Wednesday, December 20, 2017

Bài học Israel - Nguyễn Hiến Lê (Phần I - Dân Tộc Do Thái - Chương 4)

MỘT CUÔN SÁCH MỎNG ẢNH HƯỞNG RẤT LỚN TỚI LỊCH SỬ THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI

“Sang năm về Jerusalem!"

Vì mất tổ quốc, phải lang thang, phiêu bạt khắp nơi mà không ở đâu được yên ổn, tới đâu cũng bị kỳ thị, hắt hủi, trục xuất, hành hung, chém giết, nên lòng tư hương của người Do Thái trong non hai ngàn năm nay không lúc nào nguôi.

Dù ở Paris, Berlin, Moscow, London, New York hay ở Vienne, Varsovie, Prague, Bonn, Bagdad, Istambul… người Do Thái bao giờ cũng hướng về Jérusalem trong khi đọc kinh. Mỗi ngày ba lần, họ cầu nguyện: “Xin Chúa cho chúng con được thấy cái ngày Chúa trở về Sion trong tình chí nhân của Chúa!”. Mỗi ngày ba lần, sau bữa ăn, dù chỉ là ăn những cơm thừa canh cặn của một phú gia hoặc húp một miếng cháo lỏng trong những ghetto những hồi bị tàn sát, họ vẫn không quên ơn Chúa đã cho họ có miếng ăn và cho tổ tiên họ “cái xứ đẹp đẽ mênh mông, cái phúc địa ở Israel”. Họ cầu nguyện Chúa thương Jérusalem, thương Sion, và thương họ, dắt họ về Đất Chúa.

Những ngày lễ lớn, người Do Thái nào cũng khấn: “Vì chúng con có tội lỗi nên Chúa đầy chúng con ra khỏi quê hương, ôi Chúa của chúng con, Chúa của tổ tiên chúng con, xin Chúa chí nhân, chí từ nhủ lòng thương chúng con mà đưa những kẻ phiêu bạt khắp nơi về quê hương chúng con: xin Chúa gom tất cả những kẻ bị đầy khắp bốn phương trời lại Sion, lại Jérusalem nói có đền thờ của Chúa”. “Sang năm về Jérusalem!”. Lòng kiên nhẫn và tin tưởng của họ thật cảm động.

Đọc lịch sử dân da đen ở Mỹ, ta thấy những lời ca, điệu hát của họ ai oán bi thương hơn tiếng giun tiếng dế, nó làm cho não lòng đến mức phải vùng dậy, bứt rứt không yên, mà cái tâm sự tư hương của họ dù mới có vài thế kỷ nay, cái cảnh ô nhục của họ so với thân phận người Do Thái chưa thấm vào đâu.

Tâm sự người Do Thái còn bi đát hơn nhiều. Tháng giêng ở châu Âu, giữa cảnh tuyết rơi băng đóng mà họ ăn lễ Tân Niên ở Israel, ăn những trái cây khô mọc bên bờ sông Jourdain. Họ cầu mưa không phải là cầu cho nơi họ ở, mà cho Đất Thánh của họ; ở Nam bán cầu, các mùa đều ngược với Bắc bán cầu, mà họ vẫn cầu nóng lạnh, mưa nắng cho Israel ở Bắc bán cầu. Có nhũng người không bao giờ được thấy Israel, chỉ nghe tổ tiên nói, chứ càng không biết nó nằm ở đâu trên bản đồ thế giới nữa, mà tới mùa gặt ở Israel, cũng làm lễ, như chúng ta làm lễ cơm mới, rồi cũng cầu nguyện, nhảy múa, ca hát, chúc nhau “Sang năm về Jérusalem!”.

Israël tức Palestine, thành một xứ trong mộng, một Thiên đường trong óc họ: “Một kẻ ngu dốt mà ở Israël thì cũng có tài đức hơn một vị Đại tu, lễ sống ở ngoài Israël” “Kẻ nào chỉ mới đặt chân lên Israel thì chết cũng được lên Thiên đường”.

Theo Thánh kinh, ngày Sabbath (có sách viết là Sabat, hoặc Chabath) tức ngày thứ bảy, cấm không được buôn bán, nhưng nếu mua nhà cửa, đất cát ở Palestine thì vẫn được. Người nào không được sống ở Đất Thánh thì cũng mong chết ở đó, và nếu không được chết ở đó thì lại mong xác mình sẽ được “lăn dưới đất tới thung lũng Cédron” gần Jérusalem, hoặc cái sọ mình gối lên một túi nhỏ đựng một nắm đất ở Palestine.
Theo kinh Tanakh, Đền thờ của Solomon được xây trên đỉnh Núi Đền vào thế kỷ thứ 10 trước Công Nguyên và bị quân Babylon tàn phá năm 586 trước CN.  

Đền được tái xây dựng và dâng cho Chúa năm 516 trước CN. Khoảng năm 19 trước CN, Herod Đại đế bắt đầu một công trình vĩ đại tại Núi Đền. Ngày nay Bức tường Than Khóc hay Bức Tường phía Tây (Western Wall) là một phần còn sót lại của công trình này. Bức Tường Than Khóc là thánh tích thiêng liêng nhất của Do Thái giáo

Trong mọi mùa từ khắp nơi trên thế giới, từng đoàn người Do Thái dắt nhau hành trang ở Jérusalem, quì xuống khóc nức nở ở di tích duy nhất của đền Salomon, tức bức tường phía Tây, vì thế bức tường đó có tên là bức tường than khóc (Mur des Lamentations).

Đền bị Titus phá năm 70 sau Tây lịch, chỉ còn lại mảnh tường đó. Dưới thời đô hộ của Thổ Nhĩ Kỳ, người Do Thái được phép tới đó cầu nguyện nhưng không được mang tới đó một đồ đạc nào cả. Vì người ta ngại họ sẽ dần dần dựng một cái gì như một cái bàn thờ hay đền, miếu nhỏ chẳng hạn.
Một hôm, vào năm 1929, họ mang tới một bức bình phong để ngăn cách hai phe nam nữ: Chỉ có vậy mà gây một cuộc đổ máu kinh khủng: 133 Do Thái và 116 Ả Rập chết ở chân tường.


Ngày 7 tháng giêng năm 1949, người ta hoạch định biên giới, Israel và Jordanie, biên giới này cắt Jérusalem làm hai. Bức tường than khóc nằm ở khu vực Jordanie nên Do Thái không được tới đó cầu nguyện, nữa. Nhưng trong chiến tranh Do Thái - Ả Rập năm 1967, quân Do Thái chiếm được Jerusalem và tướng Do Thái Moshe Dayan hoan hỉ cùng với quân đội tới chiêm ngưỡng bức tường.

Những người được diễm phúc hành hương ở Jérusalem, về kể chuyện lại cho người khác nghe, càng tưới thêm dầu vào lòng bừng bừng muốn hồi hương của họ. Những kẻ bị giam trong các ghetto, các mellah ở Âu, ở Á, lại càng tưởng tượng thêm cảnh Thiên đường ở Đất Thánh, và lời ca não nuột của họ lại văng vẳng lên trong ngõ hẻm, trên đồng có trên bờ sông:

Trên bờ sông Babylone
Chúng tôi ngồi khóc than
và nhớ Sion!

Những phong trào trước Herzl

Ôi quê hương! Nhớ quê biết bao, mong được về lắm, nhung dễ gì mà được. Đã cả chục đời lập nghiệp ở xứ người, không lẽ mỗi lúc mà bỏ hết sản nghiệp lại, lên đường về Sion, cho nên mặc dầu năm nào cũng chúc nhau “Sang năm về Sion!” mà trong non hai ngàn năm người ta vẫn không dự định một kế hoạch thực tế nào để về Sion.

Nhưng khi bị tàn sát, hành hung, một số phẫn uất dắt vợ con về Sion, nhưng số đó rất hiếm, và một khi họ đi rồi thì gần như bặt tin, kẻ chết giữa đường không tới nơi, kẻ tới nơi thì cũng khốn đốn và ai cũng thấy về Sion đúng là về “chầu tổ”. Cho nên cái ngày về Sion chỉ có trong giấc mơ và trong những lúc cầu nguyện. Với lại người ta vẫn còn tin ở Thánh kinh: Các đấng Tiên tri đều báo trước rằng sẽ có một ngày xứ Israel được trả lại cho Dân tộc mà Chúa đã hứa, và lúc đó mật ong và sữa sẽ tràn trề trong thung lũng Jonrdain, trai gái sẽ chen vai thích cánh nhau trên đường phố Jérusalem.

Phần đầu, tức phần báo trước sự tàn phá Jérusalem, cảnh lưu đày của Do Thái, đã đúng, thì phần sau về sự hồi hương, lẽ nào lại không đúng? Vậy thì cứ kiên nhẫn đợi cái ngày dân tộc được Chúa gom lại. Lạy Chúa, xin Chúa thương chúng con, chúng con bao giờ cũng xin tuân ý chỉ của Chúa”.

Nhưng lâu lâu lại có vài kẻ không tin ở Chúa, muốn cưỡng bách Chúa thực hiện sự hồi hương cho mau mau. Họ tự xưng hoặc được tín đồ gọi là Đấng Cứu Thế. Họ đi khắp nơi, rất thuộc Thánh kinh, hiểu biết rất rộng, và tín đồ phục họ là có thuật thần thông. Họ là Moise ở Crète thế kỷ V, là Serenius ở Syrie thế kỷ VII, là David Alroy ở Bagdad, thế kỷ XII, là Salomon Molho, là Sabbetai, Tsevi, vân vân… Khi họ xuất hiện thì dân tộc Do Thái lại hy vọng ngày hết khổ của mình sắp tới, nhưng các đấng Cứu thế đó đã chẳng cứu được ai cả mà có đấng còn cải giáo theo Hồi giáo hoặc Ki-tô giáo nữa và người ta lại thất vọng, thất vọng mà vẫn hi vọng, mong có một đấng cứu thế chân chính khác ra đời.

Cũng có người thật tình thương thân phận của đồng bào, như phái Hassidim ở Trung Âu, dạy cho họ ca vũ, để vui sống mà chịu nổi mọi nỗi bất công đợi lúc được Chúa tha tội.

Một số khác - trong số này có cả những người theo Ki-tô giáo hoặc không theo một đạo nào có lòng trắc ẩn mà lại có tinh thần thực tế, lập kế hoạch để đưa các người Do Thái về Palestine: người thì nghĩ xin Giáo hoàng can thiệp, người thì tính đút lót vua Thổ Nhĩ Kỳ; người lại khuyên Do Thái góp tiền mua đất ở Palestine. Họ viết báo, in những tập nho nhỏ gởi các vị đại thần, các sứ thần ở khắp các nước châu Âu, trình bày những lý lẽ xác đáng để cho người Do Thái vê Palestine: chính quyền đã không ưa người Do Thái thì nên cho họ đi, chứ giữ họ làm gì; Vua Thổ Nhĩ Kỳ chẳng ham gì miếng đất Palestine cằn cỗi, cháy khô đó chắc chịu bán cho Do Thái một giá rẻ, Do Thái về đó chẳng làm hại gì ai cả và sẽ khai thác thành một miền phong phủ. Thi sĩ Pháp Lamartine mấy lần du lịch miền Đất Thánh về, cũng viết sách hô hào người ta trả lại đất cho Do Thái.

Chính Bonaparte lúc ở Saint- Jean d’Acre cũng nghĩ rằng có thế tái lập quốc gia Do Thái ở Palestine.
Thi sĩ Anh Byron được thấy sự tái sinh của quốc gia Hy Lạp, than thở cho dân tộc Do Thái “khổ hơn những con thú không có hang”.

Qua thế kỷ XIX, thế kỷ của tinh thần quốc gia, nhiều nhân vật quan trọng cho việc tái lập quốc gia đó là dễ thực hiện: Disraeli, Shaftesbury, George Eliot ở Anh; Warder Cresson ở Mỹ; Alexandre Dumas - con ở Pháp; Jean Henri Dunant (nhà sáng lập hội Hồng Thập Tự quốc tế) ở Thuỵ Sĩ; Moses Hess (bạn thân của Karl Marx) ở Đức… Họ viết sách, viết báo, diễn thuyết khuyến khích người Do Thái hồi hương và yêu cầu các chính phủ ủng hộ phong trào.

Hội “Hovévé Tsione” (Hội những người yêu Sion) được thành lập. Những sinh viên Do Thái ở Nga thất vọng vì bị hạn chế việc học hành, và lâu lâu bị khủng bố, gây phong trào Bilou (tên ghép những chữ đầu mỗi tiếng trong một câu thơ Hebreu cổ, có nghĩa: Gia đình Jacob, lên đường đi, và chúng ta khởi hành, nào!). Một số người, một số cơ quan giúp tiền của và năm 1856, người Do Thái lập được mấy vườn cam đầu tiên ở Palestine; năm 1870, họ dựng được một trường canh nông đầu tiên ở Mikvé Israel nữa. Năm 1882, Léo Pinsker, viết cuốn “Tự giải phóng” khuyên người Do Thái tự tạo lấy vận mạng cho mình. Họ hiểu vậy lắm, cũng gắng sức lắm, lập được vài làng ở Palestine, nhưng về phương diện kinh tế thì họ thất bại. Họ thiếu kinh nghiệm, thiếu cả phương tiện mà đất đai chỗ thì khô cháy, chỗ thì úng thuỷ, họ bị bệnh rất nhiều. Chủ ngân hàng, tỉ phú Edmond de Rothschild mua đất cho họ, giúp vốn họ, phái cả người qua chỉ bảo cho họ, nhờ vậy họ tạm sống được.

Tóm lại phong trào được nhiều người giúp đỡ về mọi phương diện: tinh thần tài chánh, nhưng không phát triển mạnh được. Còn thiếu sự khích động mãnh liệt, thiếu một người lãnh đạo.
Sự kích động đó là vụ án Dreyfus và vị lãnh đạo là Théodore Herzl.

Vụ án Dreyfus

Năm 1894, ở Paris xảy ra vụ án làm sôi nổi dư luận châu Âu. Kẻ bị kết án là một sĩ quan Do Thái tên là Anfred Dreyfus. Bộ Quốc phòng Pháp ngờ Dreyfus do thám cho Đức, gởi những tài liệu quân sự bí mật cho Đức và toà án xử ông ta bị tội đầy.

Dân chúng hay tin đó phẫn nộ, hô hào “Diệt tụi Do Thái!”. Ông Dreyfus một mực kêu oan, bảo rằng mình vô tội. Nét mặt ông khi ra toà thật thảm thương, chân thành, lảm cho một số người động lòng trắc ẩn, trong số này có một vị nguyên lão nghị viên tên là Scheurer Kestner và văn hào Emile Zolr.
Zolr thấy chứng cớ không đủ vững, tin rằng Dreyfus vô tội, can đảm viết một bài bất hủ nhan đề “J’accuse” (Tôi buộc tội) để buộc chính phủ phải xét lại vụ đó. Dư luận sôi nổi vì một số người cho rằng Dreyfus bị xử oan chỉ vì ông ta là Do Thái và chính quyền làm như vậy tức là tỏ ra rằng vẫn có tinh thần kỳ thị Do Thái.

Thế là ở Pháp nổi lên hai phe: một phe bài xích Do Thái, một phe bênh vực. Bài “J’accuse” được dịch ra nhiều thứ tiếng ở châu Âu, đăng lên nhiều từ báo làm cho khắp châu Âu ngó về nước Pháp. Nhà cầm quyền Pháp sau đành phải đưa vụ đó ra xử lại ở toà án quân sự Rennes: lần này án được giảm xuống mười năm cầm cố (1899). Bảy năm sau có đủ tài liệu chứng thực rằng Dreyfus vô tội, toà phải đem xử lại và tha bổng cho Dreyfus, nhưng sau mười hai năm bị oan uổng, tủi nhục, ông hoá ra con người bỏ đi.

Dreyfus có ngờ đâu chính nỗi bất công ông phải chịu đã làm thay đổi hẳn một người đồng chủng của ông, làm cho người từ một ký giả tầm thường hoá ra một danh nhân, đóng một vai trò quan trọng vào bậc nhất trong lịch sử thế giới. Ký giả đó là Théodore Herzl, sinh ở Budapest năm 1860.
"Théodore Herzl và cuốn “Quốc gia Do Thái”

Théodore Herzl viết trong cuốn tự truyện của ông:

“Tôi sanh năm 1860 ở Budapest, ngay sát giảng đường Do Thái giáo nơi đó mới rồi viên Giáo trưởng (Rabbin) kết tội tôi kịch liệt chỉ vì (…) tôi muốn cho người Do Thái được vinh dự hơn, tự do hơn hiện nay… Mới đầu tôi vô học một trường tiểu học Do Thái, ký ức xa xăm nhất của tôi về trường đó là lần tôi bị trừng phạt vì không thuộc các chi tiết, về cuộc di cư ra khỏi Ai Cập. Ngày nay thì chắc có nhiều giáo viên muốn phạt tôi vì tôi nhớ kỹ cuộc di cư đó quá”.

Ông cùng với gia đình tới Vienne, nhập tịch Hung, và viết báo, soạn vài vở kịch, ông làm thông tín viên ở Paris cho tờ “Neue Freie Presse”, sau làm chủ bút trang văn chương của tờ đó. Stefan Zweig khi mới cầm bút, có lần được ông tiếp, ghi lại cảm tưởng rất tốt về ông:
“Herl đứng dậy để chào tôi và tôi cảm thấy ngay rằng lời người ta châm biếm ỏng, gọi ông là “đức vua Sion” không sai đâu; quả thực ông ra vẻ quốc vương lắm”.

Không phải là vì Herlz bệ vệ, oai nghiêm, mà vì ông có những nét cao quí, một thứ cao quí bẩm sinh, làm cho Stefan Zweig phải kính phục.

Năm 1894, Herzl sống một đời vô tư, vui vẻ như phần đông người Do Thái tri thức ở châu Âu tin rằng thế giới đã văn minh, luật pháp các nước đối với người Do Thái đã công bằng thì các mối thù truyền kiếp hồi xưa rồi đây dần dần sẽ mất hẳn không có gì đáng lo ngại nữa.

Ngày 22 tháng chạp năm 1894, ông được toà báo “Neue Freie Presse” phái lại dự vụ lột lon Dreyfus trước công chúng ở Paris để viết bài tường thuật.

Ông vì phận sự mà tới chớ không cho việc đó là quan trọng. Nhưng khi ông thấy Dreyfus mặt tái xanh, giọng vô cùng thiểu não, thốt ra câu: “Tôi vô tội”, thì ông bỗng thấy quặn ở trong lòng. Và khi ông nghe quần chúng Pháp hô hét “Giết chết tụi Do Thái!” thì ông kinh hoàng, toát mồ hôi mặc dầu trời lạnh: ông tin chắc rằng Dreyfus chỉ vì lỡ sinh là người Do Thái như ông mà bị tội oan.

Về nhà ông đâm ra suy nghĩ: Dân tộc Pháp là dân tộc có tinh thần rộng rãi nhất, biết trọng tự do và bình đẳng nhất; tư tưởng cách mạng đã thấm nhuần họ trên trăm năm rồi kể từ cái hồi họ phá ngục Bastille, vậy mà còn kì thị, bài xích Do Thái đến mức đó, thì còn mong gì ở các nước khác nữa? Nông nỗi này thì thảm kịch Do Thái quả là bất tuyệt, vô phương giảm được. Dân tộc Do Thái còn bị nguyền rủa, xua đuổi, căm thù đến lúc tận thế thôi. Trừ phi là lật ngược lại vấn đề, không xin đồng hoá với các dân tộc khác nữa, không ở nhờ một quốc gia nào nữa - họ có thực tâm cho mình đồng hoá đâu - mà tạo lấy một quốc gia Do Thái được Hội Vạn Quốc thừa nhận.

Vẻ mặt thê thảm của Dreyfus, tiếng gầm thét: “Giết tụi Do Thái!” ảm ảnh ông hoài. Và tháng sáu năm 1895 sang Paris, Herzl viết trong hai tháng xong một cuốn sách nhỏ nhan đề “Quốc gia Do Thái” (L’Etat juif). Cuốn sách xuất bản ở Vienne ngày 14 tháng 2 năm 1896 và được dịch ra nhiều thứ tiếng:
Quốc gia Do Thái cần thiết cho thế giới; vậy thì thế nào nó cũng sẽ thành lập. Nếu tinh thần thế hệ hiện nay còn hẹp hòi quá thì sẽ có có một thế hệ khác tốt hơn, cao thượng hơn. Người Do Thái nào muốn có một quốc gia của mình thì sẽ có quốc gia và xứng đáng được có quốc gia”.

Ông đã suy nghĩ rất kỹ, đã tiên liệu hết thảy, cả những tiểu tiết nữa, như các vấn đề thuộc về pháp luật vì ông có bằng tiến sĩ luật. Ông tưởng tượng sự di trú (ông chưa gọi là hồi hương) sau này sẽ thực hiện trong những điều kiện, hoàn cảnh ra sao. Ông vẽ cờ và quốc huy cho quốc gia tương lai của ông, ông đưa ra những dự án về các cơ quan cần thiết cho sự thành lập quốc gia đó. Có người cho là giản dị quá ngây thơ quân nhưng chính cải ngây thơ đó là thiên tài của ông, vì quả nhiên sau thực hiện được.

Sự thực, trước ông đã có vài người - Do Thái và không Do Thái - viểl những cuốn sách tương tự cuốn của ông, càng nuôi cái mộng thành lập một quốc gia Do Thái như ông. May thay, ông đã không được đọc nhưng cuốn ấy, vì nếu đọc thì tất ông sẽ không viết, mà quốc gia Do Thái sẽ không bao giờ thành lập.

Những cuốn trước không gây được tiếng vang vì xuất hiện sớm quá, chưa phải lúc và cũng vì lòng tin tưởng không nồng nhiệt, chỉ là một công trình của lý trí, không xuất phát từ con tim.

Cái công lớn nhất của Herzl, sự nghiệp lịch sử của ông là đã tiêm được một bầu nhiệt huyết vào lòng người Do Thái, đã làm cho lòng tư hương của của họ có thêm một ý chí hành động, tích cực chiến đấu. Lần đầu tiên trong lịch sử Do Thái, ông đã tạo cho dân tộc đó một sức mạnh để xây dựng tương lai. Lần đầu tiên, một người Do Thái nhận ra rằng nếu mọi ngưởi Do Thái ở khắp nơi trên thế giới tự coi mình là một dân tộc, tự tổ chức thành một dân tộc thực sự có non sông, tổ quốc, thì các dân tộc kia phải nhận họ là một dân tộc, đối đãi với họ như với một dân tộc - chứ không phải như một giống người ăn đậu ở nhờ, lang thang, bị khinh bỉ, hắt hủi, ông bảo: chỉ có mình mới tự cứu mình được thôi, và vấn đề Do Thái phải do người Do Thái giải quyết lấy.

Tác phẩm của ông hơn hẳn nhưng tác phẩm trước ở điểm ông là người Do Thái, biết nhìn vấn đề một cách đích xác, với tấm lòng thiết tha hơn những tác giả không phải Do Thái, mà đồng thời lại biết vượt lên trên phạm vi Do Thái, đặt vấn đề vào một phạm vì quốc tế, điều mà các tác giả Do Thái trước kia chưa ai nghĩ tới

Nhưng khi tác phẩm mới xuất bản, nhiều người trong giới trí thức Tây Âu đã cho là ông điên. Một mình đứng lên hô hào thành lập một quốc gia khi mà giang san đã vào tay người khác non hai ngàn năm rồi, khi mà đồng bào đã phiêu bạt khắp thế giới, mất cả ngôn ngữ! Mà tại sao lại xui người Do Thái ở Đức, Pháp, Anh… về Palestine về cái thẻo đất cháy khô đó để làm gì. Bỏ tất cả các ngân hàng, các hãng, xưởng, bỏ công trình nghiên cứu, công ăn việc làm ở châu Âu này à? Rồi con cải đương học ở Đại học, Trung học, về bên đó làm gì có trường. Khí hậu bên đó nóng như thiêu, chịu sao nổi? Đương sống yên ổn được mấy chục đời nay, vụ Dreyfus là một vụ nhỏ, nên dìm nó đi, quên nó đi chứ sao lại đổ thêm dầu vô lửa, khêu gợi lại vấn đề kỳ thị chủng tộc. Người ta mỉa mai ông là ôm cái mộng xây dựng một quốc gia để làm một quốc vương, làm ngài Ngự, và khi ông vô rạp hát thì người ta chỉ trỏ nhau: “Kìa, ngài Ngự đã tới!”. Chính chủ nhiệm tờ “Neue Freie Presse” cũng chê là ông gàn, cấm ông không được bàn tới vấn đề Do Thái trên tờ báo.

Nhưng cuốn sách của ông đã gây được ảnh hưởng khá lớn trong giới Do Thái lao động ở Nga và vì họ sống điêu đứng, vẫn còn bị kỳ thị, bị ức hiếp, vẫn hướng về Jérusalem. Thấy vậy ông sung sướng, hăng hái hoạt động, không ngại phá sản, không ngại kiệt sức, bỏ công ăn việc lảm, mà tận tuỵ phục vụ dân tộc Do Thái.

Ông hoạt động trên hai mặt:
- về nội bộ, ông tổ chức phong trào Sion, đào tạo cán bộ, cung cấp phương tiện vật chất và tinh thần, vạch chương trình hoạt động rồi điều khiển, theo dõi;
- đồng thời về ngoại giao ông bôn tẩu khắp các xứ, ráng thuyết phục các vị vua chúa, các vị tổng thống, các người có thế lực để họ giúp ông lập lại quốc gia Do Thái ở Palestine. Ông muốn rằng dân tộc Do Thái tự tạo lấy vận mạng cho mình, nhưng các dân tộc khác cũng phải tiếp tay với họ.

Năm 1897, ở Bâle, ông họp nghị Sion đầu tiên, vẻ uy nghi, râu rậm, trán cao, nét mặt như một quốc vương Syrie. Có kẻ la: “Vạn tuế ngài Ngự”, ông bất chấp lời mỉa mai đó. Trong nhật ký ông chép:
“Ở Bâle tôi đã thành lập quốc gia Do Thái, nhưng không tuyên bố, nếu tuyên bố ra thì chắc mọi người sẽ cười rộ. Nhưng có lẽ trong năm năm nữa, chắc chắn là trong năm chục năm nữa, mọi người sẽ thừa nhận quốc gia đó”.

Thực là một lời tiên tri đúng lạ lùng. Đúng năm mươi năm sau, năm 1947, Hội Vạn Quốc (tức Liên hiệp quốc ngày nay) quyết định tạo một quốc gia Do Thái ở Palestine và năm sau 1948, quốc gia Israel được hết thảy các quốc gia Âu, Mỹ thừa nhận.

Ông hoạt động không tiếc sức. Đâu đâu cũng có mặt ông, lại Paris thuyết phục nhà xã hội học Max Nordau, qua London thuyết phục văn hào Do Thái Zangwill; lại Istambul bệ kiến vua Thổ Nhĩ Kỳ Abd Ul-Hamid II để xin ban bố một hiến chương cho Palestine (Palestine thời đó còn là thuộc địa của Thổ Nhĩ Kỳ); ông tới Rome yết kiến Giáo hoàng, và vua Victor Emmanuel III; rồi gặp Đức Hoàng, Nga Hoàng, Joseph Chamberlain.

Ông sáng lập tuần báo “Die Welt”, sáng lập ngân hàng Do Thái “Jewish Colonial Trust”, sáng lập Quĩ quốc gia Do Thái “Keren Kayemeth Leisrael) để mua đất ở Israel, và mỗi năm đèu tổ chức một hội nghị Sion.

Người Anh thực tình muốn giúp ông, sẵn lòng tặng ông xứ Ouganda ở trung bộ Châu Phi để thành lập quốc gia, nhưng các người Do Thái ở Nga đặc biệt là một thanh niên đầy nhiệt huyết, Chaim Weizmann, sau này thành vị tổng thống đầu tiên của Quốc gia Israel - nhất định không chịu, đòi về Israel cho được. Ouganda ở đâu? Nó là cái thứ ma quỉ gì? Trong thành kinh không thấy có tên đó! Ông đành nhượng bộ, hứa không khi nào quên Jérusalem, sở dĩ nghĩ tới Ouganda là muốn tạm thời giảm nỗi khổ của người Do Thái đương chịu cái nạn pogrom tại Kichinev.

Anh còn để nghị một miền ở Ba Tây, rồi đảo Chypre ở Địa Trung Hải, họ vẫn một mực lắc đầu. Không, Chúa đã hứa cho tổ tiên chúng tôi xứ Israel thì chúng tôi sẽ về Israel.

Herzl mừng thầm: phong trào ông gây nên bây giờ đây mạnh, sẽ không có sức gì ngăn cản được nó nữa. Mỗi năm, ông trình bảy tất cả các hoạt động của ông cùng những bước tiến của phong trào Sion cho các đồng chi ở hội nghị Sion.

Ngày 2 tháng 5 năm 1901, ông viết trong nhật ký:
Hôm nay tôi đúng bốn mươi mốt tuổi. Tôi đã gây phong trào gần được sáu năm rồi. Nó lảm cho tôi già đi, kiệt sức, nghèo đi.” “Một ngày kia khi quốc gia Do Thái thành lập, người ta sẽ thấy cái gì cũng có vẻ giản dị, tự nhiên. Nhưng một sử gia có công tâm có lẽ sẽ nhận rằng thật lạ lùn…, sao mà một ký giả Do Thái tầm thường có thể biến đổi một miếng giẻ rách thành một lá cờ và một đám người sa đoạ thành một quốc gia được”.

Vì lao tâm khổ tứ, ngày đêm chiến đấu với các chính quyền, thư từ liên lạc với đồng bào ở khắp thế giới, Herzl kiệt lực tắt nghỉ năm 1904, sau một cơn đau tim, hồi mới bốn mươi bốn tuổi.

Ngày 3 tháng 7 năm đó, ở Vienne, mấy ngàn người đi sau xe tang của ông.

“… Ngày tháng bảy đó, ai đã thấy cũng không sao quên được. Vì bỗng nhiên từ mọi nhà ga, do tất cả các chuyến xe lửa đêm cũng như ngày, những người ở mọi xứ, mọi quốc gia ùa cả tới: Do Thái phương Tây và phương Đông, Thổ, Nga; từ mọi thị trấn nhỏ họ thình lình đỗ tới như một cơn giông và trên nét mặt người nào cũng có cái vẻ hoảng sợ vì tin đó; không bao giờ người ta cảm thấy một cách rõ rệt hơn rằng (…) đây là đám đưa ma của vị lãnh tụ một đại phong trào. Đám tang dài bất tận. Cả thành phố Vienne bỗng nhận thấy rằng không phải chỉ là đám tang một văn sĩ, thi sĩ tầm thường, mà đám tang của một trong những nhả phát minh tư tưởng mà lâu lắm mới thấy rực rỡ xuất hiện trong một quốc gia, một dân tộc. Ở nghĩa địa, thật là huyên náo. Biết bao nhiêu người chen lấn nhau cố tới gần quan tài, khóc lóc, la hét, vang dội lên như thất vọng điên cuồng. (…) và lần đầu tiên trước nỗi đau khổ vô tả bột phát từ thâm tâm cả một dân tộc gồm mấy triệu người đó, tôi cảm thấy rằng sức mạnh tư tưởng của một người lẻ loi đã gây biết bao nhiệt tâm, biết bao hy vọng trên khắp thế giới” (Stefan Zweig - Thế giới hôm qua).

Khi hài cốt của ông cải táng về một ngọn đồi ở cửa thảnh Jérusalem (ngọn đồi đó mang tên ông: núi Herzl) thì không phải chỉ có mấy ngàn người như ở Vienne mà là mấy trăm ngàn người đi theo quan tài.

No comments:

Post a Comment