Trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân, chính phủ Anh đã xây dựng sẵn ít nhất là một hầm trú ẩn ở trung tâm London, hầm có tên là Pindar.
Pindar được lấy theo tên của một nhà thơ thời Hy Lạp cổ đại. Tuy nhiên, ý nghĩa ẩn dụ đằng sau cái tên này thật sự đáng sợ.
Người ta nói rằng vào năm 335 trước Công nguyên, Alexander Đại đế đã phá hủy toàn bộ thành phố Thebes và chỉ chừa lại duy nhất nhà của thi sĩ Pindar để tỏ lòng cảm kích trước những bài thơ ca ngợi tổ tiên nhà vua Hy Lạp cổ đại.
Ngụ ý của cái tên Pinda là dù London có bị san bằng trong chiến tranh hạt nhân thì hầm trú ẩn này vẫn tồn tại.
Cho tới nay, chỉ có hiếm hoi một vài tấm ảnh chụp Pindar được công bố và xác nhận bởi Bộ Quốc phòng Anh - mà chúng được chụp và xác nhận chỉ là do giới chức buộc phải tuân theo Luật Tự do thông tin.
Cũng như những cơ quan quân sự tối mật khác, Pindar có vai trò đảm bảo "sự tiếp tục tồn tại và hoạt động của chính phủ" ngay cả sau những thảm họa khủng khiếp.
Việc các lãnh đạo quân sự và các nhà chính trị cấp cao có thể tránh được thảm họa là một chuyện, nhưng còn quần chúng mà họ đại diện và có nghĩa vụ bảo vệ thì sao? Liệu chúng ta đã được chuẩn bị?
Đó là câu hỏi mà Alex Wellerstein từ Viện công nghệ Stevens ở New Jersey trăn trở nhất. Ông nói, "sự tiếp tục của chính phủ ư? Tôi không quan tâm, đó là vấn đề của họ."
Wellerstein tuyên bố gần đây rằng ông và các đồng nghiệp đang tham gia vào một dự án nhằm tái thiết kế hệ thống phòng vệ dân sự. Hệ thống này nhằm giúp cộng đồng bảo vệ chính mình trong trường hợp bị tấn công quân sự hoặc có thảm họa thiên nhiên.
Phòng vệ dân sự đã được thảo luận rất nhiều trong suốt thời Chiến tranh Lạnh, khi mà mối đe dọa nổ ra chiến tranh hạt nhân hình thành cả một nền văn hoá và là đề tài phổ biến trong chính trường.
Ngày nay, chúng ta không còn nói nhiều về việc thả bom hay hậu quả của việc đó. Tuy nhiên, điều này cần phải được thay đổi, Wellerstein nói.
Hiện trên thế giới còn khoảng 15 nghìn vũ khí hạt nhân, phần lớn là của Mỹ và Nga. Lãnh đạo hai nước gần đây đều thừa nhận rằng mối quan hệ song phương đang đi xuống tới mức báo động.
Mặc dù Wellerstein công nhận rằng việc xảy ra chiến tranh hạt nhân hoặc những vụ kích hoạt vũ khí hạt nhân quy mô nhỏ bởi một số quốc gia hay nhóm khủng bố là gần như không thể, nhưng ông tin rằng việc được chuẩn bị trước vẫn là rất cần thiết.
Một trong những dự án trước đó của ông là Nukemap: một phiên bản của Google Map nhưng được bổ sung thông tin để giúp người dùng hiểu hơn về những ảnh hưởng cơ bản của các vụ nổ hạt nhân tới bất kì vị trí nào trên Trái Đất, gồm cả những thành phố lớn.
Mục đích của dự án là để khuyến khích mọi người quen thuộc với những mối đe dọa hạt nhân. Trong thực tế, nhiều người đã nhạo báng tầm quan trọng của phòng vệ dân sự. "Họ thích thú cười giễu việc này," ông giải thích. Hiện ông đang có kế hoạch tạo ra những công cụ gây tác động mạnh mẽ hơn.
Ông nói: "Bạn hãy tưởng tượng đang đeo một bộ kính thực tế ảo và ngắm các toà nhà chọc trời ở Manhattan. Thế rồi bất chợt thành phố bị tấn công bởi vũ khí hạt nhân. Hãy tưởng tượng bạn nhìn thấy đám mây hình nấm đang tiến đến gần."
"Điều đó có khiến cho việc phòng vệ trở nên hữu hình hơn không?"
Dự án mới của ông sẽ bao gồm nhiều công cụ phục vụ mục đích tương tự, ông nói. Ví dụ, ông gợi ý có thể in các sách đồ họa được thiết kế để truyền kiến thức về những gì có thể làm nhằm tăng khả năng sống sót sau cuộc tấn công hạt nhân.
Những lời khuyên này có thể chỉ đơn giản như hãy ở trong nhà thay vì cố lái xe ra khỏi vùng bị ảnh hưởng. Bởi vì trong những trường hợp khẩn cấp giao thông thường bị tắc, chẳng hạn như sau những cảnh báo bão. Và bởi vì khi bom hạt nhân nổ, nó sẽ hút rất nhiều bụi, mảnh vỡ và chiếu xạ chúng trước khi nhả chúng ra khắp các khu vực lân cận.
"Sự an toàn tăng lên đáng kể khi ở trong nhà," ông Wellerstein giải thích. "Khả năng tránh được nhiễm bức xạ sẽ tăng lên nhiều lần khi bạn ở trong nhà."
Ở Nhật, một số khu vực đã bắt đầu tập dượt cho các cuộc tấn công hạt nhân. Chính quyền Hawaii cũng như một số lãnh đạo địa phương ở bờ biển phía Tây nước Mỹ đã phổ biến cho người dân về những việc phải làm khi xảy ra vụ nổ hạt nhân.
Một trong các khu vực trực tiếp bị đe dọa bởi Bắc Hàn là đảo Guam gần đây cũng đã ban hành các hướng dẫn về cách đối phó với bức xạ. Bộ Nội An Hoa Kỳ gần đây cũng thiết kế lại trang web với tên gọi Ready.gov, trong đó bao gồm một mục về các vụ nổ hạt nhân.
Ở nhiều nước khác, tầm quan trọng của phòng vệ dân sự đã không được đưa vào chương trình nghị sự trong những năm gần đây.
Tính đến thập niên 1980, nước Anh từng phát triển một hệ thống những biện pháp phòng vệ dân sự, trong đó bao gồm các cơ quan kiểm soát địa phương trên cả nước - góp phần đảm bảo sự tồn tại của chính quyền. Những biện pháp khác như còi báo động phòng không và các chiến dịch phổ biến thông tin đã được truyền đạt trực tiếp tới cộng đồng. Ví dụ như còi báo động đã được đặt ở hàng nghìn địa điểm. Chúng được dùng để cảnh báo về một cuộc tấn công hạt nhân đang đến hoặc khi mức độ của bức xạ đã giảm.
Liệu các cơ sở hạ tầng ở thời kì Chiến tranh Lạnh có trở nên hữu ích nếu một cuộc tấn công hạt nhân xảy ra trong quá khứ? May mắn thay, chúng chưa bao giờ có cơ hội được kiểm chứng ở thực tế.
"Vấn đề là một thảm hoạ hạt nhân sẽ rất khác so với những trường hợp khẩn cấp khác," Patricia Lewis, giám đốc phòng an ninh quốc tế ở Viện chính sách Chatham House nói.
Trong quá khứ, phòng vệ dân sự ở Anh được đầu tư rất ít, bị giới hạn phạm vi hoạt động và có khả năng nhận định các mối đe doạ khá trễ, theo nhà sử học Matthew Grant từ Đại học Essex, người đã nêu vấn đề trong cuốn sách "After the Bomb, Civil Defense and Nuclear War in Britain, 1945 - 1968".
Và như Jennifer Cole từ Viện nghiên cứu Hoàng gia RUSI giải thích, thì chiến tranh hạt nhân đã không còn là một trong các "Mối đe dọa mang tầm cỡ quốc gia", dù nguy cơ xảy ra nổ bom hạt nhân do các nhóm khủng bố thực hiện được cho là "thấp nhưng không thể bỏ qua".
"Chúng ta không ở trong thời kì Chiến tranh Lạnh - giai đoạn đỉnh cao của các mối đe doạ," ông nói.
Bởi không có nhiều các mối đe doạ này nên phần lớn các kế hoạch và sự chuẩn bị bởi chính phủ ở Thế kỷ 20 hoặc là đã giảm dần hoặc được sát nhập vào công tác chuẩn bị cho những thảm họa khác.
Những kế hoạch đối phó với lụt, khủng bố, là các thảm hoạ có thể lấy đi sinh mạng rất nhiều người, đã được trích từ kế hoạch ứng phó với thảm hoạ hạt nhân của thời Chiến tranh Lạnh, bà Cole nói.
Vậy còn ở hiện tại thì sao? Những quy định chính ở Anh được nêu trong trong 'Reppir' - các Quy định về Bức xạ.
Lấy Portsmouth và Southampton làm ví dụ. Cả hai thành phố đều là nơi tàu ngầm hạt nhân có thể cập bến. Vì thế, hội đồng thành phố đã truyền đạt đến cư dân địa phương một kế hoạch chi tiết trong trường hợp rò rỉ bức xạ, trong đó nhấn mạnh nhiều lần rằng các lò phản ứng hạt nhân cũng có thể gây ra một vụ nổ hạt nhân.
Căn cứ quân sự ở Portsmouth còn có còi báo động phòng không cũ vẫn được kiểm tra thường xuyên. Ở một số nơi khác tại Anh, hệ thống còi báo động phòng không cũng được lắp đặt để cảnh báo mối đe dọa hóa học từ các nhà máy.
Câu hỏi liệu chúng ta có thể làm được những gì để giảm hậu quả của bom hạt nhân vẫn còn là vấn đề gây trăn trở.
Chắc chắn trên thế giới vẫn còn nhiều hầm trú ẩn hạt nhân, bao gồm cả New York. Nhưng ở nhiều nơi, những địa điểm như vậy đã bị chuyển thành các cơ sở khác và không còn phù hợp là nơi trú ẩn trong hoàn cảnh xảy ra thảm hoạ hạt nhân.
Ủy ban Quốc tế của Hội Chữ Thập Đỏ (ICRC) thường xuyên cân nhắc những hình thức ứng phó tại từng quốc gia trước các loại thiên tai - bao gồm vũ khí hạt nhân.
Johnny Nehme, người đứng đầu bộ phận rò rỉ chất độc từ vũ khí cho biết chúng ta gần như không thể làm bất cứ gì trong khoảng thời gian vài phút sau khi thảm hoạ xảy ra.
"Sự trợ giúp nhân đạo mà tôi thấy thì chỉ có thể diễn ra sau đó hàng tuần."
Những hậu quả khủng khiếp của việc tấn công vũ khí hạt nhân ở các thành phố hiện đại và khả năng ứng phó hạn chế của các tổ chức nhân đạo, dịch vụ khẩn cấp và chính quyền khiến tình cảnh có thể trở nên vô vọng.
Nhưng theo Alex Wellerstein và nhiều người ủng hộ phòng vệ dân sự khác, vẫn có một tia hi vọng: Khả năng sống sót của người dân sẽ cao hơn nếu họ được chuẩn bị tốt và thông báo kịp thời.
Thảm họa hạt nhân không phải là thứ mà bất kỳ ai muốn nghĩ tới. Nhưng nếu nó xảy ra, việc nghĩ về nó trước, dù là rất ít - có thể sẽ cho ta cơ hội sống sót tốt nhất.
Nguồn: BBC / Chris Baraniuk
No comments:
Post a Comment