Đôn để chia tay tiếng chuông cuối cùng hôm 21/08 vừa qua. Tiếng chuông Big Ben để điểm giờ đã trở thành giai điệu quen thuộc không chỉ đối với người đến Luân Đôn du lịch, mà ngay cả nhiều người Việt Nam vì họ vẫn thường được nghe trong nhạc hiệu của các chương trình thời sự của Anh, hay các loại đồng hồ cổ không nhất thiết cứ phải sản xuất ở Anh.
Giới nghiên cứu cho rằng tiếng chuông Big Ben xuất phát từ giai điệu bài thánh ca nổi tiếng của nhạc sĩ người Anh gốc Đức Georg Fredrick Handel xưng tụng lòng tin vào sự sống của Chúa cứu thế: I know that my Redeemer Liveth, mà hôm nay vẫn tiếp tục được các giọng ca solo nổi tiếng thể hiện. Câu kết của violon được cho là đã dùng làm giai điệu cho tiếng chuông đồng hồ để nhắc nhở người nghe về sự hiện hữu của Chúa cứu thế qua tiếng đàn violon kết thúc bài nhạc.
Lời tuyên xưng Chúa cứu thế trong giai điệu của tiếng chuông được nối tiếp bằng dòng chữ tiếng Latin ghi trên mặt đồng hồ DOMINE SALVAM FAC REGINAM NOSTRAM VICTORIAM PRIMAM, tức là cầu mong Chúa hãy bảo trợ cho nữ hoàng Victoria đệ nhất. Đây cũng là ý của câu kết trong bài quốc ca của Anh là Chúa hãy bảo trợ cho nữ hoàng đang trị vì nước Anh.
Từ năm 2012, tháp chuông đồng hồ Big Ben, mà trước đó chỉ gọi đơn giản là tháp chuông, chính thức được gọi tên là Tháp mang tên nữ hoàng Elizabeth đệ nhị. Như vậy, Big Ben không chỉ là biểu tượng của nước Anh đối với thế giới, mà còn là biểu tượng của nữ hoàng Anh Quốc đối với thần dân của mình. Với một vai trò quan trọng như vậy thì không có gì khó hiểu tại sao các đại biểu Quốc Hội phải ngưng họp để ra ngoài chia tay với tiếng chuông Big Ben. Bà thủ tướng Theresa May đang đi công cán ở xa cũng phải lên truyền hình thổ lộ sự tiếc nuối và không thể chấp nhận nổi thời gian vắng quá lâu tiếng chuông này, theo dự kiến là trong suốt 4 năm tới.
Lời chỉ trích của bà thủ tướng ngay lập tức khiến cho các nghị sĩ Quốc Hội phải tổ chức phiên điều trần để xem lại kế hoạch sửa chữa tòa tháp đồng hồ, tại sao lại phải ngưng đánh chuông lâu như vậy. Nhưng ít nhất thì nước Anh cũng sẽ không biến mất trên truyền hình thế giới trong lễ hội tường thuật đêm giao thừa, vì chuông đồng hồ Big Ben theo dự kiến sẽ được khởi động để đánh chuông trong buổi đêm đặc biệt đó, tiếng chuông đã trở thành di sản văn hóa trong con tim của hàng triệu khán giả quốc tế.
Thực ra trước đây, vì một số lý do, Big Ben cũng đã nhiều lần tạm ngưng gõ chuông, chẳng hạn vào các năm 1934, 1956, 1979, 1983. Năm 2003, tiếng chuông Big Ben cũng tạm dừng trong lễ tang của bà Margaret Thatcher, nữ thủ tướng đầu tiên của Anh Quốc. Vào năm 2005 và 2007, ban quản lý cũng cho ngưng đánh chuông Big Ben trong các đợt kiểm tra và bảo dưỡng.
Lần này, kiến trúc sư phụ trách việc tu sửa tháp Elisabeth đệ nhị, ông Adam Watrobski, giải thích: “Chúng tôi đã nghiên cứu nhiều giải pháp, chúng tôi đã lên kế hoạch tu bổ này từ nhiều năm nay. Đồng hồ phải ngưng hoạt động vì chúng tôi phải dỡ hẳn đồng hồ khỏi tháp, quả chuông cũng không còn gắn liền với đồng hồ nữa. Thêm vào đó, chúng tôi cũng không thể để các công nhân làm việc trên dàn giáo cao gần 100m mà phải chịu đựng trong suốt nhiều tháng âm thanh cường độ cao phát ra từ quả chuông cứ mỗi 15 phút.”
Cô Lelia là người Ireland, sống ở Luân Đôn. Cô thích di dạo gần tháp chuông. Mặc dù thất vọng vì khi công việc tu bổ bắt đầu, cô sẽ không còn được nghe tiếng chuông Big Ben trong vòng 4 năm, nhưng cô Lelia cũng sẵn lòng chờ đợi. Cô tự nhủ rằng, sau đợt tu bổ này, sẽ có nhiều người được ngắm nhìn vẻ đẹp của Big Ben hơn nữa.
Nguồn: RFI / Lê Hải - Thu Hằng
No comments:
Post a Comment