Tuesday, September 20, 2016

Christophe - Nam danh ca nhạc tình Pháp



Audio


Lần đầu tiên, làng nhạc Pháp cho ra mắt bộ toàn tập của Christophe. Tất cả các bài hát của anh được thu thập lại thành một bộ sưu tập, bao gồm tổng cộng là 20 CD, trong đó có 8 album nguyên tác, 9 đĩa đơn và 3 tuyển tập chọn lọc. Đây là dịp để cho chúng ta khám phá lại những tình khúc để đời của nam danh ca người Pháp.

Nổi tiếng là một trong những thần tượng nhạc Pháp những năm 60, Christophe không thoát khỏi được cái hình ảnh của một ca sĩ chuyên hát nhạc trữ tình mà báo chí luôn gán cho anh. Nhưng mấy ai biết rằng Christophe khá am tường về nhạc blues, thích sưu tầm các loại xe đua cũng như nghiên cứu về âm thanh thử nghiệm.

Tên thật là.Daniel Bevilacqua, Christophe sinh năm 1945 ở ngoại ô Paris, trong một gia đình di cư người Ý. Bố anh là một nhà thầu xây cất. Thời còn nhỏ, anh học hành không siêng năng, tánh tình bướng bĩnh mà lại thích chơi bơi lêu lõng, nên nhiều lần bị đuổi học. Cho đến năm 16 tuổi, Christophe phải đổi trường ít nhất là một chục lần. Không còn cách nào khác, gia đình phải đưa anh vào trường nội trú.

Chính vào cái khoảng thời gian này mà Christophe bộc lộ năng khiếu âm nhạc của mình, anh tự học đàn guitar và chơi kèn harmonica. Anh khám phá các tên tuổi nhạc blues như Robert Johnson và nhất là John Lee Hooker. Với sự trỗi dậy của phong trào nhạc rock, cậu bé còn thích nghe các đĩa nhựa của Bill Haley, Little Richard và Elvis Presley.

Đến khi ra trường, anh thành lập vào năm 1961 ban nhạc "Danny Baby & the Hooligans", với ảnh hưởng rất rõ của trường phái Anh Mỹ. Điều này sẽ giúp cho tài năng của Christophe được tỏa sáng vài năm sau đó, khi mà phong trào nhạc trẻ ở Pháp trở nên cực thịnh. Do nam ca sĩ Richard Antony khởi xướng đầu thập niên 60, phong trào này gọi là ‘‘yé yé’’ (phiên âm từ tiếng Mỹ Yeah Yeah) bắt nguồn từ việc chuyển dịch sang tiếng Pháp các ca khúc Anh Mỹ.

Có thể nói là so với các nghệ sĩ cùng thời, Christophe đã đi trước một bước, do anh thích nghiên cứu, nghiền ngẫm hai dòng nhạc blues và rock. Vào đầu năm 1963, anh cho ra mắt đĩa nhạc đầu tay, lấy cảm hứng từ âm nhạc của người Mỹ da đen. Có lẽ cũng vì vậy mà đĩa hát này đã hoàn toàn không thu hút được sự chú ý. Mãi đến giữa năm 1965, anh ghi âm tình khúc Aline với nghệ danh là Christophe, thì lúc đó mới thực sự thành công.

Ở đây phải mở một dấu ngoặc về cái giai thoại xung quanh cái biệt danh Christophe. Số là anh ghi âm bài hát này với nghệ danh ban đầu là Danny (Danny là cách gọi thân mật của Daniel, tên thật của nam ca sĩ). Nhưng vào thời đó đã có một cô người mẫu kiêm ca sĩ tên là Dani. Để tránh sự nhầm lẫn, hãng đĩa quyết định vào giờ chót đổi tên anh từ Danny thành Christophe, mà không vấn ý của nam ca sĩ. Điều đó không ảnh hưởng gì nhiều đến sự thành công của nhạc phẩm Aline. Bản nhạc này trở thành tình khúc của mùa hè năm 1965 với hơn 1 triệu bản được bán chạy.

Từ đó trở đi, sự nghiệp của Christophe cất cánh. Trong vòng 8 năm liền, anh liên tục ăn khách với một loạt bài hát, trong đó tiêu biểu nhất vẫn là các nhạc phẩm Les marionettes (Những con rối), Les amoureux qui passent (Những tình nhân qua đường), Oh mon amour (Ôi người yêu), Main dans la main (Tay trong tay), J’ai entendu la mer (Thầm nghe sóng biển), La vie c'est une histoire d'amour (Đời là một chuyện tình).

Dòng suy tư không nói
Trăn trở chưa thành lời
Nhưng hồn vẫn biết trước
Dù không hề đoán được

Mai này người lên đường
Sớm màn đêm buông xuống
Đếm hoàng hôn chết muộn
Tìm hướng ngày vô phương

Đời, một câu chuyện tình
Gieo hạt tối vào tim
Cho trọn đêm đi kiếm
Tìm đoạn cuối hành trình

Đời, một trang sử tình
Khép kín lật qua nhanh
Hiu quạnh bỗng nhiên thành
Gần ta ngồi bên cạnh

Bóng người qua khung cửa
Hiện về lời tiễn đưa
Xưa kỷ niệm chia đôi
Nay không còn sẻ nửa

Vĩnh biệt, ta không nhận
Mà sao người vẫn trao
Vụt bay cuối chốn nào
Cánh u buồn vô tận

Đời, một câu chuyện tình
Gieo hạt tối vào tim
Cho nhức nhối thầm kín
Kiếp người hết niềm tin

Bản phóng tác của nhạc phẩm La vie c'est une histoire d'amour (Đời là một chuyện tình).

Một khi thành công, Christophe bắt đầu thỏa mãn đam mê sưu tầm của anh : các đĩa nhựa nhạc blues, các máy nghe nhạc juke box và nhất là các kiểu xe hơi đắt tiền. Bộ sưu tập của anh gồm những chiếc Cadillac và hiệu Lamborghini của Ferrari. Sau này, Christophe sẽ sang tác bài hát Enzo để tưởng niệm ngày mất của Enzo Ferrari, người sáng lập hãng xe đua đắt tiền cùng tên.

Năm 1973 đánh dấu một sự chuyển hướng trong lối sáng tác của Christophe. Anh ký hợp đồng với hãng đĩa Dreyfuss, và hợp tác với tác giả Jean Michel Jarre để cho ra đời hai album là Les paradis perdus (Những thiên đường đánh mất) và Les mots bleus (Những dòng chữ màu xanh). Tác giả Jean Michel Jarre (con trai của nhạc sĩ lừng danh Maurice Jarre), lúc đó vẫn chưa nổi tiếng nhưng lần đầu tiên đưa nhạc khí điện tử vào dòng nhạc của Christophe. Hai album này không ăn khách bằng những tập nhạc trước nhưng Christophe lại chinh phục được giới phê bình, vì trong mắt họ, từ khi anh thành danh, Christophe chỉ là một ca sĩ nhạc nhẹ chuyên hát nhạc ủy mị trữ tình chứ chưa được công nhận như một tác giả thực thụ.

Sau đợt trình diễn tại nhà hát Olympia vào năm 1975, Christophe nghỉ hát một thời gian. Anh lập gia đình, có con và vẫn tiếp tục sáng tác cho dù không có một ca khúc ăn khách nào đáng kể. Năm 1980, nhân dịp 15 năm ngày ca khúc Aline ra đời, bản nhạc này được tái bản với một lối hoà âm mới. Một cách bất ngờ, 3 triệu rưỡi bản của tình khúc này được bán chạy.

Lần đầu tiên trong lịch sử nhạc Pháp, một ca khúc tái bản của cùng một ca sĩ ăn khách hơn gấp 3 lần so với kỳ phát hành đầu tiên. Đà thành công này giúp cho Christophe trở lại trên tột đỉnh. Anh lập kỷ lục số bán với tuyển tập mang tựa đề Clichés d’amour (Những bức ảnh chụp tình yêu). Trên album này, anh ghi âm lại nhiều bài cover từng ăn khách qua nhiều giọng ca khác. Trong đó có nhạc phẩm Dernier Baiser (Nụ hôn cuối cùng). Đây là phiên bản tiếng Pháp của bài Besame Mucho, có lời lẽ khác hẳn với phiên bản Embrasse moi mà Dalida ghi âm vài năm trước đó.

Từ năm 1984 trở đi, sức khỏe của Christophe dần dần sa sút. Nhiều vấn đề trong gia đình đời tư khiến anh lâm chứng trầm cảm. Làn sóng nghệ sĩ những năm 80 đè bẹp hẳn các thần tượng nhạc trẻ những năm 60. Chỉ có một vài gương mặt như France Gall, Sylvie Vartan hay Johnny Hallyday mới cầm cự nổi. Christophe không còn hứng thú với việc ghi âm mà lại chuyển qua sáng tác cho một số nghệ sĩ trẻ dưới một bút hiệu khác.

Mãi đến hơn một thập niên sau, Christophe mới trở lại phòng thâu để ghi âm các sang tác mới. Lần này anh đoạn tuyệt hẳn với những gì mà công chúng thường nghe nơi tác giả này. Bằng chứng là, anh chọn tên họ thật của mình là Bevilacqua để đặt tựa cho album. Sau đó, anh tiếp tục trình làng 2 tập nhạc khác mà trong đó, Christophe không hề ghi âm một tình khúc nào với giọng ca của mình.

Điển hình là album Aimer ce que nous sommes (Hãy yêu những gì thật sự là ta), giống hệt như nhạc nền của một bộ phim, gồm hầu hết là những bài không lời, giàu tính thử nghiệm âm thanh, qua đó Christophe phá vỡ cấu trúc thông thường của một bài hát (lời 1-lời 2-điệp khúc-lời 3). Với lối sáng tác này, anh bước vào thế giới của trực giác và cảm quan. Rất nhiều người hâm mộ giọng ca của Christophe trong giai đoạn đầu hoàn toàn bị bỏ rơi. Nhưng đó lại là chủ ý của tác giả : nhân vật Bevilacqua không còn là ca sĩ Christophe ủy mị như thuở nào.

Nhìn lại, Christophe là một nhân vật đa diện, anh tiếp tục ghi âm và sáng tác để thỏa mãn sở thích chứ không còn nhất thiết phải chạy theo sự thành công và số bán trên thị trường. Trong mắt của truyền thông báo chí, nhân vật này thật sự vẫn còn nhiều điều hết sức bí ẩn, nhưng sau bao năm tháng, nhiều ca khúc của anh tiếp tục làm thổn thức hàng triệu con tim, vì dù muốn hay không Christophe vẫn là hiện thân của dòng nhạc Pháp trữ tình : những cảm xúc đầu đời ngất ngây đắm đuối trong điệu thứ ngậm ngùi.

NguỒn: RFI / Tuấn Thảo

No comments:

Post a Comment