Friday, May 5, 2017

Bức họa Guernica của Picasso : 80 năm dấu tích một cuộc chiến tàn khốc



Audio: Bức họa Guernica của Picasso : 80 năm dấu tích một cuộc chiến tàn khốc



"Guernica" bức họa nổi tiếng của danh họa Pablo Picasso năm nay tròn 80 tuổi. Ngay từ đầu tháng 4/2017, từng dòng khách tham quan nườm nượp đổ về bảo tàng Reina Sofia, để chiêm ngưỡng bức họa không chỉ nổi tiếng vì do chính tay Picasso vẽ nên, mà vì « Guernica » còn là một lời tố cáo sự tàn khốc và nỗi khiếp hãi của cuộc nội chiến Tây Ban Nha, xảy ra cách nay đúng 80 năm. Guernica vẫn còn giữ nguyên giá trị nhân văn cho đến ngày nay.


"Thương tâm và hãi hùng ở Picasso" là chủ đề chính cuộc triển lãm tại bảo tàng Reina Sofia, ở Madrid, Tây Ban Nha năm nay. Triển lãm kéo dài từ 03/4 đến tận 04/9/2017. Theo mô tả của François Musseau, thông tín viên đài RFI tại Madrid, ngay trong tuần đầu tiên khai trương triển lãm, mọi con đường dẫn đến Guernica đã ngợp bóng người, cho dù đó là khách tham quan nội địa hay là nước ngoài.

"Đúng vậy, nếu nhìn vào dòng người xếp hàng dài dằng dặc trước bảo tàng Reina Sofia, gần sát nhà ga Atocha, ở Madrid. Ngay ngày đầu của cuộc triển lãm, tức vào đầu tháng Tư, mọi người đổ xô đi xem, mỗi ngày có tới 2000 lượt người, cả người Tây Ban Nha lẫn du khách nước ngoài.

Nếu như tình hình này vẫn tiếp diễn như thế cho đến tận tháng 9, thì chắc chắn số người xem sẽ lên đến mức kỷ lục. Đó là bằng chứng cho thấy ký ức về Pablo Picasso, danh họa quốc gia, giống như là Velazquez và Goya, vẫn luôn sống động, nhất là với Guernica, bức họa cực kỳ nổi tiếng.

Ở đây xin nhắc lại là Picasso đã phác họa lại cảm giác hoảng sợ, ghê rợn, hãi hùng của những người dân, tay không tấc sắt, bị quân đội quốc xã, phát xít, tức là quân đội Đức và Ý thời đó, tấn công. Chính điều đó đã thôi thúc Picasso vẽ bức tranh này."
Hoạ sĩ Pablo Picasso (sinh 25/10/1881 Málaga, Spain - mất 8/4/1973 Mougins, France)

Chấn thương tập thể


Ngược dòng lịch sử, ngày 26/4/1977, xã Guernica, thuộc cộng đồng tự trị xứ Basque, đã bị không quân Đức Quốc Xã, dưới sự hộ tống của không quân Ý dội bom. Vào thời điểm đó, đất nước Tây Ban Nha rơi vào nội chiến giữa một bên ủng hộ nền Đệ Nhị Cộng Hòa còn non trẻ và bên kia là phe ủng hộ tướng độc tài Francisco Franco. Sau cú đảo chính hụt ngày 13/07/1936 chống lại chính phủ cộng hòa, Franco đã nhận được sự hỗ trợ về mặt quân sự từ các đồng minh là Hitler (Đức) và Mussolini (Ý).

Chiếm Madrid bất thành, Franco và các đạo quân của Franco đã tiến về phía bắc Tây Ban Nha. Nhằm hỗ trợ bộ binh, các đồng minh phát xít của Franco đã quyết định dội bom những thành phố cần chiếm đóng. Nhưng thay vì nhắm vào các mục tiêu quân sự, tổng tư lệnh quân đoàn Condor là Wolfram von Richthofen, đã nhận chỉ thị từ Hitler thử nghiệm các loại vũ khí hủy diệt mới và một kỹ thuật tác chiến mới, để rồi sau này chúng được sử dụng rộng rãi trong suốt Đệ Nhị Thế Chiến : Dội bom vào thường dân.

Guernica, một xã có tinh thần cởi mở, phóng khoáng, được xem thánh địa của chủ nghĩa tự do, không hệ thống phòng không, không cơ sở quân sự đã trở thành mục tiêu lý tưởng, và đã bị biến thành một "phòng thí nghiệm cho nỗi khiếp hãi". Chỉ trong vòng 3 giờ, 44 chiến đấu cơ của phát xít Đức và 14 máy bay quân đội Ý đã đổ xuống gần 40 tấn bom, cày nát 85% diện tích thành phố, giết chết khoảng 2.000 người ngay trong ngày có chợ phiên. Một khung cảnh ác mộng. Một tội ác chiến tranh tày đình.


Biểu tượng chống chế độ phát xít và độc tài

Vẫn theo François Musseau, đây chính là điều đã thúc đẩy Picasso lúc ấy đang sinh sống ở Paris, quyết định nhận lời vẽ một bức họa theo như đặt hàng trước đó của ông Largo Caballero, lãnh đạo chính phủ cộng hòa Tây Ban Nha, sau một thời gian do dự và không muốn hợp tác.

"Chính phủ theo nền cộng hòa Tây Ban Nha ở Madrid lúc bấy giờ đã đặt Picasso vẽ vì muốn coi đây là chủ đề chính của gian hàng Tây Ban Nha tại triển lãm toàn cầu mùa xuân năm 1937 ở Paris. Thế nhưng, Picasso không hề thích vẽ theo kiểu đặt hàng như thế. Nhưng khi đã ý thức được tính chất phi lý bi thương của trận oanh kích đó, mà nạn nhân chỉ là thường dân, ông đã chấp nhận thực hiện một công việc lớn lao này, với khoảng 50 bản thảo sơ bộ.

Ông làm rất tốt. Lúc đầu bức tranh thật sự không mấy thuyết phục cho lắm. Nhưng rồi sau đó, tác phẩm này đã trở thành một biểu tượng cho sự ghê rợn của chiến tranh. Và điều này vẫn còn giá trị cho đến tận ngày nay. Đối với người phụ trách cuộc triển lãm, Guernica vẫn là một sự gợi nhắc về ký ức vào lúc mà các cuộc chiến tranh hiện vẫn đang lan rộng một cách rất đáng lo ngại."

Đó là những hình bóng bị xé tan, tiếng kêu khóc thầm lặng của người phụ nữ mất con hay hình bóng con ngựa hốt hoảng, những cảnh tượng khủng khiếp mà người xem có thể cảm nhận được ở địa phương bé nhỏ này sau trận mưa bom của quân phát xít trong ngày 26/4 định mệnh đó.
Ngay từ đầu, Guernica được xem như là một tác phẩm mang tính biểu tượng : Một biểu hiện của sự kháng cự chống lại chế độ Franco, chủ nghĩa phát xít hay Đức Quốc Xã, và mở rộng hơn nữa chống mọi hình thức độc tài. Vậy mà lạ lùng thay, theo như sử gia Javier Irujo với nhật báo Le Temps của Thụy Sĩ, lúc ban đầu bức tranh vẽ đã nhận được một sự đón tiếp lạnh nhạt từ công chúng với những tràng chỉ trích tại triển lãm toàn cầu Paris 1937 : "Người ta xem bức tranh này như là phản xã hội, nực cười, ghê rợn".

Thế nhưng, bức họa này, với chỉ hai mầu đen và trắng, mang sắc xám cũng đã nhanh chóng đạt được một quy chế duy nhất : hiện thân của sự căm ghét chủ nghĩa phát xít. Đây cũng là lý do giải thích vì sao cho đến lúc qua đời, Picasso kiên quyết từ chối Guernica trở về đất mẹ Tây Ban Nha dưới thời Franco, khiến tác phẩm nghệ thuật này phải trải qua một hành trình lưu lạc đến kinh ngạc, đi qua 11 nước (với khoảng 40 cuộc triển lãm). François Musseau cho biết tiếp:

"Đây cũng là bằng chứng cho thấy một tác phẩm nghệ thuật có thể có một giá trị to lớn. Vả lại, bản thân Pablo Picasso cũng hiểu được điều đó. Là người có tư tưởng cộng hòa, theo cánh tả, có tư tưởng nhân văn, Picasso, lúc sinh thời, đã phản đối mạnh mẽ việc bức họa Guernica bị trả về Tây Ban Nha. Bởi vì đất nước của ông lúc bấy giờ do nhà độc tài Franco thống trị.

Đến nỗi mà bức họa này bị luân chuyển gần như khắp nơi, đầu tiên hết là ở 5-6 bảo tàng tại New York ; để rồi cuối cùng yên vị ở Madrid, trong chính bảo tàng Reina Sofia này, vào năm 1982 khi đất nước có nền dân chủ. Tại đây, bức họa đã được có được một dáng vẻ kiêu hãnh, trong một gian phòng rộng lớn, bao bọc xung quanh là những bản phác thảo, ký họa và hàng trăm bức vẽ khác của Picasso đến từ các bảo tàng lớn trên thế giới ; tất cả cho thấy là danh họa vẫn luôn bị mê hoặc bởi những hình ảnh kỳ lạ, quái dị, những cảnh tượng đáng sợ."

"Guernica" : Báu vật của toàn dân
Giờ thì, "Guernica" sẽ không bao giờ rời khỏi Madrid, cho dù đó là về lại chính nơi sinh ra mình, xã Guernica. Dù tám mươi năm đã trôi qua, nhưng bức họa đen trắng với kích thước lớn (7 mét chiều dài và 3 mét chiều cao) vẫn tiếp tục gây ra những tranh luận nóng bỏng.

Vài tuần trước khi khai mạc cuộc triển lãm hồi đầu tháng 4/2017, hội đồng tỉnh Alava xứ Basque đã thông qua một bản kiến nghị đòi chuyển tác phẩm này về xã Guernica, được cho là nơi tưởng niệm tuyệt vời.

Với lý do, "Khó có thể để bức họa này du hành do điều kiện bảo quản cực kỳ khó khăn" như tuyên bố của phát ngôn viên chính phủ Inigo Mendez de Vigo, chính quyền Madrid tỏ ra rất rõ ràng. Không những Madrid nói không với xứ Basque mà cả với Catalan, không lay động trước những thỉnh cầu của những người mang tư tưởng chủ nghĩa dân tộc vùng miền đang tìm cách khẳng định bản sắc. Đối với Madrid, "Guernica" là một "báu vật" của toàn dân Tây Ban Nha.

Về phần mình, xã Guernica cứ mỗi năm có một ngày trở thành "thủ đô hòa bình thế giới". Cũng vào ngày đó, thế giới hy vọng những hồi chuông giáo đường từ Guernica sẽ vang vọng đến tận Syria, nơi mà một số trận oanh kích cũng đánh trúng vào thường dân, như để đau đớn nhắc nhở rằng hòa bình vẫn là một món quà rất ư mong manh.

Nguồn: RFI / Minh Anh



No comments:

Post a Comment