Friday, February 26, 2016

Cột tháp ở Ai Cập - Egyptian Obelisks in Egypt


Cột tháp là các tảng đá nguyên khối đồ sộ, mặt cắt hình vuông, hơi thon về phía đỉnh giống như kim tự tháp, thường được mạ vàng để phản chiếu ánh nắng mặt trời.

Các đền thờ mặt trời với các công trình đồ sộ theo hình dáng cột tháp béo lùn được biết đến từ Vương triều thứ 5 (khoảng 2465-2323 TCN). Cột tháp bằng đá nguyên khối đầu tiên theo tỷ lệ cổ điển được chạm trổ về sau này ít lâu. Cột tháp hoàng gia hoàn thiện lâu đời nhất có niên đại từ Vương triều thứ 12 (khoảng 1950 TCN), nhưng cột tháp ấn tượng nhất, lớn nhất có niên đại từ giữa vương triều thứ 18 (khoảng 1504-1425 TCN). Cột tháp thường dựng thành từng đôi tựa vào các tháp môn trong các đền đài Ai Cập, nhưng cũng có các cột tháp đơn độc.

Khai thác đá

Cột tháp chạm trổ từ các tảng đá rất cứng. Đá granite Aswan là loại đá phổ biến nhất để làm cột tháp. Loại granite có màu hồng và đỏ được chuộng hơn vì màu sắc gợi sự liên tưởng đến mặt trời. Có nguồn thông tin cho rằng một cột tháp dang dở được bảo tồn trong một mỏ đá ở Aswan. Tháp này có niên đại từ thời vua Tuthmois III (1479-1425 TCN), nếu hoàn tất, sẽ nặng khoảng 1150 tấn. Vì tảng đá nguyên khối đã bị nứt trong khi khai thác nên bị bỏ đi, và hiện là chứng cứ rõ ràng về phương pháp dùng để chạm trổ đá.

Granite là loại đá rất cứng, không thể cắt bằng công cụ kim loại, vì thế phải dùng đến loại công cụ chày vồ bằng đá dolererite hình quả banh, dùng để nghiền đá thạch anh thành bột. Phác thảo cột tháp được đánh dấu trên bề mặt đá, còn đá xung quanh được nện nhỏ. Người ta đào một hào đủ rộng để một người làm việc trong khoảng trống, và đủ sâu để cắt bên dưới cột tháp. Khoảng 150 người làm việc cùng lúc để nện đá trong đường hào. Cột tháp được tách ra từ phần chân bằng đòn bẩy, kích lên phía trên mặt bằng gồm các tảng đá xung quanh sử dụng các thanh chống, sau đó khéo đặt lên một thanh trượt gỗ để vận chuyển.

Vận chuyển

Cột tháp khai thác ở mỏ Aswan phải được vận chuyển vượt một khoảng cách đáng kể đến công trường sau cùng. Ví dụ khư Karna, nơi dựng hai cột tháp của Hatshepsut, cách khoảng 220 km về phía Bắc Aswan. Người ta đắp bờ đất từ các mỏ đá đến bờ sông để tạo ra một mặt bằng kéo các thanh trượt di chuyển cột tháp đồ sộ. Cứ giả định một người có thể kéo khoảng 1/3 tấn trên mặt đất bằng phẳng, thì một nhóm khoảng 1.000 người mới kéo nổi mỗi cột tháp nặng đến 320 tấn của Hatshepsut. Lúc cột tháp kéo đến bờ sông, chuyển sang xà lan để về phía hạ lưu, phải cần nhiều kỹ năng. Pliny, vào thế kỷ 1 đã mô tả phương pháp chở cột tháp bằng xà lan theo thông lệ cổ truyền của người Ai Cập. Theo ông, phải kéo xà lan vào trong kênh gần mỏ đá, rồi chất đầy đá có trọng lượng nặng hơn cột tháp. Cột tháp kéo vào vị trí đặt ngang qua kênh, dỡ hết đá dưới xà lan cho đến khi xà lan chịu được trọng lượng của cột tháp ở ngay giữa. Sau đó có thể xoay cột tháp cho đến khi nằm dọc theo đường tâm của xà lan.

Một tác phẩm chạm nổi ở đền Hatshepsut ở Deir el Bahri cho thấy một cặp cột tháp đang được vận chuyển đến Karna. Cả hai cột đều chất lên một sà lan, đặt trở đầu. Điều này đảm bảo trọng lượng được phân bố tương đối đều với phần nặng nhất của cột tháp nằm ngay giữa. Nếu sự mô tả tương đối chính xác, sà lan phải có chiều dài hơn 100 m và phải đủ rộng mới ổn định. Một sà lan to như thế chắc khó điều khiển: có đến bốn bánh lái ở phần đuôi, mỗi bánh lái do một tài công điều khiển, và nhiều thuyền mái chèo sắp thành hàng để kéo.

Đà tiến của sà lan phải nhờ dòng nước chảy, số thuyền kéo chỉ cần lo việc điều khiển và định hướng sà lan chứ không phải kéo thật sự. Khi sà lan đến nơi, nó được đưa vào ụ, dỡ hàng, rồi kéo cột tháp về nơi đã định.

Hoàn thiện

Người Ai Cập thích hoàn thiện các công trình sau khi lắp dựng hơn. Thế nhưng cột tháp Tuthmosis III ở Karnak lại được trang trí chứ không dựng thẳng. Có thể đây là trường hợp ngoại lệ. Cột tháp đánh thật bóng (dùng đá mài và bột thạch anh mịn), sau đó một người phác hoạ vẽ hình trang trí lên bề mặt, một điêu khắc gia có tay nghề dùng công cụ đá để chạm trổ. Sau cùng, một mũ kim loại được bịt lên đỉnh cột tháp, nện mạnh vào các rãnh trên hình trang trí đắp nổi. Mũ bịt bằng vàng và bạc này làm cho cột tháp sáng với ánh sáng mặt trời phản chiếu nhìn thấy từ xa.

Dựng cột tháp

Chúng ta không có hình vẽ hay chứng cứ thành văn để chứng minh người Ai Cập điều khiển việc dựng cột tháp như thế nào, ngoài một hình vẽ nhỏ tượng trưng một vị vua dựng cột tháp nhỏ xíu bằng cách kéo dây thừng thắt vòng xung quanh. Có hai giả thuyết được nhiều người ủng hộ về phương pháp của người Ai Cập. Trước tiên kéo phần chân cột đến một đường dốc nghiêng, kế đến lật ngược một đầu khi nằm ở một góc có thể kéo thẳng đứng bằng đây thừng. Có thể lấp cát để kiểm soát độ nghiêng của phần cột tháp. Giả thuyết thứ hai cho rằng cột tháp được đặt khéo trên mặt đất cho đến khi chân cột tựa vào đường rãnh ở bệ cột, sau đó dùng đòn bẩy và thanh chống gỗ để kích đầu phía trên cho đến khi góc đủ lớn để kéo cột tháp đứng thẳng bằng dây thừng. Mặc dù phương pháp thứ hai này nghe có vẻ nguy hiểm và khó khăn nhưng cả hai đường rãnh trong bệ cột của cột tháp được bảo tồn và việc định vị một số cột tháp từ từ ở phần chân cho thấy người Ai Cập chắc chắn áp dụng phương pháp này.

Lịch sử sau này

Vấn đề vận chuyển và dựng thẳng cột tháp Ai Cập không kết thúc cùng với nền văn minh Ai Cập. Hình dạng dễ phân biệt và sự liên kết biểu tượng cổ đại khiến chúng được các vị hoàng đế La Mã ngưỡng mộ. Augustus đã đưa về Rome các cột tháp đầu tiên vào khoảng thập kỷ đầu của thế kỷ I. Các nhà cai trị sau này lại chở thêm nhiều cột khác để thêm vào bộ sưu tập ngày càng nhiều của Rome. Sau này một số cột được tìm thấy từ các đống đổ nát của thành Rome cổ đại, các Đức Giáo hoàng dựng lại từ thế kỷ 16 đến 18 như một phần trong chương trình tái thiết đô thị. Vào thế kỷ 19, có thêm ba cột tháp nữa lấy đi khỏi Ai Cập rồi được dựng ở Paris, London và NewYork. Ngày nay, 13 cột tháp Ai Cập vẫn đứng vững ở Rome, trong khi ở Ai Cập chỉ còn 4.

(sưu tầm)




No comments:

Post a Comment