Audio
Vào năm 1946, khi lần đầu tiên ca bản nhạc nổi tiếng « Petit Papa Noel », ca sĩ Tino Rossi hứa với các em nhỏ nhiều món đồ chơi đẹp (« beaux joujoux ») và hàng triệu món quà cho các gia đình. Ở thời kỳ hậu chiến đầy khó khăn, người ca sĩ ấy có lẽ đã không ngờ rằng có một ngày lời hứa đó sẽ được thực hiện trên cả mọi sự mong đợi.
Bởi vì, ngày nay, gần đến ngày lễ truyền thống, cơn sốt mua sắm tăng vọt khiến các chuyên gia nghiên cứu về tiêu thụ đôi khi cảm thấy phải chóng mặt. Bất chấp cuộc sống kinh tế khó khăn hơn những năm trước, thất nghiệp tăng cao, kinh tế trì trệ và nhất là cuộc khủng bố đánh vào Paris cách đây hơn một tháng, người dân Pháp vẫn dành ra một khoản ngân sách 350 euro để mua quà Noel cho năm 2015.
« Trao quà Giáng sinh » : một « sáng kiến » của giới tư sản thế kỷ XIX
Theo giải thích của nhà nghiên cứu nhân chủng - xã hội học, bà Martyne Perrot: « Cùng với bữa tiệc, trao đổi quà tặng đã trở thành một thời khắc quan trọng nhất trong tập tục lễ Giáng sinh. Nhưng trong quá khứ thì không có như vậy: quà Noel là một sáng kiến chỉ mới có từ thế kỷ XIX ».
Ngày lễ truyền thống Noel, được tổ chức hàng năm vào ngày 25/12, đã có từ xa xưa, từ thời Constantinus Đại đế thế kỷ I, mừng Chúa giáng sinh. Đấy cũng là thời điểm trong năm con người mừng sắp hết mùa đông, sự hồi sinh của thiên nhiên và sự trở về của ánh sáng. Những mùa lễ Noel quay cuồng của thời Trung Cổ chẳng có gì giống với những buổi dạ tiệc trang trọng thời Victoria, với thức uống và các màn vũ hội như mô tả của Charles Dickens. Vào thời ấy, người ta ăn uống và nhảy múa thâu đêm suốt sáng, những trò vui lễ hội mừng ngày đông chí có từ thời La Mã.
Vào thời kỳ Trung Cổ, quà Noel không hẳn là vắng bóng hoàn toàn. Bởi vì, ngay trong tháng 12 đó, con người vừa mừng lễ Giáng sinh vừa mừng kết thúc những ngày tối nhất trong năm. Họ trao nhau những hạt quả phỉ, các loại bánh và bánh mật. « Đây cũng là thời điểm sung túc nhất ngay giữa mùa đông » theo như nhận xét của nhà nghiên cứu Martyne Perrot.
Một bản thảo chép tay của nhà tế bần tại Strasbourg năm 1412 còn ghi rất rõ là: « Trong ngày lễ Noel, nên tặng cho mỗi người bị bệnh cùi một hay hai lát bánh mật lớn ». Còn theo mô tả của nhà nghiên cứu nhân chủng học Claude Lévi-Strauss :
« Vào thời Trung Cổ, không có chuyện trẻ em kiên nhẫn ngồi đợi đồ chơi rớt xuống từ ống khói. Mà trẻ nhỏ thường hóa trang và đi thành từng nhóm, đến gõ cửa từng nhà, hát một bài và có những lời chúc, đổi lại các em sẽ được nhận bánh hay trái cây ».
Theo Le Monde, phải đợi mãi đến tận thế kỷ XIX, người ta mới có được một « phát minh » thật sự về ngày lễ gia đình này, có ông già Noel, cây thông và những món quà được gói bằng những tờ giấy hoa có đính dải nơ. Bà Martyne Perrot, trong tác phẩm nghiên cứu « Dân tộc học về ngày lễ Noel, một ngày lễ nghịch lý » có kể như sau :
« Chính nhờ ở tại nước Anh, thời nữ hoàng Victoria, rồi đến Hoa Kỳ, thời Tổng thống Roosevelt, mà chúng ta có hình thức mừng lễ Noel cùng gia đình như ngày nay. Giới tư sản, rất tôn sùng các giá trị gia đình, đồng thời cũng bị thành công kinh tế và xã hội của họ lôi cuốn đã dùng đến hình thức lễ mới này để tôn vinh và tượng trưng những giá trị mới của họ. Giới tư sản đem đến cho ngày lễ này một vị trí đặc biệt trong chuỗi lễ hội hằng năm mà cho đến thời điểm ấy vẫn chưa được biết đến ».
Làm phước, yêu thương, độ lượng và chia sẻ cũng là những gì nhà văn người Anh Charles Dickens trong câu truyện cổ tích về Noel mang tên là Christmas Carol (tạm dịch là Ca khúc mùa Giáng sinh ) đã ca ngợi về một lễ Noel thắm đượm luân lý Kitô giáo và cũng từ đó người ta bắt đầu thực hiện cử chỉ trao đổi quà cho nhau.
Trao quà cũng phải có quy tắc
Đây cũng là thời khắc mạnh mẽ nhất trong dịp lễ Noel cùng gia đình. Nhưng Le Monde lưu ý là trao quà cũng phải đúng cách. Tập tục trao quà cũng có những quy tắc riêng của nó. Mà bằng chứng là cuốn cẩm nang cách sống của nữ nam tước Staff xuất bản vào năm 1891. Với tựa đề « Những tập tục của thế giới », tập sách đã trình bày kỹ những quy tắc lề lối của tập tục trao đổi quà.
Theo đó, khi tặng quà cho người nghèo, nên tặng « một món đồ hữu ích giúp họ tiết kiệm chi tiêu », cho người giàu là những món « vô ích hay, chí ít, một thứ gì đó mà họ có thể bỏ qua ». Chính vì thế mà, trong những năm 1860, các thương xá lớn như Le Bon Marché, BHV (Bazar de l’Hotel de Ville) hay như Printemps đã nắm bắt được trào lưu đó, đề xuất hàng núi quà cho những ông hoàng « nhí » mới của dịp lễ. Và cũng từ đó mà dần xuất hiện những tủ kính trang trí Noel đầu tiên, vào đầu thế kỷ XX.
Sở thích sắm quà vì vậy cũng đã lan rộng ra trong giai đoạn giữa hai cuộc đại chiến thế giới, và sau ngày giải phóng. Rồi sự xuất hiện của nhân vật Santa Claus đến từ Hoa Kỳ, sự đăng quang của của xã hội tiêu thụ, quà Noel trong suốt « 30 năm vàng son » đã ngự trị trong lòng lễ Noel truyền thống.
Cứ đến gần ngày 25/12, các món quà tràn ngập các gian hàng siêu thị, các trang báo dành cho nữ giới và trong tâm trí của bao đứa trẻ. Trong những năm 1950, tuần san Elle lần đầu tiên có đề cập đến « cơn thủy triều mua sắm Noel dâng cao mỗi ngày ». Ở cùng thời điểm đó, Robert Doisneau và Willy Ronis đã chụp được những đứa trẻ khuôn mặt sáng ngời trước những tủ kính trang trí Noel tại các thương xá lớn lúc bấy giờ.
Vì sao phải trao quà?
Nhìn về góc độ nhân chủng - xã hội học, các nhà nghiên cứu đều có chung nhận định cho rằng « trao đổi quà là một hiện tượng hoàn toàn mang tính xã hội », mà ở đó các yếu tố tôn giáo, luân lý, mầu nhiệm và xã hội hòa lẫn vào nhau. Cho để rồi được người khác cho lại đã tạo ra một mối liên hệ giữa người với người bền chặt.
Đối với nhà nhân chủng-xã hội học, Martyne Perrot, khi thực hiện hành vi trao đổi quà là ta thực hiện một « công việc thêu dệt và duy trì các mối liên hệ gia đình cực kỳ to lớn ». Bà giải thích:
« Lễ Giáng sinh Noel là một ngày lễ hồi phục lại các mối liên hệ: hằng năm, mỗi người ở vị trí của mình và món quà sẽ tượng trưng cho vị trí đó. Ông bà là người cho quà đầu tiên và trẻ nhỏ được ví như là những thiên thần bé nhỏ. Tập tục về sự qua lại này cho phép chúng ta gắn kết mối liên hệ gia đình.
Những món quà đó tái xác nhận giá trị mối liên kết đó kết hợp chúng ta với những người thân. Cùng với thời gian, mỗi người chúng ta sẽ phải luân chuyển từ vị trí này sang vị trí khác, xoay vòng thực hiện, ban đầu là từ vị trí trẻ con, rồi là cha mẹ, sau đến ông bà ».
Với những tập quán bất di bất dịch đó và lịch trình được áp đặt, Noel trên thực tế giống như là một sân khấu kịch trong con mắt các nhà nghiên cứu nhân chủng học. Một sân khấu ở đó hằng năm đều dàn cảnh các mối liên kết gia đình, như lời giải thích của bà Anne Monjaret, chuyên nghiên cứu về sắc tộc học tại Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia CNRS.
Nguồn: RFI / Minh Anh
No comments:
Post a Comment