Thursday, November 16, 2017

Làng ca nhạc Việt sau 35 năm tại hải ngoại - Thy Nga


Phần 1


Phần 2


Phần 3


Những ngày cuối tháng Tư lại đến . Đối với người Việt ở các phương trời thì những ngày này khơi lại nỗi xót xa về quê hương mà họ đành phải rời xa.

Vào thời điểm này hằng năm, ban Việt ngữ chúng tôi đều có loạt bài xoay quanh những khía cạnh của biến cố 30-tháng-Tư. Thy Nga trong phạm vi mục “Âm nhạc cuối tuần” mời quý vị cùng nghe một số nhận định về tình hình làng ca nhạc sau 35 năm ở hải ngoại.

Khởi sắc với dòng nhạc lưu vong

“Hát cho em nghe bài hát Saigon” nhạc bản của Trần Chí Phúc do chính tác giả đàn và hát.
Nhạc sĩ Trần Chí Phúc với bút hiệu Trần Củng Sơn thường xuyên viết bài về sinh hoạt văn nghệ.

Theo anh nhận định thì:

Nhìn lại 35 năm, cộng đồng hải ngoại đã sáng tác ra một dòng nhạc với chủ đề là lưu vong, tị nạn, vượt biển, thương nhớ Saigon. Chủ đề này sản xuất ra được khoảng một, hai trăm bài có giá trị. Tôi cho đây là dấu ấn đặc biệt nhất của khoảng thời gian từ năm 1975 đến nay. Xa cách cả một đại dương như vậy, cảm xúc, nỗi nhớ nồng nàn lắm cho nên sinh ra dòng nhạc mà tôi cho rất là hay.

Thy Nga: Khởi sắc nhất là vào những năm nào?

Nhạc sĩ Trần Chí Phúc: Về sáng tác những ca khúc mới cũng như trình diễn thì phải nói là thời điểm từ 80 mấy cho đến 90 mấy.

Thy Nga: Sau này thì sao ạ?

Nhạc sĩ Trần Chí Phúc: Nói chung thì có đi xuống vì cuộc sống bây giờ xô bồ hơn, không còn lắng đọng, không còn lãng mạn như ngày xưa nữa vì vậy những sáng tác, ca khúc hay nó không nhiều. Trình diễn thì thế hệ sau này chơi đàn hay hơn.


Và một điểm rất đặc biệt là khi thực hiện băng nhạc, người ở hải ngoại có thể nhờ chuyên viên ngoại quốc về kỹ thuật thu âm, thu hình và có thể nhờ các nhạc sĩ hay của quốc tế chơi đệm cho băng nhạc của mình cho nên nhạc đệm hay hơn. Đó là cái ưu điểm mà ở trong nước không có, người ở hải ngoại có.
 “Những con đường thành phố tôi yêu” quý vị đang nghe Quang Tuấn trình bày ...

Bài này, nhạc sĩ Thanh Trang viết khi trở về Saigon sau 7 năm trời đi cải tạo. Thành phố đã đổi tên, bộ mặt thành phố khác lạ, cũng như mọi thứ bị đảo lộn.

Thơ thẩn trên con đường có ngôi trường thời tiểu học của mình, ông ghi lại tâm trạng qua nhạc bản ấy ...

Tìm người am tường về âm nhạc để hỏi han, thì không thể không nói đến nhạc sĩ Thanh Trang. Thy Nga hỏi xin nhận định của ông về tình hình ca nhạc hải ngoại.

Thiếu yếu tố sáng tác

Nhạc sĩ Thanh Trang:

Tôi thấy là như thế này: Một số nhạc sĩ của thời trước như thế hệ các ông Vũ Thành, Nguyễn Hiền, Văn Phụng, … qua đây, các vị ấy hầu như ngưng sáng tác. Tôi nghĩ có lẽ là do thời thế, chán nản với thời cuộc, người ta cũng không thiết nữa. Rồi chật vật cuộc sống, lo chuyện gia đình, hòa nhập với cuộc sống mới, v.v… Về bài hát thì phần lớn nói về tấm lòng hoài hương, về kỷ niệm khi xưa, những chuyện buồn dĩ vãng, hoặc là tâm tình của mình nhớ nhà, nhớ quê.

“Khóc một dòng sông” nhạc bản của Đức Huy qua giọng hát Ngọc Lan ...



Với giọng hát nhẹ nhàng, dáng dấp thanh lịch xinh đẹp, và phong cách trình diễn rất tây phương, có thể nói Ngọc Lan là một hiện tượng trong giới ca sĩ Việt Nam. Từ hải ngoại về trong nước, người nào cũng say mê nghe cô hát, xem cô trình diễn trong các Video.

Nhạc sĩ Thanh Trang:
Có các nhạc sĩ mới, có những bài ca mới rất xuất sắc nhưng mà trong 35 năm qua, phần lớn chúng ta hát lại những tác phẩm nổi tiếng một thời. Tôi không quan niệm đó là những tác phẩm xưa. Trong âm nhạc, tôi không nghĩ là có cái gì xưa hay mới cả, chỉ có cái hay và cái không hay thôi. Có những cái của thời trước vẫn còn hay, người ta vẫn còn hát hoài, cộng thêm một số các bài mới.

Tình yêu là đề tài chính, người ta viết về tình yêu hiện giờ. Những người lớn tuổi thì viết về tình yêu của thời quá khứ, tấm lòng yêu quê hương đất nước của thời trước.

Thy Nga: Thưa anh, có người cho rằng làng âm nhạc hải ngoại ngày càng tàn lụn vì các nhạc sĩ kỳ cựu không sáng tác nữa do lớn tuổi. Một số các vị này thì đã từ trần.

Theo anh thì các thế hệ nhạc sĩ kế tiếp, liệu có giữ gìn được ngành âm nhạc Việt Nam trên xứ người không?

Nhạc sĩ Thanh Trang: Bên đây cũng có lớp sáng tác trẻ chứ, và ngay cả lớp trung niên cỡ bốn mươi mấy, năm mươi trở lại, qua đây người ta có kinh nghiệm sống, mà cái điều đó tôi cho là rất quan trọng. Hồi xưa, sáng tác ở Saigon, người ta viết về tình yêu nhưng chưa kinh qua những kinh nghiệm ghê gớm của một người đành phải rời quê hương, đi lập nghiệp ở nơi khác. Cuộc sống mới nảy sinh những tình cảm, những suy nghĩ mới. Nếu thế hệ cũ qua bên đây vẫn chưa xuất phát được những cái đó thì thế hệ trẻ của 20, 30 tuổi bây giờ nó từ từ, ta sẽ thấy chứ.

“Liên khúc Tự Do” gồm một số nhạc bản của Nam Lộc và bạn hữu ...

Nam Lộc sinh hoạt ca nhạc bốn mươi mấy năm nay từ Phong Trào Nhạc Trẻ đến sân khấu Trung tâm Asia, từ viết lời Việt cho các nhạc khúc ngoại quốc, đến các bài hát thời đầu tỵ nạn.

Trả lời câu hỏi của Thy Nga là anh nhận định thế nào về tình hình ca nhạc hải ngoại, nhạc sĩ Nam Lộc lấy trường hợp điển hình của DVD mới phát hành của trung tâm Asia mà anh là người góp phần thực hiện và dẫn chương trình.

Thưa chị, DVD “55 năm nhìn lại” của Trung tâm Asia, 2/3 chương trình nói về thời gian trước 1975 từ âm nhạc, cách trình diễn, những lời dẫn giải cho đến hình ảnh, tài liệu đều chú trọng về khoảng thời gian đó. Mà thời gian đó chỉ có khoảng 20 năm tức là từ năm 1954, 55 cho đến 1975 mà thôi. Sau 1975 tức là 35 năm ở hải ngoại thì nó chỉ chiếm khoảng 1/3 chương trình.

Hình bìa Asia DVD 65 - 55 năm nhìn lại Photo: RFA Những sáng tác cũng như cảm nghĩ của thời gian 35 năm này mất đi rất nhiều chiều sâu của bài hát, nội dung của nghệ thuật so với những năm trước đây. Theo tôi là bởi vì bao giờ cũng vậy, khi mà cuộc sống êm đềm, không có chiến tranh, không có xáo trộn xã hội thì cũng thiếu đi nhiều yếu tố để sáng tác, và cũng thiếu đi nhiều chi tiết để có thể dựng nội dung chương trình một cách sâu rộng hơn. Đề tài sáng tác và đề tài trình diễn cũng bi thu hẹp ở trong hoàn cảnh nào đó. 20 năm trước 1975 dù chỉ một thời gian ngắn ngủi nhưng có lẽ, gia tài về âm nhạc, về văn học nghệ thuật, chúng ta có thể xử dụng suốt cả cuộc đời về sau này vẫn không hết được, bởi thời gian đó có nhiều yếu tố để sáng tác.

Nói tóm lại, 35 năm gần đây, nền ca nhạc hải ngoại trong lãnh vực sáng tác cũng như chủ đề sáng tác có vẻ không được sung túc bằng trước 1975 nhưng ngược lai, về yếu tố nghệ thuật, về trình diễn cũng như nghệ thuật sáng tác, nhạc lý rất phong phú so với trưóc đây. Các nhạc sĩ bây giờ, sáng tác của họ cũng giầu có hơn thời trưóc. Nhưng chỉ có một điều là người Việt đa số không bận tâm lắm về kỹ thuật âm nhạc, mà chỉ để ý đến lời cũng như chiều sâu của bài hát, tình tự của bài hát vì thế, mặc dù kỹ thuật cũng như kiến thức về âm nhạc thì cao nhưng chưa chắc thu hút được thính giả đông như bằng những ca khúc đã sáng tác trước 1975.

Nguồn: RFA / Thy Nga

No comments:

Post a Comment