Bắc Triều Tiên, Iran, Miến Điện, Syria, làn sóng tị nạn, khủng bố quốc tế… Từ ngày thành lập, chưa bao giờ Liên Hiệp Quốc đối phó với nhiều khủng hoảng nghiêm trọng như thế. Tuy nhiên, trong kỳ họp Đại Hội Đồng lần thứ 72 khai mạc vào ngày 19/09/2017 tại New York, Liên Hiệp Quốc đối đầu trước khủng hoảng của chính mình : Cạn nguồn tài chính. Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định gây sức ép để định chế quốc tế này phải cải cách và giảm chi ngân sách.
Tại New York, cuối cùng Mỹ cũng thuyết phục được nước Pháp, bất bình vì không được tham khảo ý kiến, ký vào bản tuyên bố chính trị 10 điểm bên cạnh 130 thành viên thúc giục Liên Hiệp Quốc cải tổ guồng máy hoạt động vài giờ trước khi Đại Hội Đồng lần thứ 72 khai mạc phiên họp khoáng đại.
Về phần Liên Hiệp Quốc, tổng thư ký Antonio Guterres, nhà chính trị lão luyện của Bồ Đào Nha cũng tung ra một loạt biện pháp cải thiện hoạt động từ quản trị nhân sự, điều hợp các cơ quan khác nhau đặc trách lãnh vực an ninh và hòa bình.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần đe dọa cắt giảm phần đóng góp của Mỹ từ ngân sách hoạt động cho đến các chiến dịch duy trì hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Theo vị tổng thống doanh nhân này thì cơ quan quốc tế có hai căn bệnh trầm kha : Một là quản lý kém và hai là bộ máy điều hành thiếu hiệu năng, tiền chi ra thì nhiều mà hiệu quả chẳng bao nhiêu.
Theo AFP, 130 nước ký vào tuyên bố chính trị 10 điểm cam kết làm cho Liên Hiệp Quốc có hiệu năng cao và hiệu quả tốt.
Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như bỏ qua lời lẽ phê phán trịch thượng coi Liên Hiệp Quốc là một « câu lạc bộ giải lao ». Một ngày trước khi đọc thông điệp ở Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, tổng thống Mỹ ca ngợi và ủng hộ « những mục tiêu chân thành và cao thượng » nền tảng của Liên Hiệp Quốc. Sau đó ông mới định bệnh « do thiếu hiệu năng và do tình trạng quan liêu » cho nên dù ngân sách tăng 140%, dù nhân lực tăng gắp đôi từ năm 2000, Liên Hiệp Quốc không đem lại kết quả như mong muốn.
Chủ nhân Nhà Trắng đề nghị tập trung vào nạn nhân cần được cứu trợ hơn là bổ sung nhân sự. Trong phần trình bày dự án cải cách Liên Hiệp Quốc, tổng thống Mỹ cho biết là muốn giảm phần đóng góp « quá cao » của Mỹ để « không một thành viên nào bị thiệt thòi khi đứng ra gánh vác trách nhiệm quân sự hay tài chính ».
Hoa Kỳ là quốc gia đóng góp cao nhất cho Liên Hiệp Quốc bỏ xa Trung Quốc và Nga cũng như Anh, Pháp, Đức, Nhật. Một mình Washington cung cấp 28,5% trong số 7,3 tỷ đôla chi phí cho các chiến dịch quốc tế và 22% trong số 5,4 tỷ cho ngân sách hoạt động.
Sự kiện bản tuyên bố do Washington soạn thảo không nói rõ là sẽ cắt giảm bao nhiêu mà chỉ đề cập đến nguyên tắc tiết kiệm là một chiến thuật khôn khéo, vận động được sự đồng thuận của các nước ký kết và của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc.
Chiến thuật này cho phép hóa giải xung khắc giữa chính quyền Trump và Liên Hiệp Quốc, thiết lập mối quan hệ tin cậy lẫn nhau « với giá thấp » theo nhận định của tổng thư ký Guterres. Nhất cử lưỡng tiện, tổng thống Mỹ có thể chứng minh với cử tri bảo thủ là ông đã thành công buộc Liên Hiệp Quốc giảm chi để bớt gánh nặng tài chính cho công dân Mỹ.
Trên thực tế, theo một nhà ngoại giao Tây phương, Hoa Kỳ thực tâm không muốn giảm nhiều phần đóng góp vì như thế sẽ giảm ảnh hưởng đối với Trung Quốc trong thế trận đa cực. Giải pháp tối ưu là thương lượng nâng cao mức trần đóng góp của tất cả 193 thành viên.
Nguồn: RFI/Tú Anh
(Đăng ngày 19-09-2017)
No comments:
Post a Comment