Thursday, February 18, 2016

Nguời Việt tại Viện Hàn Lâm Khoa Học Pháp - Tiến sĩ / Giáo sư / Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên

Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên là Hội viên Hàn Lâm Viện Khoa Học Hải Ngoại (Membre titulaire de l'Académie des Sciences d'Outre-Mer) kể từ ngày 5 tháng 12,1997, thay thế Cựu Hoàng Bảo Đại

Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên

Thân thế

Lúc nhỏ, bắt đầu đi học ở trường làng Phú Xuân, rồi vào học trường tiểu học (Ecole Primaire Chaigneau ở Huế. Sau đó thi tuyển vào trường trung học Khải Định và đậu cao (một trong ba người đỗ đầu) và học cho tới thi Tú tài (1943-1950).

Ông làm thơ nhạc và viết văn từ thuở nhỏ. Lúc 9 tuổi khởi sự làm thơ, và có nhiều bài thơ (ký tên là Yên Hà) được đăng trong nội san của trường trung học Khải Định (Huế) Trúng tuyển Giải thưởng Hoàng Đế Bảo Đại (Prix S.M.Bảo Đại) trong một cuộc thi Văn Chương Học Sinh Trường Trung Học, ông viết một bài về "Phan Đình Phùng" được đăng báo lúc mới 15 tuổi và có thẻ nhà báo ngay năm 18 tuổi.

Cộng tác ở quốc nội với Phật Giáo Văn Tập, Quốc Gia, Việt Nam Tân Báo (của Nguyễn Văn Bông), Đường Mới (Bùi Xuân Bào), Cách Mạng (thơ đăng thường xuyên với biệt hiệu Yên Hà), và sau này khi sang Pháp cộng tác với Quê Mẹ, Tiếng Sông Hương-Dallas (Nguyễn Cúc trách nhiệm), Tiếng Sông Hương-Virginia, Việt Điểu (đặc san văn học nghệ thuật, của Như Hoa Lê Quang Sinh), Chúng Ta (của Bùi Xuân Quang), Le Médecin du Việt Nam (của BS Trần Quang Lộc), Tiếng Gọi Dân Tộc (của Võ Long Triều), Tin Tức (của Nguyễn Đình Nhân), Á Châu, vv....

Khi sang Pháp, ông vẫn độc thân cho tới một buổi chiều ngày 1 tháng 5, 1957 sau cuộc biểu tình thường niên của lễ Lao Động Pháp, tại khu Quartier Latin, nơi quen thuộc của giới sinh viên, trên chiếc cầu Saint Michel bắt ngang sông Seine, ông Lê Mộng Nguyên gặp một cô gái Pháp tên là Nicole Moulin, và đã hát cho cô ấy nghe bài hát Trăng Mờ Bên Suối. Chính bài hát này đã làm mềm lòng cô thiếu nữ diễm lệ và ngày 8 tháng giêng năm 1959 (cũng là ngày tướng De Gaulle chấp nhận chức Tổng thống xứ Pháp để thành lập đệ ngũ cộng hòa, và ông Michel Debré ,thủ tướng đầu tiên của đệ ngũ cộng hòa và thành lập nội các), cô Nicole Moulin chánh thức trở thành bà Lê Mộng Nguyên. 40 năm sau, hai ông bà dù không có con với nhau, vẫn còn say đắm yêu nhau như thuở ban đầu.
 
Từ trái: Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên và phu nhân -Nicole Moulin, Ca sĩ Bạch Yến, Giáo sư / Tiến sĩ Trần Quang Hải 

Sự nghiệp dạy học luật pháp và chính trị.

Sau khi đậu xong tú tài toàn phần tại Việt Nam, gia đình gởi ông đi sang Pháp học luật. Đi tới Pháp bằng máy bay với hãng Air France vào ngày 5 tháng 10, 1950 tại phi trường Orly, ông hãy còn là vị thành niên (lúc đó 21 tuổi mới được coi là trưởng thành). Ông được ông Nguyễn Khoa Nam bảo lãnh tại Paris.

Lúc nào cũng có ý muốn học về môn Harmonie (Hòa âm) tại Trường âm nhạc Paris. Nhưng rồi bỏ ý định đó, quay sang học luật tại trường đại học luật Faculté de Droit et de Sciences Economiques (Panthéon-Sorbonne), Paris quận 6. Tới năm 1954, ông đậu xong cử nhân luật. Từ năm 1955 tới năm 1958, ông được mời làm tùy viên tòa đại sứ Việt Nam tại Paris (attaché de l'Ambassade du Vietnam à Paris) dưới quyền của ông đại sứ Việt Nam Phạm Duy Khiêm (anh của nhạc sĩ Phạm Duy).

Rời khỏi lĩnh vực chính trị, ông Lê Mộng Nguyên trở lại ghế nhà trường để tiếp tục học luật. Ông thi đậu cuộc thi để được hành nghề luật sư (từ 1960 tới 1967). Năm 1962, ông đậu tiến sĩ quốc gia (doctorat d' état) với ba bằng cấp cao học về Droit public, Droit privé và Sciences Politiques.

Tới khi ông chán nghề cãi mướn, với bằng cấp tiến sĩ luật, ông được mời dạy về luật hiến pháp (droit constitutionnel) và khoa học chính trị (sciences politiques) tại trường đại học luật ở thành phố Besancon (miền Đông xứ Pháp) từ năm 1967 tới năm 1985. Sau đó ông trở về Paris, và được mời dạy luật và khoa học chính trị tại trường đại học Paris 8-Saint Denis từ 1985 tới 1997 (là năm ông về hưu).

Sự nghiệp văn chương

Ngoài luận án tiến sĩ quốc gia (Doctorat d'Etat) với chủ đề Classes Sociales et Mouvements politiques au Vietnam de 1919 à 1939 được giải thưởng Luận Án Đại Học Paris năm 1963, Lê Mộng Nguyên đã cho in và phổ thông (với tư cách Giáo sư, Luật sư tiến sĩ quốc gia chuyên môn luật Hiến Pháp và Chính trị học), hơn 15 tác phẩm lược luận và nghiên cứu như "La Constitution de la Vème République de Charles de Gaulle à François Mitterrand (4ème édition, 1994, Ed. STH) (Hiến pháp đệ ngũ cộng hòa từ Charles de Gaulle tới François Mitterrand), "Les systèmes politiques démocratiques contemporains" (4ème édition, 1994, Ed.STH) (Những hệ thống chính trị dân chủ cận đại), "Initiation au droit" (1996, Ed. L'Hermès) (Hành trình đi vào luật pháp), "La Constitution de 1958" (1996, ed.L'Hermès) (Hiến Pháp 1958), "Le Budget de l'Etat" (1997, ed. L'Hermès) (Ngân Quỹ Quốc Gia), "Finances Publiques" (1997, ed.L'Hermès) (Tài Chánh Công Cộng) và trong 4 quyển sách tổng hợp: "Les agglomérations urbaines dans les Pays du Tiers Monde" (1971, ed.de l'Institut de Sociologie, Bruxelles, Bỉ ) (Vùng thành thị trong các quốc gia đệ tam thế giới), "Le Vietnam au temps présent" (1992, Đường Mới) (Xứ Việt Nam đương thời), "Đảng Cộng Sản trước thực trạng Việt Nam" (1994, Đường Mới), và "Những Vấn Đề Cấp Thiết của Việt Nam" (1995, Tiếng Gọi Dân Tộc xuất bản).

Đã viết hơn một trăm bài xã thuyết về Hiến Pháp và Dân Chủ cho nhiều tạp chí Âu châu có tiếng tăm như Revue du Droit Public, Civilisations, Echos de l'Edition Juridique và trên các báo song ngữ Việt Pháp như Quê Mẹ, Tin Tức, hay l'Appel de la Nation, hay Le Médecin du Vietnam. Lê Mộng Nguyên sẽ xuất bản một tập thơ "Đời Không Có Em " (1998) (gồm những bài thơ thời niên thiếu, lúc tuổi hãy còn mộng mơ), và "Ombres et Lumières du Sud lointain, Chroniques politiques et Contes Philosophiques asiatiques" (1998) (Bóng Tối và Ánh Sáng của miền Nam xa xôi, Xã luận chính trị, và truyện triết lý á châu)

Được bầu làm Hội viên Hàn Lâm Viện Khoa Học Hải Ngoại (Membre titulaire de l'Académie des Sciences d'Outre-Mer) kể từ ngày 5 tháng 12,1997, thay thế Cựu Hoàng Bảo Đại. Trong phiên nhóm ngày thứ sáu 5 tháng 12, 1997, Hàn Lâm Viện Khoa Học Hải Ngoại đã bầu Lê Mộng Nguyên, đắc cử ngay từ vòng đầu với số phiếu 81 trên 90. Người được bầu vào Hàn Lâm Viện này phải có những tác phẩm được xuất bản, những công trình nghiên cứu đáp ứng đường lối của hàn lâm viện trong công cuộc phát triển văn hóa, khoa học, kinh tế, kỹ thuật hay nhân loại của những quốc gia hải ngoại trong khối Pháp. Ông Lê Mộng Nguyên là người Pháp gốc Việt đầu tiên được bầu làm hội viên chánh thức (membre titulaire), có nghĩa là ông có thể được bầu làm chủ tịch Hàn Lâm Viện này, và có quyền bầu để chọn người vào làm hội viên. Trước đó, đã có một số người Việt làm hội viên nhưng không chánh thức như cụ Phạm Quỳnh (membre correspondant) ông Phạm Duy Khiêm (cựu đại sứ Việt Nam tại Pháp, và là ông anh của nhạc sĩ Phạm Duy, chỉ là hội viên liên lạc-membre correspondant), ông Nguyễn Tiến Lãng (rể của cụ Phạm Quỳnh, membre correspondant), cựu hoàng Bảo Đại trái lại (membre titulaire libre - hội viên chánh thức tự do có nghĩa là hội viên thực sự không thuộc chi bộ (section) nào nhưng có quyền bỏ phiếu hay tranh cử bất cứ chức vụ nào của Hàn Lâm Viện), và ông Thái Văn Kiểm (membre associé).

Ông Lê Mộng Nguyên từng là luật sư tòa án Paris, chính trị gia, cựu ngoại giao, và cựu giáo sư-tiến sĩ quốc gia (Professor-Doctor), dạy về luật hiến pháp và khoa học chính trị tại trường đại học luật Paris-Assas (1962-1966), trường đại học Besancon (1967-1985), trường đại học Paris 8-Saint Denis (1985-1997), và trường đại học Paris 3-Sorbonne nouvelle (1995-1996). Hiện giờ, ông vẫn tiếp tục làm việc cho hội đồng khoa học của Groupe de Recherche sur l'Immigration du Sud-Est Asiatique (Nhóm nghiên cứu về định cư Đông Nam Á), giảng dạy và thuyết trình tại Centre des Hautes Etudes sur l'Afrique et l'Asie Modernes (Trung tâm Cao Đẳng về Phi Châu và Á Châu Tân Thời), hay tại các nơi huấn luyện các cán bộ cao cấp của các trường đại học ở Pháp.


Huân chương danh dự
Ông Lê Mộng Nguyên đã được tưởng thưởng nhũng huân chương:
1979: Chevalier des Palmes Académiques của Pháp.
1985: Officier des Palmes Académiques của Pháp.

Sự nghiệp âm nhạc

Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên nổi tiếng nhứt qua bài Trăng Mờ Bên Suối viết theo cung thứ vào ngày 13 tháng 11, năm 1949. Lúc đó, Lê Mộng Nguyên mới có 19 tuổi.

Ông bắt đầu để ý tới nhạc mới lúc còn nhỏ. Ông đã tự học nhạc với quyển La 2ème Année de Musique, Solfège et Chants (Năm thứ 2 âm nhạc, Nhạc pháp, và Bài hát) của ông Marmontel, nhà xuất bản Armand Collin, Paris, năm 1890. Về nhạc khí, ông bắt đầu học đánh đàn măng cầm (mandoline) với một người bạn học cùng lớp. Sau đó, ông học đàn ghi-ta (guitare) với người anh của bà Tôn Nữ Tư Tề. Rồi ít lâu sau, ông lại học đàn vĩ cầm (violon) với ông Lê Đình Luân, con trai của bác sĩ Lê Đình Thám. Ông Lê Đình Luân bị chết khi kháng chiến chống Pháp. Bà mẹ của ông Luân có tặng cho ông Lê Mộng Nguyên cây đàn violon của ông Luân là con của bà. Cây đàn violon đó được mang theo sang Pháp với Lê Mộng Nguyên, và vẫn còn được giữ thật kỹ như một bảo vật tại nhà ông ở Paris.

Bản nhạc đầu tay mang tên là Xuân Tươi sáng tác vào năm 15 tuổi, ký tên là Lan Đào (tên của hai người em gái của Trần Đình Bá), và được đăng trên báo Quốc Gia. Lúc mới sáng tác bài này xong, Lê Mộng Nguyên có đưa bản nhạc cho ông Tôn Thất Niệm xem và đàn thử trước tiên (ông Niệm sau thành bác sĩ, nhưng rất có khiếu về nhạc, gia đình Hoàng Gia, hiện cư ngụ tại tiểu bang California, Hoa Kỳ). Bài nhạc Mừng Khánh Đản đã được Thượng Tọa Minh Châu nhờ Lê Mộng Nguyên sáng tác vào năm 1948 nhân dịp khánh thành Chùa Từ Đàm. Bản nhạc Trăng Mờ Bên Suối , một bài nhạc nổi tiếng nhứt của Lê Mộng Nguyên, đã được sáng tác vào ngày 13 tháng 11 năm 1949, một buổi chiều trong vòng 30 phút cả nhạc lẫn lời trên tập giấy học lý hóa để nói lên nỗi lòng của tác giả khi nhớ người yêu (người yêu này là đề tài sáng tác của một số nhạc phẩm về Huế, miền Trung và sau này gặp lại nhau, tại Hoa kỳ, đôi bên đều có gia đình nhưng cả hai trở thành bạn thân), nhớ Sông Hương Núi Ngự trước khi lên đường sang Pháp du học vào năm 1950. Chính nhạc sĩ - ca sĩ Thu Hồ là người hát đầu tiên bản Trăng Mờ Bên Suối trên đài phát thanh Pháp Á năm 1949. Ông là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên sáng tác nhạc về Huế, miền Trung, ca tụng nơi ông sinh ra, lớn lên với bao kỷ niệm thời thơ ấu.

Ngoài những nhạc phẩm có tính cách tranh đấu như "Vó Ngựa Giang Hồ" (1949), hay "Mùa Lúa Mới" và "Trường Ca Quân Tiến" (đăng báo Cách Mạng - 1956) hoặc những bài dành cho thanh thiếu niên Phật Tử ở Huế mà trong đó có bản "Mừng Khánh Đản" (1948) do Phật Giáo Văn Tập phổ biến nhân dịp lễ khánh thành chùa Từ Đàm tại Huế, nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên đã sáng tác từ thời thiếu niên nhiều ca khúc hướng về tình cảm lãng mạn, nói lên tình cảm của người xa xứ hay của người còn ở lại quê hương.

Những nhạc phẩm được viết trong năm 1949 gồm có:
"Trăng Mờ Bên Suối",
"Một Chiều Thương Nhớ",
"Trọng Thủy Mỵ Châu",
"Chiều Thu", và
"Mưa Huế".

Năm 1950, Lê Mộng Nguyên cho chào đời những sáng tác như:
"Hoàng Hoa Thôn",
"Nhớ Huế",
"Bài Thơ Huế",
"Cô Gái Huế",
"Về Chơi Thôn Vỹ Dạ",
"Đôi Mắt Nhung",
"Mơ Đà Lạt",
"Ly Hương"
đã được các nhà xuất bản Hương Mộc Lan, Tinh Hoa, Ái Hoa, Á Châu, An Phú, vv.... xuất bản và tái bản nhiều lần, và được nhạc sĩ danh ca Thu Hồ đặc biệt trình bày lần đầu tiên trên đài phát thanh Pháp Á (Radio-France Asie). Sau đó các nữ ca sĩ nổi tiếng như Hoàng Oanh, Hà Thanh, Thanh Thúy, Khánh Ly, Lệ Thu, Thanh Lan, Kim Tước, Hương Thủy, Kim Thu, Quỳnh Tư, Hương Lan đã trình bày hoặc thu vào băng nhạc, CD phổ biến trong quốc nội và hải ngoại.

Từ ngày rời cố đô Huế ngày 5 tháng 10, 1950 với hãng Air France sang Pháp du học, nhạc của Lê Mộng Nguyên của những ngày tháng đầu tiên xa nhà đều nói lên sự nhớ nhung và thương nước thương nhà như :
"Xuân Tha Hương" (1951, nhà xuất bản An Phú),
"Lá Thư Cho Mẹ" (1951, An Phú), "Trời Âu",vv.....

Từ đó về sau, nhiều nhạc phẩm khác được chào đời tại Pháp như:
 "Bụi Đời",
"Người Trở Về" (1957, nhạc phim),
"Tìm Lại Ngày Xưa" (1958),
"Phiêu Bạt" (1958),
"Thề Non Nước" (1979, phổ thơ Tản Đà, báo Quê Mẹ, Pháp),
"Xuân Về Nhớ Mãi Quê Hương" (1980, báo Quê Mẹ, Pháp),
"Sông Seine, Bao Giờ Ta Về Nước Nam" (1988, báo Quê Mẹ, Pháp),
"Chiều Vàng Bên Chợ Đông Ba" (1988, báo Tiếng Sông Hương, Virginia, Hoa Kỳ),
"Quê Tôi" (1991, báo Tiếng Sông Hương, Hoa kỳ),
"Kiếp Giang Hồ" (1992, Dallas, Hoa kỳ).

Những bản nhạc đều nói lên nỗi buồn vô tận của nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên, lòng lúc nào cũng hướng về quê hương và mơ một ngày mai tự do dân chủ tại Việt Nam.

Khoảng 1990, tại Việt Nam, một tuyển tập nhạc Phật giáo gồm 25 bài do Lê Mộng Nguyên viết trước năm 20 tuổi đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam xuất bản. Bài nhạc "Mừng Khánh Đản"(1948), "Thành Đạo" (1949) là những bản nhạc Phật giáo được thành công nhứt. Ca sĩ Phượng Bằng đã có thu vào CD bài "Thành Đạo" tại Hoa kỳ. Bài Mừng Khánh Đản được hát ở các chùa Phật giáo ở Hoa kỳ mỗi khi có tổ chức mừng Phật Đản vào giữa tháng 4.


Trần Quang Hải

Nguồn: Trần Quang Hải

No comments:

Post a Comment