Monday, January 23, 2017

Những năm Dậu với những biến cố đáng ghi nhớ trong lịch sử Việt Nam

Họa sĩ Iko Jakuchu 2/3/1716 – 27/10/1800

“Ôn cố nhi tri tân”, tìm đọc lại những bài học cũ để qui hoạch cho đường lối mới luôn luôn là điều dạy khôn ngoan của cổ nhân. Nhân năm mới Đinh Dậu, chúng ta thử lần giở lại vài trang sử cũ của nước nhà để tìm trong ấy may ra có học được một bài học nào của tiền nhân không?

Con cháu các cụ ngày nay, dù trong nước hay ở hải ngoại, càng cần đọc sử, học sử để nhớ nguồn nhớ cội, để không mất gốc, để duy trì mãi cái dòng giống khởi từ mười tám đời vua Hùng và tổ mẫu Âu Cơ, đã từng dựng nước, giữ nước, chống chõi nhiều lần với quân thù để giữ yên và mở mang bờ cõi. Là con cháu, chúng ta quyết phải bảo vệ từng tấc đất tổ tiên giao lại, bành trướng thế lực, mưu cầu an lạc hạnh phúc cho trăm họ, biến mảnh đất hoang sơ của tiền nhân thành nơi hoa gấm, tươi đẹp, an bình cho mọi con dân Việt sinh sống. Ðó mới chính là cái triết lí thâm sâu cốt lõi của việc “ôn cố nhi tri tân” vậy.

Sau đây là một số biến cố đáng ghi trong các năm Dậu

Năm Ất Dậu (1226):

Nguyên vua Lý Huệ tông không có con trai, chỉ sinh được hai người con gái. Người chị là Thuận thiên công chúa đã gả cho Trần Liễu là con trưởng của Trần Thừa; còn người em là Chiêu thánh công chúa, tên là Phật Kim, Huệ tông yêu mến lắm, nên mới lập làm Thái tử lúc lên 7 tuổi. Tháng 10 năm Giáp thân (1224) Huệ tông truyền ngôi cho Chiêu thánh công chúa rồi vào ở chùa Chân giáo. Huệ tông trị vì được 14 năm.

Chiêu thánh công chúa lên ngôi, tức là vua Lý Chiêu hoàng (1224-1225). Bấy giờ quyền chính đều ở cả trong tay Ðiện tiền chỉ huy sứ là Trần thủ Ðộ, em họ của hoàng hậu. Không bao lâu, Trần thủ Ðộ tư thông với Trần thái hậu (tức Trần thị, vợ Lý Huệ tông), đêm ngày tìm mưu lấy cơ nghiệp của nhà Lý. Trần thủ Ðộ cho cháu là Trần Cảnh vào cung làm chức Chính thủ.

Ðến tháng chạp năm Ất Dâu (1226), do sự sắp xếp của Trần thủ Ðộ, Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh và truyền ngôi cho chồng.
Nhà Lý đến đấy là hết, làm vua đuợc 216 năm, truyền ngôi được 9 đời.


Năm Ất Dậu (1285):
Ðời vua Trần Nhân tông, Hưng Ðạo vương Trần quốc Tuấn cùng dân quân nhà Trần đánh tan 50 vạn quân Nguyên (Mông cổ) chỉ trong 6 tháng, từ tháng chạp năm giáp thân (1284) đến tháng 6 năm Ất Dậu (1285). Thái tử Mông cổ là Thoát Hoan cùng các tướng A bát Xích, Ô mã Nhi và Phàn Tiếp chạy thoát về Tàu được. Toa Ðô và Lý Quán bị giết trong trận.


Năm Ất Dậu (1405):
Nhà Minh sai sứ sang đòi đất Lộc Châu. Trước Hồ quí Ly đã không chịu, sau phải cắt ra 59 thôn ở Cổ lâu nhường cho Tàu.

Chúng ta cần đi ngược dòng lịch sử để hiểu thêm về Hồ quí Ly, một nhân vật quan trọng ở cuối thế kỉ 14 đầu thế kỉ 15, tạo nên nhiều biến động lịch sử. Hồ quí Ly tên thật là Lê quí Ly, dòng dõi ở Chiết giang bên Tàu, tổ là Hồ hưng Dật, từ đời Ngũ quí sang ở nước ta, làng Bảo đột, huyện Quỳnh lưu. Sau ông tổ tứ đại là Hồ Liêm dời ra ở Thanh hóa, làm con nuôi nhà Lê Huấn nên mới đổi họ là Lê. Lê quí Ly có hai người cô lấy vua Minh tông. Một người sinh ra vua Nghệ tông, một người sinh ra vua Duệ tông. Vì thế nên vua Nghệ tông - một ông vua rất nhu nhược - lại càng tin dùng Quí Ly lắm, phong cho làm Khu mật đại sứ, lại gia tước Trung tuyên hầu.

Làm vua được hai năm (1370-1372) Nghệ tông truyền ngôi cho em là Kính, tức Duệ tông (1372-1377) rồi về ở phủ Thiên trường làm Thái thượng hoàng. Tuy thế, mọi việc quyết định đều trong tay Nghệ tông, Duệ tông chỉ đứng làm vì. Trong một trân tiến sâu vào thành Ðồ Bàn của Chế Bồng Nga vì bị lừa, Duệ tông tử trận. Quân sĩ mười phần chết đến bảy tám. Sau đó Nghệ tông bèn lập con của Duệ tông là Hiễn lên nối ngôi tức là Trần Phế đế (1377-1388).

Biết rõ Quí Ly là một kẻ gian hùng, Ðế Hiễn bàn với các quan phải trừ Lê Quí Ly đi, Quí Ly biết tin ấy vào kêu xin với Nghệ tông, xúc xiểm Nghệ tông rằng: “Người ta nuôi con bỏ cháu chứ không thấy ai nuôi cháu bỏ con bao giờ” Nghệ tông giáng chức Ðế Hiễn, nhưng Quí Ly vẫn bắt tội Ðế Hiễn bị thắt cổ chết. Nghệ tông sau đó lập con mình là Chiêu định vương lên làm vua, tức là vua Trần Thuận tông (1388-1398)

Chế Bồng Nga, vua Chiêm thành, đã nhiều lần xâm phạm bờ cõi nước Nam. Những lần thắng, quân Chiêm thành vào kinh đô ta như vào chỗ không người, đủ biết vua quan nhà Trần lúc đó rất sợ Chế Bồng Nga. Năm Kỉ tị (1389) Chế Bồng Nga lại đem quân đánh Thanh hóa. Vua sai Lê Quí Ly đem binh chống giặc nhưng Quí Ly thua trận phải trốn về Kinh. Qua tháng mười một, quân Chiêm lại vào sông Hoàng giang, Thượng hoàng sai Ðô tướng là Trần Khát Chân đem binh chống giữ. Khát Chân khóc và lạy rồi ra đi. Khát Chân cho đóng quân ở huyện Hưng Nhân tỉnh Thái bình, tức sông Luộc. Tháng giêng năm Canh Ngọ (1390) Chế Bồng Nga đi thuyền đến xem hình thế quân của Trần Khát Chân. Trước đó, một tên đầy tớ của Chế Bồng Nga có tội, sợ bị Chế giết bèn chạy sang hàng với Trần Khát Chân. Nhân khi Chế Bồng Nga đem hơn 100 chiếc thuyền đến gần trại của quân nhà Trần, tên đầy tớ chỉ cái thuyền của Chế cho Khát Chân. Khát Chân truyền lấy súng bắn vào thuyền ấy. Chế Bồng Nga trúng đạn, chết. Quan quân đổ ra đánh. Quân Chiêm thấy quốc vương đã chết, bỏ chạy cả. Quan quân cắt lấy đầu Chế đem về dâng Thượng hoàng.

Từ khi giặc Chiêm đã yên, Thượng hoàng càng ngày càng tin dùng Quí Ly, việc lớn nhỏ giao cho hết, lại bảo Quí Ly nếu con cháu nhà vua sau này không xứng đáng thì Quí Ly cứ tự định đoạt (nghĩa là có thể lên nối ngôi vua). Quí Ly thề thốt trước mặt vua rằng sẽ trung thành với nhà Trần mãi mãi nhưng Quí Ly vẫn càng ngày càng kiêu hãnh, chuyên quyền hơn trước, những kẻ không tùng phục mình thì xúi Thượng hoàng giết đi; hoàng tử thân vương cũng đều bị hại. Ðến tháng chạp năm Giáp tuất (1394) Thượng hoàng mất, trị vì được 3 năm, ở ngôi Thái thượng hoàng 27 năm, thọ 74 tuổi.

Nghệ tông mất rồi, Quí Ly lên làm Phụ chính Thái sư, vào ở trong điện, sửa đổi việc tài chánh, việc học hành, việc cai trị và lập Tây đô. Qua năm 1397, Quí Ly bắt Thuận tông nhường ngôi cho con, đi tu tiên. Người con là Thiếu đế, mới có 3 tuổi. Lê Quí Ly làm phụ chính tự xưng là Khâm đức hưng liệt đại vương, rồi sai người giết Thuận tông. Bấy giờ triều đình có những văn quan võ tướng như Thái bảo Trần nguyên Hãng, Thượng tướng quân Trần Khát Chân lập hội để mưu trừ Quí Ly, chẳng may việc bại lộ, bị Quí Ly giết đến hơn 370 người.

Lê Quí Ly lại xưng là Quốc tổ chương hoàng, ở cung Nhân thọ, ra vào dùng nghi vệ Thiên tử. Ðến tháng hai năm Canh Thìn (1400), Quí Ly bỏ Thiếu đế rồi tự xưng làm vua thay ngôi nhà Trần. Từ đó Quí Ly đổi họ là Hồ, Hồ Quí Ly. Làm vua chưa được một năm thì Hồ Quí Ly bắt chước tục nhà Trần, nhường ngôi cho con là Hồ Hán Thương, lên làm Thái thượng hoàng để cùng coi việc nước, nhưng quyền lực thực trong tay Hồ Quí Ly tất cả, Hán Thương chỉ làm vì.

Ðến năm Giáp thân (1404), một người tên Trần Khang đi đường Vân Nam sang Yên Kinh, đổi tên là Trần thiêm Bình, xưng là con vua Nghệ tông, vào triều yết vua Thành tổ nhà Minh, kể rõ sự tiếm nghịch của Hồ Quí Ly. Từ đấy nhà Minh muốn mượn tiếng đánh Hồ phục Trần để lấy đất An-nam.

Nhân việc Hồ Hán Thương giết Thiêm Bình, vua Thành tổ sai Chu Năng làm đại tướng cùng Trương Phụ, Lý Bân, Trần Húc chia binh làm hai đạo sang đánh An-nam. Tướng nhà Minh biết rằng người An-nam không phục họ Hồ bèn làm hịch kể tội họ Hồ và nói rằng quân Tàu sang là để lập dòng dõi nhà Trần, cứu dân khỏi sự khổ cực.

Quân họ Hồ thua to ở trận Ða Bang, quân Minh tiến lên lấy Ðông đô, tức Thăng Long, bắt đàn bà con gái hãm hiếp, cướp bóc của cải. Từ đó, bọn Trương Phụ tích trữ lương thực, đặt quan làm việc, định kế ở lâu dài. Tướng Tàu đánh họ Hồ thêm hai trận nữa là trận Mộc phàm giang và trận Hàm tử quan, họ Hồ đều thua chạy. Hồ Quí Ly vào đến cửa Kỳ la, thuộc huyện Kỳ Anh, Hà tĩnh thì bị quân nhà Minh bắt được. Hồ Hán Thương và những con cháu họ Hồ bị giặc bắt được ở núi Cao vọng. Vua quân nhà Hồ đều bị giải về Tàu. Quí Ly bị giam rồi sau đày ra làm lính ở Quảng tây, chết ở đó. Còn con cháu và tuớng sĩ của họ Hồ thì được tha.


Năm Quí Dậu (1765):
Chúa Nguyễn sai quan Tổng binh là Nguyễn hữu Kính đem quân chiếm đất Chiêm thành thuộc tỉnh Phan Rang, Phan Rí bây giờ. Từ đó nước Chiêm thành mất hẳn.


Năm Ðinh Dậu (1777):
Nguyễn Nhạc sai người ra xin với Chúa Trịnh để được làm chức trấn thủ đất Quảng Nam. Chúa Trịnh thuận cho; sau khi được phong chức, Nguyễn Nhạc ra lệnh cho Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ đem thủy bộ quân vào đánh chiếm thành Gia định.

Cùng năm này, Giám mục Bá đa Lộc (Evêque d’Adran) giúp Nguyễn Ánh chống lại nhà Tây Sơn.


Năm Kỷ Dậu (1789): VUA QUANG TRUNG ÐẠI PHÁ QUÂN THANH 

Người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, sau đổi tên là Nguyễn quang Bình là một người có sức khoẻ ít ai bì, lại có mưu trí, quyền biến, mẹo mực như thần, khởi binh ở đất Tây sơn, huyện An khê, tỉnh Bình định, giúp anh là Nguyễn Nhạc lập nên nghiệp lớn, được phong là Bắc bình vương, đóng đô ở Phú Xuân.

Năm Mậu thân (1788), nhà Thanh mượn tiếng sang cứu nhà Lê, đem quân chiếm giữ thành Thăng Long, có ý muốn lấy đất An-nam. Bắc bình vương lên ngôi Hoàng đế đặt niên hiệu là Quang Trung rồi đem binh đi đánh giặc.

Nguyên vua Lê Chiêu thống đã mấy lần toan sự khôi phục nhưng không đuợc phải nương náu ở đất Lạng giang. Nhưng bà Hoàng thái hậu đem hoàng tử sang kêu van với quan Tàu xin binh cứu viện. Quan tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn sĩ Nghị dâng biểu tâu với vua Càn Long nhà Thanh, vạch ra hai điều lợi là cứu nhà Lê, nhân thể lấy được đất An-nam, lợi cả đôi đường. Vua Càn Long nghe lời tâu ấy sai Tôn sĩ Nghị khởi quân bốn tỉnh Quảng đông, Quảng tây, Quí châu và Vân Nam sang đánh Tây sơn.

Tôn sĩ Nghị chia quân làm ba đạo: sai quan tổng binh tỉnh Vân Nam và Quí châu đem một đạo sang mạn Vân Nam; sai Sầm Nghi Ðống đem một đạo sang mạn Cao bằng; Sĩ Nghị cùng đề đốc Hứa thế Hanh đem một đao sang mạn Lạng Sơn; ba mũi giáp công hẹn ngày sang đánh An-nam.

Tướng Tây Sơn là Ngô văn Sở ở Thăng Long được tin quân Tàu đã sang, sợ yếu thế đánh không nổi, bèn rút quân thủy bộ về đóng giữ từ núi Tam điệp (đèo Ba dội) ra đến bờ bể rồi sai người vè Phú Xuân cáo cấp với Bắc bình vương Nguyễn Huệ.

Tôn sĩ Nghị đến Kinh bắc (Bắc ninh) vua Chiêu thống ra chào mừng rồi theo quân Tàu về Thăng long. Ngày hôm sau, Sĩ Nghị làm lễ tuyên đọc tờ sắc của vua Càn Long phong cho Chiêu thống làm An-nam quốc vương. Tuy đã thụ phong nhưng trên các văn thư đều phải đề niên hiệu Càn long, mỗi ngày vua Chiêu thống phải đến dinh Sĩ Nghị để chầu chực xem y có lệnh lạc gì về việc cơ mật quân quốc không mà y thì khinh bạc, coi vua Chiêu thống không ra gì cả; khi không có việc gì, y cho quân hầu đứng dưới gác chiêng truyền rằng:”Hôm nay không có việc quân quốc gì, xin ngài hãy về cung nghỉ.”

Người trong nước rất đau lòng thấy thái độ hèn hạ, khiếp nhược của vua Lê Chiêu thống với quân Tàu, thường bảo với nhau rằng, từ thuở nước ta có vua, chưa ông vua nào làm mất quốc thể như Lê Chiêu thống. Việc gì cũng phải đến bẩm quan Tổng đốc, văn thư cũng phải để niên hiệu vua Tàu, thế có khác chi đã bị nội thuộc?

Vua Chiêu thống và triều thần lúc đó chỉ trông cậy vào Tôn sĩ Nghị, không nghĩ việc gì khác ngoài việc tìm cách giết hại những người đã theo nhà Tây Sơn. Tôn sĩ Nghị thì càng ngày càng kiêu căng, ngạo mạn; y thả quân lính của y ra nhũng nhiễu dân lành, hãm hiếp đàn bà con gái, cướp phá dân gian, coi như không còn một thứ luật pháp nào ngoài luật rừng của chúng nữa. Nhân dân đồ thán, tiếng kêu ai oán vọng tới Trời.

Bắc Bình vương được tin quân nhà Thanh đã sang đóng ở Thăng long, lập tức hội các tướng sĩ để bàn việc đem binh ra đánh. Các tướng đều xin hãy chính ngôi tôn để yên lòng người rồi sẽ khởi binh. Bắc bình vương bèn sai lập đàn ở núi Bàn Sơn, ngày 25 tháng mười một năm Mậu Thân (1788), vương làm lễ lên ngôi Hoàng đế, rồi tự mình thống lĩnh thủy bộ đại binh ra Bắc đánh giặc Thanh. Khi ra đến Nghệ an, Ngài ra lệnh nghỉ lại 10 ngày để tuyển thêm binh, cả thảy được 10 vạn quân và hơn 100 thớt voi.

Vua Quang Trung cưỡi voi duyệt toàn quân vào một buổi sáng, truyền dụ quân sĩ phải hết sức vì nước đánh giặc. Tướng sĩ đều nức lòng hoan hô vang dậy. Ðoạn kéo quân đi, đến ngày 20 tháng chạp Mậu thân thì tới núi Tam Ðiệp. Bọn Ngô văn Sở, Ngô thì Nhiêm đều ra tạ tội, kể chuyện quân Tàu thế mạnh, sợ đánh không nổi nên phải rút về nơi hiểm yếu bảo toàn lực lượng. Vua Quang Trung cười mà nói rằng:

“Chúng nó sang phen này là mua cái chết đó thôi. Ta ra chuyến này thân coi việc quân đánh giữ, đã định mẹo rồi, đuổi quân Tàu về chẳng qua 10 ngày là xong việc. Nhưng ta nghĩ chúng là nước lớn gấp 10 nước ta, sau khi chúng thua một trận rồi, tất chúng lấy làm xấu hổ, lại mưu báo thù, như thế thì đánh nhau mãi không thôi, dân ta hại nhiều, ta sao nỡ thế.
Vậy đánh xong trận này, ta phải nhờ Thì Nhiệm dùng lời nói cho khéo với vua nhà Thanh để đình chỉ việc chiến tranh. Ðợi mươi năm nữa, nước ta dưỡng được sức phú cường rồi, thì ta không cần phải sợ chúng nữa.”
Vua Quang Trung truyền cho tướng sĩ ăn Tết Nguyên đán trước đến hôm trừ tịch thì cất quân đi, định ngày mồng 7 tháng giêng thì vào thành Thăng long mở tiệc ăn mừng chiến thắng. Có sách chép nhân dân khắp vùng đã nô nức đem các thứ bánh trái và thức ăn ngày Tết đến đãi quân sĩ, tình quân dân thật là thắm thiết.

Sau đó, ra lệnh ba quân nghe lệnh điều khiển.(Chi tiết trận đánh quá dài, không thích hợp với bài này. Xin để một dịp khác.) Vua Quang Trung cỡi voi chỉ huy chiến trường. Ngài quấn khăn vàng quanh cổ, tiến lên hàng đầu hô quân lính xung phong. Ðến trưa mồng 3 Tết thì hoàn toàn chiếm được Thăng Long, tức trước hạn kì 4 ngày. Tôn sĩ Nghị nửa đêm được tin báo, hoảng hốt không kịp thắng yên ngựa và mặc áo giáp, đem mấy tên lính kị chạy qua sông sang Bắc (quân y đóng ở phía Nam sông Nhị hà). Quân Tàu ở các trại nghe tin như thế, xôn xao tan rã chạy trốn, tranh nhau sang cầu làm cầu đổ, sa cả xuống sông chết đuối, sông Nhị hà ngập thây xác quân Tàu.

Vua Chiêu thống lúc đó cũng theo Tôn sĩ Nghị sang sông cùng với bà Hoàng thái hậu và mấy cận thần chạy sang Tàu. Ðạo quân Vân Nam và Quí châu đóng ở mạn Sơn tây nghe tin quân Tôn sĩ Nghị đã thua, cũng rút về Tàu. Hứa thế Hanh, đề đốc; Trương sĩ Long, tiên phong; Thượng duy Thăng, tả dực đều tử trận ở Ngọc hồi, Hà hồi. Sầm Nghi Ðống, tri phủ Ðiền châu đóng quân ở gò Ðống đa bị quân ta vây đánh, thắt cổ chết. Tính chung, quân Tôn sĩ Nghị bị tử trận đến trên hai mươi vạn, không kể số bị thương và số trốn thoát được về Tàu. Thây giặc vắt ở gò Ðống đa như đống núi.

Vua Quang Trung vào thành Thăng long với áo ngự bào bị thuốc súng bắn vào đen như mực. Ngài dũng mãnh cầm quân, tung hoành trong trận, đánh quân Tàu như một chúa sơn lâm vờn đàn chồn. Ngài sai quân sĩ đuổi quân Tàu đến ải Nam quan, những dân Tàu ở vùng Lạng sơn dắt díu nhau chạy về Tàu.

Vua vào thành rồi, hạ lệnh chiêu an bá tánh, những người Tàu trốn tránh ra thú tội đều đưọc tha, lại cấp cho lương ăn, áo mặc để về Tàu. Nhận đưọc tin thất trận, vua Càn Long rất đau đớn, than rằng:
”Quốc thể không đến nỗi bị tổn thương, nhưng uy danh liệt sĩ đã bị suy kém.
Lần đầu tiên đế quốc Mãn Thanh nếm mùi thất bại chua cay. Dù rất thù hằn, vua Càn Long phải hạ bút ca ngợi vua Quang Trung là bậc anh hùng cái thế, sánh ngang với Hạng Võ.

Trước sau, cái mộng của vua Quang Trung là đòi lại Lưỡng Quảng, vốn của Việt Nam, nên sau này Ngài đã định kế xin cầu phong và xin cưới công chúa Mãn Thanh, nhưng hoài bão của Ngài thì vĩ đại mà mệnh số quá vắn. Ngài mất năm Nhâm tí (1792), làm vua được 4 năm, thọ 40 tuổi, miếu hiệu: Thái tổ Võ hoàng đế.

Con Ngài là Thái tử Nguyễn Quang Toản lên nối ngôi, lúc mới 10 tuổi, mọi việc quyết đoán đều trong tay thái sư Bùi đắc Tuyên, nhà Tây Sơn phân ra bè đảng, chia rẽ, giết hại lẫn nhau mà tan sự nghiệp. Ðồng thời, vua Gia long Nguyễn Ánh cầu cứu người Pháp đem binh lính và vũ khí giúp nên diệt nhà Tây Sơn không bao lâu. Vua Gia Long đã giao hoàng tử Cảnh cho Giám mục Bá đa Lộc đưa sang Pháp làm con tin. Người Pháp nhòm ngó nước ta đi đến chỗ đánh chiếm, đô hộ kể từ thời Gia long và Giám mục Bá đa Lộc vậy.

Mời các bạn nghe bài ca => "ĐẠI PHÁ QUÂN THANH (MÁU HỒNG SỬ XANH)" của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ


Năm Tân Dậu (1801):
Nguyễn-vương Ánh thấy lòng dân không theo Tây Sơn nữa nên dùng thủy binh đánh chiếm cửa Thuận an rồi kéo quân chiếm thành Phú Xuân (Huế)


Năm Quý Dậu (1873):
Ðại Úy Francis Garnier (Ngạc Nhi) hạ thành Hà nội. Tổng đốc Nguyễn tri Phương bị thương nặng, quân Pháp vào thành bắt được cụ đem xuống tầu. Cụ Nguyễn tri Phương không chịu buộc thuốc cầm máu và nhịn ăn để chết. Cụ là tấm gương: ”Thành mất, tướng chết theo thành”.

Ngạc Nhi sau này bị quân Cờ đen phục kích giết. Cụ Nguyễn Khuyến có làm một bài Văn tế ngắn mỉa mai y, nhan đề là Văn tế Ngạc Nhi.


Năm Ất Dậu (1885):
Vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần vương chống Pháp. Ngài cùng quần thần bỏ ra Tân Sở phát động phong trào đánh đuổi quân Pháp xâm lăng. Tướng Tôn thất Thuyết huy động được hai vạn quân tấn công tòa Khâm sứ Huế và trại lính Pháp tại đồn Mang cá. Nhưng vì thế cô và ít súng đạn, quân ta thua chạy. Cụ Tôn thất Thuyết trốn ra Quảng trị rồi sau cùng trốn sang Tàu. Cụ Nguyễn văn Tường thì bị đày ra đảo Haiti ở Thái bình dương, được ít lâu mất tại đó, quan tài được đem về chôn tại Việt Nam.

Năm Mậu tí (1888) tên Trương quang Ngọc bắt vua Hàm Nghi giao cho Pháp. Pháp đày ngài đi Algérie ngày 13-1-1889, Ngài mất tại đó ngày 4 tháng 1 năm 1943. Ngài có một hoàng tử và hai công chúa.


Năm Ất Dậu (1945):
Khởi từ mùa Ðông năm 1944 đến giữa năm 1945, gần hai triệu người Bắc Việt chết đói vì Pháp thu mua lúa gạo tích trữ đồng thời Pháp phải bán cho quân Nhật ăn theo sự đòi hỏi của Nhật. Ðồng thời Nhật bắt nông dân ta bỏ lúa trồng đay và gai từ mấy năm trước để chúng dùng trong kĩ nghệ chiến tranh.

Tác giả bài này tuy trong tuổi niên thiếu nhưng đã sống và chứng kiến tận mắt những cảnh vô cùng thương tâm của nạn đói tháng Ba năm Ất Dậu. Sẽ hầu chuyện bạn đọc trong một thiên hồi ký đặc biệt, thực 100% dưới dạng truyện ngắn để chúng ta hiểu nỗi lòng người dân sau trăm ngàn đau khổ dưới ách thống trị của ngoại bang, mong mỏi nước nhà Ðộc lập Tự Do Dân chủ như thế nào? Và những ước vọng chính đáng ấy có được đáp ứng hay bị phản bội trắng trợn?

Ngày 9-3 quân đội Nhật lật đổ chính quyền Pháp tại Ðông dương, tấn công các đồn binh Pháp ở Hànội, Lạng sơn, Sàigòn, Huế... Ðô đốc Decoux và một số tướng, tá, dân sự Pháp bị bắt cầm tù. Quân đội Pháp còn sống sót do tướng Alexandrie chỉ huy đã đào thoát sang Tàu.

Ngày 11-3-45, Nhật tuyên bố trao trả Ðộc lập cho Việt Nam.

Ngày 6-8-45, TT Hoa kỳ Harry Truman đã ra lệnh thả trái bom nguyên tử đầu tiên xuống thành phố Hiroshima, Nhật làm hơn 150,000 người thiệt mạng, 60% thành phố bị phá hủy. Ngày 9-8-45, trái bom nguyên tử thứ hai do không quân Mỹ thả xuống thành phố Nagasaki làm cho Nhật hoàng Hirohito phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

Ngày 22-8-45, chiếu quyết nghị của Hội Nghị Postdam về việc giải giới QÐ Nhật, Trung hoa Quốc gia (TT Tổng giới Thạch) phụ trách từ Bắc vĩ tuyến 16 thuộc tỉnh Quảng Nam trở ra Bắc, quân đội Anh từ Nam vĩ tuyến 16 vào Nam.

Ngày 16-8-45, sau khi Nhật đầu hàng Ðồng Minh, Hồ chí Minh (tức Nguyễn ái Quốc) chộp lấy thời cơ, tổ chức Ủy Ban Giải phóng Quốc gia, thành lập một chính phủ lâm thời sau khi được quân đội Nhật trao trả lại quyền hành điều khiển quốc gia.

Ngày 17-8-45, chính phủ Pháp đề cử đô dốc Thierry d’Argenlieu làm Cao ủy Ðông Dương. Ðiều này cho thấy Pháp vẫn còn muốn ở lại Ðông Dương vì món mồi béo bở khó bỏ. Pháp không làm như Anh, trả lại thuộc địa cho Ấn độ và nhiều nước khác hay như Hoa kỳ trả độc lập cho Phi luật tân v.v... Chính Pháp làm tăng trưởng chế độ thực dân ở Việt Nam và Cộng Sản có cơ nhảy ra cướp chính quyền.

Ngày 19-8-45, công chức, Sinh viên thanh niên, học sinh và đồng bào tổ chức một cuộc mít tinh tại vườn hoa Ba đình Hà nội để biểu dương khí thế và lòng nhiệt thành với nền Ðộc lập của Dân tộc bị cán bộ Việt Minh xâm nhập, phát và treo cờ đỏ sao vàng và hoan hô lãnh tụ của họ: ông Hồ chí Minh. Cuộc mít tinh của toàn dân thành ra cuộc biểu tình do Việt Nam Cách Mệnh đồng minh hội tức Việt Minh lãnh đạo.

Ngày 24-8, cựu hoàng Bảo Ðại bị buộc thoái vị sau khi trao lại ấn kiếm cho đại diện của Việt Minh. Vua Bảo Ðại tuyên bố:”Thà làm công dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ.” Dân Việt Nam lúc đó coi ông Bảo Ðại như một ông vua bù nhìn, vô dụng, ăn chơi trụy lạc. Sau đó, công dân Vĩnh Thụy nhận lời mời làm Cố vấn tối cao cho chính phủ với danh nghĩa “chính phủ liên hiệp” do Hồ chí Minh là Chủ tịch, cụ Nguyễn hải Thần là Phó chủ tịch, Nhà Văn Nhất Linh Nguyễn tường Tam: Bộ trưởng Ngoại giao, Trần huy Liệu, cán bộ Cộng sản, Bộ trưởng Thông tin, ông Vũ hồng Khanh v.v...

Ngày 2-9-45, lợi dụng sự trì hoãn ngày kí thỏa ước đầu hàng giữa Nhật Hoàng với Ðại tướng Hoa kỳ Mac Arthur trên chiến hạm Missouri thả neo tại vịnh Ðông kinh vì bị một trận cuồng phong lớn, nên Hồ chí Minh cho lệnh chuyển quân về Hà nội và tại vườn hoa Ba đình, rồi đọc bản tuyên ngôn độc lập và thành lập chế độ dân chủ cộng hòa Việt Nam (tức chế độ Cộng sản).

Ngày 3-9-1945, hơn 2000 tù binh Pháp bị Nhật giam giữ được trả tự do.

Ngày 12-9-1945, quân đội Anh quốc dưới quyền chỉ huy của tướng Douglas Gracey đổ bộ đến Saigon để giải giới quân đội Nhật.

Ngày 16-9-1945, tướng Lư Hán chỉ huy một đạo quân gần 200,000 lính Trung Hoa được di chuyển từ Vân Nam qua Bắc Việt để giải giới quân đội Nhật tại Bắc Việt.(Lính của Lư Hán bị bệnh phù thũng rất nhiều và chân bị sâu Quảng, người Việt thường gọi là Tầu phù)

Ngày 26-9-1945, một Trung tá tên Dewey Peter giữ chức trưởng nhiệm sở cơ quan tình báo chiến lược Hoa kỳ (OSS) tại Saigon, trong khi lái chiếc xe Jeep từ thành phố ra phi trường Tân sơn Nhất đã bị một binh sĩ Việt Minh bắn tử thương vì tưởng nhầm là một sĩ quan Pháp. Dewey là quân nhân Hoa kỳ đầu tiên bị thiệt mạng tại Việt Nam.


Năm Đinh Dậu (1957):
Ngày 3-1-1957, Ủy hội Quốc tế kiểm soát đình chiến ra thông cáo là trong khoảng từ tháng 2-1955 đến tháng 6-1956, cả hai phe Việt Minh và Cộng Hòa Việt Nam đều không thực thi nhiệm vụ của mình theo đúng điều khoản đã ghi chép trong Hiệp định Genève 1954.

Ngày 23-2-1957, Tổng thống Ngô đình Diệm trong chuyến kinh lí vùng Ban Mê thuột đã bị một cán bộ cộng sản mưu sát nhưng Tổng thống đã thoát nạn; kẻ mưu sát đã bị bắt tại chỗ.

Năm Kỷ Dậu (1969):
Ngày 25-1-1969, cuộc hội đàm giữa hai phái đoàn Bắc Việt và Hoa kỳ được chính thức khai diễn tại Paris.

Ngày 10-6-1969 Cộng Sản loan báo việc thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời tại miền Nam Việt Nam.

Ngày 3-9-1969, tại Hànội Hồ chí Minh xuống trình diện Mác-Lê-Mao tại phủ Diêm vương, thọ 79 tuổi. Dư luận đồn rằng ông Hồ quá đau khổ vì thất bại trận Tết Mậu Thân (1968) sinh bệnh, chết.

Ngày 15-11-1969, tại Hoa kỳ có hơn 250,000 người biểu tình chống chiến tranh Việt Nam do John Kerry và Jane Fonda cầm đầu, tập trung tại thủ đô Hoa thịnh Ðốn, trên đường phố Pennsylvania và tại Washington Monument. John Kerry và ba đồng ngũ đứng liệng huy chương quân đội cấp phát. Kerry vào Thượng viện nói những điều không có thật ở Việt Nam, bôi bác chính sách Hoa kỳ tại Việt Nam mục đích cho Tổng thống Nixon và nhân dân Hoa kỳ chán nản, bỏ Việt Nam Cộng Hòa cho Cộng Sản.

Tính đến ngày 31-12-1969, Tổng thống Hoa kỳ Richard Nixon ra lệnh rút quân đội viễn chinh từ 543,000 trong tháng 6 xuống còn 479,000. Quân đội Mỹ tại Thái Lan rút xuống còn 46,000 người; đồng thời lực lượng quân sự của Thái Lan, Ðại Hàn ước độ 12,000 người bắt đầu rút ra khỏi Việt Nam. Tính đến cuối năm 1969, lực lượng viễn chinh Hoa kỳ bị tổn thất: 40,000 tử trận, 260,000 bị thương, 1,400 bị mất tích.


Năm Quý Dậu (1993):
Nếu tính từ 30-4-1975, ngày Miền Nam mất vào tay Cộng Sản, cho đến năm 1993, một cách khái quát, có 3 triệu người Việt Nam đã đào thoát khỏi nước đi khắp thế giới tránh nạn Cộng Sản trong vòng 18 năm đó, định cư nhiều nhất ở Hoa kỳ, rồi Âu châu, Úc châu. Con số nạn nhân mất tích ở biển Ðông và trên các đường rừng xuyên Việt qua Lào, Cam bốt, Thái Lan cũng lên tới con số 500,000 nạn nhân. Chưa cuộc di cư nào trong lịch sử Việt Nam vĩ đại và đầy gian khổ, chết chóc, đau thương như cuộc đào thoát từ ngày 30-4-1975, chưa kể cuộc đào thoát từ miền Trung vào Sàigòn từ tháng 3-1975 khi Cộng quân tiến chiếm Ban Mê thuột, rồi Huế và Ðà nẵng và các tỉnh miền

Ghi chú:
Tài liệu tham khảo: Trần trọng Kim - Việt Nam Sử lược và một số báo chí rải rác.


Xuân Vũ Trần Đình Ngọc
Little Saigon, CA 26-1-2005

Nguồn: ttntt.free.fr

No comments:

Post a Comment