The Airbnb.com company’s founders, Joe Gebbia, Brian Chesky, and Nathan Blecharczyk, pose in the President’s Room.
Trong vài năm gần đây, sự xuất hiện của loại hình dịch vụ đặt phòng hay căn hộ trực tuyến Airbnb đã làm xáo trộn cảnh quan ngành khách sạn. Airbnb không kinh doanh khách sạn mà chỉ đứng ra làm trung gian và thu các khoản phí kết nối giữa những người cho thuê và khách du lịch.
Trong vòng 8 năm, từ một công ty khởi nguồn (start-up), Airbnb trở thành một đế chế trong lĩnh vực này với hơn 2 triệu chỗ ở tại 191 nước và hơn 60 triệu lượt khách đặt phòng trên Airbnb trong năm 2015. Airbnb trích hoa hồng từ 12-15% từ mỗi giao dịch. Theo phóng sự “Airbnb, l’autre visage d’un géant du partage” (Airbnb, mặt trái của nhà khổng lồ lĩnh vực chia sẻ, 04/06/2016) của đài truyền hình Pháp France 2, giá trị của công ty được thẩm định tới 25,5 tỉ đô la, chỉ đứng sau tập đoàn Hilton (27,7 tỉ đô la), nhưng đứng trước các tập đoàn Mariott (20,9 tỉ đô la) hay Accor (10 tỉ đô la).
Câu chuyện bắt đầu từ San Francisco (Mỹ) trong căn hộ chung của Brian Chesky và Joe Gebbia. Để có thể trả tiền thuê nhà, hai sinh viên ngành thiết kế đã cho thuê một phần căn hộ của họ cho khách du lịch. Tên Airbnb được kết hợp từ “AirBed” (đệm phao) và “Breakfast” (bữa sáng).
Sau khi thu được những khoản tiền đầu tiên từ các khách du lịch, hai sinh viên này đã nhận thấy tiềm năng rất lớn của mô hình kinh doanh mới này. Trả lời đài truyền hình France 2, Joe Gebbia, nhân vật số hai của Airbnb, khẳng định họ không phát minh gì mới cả, nhưng họ “đã tạo ra được một công cụ mới, vui hơn, gần gũi hơn và dễ truy cập hơn để mọi người trên khắp thế giới, không kể tuổi tác hay văn hóa, có thể liên kết với nhau”.
Airbnb phát triển thương hiệu theo mô hình : thoải mái, độc đáo và chia sẻ. Đây cũng là lời chia sẻ của Brian Chesky trong ngày hội gặp mặt “các chủ nhà” trên toàn thế giới tại Paris vào tháng 11/2015. Nhà tỉ phú 35 tuổi nói :
“Bạn có biết sự khác nhau giữa một ngôi nhà và một mái nhà không? Một ngôi nhà chỉ là một không gian, nhưng một mái nhà là nơi người ta đón tiếp những người khác như thành viên trong gia đình. Là chủ nhà, có nghĩa là chăm sóc những người sắp tới. Là chủ nhà, có nghĩa là làm thế nào để người khách có cảm giác thoải mái như ở nhà họ”.
4 lý do khiến chính quyền đô thị phản đối Airbnb
Với khách du lịch, loại hình “ở ké” tại nhà dân, vừa tiện lợi, vừa thoải mái, giúp họ được sống như một người dân bản xứ và tiết kiệm được chi phí dành cho chỗ ở, thường chiếm 1/3 ngân sách du lịch. Còn đối với chủ nhà, đây là một khoản thu nhập phụ không nhỏ giúp họ thanh toán các chi phí hàng tháng.
Tuy nhiên, với loại hình dịch vụ khách sạn truyền thống và chính quyền các đô thị lớn (Paris, Barcelona, Berlin, New York), Airbnb, cũng như các trang mạng cho thuê nhà/phòng du lịch đầy đủ tiện nghi, trở thành “kẻ thù số 1”.
Lý do thứ nhất, đa số cá nhân kinh doanh loại hình này không được cấp phép và dĩ nhiên là không khai báo thu nhập. Lấy trường hợp cụ thể tại Pháp, luật Alur năm 2012 quy định mọi thành phố có trên 200.000 dân có thể buộc mọi cá nhân muốn cho thuê chỗ ở với thời gian hơn 120 ngày/năm phải xin phép kinh doanh.
Thành phố Paris đã áp dụng biện pháp này. Thế nhưng, theo con số được đăng trên nhật báo La Croix (06/06/2016), tại Paris chỉ có 107 địa chỉ trong thành phố đã xin phép và được cấp phép kinh doanh. Con số này nhỏ hơn rất nhiều so với thực tế, vì, theo ông Ian Brossat, trợ lý đô trưởng phụ trách vấn đề nhà ở,“Paris có đến 40.000 chỗ ở đầy đủ tiện nghi dành cho du lịch, trong đó có thể có 60-70% được cho thuê trên 120 ngày/năm, thậm chí là suốt năm, một cách bất hợp pháp”.
Nhiều địa điểm nổi tiếng của Paris như đảo Saint-Louis (quận IV) hay khu Marais (quận III) sắp tới sẽ gần như không còn nhà ở thật sự theo đúng nghĩa mà nhường chỗ cho khách du lịch. Nhà dành cho du lịch càng tăng đồng nghĩa với quỹ nhà dành cho dân địa phương ngày càng giảm. Đây là lý do thứ hai khiến các thành phố lớn mạnh tay kìm hãm sự phát triển của dịch vụ Airbnb.
Trong trường hợp của Paris, do số lượng dân tăng đều từ những năm 2000, các đại biểu thành phố dường như đã quyết định đưa loại hình cho thuê nhà du lịch này vào khuôn phép. Một mặt, để hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản, mặt khác để tránh trình trạng quỹ nhà cho thuê dài hạn bị giảm, vì theo giáo sư Jean-Claude Driant, thuộc Viện Quy hoạch Đô thị Paris, “hình thức cho thuê truyền thống không có lợi bằng cho thuê ngắn hạn nếu căn cứ theo giá bất động sản rất đắt (ở Paris)”.
Thành phố Paris có riêng một đội ngũ 25 người chuyện đi “lùng” nhà ở hay phòng cho thuê không được cấp phép. Họ kiểm tra những tòa nhà nhờ truy cập các quảng cáo trên các trang cho thuê như Airbnb hay Abritel, thậm chí nhờ “cáo giác” của những nhà hàng xóm bất bình. Mọi cá nhân vi phạm có thể bị phạt đến 25.000 euro.
Nhiều thành phố lớn khác cũng đang làm giống Paris. Như tại Berlin (Đức), từ ngày 01/05/2016, người dân không được phép cho thuê một căn phòng trong căn hộ mà họ sống nếu không được phép, trường hợp vi phạm sẽ bị phạt 100.000 euro. Người dân Berlin còn có thể “tố cáo” trực tuyến những chủ nhà vi phạm. Tương tự, thành phố New York (Mỹ), cũng cấm cho thuê phòng liên tục trong vòng 30 ngày. Paris còn gợi ý các thành phố lớn trên thế giới hợp tác với nhau, trong đó có cả Luân Đôn, cho đến giờ vẫn rất “thoải mái” về vấn đề này.
Lý do thứ ba là thất thoát thuế “lưu trú” cho địa phương. Ngoài ra, rất ít cá nhân cho thuê nhà khai đủ thuế thu nhập. Tại Paris, Airbnb (từ năm 2015) và Abritel (vào năm 2016) đã cam kết thu thuế “lưu trú” từ các chỗ ở cho thuê. Airbnb chấp nhận nhắc lại quy định của thành phố Paris đến chủ nhà nếu họ chạm đến giới hạn 120 ngày cho phép. Thế nhưng, trang quảng cáo không chịu trách nhiệm thông báo với chính quyền địa phương.
Lý do thứ tư vẫn là thất thoát thuế, nhưng từ phía công ty Airbnb. Với hơn 200.000 chỗ ở, Paris là thị trường số 1 của Airbnb với 517.821 người đã đặt phòng qua dịch vụ này vào năm 2014. Thế nhưng, Airbnb nộp chưa đến 100.000 tiền thuế tại Pháp. Năm 2015, Airbnb đã có doanh thu hơn 800 triệu euro trên khắp thế giới.
Nhờ vào cấu trúc tài chính phức tạp, Airbnb đã lách được thuế tại 191 nước trên thế giới. Ví dụ, khi khách du lịch trả tiền thuê một phòng tại Paris trên Airbnb, tiền không ở lại Pháp mà đi thẳng về Ai Len, một chi nhánh có trụ sở tại Dublin. Tại đây, thuế áp dụng cho doanh nghiệp chỉ ở mức 12%, ít hơn 1/3 so với mức thuế 33% tại Pháp. Chính vì vậy, Airbnb đã chọn Ai Len để chuyển hết doanh thu từ khắp nơi trên thế giới, trừ thị trường Mỹ.
Trong danh sách đăng ký kinh doanh tại Ai Len, Airbnb có hai công ty : Airbnb Ai Len và Airbnb Quốc Tế. Đây chính là mô hình “the Double Irish” nổi tiếng giúp Airbnb gần như không phải nộp thuế, theo giải thích của giáo sư kinh tế Ai Len James Steward, thuộc trường Trinity College, với phóng viên của France 2 :
“‘Double Irish’ hoạt động như thế nào ư? Đây là một cơ chế khá đơn giản thường xuyên được các tập đoàn đa quốc gia Mỹ sử dụng tại Ai Len. Một công ty có trụ sở tại Ai Len thành lập thêm một công ty thứ hai. Với nhiều cách thức khác nhau, công ty thứ nhất chuyển lợi nhuận vào công ty thứ hai. Cụ thể là lợi nhuận được chuyển về công ty Airbnb Ai Len, sau đó, sẽ được chuyển sang công ty Airbnb Quốc Tế. Công ty Airbnb Quốc Tế có tư cách hoàn toàn khác, dù trụ sở đặt tại Ai Len nhưng có thể nộp thuế ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Trong trường hợp của Airbnb Quốc Tế, họ nộp thuế ở Jersey, nơi có mức thuế gần như 0% và gần như bị liệt vào danh sách “thiên đường thuế”. Với cơ chế như vậy, Airbnb, cũng như nhiều tập đoàn đa quốc gia khác, đóng thuế chưa đến 3% tổng lợi nhuận của họ”.
Theo yêu cầu của Liên Hiệp Châu Âu, Ai Len đã cam kết chấm dứt cơ chế “The Double Irish”. Thế nhưng, những công ty như Airbnb vẫn còn có thể tận dụng cơ hội đến năm 2020. Họ còn thời gian để tìm ra những cách tránh thuế mới và tiếp tục thách thức những quy định quốc tế.
Nguồn: RFI / Thu Hằng (20/7/2016)
No comments:
Post a Comment