Tuesday, August 30, 2016

Roxelane : Từ nô lệ thành chính cung Đế chế Ottoman



Roxelane, quý phi của quốc vương Suleiman Đại đế. (Ảnh từ Wikipedia)

Audio



Thế kỷ XVI, năm 1520, Suleiman I (06/11/1494 - 5,6,7 (?)/09/1566) trở thành vị Sultan thứ 10 của đế chế Ottoman. Ở phương Tây ông được biết với cái tên Suleiman Đại đế. Nhưng người phương Đông gọi ông là "Nhà lập pháp", bắt nguồn từ công cuộc tái xây dựng hệ thống pháp luật đế chế Ottoman.
Trong suốt 46 năm trị vì, Suleiman I đã đưa đế chế Ottoman thành một trong những đế chế hùng cường nhất tại Châu Âu vào thế kỷ XVI. Đích thân ông phát hành 13 cuộc trường chinh, đánh chiếm các thành phố lớn của Châu Âu như Belgrad (Nam Tư cũ, bây giờ là Serbia), đảo Rodos của người Hy Lạp theo Ki-tô giáo và một phần lớn lãnh thổ Hungary. Ông thôn tính cả phần lớn vùng Trung Đông trong cuộc chiến với Ba Tư (tức Iran ngày nay) và một phần rộng lớn lãnh thổ ở Bắc Phi đến tận xứ Algeri bây giờ.

Suleiman I là một vị vua lỗi lạc, một nhà quân sự tài ba của Châu Âu vào thời kỳ đó. Ông đã đẩy nền quân sự của đế chế lên đến tột đỉnh vinh quang. Đội hải quân của ông lúc bấy giờ hầu như làm chủ phần lớn vùng biển Địa Trung Hải, cho tới Hồng Hải và vịnh Ba Tư.

Về nội trị, Suleiman nổi tiếng là một nhà cải tổ về lập pháp, xã hội, giáo dục, thuế khóa và hình phạt đối với kẻ phạm tội. Không chỉ là một nhà lập pháp, một nhà quân sự, Suleiman I còn là một thi sĩ và một nhà kim hoàn bậc thầy. Ông còn là nhà bảo trợ chính cho nền nghệ thuật lúc bấy giờ, góp phần quan trọng tạo nên thời kỳ vàng son cho nền mỹ thuật đế chế.

 
Suleiman Đại đế Ottoman .(Ảnh từ Wikipedia)


Nhưng anh hùng khó qua ải mỹ nhân. Lãnh tụ chiến binh dũng mãnh, nhà lập pháp và một quân vương lỗi lạc, vị vua thứ 10 này của đế chế đã không ngần ngại phá vỡ tập tục Hồi giáo, lập một nô lệ xinh đẹp trong hậu cung thành chính cung, người sau này đóng một vai trò quan trọng trong suốt cuộc đời của quốc vương. Với biệt danh "Hurrem - cô nàng vui tính", người nô lệ đó đã trở nên bất tử trong con mắt của người Châu Âu dưới tên gọi là Roxelane.

Mối diễm tình giữa Suleiman I với Roxelane, câu chuyện tình duy nhất trong lịch sử đế chế Ottoman nhanh chóng thêu dệt trí tưởng tượng của cả Châu Âu, làm mê hoặc bao nhà quan sát sống cùng thời với Suleiman, kích thích trí tò mò của các nhà sử học và gợi hứng cho bao tác phẩm văn học, kịch nghệ, âm nhạc lẫn hội họa.

Cuộc sống cung nữ trong hậu cung

Roxelane, hay Rosselane, Rossa hay Rosa theo như cách gọi của người phương Tây do nguồn gốc Slav của cô có lẽ tên thật là Alexandra Lisowska, con gái của một vị giáo trưởng chính thống giáo. Ngày tháng năm sinh, không ai biết rõ, chỉ biết rằng cô sinh ra trong khoảng những thập niên đầu của thế kỷ XVI, tại vùng Ruthenia, một vùng đất Ukraina ngày nay, nhưng xưa kia thuộc về Ba Lan.
Tương truyền Roxelane bị bắt làm nô lệ từ khi còn nhỏ trong một đợt tấn công của tộc người Tatars, ở vùng Crimée. Cũng không ai biết rõ bằng cách nào Roxelane được đưa thẳng vào harem (tức hậu cung). Có nhiều luồng thông tin cho rằng rất có thể Roxelane đã được Thái hậu Hafsa Sultan, mẫu hậu của Suleiman I, nuôi dạy và ban tặng cho ông vào thời điểm lên ngôi, tức khoảng tháng Chín năm 1520.

Theo sử sách, cung nữ nô lệ trong harem được tuyển chọn từ hai nguồn: một là từ nguồn cống phẩm và nguồn khác đến từ thị trường nô lệ, mà phần đông trong số họ đến từ Châu Âu theo Kito giáo và được cho là có nhan sắc. Nữ văn sĩ đồng thời là ký giả, bà Isaure de Saint Pierre, trong một chương trình của kênh 2 Pháp, cho biết quy trình tuyển chọn khá khắt khe, ngoài sắc đẹp ra, các cung nữ mới đến phải trải qua các khám nghiệm sức khỏe gắt gao để thanh lọc những ứng viên nào có rủi ro mang những mầm bệnh nguy hiểm.

« Những người mới đến được sắp xếp theo độ tuổi. Cũng có nhiều nữ quản giáo khác nhau, không khí hơi giống như là trong một trường nội trú. Sau đó họ tiến hành các xét nghiệm vệ sinh rất tỉ mỉ để biết xem những cung nữ đó có mắc ba căn bệnh chính sau : bệnh phong, dịch hạch và dịch tả. Trước đây, họ thường kín đáo để mấy con chí còn sống lên cổ mà không để cho những cung nữ đó hay. Bình thường, nếu mấy con chí này vẫn còn sống, có nghĩa là các cô đó không mắc các chứng bệnh trên ».
Qua kỳ sát hạch sức khỏe, các cô phải vượt qua thử thách kế tiếp, kiểm tra chất lượng giấc ngủ và quan trọng nhất sự trong trắng. Nhà sử học Juliette Dumas giải thích : « Như vậy họ sẽ kiểm tra giấc ngủ của các cô. Những người mới đến không nên có giấc ngủ quá nặng, không nên ngáy, vì nếu như có ngáy, giá mua sẽ bị giảm xuống, thậm chí các cô gái đó có nguy cơ bị trả về. Tiếp đến các xét nghiệm y khoa, để kiểm tra sức khỏe, nhằm xác minh xem các xét nghiệm trước đó có đúng không và nhất là để kiểm tra xem các cô có còn trinh hay không. Bởi vì sự trinh tiết là một giá trị quan trọng của một cung nữ ».

Một khi đã được chọn, các cung nữ mới sẽ được cải đạo, học kinh Coran, học đọc và viết tiếng Thổ. Các cô cũng phải hoàn thiện các kỹ năng cầm, kỳ, thi, họa và cả vũ đạo. Theo các sử gia, vào thời vua Soliman, hậu cung của ông có ít nhất 300 cung nữ. Một điểm quan trọng là chủ nhân thật sự của hậu cung không phải là quốc vương mà là Thái hậu, thân mẫu của quốc vương tại vị. Việc tuyển chọn và quyết định ai sẽ hầu hạ quốc vương, dù chỉ là một đêm đều do Thái hậu định đoạt.
Roxelane: “Hurrem” hay “cô nàng vui tính”

Trở lại với trường hợp của Roxelane, theo các nhân chứng thời bấy giờ, nhất là từ đại sứ thành Venise, ngài Pietro Bragadino, Roxelane có thân hình khá nhỏ bé, « không đẹp sắc sảo nhưng rất có duyên ». Cô có một nét quyến rũ gì đó không thể nào bỏ qua được, một con người rất lạc quan, biết ca hát, nhảy múa luôn mang đến nụ cười cho mọi người trong hậu cung. Cũng chính vì điều này mà mọi người trong cung gọi cô là « Hurrem », có nghĩa là « cô nàng vui tính ».

 
Hậu cung thời đế chế Ottoman là nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ Châu Âu (Ảnh từ Wikipedia)


Theo lời thuật của tiểu thuyết gia Isaure de Saint Pierre (Historia số ra tháng 12/2014), ngay khi bước chân vào hậu cung lúc nhỏ, Roxelane đã hiểu rằng có nhan sắc cũng chưa đủ để tồn tại và để tạo nên sự khác biệt trong thế giới nữ nhân tàn nhẫn này. "Trong harem không thiếu gì cung nữ trẻ đẹp, nhưng Roxelane biết gây sự chú ý bởi vì cô ấy rất siêng năng trong các giờ học. Cô ấy nhanh chóng hiểu ra rằng nhan sắc không thôi cũng chưa đủ mà cần phải có trí tuệ để có thể thu hút được sự chú ý của Thái hậu và có thể sau này là quốc vương nếu cô có thể trở thành quý phi. Đó cũng chính là mục tiêu của tất cả các cung nữ trong hậu cung".

Một điểm đáng chú ý xã hội dưới thời đế chế Ottoman rất ít phân biệt đến chủng tộc, mà nguồn gốc Ukraina của Roxelane là một minh chứng. Tài năng được đặt lên trên cả xuất xứ của cung nữ. Có thể nói là harem (hậu cung) trong đế chế Ottoman vận hành như là một công cụ cho sự thăng tiến xã hội. Được chủ nhân để ý, chăm sóc giấc ngủ và hạ sinh cho ngài một đứa con kế thừa xem như đảm bảo cho người may mắn được chọn một vận mệnh tuyệt vời. Chính vì điều đó mà cạnh tranh giữa các cung nữ rất là khốc liệt với khát khao có được ân sủng của quốc vương.

Roxelane "bằng chính sự quyến rũ và tài năng của mình" đã biết cách mang đến cho vua một niềm đam mê tột đỉnh, đến mức tất cả những tay dọ thám lúc bấy giờ đều nhất trí cho rằng Suleiman đã bị bùa mê và đặt cho nàng một biệt danh là "Ziadi" (phù thủy). Biết gẩy đàn, ca hát, Roxelane còn chinh phục trái tim ngài bằng tài thơ phú. Điều đó đã thật sự làm ngài rung động bởi vì chính bản thân ông còn là một nhà thơ lớn lúc bấy giờ.

Chiến lược mạo hiểm loại tình địch

Nhờ có được sự yêu thương của Suleiman, Roxelane đã từ từ leo lên từng cấp bậc trong hậu cung với mong ước đạt được tước vị cao nhất là bach kadin, có thể xem như tương đương với quý phi. Nhưng để có thể làm được điều này, Roxelane phải loại trừ một đối thủ khác là quý phi Mahidevran Gulbahar, người đã hạ sinh cho Suleiman một hoàng tử kế vị.

Theo sử gia Juliette Dumas, vốn là một người có đầu óc rất nhạy bén, Roxelane nắm rất rõ các quy tắc trong hậu cung và đã biết cách tận dụng các quy định đó để hạ gục tình địch. Một chiến thuật mà bà Isaure de Saint Pierre cho là quá mạo hiểm : "Cô ấy đã trêu tức Gulbahar đến mức bà quý phi đã lao thẳng vào cô, giật tóc và tát vào mặt cô. Nhưng Roxelane không hề có chút phản ứng tự vệ, cô để cho bị hành hạ như thế, càng bị chảy máu, mặt cô trông càng thảm hại, như vậy cô lại càng hài lòng cho đến lúc mà viên quản thái giám đến can thiệp không để cho Gulbahar đánh chết cô.

Chuyện kế tiếp là khi Suleiman cho gọi Roxelane đến hầu hạ Ngài, cô ấy đã từ chối đến ba lần. Chưa có một cung nữ nào dám từ chối quốc vương. Khi Ngài đến chỗ ở của Roxelane, cô ấy tìm cách giấu mặt, nhưng khi Suleiman nhìn thấy khuôn mặt bầm dập, Ngài hỏi đó là do Gulbahar. Roxelane gật đầu và nói rằng "Thiếp định không bao giờ nói cho ngài biết vì lo sợ cho tính mạng của con". Chính vào lúc đó Roxelane thú thật là đang mang thai.

Khi ai đó đánh một cung nữ đang mang thai của sultan, cũng giống như là người đó đang tìm cách hạ sát chính ngài vậy. Án phạt sẽ là tử hình, do vậy cực kỳ nghiêm trọng. Đương nhiên là Gulbahar không hề hay biết điều đó và đó chính là mưu mô của Roxelane vì nàng biết rõ là kể từ giờ mọi thứ coi như đã an bài đối với Gulbahar".

Nhờ vào sự can thiệp của tể tướng Ibrahim Pacha, cũng là bạn nối khố của Suleiman mà Gulbahar đã thoát được tội chết và chỉ bị đày đến Manisa cùng với con trai, cách Istanbul 500 km vào năm 1533. Một thắng lợi nửa vời đối với Roxelane. Giờ thì nàng đã nghiễm nhiên trở thành người được sủng ái nhất của quốc vương, lúc này nàng chỉ vừa được 19 tuổi. Nhưng Roxelane biết rằng vẫn còn nhiều thứ phải đạt tới.

Do đó vẫn cần học hỏi thêm nhiều nữa để có thể giúp quốc vương trong chính sự. Nàng cũng phải trau dồi nhiều hơn nữa tài kể chuyện để giải trí cho quốc vương. Cuối cùng, cũng phải sử dụng nguồn chu cấp mà nàng có để dàn xếp các "tai vách mạch rừng" khắp nơi và làm run sợ những kẻ khác không ngừng tìm cách quyến rũ quốc vương.

Trở thành chính thê: "được ăn cả, ngã về không"

Quyền lực của Roxelane lớn dần theo mỗi lần sinh con. Nàng lần lượt cho ra đời thêm 3 người con trai nữa và một cô con gái. Thế nhưng, điều đó cũng chưa đủ làm cho Roxelane thỏa mãn. Vốn dĩ là một người đầy tham vọng, mục tiêu cao nhất của nàng là phải đạt được đỉnh cao quyền lực, đó là trở thành chính cung của Suleiman. Nhưng trên nguyên tắc điều này bị cấm. Luật lệ đạo Hồi quy định một sultan không được phép thành hôn với một nô lệ. Do đó, Roxelane đã tiến hành theo hai bước: xóa bỏ thân phận nô lệ trước và sau đó là thành hôn.

Bà Isaure de Saint Pierre trong tạp chí Historia số đề tháng 12/2013 giải thích như sau: " Để được xóa thân phận nô lệ, Roxelane tỉ tê với quốc vương rằng mọi hành động tốt mà nàng sắp làm sẽ không được công nhận bởi lẽ nàng là một nô lệ và như vậy nàng và quốc vương sẽ không thể nào ở bên nhau đến đời đời kiếp kiếp. Khi nghe những lời này, trong một phút xúc động, Suleiman hạ bút xóa bỏ thân phận nô lệ cho nàng.

Trở thành người tự do, nhưng mỗi lần Suleiman đến gần, Roxelane đều ngăn cản và tìm cách chối từ trong vòng 3 đêm liên tiếp viện dẫn rằng một phụ nữ tự do không được phép quan hệ với một người đàn ông mà chưa thành hôn. Hiểu rằng đã bị nàng "xỏ mũi", quốc vương đã nổi cơn thịnh nộ và đóng cửa trong phòng suốt ba ngày. Roxelane dù rất run sợ nhưng vẫn không chùn bước. Cuối cùng ngài đành phải buồn bã nhượng bộ, cho mời đại giáo sĩ đến và thông báo ý định thành hôn cùng Roxelane ngay tại hậu cung ".

Ở đây Roxelane đã liều mình đi một nước cờ nguy hiểm có thể nói là 'được ăn cả, ngã về không', nguy hiểm đến chính tính mạng của mình. Nhưng sự liều lĩnh đã được đền công xứng đáng. Roxelane trở thành chính thê, vợ duy nhất, hoàng hậu độc nhất của Suleiman và cả trong lịch sử đế chế Ottoman, như nhận định của ông Edhem Eldem, giáo sư đại học Bogazici tại Istanbul:

"Thật không thể nào giải thích được mối quan hệ đặc biệt giữa Suleiman với Roxelane, hoàng hậu, chính thê của Ngài, bởi vì điều đó chưa từng có trong lịch sử. Chúng ta chỉ biết là vào thế kỷ 17 hay 18 có những trường hợp các quốc vương đam mê một nô lệ này hay nô lệ khác. Nhưng chưa bao giờ đi đến mức một chính thê duy nhất.
Có điều gì rất ngoại lệ trong trường hợp của Roxelane. Nàng tự khẳng định với tư cách là hôn thê duy nhất và độc nhất của Suleiman. Nàng tự phong cho mình là hoàng hậu. Trong khi đó, trong xã hội thời đế chế Ottoman, không hề có vị trí hoàng hậu. Roxelane là cả một sự bí ẩn. Rõ ràng không ai hiểu vì sao. Nhưng ở đây có một hiện tượng đặc biệt đã đặc trưng hóa một phần lớn sự trị vì của Suleiman cho đến lúc Roxelane qua đời".

Hạ đối thủ chính trường

Trở thành chính cung của quốc vương, Roxelane cùng với Ibrahim Pacha, người bạn nối khố và cũng là tể tướng của đế chế cùng chia sẻ ân sủng của Suleiman. Thế nhưng, sự ân sủng đó dành cho người bạn thân Ibrahim cũng chỉ kéo dài được chừng chục năm hơn. Ngày 15/03/1536, tể tướng Ibrahim Pacha, đã bị 7 tên thái giám "câm" ám sát khi đang ngủ say trong gian phòng nằm sát cạnh nơi nghỉ của sultan. Ngày hôm đó, Ibrahim đã được mời vào cung dùng bữa tối cùng với quốc vương. Án mạng xảy ra nhưng không có một cuộc điều tra nào được tiến hành.

Làm thế nào giải thích án mạng Ibrahim? Ông Gilles Veinstein, giáo sư trường trung học Pháp cho là do chính tham vọng của vị tể tướng trẻ tuổi này. "Một điều chắc chắn là anh ta cảm thấy ngày càng mạnh và nhiều đại sứ đương thời chứng nhận điều đó. Nhiều lần anh ta từng nói với họ vài điều khá táo tợn đại khái như là chính ta là người quyết định tất". Thái độ cao ngạo đó bắt đầu làm cho Suleiman cảm thấy bực bội. Nhưng vì lời hứa năm xưa với bạn mà ông không thể ra tay hạ sát. Roxelane cũng biết điều này, nên có lẽ đã ra tay hành động.

Nhà văn, ký giả và cũng là cháu ngoại của một công chúa Thổ Nhĩ Kỳ, bà Kenizé Mourad còn đưa ra một giả thuyết thứ hai đó là do đố kỵ. "Điều hiển nhiên là Roxelane ganh tỵ khủng khiếp với Ibrahim người rất được Sultan ưu ái và cũng là bạn chí cốt của ông. Để ngự trị như là nữ chủ nhân, Roxelane cần phải loại trừ anh ta. Trên thực tế, Ibrahim và Roxelane đều không ưa nhau".

Kế vị ngai vàng: cuộc chiến cuối cùng

Ibrahim bị loại, Roxelane giờ có thể tự do can dự triều chính và cũng đã đến lúc nghĩ đến chuyện truyền ngôi. Quyền lực của Roxelane chỉ thực sự bền chắc một khi chiếc ngai vàng đó phải thuộc về một trong các người con của nàng. Thân mẫu của quốc vương tại vị sẽ thành Thái hậu, chủ nhân thật sự của hậu cung.

Theo luật lệ thời đế chế Ottoman, cuộc tranh tài giành quyền kế vị được quy định bằng một đạo luật rất kỳ lạ và khủng khiếp: đạo luật “huynh đệ tương tàn” theo như trích dẫn của Giáo sư Gilles Veinstein. “ Người ta tìm thấy đạo luật này trong một trong những bộ luật được trao cho quốc vương Mehmed II. Điều luật quy định : bất kể ngai vàng thuộc về một trong những người con nào của ta, người đó nên giết anh em của mình. Đại bộ phận các nhà thần học đều tán đồng rằng đạo luật phải được thực thi ”.

Một đạo luật mà giáo sư Edhem Eldem, trường Đại học Bogazici, Istanbul đánh giá gây sốc. Các vụ đấu đá để tranh giành vương quyền, những mánh khóe trong chốn cung đình ai cũng biết thường là chết người, đó cũng nằm trong bản chất của chốn vương quyền ở phương Tây cũng như phương Đông. Điều gây sốc hành động tàn sát để tranh quyền đoạt vị đó được ghi thành luật.

Cũng chính vì điều đó đã làm cho Roxelane phải lo âu, do bởi hoàng tử kế vị chính thức là Mustafa, con trai của cựu tình địch Gulbahar. Roxelane phải ra tay hành động. Vào năm 1553, một bức thư giả được cho là của Thái tử Mustafa gởi cho sa Iran, đề nghị đến giúp lật đổ Suleiman đã bị chặn giữ. Mustafa vì muốn chứng minh sự trong sạch nên đã vội vã tay không vào cung. Thái tử đã bị một số đông lính gác "câm" chặn bắt và xiết cổ cho đến chết, dưới sự chứng kiến của Suleiman vào ngày 06/11/1553.

Mustafa bị loại, con đường chọn người kế thừa rộng mở. Giờ chỉ còn lại hai người con trai của nàng phải lao vào một cuộc tranh giành theo như điều luật “huynh đệ tương tàn”. Thế nhưng, chưa kịp nhìn thấy kẻ chiến thắng, ngày 15/04/1558, Roxelane đã trút hơi thở cuối cùng sau những đợt viêm màng phổi liên tiếp. Lúc này Roxelane đã được khoảng 60 tuổi. Tám năm sau, đến lượt Suleiman qua đời do bị sung huyết ngay trong chiến dịch tấn công Beograd.

Roxelane, một mạnh thường quân cho văn hóa, nghệ thuật

Giới nghiên cứu cho rằng khó có thể đánh giá được hết ảnh hưởng của Roxelane lên Suleiman, một con người khó có thể cho là một vị vua yếu kém và dễ bị tác động. Nhưng lúc còn sống, Roxelane còn là nhà tư vấn cho Suleiman và dường như có một ảnh hưởng đáng kể lên chính sách đối ngoại của đế chế lúc bấy giờ.

Theo nguyệt san Le Monde: Histoire et Civilisation số ra tháng 02/2015, Roxelane nhiều lần viết thư gởi cho hoàng đế Ba Lan Sigismond II và các thành viên của triều đại Safavide của Ba Tư. Hiểu được vị trí của Roxelane bên cạnh Suleiman, đại sứ các nước không bao giờ quên các tặng phẩm dành cho nàng và nhiều vị quyền cao chức trọng của đế chế cũng phải biết ơn đến nàng. Một số nhà sử học nghĩ rằng Roxelane đã có tác động đến hôn phu nhằm tăng cường kiểm soát nạn buôn nô lệ do người Crimée tổ chức ngay trên chính mảnh đất quê hương của nàng.

Bên cạnh đó, Roxelane có một vai trò rất quan trọng với tư cách như là một Mạnh Thường Quân. Nàng cho xây dựng nhiều địa điểm tôn thờ và từ thiện, nhiều phòng tắm công cộng tại Istanbul, một bệnh viện, một trường dạy kinh Coran nơi đào tạo chủ yếu ngành y khoa, một dưỡng đường dành cho các quý bà đủ mọi tôn giáo, mọi thành phần tại Jerusalem và một thánh đường ở Ankara.

Sự ra đi của Roxelane có lẽ đã có những hậu quả sâu sắc lên tính tình của Suleiman. Vài bức điêu khắc cho thấy hình ảnh của Suleiman sau khi Roxelane qua đời, một vị quốc vương già nua, buồn bã, ủ rũ, mệt mỏi bởi những cuộc đấu tranh giành quyền lực giữa hai người con Bayezid et Selim.

Suleiman đã xây dựng lăng cho người vợ yêu quý ngay dưới bóng của thánh đường tráng lệ của ông. Lăng của ông được xây cạnh lăng của Roxelane tám năm sau đó. Kể từ giờ, Roxelane và Suleiman kề cận bên nhau muôn giấc ngàn thu.

 
Lăng mộ của Suleiman Đại đế (Ảnh từ Wikipedia).

 
Lăng của Roxelane (Ảnh từ Wikipedia) .

Nguồn: RFI / Minh Anh


No comments:

Post a Comment