Monday, April 10, 2017

Chưa trọn đường bay - Vĩnh Khanh

Audio: Chưa trọn đường bay


Giọng đọc: Ý Uyên & Nguyễn Đình Khánh

Nửa đường chim gãy cánh bay.
Ngước lên chắc nhớ trời mây ngậm ngùi! 

Hắn mệt mỏi dẫn chiếc Dream Trung Quốc cà tàng vào con hẻm nhỏ. Ngọn đèn điện trên cao ngoài đầu ngõ hắt hiu soi bóng dáng thiểu nảo của hắn đổ xuống thành một vệt đen cụt ngủn méo mó trên con hẻm tráng xi măng chật hẹp dẫn vào nhà. Giờ này chắc cũng đã hơn 10 giờ tối. Chiếc xe mắc dịch này hôm nay giở chứng cứ tắt máy hoài! Hắn chán nản nghĩ thầm:" Chiếc xe rệu rạo quá, ngày mai lại phải tốn tiền sửa nữa rồi! Đúng là nghèo mà còn mắc eo!". Sau một chặng dài dẫn bộ chiếc xe về nhà, hắn quá mệt nên không cảm thấy đói bụng dù từ trưa đến giờ chưa ăn uống gì cả. Chưa bao giờ hắn nản chí như hôm nay. Những cay đắng nhọc nhằn của thời gian tù đày trước đây, cũng như tình trạng không được chấp nhận đơn trong chương trình định cư nhân đạo H.O. chỉ vì thời gian tù tội của hắn chưa đủ 3 năm cộng với những khó khăn kinh tế trong việc mưu sinh hằng ngày cũng vẫn chưa làm hắn buồn chán, thất vọng bằng lần này!

Mấy hôm nay, tin tức ông Nguyễn Cao Kỳ trở về Việt Nam với ý định môi giới đầu tư vào những khu vui chơi giải trí, đã có những lời ve vãn với nhà nước hiện tại làm cho hắn choáng váng. Thoạt đầu hắn không tin, chỉ nghĩ là báo chí nhà nước tuyên truyền chứ làm sao mà một người như ông Nguyễn Cao Kỳ lại trở về và mở miệng ra với những câu hèn mạt như thế. Nhưng những nghi ngờ của hắn đã mau chóng được xác nhận qua hình ảnh trên tivi, báo chí… ngày hôm nay, hắn đã nhìn thấy hình ảnh cũng như đọc qua báo chí buổi phỏng vấn của vị đã từng là Tư Lệnh một quân chủng kiêu hùng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà và cựu lãnh đạo cả nước… Chính sự việc này là điều đã làm cho hắn bực bội, chán nản đến cùng cực.

Kể từ khi miền Nam Việt Nam rơi vào tay giặc, kể làm sao cho xiết những khổ đau, khó khăn của dân chúng cả nước, cũng như những người bị kẹt lại như hắn. Biết bao chiến hữu khác còn bị đày đọa trong các trại tập trung xa xôi mà không ít người đã bỏ mình vì đói khát bệnh tật hoặc sau bao năm bị đày ải, trở về gia đình với hai bàn tay trắng và một gia đình tan vỡ. Ai sẽ là người trả lại sự công bằng cho hàng trăm ngàn gia đình bị ngược đãi chỉ vì có chồng, có con, có cha… là thành phần của chế độ trước? Nỗi đau đớn mất mát này có ai thấu hiểu và chia xẻ được với họ? Có ai biết được giờ đây, mỗi ngày trên khắp mọi miền đất nước, có bao nhiêu người phải làm quần quật từ sáng đến chiều tối chỉ để mong mang về được vài lon gạo cho mấy đứa con đang chờ đợi với cơn đói rã ruột ở nhà! Niềm hạnh phúc đơn giản và thực tế nhất của họ bây giờ là hy vọng mỗi ngày có được cho gia đình hai bữa đủ no. Hắn đã là một trong số hàng triệu người dân kể trên, từng trải qua những ngày tháng như vậy rồi. Hắn vẫn chịu đựng. Cũng như bao người dân khác vẫn chịu đựng từng ngày. Chịu đựng chỉ vì ý thức được rằng đây là chuyện tai trời ách nước. Mọi người đành phải âm thầm chịu chung một kiếp nạn, mong mỏi ngày mai đất nước sẽ thay đổi và chế độ tàn bạo của CS sẽ phải cáo chung, mọi việc rồi sẽ tươi sáng hơn. Riêng đối với hàng lãnh đạo và các chức sắc cao cấp trước đây đã từng hô hào sát cánh với anh em chiến hữu cho tới giờ phút cuối cùng ngày hôm trước, hôm sau đã bỏ trốn mất ra nước ngoài… hắn cũng vẫn nghĩ với tình hình đất nước vào những giờ phút chót đó đã không còn gì cứu vãn được nữa. Thôi thì các vị đó có ở lại cũng chỉ bị bắt bớ, tù đày mà thôi… cho nên hắn không oán trách các tướng lãnh và những vị lãnh đạo quốc gia đã tháo chạy dù hành động bỏ quân sĩ bỏ nước tháo chạy như vậy thật chẳng vinh quang chút nào!

Tuy nhiên với hành động trở về và những lời vung vít bố la bố lếu của ông Nguyễn Cao Kỳ lần này hắn không thể nào chấp nhận và tha thứ được. Điều này mang lại cho hắn cái cảm giác bị phản bội, bị chiến hữu đồng đội bỏ rơi và hắn thấy đau đớn với cái cảm giác đó lắm. Một nỗi thất vọng ê chề bỗng dâng lên trong lòng không gì kềm hãm nỗi làm cho hắn chua xót vô cùng. Hành động lần này của ông Nguyễn Cao Kỳ quả thật quá sức hèn hạ. Đau đớn thay đó lại là một vị đã từng lãnh đạo Quốc Gia và từng là tướng Tư Lệnh của binh chủng mà hắn đã phục vụ. Một tướng lãnh với những lời ăn nói bạt mạng có vẻ cao bồi trước đây đã làm mọi người tưởng rằng ông ta là một người gan góc cùng mình. Nhưng té ra đó chỉ là một tên cao bồi dỡm, chưa rút súng bắn địch thủ phát nào đã bỏ chạy trối chết!! Thế mà nay lại vác mặt về làm trò hề cho thiên hạ. Thiệt hết ý kiến luôn!

Đầu óc trống rỗng và thân xác mệt mỏi sau một ngày vất vả bên ngoài, hắn dựng xe vào nhà, rữa ráy qua loa rồi ra phía nhà trước ngồi phệt xuống chiếc ghế đẫu nhỏ. Lòng cảm thấy an ủi khi nhìn chiếc lồng bàn đậy thức ăn vợ đã bày sẵn để dành trên bàn những khi hắn về trễ. Hắn thầm cám ơn người vợ hiền, nhưng chẳng còn lòng dạ nào nghĩ đến ăn uống nữa. Không muốn làm kinh động đến giấc ngủ của vợ con và những câu hỏi lo lắng khi nhìn thấy gương mặt buồn bã của mình hôm nay. Hắn cẩn thận nhìn vào trong để chắc chắn vợ và hai con nhỏ đang ngủ yên, xong quay lại ngồi yên lặng một mình. Vói tay lên chiếc kệ nhỏ nơi để những vật dụng lặt vặt, hắn lấy xuống một cái hộp gỗ cũ. Mở hộp ra lấy hết những món linh tinh ra… bên dưới còn có một ngăn nữa mà nếu không biết thì cứ ngỡ đó là cái đáy hộp. Hắn mở luôn nắp ngăn dưới lấy ra một vật lên ngắm nghía hoài. Qua ánh đèn neon, đôi mắt hắn có vẻ trìu mến và dịu lại khi nhìn thấy vật đó. Lấy tay xoa nhẹ lên bề mặt của món vật một cách trân quý, ngắm nghía một lúc, hắn cẩn thận đặt lại vật đó dưới ngăn thứ hai của hộp gỗ, đậy nắp lại và bỏ tất cả những vật linh tinh trở vào hộp. Nhìn lại hộp gỗ một lần chót, hắn hài lòng đặt nó vào chỗ cũ trên kệ. Lòng thanh thản lại đôi chút, hắn tự nhủ phải dẹp bỏ hết tất cả mọi suy nghĩ buồn phiền, chuẩn bị đi ngủ dưỡng sức cho một ngày mai vất vả khác đang chờ đón.

***

Từ khi đi tù cải tạo về, như những bạn tù đồng cảnh ngộ, hắn gặp biết bao khó khăn trong cuộc sống. Sau nhiều dự tính vượt biên thất bại. Tiền bạc hết sạch, kiếm việc làm ở thành phố không được, hắn đành phải cùng vợ rời thành phố Saigon thân yêu, lên làm rẫy ở Long Khánh sinh sống. Công việc nương rẫy nặng nhọc nhưng mang lại thu hoạch không đủ đâu vào đâu, khi thu hoạch về lại bị nhà nước thu mua với giá chính thức, nên những buổi ăn hằng ngày vợ chồng hắn thường xuyên phải độn thêm bắp khoai mới có thể đắp đổi qua ngày. Nhưng trời hình như chưa chịu buông tha cho số phận hắn. Sau một cơn bạo bệnh, người vợ yêu dấu đã vĩnh viễn ra đi để lại hắn một mình gặm nhấm nỗi buồn và lòng nhớ thương khôn cùng. Còn lại một mình, hắn quyết định về lại Saigon. Buổi đầu thật vất vả, hắn mướn một gian nhỏ ngăn đôi với chủ nhà trong một xóm lao động. Chẳng biết làm gì hơn ngoài việc gom góp tiền bạc dành dụm được mỗi ngày ra đứng ở các chợ trời mua đi bán lại những đồ cũ sang tay. Cuộc sống cơm hàng cháo chợ cũng không yên với đám công an, cứ bị đuổi lên đuổi xuống hoài, đôi khi còn bị tịch thu mất cả hàng! Nhưng không buôn bán chợ trời thì hắn còn có thể làm gì hơn? Đi xin việc làm ở khắp nơi cũng không ai mướn. Thậm chí những công việc tay chân nặng nhọc, người ta cũng chỉ mướn hắn làm tạm thời trong một thời gian ngắn nào đó thôi, nên rốt cuộc ngó qua ngó lại người ta cũng vẫn thấy hắn xuất hiện ở các chợ trời như là một cơ hội bám víu cuối cùng.

Chưa bao giờ đất nước lại phung phí nhân tài đến như thế. Biết bao nhiêu giáo sư, bác sĩ, kỹ sư và những thành phần trí thức khác phải chạy rong trên đường hàng ngày vật lộn với hai bữa ăn, bỏ quên hết nghiệp vụ chuyên môn của mình vì không ai trọng dụng đến! Đất nước giờ đây hình như chỉ cần tay chân, chứ không cần đầu óc. Trí thức chỉ là sản phẩm của tiểu tư sản! Giai cấp công nông mới là thành phần nòng cốt của đất nước. Người Cộng Sản nói như vậy! Cho nên những thành phần trí thức trước đây sử dụng trí óc cống hiến cho xã hội, thì nay phải biết tập tành những công việc chân tay để hiểu rõ lao động vinh quang như thế nào!! Nếu không thì chỉ là thành phần ăn bám xã hội! Một đất nước mà trình độ dân trí cao đến nỗi giáo sư Đại Học cũng đi đạp xích lô. Bác sĩ đi bán thuốc tây "chui", kỹ sư đi bán hàng rong… còn cái thứ cà tàng hai ba chứng chỉ đại học như hắn ra đứng chợ trời rao bán trao tay những món đồ cũ để mưu cầu hai bữa cơm qua ngày thì kể làm gì? Nếu đếm cũng không biết phải đếm sao cho hết. Chắc rằng không còn quốc gia nào trên thế giới có được trình độ dân trí cao như VN lúc bấy giờ! Bất cứ ai nghĩ tới điều này cũng không khỏi bật cười chua chát! Đúng là không còn gì khôi hài hơn. Thỉnh thoảng tình cờ hắn gặp lại những người quen biết cũ trước đây là những vị tiếng tăm… này nọ. Cả hai chỉ biết ngậm ngùi chào hỏi năm ba câu trong thoáng chốc rồi ai nấy lại xuôi ngược với công việc mưu sinh bất đắc dĩ.

Tuy thế việc buôn bán ở chợ trời cuối cùng cũng không kéo dài được mãi. Chính quyền địa phương càng ngày càng thẳng tay dẹp hết những khu chợ trời và buộc tất cả phải vào khuôn khổ. Ai còn chút đỉnh vốn liếng thì có thể sang lại một sạp hàng nào đó tiếp tục buôn bán sinh sống dưới sự kiểm soát của nhà nước. Còn không vốn liếng thì đi kiếm việc khác làm chứ không còn đứng rong kiếm sống như trước được nữa. Hắn là một trong số những người “vô sản” nên dĩ nhiên phải tự tìm cách khác để mưu sinh. Từ việc điền dùm một lá đơn, dịch một bản tiếng Anh…. cho đến làm thuê làm mướn những việc tay chân nặng nhọc… hắn nhận làm tuốt luốt. May mắn thay, những nổi trôi cuộc đời đã đưa đẩy hắn gặp và lập gia đình lần nữa với một người đàn bà trẻ thật lòng yêu thương hắn. Nhờ sự giúp đỡ của cha mẹ vợ, hai vợ chồng đã sang được một căn nhà nhỏ trong một con hẻm ở quận Bình Thạnh, đồng thời bày ra bán cà phê bình dân ngay phía trước nhà cha mẹ vợ cũng ở gần đó. Cuộc sống mới xét ra đã đỡ hơn trước, dù phải thức khuya dậy sớm nhưng giờ đây hắn cũng an phận với thu nhập khiêm tốn từ việc bán cà phê và lấy hạnh phúc gia đình cùng vợ và hai con làm niềm an ủi.

Tuy nhiên hắn vẫn chưa yên thân được với phường khóm địa phương vì vẫn chưa có "hộ khẩu thường trú"! Công an khu vực cứ hạch sách, răn đe hoài về việc này. Thỉnh thoảng hắn phải nhín chút tiền mời công an khu vực, khi thì một bữa bia hơi, khi thì một gói thuốc thơm có "cán" để được yên thân. Còn những chầu cà phê lặt vặt thì khỏi nói. Hể khi nào mấy tên này vào chỗ hắn bán uống cà phê thì dĩ nhiên khỏi có vụ tính tiền. Bước ra khỏi quán còn có thuốc thơm phì phà trên môi nữa. Nhưng làm sao bây giờ? Cả một đất nước đâu đâu cũng thế, đám công an này còn ăn hối lộ thì cũng còn kẽ hở để cho hắn yên thân, đành phải chấp nhận thế thôi.

Nói về cái chế độ hộ khẩu hà khắc này thì thật không gì diễn tả cho hết được. Nhà nước Cộng sản áp đặt ra chế độ hộ khẩu với mục đích kiểm soát người dân và sự đi lại. Đồng thời dùng hộ khẩu để phân phối thực phẩm như một phương thức kiểm soát luôn bao tử người dân. Mỗi tháng, mỗi một đầu người trong hộ khẩu chỉ được phân phối một số lượng nhu yếu phẩm nhất định. Do thế, không ai được quyền di chuyển ra khỏi nơi mình cư trú mà không có giấy tờ hợp lệ, vì khi đi đến nơi mới không có hộ khẩu thì sẽ không được phân phối thực phẩm, đó là chưa kể đến bị phạt vạ, bắt bớ… nếu bị bắt gặp ở "lậu" không có giấy tờ hợp lệ! Trên đất nước của mình mà người dân đi đâu, ở đâu bao lâu… cũng đều phải khai báo… ngay cả chỉ đến nhà bà con chơi ở lại qua đêm cũng đều phải khai báo phường khóm nếu không muốn bị rắc rối… như vậy mà nhà nước cứ luôn miệng rêu rao, tuyên bố đất nước này là của người dân, do dân làm chủ… Đúng là khôi hài hết chổ nói!

Tuy thế chế độ hộ khẩu này càng ngày càng tỏ ra bất lực, vì đã không thể khống chế nỗi người dân khi họ đói. Từ khắp các nơi ở miền Bắc, miền Trung dân chúng đói khổ kéo về các thành phố lớn tìm cách sinh sống. Mặc cho chế độ hộ khẩu ràng buộc cấm đoán, dân chúng không còn sợ nữa. Hợp pháp hay bất hợp pháp, dân chúng không quan tâm nữa. Họ vẫn cứ đi tìm những nơi khả dĩ còn có thể buôn bán, làm thuê làm mướn sinh sống qua ngày được, hơn là nằm chờ nhà nước phân phối cho một số lượng nhu yếu phẩm mỗi tháng, mà thật ra chẳng thấm đâu vào đâu! Tình trạng "di dân lậu" này khiến cho mật độ dân số ở những thành phố lớn trở thành con số đông khủng khiếp, nhất là tại thành phố Saigon. Xã hội ngày càng loạn hơn. Nhà nước Cộng Sản không thể kiểm soát nỗi số người "ở lậu" ngày càng đông đảo như vậy, nên cuối cùng buộc phải hợp thức hoá theo một tiêu chuẩn nào đó, cho những người "ở lậu" nhập hộ khẩu mới để dễ bề kiểm soát. Chính nhờ thế, sau mấy năm nằm lì sống bám vào thành phố, hắn cũng được hợp thức hoá cho nhập vào hộ khẩu trở lại. Mỗi khi nghĩ tới chuyện này, hắn không khỏi bật cười.

Chỗ ở và việc sinh sống nay tạm ổn qua ngày, tuy nhiên nỗi buồn và bất đắc chí không thể nào vơi được trong lòng hắn khi hàng ngày vẫn còn nhìn thấy đồng bào chung quanh chịu nhiều khó khăn, bất công cũng như chính bản thân của hắn phải "giả dại qua ải" sống âm thầm qua ngày như thế. Biết làm sao hơn? Kể từ tháng Tư đen những người lính Không Quân như hắn đã không còn cơ hội chiến đấu… giống như một con chim bị gãy đôi cánh, chỉ còn biết nhìn lên bầu trời cao, gậm nhấm nỗi buồn một mình trong sự đau đớn, tủi nhục mà thôi.

- "Xin lổi, anh có phải là Thái không?"

Hắn ngước lên nhìn. Người hỏi hắn là một người đàn ông khoảng 55, 56 tuổi đang đứng trước cái quầy nhỏ nơi hắn bày mấy gói thuốc lá bán lẻ nối tiếp với cái bàn nhỏ để đồ cần thiết pha chế cà phê. Chỉ mất mấy giây bỡ ngỡ ban đầu, hắn nhận ngay ra người đối diện bên ngoài quầy thuốc lá, nhưng vẫn dè dặt hỏi:

- "Dạ phải. Chào anh. Anh là ai? Sao biết tên tôi?"

- "Trời đất. Đúng là anh Thái rồi! Tôi là Hùng. Trước ở cùng phi đoàn với anh đây. Anh không nhớ sao?" -Người đàn ông lộ vẻ vui mừng.

Hắn đứng lên, cẩn thận nhìn ra bên ngoài. Mấy năm tù cải tạo và môi trường sống hiện tại tạo cho hắn cái phản ứng tự nhiên như thế mỗi khi có chuyện gì dính líu tới quá khứ. Không thấy gì khả nghi cả, mọi người bên ngoài đi qua lại bình thường, còn trong quán chỉ có hai thanh niên trẻ quen ở cửa hàng bên cạnh hay qua uống cà phê tán dóc khi rỗi rảnh. Giờ này cũng gần trưa rồi, khách không nhiều. Không ai thèm chú ý tới gian hàng nghèo nàn của hắn cả. Lúc đó hắn mới yên tâm nhìn người đối diện:

- "Tôi nhận ra anh rồi. Hùng "Tân Thời" nổi tiếng ở phi trường Phan Rang đó phải không?"

- "Đúng rồi! Hùng "Tân Thời" đây" - Người đàn ông khoái trá xác nhận với nụ cười rạng rỡ trên môi – "Anh vẫn còn nhớ đến biệt danh của tôi là tôi vui rồi? Anh bán cà phê ở đây hả? Tôi tình cờ đi ngang qua, nãy giờ nhìn thấy anh ngờ ngợ mà không dám hỏi. Trời ơi. Không ngờ gặp lại được Thái "Khủng Long" ở đây. Chừng nào anh có thể rảnh, mình kiếm chổ khác nói chuyện được không? Nếu anh không bận, tôi muốn mời anh làm lai rai chút đỉnh mừng ngày gặp gỡ hôm nay. Lâu quá rồi còn gì!"

Hắn dè dặt nhìn người đối diện, nghĩ thầm trong bụng: "Đúng là Hùng "Tân Thời" rồi. Cái thằng này lúc nào cũng lên đồ láng cón chả trách ngày xưa anh em trong phi đoàn gán cho nó cái biệt hiệu này." - Đã bao nhiêu năm qua nhưng hắn vẫn nhận ra ngay.- "Tuy nhiên, nhìn nó bây giờ sao sang trọng quá, chắc là ở nước ngoài về." Một nỗi mặc cảm vô hình bỗng dưng dâng lên trong lòng. Làm sao mà hắn có thể quên được người bạn đang đứng trước mặt hắn chứ. Trong đơn vị ngày xưa hai đứa nổi tiếng là hai thằng lì lợm nhất. Hùng "Tân Thời" là một anh chàng điệu lắm. Tối ngày cứ quần áo, chải chuốt… bởi vậy nó là thằng đắt đào có tiếng ở đơn vị. Mới hôm qua thấy chở một cô thật đẹp, qua hôm sau lại thấy đi với một cô khác xinh xắn không kém. Hai người là bạn khá thân, đi chơi cũng lắm mà chiến đấu cũng rất gan lì. Phi vụ nào hóc búa nhất giao cho hai đứa cũng đều hoàn thành cả. Nhưng cái gan lì của Hùng "Tân Thời" cũng còn phải nể hắn một bước. Nhiều mục tiêu phòng không địch bắn lên như đan lưới, các phi vụ khác cố gắng bao nhiêu lần cũng không "ủi" xong, đều phải "để dành" cho hắn cả. Với bất cứ giá nào, hắn cũng thanh toán cho bằng được nhiệm vụ giao phó. Đã nhiều lần hắn về lại phi trường với chiếc A-37 lỗ chỗ đầy vết đạn và mấy lần suýt chết. Hắn gan lì đến nỗi phi đoàn trưởng và sĩ quan an phi phải cảnh cáo hoài, nhưng vẫn chứng nào tật nấy. Riết rồi cả phi đoàn phải đặt riêng cho hắn cái danh hiệu là Thái "Khủng Long". Hắn chợt mỉm cười khi nhớ lại kỷ niệm ngày xưa ở đơn vị:

- "Hùng " Tân Thời" thì làm sao tôi quên cho được. Anh vẫn khoẻ chứ?"

Hùng vồn vã:

- "Khoẻ, khoẻ lắm. Còn anh bấy lâu nay ra sao?? Anh có thể đi làm lai rai với tôi được không? Còn nếu không tiện thì mình ngồi ở đây nói chuyện cũng được. Gặp lại anh, tôi mừng quá. Tôi có nhiều chuyện muốn nói với anh lắm."

Hắn nhìn lại những món bày biện trên cái quầy cà phê, tự nhiên thấy chán nản:

- "Anh chờ tôi một chút."

Nói xong hắn bước vào bên trong kéo tay vợ ra:

- "Em ra đây để anh giới thiệu anh Hùng, một người bạn thân trước đây."

Giới thiệu Hùng với vợ, đợi hai ngưòi chào hỏi xã giao xong xuôi, hắn quay lại nói vợ:

- "Giờ này chắc cũng không có nhiều khách đâu. Anh và anh Hùng qua quán bên kia đường. Anh em lâu ngày gặp nhau có thể tụi anh uống mấy chai bia và ăn trưa luôn. Em xem chừng quán và đừng chờ cơm anh nghe."

Người đàn bà vui vẻ:

- "Được rồi! Anh cứ đi với bạn đi. Để đây em coi cho."

Hùng hỏi bạn khi băng ngang đường:

- "Hình như chị này là vợ sau của anh phải không. Tôi nhớ chị vợ trước đây của anh trông khác mà?"

- "Đúng rồi. Đó là người vợ tôi gặp mấy năm sau này. Người vợ mà anh biết trước đây đã mất lâu rồi. Để rồi tôi sẽ kể cho anh nghe." - Hắn bùi ngùi nói.

- "Ồ! vậy à. Xin lổi anh Thái. Tôi đâu có biết là chị đã mất và anh đã lập gia đình lại."

Hai người vào một quán bên kia đường, gọi hai chai bia và vài món ăn. Hùng nôn nóng hỏi bạn trước:

- "Cuộc sống của anh lúc này thế nào? Anh có thể kể tôi nghe không? Tôi thật tình hỏi thăm chứ không có ý gì đâu?"

Hắn cười méo mó:

- "Tôi giờ sinh sống qua ngày nhờ vào cái quầy cà phê bình dân và thùng thuốc lá lẻ mà anh đã thấy đó."

Hắn kể lại cho bạn nghe tất cả về mình: Kể từ ngày phi trường Phan Rang thất thủ, cả phi đoàn được lệnh về Tân Sơn Nhất lánh nạn chờ bổ sung quân số vào đơn vị mới, nhưng chưa kịp gì thì Tổng Thống Dương Văn Minh đã ra lệnh đầu hàng. Cả miền Nam bị bức tử rơi vào tay giặc trong khi tinh thần chiến đấu của quân nhân các cấp ở khắp nơi vẫn còn rất cao. Hắn là một trong số rất ít người trong phi đoàn bị kẹt lại cùng với cả nước lâm vào cảnh khốn cùng. Đi trình diện học tập tưởng chỉ có 10 ngày, không ngờ bị nhốt gần 3 năm mới được thả. Tưởng số phần như vậy là may mắn hơn những người cùng cảnh ngộ khác vì nhiều người bị nhốt lâu hơn hắn. Tuy nhiên điều đó lại khiến hắn không đủ tiêu chuẩn nộp đơn đi theo chương trình nhân đạo HO của Mỹ sau này, vì thời gian tù đày chưa quá 3 năm. Hắn kể cho bạn nghe luôn về những chuyến vượt biên thất bại, về chuyện đi lên Long Khánh làm rẫy, về chuyện người vợ trước vắn số đã chết sau cơn bạo bệnh… Kể về thời gian từ rẫy bỏ về Saigon sinh sống lênh đênh ở những chợ trời … và gặp người vợ sau này mấy năm trước ra sao… giờ đây đã an phận với vợ và hai con nhỏ… Hùng "Tân Thời" ngồi nghe mà cảm khái khôn cùng. Không ngờ số phần của bạn mình long đong như thế.

Hùng cũng kể về mình cho hắn nghe. Vào những ngày cuối cùng của tháng Tư đen, Hùng cũng bị kẹt lại không di tản kịp. Sau khi đi tù cải tạo về, gia đình giúp cho Hùng đi vượt biên và chiếc ghe chở đoàn người vượt biên trong đó có anh đã may mắn được một tàu dầu tiếp cứu sau khi bị bão lênh đênh trên biển mấy ngày trời. Hùng định cư tại Mỹ và lập gia đình sau đó mấy năm. Hiện anh đang sống tại San Jose, California với vợ và hai con… Sau khi kể cho bạn nghe, Hùng nhìn ngay vào hắn nói:

- "Anh Thái. Tôi biết anh không may đã gặp nhiều khó khăn khi kẹt ở lại, nhưng mong anh đừng mặc cảm. Tôi có thể nói với anh một câu rất thật lòng: Tình cảm bạn bè của chúng ta vẫn như ngày nào. Tôi cũng giống như anh. Chẳng qua tôi may mắn đi lọt được còn anh thì bị kẹt lại. Thế thôi! Nếu tôi không đi thoát được trên chuyến vượt biên đó thì giờ này có lẽ số phần tôi cũng sẽ như anh hoặc biết đâu chừng còn tệ hơn anh nữa. Hoặc giả nếu không được chiếc tàu dầu ngày đó cứu vớt thì có thể tôi đã chết tiêu xác trên biển rồi. Số con người khó mà nói trước được. Tuy nhiên truyền thống Không Quân của chúng ta là "Không bỏ anh em, Không bỏ bạn bè" mà, anh không nhớ sao? Chúng tôi dù ở xa nhưng vẫn thường hay họp lại với nhau và nhắc nhở cũng như tìm cách giúp đỡ các anh em còn kẹt lại ở quê nhà. Bao nhiêu năm nay, chúng tôi vẫn làm như vậy."

Hắn thật xúc động với câu nói chân tình của bạn. Những mặc cảm gần như tan biết hết qua câu nói đó của Hùng. Hắn hỏi thăm Hùng về những người bạn cũ, những người quen biết đã một thời cùng hắn phục vụ chung một đơn vị, dưới một màu cờ. Ba mươi năm trôi qua với bao nhiêu thay đổi, vận mệnh đất nước bỗng dưng đổi sang chiều hướng mới không ai có thể ngờ được. Một cuộc chiến kéo dài bao nhiêu năm bỗng nhiên có một kết cuộc không giống ai hết. Sự phản bội của đồng minh và những nông nổi của cấp lãnh đạo thiếu tài đức đã bóp chết tức tưởi cả một đất nước và quân đội hùng mạnh. Hắn buồn bã thở dài rồi hỏi Hùng:

- "Còn chuyện ông Nguyễn Cao Kỳ về Việt Nam như thế nào? Anh có thể nói cho tôi biết được không? Chuyện đó hư thực ra sao? Tôi thật sự bất mãn và đau lòng với những lời tuyên bố của ông ấy khi về đây. Không ngờ ông ta lại có thể buông ra những lời hèn hạ như thế!"

Hùng bực tức khi nghe bạn nhắc tới vấn đề này:

- "Thôi! Nhắc tới tên cha nội đó thấy chán quá! Hành động và tư cách của ông ta đã tự chôn vùi đi tên tuổi và làm dân chúng khinh miệt bản thân ông ta thôi chứ được ích gì."

Hùng hậm hực nói thêm:

- "Việc ông ta về VN ve vãn chế độ hiện tại thật khiến người ta kinh ngạc và ghê tởm. Tôi nói cho anh biết, vì tư cách hèn hạ đó những hội Ái Hữu Không Quân ở Hải Ngoại đã loại trừ tên ông này ra khỏi hàng ngũ Không Quân rồi. Ngay cả những Hội Đoàn và các Binh Chủng bạn khác cũng đã tuyên bố tẩy chay ông ta luôn… Riêng cá nhân tôi, tôi cảm thấy xấu hổ với các Quân Binh Chủng bạn vì trong hàng ngũ Không Quân VNCH có một người tồi tệ đến như vậy. Tuy nhiên đó chỉ là cá nhân của ông ta mà thôi. Còn tập thể Không Quân của chúng ta vẫn một lòng một dạ với Tổ Quốc, Dân Tộc. Mặc dù giờ đây anh em chúng ta ở rải rác khắp nơi nhưng lòng lúc nào cũng hướng về quê hương đất nước. Chúng ta chỉ có một đất nước VN mà thôi và đó phải là một đất nước Tự Do Dân Chủ thật sự, chứ không phải là đất nước bị kềm kẹp như thế này. Chúng tôi không quên đâu anh ạ. Riêng các chiến hữu kém may mắn hơn đang còn kẹt lại ở quê nhà như anh đây, chúng tôi cũng không bao giờ quên đâu. Có thể vì anh ở trên vùng Long Khánh trước đây, hoặc vì bận rộn sinh kế hàng ngày nên chúng tôi đã không tìm được. Bên đó anh em chúng ta thành lập những Hội Ái Hữu Không Quân ở khắp nơi, ngoài việc thỉnh thoảng tập họp các anh em lại trong những buổi họp mặt thân hữu để thăm hỏi, giúp đỡ, nung đúc tinh thần lẫn nhau và giữ vững niềm tin vào một tương lai đất nước tươi sáng hơn… chúng tôi cũng tìm cách giúp đỡ những anh em không may gặp cảnh khó khăn ở quê nhà mà chúng tôi nghe tin được. Thỉnh thoảng có người về thăm nhà, chúng tôi đã ủy thác thăm hỏi cũng như giúp đỡ vật chất để các anh em đó bớt được phần nào những khó khăn với cuộc sống hiện tại. Hôm nay tôi gặp được anh ở đây thật là may mắn. Anh cứ vững tâm đi. Chúng tôi không quên anh đâu. Chúng ta còn phải làm nhiều việc cho đất nước quê hương sau này lắm. Tuổi chúng ta có lớn, nhưng lòng chúng ta thì chưa mệt mỏi, già cỗi đâu. Không làm được việc này, thì chúng ta làm việc khác. Chúng ta còn nhiệm vụ hướng dẫn con cháu, thế hệ kế tiếp để chúng không quên cội nguồn và sẽ là những con người có ích cho xã hội, đất nước VN sau này."

Những lời của Hùng như vừa thức tỉnh hắn, quả thật nỗi khó khăn vật chất, sự đau đớn tinh thần qua nhiều mất mát đã đánh đổ đi niềm tin trong lòng hắn rất nhiều. Trước đây, không ít lần hắn đã từng nghĩ những anh em may mắn đi qua được nước ngoài chắc chẳng còn nghĩ gì về quê hương, đất nước nữa đâu. Hình ảnh của những Việt Kiều về thăm nhà, bỏ tiền ra ăn chơi vung vít không khỏi làm cho hắn nhiều lần thất vọng và xót xa. Ở trong một phạm vi nào đó, hắn không thể tránh khỏi cái suy nghĩ về những anh em chiến hữu của hắn ngày trước đã may mắn vượt thoát được ra xứ người và những người còn kẹt ở lại như hắn, nay phải là hai thái cực khác nhau. Họ nay có tiền bạc, sống một cuộc sống no ấm bên vợ đẹp con ngoan, còn những người chẳng may bị kẹt ở lại quê nhà thì phải lầm lủi, sống một cuộc sống chật vật khó khắn chồng chất cũng như phải gánh chịu những bất công của chế độ hiện tại… Dù muốn dù không, những tự ti mặc cảm không thể tránh khỏi được trong suy nghĩ của hắn. Tuy nhiên qua những lời tâm sự của Hùng thì anh em bên đó dù điều kiện vật chất có khá hơn, nhưng lòng yêu quê hương, Tổ Quốc cũng vẫn vậy. Đôi khi niềm ray rức của người buộc phải sống xa xứ sở quê hương còn dằn vặt tinh thần họ nhiều hơn nữa. Những điều đó hắn làm sao biết được. Hắn đã quá vội trách lầm anh em. Đúng rồi. Đâu có ai muốn xa lìa quê hương xứ sở đâu? Dù cuộc sống đó có đầy đủ vật chất, nhưng phải xa lìa quê hương, xa lìa nơi chôn nhau cắt rốn như vậy có ai mong muốn đâu? Nếu có một vài thành phần cá nhân lẻ tẻ nào đó nghĩ như vậy thì cũng chỉ là lối suy nghĩ quá nông cạn, hời hợt và đáng trách. May mắn thay những người như Việt Nam không nhiều và không thể làm nhụt chí của cả tập thể binh chủng Không Quân Việt Nam Cộng Hoà được. Trước đây tên đó đã là một tay lãnh đạo tồi, khi lâm nguy đã tháo chạy trước bỏ mặc đàn em, chiến hữu ở lại bơ vơ. Thì bây giờ có hoặc không có tên tồi tệ đó cũng không quan trọng gì. Phải rồi, hắn còn nhiều việc phải làm. Các anh em chiến hữu của hắn vẫn nung nấu một tinh thần bất khuất, âm thầm chiếu đấu bằng bất cứ phương tiện thực tế hiện có, kể cả phương tiện giáo dục cho thế hệ con em mai sau, hy vọng cho một tương lai đất nước sáng sủa hơn thì hà cớ gì hắn phải xuống tinh thần và tự ti mặc cảm. Một chút đau khổ, khó khăn vật chất hắn đang chịu đựng, có sá gì với bao khó khăn của cả một đất nước đang oằn mình hàng ngày chịu đựng những bất công của chế độ hiện tại. Cũng may hôm nay hắn gặp được Hùng đã giúp xóa đi cái ý nghĩ bi quan bấy lâu nay.

Còn đang suy nghĩ miên man thì Hùng đặt tay lên vai bạn, an ủi:

- "Anh đừng nghĩ ngợi nhiều nữa. Gặp được anh lần này tôi rất vui. Khi trở về lại Mỹ, tôi tin rằng những anh em khác chắc chắn cũng sẽ rất vui khi biết được tin tức của anh. Truyền thống :" Không bỏ anh em, không bỏ bạn bè" của chúng ta lúc nào cũng vẫn vậy. Anh hãy tin điều này đi."

Hắn cảm động nhìn Hùng:

- "Tôi rất cám ơn các anh em vẫn còn nghĩ đến chúng tôi. Thật ra có một vài lần, tôi đã nghĩ rằng sau khi các anh thoát được qua nước ngoài, đối diện với những khác biệt văn hóa và cuộc sống tất bật áo cơm nơi quê người nên chắc các anh em cũng không còn tha thiết gì nữa. Nay nghe anh trình bày như vậy, tôi rất vui và cảm động vô cùng."

- "Thôi được rồi. Hôm nay gặp lại được anh đây là vui rồi. Hãy gạt mọi chuyện khác qua một bên, chúng ta uống mừng đi."

***

Chiếc xe Dream Trung Quốc đưa hắn về tới con hẻm nhỏ thì trời đã sụp tối lâu rồi. Tiếng nổ êm, đều đặn của chiếc xe hôm nay như hòa chung niềm vui với tiếng huýt sáo khe khẽ của hắn. Hơi men lâng lâng trong người sau buổi tiệc hội ngộ với Hùng làm cho hắn thấy sảng khoái thêm lên. Không còn gì vui bằng sau bao năm mất liên lạc, gặp lại được anh em đồng ngũ ngày xưa và tình cảm của anh em đối với nhau vẫn tràn đầy như xưa. Nỗi buồn phiền, thất vọng trong người hắn đã biến mất. Tâm trạng bất đắc chí, không ai hiểu mình… từ bấy lâu nay hình như không còn nữa. Niềm hạnh phúc của bữa cơm tối với người vợ chờ chồng về cùng ăn làm lòng hắn ấm áp thêm lên. Nên cho dù không đói, hắn cũng ngồi vào bàn ăn với vợ. Hắn kể cho vợ nghe về những kỷ niệm và những người bạn ngày trước trong đơn vị, kể về biệt danh Hùng "Tân Thời" và Thái "Khủng Long" cùng với những chiến công oai hùng mà hắn và các chiến hữu đã từng đạt được. Người vợ tuy hơi ngạc nhiên, nhưng cũng vui lây với nỗi vui và tiếng cười sảng khoái cùng những câu chuyện không đầu không đuôi đêm hôm đó của chồng.

Đợi vợ dọn dẹp và vào phía trong lo cho hai con ngủ đâu đó xong xuôi, hắn mới đứng lên lấy cái hộp gỗ cũ trên kệ xuống. Đổ hết những thứ lỉnh kỉnh bên trong và lấy ra vật đã cất dấu kỹ lưỡng ở ngăn thứ hai dưới đáy hộp. Hắn ngắm nghía, giơ tay vuốt ve vật đó với một thái độ trân quí vô cùng. Dưới ngọn đèn neon sáng choang, trong tay hắn là một tấm phù hiệu, thêu nổi bật hình một con rồng trên nền vải, đang bay lượn giữa khung trời màu xanh với đôi cánh mang lá cờ vàng ba sọc đỏ. Phía dưới tấm phù hiệu hiện lên 4 chữ thêu, qua bao năm tháng nhưng còn rất đậm nét: Tổ Quốc Không Gian. Tấm phù hiệu này hắn đã cẩn thận tháo gỡ ra trên chiếc áo bay sau ngày miền Nam rơi vào tay giặc và từ đó đã được cất giữ như một báu vật trân quý. Đó là chút kỷ vật còn sót lại và cũng chính là nguồn động lực luôn hâm nóng, nhắc nhỡ hắn cho dù bất cứ tình huống nào, hắn vẫn luôn là một chiến sĩ bảo vệ Tổ Quốc Không Gian, bảo vệ lá Quốc Kỳ mà hắn đã từng quì xuống tuyên thệ ngày nào. Dù thời cuộc có thay đổi, đất nước đang còn trong cảnh khốn cùng dưới nanh vuốt của bầy quỷ dữ, nhưng hắn vẫn tin tưởng một ngày nào đó, ngọn cờ vàng ba sọc đỏ thân yêu lại ngạo nghễ tung bay trước gió. Tất cả bạn bè chiến hữu của hắn ở phương xa vẫn một lòng một dạ hướng về Tổ Quốc thân yêu và cùng chờ mong ngày huy hoàng đó. Nếu tất cả đồng lòng như thế, ngày đất nước thật sự Tự Do sẽ không còn xa nữa. Hùng "Tân Thời" nói đúng, cho dù thế hệ của hắn có già cổi, nhưng còn thế hệ tiếp nối. Hắn cũng phải có bổn phận hướng dẫn hai con, dạy dỗ, nhắc nhở cho chúng biết một đất nước thật sự Tự Do là gì. Đời của hắn làm không được thì đời con, hoặc ngay cả đời cháu của hắn sẽ làm được. Nếu mọi người đều giữ vững niềm tin như vậy thì đất nước thân yêu này một ngày nào đó sẽ có Tự Do thật sự, người dân sẽ sống trong một xã hội Dân Chủ thật sự ấm no hơn.

Miệng nhoẻn nụ cười tin tưởng, hắn áp tấm phù hiệu quân chủng lên trước ngực, nơi trái tim đang reo lên những nhịp điệu cuồng nhiệt như ngày nào hắn cùng chiếc A 37, giương đôi cánh bay lượn trên nền trời xanh cao vút để bảo vệ vùng trời Tổ Quốc Không Gian thân yêu.

Đêm đó hắn ngủ một giấc thật ngon lành.

Vĩnh Khanh

No comments:

Post a Comment