(21-6-1916) Người lính Viễn Đông trên chiến trường Salonik (Hy Lạp): Đơn vị lính thuỷ đánh bộ này mới từ Nam Bộ đổ bộ tới.
TỪ VIỄN ĐÔNG ĐẾN CHIẾN TRƯỜNG ÂU CHÂU: MỘT TIỂU ĐOÀN LÍNH ANNAM; VÀ MỘT ĐƠN VỊ HỒNG THẬP TỰ.
Vào những lúc bình thường, binh sĩ trong hình trên là lính bộ binh của một trung đoàn Annam thuộc trại quân Nam Kỳ. Họ đã có mặt tại Âu châu hồi gần đây, tham gia cùng các binh đoàn thuộc địa khác đến từ vùng Bắc Phi và các nơi khác của Pháp, chiến đấu cho lá cờ tam sắc. Tiểu đoàn trong ảnh đã gia nhập quân Đồng minh tại một trại nào đó. Những binh sĩ Annam khác, như báo chí đưa tin, đã duyệt binh qua Paris, “được trang bị hoàn hảo và lập thành các đại đội chính quy.” Chiếc nón mà những người lính đang đội được làm bằng thanh tre, phủ bên trên bằng vải kaki xám. Hình dưới cho thấy một đơn vị tải thương Hồng Thập Tự của lính Annam.
NHỮNG NGƯỚI LÍNH THUỘC ĐƠN VỊ ANNAM: QUÂN TRANG PHỤC VỤ TẠI QUÊ NHÀ (trái); TRANG BỊ NGOÀI MẶT TRẬN (phải).
Trong ảnh là hai người lính Annam của đơn vị thuộc địa Pháp đến từ Viễn Đông hiện đang phục vụ tại châu Âu. Bên trái là một binh nhất trong quân phục mặc tại Đông Dương, nơi binh đoàn được tuyển mộ. Anh ta đội chiếc nón có dạng như cái chóa đèn mà những người dân bản xứ ở Viễn Đông thường đội. Nón được làm bằng rơm hay nan tre, và đối với loại dành cho binh sĩ nó được phủ lên trên một lớp vải màu xám. Chiếc quạt là món đồ phụ không thể thiếu trong cuộc sống của người dân vùng Viễn Đông. Khi đến Pháp những người Annam đội nón và mang theo quạt, nhưng cả hai thứ đều bị vứt bỏ, quạt thì bị bỏ đi hoàn toàn. Cả hai thứ sẽ chẳng được dùng lại cho tới khi những người lính Annam lên tàu trở về nước khi chiến tranh kết thúc. Trong hình bên phải là một người lính đội chiếc mũ mới, một chiếc mũ bêrê kiểu của lính biệt kích.
Bức ảnh trên cho thấy một trung đoàn bộ binh Nga hoành tráng diễu hành trên đường phố trong cuộc duyệt binh lớn của quân đội đồng minh tại Paris vào ngày 14 tháng 7. Họ diễu binh với hàng ngang mười sáu người, hát vang khúc quân hành. Các sĩ quan của họ tuốt gươm vẫy chào khi binh sĩ ngang qua. Đáp lời chúc mừng của Sa hoàng, Tổng thống Pháp Poincare đã cám ơn Sa hoàng cho phép quân đội Nga tuyệt vời đến Pháp để tham gia buổi lễ. Binh sĩ Nga nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ các đám đông. Trong bức ảnh dưới là đội ngũ binh sĩ Annam đến từ Nam Bộ, họ mặc quân phục kaki đội mũ bêrê.
Ở đất nước của mình những người lính An Nam đội những chiếc nón được làm bằng rơm hay nan tre được lợp lên trên một lớp vải màu xám. Có hình dạng tương tự như cái chụp bong đèn điện. Những người lính cầm theo những chiếc quạt trong thời tiết nóng bức như trong bức ảnh đã đăng trước đây. Họ đội những chiếc nón này khi đến Pháp, hành quân đến trại huấn luyện ở Saint Raphael như trong hình minh họa bên trên. Sau này họ được cung cấp loại mũ bere kiểu của lính biệt kích. Những chiếc quạt chẳng bao giờ còn dùng đến khi họ đặt chân đến châu Âu. Hình ảnh này gợi nhớ đến đơn vị lính An Nam tham gia diễu binh trong lực lượng quân đội đồng minh ở Paris vào ngày 14 tháng 7.
Hình phía trên chụp tại trại Gallieni, St. Raphael, nơi binh lính Annam đến từ Đông Dương đang đóng quân, cho thấy một vài người trong số họ đang làm việc ở đó, có vẻ như đang chăm lo cho một cái bếp dã chiến. Ở hình dưới người ta có thể thấy những người lính được cung cấp các thiết bị vận tải hiện đại dưới dạng những xe vận tải có động cơ để bốc dỡ các thùng tiếp liệu hay đạn dược. Annam trở thành một xứ bảo hộ của Pháp vào năm 1884, và binh sĩ Pháp đã chiếm một phần của thành Huế, kinh đô của Annam. Việc nội trị của xứ này được điều hành bởi các quan chức người bản xứ dưới sự kiểm soát của Chính quyền Pháp. Nước Pháp duy trì một lực lượng người Âu tại Đông Dương và cả những binh sĩ người bản xứ do các sĩ quan Pháp chỉ huy.
Như đã được nói đến ở trang trước, binh lính thuộc địa Pháp từ xứ Annam, thuộc Đông Dương, sau khi đến Pháp, đã vứt bỏ chiếc nón bản xứ trông như cái “chóa đèn” và nhận những chiếc mũ mới kiểu mũ bêrê của lính biệt kích. Trong các hình trên một số lính Annam đội những chiếc mũ này, và các hình này xem thật thú vị vì nó cho thấy tầm vóc thể trạng của những người lính và cách thức sắp xếp khu trại của họ về mặt nấu nướng và các bữa ăn. Có thể nhận thấy họ sử dụng muỗng nĩa của người Âu. Gương mặt họ tạo một ấn tượng vui vẻ và khuôn phép. Cũng như trường hợp của hai trang trước, các bức ảnh này được chụp tại trại Gallieni, St. Raphael.
Tất cả các xứ thuộc địa hải ngoại của Pháp đều cung ứng những đơn vị để phục vụ tại Âu châu. Những người Annam từ vùng Viễn Đông, các tiểu đoàn của họ phục vụ tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ, được thấy trong những bức ảnh này. Trong ảnh phía trên, lính bộ binh đang được kiểm tra sau khi những chiếc nón bản xứ bằng tre được thay bằng các mũ sắt. Trong hình dưới, một sĩ quan đang kiểm tra độ vừa vặn của chiếc mũ... Lính Algery, Maroc và Sudan (như chúng tôi đã minh hoạ trước đây) đang có mặt trên các chiến tuyến của Pháp. Mới đây ông M P Wedgwood, trở về sau khi tham sát quân đội của chúng ta chiến đấu ở Đông Phi, đã đưa ra đề xuất tại Nghị viện rằng chúng ta nên tự do sử dụng cuộc chạy đua ở các vùng thuộc địa châu Phi của Anh, đặc biệt là Zulus và Barutos.
Những người lính Annam phục vụ tại Pháp đương nhiên được quyền lễ bái như lúc họ còn ở quê nhà. Người ta không nêu rõ những người lính trong hình này là thuộc tín ngưỡng nào. Đa số người Annam là tín đồ Phật giáo, mặc dù cũng có một số theo Khổng giáo. Ky tô giáo cũng được truyền bá đáng kể vào đất nước này, thông qua nỗ lực của các nhà truyền giáo. Trong một bài viết về Annam trong tự điển “Bách khoa cho mọi người,” có nêu: “Tôn giáo chính là Phật giáo, được vay mượn cũng như tất cả phần còn lại của nền văn hóa từ Trung Hoa. Có khỏang 420.000 người Công giáo. Người ta dành sự tôn kính cao nhất cho những người đã khuất, việc thờ cúng tổ tiên là rất thịnh hành.
Bức ảnh phía trên cho thấy trang bị gọn gàng và kỹ lưỡng của các binh lính Annam, những người được đưa từ Viễn Đông qua chiến đấu cho nước Pháp trên đất Pháp. Bức ảnh cho thấy họ đã được cung cấp mũ sắt của Pháp, và cả áo khoác không thấm nước. Trong bức ảnh dưới, một số lính đang dùng bữa, rõ ràng là họ đang ngon miệng. Cũng giống như các binh sĩ bản xứ của chúng ta [nước Anh] tại Ấn Độ và Phi Châu, những người lính Annam được chỉ huy bởi các sĩ quan người Âu. Họ là người thuộc chủng tộc Mông Cổ, dù có chút khác biệt với người Trung Hoa. Thực phẩm chính của họ là gạo, với lượng nhập khẩu từ Trung Hoa và Nam Kỳ. Nước này đã trở thành một xứ bảo hộ của Pháp vào năn 1884.
Ngoài lúc bị gọi đi chiến đấu, những người lính Annam trong quân đội thuộc địa Pháp làm công tác Hồng Thập Tự trên chiến trường Macedonia như những nhân viên cứu thương và khiêng cáng. Tính khí của họ làm cho họ trở thành những con người điềm tĩnh không biết sợ trước súng đạn và, giống như hầu hết người Phương Đông họ rất dịu dàng và ân cần bên giường bệnh. Trong hình minh họa trên, những người lính Annam, trong thời gian chiến đấu gần đây ở Doiran, khênh người lính Pháp bị thương trên cáng đến một bệnh viện dã chiến. Một nhân viên y tế người Pháp chỉ đạo. Trong hình minh họa dưới là một bác sĩ phẫu thuật và một người hộ lý (đội mũ bảo hiểm) được trợ giúp bới các nhân viên cứu thương người Annam.
Ở bức hình trên ta nhìn lướt qua bên trong một trại lính Annam ở Pháp. Nó cho thấy loại lán dã chiến được che phủ bằng bạt làm chỗ ở cho lính. Trông rất giống với xóm cư ngụ ở quê nhà của họ. Mỗi nhóm tự nấu ăn cho mình gần khu lều nơi họ đóng quân, các đống củi nhỏ ở lối vào cho thấy điều này. Những người lính Annam đã thay chiếc mũ hình choá đèn quen thuộc đội khi đến nước Pháp bằng loại mũ bêre. Khi chiến đấu họ đội mũ sát chống đạn. Bức hình bên duới là đại tá Zimman, chỉ huy đội kỵ binh Algery, đang trao huy chương chiến đấu cho những người lính trong phân đội của ông tại một cuộc diễu binh trọng thể.
Như chúng ta đã để ý ở những số trước của tạp chí Tin ảnh chiến tranh, Pháp đang thực hiện tốt việc sử dụng nguồn dân số nam giới ở các nước bản xứ thông qua việc tuyển mộ họ làm các công việc phục vụ chiến tranh ở châu Âu. Tại một số nhà máy sản xuất đạn dược người Senegal cũng được sử dụng - đặc biệt là ở khu vực miền Nam nước Pháp. Lính thợ được nhập khẩu từ Bắc Bộ và Sài Gòn, và các vùng phía bắc Đông Dương, người dân nơi này thich nghi dễ hơn với khí hậu, họ làm việc trong các nhà máy sản xuất vũ khí đạn dược và các cơ sở quốc phòng. Hình minh họa trên cho thấy lính thợ tại xưởng sản xuất vũ khí ở Havre. Hai người đàn ông đang mặc áo blouse của công nhân Pháp, họ đeo băng tang: đối với họ màu trắng là màu tang. Những lính thợ khác đang làm việc trong phân xưởng đóng bao bì của nhà máy sản xuất vũ khí
Bức ảnh trên cho thấy một nhóm thợ từ quan đội Đông Dương bắt đầu hành trình bằng tầu hoả cùng với các công nhân quốc phòng Pháp từ nơi họ đóng quân ở Havre để đến làm việc ở các công xưởng của nhà máy chế tạo vũ khí. Tại các vùng thuộc địa rộng lớn của Pháp ở Viễn Đông những người thợ này đang kí làm việc với chính quyền theo nguyện vọng của họ, đáp lại việc kêu gọi tuyển mộ lao động quốc phòng được thông báo ở tất cả các vùng thuộc địa của Pháp. Xét về mọi mặt họ là những con người vui vẻ, điềm đạm, là những người thợ cẩn thận, học hỏi nhanh và sẵn sàng làm bất cứ điều gì được giao; họ có thể đứng làm nhiều giờ như thể đó là một quy định. Việc họ sãn sang chấp nhận hoàn cảnh là một trong những điều làm cho chính quyến rất hài lòng
Hiện nay câu hỏi về việc sử dụng nguồn nhân lực thuộc địa rộng lớn của chúng ta [nước Anh] ở châu Phi và các nơi khác đang được thảo luận nhiều, có lẽ sẽ lý thú khi tham khảo những ví dụ của người Pháp. Bức ảnh trên cho thấy một cảnh điển hình ở Salonika, nơi quân đội của các nước sát cánh bên nhau. Giữa một đám đông những người lính Pháp là một người Annam đánh xe bò kéo. Còn trong bức ảnh dưới là quân đội Senegal ở chiến trường Somme đang ăn tối tại một nhà bếp dã chiến. Viết về đồng đội của mình ở Verden trước ngày đại thắng của Pháp ông Ashamed Bartlett cho biết: "Tôi thấy những người Phi da đen cười toe toét hài lòng khi nhai bánh mì trắng của họ ... Những người Senegan này khi tấn công rất tuyệt vời tại tấn công”
Giống phần đông người dân Viễn Đông, những người lính Annam trong quân đội Pháp là những người thợ thủ công thành thạo công việc mộc, cưa cắt. Họ rất nhanh trong học tập, bắt chước những gì đặt ra trước mắt, họ là những người thợ cấn thận và đáng tin cậy, và thường rất ít khi gây rắc rối cho những người lính Pháp hay các viên chỉ huy người đồng hương. Ở bức ảnh phía trên là một nhóm binh lính Annam tại Pháp đang dựng khung gỗ khu trại kiểu nhà binh. Họ mặc đồng phục với chiếc mũ bêrê thay cho chiếc mũ sắt. Ảnh thứ hai là nhóm lính Annam đang vận chuyển các thanh ván.
Thời tiết mùa đông lạnh trên mặt trận phía Đông Bắc Pháp, như đã được do Bộ Tư lệnh tối cao của Pháp dự đoán, là một thử thách đối với các đơn vị lính thuộc địa phục vụ trên các tuyến đường sắt Verdun, những người bản địa đến từ những nước quanh năm nóng bức. Các đơn vị lính không thích nghi được với thời tiết được tạm thời miễn nhiệm phục vụ trong chiến hào. Họ đảm nhiệm công việc mở và sửa chữa đường ở các vùng hậu phương. Hình minh hoạ trên cho thấy những người lính Đông Dương được trang bị quần áo ấm khi làm công việc phá đá; bức thứ hai cho thấy rõ trang phục mùa đông cấp cho lính thuộc địa.
Ngay khi tình thế đòi hỏi phải duy trì nguồn cung cấp khổng lồ các loại đạn dược trở nên rõ ràng Pháp đã không mất thời gian trong việc nhắm tới nguồn dự trữ lao động da màu ở bên ngoài lãnh thổ của mình. Đông Dương, với các vùng thuộc địa là Bắc Bộ, Nam Bộ và Sài Gòn đáp ứng ngay nhu cầu nhân lực phục vụ chiến tranh, người lao động bản địa lập tức được chuyển qua. Việc nhập khẩu thợ Đông Dương là xác đáng. Những người thợ làm việc không biết mệt mỏi bên máy móc, nhiều người tỏ rõ năng khiếu của mình. Hình minh họa cho thấy một thợ Đông Dương đứng máy tiện trong một nhà máy sản xuất đạn dược ở miền Trung nước Pháp
Ở thời điểm hiện tại những người đàn ông thuộc những quốc tịch, sắc tộc khác nhau chiến đấu dưới lá cờ nước Anh nhiều hơn bất cứ mầu cờ nào khác. Xét về mặt này Pháp là nước đứng thứ hai. Châu Phi và Châu Á đóng góp cho quân đội Pháp những trung đoàn thuụoc nhiều mầu da và tín ngưỡng. Người Ả Rập Algeria và các bộ lạc Moorish từ các thung lũng Atlas, người Soudan từ vùng hồ Tehad và sa mạc Sahara, người da đen từ Senegal và Gambia, tát cả họ đang chiến đấu bên cạnh nhau dưới lá cờ tam sắc cùng những người đàn ông đến từ vùng Viễn Đông, hình ảnh một số người trong số đó có thể thấy ở hình minh hoạ trên, những người được gọi chung bằng cái tên An Nam. Họ thuộc về xứ Đông Dương thuộc Pháp, một đất nước nằm giữa Trung Hoa và Thái Lan, trong khu vực Malaya
Khi còn ở quê nhà họ sống dọc các bờ biển hoặc trong những làng mạc bên những dòng sông và con suối chảy dọc ngang xứ Bắc Kỳ và Trung Kỳ, các tiểu đoàn lính và các tiểu đội lính thợ Annam tại Pháp đang tỉ mỉ trong việc làm vệ sinh cá nhân. Hình ảnh các nhóm đông binh sĩ trong thời gian nghỉ tụ tập bên các con suối gần trại để tắm giặt đã tạo thành một nét đặc trưng trong những vùng xung quanh trại. Ngăn nắp và chăm chỉ, những người lính Annam tại Pháp, ngoài việc làm lính chiến đấu ngoài mặt trận và trong các chiến hào - họ đã qua “trận thử lửa” tại Verdun - còn được dùng làm thợ mộc trong trại, công nhân sản xuất đạn dược, và những người trồng rau - như chúng tôi đã có hình minh họa trước đây.
Xem tiếp => Người Lính Việt trong Đệ Nhất Thế Chiến (phần 2)
Nguồn:
http://www.archive.org/stream/nsillustratedwar01londuoft#page/n5/mode/2up
http://www.archive.org/stream/nsillustratedwar02londuoft#page/n7/mode/2up
http://www.archive.org/stream/nsillustratedwar03londuoft#page/n5/mode/2up
http://www.archive.org/stream/nsillustratedwar04londuoft#page/n5/mode/2up
http://www.archive.org/stream/nsillustratedwar05londuoft#page/n5/mode/2up
http://www.archive.org/stream/nsillustratedwar06londuoft#page/n7/mode/2up
http://www.archive.org/stream/nsillustratedwar07londuoft#page/n7/mode/2up
http://www.archive.org/stream/nsillustratedwar08londuoft#page/n5/mode/2up
No comments:
Post a Comment