Nhạc sĩ của chúng ta có rất nhiều họ Hoàng: Hoàng Dương, Hoàng Giác, Hoàng Trọng, Hoàng Nguyên....
Ba người trước gần như xuất hiện cùng một lượt, riêng Hoàng Nguyên muộn hơn một chút, nhưng cũng vẫn trong thập niên 45-55, thời kỳ rực rỡ của nền tân nhạc Việt Nam.
Nhớ lại, trong một chương trình Đố Vui Để Học ở Sài Gòn trước 75, thầy Cao Thanh Tùng có hỏi các thí sinh một câu liên quan đến nhân vật lịch sử Cao Thắng, sau khi nghe trả lời, ông đã nói thêm: “Họ Cao vốn nhiều người có tài”.
Như thế bên cạnh họ Cao chúng ta có thể kể thêm họ Hoàng nữa.
Hoàng Dương, cho tới hiện nay chỉ có hai ca khúc được phổ biến đó là các bài Tiếc Thu và Hướng Về Hà Nội, nếu không kể đến mấy bài của Hoàng Trọng do ông viết lời ca như Nhạc Sầu Tương Tư, Vui Cảnh Mùa Hè....
Tuy cả hai bài Tiếc Thu, Hướng Về Hà Nội và mấy ca khúc của Hoàng Trọng do ông viết lời đều là những bài hát hay cả, nhưng tên tuổi Hoàng Dương vẫn được nhớ tới nhiều nhất với Hướng Về Hà Nội.
Dĩ nhiên, một tác phẩm tồn tại được, trước hết, chính là do giá trị nghệ thuật của nó.
Thế nhưng hoàn cảnh lịch sử cũng đóng một vai trò quan trọng đối với bài hát của Hoàng Dương.
Đó là những ngày tháng Hà Nội sắp mất.
Người ta đang sửa soạn ký với nhau một hiệp định chia đôi Việt Nam ở một nơi nào đó gọi là Genève.
Hà Nội trong những ngày tháng ấy giống như một cơ thể mắc chứng hoại huyết. Xanh xao. Vàng vọt. Người ta bỏ đi. Người ta chạy trốn. Người “bên ngoài” (hậu phương) đã về trộn với người “bên trong” (Hà Nội). Người ta hân hoan. Người ta giấu giếm. Người ta sợ hãi. Úp úp. Mở mở.
Hà Nội bị xé đôi bằng ngay nỗi vui mừng và kinh hoàng thấm nhập cùng một lúc vào lòng người Hà Nội trước khi nó thuộc về cái phần đất nước bị cắt đôi.
Hà Nội đẹp.
Hà Nội buồn.
Hà Nội lãng mạn hay thực tế cũng sẽ mất như những đám sương mù tháng bẩy đang xóa bỏ nó.
Người ta phải nói lời giã từ Hà Nội.
Gọi hồn Hà Nội
Hoàng Dương đã chọn ở lại Hà Nội.
Bài hát của ông có cả cái xa và cái gần Hà Nội, có cái ngọt ngào của một bản tình ca, cái não nùng của một cuộc chia lìa.
Cho người ở lại dấu nó trong lòng.
Cho người ra đi hát như một lời gọi vói.
Bài Hướng Về Hà Nội đã được rất nhiều ca sĩ trình bầy.
Nhưng người hát và người nghe có thể có những tâm trạng khác nhau.
Những người hát từng sống ở Hà Nội vào đúng cái thời bài hát được viết ra hẳn khác với những người hát chỉ biết Hà Nội trong tưởng tượng hay nhìn thấy Hà Nội thật bây giờ.
Người nghe cũng vậy.
Đối với những thính giả Hà Nội cũ thì người hát Hướng Về Hà Nội ra được nhiều chất Hà Nội khi ấy nhất là Duy Trác.
Nghe Lê Dung, một trong những ca sĩ tài hoa của Hà Nội, được đào tạo tại Hà Nội, trình bầy bài hát này, người ta thấy một Hà Nội khác, không phải cái Hà Nội trong bài hát của Hoàng Dương.
Khác chứ không phải hay, dở.
Bởi vì nó tạo ra một vẻ đẹp khác.
Mới có chừng vài chục năm qua, nhưng hầu hết các băng, đĩa thâu thanh bài Hướng Về Hà Nội lời ca đều sai.
Bài thâu thanh của Lê Dung ở ngay Hà Nội, nơi Hoàng Dương hiện còn đang sống, lại càng sai.
Chỉ nói tới những cái sai có làm thay đổi hẳn ý nghĩa của câu hát, chẳng hạn như câu “Thanh bình tiếng ‘guốc’ reo vui” thường lại được đổi thành “Thanh bình tiếng ‘hát’ reo vui”
Có những tiếng động làm nên một phần của thành phố.
Và trong trường hợp bài hát của Hoàng Dương không thể đổi “tiếng guốc” thành “tiếng hát” được.
Sau đây là lời của bài hát, do Duy Trác hát, dựa theo ấn bản lần đầu:
Hướng Về Hà Nội
Hà Nội ơi ! Hướng về thành phố xa xôi
Ánh đèn giăng mắc muôn nơi
Áo màu tung gió chơi vơi
Hà Nội ơi ! Phố phường giãi ánh trăng mơ
Liễu mềm nhủ gió gây thơ
Thấu chăng lòng khách bơ vơ
Hà Nội ơi! Những ngày vui đã ra đi
Biết người còn nhớ nhung chi
Hết rồi giây phút phân ly
Hà Nội ơi! Dáng huyền tha thướt đê mê,
Tóc thề thả gió lê thê
Biết đâu ngày ấy anh về
Một ngày mùa chinh chiến ấy
Chim đã xa bầy mịt mờ bên trời bay
Một ngày tả tơi hoa lá,
Ngóng trông về xa
Luyến thương hình bóng qua
Hà Nội ơi! Nước hồ là ánh gương soi,
Nắng hè tô thắm lên môi
Thanh bình tiếng guốc reo vui
Hà Nội ơi! Kiếp đời muôn hướng buông trôi
Nhớ về người những đêm rơi
Nhắn theo ngàn cánh chim trời
Hà Nội ơi! Hướng về thành phố xa xưa,
Mắt buồn dâng những đêm mưa,
Não nùng mây gió đong đưa
Hà Nội ơi! Nỗi lòng gởi gấm cho nhau,
Nhớ hoài chỉ biết thương đau,
Đắm say chờ những kiếp sau.
Hà Nội ơi! những ngày thơ ấu trôi qua,
Mái trường phượng vĩ dâng hoa
Dáng chiều ủ bóng tiên nga.
Hà Nội ơi! Mắt huyền ngây ngất đê mê,
Tóc thề thả gió lê thê,
Cứ tin ngày ấy anh về
Một ngày tàn hương chinh chiến,
Lửa khói lắng chìm
Tìm về nơi bờ bến
Một ngày hồng tươi hoa lá
Hát câu tình ca
Nói lên lời thiết tha
Hà Nội ơi! Biết người còn có trông mong,
Hướng về ai nữa hay không
Những ngày xa vắng bên sông.
Hà Nội ơi! Những chiều sương gió dâng khơi
Có người lặng ngắm mây trôi,
Biết bao là nhớ tơi bời ...
Hà Nội hiện nay đã thay đổi, đã không còn chút gì giống với cái Hà Nội trong nhạc Hoàng Dương nữa.
Có gì bền vững với thời gian?
Một tiếng guốc khua thì có nghĩa gì nhỉ?
Vậy tại sao người ta vẫn cứ buồn khi nghe lại ca khúc ấy?
Nguyễn Đình Toàn
*****************************************************************************************
Mời bạn nghe lại phần phát thanh về Nhạc sĩ Hoàng Dương do Hoài Nam phát trong chương trình 70 năm Tình Ca Việt Nam
Nhạc sĩ Hoàng Dương
(12/10/1933 Hà Nội - 30/01/2017)
Những tình khúc tiêu biểu:
Nhắn Gío Chiều
Dạ Khúc
Hướng Về Hà Nội
Nhạc Sầu Tương Tư
No comments:
Post a Comment