Tuesday, May 16, 2017

Bốn Khắc Khuy Tàn - Đào Vũ Hoài


Audio: Bốn Khắc Khuy Tàn


Giọng đọc: Hồng Vân

Sinh ra tôi, thầy u đặt tên Duệ. 

Thầy tôi theo học chữ thánh hiền, đương thời nhiễu nhương bỏ mộng thi cử về sinh quán chăm nom ruộng đất ông bà để lại. Tôi ở nhà học chữ thầy tôi đến năm lên mười. Thầy tôi hằng dạy bảo, bước ra đường phải biết đạo làm người. Nhưng thức thời, thầy u tôi chọn ngày lành sửa lễ, cáo gia tiên cho tôi cắp sách ê a theo tân học. Dẫu tôi mặc quần kín đũng đã mấy năm trời, nay đứng trước bàn thờ nơi từ đường khấn lễ, tôi bỗng thấy mình kể từ đây bước vào tuổi lớn khôn và được trao phó trách nhiệm to tát lắm. Lúc bấy giờ tôi chỉ cảm nhận lờ mờ thế thôi. Tôi khấu đầu chắp tay vái, trước là để tạ tội với tiền nhân, sau xin vong linh tông tộc phù hộ cho tôi đi học được sáng dạ. U tôi bảo, phận sự của tôi trên hết là chăm chỉ sách đèn để không phụ công ơn của thầy u, để mai sau ra đời lập thân không phải hổ thẹn với họ hàng làng thôn.

Ba năm sơ học yếu lược, thêm hai năm tốt nghiệp tiểu học bổ túc, tôi nghe lời chú Quyến khuyên nhủ ghi danh vào học trường Bách Nghệ. Chú Quyến đi học đỗ thành chung, năm ngoái năm kia xin được chân ký lục sở Hỏa Xa. Chú bảo tôi, đất nước đang hướng về một thời đại mới trong một niềm háo hức công nghiệp mới. Cũng năm đó thầy u tôi trầu cau qua hỏi Lụa cho tôi. Bác Cả Lĩnh, cha của Lụa, cùng thầy tôi là bạn đồng môn. Lụa được tiếng xinh nhất làng. Thằng Sồi cháu cụ chưởng lễ thường đứng đón cổng làng ve vãn Lụa. Năm kia, sau vụ gặt bố thằng Sồi có nhờ mai mối đánh tiếng. Bác Cả Lĩnh từ chối khéo, bên nhà họ để bụng căm tức lắm. Tôi với Lụa thân nhau từ tấm bé, mày tao chi tớ ỏm tỏi, lắm lúc tức giận quá đánh nhau. Lụa đáo để vô cùng, và bao giờ tôi cũng đành chịu thiệt.

Như mọi năm, đến ngày tựu trường tôi khăn gói thầy tôi đưa lên Hà Nội đi học, u tôi khóc rấm rứt. Lần ấy Lụa đứng nép bên u tôi hai mắt đỏ hoe. Tôi ở với gia đình bên cô Đoạn tôi, mấy tháng hè mới được về thăm nhà.

Lần ấy tôi hân hoan đưa tay đón nhận của tin đem vào đời.

Đã bao năm rồi, tôi không nhớ.

Sinh ra tôi, thầy u đặt tên Duệ.

Tôi sống bên khúc sông hoang lương này đã bao năm rồi, tôi không nhớ. Râu tóc tôi đã dài. Tôi phát rẫy trồng khoai, mò cua bắt cá được miếng ăn. Mưa rươi tháng Mười ếch nhái béo thịt, tháng Bảy nước nhẫy tôi đánh cạm bắt rắn hổ trâu. Trời chuyển tiết xuân phân tôi vào rừng bẻ măng, cuối hạ chí quả trên cành chín mọng. Tôi biết thức gì nuôi sống dã cầm, người ăn được. Tôi chọn cho mình hốc đá sâu làm nhà, bện nứa đánh gianh che mưa chắn gió. Ở đoạn này lòng sông mở rộng, nước sông chảy không xiết lắm. Tả ngạn hữu dực vách đá cheo leo đứng thẳng. Miền thượng nguồn, con sông xưa thuộc xứ sở dân tộc Thái, thị xã Lai Châu một thời là đất kinh thành. Hơn năm thế kỷ về trước, Lê Lợi đem quân chinh phục vua Đèo Cát Hãn, nhập lãnh thổ này vào bản đồ nước Đại Việt nhằm chắn giữ bờ cõi phía tây bắc. Người Mường đã tiếp sức vua Lê đánh người Thái. Nhờ ở truyền thuyết Bà Chúa Thác Bờ hiển linh độ trì nhà Lê trị bình thiên hạ mà triều đình thu phục được lòng dân sống trong các bản. Tôi thường lặng lẽ nhìn con nước xuôi trung du về đồng bằng, len lỏi giữa trùng trùng núi đá cao ngất. Vực hạ lưu sông chảy qua Hà Đông, quê tôi.

Đã bao năm rồi.

Trải qua bão tố hung ngược, khúc ruột xéo mãi cũng quằn. Quả tim nhẫn thống giã chày ba chưa tróc hết tủi hờn. Tuổi trai tráng tương lai gióng nhịp trong huyết quản, hồn vẫn hằng mơ giấc mộng khí tiết. Bằng lòng mãi sao với thân tôi mọi. Không muốn ngửa tay xin kẻ thống trị quyền làm người. Tôi nào đã tiếc thân. Tôi không muốn thẹn với lòng. Mà phải riêng gì tôi, bao người đã đi trước đem mạng sống đoan với thời vận. Bằng lòng mãi sao choẳn người chịu nhũng ? Nhưng công đức không toại. Đau đớn lắm, vận nước nhà còn khan. Thương dân còn nài kiếp trên cánh đồng lúa đén. Biết trông vào đâu cho khỏi những năm xung tháng hạn.

Tôi không muốn thẹn với những người đã đi trước.

Cuộc khởi nghĩa vũ trang không đạt, tôi cùng anh em rời Hà Nội về Vĩnh Yên ẩn náu. Thanh tra Bắc Kỳ quyết ra tay tiêu diệt tận gốc mọi khả năng phục hồi hàng ngũ Quốc Dân Đảng. Những con người muốn sống bất khuất nên đã đành tâm ngậm đắng lìa đời. Những giấc mơ đổ rạp. Mất cả. Những ngày đen tối, những tin dữ xiên quai bổ đầu. Xứ ủy Nguyễn Khắc Nhu tự sát giữ khí tiết trong trận đánh đồn Hưng Hóa ; trên Yên Bái, Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Ký Con Đoàn Trần Nghiệp cùng số đông thân sĩ Tây đem chém đầu, thủ cấp bỏ rọ bêu ở cổng chợ thị xã. Những cố gắng nhằm xây dựng lại lực lượng chưa đi đến đâu, chỉ mấy tháng sau Lê Hữu Cảnh bị bắt, cơ sở Tổng Bộ tan vỡ. Hàng trăm người lãnh án khổ hình chung thân, trong số đó có anh em bạn cùng học. Giặc tung những chiến dịch đàn áp dân lành ở Cổ Am, ở Đồng Tải ; chúng xua quân ruồng bố ở Phong Cần và Võng La. Tôi không biết những anh em binh lính, người của đảng trong quân đội, số phận họ rồi ra sao. Tôi không biết cuộc khởi binh Yên Bái để lại gì trong lòng mọi người. Ở quê nhà, liệu thầy u sống yên được với lũ quan lại khuyển ưng ? Hẳn Lụa đã đi lấy chồng.

Biết trông vào đâu cho khỏi những năm xung tháng hạn.

Tôi biết làm sao ?

Ngay từ khởi đầu, trước bởi biến cố ở Bắc Ninh, lại đến tai vạ ở Võng La, đã khiến Tây cảnh giác. Chúng tăng cường việc truy lùng và khủng bố. Tôi không tán thành dự định của anh em học sinh trường Bách Nghệ, thấy có nguy cơ khởi nghĩa non. Các anh ấy cũng biết, ngay tại hội nghị đại biểu ở Hải Dương đã có sự bất đồng ý kiến. Cớ sao anh em lại nhìn tôi khinh miệt ? Thiếu sự chuẩn bị kỹ càng, chất nổ của các anh quả đã không tạo được tiếng vang trong dân chúng. Tên giám đốc sở Mật Thám chẳng hề hấn gì. Chúng ta cũng không gây được tổn hại nào đáng kể ở Hỏa Lò hay sở Cảnh Sát.

Tôi không muốn anh em ngờ tôi khiếp nhược khi đối mặt bạo quyền.

Chính tôi bắn chết Đội Dương.

Tôi hăng hái đảm nhận mệnh lệnh xử tội y, như thể muốn lấy máu kẻ bội phản tẩy uế tâm can tôi.

Tôi đã chứng tỏ tôi không khiếp nhược khi đối mặt bạo quyền.

Tôi bắn chết Phạm Thành Dương.

Đã bao năm rồi.

Sông có khúc bồi khúc lở.

Tôi vẫn sống với phận tôi hoang lương bên sông khúc lở khúc bồi.

Mấy hôm nay có lẽ đã sang tiết hàn lộ. Bàng bạc hơi nước giăng mặt nước. Mây xám phủ kín trời, che khuất đỉnh núi. Không gian se thắt lại, trùng xuống. Nước sông đen ngòm. Gió xoáy từng khoanh vũm lòng và tím nhợt trong bãi sậy. Ngày tắt vội. Rừng già trút lá khô xuôi duềnh. Tim tôi dúm dó trong giá rét sương mù, nhưng trong tôi sức sống hằng thao thức. Vâng, rạng ngày xuống bãi, tôi vẫn đưa tay đón nhận ân huệ từ ánh mặt trời buốt cóng, nhạt nhùng như khối thủy tinh đục. Râu tóc tôi đã dài, áo quần rách bươm. Một mình tôi giữa núi cao sông rộng. Tôi với bóng tôi một mình trách kỷ.

Và tôi vẫn thở.

Đã lâu rồi.

Bẩng tinh mơ, thuận con gió vũ thủy trong veo thiếu nữ bồng con đi. Tôi dõi mắt theo không nói gì. Thiếu nữ không hề ngoảnh mặt lại một lần. Tôi vẫn giữ hộ thiếu nữ đây một buổi sáng lập đông năm nào.

Đã xa quá xa, buổi sáng lập đông ấy, khi sóng nước từ thượng du ì uồm xô bè chuối dạt vào bờ. Tôi lặng người nhìn thiếu nữ nằm bất động trên bè. Kẻ thông gian làng tước đoạt quyền sống, thả trôi sông như đã đem mai táng người quá cố. Một nghĩa cử ban phát cho kẻ có tội.

Người ta đem chôn nỗi tủi nhục.

Tôi biết, đời khắc nghiệt với những người đàn bà nhẹ dạ.

Thiếu nữ thoi thóp thở, hai chân bị néo chặt vào bẹ. Qua bao thôn xã ven con nước nào ai đã dám vớt vào. Nỗi bất hạnh như hung triệu lừ lừ trôi giữa lòng sông. Mạng sống này là để chuộc thanh giá, là để giữ gìn đạo lý đến muôn đời. Lễ giáo đã khép án kẻ phạm gian.

Tôi nỡ lòng nào đẩy bè ra.

Không, tôi đã không đủ can đảm bỏ mặc thiếu nữ cho số phận.

Vào thu chim ri ríu rít gọi đàn, sà xuống bãi lại bay vút lên cao. Chim tung cánh liệng trong nắng hanh. Có tiếng thở dài vắt ngang ngọn rừng. Thiếu nữ đến ngày nở nhụy khai hoa, dùng thanh nứa cật tự cắt lìa cuống rốn. Thiếu nữ hạ sinh một bé gái.

Tôi đưa tay ôm lấy đứa bé tái tím đem nó vào đời.

Mùa đông năm ấy cái rét cắt vào da. Mưa trên ngàn ùn ùn đổ không ngớt, thối lòng người. Nước sông cuồn cuộn hung tợn. Đất trời sũng nước. Non sâu đặc mù hơi chướng nghiệt ngã. Thăm thẳm một cõi xám ngắt.

Tôi vui sướng nhìn đứa bé gái ngoi ngóp vượt qua tính mạng hiểm nghèo.

Đã xa quá xa cái ngày đứa bé khóc ré lên, tay bấu chân quặp rúm mình ghịt chặt phần sống ở lại.

Tiết trời rồi lại xoay vần. Vi vu có gió ấm về len qua bãi lau. Hoa gạo đỏ ối cả vạt rừng. Chiều chiều thiếu nữ bồng con nhìn theo con nước đem phù sa về bình nguyên.

Tôi lẳng lặng vào rừng đẵn tre kết bè.

Bẩng tinh mơ ngọn gió trong veo hứa hẹn một ngày trong xanh êm ả. Thiếu nữ hai mắt đỏ hoe, mím chặt môi chắp tay vái tôi ba vái. Đứa bé gái tôi nuôi dưỡng hai đông qua níu chặt tay tôi muốn tôi đi cùng.

Thiếu nữ dùng sào tre bơi chiếc bè xuôi con nước, không hề ngoảnh mặt lại một lần.

Chút lòng tôi đây tôi muốn gửi thiếu nữ mang theo.

Nhưng thiếu nữ không ngoảnh mặt lại một lần.

Sinh ra tôi, thầy u đặt tên Duệ.

Tôi sống chốn non thẳm duềnh sâu đã bao năm, tôi không nhớ. Hạ qua đông đến, lâu rồi tôi thôi không nhẩm tính tháng ngày. Tôi sống với tôi một thân một bóng. Sông khúc lở khúc bồi, tôi mắt trõm lơ ngồi chong ngóc giữa đêm vô ngạn. Và tôi vẫn thở.

Rạng ngày xuống bãi, tôi quỳ khấu đầu hướng về quê lạy thầy u tôi ba lạy.

No comments:

Post a Comment