Wednesday, April 26, 2017

Người Lính Cũ - Văn Quang


Audio: Người Lính Cũ

Giọng đọc: Lê Duy

Video: Vài nét sơ lược Ngành Quân Y Việt Nam Cộng Hòa

Chuyến xe đò trở lại vùng quê khởi hành đúng 12 giờ trưa từ Sàigòn vừa đủ chỗ cho gần 20 người. Đó không phải là chuyến xe đò "bình thường" như những xe khác. Nó là loại "đặc biệt," xe chở bệnh nhân từ vùng quê đi khám bệnh ở thành phố buổi sáng và lúc này trở về. Nhưng nó không được bất cứ cơ quan nào chịu trách nhiệm đứng ra tổ chức và tư nhân cũng không được phép chính thức chở bệnh nhân nên nó bị liệt vào loại "xe chui." Tôi không biết loại "xe chui" này ra đời từ bao giờ, có thể là lâu lắm rồi vì người dân ở đây coi chuyện đó là chuyện bình thường. Trong vùng quanh thị trấn Lộc Ninh này có chừng 5-7 xã thường phải sử dụng những chuyến "xe chui" đó mỗi khi có việc cần phải về thành phố Sàigòn sớm. Làm thế nào để đúng 7 giờ 30 có mặt tại các bệnh viện thành phố. Nói là xe chở bệnh nhân, nhưng bất kỳ ai có nhu cầu đều có thể sử dụng phương tiện này. Thế nên có tới 3-4 "hãng" xe khác nhau.

 Chiều hôm trước điện thoại đến nhà chủ xe hẹn chỗ trước. 3 giờ sáng hôm sau, tài xế sẽ chạy xe đến đón tận nhà và đưa tới tận bệnh viện: BV Chợ Rẫy, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Phụ sản, Ung thư, tim mạch, nha khoạ.. đều được đưa đón đàng hoàng. Thế nên trên xe có đủ các loại bệnh nhân, đủ các loại người. Từ dân buôn bán đến ông già, con nít trong những thôn xóm, buôn làng quanh vùng.
 "Xe dù bệnh viện"

 Tôi cũng không hiểu tại sao những chiếc xe đó không được cơ quan nào đứng ra xin phép để người chủ xe được đàng hoàng làm công việc tối cần thiết đó cho người dân. Ở cả cái huyện này, tôi chưa thấy được một "chiếc xe cứu thương" nào, không được nghe tiếng còi xe cấp cứu hụ í-e vang đường đòi quyền ưu tiên.

 Dường như cả cái vùng này không có được một chiếc xe người ta thường gọi là "xe hồng thập tự." Mà dù có, thì một chiếc chắc là cũng không thể nào đủ. Nếu đã không có xe cứu thương thì các cơ quan có trách nhiệm cần phải "mở cửa" cho vài ba chiếc xe được quyền làm công việc đó một cách chính thức, chứ sao lại chỉ cho xe đò chở khách mà không cho xe chở bệnh nhân? Nếu để bệnh nhân, nhất là trẻ con bị bệnh đi trên xe chở khách thì chắc phải đi từ sáng tới trưa mới tới được thành phố. Những chiếc xe đò đủ loại, đủ kiểu này, đón khách dọc đường, cứ chạy chừng vài chục cây số lại ngừng, có khi vài ba cây số cũng ngừng cho khách lên xuống, có khi chất hàng hóa cùng với người thành từng đống. Và có xe lại là loại "xe dù," chỉ chở khách đến gần Sàigòn là bắt xuống, "bán" cho chiếc xe khác, vì "xe dù" không được quyền vào bến. Thế là khách, kể cả người bệnh, phải chuyển sang một chiếc xe khác chật ních, ì ạch chạy về thành phố hoặc leo lên xe gắn máy cho mấy ông xe ôm ra sức phóng bạt mạng.

 "Xe chui bệnh viện," giá chỉ đắt hơn xe chở khách hơn chục ngàn song được đưa đón, xe chạy một lèo đến tận bệnh viện và thường là loại xe tốt, có xe còn có cả máy lạnh và chỗ ngồi được tính toán vừa đủ nên khá ung dung. Nếu tính kỹ ra còn rẻ tiền hơn xe khách. Nếu đi xe khách phải trả 28,000đ thì "xe chui kiểu bệnh viện" trả 40,000đ, nhưng lại không bị "bán" dọc đường nên không mất tiền thuê xe ôm. Có bệnh nhân gấp phải đi taxi thì tiền một cuốc taxi còn cao hơn cả một cái vé "xe chui bệnh viện" hoặc xe đò chính thức đậu ở bến xe miền Đông.

 Cái lợi ích trước mắt cho người dân nghèo không được tổ chức đàng hoàng mà chỉ thấy những trụ sở, những nhà văn hóa, những công viên... to tướng, nằm kềnh càng ngay giữa thị trấn mà thường là bỏ không chẳng thấy một hoạt động văn hóa nào. Xuân thu nhị kỳ mới có một hai đêm "ca vũ nhạc" kiếm tiền lẻ, gọi là có tí văn hóa.

 Đây không phải là một "hiện tượng cá biệt," chỉ có ở Lộc Ninh, mà ở rất nhiều vùng quê khác thuộc miền Đông Nam Bộ cũng ở trong tình trạng này. Nếu đến một số bệnh viện tại Sàigòn, người ta sẽ thấy có khá nhiều loại "xe dù bệnh viện" ở các tỉnh xa như thế. Các bác tài xế "xe dù bệnh viện" mỗi khi vào trong thành phố là mắt trước mắt sau, chui vào những con hẻm để tránh mấy thầy cảnh sát sẵn sàng thổi tu hít phạt vì đậu, dừng xe không đúng chỗ. Ngay cả ở cổng bệnh viện cũng thế thôi, người bệnh phải nhanh chóng bước xuống xe, tất tả bồng bế nhau nhào vào cổng bệnh viện. Nếu lừng khừng, các thầy cảnh sát cũng không thạ Mỗi lần phạt mất 800,000đ và giam xe cả nửa tháng thì cả nhà chỉ còn nước uống nước lạnh cầm hơi. Đời sống của người dân đã vô cùng khó khăn, mỗi lúc một khó khăn hơn, lại không được chăm lo cả đến những tiện nghi tối cần thiết, chỉ lo cho cái "bề ngoài hoành tráng" của các cơ quan công quyền thì chẳng có nghĩa gì. Đến bao giờ người dân thôn quê mới khá lên được?

 Nỗi khổ của người bệnh

 Trên chuyến xe chui này, tôi đã được chứng kiến một vài cảnh khá đau lòng, hai vợ chồng ôm đứa con bệnh ho sặc sụa, hấp tấp xuống xe sau lời "cảnh báo" như năn nỉ của anh tài:
 - Mấy bác, mấy anh làm ơn lẹ lên một chút kẻo "nó" phạt em là mất nồi cơm.

 Anh chồng kéo tay chị vợ ôm con xuống xe, cái chăn vướng vào thành xe kéo cả hai mẹ con lăn xuống đường. Tiếng đứa trẻ khóc thét lên rồi ngất lịm. Một vài người khách vội nhào xuống ôm đứa bé, anh chồng giật lại đứa con của mình, giận dữ quát mắng chị vợ "đồ ăn hại, nó mà chết thì tao giết mày." Người thiếu phụ quê mùa mặt mũi tái ngắt, chỉ biết đứng ngây ra như trời trồng quên cả vết thương trên cánh tay mình. Hai vợ chồng đưa con đến trước cổng bệnh viện cùng với những người cũng từ những vùng quê khác lên thành phố, đứng ngồi lố nhố chờ giờ bệnh viện mở cửa. Chiếc "xe dù" lại lăn bánh chui vào một con hẻm gần đó để tìm đường đến một bệnh viện khác. Tôi không biết đứa bé sống chết ra sao nữa và cũng chẳng biết hỏi ai được.

 Ngồi bên cạnh tôi là một ông gầy gò, đeo kính trắng, con người có vẻ nho nhã lắm. Từ nãy anh ông ta ngồi nín lặng, nhìn cuộc đời và những chuyện xảy quanh ông như không hề có cảm giác gì. Nhưng nhìn kỹ, đôi mắt to sau cặp kính trắng chớp chớp rất nhanh, có vẻ như ông nói bằng cái kiểu chớp mắt ấy. Ông liếc về phía hai vợ chồng tội nghiệp kia rồi lại khoanh tay nhìn thẳng về con đường tấp nập xe cộ phía trước cứ như bỏ tất cả lại sau lưng, chẳng buồn để ý tới nữa. Tôi cho rằng ở đây người ta sống như vậy quen rồi. Có bao điều khốn khổ ở quanh, họ chẳng làm gì được nên "cái gì qua thì cứ để nó qua," có nghĩ đến, có ái ngại xót thương, thì cũng chẳng ích gì.

 Ông ngồi trên xe cạnh tôi, cũng là hàng xóm của tôi. Ông ở căn nhà trước mặt nhà tôi, chỉ cách một con đường nhỏ. Tên ông là gì, tôi cũng chưa biết, chỉ thấy mỗi buổi sáng ông lầm lũi mở cái cổng sắt to tướng đối diện với nhà ông, quét dọn sân trước sân sau rồi vào dọn dẹp trong nhà. Căn nhà này khá bề thế, nghe nói của một ông "cán bộ" hiện còn đang làm việc tại Sàigòn. Nhà để không, thỉnh thoảng hai vợ chồng mới lái "xe con" về, vừa để nghỉ ngơi, vừa để chăm sóc vài chục hecta vườn cây trong rẫy gần đó. Ông "cán bộ" thuê người hàng xóm trước mặt, quét dọn, coi nhà hàng ngày, canh trộm ban đêm.

 Suốt mấy tháng tôi về sống ở đây, ông đeo kính trắng chỉ sang nhà tôi một hai lần để xem thợ đào giếng và khi giếng có nước, ông sang xin nước tưới cho vườn cây của nhà mình kẻo nó gần chết khô hết rồi. Ông chỉ nói rất ngắn gọn rồi kéo vòi, nối ống nước về vườn nhà mình. Tôi cũng chẳng biết nhà ông ra sao, dù nhà ông ở đối diện, chếch nhà tôi chừng hơn 20 thước, song có hàng cây um tùm ngăn cách nên không thể nhìn thấy nhà nhau. Nhà ông lại ở phía trong con dốc lên lô cao su, lối đi ngược đường ra thị trấn, nên rất ít khi có dịp đi ngang, tôi chỉ nhìn thấy loáng thoáng một căn nhà nhỏ, vậy thôi. Ở vùng này hầu hết là gia đình những "cán bộ" về hưu nên sự giao thiệp của tôi là rất thận trọng. Gặp bác nhà quê chính gốc thì sởi lởi, gặp gia đình "có gốc có gác cách mạng" thì ý tứ giữ gìn vẫn là biện pháp an toàn nhất. Mặc dù những ông "có gốc có gác" đó bây giờ đã xa rời cái gốc gác của mình từ lâu rồi nên cũng chỉ còn nhòa nhạt tí đỉnh. Có rất nhiều lý do để họ xa rời gốc gác mà trong phạm vi bài này, chưa phải lúc tôi tường trình chi tiết cùng bạn đọc.

 Còn những ông có "gốc thật," "gốc bự" thì đã đi nơi khác làm quan hoặc về thành phố làm "tư sản," chứ đời nào họ còn chịu ở lại cái chốn quê mùa này. Những "ông lớn" đó thì cũng thường lại thích quên cái gốc gác chính hiệu của mình, xóa sổ cái gốc nông dân cũ để tham gia vào giai cấp "quý tộc" mới, hoặc sống cho đúng kiểu cách của dân thành phố.

 Lính quân y 

 Bẵng đi một tháng, tôi không gặp lại ông hàng xóm gầy gò đeo kính trắng. Một bữa gần đây thôi, khi tôi ra đường đón xe của cụ Mạnh Đan lên thăm, sợ cụ không tìm được nhà nên tôi cứ đi bách bộ trên con đường vắng. Ông hàng xóm của tôi xuất hiện, ông đi lặng lẽ, đến gần tôi gật đầu chào, lúc đó tôi mới tin rằng ông muốn bắt chuyện với tôi. Câu đầu tiên ông nói với tôi là:
 - Thằng bé hôm đó chết rồi ông ạ.
 Tôi ngạc nhiên trố mắt nhìn, ông nhắc lại:
 - Thằng bé con anh hai Bền hôm bị té trên xe lúc xuống bệnh viện đó mà.
 Lúc này tôi mới nhớ lại, cả cái hình thương tâm của vợ chồng anh Hai Bền và hai mẹ con văng xuống đường hiện lên rõ rệt như đang diễn ra trước mặt. Tôi lắp bắp hỏi:
 - Nhà nó ở đâu?
 - Ở tuốt Lộc Hòa.
 Tôi còn chưa phân định được đâu là Lộc Hòa và cách chỗ tôi bao xạ Ông hàng xóm tôi lại kể:
 - Nó mới chết cách đây ba hôm.
 - Không phải vì té xe đấy chứ?
 - Làm sao biết. Nhưng bệnh nó nặng lắm, mấy ông bác sĩ ở đây không chữa được nên mới đưa về bệnh viện Nhi Đồng thành phố. Chắc là sốt xuất huyết. Tôi đã từng làm ở "quân y" nên tôi biết. Ở đây họ thường để con cái bệnh lâu ngày rồi mới chịu đưa đi bệnh viện thành phố.
 Nghe hai chữ "quân y" tôi hơi ngạc nhiên. Dường như ở đây, lâu lắm rồi không ai còn dùng đến danh từ này nữa. Tuy vậy tôi hỏi lại:
 - Ông là bác sĩ ở "viện" nào?
 Người đàn ông lắc đầu:
 - Thời "ngụy" ông ạ, cũng như ông thôi.

 Nếu là một người khác dùng chữ "ngụy" tôi tự ái ngay và "chỉnh" thẳng cánh là "ông nên gọi là thời chính quyền cũ," "quân đội cũ" nghe lọt tai hơn. Nhưng khi ông này nói "cũng như ông thôi," tôi lại khoái chí, toét miệng cười, rồi không hiểu sao tôi lại vỗ vai ông rất thân mật. Tuy chẳng nói câu gì nhưng lại nói rất nhiều: "Cánh ngụy mình với nhau. Ha!" Gặp được một người đồng ngũ xưa cũ của mình sau 30 năm ở cái chốn này quả là sướng thật. Không! Phải nói là "hạnh phúc" mới đúng chứ. Tôi kéo ông vô nhà, nhưng ông từ chối:
 - Tôi còn phải đi mua cân xi măng, sửa lại cái mái cho anh chủ nhà kẻo nó dột tứ tung, nó về thấy lại trách.
 - Phải rồi, nhà tôi cũng vậy, mùa mưa mới bắt đầu nên nhiều nhà bị dột lắm. Vậy trưa nay có mấy ông bạn ở Sàigòn lên chơi, ông ghé sang tôi ăn cơm nhé.
 Ông hàng xóm lắc đầu:
 - Tôi chẳng ăn uống gì được đâu. Vả lại trưa nay tôi có chỗ người ta nhờ sang phun thuốc diệt cỏ, chiều tôi mới về.
 Rồi ông hàng xóm tất tả bỏ đi.

 Ngay buổi chiều hôm đó, khi đã đưa tiễn cụ Mạnh Đan và mấy người bạn ra về, tôi sang nhà ông. Căn nhà được chia ra làm hai phần rõ rệt. Một bên là ngôi nhà gạch nhỏ xây nham nhở gọi là để có chỗ cho một gia đình, một bên là gian nhà vách tre đan cũ kỹ tuyềnh toàng, rách nát, như một nơi vừa làm chỗ ở vừa làm cái kho chứa đồ. Ông hàng xóm đang lui cui với mớ củi khô vừa kiếm được vội ngưng tay, nhìn lên. Ông dẫn tôi sang cái trái nhà tranh bên cạnh, không có ghế ngồi, ông thản nhiên mời tôi ngồi trên chiếc giường chỉ rộng hơn chiếc chơng tre vài phân, ông nói:
 - Nhà này là nhà của anh chị tôi cho ở nhờ. Bên kia gia đình anh chị tôi ở với mấy đứa con, còn tôi ở bên này.
 Tôi hiểu đây là "giang sơn" của ông, tôi hỏi:
 - Còn gia đình vợ con ông ở đâu?
 Ông bạn "ngụy" của tôi trả lời buồn tênh:
 - Có vợ con bao giờ đâu?
 - Ủa, vậy ra ông không lập gia đình sao?
 - Không tiền không dám lấy vợ
 Ông lắc đầu chưa trả lời, tôi làm bộ "thông cảm," bởi cứ nghĩ rằng ông cũng như một số gia đình khác, tan vỡ sau 30-4-75:
 - Chắc là hai anh chị lại có chuyện sau khi mình "tan hàng"?
 - Không, hồi còn là lính quân y, tôi mới có hơn 20 tuổi, chưa vợ con gì hết. Sau này thì... đói dài, không dám lấy vợ và cũng chẳng ai thèm lấy mình.
 - Ông "mặc cảm" thế chứ, bộ những anh nghèo đều không có vợ hết sao?
 Ông hàng xóm của tôi cười:
 - Không phải thế, nhưng... đúng là như thế.
 Chúng tôi im lặng và một lát sau tôi được nghe câu chuyện về cuộc đời trôi nổi của người lính quân y xưa này.

 Hạ sĩ Phạm Văn Phước thuộc đại đội Quân Y 214, năm 1975 đại đội được biệt phái cho Trung đoàn 33, Sư đoàn 21 Bộ binh. Đồn trú tại Trà Nóc - Cần Thợ Ngày 30-4- 75, còn ở đơn vị. Sau đó anh "chạy" về nhà ông anh ở Sàigòn. Nhưng cuộc sống khó khăn, nhất là không có hộ khẩu ở thành phố nên anh lại phải về quê cũ ở Dĩ An. Nhà anh ở xã Bình An, sát nghĩa trang Quân đội. Hàng ngày anh nhìn cảnh ngày một hoang tàn của những nấm mồ đồng đội mà ngậm ngùi, chẳng biết làm gì hơn. Đôi khi anh cứ nghĩ bây giờ anh cũng như họ, bị bỏ quên và ngày một hoang tàn, cô lập với cuộc sống bên ngoài.

 Gia đình anh có một miếng đất hương hỏa từ đời cha ông để lại, nhưng với "thành phần" của anh, xin mãi không ai trả lại. Người ta cứ "hồn nhiên" lấy làm việc khác, gia đình anh cũng chỉ trơ mắt nhìn, không làm gì được. Và để khỏi lôi thôi, người ta "mời" anh đi vùng kinh tế mới, cũng như gia đình anh thợ sắp chữ Lê Văn Một.

 Nói là "mời" cho ra vẻ tử tế thế thôi chứ "ủy ban" đã mời thì không khác gì ra lệnh cho anh phải đị Thế là anh khăn gói quả mướp lên đường. Họ chỉ đâu thì đi đấy, chứ có biết nơi nào đâu mà chọn. Mà có chọn cũng thế thôi.

 Anh lên Đồng Xoài 3 năm, làm đủ thứ, trồng đủ mọi loại, vẫn không kiếm đủ cái ăn, anh tìm đường về Lộc Ninh sống với gia đình ông anh. Cũng may lúc đó vợ chồng người anh của anh có tí chữ nghĩa nên cả hai được làm chân thư ký ở xã Lộc Thắng (tức là xã Lộc Thái bây giờ), nhà cũng đủ miếng ăn. Nhưng anh thì ra sức đi làm mướn cho tất cả những nhà vườn ở đây. Và cuộc sống cứ thế trôi đi, hai chục năm nay, căn nhà của gia đình anh chị anh chỉ ngày một cũ đi. Mảnh vườn nhỏ không đủ sống, nhất là từ khi cây tiêu rớt giá thê thảm thì bà chị dâu đã phải bươn chải lên thành phố đi làm công cho người khác. Còn anh, hàng ngày đi làm mướn, ngày đực ngày cái. Đôi khi phải vọt sang xã khác, huyện khác để làm vài ba ngày rồi lại trở về.

 Tôi cắt ngang, hỏi nhỏ:
 - Còn chuyện gia đình, có thật là anh sợ cái nghèo nên không lấy vợ hay còn lý do nào khác? Tôi thấy tướng tá anh như thế này, chắc chắn khi còn trẻ, anh đẹp trai lắm chứ.
 Anh lắc đầu:
 - Chẳng còn lý do nào cả. Lắm lúc cũng "ham" lấy vợ lắm chứ. Nhưng "là thằng lính cũ" sơ sác, nghèo đói te tua, cứ tránh đi là hơn.
 Thế không có cô nào để ý để "bắt hồn" anh à?
 - Cũng có đấy chứ, nhưng tôi không dám. Lấy vợ rồi ở đâu, ăn bằng gì? Cứ nhìn cái cảnh ông anh bà chị tôi lo ăn lo ở cho mấy đứa con thôi, tôi cũng đã phát sợ rồi.
 - Thế năm còn là lính quân y, anh bao nhiêu tuổi?
 - Hai mươi lăm.
 - Vậy là năm nay anh 55? Còn trẻ chán.

 Giữa lúc đó người anh của anh cũng vừa về đến nhà, ông góp chuyện:
 - Chúng tôi cũng muốn cho chú ấy lập gia đình đàng hoàng nhưng thật sự là không lo nổi. Cả mười năm nay rồi, có vài đám, hai bên đều có vẻ ưng nhau, nhưng rồi tính đi tính lại, cả hai bên đều sợ làm không đủ ăn nên đám nào cũng "rã" hết. Chú ấy là dân ăn học ngày xưa, đi lính quân y, có biết làm gì nữa đâu. Vả lại cơ thể lại rất yếu, bệnh tật luôn, chưa đủ tiền uống thuốc, nói gì đến chuyện vợ con. Có khi, chú ấy đi làm được nửa buổi đã phải bỏ về nằm thở.
 Lúc đó Phước mới nói:
 - Hôm tôi đi xe với ông là đi chữa bệnh tim mạch đấy.
 Ông anh lại cho biết thêm:
 - Nhưng bệnh chưa khỏi đã phải bỏ về từ một tuần nay vì hết tiền. Chúng tôi cũng đã cố gắng lắm, nhưng cũng chỉ lo được đến thế thôi. Bây giờ mỗi ngày chú ấy chỉ sang quét dọn cho nhà trước mặt, mỗi tháng được đúng một trăm ngàn, chứ chưa thể làm gì thêm được nữa cả. Phải chữa cho khỏi bệnh đã, đi làm mướn cho người ta có khi làm nặng, nằm vật ra là "đi" luôn không chừng. Có hôm nó định đi làm, nhưng vợ chồng tôi không cho đi.
 Cứ coi như tôi chết từ ngày 30-4-75
 Phước ngồi lặng, đôi mắt chớp mau sau cặp kính trắng. Khi ông anh ra nhà ngoài rồi anh mới nói:
 - Tôi không muốn ông anh bà chị tôi phải lo cho tôi nhiều quá trong khi gia đình ông ấy cũng không đủ ăn.
 Tôi đề nghị anh sang nhà tôi làm, nhưng anh lắc đầu:
 - Sang nhà ông ngay trước mặt để ông anh tôi lại sang lôi về à? Thôi, ông cứ để mặc tôi. Còn sống được qua cơn bệnh tật này thì sống, mà chết thì cũng cứ kể như tôi chết từ hồi tháng Tư bảy lăm cho xong. Đôi lúc tôi vẫn nghĩ thế ông ạ.
 Thật ra đây cũng là ý nghĩ của tôi trong một thời kỳ đói rách nên tôi thông cảm sâu sắc với những gì đang diễn ra trong tâm tình người lính cô đơn đó. Nhưng "bỏ mặc anh" thế nào được, tôi phải làm một cái gì chứ?
 Tôi cứ luẩn quẩn với cái ý nghĩ ấy và còn biết bao nhiêu người lính cũ khác nữa, "số phận" cũng đang ở trong tình cảnh như anh Phước mà tôi không biết. Ngồi nói chuyện một lát anh, Phước còn khoe với tôi là anh còn nhớ cả số quân, anh đọc vanh vách với một vẻ rất hãnh diện: 71-135676 và người đại đội trưởng cũ của anh là Đại úy Lê Văn Dũng ở hậu cứ, còn người chỉ huy trực tiếp trung đội biệt phái của anh là Đại đội phó, cũng tên Dũng, nhưng là Trung úy Bùi Văn Dũng.
 Anh hỏi tôi:
 - Lâu lắm tôi không được tin gì của các ông ấy cũng như các đồng ngũ cùng đơn vị cả. Có lẽ các ông ấy cũng đã đi định cư ở nước ngoài rồi?
 - Tôi cũng không rõ nữa, nhưng tôi sẽ tìm cách liên lạc lại với những đồng ngũ cùng đơn vị của anh.
 Anh gật đầu rồi khẽ hỏi lại tôi:
 - Ông có nhớ ngày mai 19 tháng 6 là ngày gì không?
 Dĩ nhiên tôi nhớ, nhưng tôi hỏi anh:
 - Anh cũng nhớ chứ?
 - Tất nhiên, làm sao quên. Ngày Quân Lực!

 Chúng tôi cùng mỉm cười, lòng rộn lên một niềm vui cùng với nỗi lâng lâng kỳ lạ, cái gì đó thức giấc trong lặng lẽ và mênh mông. Rất lâu, cả hai chúng tôi cùng ngồi im, nhìn nắng chiều vàng nhảy múa trên những đọt lá soan như đó là hình ảnh dĩ vãng của mình.

 Vậy ở đây, tôi xin gửi địa chỉ hiện nay của người lính quân y cũ thuộc Đại đội Quân Y 214, Trung đoàn 33, SĐ 21 để nếu các bạn muốn giúp đỡ hoặc liên lạc qua thư từ:
 "Anh Phan Văn Phước, Tổ 1 ấp 5, Xã Lộc Thái, Huyện Lộc Ninh, Tỉnh Bình Phước. VN."

Nguồn: Thằng Mõ

No comments:

Post a Comment