Wednesday, October 12, 2016

Những tấm ảnh qua cỏ và lá khô của nhiếp ảnh gia Binh Danh

Anh tâm sự trong video : Rồi một ngày con chúng ta đều trở về với cát bụi , với cỏ cây ... vì thế anh mới có sáng kiến "rửa ảnh" qua cỏ và lá cây


Nhiếp ảnh gia Binh Danh sinh tại Việt Nam ngày 9/10/1977. Gia đình anh vượt biên năm 1979 và định cư tại Hoa Kỳ khi anh mới tròn 2 tuổi. Năm 2002 anh tốt nghiệp San José State University với văn bằng Cử nhân Nghệ thuật (Bachelor of Fine Arts), chuyên ngành nhiếp ảnh.


Nhiếp ảnh gia Bình Danh
Binh Danh cũng là một trong những nghệ sĩ trẻ nhất khi anh học tiếp chương trình Cao học Nghệ thuật (Master of Fine Arts) tại Stanford University khi mới 25 tuổi. Tại đây, anh chọn chủ đề nghiên cứu về “studio art”, tạm dịch là nghệ thuật phòng chụp hình. Thay vì có những tấm hình in trên giấy, anh chọn lá cây hoặc lá cỏ thích hợp ngay trong vườn nhà để in ảnh. Danh bắt đầu thử nghiệm sự kết hợp giữa nhiếp ảnh với quá trình quang hợp của lá cây: anh đặt tấm film âm bản lên lá cây, cố định chúng bằng những tấm kính, sau đó phơi chúng dưới ánh nắng mặt trời.

Anh gọi đó là "ảnh diệp lục" vì chất diệp lục của lá khi tiếp xúc với cường độ ánh sáng khác nhau sẽ chuyển thành những màu sắc khác nhau, tạo nên những chi tiết của ảnh ngay trên lá cây. Dĩ nhiên là những màu sắc kết hợp từ trạng thái diệp lục với ánh sáng mặt trời trên lá cây tạo ra một bức ảnh khác hẳn với ảnh nguyên thủy trên giấy và đó cũng là giá trị của “ảnh diệp lục”.

Tỷ lệ thành công của quá trình “ảnh diệp lục” khá thấp, khoảng 20%, nghĩa là cứ 5 tấm hình anh phơi thì chỉ một tấm thành công. Thời gian phơi có thể là vài ngày nhưng cũng có khi kéo dài hằng tuần vì lý do thời tiết. Mỗi chiếc lá sau khi được kết hợp thành công giữa nhiếp ảnh và sinh học sẽ được Binh Danh che phủ bằng nhựa thông (resin) và được đặt trong khung kính để bảo quản.

Bộ sưu tập về cuộc chiến tại Việt Nam mang tựa đề “Immortality, The Remnants of the Vietnam and American War” gồm 11 tấm “ảnh diệp lục”, hay nói khác đi, 11 tấm ảnh đó là của các phóng viên chiến trường được Binh Danh dùng để tái tạo trên lá cây. Hiểu theo một nghĩa khác, đó chính là tác phẩm của anh với sự góp sức của những người khác!


Drifting Soul (2000) - một toán binh sĩ Mỹ hành quân tại miền Nam Việt Nam

Năm 2005 có tất cả 6 bức được Binh Danh thực hiện. Người ta nhận ra ngay nhóm ảnh này được chia thành 2 chủ đề: (1) chiến tranh đối với những người cầm súng; và (2) hệ quả của nó đối với những thường dân.


Battlefield (2005) - bóng dáng chiếc trực thăng trên lá và những người lính nổi lên giữa những đường gân lá đã ngả màu trên chiến trường.


Barracked (2005)


Fire in the Sky (2005) - Một chiếc B52 đang thả hàng loạt quả bom từ trên các tầng mây trắng xóa.


Combust (2005) - Những nạn nhân vô tội của chiến tranh

Mother and Child (2005) - Hình kế tiếp là một người đàn bà ngồi ôm đứa con nhỏ, hy vọng cô bé vẫn còn sống vì một tay bám víu vai của mẹ

Part of War (2005) - Vụ Mỹ Lai ngày 16/3/1968 và đã trở thành một trong những “vũ khí” hữu hiệu của những người phản chiến tại Hoa Kỳ.

Untitled (2006)

Helicopter (2006)

Ambush in the Leaf (2007)

Shock & Awe (2008)

Binh Danh còn có một bộ sưu tập chân dung những người lính Mỹ đã bỏ mình trên chiến trường Việt Nam dựa theo một trang báo của tạp chí Life năm 1969 mang tựa đề “One Week’s Dead”. Bài báo đưa tin và ảnh của 242 thanh niên Mỹ đã tử trận chỉ trong trong vòng một tuần lễ, tựa như một trang kỷ yếu (year-book) của học sinh trung học nhưng chỉ toàn là di ảnh của người chết.

Bằng lối sáng tạo hình ảnh trên lá và cỏ, Binh Danh đã tái tạo nên lịch sử. Kỹ thuật nhiếp ảnh mới lạ của anh đã để lại một dấu ấn đậm nét của quá khứ, một quá khứ nhiều người muốn quên đi nhưng cũng có nhiều người muốn giữ lại. Dù cố quên hay cố nhớ, người ta không khỏi khâm phục tính sáng tạo của anh qua những bức ảnh lá cây.


Nguồn: http://binhdanh.com/Projects/Immortality/Immortality.html

No comments:

Post a Comment