Thursday, December 28, 2017

Cuộc cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam (phần 6)

Diễn biến cụ thể một vụ xử án địa chủ

Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện

Kỳ này, xin gửi đến quý vị lời kể của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, từng tận mắt chứng kiến một phiên xử của toà án nhân dân tại ngoại thành Hà Nội.




Ông Nguyễn Chí Thiện: Hồi làm cải cách ruộng đất ở Thái Hòa ấp, ở đấy có một ông địa chủ, tôi còn nhớ tên là ông Bảy Dần. Ông ta là một người cũng có ruộng đất nhưng không phải giàu lắm đâu anh ạ. Ông ta chỉ có vài chục mẫu ruộng thôi và ông ta còn lại là một ông đồ dạy học nữa.

Chính tôi có đi xem buổi đấu tố cuối cùng đó, nó tổ chức đông người đi lắm, Hà Nội kéo nhau đi rất đông. Tôi đến nơi, lúc bấy giờ tôi cũng len lên được hàng đầu để mà xem. Ông Bảy Dần cũng mặc áo the, cũng ăn mặc tử tế lắm, đội khăn hẳn hoi. Ông ta thế là bị trói vào cột - bị trói vào cột.

Nguyễn An: Tức là đem ra trước tòa án nhân dân phải không ạ?

Ông Nguyễn Chí Thiện: Gọi là tòa án nhân dân. Trước hết ông ta bị trói vào cột và đàng sau cột độ mươi thước thôi thì có một cái hố đào sẵn. Người ta nói là đào cả hàng tuần trước rồi. Buổi đấu tố hôm đó nó diễn ra cả ngày, từ sáng đến tận khoảng 5, 6 giờ chiều mới kết thúc.

Nguyễn An: Xử thì cứ xử thôi nhưng kết quả thì đã biết trước rồi phải không ạ?

Ông Nguyễn Chí Thiện: Phải biết trước, chứ còn làm sao mà sống nổi. Lên đấu tố thì đủ các người lên đấu tố. Sự thật họ đấu tố, tôi phải vô tư mà nói, phải nói thật anh ạ, thì đa phần là phụ nữ. Họ lên đấu tố khiếp lắm, chớ không phải bị cưỡng bức, nghĩa là họ hăng say họ đấu tố.

Trong số hàng mấy chục người lên đấu tố thì cũng có vài ba người là miễn cưỡng. Những người miễn cưỡng thì mình biết ngay, chớ còn những người hăng hái đấu tố, chỉ chỏ vào mặt, cứ lồng lên như những con hổ cái thì nhiều.

Nguyễn An: Theo ông nhận xét thì tự họ làm chứ không phải họ bị ép buộc hay là gì cả?

Ông Nguyễn Chí Thiện: Họ bị kích động nhiều, bị kích động hơn là bị ép buộc anh ạ. Nhưng số người mà sau này họ hăng say lao theo thì đông, chứ còn số người miễn cưỡng lên thì ít thôi.

Nhưng phải nhớ một điều là từ đầu đã có một sự cưỡng bức rồi. Những người hăng say thì không phải là tự họ họ lên đâu, mà họ không lên cũng không được. Qua quá trình kể khổ rồi khơi sâu lòng hận thù thì nhiều người trở thành hận thù thật. Họ lên họ làm việc đó.

Chỉ riêng trong gia đình thôi thì là một sự miễn cưỡng rõ rệt anh ạ. Thí dụ như con dâu mà lên tố bố chẳng hạn, tố là ông ấy hiếp mình thế nọ thế kia thì ăn nói nó có vẻ gượng gạo, không có tinh thần hăng say như những người khác.

Có một điều đặc biệt là, ông ta đã ngoài 60 rồi, mà ông ta vẫn cứ phải xưng cháu hoặc xưng con với bất cứ một người nào lên đấu tố, dù người lên đấu tố chỉ đáng tuổi con ông thôi. Thâm chí tôi còn nhớ một cô con gái lên tố ông ta thì ông ta cũng phải xưng con với người con gái đó - con gái mình đẻ ra đấy ạ.

Bây giờ nói đến tòa án nhân dân mà ngồi xử thì toàn là nông dân thôi, toàn là nông dân họ sắp xếp lên ngồi thôi. Chị làm "chánh án", tôi còn nhớ chị ấy còn mù chữ nữa anh ạ, không biết viết a,b,c thế mà lại lên làm chánh án.

Sau một ngày đấu tố nhục nhã như thế rồi thì họ bắt đầu họ tuyên án. Họ tuyên án với tất cả những tội ác mà địa chủ đã phạm phải, mà toàn bộ là bịa đặt thôi. Người ta tuyên án ông ấy tử hình.

Đặc biệt là trong quá trình đấu tố thì ông địa chủ này không có quyền cãi mà chỉ có quyền bất cứ ai đấu tố thế nào đều chỉ có quyền "nhận tội" - nhận tội lỗi của mình chớ không hề có một lời cãi nào được phép cả.

Nguyễn An: Tức là ai nói gì thì nói, phản ứng duy nhất mà ông được phép là cứ nhận thôi?

Ông Nguyễn Chí Thiện: Và phải nhận ngay lập tức. Họ đã diễn tập nhiều lần rồi anh ạ. Đấy không phải là lần đầu tiên mang ra, trước khi mang ra làm thật như vậy thì đã có những cuộc diễn tập trước đó anh ạ. Diễn tập trong một số nhỏ người để cho ông này phải quen lối phục tùng như thế.

Buổi hôm đó, tôi còn nhớ là sau khi đấu tố xong thì lập tức có 6 anh du kích. 6 anh du kích này đứng cách khoảng độ 2 mét... thế là bắn chết ông ta ngay. Sau khi bắn chết xong thì chặt dây thừng - không phải là cởi nữa mà là chặt dây thừng, lấy con dao chặt dây thừng ra và lôi ông ta ra chỗ cái hố đó. Xin nhớ một điều, không có áo quan anh nhá. Thế là họ vất tụt xuống hố đó là lấp đất ngay lập tức thôi.

Lấp đất xong thì đất ấy cũng không được đấp thành mộ mà đấp bằng như bình thường thôi chớ không đấp gồ lên như một khối u như là một mộ phần anh ạ. Đấy là điều mà tôi chứng kiến tận mắt.

Nhưng tôi muốn nói thêm, chính vì chứng kiến đó cho nên sau này tôi vào tù, tôi nằm nghĩ lại. Để bàn về cải cách ruộng đất thì tôi chỉ làm một bài thơ thôi - đây chính là vụ Bảy Dần:

Được nghe bà kể khổ Con thấy đời con thực là đáng chết Con đã đi bóc lột để nuôi bà Con bây giờ không dám nhận là cha Dù bà là do con đẻ ra Con - thành phần địa chủ thối tha Trước nhân dân, trước đảng, trước bà Xin thành khẩn cúi đầu chịu tội Đó là lời của cụ đồ ở ngoại thành Hà Nội Giữa đấu trường giăng giối với con.

Tôi làm bài như vậy. Khi tôi đọc bài này cho anh Nguyễn Huy Thiệp nghe ở quán cơm của anh hồi tôi ra tù năm 91-92 thì anh có nói một câu thế này: thôi, ông làm một bài thơ về cải cách ruộng đất như thế cũng đủ rồi.

Nhưng tôi nghĩ là nó không đủ đâu anh ạ. Nó còn rất nhiều chuyện mà chúng ta phải bàn đến.

Quý thính giả vừa nghe nhà thơ Nguyễn Chí Thiện tường thuật lại một phiên xử của toà án nhân dân mà bị cáo là một địa chủ trong cuộc cải cách ruộng đất. Kỳ tới, chúng tôi sẽ gửi đến quý thính giả lời kể của ông Trần Anh Kim, có ông nội, bác và bố đều là nạn nhân trực tiếp của cuộc cải cách ruộng đất. Mong quý thính giả đón nghe.

Bạn nghĩ gì về cuộc cải cách ruộng đất tại Việt Nam và những hậu quả của chính sách này? Xin email về Vietweb@rfa.org

Nguồn: RFA / Nguyễn An


No comments:

Post a Comment