Tuesday, December 26, 2017

Une Nuit – Một Đêm, giai điệu và sắc màu - Giáo sư Trịnh Xuân Thuận



Audio


Tại sao đêm thì trời lại tối ? Một câu hỏi đơn giản mà nhiều nhà khoa học đã bó tay, phải đợi đến thế kỷ 19, một nhà văn Mỹ mới tìm được giải đáp. Nếu còn đang tìm một món quà Giáng Sinh có giá trị, Une Nuit - Một Đêm của nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận, NXB L'Iconoclaste xứng đáng có được một chỗ dưới gốc cây thông xanh.

Tác giả đưa người đọc lên mãi hơn 4.200 mét trên đỉnh núi Mauna Kea ở tận Hawaii, nơi khi màn đêm kỳ diệu buông xuống, ta tưởng chừng « chỉ với tay là hái được cả những ngôi sao trên trời ». Sắc màu đa dạng của màn đêm, giai điệu huyền bí của vạn vật như cho phép con người đến gần hơn một chút với vũ trụ.

Bằng một ngôn ngữ đầy thi vị và rất gần gũi với văn hóa Việt Nam, giáo sư Trịnh Xuân Thuận trong Một Đêm thuật lại cái đêm mà ông có dịp quan sát ánh sáng sao trời, lắng nghe từng hơi thở của những thiên hà li ti... Tác phẩm mở ra trên đỉnh ngọn núi lửa linh thiêng của Hawaii với tên gọi « nơi ngự trị của thánh thần » - Mauna Kea. Nói như Guy de Maupassant trong La Nuit : « Tôi say đắm yêu màn đêm, như yêu đất nước hay người tình. Một thứ tình yêu bằng bản năng, sâu thẳm, bất diệt ...»

Nhận lời mời của Việt ngữ RFI, nhà vật lý thiên văn, giáo sư Trịnh Xuân Thuận trước hết giải thích vì sao ông lại dành hẳn một tác phẩm hơn 250 trang để viết về Đêm.

Từ ngọn núi thiêng Mauna Kea, tác giả đi một bước rất dài ngược trở về quá khứ 13,5 tỷ năm. Ông ngắm nhìn Mặt Trăng- « Con gái của Trái Đất », chiêm ngưỡng ánh sáng muôn màu của màn đêm, thưởng thức những giai điệu huyền bí của vũ trụ, đón nhận những ánh nắng ban mai của Mặt Trời, không là trung tâm trong ngân hà, mà chỉ đơn thuần là một trong những vì sao « đi quá nửa cuộc đời, để sẽ tắt hẳn trong chưa đầy 5 tỷ năm nữa » ...

Điều kỳ diệu là « những gì đang diễn ra trong đời sống của con người trên Trái Đất đã được định đoạt từ vũ trụ bao la. Hạnh phúc của con người tùy thuộc vào vạn vật từ vô cùng lớn đến vô cùng nhỏ bé » (trang 147).

Nhưng trong tác phẩm Une Nuit, câu hỏi quan trọng nhất lại là « tại sao Ban Đêm trời lại tối » ? Một nhà khoa học, một họa sĩ, một nhà thơ hay một nhà hiền triết có những cách tiếp cận riêng với vũ trụ, nơi mà vạn vật xoay vần trong một vòng xoáy bất tận. Đấy cũng là điểm hội ngộ của một nhà vật lý thiên văn với thuyết vô thường Nhà Phật.
Với những hình ảnh rất đẹp chụp từ viễn vọng kính Hubble, những trích đoạn hay nhất của các nhà thơ, nhà văn nói về màn đêm, những tác phẩm hội họa nổi tiếng, Une Nuit là một cuốn sách rất đẹp mắt, một lời tỏ tình của một nhà khoa học với vũ trụ bao la.

Nguồn: RFI / Thanh Hà (đăng ngày 19/12/2017)

No comments:

Post a Comment